Chương 2: Một đôi bích họa

Kiến Huy năm thứ hai, bên trong phủ Định Vương ở Đông Đô, thấp thoáng bóng dáng tiểu hài tử khoảng độ mười ba tuổi, một thân lục bào, phối với đôi lục ngoa thêu chỉ vàng, đầu đội kim quan, đôi chân thoăn thoắt vượt qua hòn sơn giả, bước ngắn bước dài chạy hướng về đại môn.

Gia đinh, nô tì trông thấy vị tiểu hài tử này chạy tới gần đều lui về một bên nhường đường, đồng thời cung kính cuối đầu hành lễ. Phía sau hài tử là tiếng bước chân vội vã đuổi theo, cùng tiếng thở dốc kinh hô: “Tiểu vương gia, ngài chậm một chút không khéo lại trượt ngã.".

Vị tiểu tổ tông của ta, ngài tuyệt đối đừng lại vấp ngã, nếu ngài mà vấp ngã cái đầu này của ta chắc phải sớm dời nhà mất thôi, trong lòng A Cẩn vừa tự nhủ, trước mặt vị tiểu hài tử kia đã chân vấp bậc thềm. Chậc, chậc đây không phải là thật sự muốn ngã đó chứ.

Khi A Cẩn cùng đám gia đinh, nô tì rượt đuổi theo sau đang chuẩn bị lấy thân mình làm đệm thịt, thì nhoáng một thân ảnh hắc sắc lại bay vọt lên trước đưa tay chuẩn bị đỡ lấy vị tiểu hài tử tinh nghịch đầu chuẩn bị tiếp đất. Trong thoáng chốc tiểu hài tử đã xoay thân trở mình, một chiêu nghịch đảo càn khôn đứng vững nơi đại môn.

Tiểu hài tử quay đầu lại nhe răng, nở nụ cười đắc ý với đám gia nô phía sau đã té ngã nằm rạp trên nền đất, giọng nói non nớt của tiểu hài tử pha chút nghịch ngợm “Ta, ta… chỉ đùa vui chút thôi, mọi người không cần khẩn trương như vậy. Yên Nhi tỷ tỷ lần này tỷ lại phạm quy. Chưa có hiệu lệnh của ta đã tự ý xuất hiện, tỷ nói xem ta nên…”

Lời chưa nói xong, đôi tai nhỏ bé của tiểu hài tử đã bị ai đó tóm lấy, nắm chặt không buông. Tiểu hài tử ăn đau, miệng la oai oái, quay đầu lại nhìn thấy mỹ mạo đang cười như không cười của mẫu thân thì bị một phen kinh hách, mẫu thân đại nhân thật sự tức giận rồi.

“Lạc nhi, mẫu thân đã căn dặn con không được chạy loạn trong phủ. Không được mang gia nhân trong vương phủ ra đùa giỡn. Con xem mới sáng sớm, trong phủ đã loạn thất bát tao. Xem ra lần này, mẫu thân một người đi lễ phật là được. Con lập tức về phòng đóng cửa diện bích, chép mười lần hoàng gia lễ nghi cho mẫu thân”. Nói đoạn vị phu nhân quay sang gia nhân căn dặn: “Yên Nhi lâu ngày không gặp, ngươi ở bên ngoài nhớ cẩn trọng giữ gìn thân thể. A Cẩn còn không mau đưa tiểu vương gia về phòng. Những người còn lại không có việc gì thì lui xuống hết đi”.

Tiểu hài tử giương đôi mắt to màu hổ phách ngước nhìn mẫu thân, có bao nhiêu hối lỗi liền có bấy nhiêu vô tội. Thổi phồng cái má trắng nõn căng tròn, chu lên đôi môi nhỏ nhỏ hồng hồng, thập phần ủy khuất lên tiếng: “Mẫu thân, hoàng gia gia đã ân điển Lạc nhi một đời miễn lễ, Lạc nhi mới không cần phải viết cái gì mà hoàng gia lễ nghi a mẫu thân. Mẫu thân bây giờ chúng ta có thể xuất phát được rồi”.

Trông thấy bộ dạng hung ba ba này của tiểu hài tử, vị phu nhân kia chỉ có thể bật cười, lắc đầu ai thán bộ dáng này thật giống với vị phu quân đại nhân kia của nàng. Sau này không biết sẽ lại làm khổ bao nhiêu vị mỹ mạo thiên kim. Từ bên hông xuất ra chiếc khăn lụa tinh xảo, nhẹ nhàng lau đi lớp mồ hôi mỏng trên vầng tráng tinh khôi, điểm sương vương nơi hàng chân mày anh khí của vị tiểu hài tử. Rồi nhẹ nhàng nắm lấy những ngón tay mềm mềm phấn nộn, dắt tiểu hài tử hướng ra đại môn, nơi chiếc xe ngựa đã đứng đợi sẵn từ trước.

Phải, vị tiểu hài tử kia chính là vị hoàng tôn truyền thuyết trong lời đồn của dân chúng khắp Vĩnh Quốc, Lạc Vương gia – Du Tử Dạ. Bên cạnh Lạc vương là thân mẫu, Vương phi Tiêu An Niên, là thê tử kết tóc của Định Vương gia – Du Chấn. Đoạn tình cảm giữa Định Vương gia và Vương phi, giang hồ đệ nhất mỹ nhân Tiêu An Niên sánh đôi cùng lãng tử hiệp khách Du Chấn, ở trong dân gian lại là một giai thoại khiến người người ngưỡng mộ.

