- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cổ Đại
- Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện
- Chương 66: Bọ ngựa bắt ve chim sẻ đứng sau (hạ)
Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện
Chương 66: Bọ ngựa bắt ve chim sẻ đứng sau (hạ)
Trương Dũng chưa kịp đoạt mạng Thường Tịnh Đạo thì Khẩu Tâm phi thân tới giải cứu.
Binh! Khẩu Tâm vừa tới đã tung một cú đá vào đầu gối Trương Dũng, chiêu Hổ Vĩ Cước của Thiếu Lâm đã thành công hóa giải Kim Tiêu Cước của phái Côn Lôn.
Thường Tịnh Đạo nhờ có Khẩu Tâm ra mặt, thoát được cửa tử trong đường tơ kẽ tóc. Thường Tịnh Đạo hoàn hồn, thở ra một hơi, cả mừng, rồi nhảy lùi ra đứng phía sau lưng Khẩu Tâm.
Về phần Tôn Hứa Khải thì cũng muốn tiến đánh Trương Dũng để trả thù cho Hoành Đình và Trần Trạch Lâm, nhưng lại bị binh lính triều đình cầm chân. Tôn Hứa Khải bắt buộc phải thi triển kiếm pháp giao đấu với mười tên lính Thanh. Một lúc sau, lại có thêm hai tên thị vệ thân tính của Trương Dũng đến trợ chiến, rồi hai mươi mấy tên lính khác từ tứ phía đều ùa tới bao vây Tôn Hứa Khải.
Tôn Hứa Khải thành công đánh bạt đám lính đang bao vây chàng ra ngoài, chạy gần tới chỗ Trương Dũng, định hợp sức với Khẩu Tâm tiêu diệt Trương Dũng, thì bên cạnh lại có bảy tám tên lính nữa chạy đến múa trường đao cản trở. Cứ như thế, binh lính triều đình không cho Tôn Hứa Khải tới gần Trương phó tướng của chúng. Thường Tịnh Đạo thấy Tôn Hứa Khải một mình tả xung hữu đột, bèn chạy đến cùng Tôn Hứa Khải hợp sức giao đấu.
Lại nói tới Trương Dũng khi này nhìn Khẩu Tâm lăm lăm. Khẩu Tâm cũng gườm gườm nhìn lại Trương Dũng. Ánh mắt hai người không chớp lấy một cái.
Thường Tịnh Đạo vừa đánh quân binh vừa liếc nhìn Khẩu Tâm và Trương Dũng, chờ hai người này giao thủ, nhưng chờ một hồi chỉ thấy hai người chỉ dò xét thần sắc đối phương, chờ thêm một lát nữa thấy gương mặt Trương Dũng vơi đi vẻ ngang tàng như khi đánh nhau với chàng.
Thời thần lúc này là chính Ngọ, mặt trời chiếu thẳng xuống chiếc áo cà sa màu vàng nghệ của thiếu đà chủ, làm cho toàn thân Khẩu Tâm như có dát vàng lên vậy.
Lại nữa tướng tá Khẩu Tâm rất to lớn, nhìn cứ như một pho tượng Phật đứng giữa rừng Bình Lương.
- A Di Đà Phật! – Thường Tịnh Đạo nghe Khẩu Tâm chắp tay hỏi Trương Dũng – Thí chủ là đồ đệ của cao nhân nào, xin cho biết quý danh của tôn sư?
Trương Dũng đáp:
- Sư phụ ta họ Mạc.
- Thì ra là đồ đệ Mạc tiền bối! Nghe danh ngài ấy đã lâu mà không hữu duyên được gặp, hôm nay được tỉ thí với truyền nhân của ngài cũng coi như là đã phỉ nguyền ước ao.
Khẩu Tâm dứt lời vẫn chỉ nhìn Trương Dũng, Thường Tịnh Đạo tưởng lúc nãy Khẩu Tâm đánh với quân Thanh đằng kia, đã ngó thấy Trương Dũng sử dụng đao thuật rất là linh diệu, các chiêu thức biến hóa vô lường, nên chưa vội ra tay tiến đánh Trương Dũng.
