Chương 10: Kỳ nữ giang hồ (thượng)

Một thân một bóng canh thâu

Khay trầu mâm rượu người đâu hỡi người

Bên kia người vẫn vui cười

Bẻ măng mượn gió xa lời hẹn xưa

Bên này đong đếm giọt mưa

Tình thừa còn lại đành chừa thiên thu

Cửu Dương tỉnh dậy. Chàng mơ hồ cảm giác có người đặt tay lên trán chàng, rồi loáng thoáng nghe nói:

- Viện trưởng đã tỉnh lại.

Nghị Chánh, Nghị Trung và Hiểu Lạc đang đứng ngoài cửa phòng, nghe tiếng Trần Tôn bên trong phòng nói Cửu Dương tỉnh dậy ba người nhìn nhau vui mừng.

Cửu Dương từ từ mở mắt ra, chàng liền thấy Trần Tôn đứng bên giường, đầy vẻ lo lắng. Cạnh bên là nữ thần y, ánh mắt quan tâm dịu dàng nhìn chàng như nước hồ thu.

Trần Tôn thu tay về nói:

- Lão nô đi rót nước cho ngài.

- Cám ơn Trần thúc. Huynh đã nằm bao lâu rồi? - Cửu Dương hỏi nữ thần y.

- Huynh ngủ hơn một ngày rồi, giờ đang là giờ Tuất - Nữ thần y đáp khẽ, cẩn thận xem lại mạch cho chàng.

Trần Tôn đem cái tách đến, nữ thần y đỡ Cửu Dương ngồi dậy uống nước. Cửu Dương thấy Tôn Hứa Khải nằm bên cạnh chàng, vẫn còn hôn mê bất tỉnh.

Đúng lúc đó cửa địa đạo kẹt một tiếng. Nghị Chánh, Nghị Trung và Hiểu Lạc nghe tiếng cửa mở, liền chạy ra căn phòng lớn, nơi có cầu thang dẫn lên thư viện, thấy đúng là Nhạc Tam Nguyên về.

Nhạc Tam Nguyên cầm một bọc vải, đóng cửa địa đạo lại rồi đi xuống cầu thang nhanh như bay.

Nghị Chánh đón Nhạc Tam Nguyên ở chân cầu thang:

- Tìm được Kim Sơn Tử rồi hả? Hồi hộp quá không biết có phải ba đầu sáu tay không?

- Để nữ thần y giám định sẽ biết ngay.

Nghị Trung vừa nói vừa nắm lấy cánh tay Nghị Chánh kéo em trai sang bên nhường đường cho Nhạc Tam Nguyên đi gặp nữ thần y.

Nhạc Tam Nguyên cúi chào Nghị Chánh và Nghị Trung, rồi đi vào phòng để nữ thần y kiểm tra thuốc thang.

Nữ thần y mở bọc vải ra trải lên bàn trà. Nhạc Tam Nguyên nhìn nữ thần y chằm chằm, hồi hộp hỏi nàng:

- Sư nương, có đúng là Kim Sơn Tử không?

Nhận được cái gật đầu, Nhạc Tam Nguyên thở phào nhẹ nhõm. Chả là sau khi Cửu Dương đưa Tôn Hứa Khải trở về Hắc Viện, nữ thần y coi mạch thấy độc Tôn Hứa Khải trúng phải gọi là Kinh Phủ, phải dùng loại thảo dược mà chỉ ở vùng Sơn Thạch Môn mới có. Chàng đã không quản đường xa đi tìm về.

Nghị Trung, Nghị Chánh và Hiểu Lạc không dám vào sợ làm ồn Tôn Hứa Khải, ba người đứng bên ngoài thò đầu vào cửa.

- Lấy được Kim Sơn Tử rồi không biết có trị được không? - Nghị Chánh vẫn cái tính bộp chộp, nghĩ gì nói nấy.