Mỗi tháng vào ngày mười lăm, Tiêu An Niên đều cùng với hài tử, ngồi cỗ xe ngựa đơn sơ, điệu thấp lên núi Lăng Sơn, khấn phật tại Đông Đô Đại Quốc Tự. Mỗi lần bái phỏng Đại Quốc Tự, Tiêu An Niên ít nhiều sẽ lưu lại vài ngày thanh tâm quả dục, ăn chay tụng kinh, thành tâm lễ phật.

Từ Định Vương phủ ra khỏi Đông Đô, đi theo quan đạo hướng tây nam. Cỗ xe ngựa lộc cộc xuyên qua những sợi nắng mỏng manh của buối sớm mai, chạy dọc theo dòng sông Vận Thủy tiến vào chân núi Lăng Sơn. Vào thời điểm đầu xuân, dưới chân núi Lăng Sơn ngập tràn những nhành hoa linh lan ướt đẫm sương đêm, tĩnh lặng, khiêm cung, ẩn nhẫn chờ ngày khai hoa.

Từ ô cửa cổ xe ngựa nhìn vào, có thể nhìn thấy một đôi mắt chớp động, như muốn đem hết cảnh sắc bên ngoài thu hết vào trong đôi con ngươi màu hổ phách. Chốc chốc sẽ lại nghe thấy tiếng Tiêu An Niên sủng nịch pha lẫn trách móc hài tử: “Lạc nhi, cẩn thận kẻo té ngã. Sao cứ mãi ngây ngốc cảnh sắc bên ngoài mà hồ đồ quên mất vị đại mỹ nhân là mẫu thân đang ngồi cạnh bên là ta đây. Đúng là đại ngốc tử mà”.

Nàng vừa dứt lời đã nghe thấy tiếng khúc khích nén cười phía đối diện. Ném ánh mắt về phía thư đồng A Cẩn và nha hoàn thϊếp thân Tiểu Thiển của nàng, đổi giọng: “A Cẩn, Tiểu Thiển, các ngươi nói thử xem bổn cung nói phải hay là không phải.”.

A Cẩn và Tiểu Thiển nhìn nhau bất đắc dĩ, không mưu mà hợp, gật đầu lia lịa như gà mổ thóc, lời ra khỏi miệng không ngừng tán thành.

Tiêu An Niên lại đâm chiêu nhìn tiểu hài tử, nhi tử này của nàng, không phải cùng nàng mẫu tử tình thâm một bước không nỡ rời mà cheo chân tháp tùng nàng, càng không phải thành tâm hướng phật mà chạy theo nàng tới tận Lăng Sơn, Đông Đô Đại Quốc Tự. Ngốc tử nhà nàng hào hứng đến đây chỉ vì mê mẫn tình này cảnh này. Từ xưa đến nay, hài tử si mê thư họa là điều phụ mẫu như nàng có muốn cầu mà chưa chắc đã được. Nhưng tiểu hài tử này của nàng không chỉ đơn giản là si mê, mà phải nói là chấp mê bất ngộ.

Mỗi lần từ Lăng Sơn trở về tiểu tử này đều sẽ đóng cửa thư phòng, bế quan họa bích đồ. Không quá mười ngày nửa tháng tuyệt không bước chân ra khỏi thư phòng. Có một lần vừa ra khỏi thư phòng liền bất tỉnh mê man trên giường suốt ba ngày ba đêm, thật khiến nàng cùng phu quân một phen chấn kinh.

Trong lúc giận dỗi nhi tử nhiều hơn là đau lòng, nàng cùng phu quân hợp mưu mang hết bích họa trong thư phòng thiêu trụi sạch sẻ không lưu lại một bức. Nghĩ là nghĩ vậy thôi, Tiêu An Niên nàng dù có tức giận cũng không phải kẻ ngốc, giấy vẽ, mực nước đều phải dùng ngân lượng để mua hay sao. Nghĩ vậy nàng đã sai A Cẩn mang hết bích họa đi Trân Mặc Trai, vậy mà lại đổi được hẳn hai mươi lượng bạc, cùng ít giấy vẽ và mực nước mang về.

Sau hôm đó, Trân Mặc Trai mở bán đấu giá bộ sưu tầp bích họa ký danh “Tiểu Lang Quân”, một bức bích họa thấp nhất bán được hơn trăm lượng bạc, trong bộ sưu tập vậy mà có một đôi bích họa “Niên diên niên – Hoa khai hoa” và “Phong truy phong – Thủy nhạo thủy”, mỗi bức giá trị thiên kim, chấn động toàn Đông Đô. Kể từ đó danh xưng Tiểu Lang Quân nối tiếng khắp Vĩnh Quốc. Thương nhân, danh sĩ các nước lân cận cũng đặc biệt ngưỡng mộ, không tiếc ngân lượng săn lùng bích họa của vị Tiểu Lang Quân thần bí này.

Chỉ đáng thương cho Tiêu An Niên nàng, nếu không phải vì giữ thanh danh cho phu quân, thể diện cho phủ Định Vương, nàng đã công khai mang binh lật từng viên gạch, dở từng mảnh ngói Trân Mặc Trai, đem cường quyền ra đè bẹp lão bản Trân Mặc Trai đòi lại công bằng cho số bích họa đã bán. Có như vậy mới khiến nàng hả lòng hả dạ, chỉ vì thu về tay mỗi hai mươi lượng bạc mà nàng phải ấm ức chịu đựng nhi tử lạnh nhạt trong suốt đoạn thời gian dài đằng đẳng một ngày.

Tiêu An Niên nàng thật oan uổn mà, làm phụ mẫu thật không dễ dàng mà.