Chương 2: Đường gia

Chiến tranh biên giới 1979 nổ ra, nhưng trước đó vài năm, đã có làn sóng di dân người Hoa rời bỏ Việt Nam vô cùng lớn, họ đi bằng tất cả con đường có thể, vượt biển về Hồng Kông, sang Lào hay Campuchia, hoặc ra phía Bắc biên giới để về Trung Quốc. Trong những gia đình người Hoa ấy, có một gia đình vẫn kiên trì ở lại, gia tộc họ sang phía Bắc Việt Nam từ rất lâu rồi, không rõ là từ đời nào, chắc cũng phải trăm năm, tuy vẫn giữ nét truyền thống Trung Hoa vốn có, nhưng họ cũng đồng hóa dần với bản sắc người Việt bản địa. Đối với họ, Việt Nam mới là quê hương. Gia cơ nhà đó cũng hoành tráng lắm, gia phong cũng rất nghiêm khắc nề nếp, con cái ai cũng lễ phép và thành đạt. Người lớn thì hào sảng, trọng tình trọng nghĩa, người trẻ thì lễ nghi, kính trên nhường dưới, chẳng bao giờ bà con láng giềng có một ý phàn nàn nào cả. Họ sẵn lòng giúp đỡ bà con xung quanh, nên ai cũng vô cũng biết ơn và cảm kích, không ai vì họ là người gốc Hoa mà kỳ thị cả. Ở đó, người ta gọi chung họ cũng bằng cái danh hiệu mà họ tự xưng: "Đường nhân"

Chẳng rõ họ xưng như vậy, là do gia tộc đó vốn mang họ Đường hay từ thời nhà Đường bên Trung Quốc sang đây lập nghiệp, nhưng khi làn sóng người Hoa di tản khỏi Việt Nam, có đi qua vùng đó, nhà họ Đường ra sức giúp đỡ từ miếng ăn giấc ngủ, đến lộ phí cho tản dân, cũng có nhiều tản dân khuyên họ rời bỏ Việt Nam, về Trung Quốc nhưng họ chỉ cười mà đáp rằng: "Trung Quốc là nguồn gốc, nhưng Việt Nam mới là quê hương". Không chỉ nạn dân, cả cán bộ chiến sĩ tham chiến thời bấy giờ cũng được họ giúp đỡ, họ tỏ rõ quan điểm, họ là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đây mới là đất nước của họ. Thậm chí có lần quân địch đánh sâu vào bên trong biên giới, các chiến sĩ của ta được nhà họ Đường nuôi giấu, kẻ địch thấy đây là nhà của người Hoa nên chỉ khám qua loa, rồi rời đi, lần đó đã cứu sống gần mấy chục người. Khi hai nước dần bình thường hóa quan hệ, họ còn được cán bộ địa phương tuyên dương rất tích cực.

Nhà họ Đường sống riêng trên một ngọn đồi lớn, tuy không phải một sơn trang nhưng so với các nhà xung quanh cũng là khủng bố lắm rồi. Người Hoa vốn giỏi buôn bán, làm ăn kinh tế nên cơ ngơi nhà họ Đường cũng hoành tráng lắm, trên ngọn đồi ấy có một tòa nhà hai tầng uy nghi nằm giữa đỉnh, tuy hai tầng thôi nhưng từ phong cách kiến trúc đến độ tinh xảo hoa văn chạm trổ cũng cho thấy chủ nhân ngọn đồi là một người giàu có cỡ nào. Ngoài tòa nhà chính ra thì xung quanh có các tòa nhà khác nhỏ hơn giống như vệ tinh, cùng chung kiểu kiến trúc Trung Hoa đó, nhưng các tòa nhà xung quanh thì nghe bảo hình như chỉ dành cho người giúp việc ở, vì gia tộc đó chỉ sống trong tòa nhà chính thôi.

