Chương 6
Phát triển tiếp sau đó sẽ là tạm nghỉ học, sinh con, kết hôn, đi học lại, tốt nghiệp, tựa hồ mọi thứ đều có sẵn một guồng quay khuôn mẫu. Nếu chệch khỏi quỹ đạo một bước, hậu quả khó lường vô cùng.
Chị không đủ dũng cảm nên nói dối anh ấy là đã xin bảo lưu. Chị mang theo Viêm Viêm trong bụng chịu đựng kỳ thi khắc nghiệt, rồi lại gắng gượng đi thực tập.
Khi đó vẫn chưa có chế độ đào tạo chuẩn. Đa phần các bác sĩ chính quy có học vị tiến sĩ làm việc ở phòng thí nghiệm, còn thực hành y khoa dựa vào số lượng thực tập sinh thưa thớt và bác sĩ đang học lên tiến sĩ. Bọn chị thường hay nói với nhau: Dùng nữ sinh như nam sinh, sai nam sinh như súc sinh.
Khoa chị thuyên chuyển đầu tiên chính là khoa của chúng ta, lúc đó thiếu người đến mức em không tưởng tượng ra nỗi đâu. Số giường bệnh mà mỗi người chịu trách nhiệm chia theo nhóm và bệnh tình; độ dày buổi trực vượt quá ca làm đêm; hai ngày nghỉ cuối tuần luôn trong tình trạng đợi lệnh; đêm hôm khuya khoắt mặc áo ngủ xông đến làm việc hầu như xảy ra mỗi ngày. Lúc nào mọi người cũng mệt mỏi, các thầy cô nằm thẳng xuống sàn phòng mổ ngủ thϊếp đi, còn bọn chị ngoan ngoãn đứng ở góc tường. Bọn chị đứng cũng có thể ngủ ngon lành, trong giấc mơ còn không quên thấy bệnh án. Dù vậy chị vẫn không dám than thở, chỉ biết cố gắng ăn nhiều thật nhiều. Tất nhiên chị giấu diếm Tam Mộc những chuyện này.
Ngày nào, chị cũng giả vờ buồn bã báo anh ấy biết chị lại tăng cân và tin tức về con, rồi động viên anh ấy từ từ giải quyết công việc, sau đó hẵng trở về làm ba. Anh ấy dĩ nhiên không nghi ngờ chị.
Nhưng câu chuyện hoàn mỹ này đột ngột kết thúc vào mùa xuân ấm áp.
Khi Viêm Viêm được hai mươi ba tuần tuổi, chị đến bệnh viện của mẹ chị siêu âm. Do cả ngày trước đó chị trực ban nên không hề chợp mắt, chị nằm trên giường với cảm giác chóng mặt và buồn nôn.
Dù bao nhiêu năm trôi qua, chị nghĩ chị vẫn mãi nhớ rõ cảnh ngày hôm đó: mấy bác sĩ vây quanh chị kín mít, càng lúc càng nhiều bác sĩ, sắc mặt của họ nặng nề trầm buồn, đặc biệt là mẹ của chị.
Chị có linh tính rằng con không khỏe, vì vậy chị hỏi mẹ: “Có chuyện gì thế ạ?”
Mẹ miễn cưỡng xoa dịu chị: “Không sao đâu con.” Sau đó mẹ gọi điện thoại liên tục.
Buổi chiều, mẹ dẫn chị đến phòng họp. Khi cửa mở ra, chị mới biết ba mẹ vận dụng hết mọi mối quen biết, không chỉ mời các chuyên gia cùng khoa trong bệnh viện, mà còn có chủ nhiệm phụ khoa, nhi khoa, thậm chí cả Tam Mộc cũng hớt ha hớt hải chạy về.
Chị không đủ can đảm nán lại nghe họ phán quyết Viêm Viêm sống hay chết, chị ngồi lặng bên ngoài, cúi đầu đạp nhẹ mặt đất.
Anh ấy cũng vậy, gương mặt anh ấy u ám đầy vẻ mệt mỏi vì vội trở về từ nơi xa.
”Anh biết hết rồi ư?” Chị không cảm thấy ngạc nhiên.
Anh ấy trầm mặc, không đáp lời chị.
Hành lang ngoài phòng họp thông suốt với phòng bệnh của khoa sản mà mẹ chị làm việc, một bên khác là phòng tắm của trẻ sơ sinh. Có lẽ lúc này tới giờ tắm tập thể nên những chiếc xe mang theo em bé lục tục chuyển vào phòng tắm. Người lớn của mấy đứa bé đó hăm hở đứng chờ bên ngoài, trò chuyện vui vẻ với nhau.
