Nghị Chánh đang tựa lưng vào lu nước, ngồi canh nồi cơm chàng vừa mới bắt lên. Trong mơ mơ màng màng, Nghị Chánh cảm thấy mũi chàng ngứa ngáy, nhột nhột. Chàng đưa tay chà mũi, nhắm mắt, tiếp tục cơn ngủ gật ngắn. Nhưng, cảm giác nhồn nhột ấy lại bò lên mi mắt, lên trán chàng, bò đi bò lại rồi lại bò xuống cổ chàng.
Cũng trong mơ mơ màng màng, Nghị Chánh có giật mình, đưa tay chụp vật bò nhột ở cổ, đoạn mở mắt ra mới hay tay mình nắm được một đầu cỏ. Chàng ngồi ngay lại, cau mày hỏi:
- Lại là cô, muốn tới gây sự chăng? Tôi đang buồn ngủ, không hứng thú cãi nhau đâu.
Nói rồi lấy sẵn tâm lý để nghe Tiểu Tường “phản hồi,” nhưng đập vào mắt chàng chỉ có nàng cắn môi, trầm ngâm. Nghị Chánh thấy trước mắt chàng là một khuôn mặt đẹp với đôi mắt to, nhưng sao khác hẳn với ngày thường, đôi tròng con ngươi đen đầy cố chấp giờ nóng hổi nhìn rót vào chàng.
Tiểu Tường đang nửa quỳ nửa ngồi bên mình Nghị Chánh. Chàng có thể nghe được hơi thở của nàng hâm hấp nóng. Chàng lặng lẽ nhắm mắt lại không nói gì nhưng nàng lại nói:
- Huynh định làm Khương Thái Công đến bao giờ?
Đây là lần đầu Tiểu Tường gọi Nghị Chánh bằng “huynh” thay vì lối xưng hô quen thuộc của hai người.
Nghị Chánh đương nhiên là rất ngạc nhiên, nhưng vẫn muốn chọc nàng, nói bằng giọng bất cần:
- Mong được làm hoài nếu không có người quấy rầy.
- Bực mình muội quấy rầy huynh hả?
- Ờ.
- Nghe thì rất dễ, muội đi thôi.
- Vậy không tiễn nhé, cứ đi, đây cần ngủ một chút.
Nghị Chánh đáp bằng cách vô tình và bướng bỉnh rồi lấy chiếc nón lá đặt úp trên lu nước che mặt như định ngủ lại. Nhưng liền đó, chiếc nón bị hất bay, đôi mắt Tiểu Tường như tóe lửa nhìn thẳng vào chàng. Nàng cao giọng hỏi:
- Lữ Nghị Chánh, tại sao huynh cứ đáng ghét như vậy?
- Được rồi, được rồi, giỡn chút cho vui mà, vậy chứ muội tìm huynh có việc gì?
Khi này Hiểu Lạc khệ nệ bưng thau chén lại ngồi chồm hổm cạnh bên Nghị Chánh, lấy nước đổ vô thau chuẩn bị rửa chén. Hai người nghe Tiểu Tường nói. Nghe xong, Hiểu Lạc gãi gãi đầu còn Nghị Chánh thì dùng đũa khẽ xới cơm vừa nhìn nàng chăm chăm:
- Muội nói thật hay nói chơi với huynh vậy?
Tiểu Tường rụt rè đáp:
- Nói thật.
Nghị Chánh vẫn dán mắt vào mặt nàng:
- Muội muốn trở thành thi sĩ?
- Ừ.
- Lý do?
Cái huynh này, Tiểu Tường nhủ bụng, hỏi nàng bằng giọng của Bao Công điều tra tội phạm khiến nàng đâm lúng túng. Tiểu Tường ngập ngừng trả lời:
- Tại muội thấy muội có... máu văn chương.
Nghị Chánh buông đũa cười hô hố:
- Muội có máu văn chương?
- Ừ, muội đoán vậy! - Tiểu Tường lại ấp úng đáp.
Nghị Chánh nhún vai:
- Đoán cái khỉ mốc! Muội đâu có làm thơ được!
- Được! - Tiểu Tường quả quyết - Lúc trước ở Hắc Viện muội làm thơ hoài!