Nhà họ Đường vốn ít người, nghe đâu mỗi đời chỉ sinh được một thằng con trai duy nhất, và hôn phối của họ thì tuyệt nhiên không bao giờ cùng người Việt cả. Những người lớn tuổi ở khu ấy còn nhớ được mà kể lại, họ chỉ nhớ thấy đời ông cụ cố nhà đó đã có bà cố người Hoa, rồi tới đời tiếp theo là cụ Đường Từ, người con duy nhất cũng có vợ là người Hoa, cụ sinh ra bác Đường Tiên, rồi đời nữa là anh Đường Khánh, đám cưới rình rang mọi người mới biết là anh vừa sang bên Trung Quốc để lấy một cô vợ người Hoa về bên này, đám cưới đó khoảng những năm 70, lúc ấy anh vừa 20 tuổi. Vì thế đàn ông trong nhà họ Đường nói Tiếng Việt rất chuẩn, vì họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, duy chỉ có phụ nữ trong nhà là nói hơi ngọng.

Quanh tòa nhà chính có các tòa nhà nhỏ hơn của người giúp việc, mà theo Hán văn họ vẫn gọi là "gia nhân", nhưng gia nhân trong nhà cũng được phân cấp rõ ràng, hai tòa gần nhà chính nhất là gia nhân người Hoa làm việc, họ chuyên lo việc nấu các món ăn, chăm lo nề nếp sinh hoạt, bố trí lễ bái các ngày trọng đại theo truyền thống người Hoa. Còn các tòa khác ở xa hơn và gần chân đồi hơn thì gia nhân người Việt sống, họ chăm lo vườn tược đồng áng, chăn nuôi gia súc để cung cấp lương thực cho toàn bộ miệng ăn trong nhà. Nói phân cấp gia nhân thì cũng không hẳn, đúng hơn là khác nhau về ngôn ngữ và phong tục văn hóa, nên dĩ nhiên những gia nhân người Hoa cần phải sống gần với gia chủ hơn, còn người Việt thì đông hơn, nhưng khác bản sắc là một phần, phần nữa là người Việt quen với thổ nhưỡng khí hậu nơi đây, họ biết phải chăn nuôi và canh tác như thế nào mới ra được hiệu quả tốt nhất. Với lại nhà họ Đường đó sống cũng bình đẳng với gia nhân lắm, cả người Việt hay người Hoa đều rất quý.

Nghe đâu có hôm bác Đường Tiên vừa đi buôn bán bên ngoài về, đi qua sân nhà gần cổng ra vào, có thể hiểu đây là nhà bảo vệ, nhưng là một căn nhà hai tầng, gia nhân ở đó có hai gia đình người Việt sống mỗi gia đình một tầng, hai ông chồng thì chuyên phụ trách túc trực ở hai đầu cổng, hai bà vợ thì lo việc chăm sóc vườn rau, chuồng trại, bác thấy họ ăn uống đạm bạc quá mà trong lòng xót xa:

- Ôi! Gia nhân của tôi ơi! Sao anh chị lại ăn uống thế này, mỗi rau với mắm thì lấy sức đâu mà làm việc.

Cả nhà vội buông đũa xuống mà thưa:

- Dạ! Bác Đường Tiên đã về ạ! Chúng tôi ăn uống thế này quen rồi!

Bác Đường Tiên tiến vào, ngồi xuống mâm cơm cùng cả nhà:

- Mọi người có khó khăn gì sao, cứ nói ra chúng tôi sẽ giúp đỡ mà.

- Cũng không có gì đâu bác, chúng tôi được làm công ở nhà bác là tốt lắm rồi, nhà bác đối xử với chúng tôi tốt quá, chúng tôi trả ơn còn không hết… nào dám nhờ bác nữa.

Bác Đường Tiên lắc đầu, bác bảo một chị vào lấy cho bác bộ bát đũa để ngồi ăn cùng mọi người, mấy người gia nhân đó cũng ngỡ ngàng, họ ra sức can ngăn nhưng bác gạt đi:

- Mấy anh chị hay nhỉ, tôi ăn một bát cơm cho đỡ đói thôi không được à, nếu có tí cuốc lủi nữa thì đem ra đây, tôi cạch với hai anh nhà một chén!

Thế là từ ngày hôm đó, tất cả gia nhân người Việt đều được tăng lương, ngoài ra cứ mỗi ngày đầu tháng và giữa tháng, nhà họ Đường đều phân phát thêm thực phẩm nào thịt thà, rau củ, gạo muối. Giữa thời đất nước còn đang oằn mình đứng dậy, mà họ có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định như vậy cũng là may lắm rồi, vì thế mà tình cảm của họ dành cho nhà họ Đường càng ngày càng sâu sắc.