Ngay tức khắc, Nghị Trung hích khuỷu tay vào sườn đệ đệ:

- Đệ thật là... trên đời này còn chất độc không thể đối phó được thì làm sao nữ thần y được người ta tặng cho danh xưng “Tái Hoa Đà?”

Không biết nữ thần y có nghe lời vừa rồi của Nghị Chánh không? Nàng cầm bọc vải, đi đến một cái bồn nước nàng đã nhờ Trần Tôn chuẩn bị từ sớm. Bồn nước đặt ở cuối giường Cửu Dương và Tôn Hứa Khải. Nữ thần y đổ một mớ Kim Sơn Tử vào bồn nước.

- Mỗi ngày bốn lần, vào buổi sáng, trưa, chiều và tối tam gia sẽ ngâm mình trong nước thuốc khoảng nửa canh giờ. Trong khi tam gia ngâm mình, huynh ấy cần một người dùng nội công giúp ép chất độc ra ngoài.

Trần Tôn thấy Cửu Dương bị thương không tiện truyền chân khí cho Tôn Hứa Khải, ông lão nhìn ra cửa, thấy hai anh em họ Lữ đứng ngoài đó, lại nhìn Nhạc Tam Nguyên đứng bên cạnh mình, vậy là tính thêm bản thân ông vừa đủ bốn người. Trần Tôn nói:

- Để lão giúp tam gia bức chất độc vào mỗi buổi chiều, đến tối thì Lữ đại phu tử, buổi sáng tới phiên Lữ nhị phu tử, trưa thì Tam Nguyên, cứ xoay vòng như vậy thần y cô nương thấy sao?

Nữ thần y nói:

- Cám ơn thúc thúc. Trong lúc thúc bức chất độc cháu sẽ châm cứu để độc không công vào tâm mạch của thúc.

Trần Tôn gật đầu. Nhạc Tam Nguyên nói:

- Học trò khiêng tam gia để ngồi vào bồn nước?

Nữ thần y gật đầu. Nghị Trung vào giúp Nhạc Tam Nguyên một tay. Trong khi Nghị Trung khiêng tay, Nhạc Tam Nguyên khiêng chân Tôn Hứa Khải đem từ giường đặt vào bồn nước, Nghị Chánh nói với Hiểu Lạc:

- Chỉ e chất độc trên người tam đương gia không đơn giản!

Tôn Hứa Khải ngồi trong bồn nước, mắt chàng khẽ mở rồi khép.

Hiểu Lạc nói với Nghị Chánh:

- Không sao đâu Lữ nhị sư thúc, con dám chắc tam sư thúc gặp được sư nương con, trái tim ấm lại, nhịp mạch mạnh lên, khí huyết cũng thông thuận hơn. Có khi tác dụng còn hơn được uống thuốc tiên vào nữa!

Sau mấy đêm thức trắng vì lo lắng về chất độc Kinh Phủ, giờ tìm được Kim Sơn Tử rồi, Nghị Trung cảm giác như trút được gánh nặng trên vai. Nhưng khi chàng nghĩ tới chuyện Cửu Nạn và những người đương gia hãy còn không rõ sống chết ra sao, chàng buồn rầu đưa mắt nhìn sàn địa đạo. Hành động thích khách lần này, Cửu Nạn không nói với chàng, nhưng chàng không trách Cửu Nạn chút nào. Đó là cách nghĩ rất tỉ mỉ của bà. Những người đi hành thích hoàng đế lần này đều là những kẻ độc thân, không vướng bận. Còn như chàng, hay Nhạc Tam Nguyên, vẫn phải phụng dưỡng cha già yếu. Nếu chẳng may bị bắt giữ thì cha chàng và cha Nhạc Tam Nguyên thậm chí cả dòng họ Lữ và họ Nhạc cũng sẽ bị liên lụy. Tới chừng đó thậm chí không tránh khỏi cảnh tru di cửu tộc!

Mà nhắc tới chuyện xét nhà diệt tộc, Nghị Trung lại canh cánh nỗi lo về vụ tấm ngự biển sẽ liên lụy các học sinh trong Hắc Viện.