Nghị Chánh gãi chiếc cằm nhẵn nhụi, tỏ vẻ nghi ngờ:
- Xạo đi! Muội làm hoài, sao huynh không biết?
Tiểu Tường hừ giọng:
- Làm sao huynh biết được! Muội thường làm thơ rồi ngâm... một mình!
Nghị Chánh nhướng mắt:
- Vậy bây giờ muội sáng tác thử bài huynh nghe coi!
- Không được đâu, giờ muội không có cảm hứng!
- Vậy đọc bài cũ do muội sáng tác cũng được!
Trước đề nghị của Nghị Chánh, Tiểu Tường không cách chi thoái thác, tự dưng đâm lúng túng. Nàng lắc đầu quầy quậy:
- Thôi, kỳ lắm!
- Hừm, muội này lạ! Làm thơ rồi đọc mỗi mình huynh nghe mà còn mắc cỡ, thế làm sao làm thơ cho cả trường cả nước nghe được? Vậy mà cũng đòi làm thi sĩ!
Sợ Nghị Chánh nổi sùng gạt ngang, vả lại nhận thấy chàng nói cũng có lý, thi sĩ thường hay làm thơ rồi ngâm tới ngâm lui cho người khác nghe, vừa ngâm vừa gật gù cái đầu như gà mổ thóc, sau đó mới đề lên tranh vẽ mà đem bán ra. Nàng đành chép miệng:
- Được rồi, muội sẽ đọc.
Vừa nói, nàng vừa loay hoay nghĩ xem nên đặt về đề tài gì. Thực ra lúc nãy nàng hét cho oai thế thôi chứ đây là lần đầu tiên nàng tập tành đặt thơ. Vốn liếng chữ nghĩa của nàng vốn dĩ có hạn, nay Nghị Chánh bắt nàng phải xuất khẩu thành thi trước mặt chàng để chàng nghe thử, làm sao nàng không chột dạ được. Đắn đo một lát, Tiểu Tường lấy hết can đảm hắng giọng và rụt rè đọc thơ.
Nàng thấy trong lòng rưng rức, bồi hồi lạ thường. Nàng cảm thấy thơ hay mà giọng nàng ngâm cũng hay. Nàng ngất ngây nghĩ đến tình lang, nghĩ đến ngày nàng thế chỗ Phi Nhi để biên soạn quyển ba, quyển bốn, quyển năm… của Văn Vận Phủ. Càng mơ tưởng đến giây phút huy hoàng đó, mắt nàng càng mơ màng. Tiếng ngâm lên thác xuống ghềnh. Nàng có cảm giác nàng làm thơ hay nhất... Hắc Viện.
Lúc đang "biểu diễn," thấy Hiểu Lạc trố mắt dòm, nàng tưởng nó ngạc nhiên và thán phục trước bài thơ của nàng, tưởng nó sắp bái nàng làm phu tử. Thế là nàng lại ngoác mồm, ngân nga từng chữ.
Trước nhiệt tình quá đáng của Tiểu Tường, Nghị Chánh có vẻ hết chịu đựng nổi, vội vã bịt hai tai lại, năn nỉ:
- Thôi, thôi, đủ rồi! Làm thơ vậy đủ rồi!
Tiểu Tường liền ngưng và đưa tay lau mồ hôi trán, ngơ ngác hỏi:
- Đủ rồi là sao? Mới hai bài à.
Nghị Chánh thở hắt ra:
- Đủ rồi có nghĩa là huynh đã biết muội làm thơ hay như thế nào rồi!
Nghị Chánh khen làm nàng sướиɠ phổng mũi. Tiểu Tường thấy lòng triệu đóa hoa hồng, thấy mình bay tuốt lên chín tầng mây.
Ngồi trên mây, nàng cúi đầu xuống, thấp thỏm hỏi:
- Hay hơn… Lý Bạch không?
Nghị Chánh đúng là một người bạn tốt, gật đầu ngay:
- Hay hơn nhiều!
- Thật không?
- Thật! Huynh xạo muội làm gì! Thơ Lý Bạch chỉ phục vụ cho người lớn, đang độ tuổi yêu nhau, còn thơ muội phục vụ được luôn cho tụi con nít nữa.