Thường Tịnh Đạo đã có nghe qua đôi chút về Trương Dũng. Họ Trương là một trong số ít các trung thần của Khang Hi tiểu hoàng đế. Mới ban đầu, Trương Dũng xuất thân là một sĩ tử trong kỳ thi võ trạng nguyên, được Thuận Trị ban cho chức võ quan lục phẩm. Ở trong triều nghe nói Ngao Bái có ý lôi kéo Trương Dũng ngả theo bè phái chống đối Thuận Trị, nhưng vì được Thuận Trị chiêu hầu phong tướng cho nên Trương Dũng quyết theo phò chủ. Trương Dũng đầu quân dưới trướng Tế Độ, người mà Thuận Trị hết sức tin tưởng. Tuy tuổi tác Trương Dũng còn trẻ, mà tay chân rất là hoạt bát nhanh nhẹn, còn đao pháp thì được học từ Mạc Khang nên trùng trùng kỳ diệu bao la, riêng nội công thì cao siêu thuộc về hàng cao nhân tiền bối.
Về phần Trương Dũng thì lúc này cũng không giao đấu với Khẩu Tâm vội. Thường Tịnh Đạo thấy họ Trương đang nhìn xâu chuỗi tràng hạt mà Khẩu Tâm cầm trong lòng bàn tay. Thường Tịnh Đạo biết đó không phải một xâu chuỗi bình thường mà chính là một thứ vũ khí gϊếŧ người lợi hại chẳng khác gì Thiếc Đầu Lôi.
Khẩu Tâm vẫn còn từ tốn nói:
- A Di Đà Phật, bần tăng là đại đồ đệ của đại sư Giác Viễn, sư phụ bần tăng và sư phụ thí chủ hồi còn sống là tri kỷ, bần tăng thật không muốn đánh nhau với thí chủ. Chỉ cần thí chủ bỏ đồ đao xuống, ngã Phật từ bi, quay đầu là bờ, xin thí chủ hãy cùng bần tăng hợp sức lại đánh đuổi nhóm người Mãn ra quan ngoại.
Trương Dũng nói:
- Đừng nhiều lời.
- Vậy hôm nay – Khẩu Tâm nói - Hai môn phái chúng ta đành phải phân cao thấp với nhau rồi, xin thí chủ cho phép bần tăng thỉnh thủ vài đường quyền.
Khẩu Tâm dứt lời không để Trương Dũng kịp mở miệng nói tiếng nào nữa, lập tức quàng bàn tay cầm xâu chuỗi ra phía sau lưng, tay kia tung thủ pháp của Thiếu Lâm đánh ra.
Bộ Thủ Chỉ là bộ quyền thuật chuyên sử dụng các đầu ngón tay và mũi bàn tay để ra đòn. Khẩu Tâm xuất Tứ Chỉ Dương Hầu, đòn pháp thứ tư trong Bộ Thủ Chỉ dùng bàn tay bốn ngón lật ngửa ra đâm vào yết hầu Trương Dũng.
Trương Dũng bước lui một bước nhường ngón đòn của Khẩu Tâm phớt qua cổ.
Vèo! Đòn đi rất nhanh mà Trương Dũng tránh cũng càng nhanh.
Khẩu Tâm thu tay về, được nửa chừng, lại xuất ra một chiêu đòn tay khác. Chiêu đòn tay thứ hai này cũng là một chiêu thức trong Bộ Thủ Chỉ gọi là Song Chỉ Thu Châu. Khẩu Tâm cong hai ngón tay dùng hai ngón còn lại đâm vào mặt Trương Dũng, đòn này được Khẩu Tâm xuất ra cũng nhanh không kém chiêu thứ nhất.
Nhưng Thường Tịnh Đạo cũng phải thán phục đôi chân nhanh nhẹn của Trương Dũng, họ Trương nhanh nhẹn phải biết, tiếp tục thoái lui để né thủ pháp. Thường Tịnh Đạo vừa ấm ức vừa tự nhủ, nếu là chàng trong tình thế của Trương Dũng, chắc đã bị Khẩu Tâm làm cho mù mắt rồi.
Khẩu Tâm đương nhiên không dừng ở đó, tiếp tục xuất chiêu thứ ba là Tam Chỉ Thần Ưng, ba ngón cái, trỏ và giữa của Khẩu Tâm đâm thẳng ra. Thường Tịnh Đạo thấy Trương Dũng giơ tay lên gạt. Trong bụng họ Thường hả hê vô cùng. Thường Tịnh Đạo quen thuộc chiêu thức này của Khẩu Tâm. Thường thì Khẩu Tâm sử chiêu này là kẻ địch sẽ tưởng Khẩu Tâm lấy ba ngón tay đâm vào mặt nên hay bảo hộ phần trước mặt, và vì chỉ lo che chắn phần trên của cơ thể nên bên dưới sẽ lộ ra một sơ hở rất lớn.