Bởi hôm trước, sau khi lùng sục hết cả thị trấn mà không ra miếng ván gỗ, quan tri huyện dẫn binh lính xồng xộc trở lại trường học.

Song đập cửa một hồi chẳng thấy ai ra đón, gã ta bực quá lập tức ngoác mồm thóa mạ:

- Không lẽ bọn học sinh trong trường này sợ tội đi trốn hay chết ráo cả rồi hay sao? Con mẹ mười tám đời tổ tông nhà bọn bây!

Một lát sau Nghị Trung mới dẫn học sinh ra chào quan tri huyện, vẫn cung cung kính kính treo trên môi câu nói cũ:

- Được hoàng thượng coi trọng, ủy thác đại sự cho trường học của chúng tôi. Song chúng tôi vô tài vô đức, cảm thấy thật xấu hổ, không dám nhận!

Quan tri huyện biết họ Lữ muốn chối bỏ trách nhiệm, căm tức cũng giở giọng cùn quát:

- Ngự biển bản quan đã mang tới đây rồi, treo cũng đã treo rồi. Chuyện tự dưng bị mất đó giờ là trách nhiệm của đám người TỤI BÂY, KHÔNG DÍNH DÁNG ĐẾN TAO, NHÁÁÁ!!!

La hét xong liền dẫn binh lính hằm hằm ra về.

Cho nên sau khi chàng cùng Nhạc Tam Nguyên giúp Tôn Hứa Khải vào ngồi trong bồn tắm rồi, Nghị Trung đi đến nói với Cửu Dương, hãy sang một căn phòng khác có chuyện muốn nói.

Cửu Dương cùng Nghị Trung ra căn phòng lớn có cầu thang dẫn lên thư viện, để khi trò chuyện không làm ảnh hưởng nữ thần y và Trần Tôn trị thương cho Tôn Hứa Khải.

Nghị Chánh, Hiểu Lạc, Nhạc Tam Nguyên đi theo Cửu Dương và Nghị Trung.

Giữa căn phòng lớn cũng có một bàn trà. Cửu Dương, Nghị Trung, Nghị Chánh ngồi quanh bàn. Hiểu Lạc và Nhạc Tam Nguyên đứng hai bên tả hữu Cửu Dương.

Nghị Trung đem chuyện ngự biển trình bày lại với Cửu Dương.

Cửu Dương ngồi chăm chú lắng nghe. Nghị Trung nói xong, Cửu Dương không cần cân nhắc bèn nhờ Hiểu Lạc đi gọi Lâm Tố Đình.

Trong khi chờ đợi, Cửu Dương ngồi trầm ngâm nhìn cái ấm trà trên bàn như muốn thôi miên cái ấm trà.

Một lát sau cửa địa đạo mở. Cửu Dương chờ cho Lâm Tố Đình đi xuống cầu thang, và Hiểu Lạc đóng cửa địa đạo lại rồi nói:

- Đại muội, muội trao vật đó ra đây!

Lâm Tố Đình dừng chân đứng trên bậc thang cuối cùng dẫn xuống hầm. Hiểu Lạc đóng cửa địa đạo rồi cũng đi xuống đứng cạnh Lâm Tố Đình.

Cửu Dương dời ánh nhìn khỏi ấm trà, nghiêm mặt nhìn Lâm Tố Đình.

Từ hồi bé xíu, Lâm Tố Đình và nữ thần y đã khăng khít như chị em ruột. Ngoài ra, cả hai cũng hết sức thân thiết với bảy người Giang Nam Thất Hiệp. Nên với họ, hai cô không khác chi em út, bèn lần lượt gọi Lâm Tố Đình là “đại muội,” còn nữ thần y là “tiểu muội.”

Lâm Tố Đình ngó thấy sắc mặt Cửu Dương nghiêm nghị quá, đang mở to mắt nhìn nàng thì phụng phịu chối bay chối biến:

- Sao khi không huynh lại nổi hứng ăn nói cộc cằn với muội vậy? Vật gì? Muội chẳng biết huynh đang nói chi. Ai thèm lấy gì của huynh chứ!