Tiểu Tường không rõ lắm ý nghĩa trong lời tán dương của Nghị Chánh. Nhưng mà vẫn khoái. Hễ có người khen là nàng khoái. Không dè Lữ nhị thiếu gia đây thường ngày cộc cằn tính nết nhưng cũng biết… phát hiện nhân tài lắm chớ. Nàng nhìn Nghị Chánh bằng ánh mắt trìu mến hiếm hoi nói:
- Thơ của muội "ghê gớm" như vậy sao?
- Chứ gì nữa! Thơ Lý Bạch thì ăn thua gì! Thơ muội tụi con nít mới... sợ! Đang khóc, nghe muội ngâm, mấy đứa nhỏ nín liền. Có đứa còn tè cả ra quần. Hé hé!
Tiểu Tường nghe vậy bí xị cái mặt. Nghị Chánh cười xong thu môi lại nói:
- Nói giỡn chứ thật ra muội đây rõ ràng là có năng khiếu...
Tiểu Tường bị Nghị Chánh dẫn dắt đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, nàng mới vừa buồn giờ lại sướиɠ rơn:
- Năng khiếu thơ ca hả?
Nhưng một lần nữa nàng bị Nghị Chánh làm cho cụt hứng, chàng lắc đầu:
- Không phải năng khiếu thi ca. Huynh muốn nói là muội có năng khiếu... ăn uống! Muội đi làm hỏa công hợp hơn là làm thơ, hì hì!
Tiểu Tường tái mặt. Nhưng không dám sửng cồ với Nghị Chánh. Gây sự với y, y giận, y không thèm dìu dắt nàng trên con đường văn chương nữa thì khốn. Nàng chỉ biết giở giọng ai oán:
- Muội đây muốn học hỏi thật mà huynh lại cứ chọc quê muội!
Nghị Chánh cười hì hì:
- Ai bảo muội mở miệng ra chỉ toàn là: “Tình như củ khoai, mình cắn mình nhai, đâu ngờ khoai sụn!”
Nghị Chánh đọc tới đây Hiểu Lạc cười ra nước mắt. Nó cũng thắc mắc hỏi:
- Trời đất ơi! “Sụn” là gì, sượng chứ, phải không sư bá?
Nghị Chánh đáp:
- Chắc tại đọc “sượng” không trúng âm điệu đó.
Rồi chàng sực nhớ việc gì, quay phắt lại hỏi Tiểu Tường:
- Mà ai biểu muội đặt thơ gì nghe bậy bạ vậy?
Tiểu Tường nóng mặt:
- Sao lại bậy bạ? Nếu dở thì nói dở, chứ sao nói bậy bạ, muội không biết huynh nói gì!
- Thì muội dùng chữ “khoai,” mà ai chẳng biết khoai là... cái đó đó, nội dung bài thơ thì lại nam nữ yêu nhau, tức là nói bậy rồi không phải sao?
- A!
Tiểu Tường đỏ bừng cả mặt. Thật ra nàng đâu có nghĩ tới điểm này, nàng tưởng nàng chỉ là dùng phép so sánh vậy thôi!
Nghị Chánh tiếp tục lặp lại bài thơ thứ hai của Tiểu Tường:
- Hỡi ơi nhân thế bẽ bàng
Yêu thương vừa chớm vội vàng chia tay
Giật mình chợt tỉnh cơn say
Tim ta ai móc ra nhai thế này?
Nghị Chánh còn chưa đọc quá nửa bài, Hiểu Lạc đã ôm bụng cười bò.
À! Hóa ra hai người họ đang chọc nàng. Tiểu Tường vừa thẹn vừa giận. Hóa ra Lữ nhị thiếu gia là cái tên ác nhơn ác đức. Tiểu Tường nhủ lòng, mới khen thầm hắn đây, hắn đã chơi nàng một vố đau điếng, còn xô nàng một phát làm nàng té lộn cổ từ trên mây xuống mặt đất nữa chứ.