Thường Tịnh Đạo thấy đúng là Trương Dũng mắc bẫy của Khẩu Tâm, Trương Dũng chưa kịp ngộ ra sơ hở chết người, thì đã trễ, Khẩu Tâm đã chĩa tay thẳng xuống đất để lấy thế chống cho cú đá Lôi Công Cước.
Bốp! Trương Dũng trúng độc cước, lãnh trọn bàn chân của Khẩu Tâm vào ngay giữa bụng, phát ra tiếng kêu rõ to. Trong bụng Thường Tịnh Đạo thêm mở cờ khi thấy họ Trương chưa kịp thẳng người lên lại nhận thêm Độc Chỉ Cương Thương, ngón cái của bàn tay có cầm xâu chuỗi của Khẩu Tâm đâm mạnh vào một bên sườn Trương Dũng. Khi Khẩu Tâm thu hồi thủ pháp, Trương Dũng kêu hự thêm một tiếng động trời nữa rồi thoái lui mười mấy bước.
Hai mắt Thường Tịnh Đạo lóe sáng. Khẩu Tâm tập kích Trương Dũng liên tu bất tận, mà Trương Dũng không thể đánh trả một chiêu nào. Nhưng, Thường Tịnh Đạo mừng rỡ có hơi mau một chút, khi Trương Dũng thoái lui, thì đứng ngay ở nơi mà họ Trương đã đánh rơi thanh đao. Trương Dũng bèn dùng mũi bàn chân, hất thanh đao lên nắm trong tay, khua đao áp sát vào Khẩu Tâm.
Hầu hết trong và ngoài võ lâm ai cũng đều nghe nói đến Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi, uy danh rất lớn. Cho nên cho dù Trương Dũng có dũng khí mạnh bạo, đánh tới tấp, Khẩu Tâm vẫn có thể đối phó không hề nao núng.
Trương Dũng xuất một lượt mấy chục chiêu thức, Khẩu Tâm đỡ được hết mấy chục chiêu. Tới chiêu thứ sáu mươi gọi là Bạch Phát Cương Đao thì Trương Dũng dùng đao từ trong chém vuốt ra, tia sáng rực từ lưỡi đao phát ra.
Nhân lúc Khẩu Tâm nheo mắt tránh tia sáng trắng từ lưỡi đao, Trương Dũng phối hợp với chiêu Thích Sát Cương Đao, dùng mũi đao đâm thẳng vào l*иg ngực Khẩu Tâm.
Khẩu Tâm là đại đồ đệ của Võ Thánh, lại là thiếu đà chủ của Thiên Địa hội, đương nhiên lâm trận không biết bao nhiêu lần mới lên được tới chức vị đó, cho nên, Khẩu Tâm tiếp chiến rất là ung dung và bình tĩnh. Thường Tịnh Đạo thấy Khẩu Tâm chẳng cần nhìn vào mũi đao của Trương Dũng, mà vẫn có thể vung tay một cái, xâu chuỗi tràng hạt trong bàn tay Khẩu Tâm lao đi.
Mấy hạt san hô tức thì rời khỏi sợi chỉ đỏ vù vù bay đi, hướng thẳng vào mũi đao.
Tuy chỉ là mấy hạt san hô, nhưng với công lực của Khẩu Tâm, đem so với Trương Dũng vốn cao hơn vài bậc, cho nên lúc mũi đao và mấy hạt san hô chạm nhau đã tạo ra một âm thanh vang rền như tiếng sấm nổ. Mấy hạt san hô có tác dụng hãm đà mũi đao, Khẩu Tâm nhờ đó chỉ cần nhẹ nhàng đảo mình sang bên, là tránh được đòn trí mạng của Trương Dũng.
Sau khi Trương Dũng công kích không trúng mục tiêu, cũng thu đao về.
Chiêu thức Thích Sát Cương Đao là tuyệt kỹ đã làm nên danh tiếng của đồ đệ Mạc Khang, chiêu đó vừa thần tốc vừa chính xác, vậy mà chỉ trong chớp nhoáng Khẩu Tâm từ như sắp bại đã chuyển thành thắng, hoặc ít nhất cũng đã lấy lại thế quân bình.
Hai bên tiếp tục trao đổi thêm mấy chục chiêu.