- Đừng có đánh trống lảng! Là muội lấy! Dù muội không trực tiếp ra tay nhưng huynh biết chắc muội là chủ mưu! – Cửu Dương đanh giọng.

Lâm Tố Đình chột dạ than thầm, nhưng vẫn tỏ vẻ cứng bĩu môi đáp:

- Huynh nói không đầu không cuối, muội chẳng hiểu chi hết!

Nhạc Tam Nguyên nhìn Cửu Dương và Lâm Tố Đình đối chọi gay gắt. Nhạc Tam Nguyên quá rõ cái tính tiểu thư của Lâm Tố Đình, sợ nàng ta lỡ lời lại khiến người trong nhà xung đột, còn đang nghĩ cách xoa dịu, thì Nghị Chánh nói:

- Thiên Văn à, biển vừa to vừa nặng như vậy, phải hai người đàn ông mới có thể treo lên được. Muội ấy có thể vác đi giấu ở đâu được chứ?

Nhóc Hiểu Lạc cũng hùa theo bênh:

- Sư phụ à, Lữ nhị sư thúc nói đúng đó…

Nhưng Cửu Dương đã chau mày nạt:

- Hiểu Lạc im! Ta không hỏi con! Cũng cấm những người khác không được lên tiếng. Thế nào, đại muội? Muội nói đi!

Lâm Tố Đình chưa bao giờ thấy Cửu Dương nặng lời đến vậy, bất giác quýnh lên, hết nhìn Nghị Trung đến nhìn Nhạc Tam Nguyên. Nhưng vẻ mặt Nghị Trung và Nhạc Tam Nguyên rõ ràng là ủng hộ Cửu Dương rồi. Nàng tủi thân lắp bắp:

- Huynh… huynh… chẳng có chứng cứ mà phán cứ như thiệt vậy đó. Rõ ràng oan cho muội mà!

Vừa nói nàng vừa nặn ra một bộ mặt hết sức thật thà, rồi quay sang cầu cứu Hiểu Lạc, ánh mắt u oán đáng thương như muốn nói: "Nhìn coi, sư phụ ngươi bắt nạt ta đó. Uổng cho ta tốt với ngươi mấy bữa nay!"

Chả là chú nhóc này hồi đầu tới Hàng Châu buồn chán không biết làm gì, sau được Lâm Tố Đình dắt đi thăm thú khắp nơi. Hiểu Lạc vẫn là đứa nhóc, dĩ nhiên ham vui hiếu động. Lâm Tố Đình thì yểu điệu như tiểu thư thật đấy, song tính tình cũng nháo không kém, chỉ sợ thiên hạ không loạn thì kém vui. Cho nên rất nhanh đã bắt cặp ăn ý, vô cùng thân thiết.

Giờ người “vô cùng thân thiết” đang bị sư phụ quở trách nghiêm khắc, nó áy náy không yên, cảm giác chỉ đứng nhìn có vẻ thiếu nghĩa khí giang hồ quá, bèn cắn răng liều mình can gián:

- Sư phụ...

Có điều mới thốt hai tiếng đã bị Cửu Dương trừng mắt:

- Hiểu Lạc! Ta bảo con đừng nói chuyện! Nếu con gọi ta là sư phụ phạm lỗi sẽ nhận hình phạt diện bích đấy. Có muốn diện bích không?

Diện bích là hình phạt bắt ngồi yên quay mặt vào tường trong một khoảng thời gian dài. Với đứa hiếu động ưa chạy nhảy như Hiểu Lạc còn đáng sợ gấp vạn lần bị ăn roi.

Thế là "nghĩa sĩ" co đầu rụt cổ, nín re chẳng dám hó hé gì nữa, đưa ánh mắt ảo não ngó lên người “vô cùng thân thiết” như muốn phân trần: "Sư cô à, không phải con thiếu nghĩa khí đâu nha!"