Thường ngày Tiểu Tường cũng đâu phải hạng vừa, nàng mà bị ai trêu chọc đã đấm lại ngay rồi, nhưng nay thất tình nên mặt mày méo xệch, lại còn phải nhờ Nghị Chánh làm phu tử chỉ dạy cho nàng thêm nên chỉ còn nước trách:
- Bộ ở trên núi này hết người chơi rồi sao mà huynh nỡ chơi khăm muội, hic!
Gương mặt Nghị Chánh nghiêm nghị:
- Không phải là huynh chơi khăm muội! Huynh làm vậy là để cho muội bỏ cái ý tưởng viển vông đó đi! Huynh không muốn muội làm trò cười cho thiên hạ!
Tiểu Tường tự ái:
- Huynh nói quá! Thơ muội cũng đâu đến nỗi nào!
- Dĩ nhiên là đến nỗi nào rồi!
Nghị Chánh chém tay vào không khí, nói chắc như đinh đóng cột:
- Nếu không tin lời huynh thì muội đi mà đọc cho tình lang của muội nghe, bảo đảm Thiên Văn hắn không đủ can đảm ngồi thưởng thức hai bài thơ này của muội quá... hai nhịp mạch!
Giọng điệu chắc nịch của Nghị Chánh khiến niềm tin của Tiểu Tường bị lung lay dữ dội. Nếu quả thật Nghị Chánh là bạn thân nàng còn không dám nghe thơ nàng thì ma nào mà thèm nghe.
Hẳn là Nghị Chánh nói đúng. Nàng làm thơ thật dở. Suýt chút nữa đã bộp chộp đi tìm Cửu Dương rồi bị chị em nhà họ Lộ cười cho thúi đầu. Nhưng chẳng lẽ nàng nhục nhã rút lui sao? Bỏ mặc người nàng thương yêu cho Phi Nhi độc quyền "quản lý?” Thật là tấn thoái lưỡng nan!
Ý chí ướt đẫm, nhiệt tình sáng tác của nàng tuột xuống nhanh như trái thông khô rơi xuống triền núi Đồng Sơn lăn đi long lóc. Tiểu Tường tính đứng dậy, đi vô lều nằm ngẫm lại sự đời, nhưng tay chân đang bủn rủn, nàng đứng dậy không nổi. Rốt cuộc đành phải ngồi lại và cố nén tự ái, thỉnh giáo Nghị Chánh:
- Muốn cho hết dở, phải làm sao?
Nghị Chánh gật gù:
- Phải học tập người khác. Chẳng hạn, muốn làm văn hay, phải đọc sách của cha huynh, muốn làm thơ hay, phải thuộc thơ Lý Bạch!
Tiểu Tường ngồi nghệch mặt nghe, quá xá là đồng ý với Nghị Chánh, gì chứ sách của Lữ Lưu Lương cùng với thơ Thanh Lương cư sĩ là nhất hạng rồi!
Nghị Chánh thêm lời:
- Rồi sẽ làm được những câu thơ trữ tình như huynh vầy nè! E hèm!
Tằng hắng để lấy giọng xong chàng sửa cổ áo lim dim mắt đọc:
- “Hồi ức cũ giờ chỉ còn ảo ảnh
Mộng tan rồi mọi thứ đã nhạt phai
Em bây giờ bên duyên mới cùng ai?
Anh vẫn mãi đợi hoài nơi bến cũ
Con đò xưa sao mi buồn ủ rũ?
Đợi một người sẽ đợi đến thiên thu!”
Nghị Chánh lim dim làm thơ tới đây, mở mắt ra ngó nàng hỏi:
- Hay không?
Tiểu Tường nhanh nhẩu gật đầu đáp:
- Hay!
Tai nghe nàng xuýt xoa khen, Nghị Chánh khoái chí, lại nhắm tịt mắt, ngâm nga:
- “Em giờ thân gái long đong
Bỏ xứ, bỏ quê, bước theo chồng
Tưởng em yên ấm phương trời lạ!
Dè đâu…
Tình đó đã thừa…
Có bằng không!”