Đến chiêu thứ một trăm, Trương Dũng phóng mình lên cao, rồi hai tay cầm chặt cán đao chém một nhát xuống đầu Khẩu Tâm.
Khẩu Tâm phản ứng bằng cách cho tay vào áo cà sa lấy vũ khí Thiếc Đầu Lôi vung lên, bằng động tác nhuần nhuyễn, Khẩu Tâm quất một đường từ dưới đất quất lên, đỡ lấy nhát đao.
Keng! Thanh đao bị Thiếc Đầu Lôi đánh bật ra, Trương Dũng lộn nhào trên không một vòng rồi đáp xuống đất.
Thường Tịnh Đạo thấy Trương Dũng sử hai tuyệt kỹ của Côn Lôn vẫn không đả bại được Khẩu Tâm, biết Khẩu Tâm nắm chắc phần thắng.
Đối với Thường Tịnh Đạo, thì Khẩu Tâm có võ công lợi hại bậc nhất, các chiêu thức đánh ra không hề tầm thường, mỗi lần xuất thủ là khiến cho địch mất hết cả nhuệ khí.
Khẩu Tâm không để Trương Dũng điều khí định thần, đang ở thế công, nên cầm dây xích xoay người một cái, thân hình di chuyển tay cũng xoáy theo, sợi dây quay mòng mòng mấy vòng trên đầu Khẩu Tâm rồi bay xoẹt ra. Trương Dũng thấy Thiếc Đầu Lôi sắp chụp trúng đầu thì đảo người sang một bên mà tránh.
Trong một lần Trương Dũng không nhảy tránh, mà dùng đao chém vớt từ dưới hớt lên, xéo bốn mươi lăm độ, chém vào sợi xích nối liền với Thiếc Đầu Lôi.
Keng! Thanh đao của Trương Dũng sắc bén là vậy, vậy mà sợi xích trong tay Khẩu Tâm không bị chém đứt đi, mà lưỡi đao lại bị sợi xích cuốn chặt lấy không thể rút ra.
Thường Tịnh Đạo thấy Trương Dũng nghiến răng nghiến lợi cố rút đao ra. Khẩu Tâm khẽ lơi tay, Trương Dũng bị mất thăng bằng bước lui về sau mấy bước, còn đang loạng choạng đứng không vững, thì tay không cầm sợi xích của Khẩu Tâm tung một chưởng đánh ra. Trương Dũng vội dùng tay không cầm đao vận chưởng đánh trả lại Khẩu Tâm, bùm một tiếng vang lên. Do Trương Dũng không thể trụ vững chân nên nội lực dồn vào chưởng pháp không sao bằng Khẩu Tâm, Trương Dũng bị đánh té bật ngửa trên đất, máu từ miệng họ Trương búng ra ngoài một ngụm lớn.
Khẩu Tâm cũng đoạt được thanh trảm mã đao.
Trương Dũng bị mất binh khí, còn đang nằm trên đất liên tiếp thổ mấy ngúm máu thì vù một tiếng, Thiếc Đầu Lôi lại được Khẩu Tâm vung ra.
Trương Dũng lăn một vòng tránh cái l*иg sắt rồi gượng đứng lên, nhưng còn chưa đứng thẳng người lên, đã phải hét một tiếng chấn động cả rừng Bình Lương.
Chả là Trương Dũng bị chính thanh đao của mình chém một nhát vào chân, do Khẩu Tâm vừa ném Thiếc Đầu Lôi vừa phóng thanh đao vào nơi Trương Dũng sẽ lăn đi để tránh Thiếc Đầu Lôi, nên Trương Dũng bị mắc kế của Khẩu Tâm.
Khẩu Tâm lại tiếp tục vung Thiếc Đầu Lôi.
Nhưng Thường Tịnh Đạo chỉ thấy Khẩu Tâm điều khiển Thiếc Đầu Lôi bay chờn vờn trên cao mà không nhắm vào một mục tiêu nào trên mình họ Trương cả. Mà Trương Dũng thì hoàn toàn hớ hênh, vì toàn thân đang bị thương, sẽ không thể tránh khỏi Thiếc Đầu Lôi, nên chỉ cần Khẩu Tâm nhắm vào cái đầu của họ Trương, là có thể đoạt lấy thủ cấp của Trương Dũng một cách dễ dàng.