Cửu Dương nhìn Lâm Tố Đình nói tiếp:

- Huynh đây không phải là tay tri huyện kia, đừng có đem cái trò “gió thổi ngự biển bay đi” mà diễn lại nhé!

Lâm Tố Đình nói:

–Chỉ trong mấy cái khấu đầu là ngự biển biến mất, giả sử có người phàm thuộc cõi đời thực lấy mất, như lời huynh nói thì người phàm tục đó đã phải ra tay trước mặt bao nhiêu người mà thần không biết quỷ không hay. Có thể đánh bật đinh, đóng chặt vào gỗ cao thủ bực này ngoài tổng đà chủ và bảy vị đương gia các huynh ra muội thấy hình như không còn ai nữa!

Lâm Tố Đình nghĩ ra được câu tâng bốc Cửu Dương xong tự nhủ nàng thật thông minh quá trời quá đất, khoái chí nói tiếp:

- Mà dẫu cho trên đời này còn có người khác sở hữu võ công cao bậc ấy, thì phải là Ngao Bái, hoặc Ái Tân Giác La Tế Độ. Còn muội, đâu có sở hữu công phu cao như thế. Thất ca, huynh đừng đổ oan cho muội là phần phản bội bang hội nhé, muội không có đi bái hai người Mãn đó làm sư phụ để được truyền thụ võ công cho đâu!

Cửu Dương hừ nhẹ nhủ bụng: “Vừa nghe Nghị Trung bảo ngự biển bị mất, ta thấy chẳng cần phải cao thủ tuyệt đỉnh chi đâu. Nếu muội vẫn chối, thất ca sẽ chỉ ra cho muội tâm phục khẩu phục!”

- Tháo biển chỉ trong tích tắc – Cửu Dương dùng giọng thán phục nói – Đúng là người này phải sở hữu Vô Thanh chưởng pháp của bộ võ công Mai Hoa Kim Lạc Tọa rồi!

Sở trường sư phụ Nghị Chánh và Nghị Trung là Mai Hoa Kim Lạc Tọa, nghĩa là hoa mai rụng xuống đất trong mùa xuân nghe như tiếng kim rơi rất khẽ. Mà Vô Thanh chưởng pháp là một trong những chiêu thức khó học nhất của bộ võ công này. Thể loại công phu nhu kình luyện đến mức lô hỏa thuần thanh, ra tay êm ru như thế, cao thủ tông sư còn phải tập luyện chiêu thức ít nhất hai mươi năm là ít. Nghị Trung, Nghị Chánh còn chưa thuộc hàng cao thủ võ lâm nên chưa luyện được tới mức độ đó.

Nghị Chánh tự ái bĩu môi nói:

- Hỏa hầu Tiểu Tường làm gì tới mức độ đó chứ, nên đại muội mới phải diễn màn kịch đau chân cho ai cũng nhìn cô ấy để Tiểu Tường lén lút dùng búa nhổ mấy cây đinh đóng trên biển đó.

Nghị Chánh vừa nói hết câu, Lâm Tố Đình giậm chân hét lên lanh lảnh:

- Lữ Nghị Chánhhh, huynh là đồ ngốc!!!

Đoạn xắn tay áo trợn mắt, nghiến răng trèo trẹo xông vào Lữ Nghị Chánh.

- Ôi, cứu...!

Nghị Chánh nhảy ra khỏi ghế, ôm đầu chạy quanh bàn trà. Lâm Tố Đình rượt theo. Thoáng chốc căn phòng ầm ĩ tiếng la hét chí chóe khiến Nhạc Tam Nguyên và Nghị Trung nhìn nhau. Nhạc Tam Nguyên và Nghị Trung lo sẽ làm ồn Tôn Hứa Khải, nữ thần y và Trần Tôn ở căn phòng nhỏ cách đó không xa.

Cửu Dương lắc đầu, trầm giọng nói:

- Đủ rồi đấy đại muội!