Sau đó sáng tác thêm bài nữa:
- “Trời mưa bong bóng phập phồng
Em đi lấy chồng để khổ cho anh
Anh về ôm mối thương đau
Em đi có nhớ mưa nào hôm xưa
Phải chi hôm ấy đừng mưa
Phải chi hôm ấy đừng đưa em về
Em đi son sắt lời thề
Vẹn nguyên tình nghĩa, toàn lời chân quê
Hứa về trọn nghĩa phu thê
Giờ quên nguyện ước não nề thế nhân…
Ngày xưa đưa em sang sông
Lệ rơi thấm đẫm vào lòng
Ngày nay tiễn bước theo chồng
pháo hồng đỏ rực rượu mời giao bôi.”
Lại không ngừng xuất khẩu thành thi:
- “Mộng mị đêm khuya, biển ưu sầu
Ồn ào sóng dữ, não gì đâu!
Lênh đênh thuyền thúng, chài gỡ lưới
Lấp ló tình tôi, đến bạc đầu!”
Rồi tiếp tục đọc bài:
- “Lá vàng rơi rụng đón thu sang
Hạ thương hạ nhớ lệ hai hàng
Én oanh ríu rít mừng Xuân đến
Bỏ mặc mùa Đông giá tâm can.”
Lần này, Nghị Chánh chưa kịp mở mắt, Tiểu Tường đã buột miệng trầm trồ:
- Hay ghê!
Chàng phổng mũi:
- Đấy! Muốn làm thi sĩ phải làm những câu ướŧ áŧ như vậy. Muội cứ bị ám ảnh bởi khoai lang, khoai mì, tim gan phèo phổi, cháo lòng phá lấu hoài, làm sao làm văn, làm thơ hay được!
Tiểu Tường gật đầu:
- Ừ, huynh hay thật, vậy huynh dạy muội đi?
Nghị Chánh gãi cằm, ngồi không đáp. Tiểu Tường chụp tay chàng gấp rút nói:
- Ðừng có hà tiện vậy mà! Ban cho muội chút ít kiến thức của huynh đi. Bằng không…
Tiểu Tường nói tới đây bỗng ấp úng đưa mắt nhìn xuống đất. Nghị Chánh, Hiểu Lạc nháy nhau cười.
- Bằng không sao?
- Bằng không… Thiên Văn nho nhã, thật thà, tài hoa rất mực, muội mà để mất huynh ấy thì có họa là... ngu.
Nghị Chánh khoanh tay nói:
- Thiên Văn, Thiên Văn! Tại sao huynh phải màng tới Thiên Văn chớ? Tài hoa của hắn thì có ăn nhằm gì tới huynh đâu!
Tiểu Tường cất giọng với ngực phập phồng:
- Huynh đừng có nói với muội như vậy! Chuyện tình cảm của muội, huynh biết rõ rồi mà!
Thấy nàng lộ vẻ thẫn thờ, chàng hất hàm:
- Được rồi, bắt đầu từ ngày mai, mỗi sáng muội đến tìm huynh, rồi huynh dạy cho.
Cái Tiểu Tường này, “Thái Sơn” trước mặt nàng nàng còn chưa biết, chưa chịu bái sư ngay, cứ tặc lưỡi ngần ngừ:
- Sao muội thấy làm thơ hay khó quá!
Nghị Chánh động viên nàng:
- Bước đầu bao giờ chả khó! Người xưa đã nói rồi, "vạn sự khởi đầu nan." Nhưng muội đừng lo, chuyện gì cũng vậy, làm hoài sẽ hay.
Tiểu Tường nghe Nghị Chánh giảng giải một hồi, vẫn nhăn nhó nói:
- Không biết cho tới khi nào muội mới làm thơ hay tuyệt cú mèo như huynh được?
- Ầy! Đừng gấp gáp, cứ từ từ mà học, kiên trì thì rừng đi mãi cũng thành đường thôi. Vậy đi nhé!
- Cám ơn sư phụ!
Hai chữ sư phụ nghe thật mát lòng, Nghị Chánh ngồi rung đùi cười. Còn Hiểu Lạc thì nhìn Tiểu Tường với ánh mắt ái ngại, nó lại tiếp tục phát hiện ra làm người lớn sao mà khổ não quá, ngoài trách nhiệm với gia đình non nước ra, người lớn còn phải... học làm thơ tình yêu, đặng dụng để “cua chai” nữa đấy!
(còn tiếp)