Cuối cùng Thường Tịnh Đạo cũng thấy Khẩu Tâm ném Thiếc Đầu Lôi vào đầu Trương Dũng, cái l*иg sắt nhấp nháy mấy thanh sắt trông như những cái răng bén nhọn, tiếc là mấy cái răng đó chưa kịp chụp vào đầu Trương Dũng thì có đột biến.
Sợ xích sắt gắn liền với Thiếc Đầu Lôi tự nhiên bị đứt, làm chiếc l*иg rơi xuống đất đánh bộp một tiếng.
Thiếc Đầu Lôi lăn tới dưới chân Thường Tịnh Đạo, họ Thường vội tung một quyền đánh bạt một tên lính ra rồi hét to:
- Ám khí! Mọi người coi chừng ám khí!
Người Thiên Địa hội vô cùng căng thẳng vì khu rừng lúc chưa rối loạn vốn có nhiều cây vân sam để làm nơi ẩn nấp, huống gì tình hình lộn xộn bấy giờ không thể nào nhận diện được tụ tiễn hay cung tên sẽ được phóng ra từ hướng nào.
Thường Tịnh Đạo nói rồi lia mắt ra tứ bề tìm, nhưng người vừa cắt đứt Thiếc Đầu Lôi của Khẩu Tâm chỉ xuất có một chiêu, sau đó không xuất thêm chiêu thức nào nữa.
Thường Tịnh Đạo liếc Trương Dũng, nhủ bụng nếu chàng khống chế Trương Dũng, có thể bọn binh lính triều đình không dám kịch chiến nữa. Nghĩ là làm, Thường Tịnh Đạo lao về phía Trương Dũng.
Trương Dũng vẫn còn nằm trên đất không thể tháo chạy. Thường Tịnh Đạo nhặt thanh đao của Trương Dũng lên, định kề vào cổ họ Trương, thì có một loạt những tia sáng trắng phóng ra.
Thường Tịnh Đạo kêu lớn, hóa ra đã trúng một loạt phi tiêu.
Ám khí đi như điện chớp sao xẹt, xuyên qua vai Thường Tịnh Đạo, rồi mất hút vào một lùm cây.
Thường Tịnh Đạo khụy xuống bên cạnh Trương Dũng, máu không ngừng tuôn ra từ vai chàng, phi tiêu làm đứt gân cốt nên Thường Tịnh Đạo không thể nào điều khiển được cánh tay chàng nữa.
Thường Tịnh Đạo còn đang cắn răng nén nhịn đau đớn, thì lúc này có hai tên lính thừa lúc họ Thường bị thương liền xông lên. Khẩu Tâm nhảy đến đánh chết hai tên lính Thanh, dìu Thường Tịnh Đạo đứng lên.
Trương Dũng thì cũng đã được hai tên lính khác dìu lui ra khỏi vòng chiến.
Khẩu Tâm đưa mắt nhìn quanh quẩn.
Hai mắt Thường Tịnh Đạo hằn vệt máu, môi mím chặt, cũng cố tìm người lén lút ám toán.
Nhưng vẫn không thấy người không quang minh chính đại đó xuất hiện, Thường Tịnh Đạo vô cùng phẫn nộ, buông lời thóa mạ:
- Cẩu Thanh! Người lỗi lạc không bao giờ làm chuyện ám muội!
Không có tiếng đáp trả, Thường Tịnh Đạo lại hét:
- Mi có giỏi thì ra đây tỉ đấu với ta! Nấp nấp ló ló, còn là anh hùng, là quân tử sao?
Tả hữu vẫn không có người vừa phóng tiêu xuất hiện.
Khẩu Tâm nhìn thương thế trên vai Thường Tịnh Đạo, biết đường bay của phi tiêu nhất định phải được xuất ra từ Tây, bèn hất đầu về Tây.
Thường Tịnh Đạo bèn hướng về Tây quát lớn:
- Vậy ra mi không phải quân tử ư? Nếu phải, hãy đường đường chính chính ra đây đương đầu với bọn ta, đừng ở trong tối ra tay ám toán!
Phía Tây vẫn lặng. Thường Tịnh Đạo nhổ một bãi nước bọt, dùng giọng khinh miệt, tiếp:
- Hèn mạt vô sỉ!
Lần này có tiếng cười lớn, rồi tiếng đáp trả:
- Ám khí, đương nhiên dùng để ám toán từ xa, để các người thấy được, còn gọi là ám khí à?
(còn tiếp)
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cổ Đại
- Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện
- Chương 66: Bọ ngựa bắt ve chim sẻ đứng sau (hạ)