Lâm Tố Đình dừng chân quay ngoắt sang nhìn Cửu Dương:

- Thất ca!

- Muội còn muốn nháo đến chừng nào nữa đây?

Lâm Tố Đình đành im, giậm chân đầy vẻ ấm ức.

- Trước kia đôi lúc muội bày trò phá người ta, huynh bỏ qua vì dẫu sao chúng cũng vô hại. Nhưng lần này sự tình nghiêm trọng, thất ca buộc phải phạt muội thật nghiêm khắc! – Cửu Dương nói.

- Chỉ là một miếng gỗ của cẩu hoàng đế Mãn Thanh! – Lâm Tố Đình nói - Huynh thử hỏi mọi người xem có ai muốn treo nó lên không?

- Muội sai rồi! - Cửu Dương trầm giọng đáp - Tình cảnh hiện giờ đang nguy hiểm thế nào mà muội suy nghĩ xốc nổi như vậy?

- Muội...

- Chuyện nhỏ à? – Cửu Dương tiếp - Nó có thể gây ra hậu quả khôn lường, thậm chí xét nhà diệt tộc tất cả các học sinh trong trường đấy muội biết không? Sinh tử của tổng đà chủ và các đương gia còn chưa rõ, vậy mà muội...

Cửu Dương chưa nói xong hai mắt trợn ngược, toàn thân phát run rồi chàng ói ra một ngúm máu.

Lâm Tố Đình thấy vậy giật mình sợ hãi. Quả thật chưa bao giờ nàng thấy Cửu Dương bị thương nặng đến như vậy.

- Viện trưởng...

- Sư phụ!

- Viện trưởng...

- Thiên Văn!

Nhạc Tam Nguyên, Hiểu Lạc, Nghị Trung và Nghị Chánh kêu lên.

Cửu Dương tiêu hao không ít nguyên khí vào người Tôn Hứa Khải, lại thêm trận đánh ở Sơn Tây nên sau khi ói ra một ngúm máu tươi, chàng ôm ngực ho một tràng sặc sụa, khiến mọi người cuống cuồng hẳn lên. Nhạc Tam Nguyên vuốt lưng cho Cửu Dương, xong thì lui ra, nhân tiện Nhạc Tam Nguyên nhìn Hiểu Lạc khẽ hất đầu về phía Lâm Tố Đình. Hiểu Lạc hiểu ý Nhạc Tam Nguyên, nó khẽ nắm tay áo Lâm Tố Đình giật giật và khi nàng nhìn xuống, nó lắc đầu ra hiệu đừng làm sư phụ nó kích động thêm nữa.

Là mỹ nữ hiếm hoi giữa Hắc Viện phần lớn toàn nam sinh, có thể ví Lâm Tố Đình như viên minh châu sáng chói. Hơn nữa được Giang Nam Thất Hiệp võ công cao cường cưng chiều như muội muội, trước nay nào đã chịu thiệt bởi ai bao giờ, nên không khỏi có chút ương bướng tinh nghịch. Song về bản chất, nàng vẫn là một cô nương thuần khiết.

Lâm Tố Đình thấy Cửu Dương vì lo cho các học sinh và gia quyến có thể bị mất đầu vì tấm ván gỗ mà kích động đến nỗi nội thương tái phát, thật ra trong lòng Lâm Tố Đình cũng hối hận rồi. Nàng cúi đầu khẽ nói:

- Thất ca, muội xin lỗi.

Cửu Dương kiềm chế được cơn ho, trong mắt chàng thoáng qua ý cười, nhẹ giọng nói:

- Đại muội, hẳn muội đang nghĩ nếu nói ra e không nghĩa khí với người ta.

- Muội...

Cửu Dương tiếp:

- Cho dù muội giấu giếm huynh cũng đoán ra bảy tám phần. Có điều nếu muội không nói rõ, làm sao huynh dám chắc để đi gặp người ta đây?

Đắn đo một hồi, Lâm Tố Đình không còn cách nào khác đành thú thật.