Mà hành lang bên này, một sinh mệnh nhỏ bé lại lặng lẽ biến mất.
”Thai nhi bị dị tật nên cân nhắc bỏ thai.”
Chị không nhớ mình ngồi thừ ra bao lâu. Chị chỉ biết sắc trời đã tối om, ánh đèn bật sáng, tiếng cười vẫn vang vọng như cũ.
Chị không khóc, thật sự không khóc. Chị trơ mắt nhìn mưa rơi lất phất, thấm ướt những viên gạch bên ngoài.
Viêm Viêm đạp mạnh chị một cái, làm chị giật bắn người. Con ơi, con dùng sức như vậy để nói mẹ biết con đang bệnh, con rất khó chịu phải không?
”Nhưng con vẫn đang cựa quậy...” Chị bỗng giàn giụa nước mắt.
Còn anh ấy cuộn tròn người, vùi mặt xuống đầu gối.
Viêm Viêm được hai mươi bốn tuần ba ngày tuổi thì bỏ chị và anh ấy ra đi. Bác sĩ nói Viêm Viêm là con gái. Sáu tháng ngắn ngủi, con còn chưa được nhìn thấy ba mẹ mà đã vội vã rời đi.
Trước khi phá thai, chị xin nghỉ bệnh. Ở nhà mới rảnh rỗi, chị vẫn đếm số lần con đạp như thường lệ.
”Viêm Viêm đá em.” Chị mừng rỡ báo với Tam Mộc nhưng ngay tức khắc chị lại cắn môi hối hận.
Anh ấy thản nhiên nắm tay chị, kêu chị đừng đếm nữa.
Tam Mộc là một thầy giáo hiền lành nhưng sau khi đứa con mà anh ấy hằng mong mỏi không còn, anh ấy đau khổ chọn lựa giả vờ.
Giả vờ như Viêm Viêm đã mất.
Giả vờ như Viêm Viêm chưa từng đến.
Giả vờ như chị và anh ấy vẫn có thể hạnh phúc như trước đây.
Nhưng chị nhìn thấy trong vẻ gắng gượng tươi cười của anh ấy có một khe hở càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng.
Ngày chị phá thai, thế giới vẫn tràn đầy sức sống, ánh nắng ấm áp, gió mát ôn hòa. Chị ôm búp bê mà gạo nếp mua cho Viêm Viêm, thêu tên con lên đó, rồi liên tục kể chuyện cười cho nó nghe.
Có lẽ mẹ không đành lòng nhìn chị chịu khổ nên chọn lựa ở lại phòng bệnh chờ chị.
Khi chị bình an trở ra, qua cửa kính chị trông thấy mẹ đang bồng búp bê. Mẹ chị nói thều thào: “Xin lỗi con, bà ngoại không thể cứu được con.”
Trên đời này rất nhiều nam nữ đến với nhau vì con cái nhưng lại không biết bao nhiêu cặp đôi giống như chị và anh ấy vì con cái mà đường ai nấy đi.
Lời anh ấy từng nói hoàn toàn chính xác: người học nhiều rất gàn dở. Anh ấy là vậy, làm sao chị không phải? Huống hồ áp lực đã kiềm nén quá lâu.
Vì vậy khi chị xuất viện trở về nhà mới, bước vào căn phòng trẻ con trống không, chị dự cảm giữa chị và anh ấy sẽ có một cuộc cãi vã không thể trốn tránh.
Tối hôm đó, gạo nếp và Tôn Du Thánh không ai bảo ai lại cùng lúc đến thăm bọn chị. Từ đầu đến cuối hai cậu ấy đều lặng thinh, đến cả thở cũng không dám.
Chị chất vấn Tam Mộc: “Đồ của Viêm Viêm đâu?”
”Bỏ rồi.” Anh ấy đáp.
”Anh dựa vào cái gì tự quyết định...”
”Những lời này phải dành cho em.”
Chị ngỡ ngàng nhìn anh ấy: “Em không ngờ...”
”Anh cũng không ngờ em lại lừa dối anh, chuyện lớn mà không hề trao đổi với anh, hay em nghĩ em còn nhỏ nên không cần Viêm Viêm!”
”Em dĩ nhiên cần con! Anh một mực chỉ trích em, vậy lúc em cần anh nhất, anh đang ở đâu?”
“Đó là công việc của anh!”
”Em cũng không thể vứt bỏ tương lai của em!”
”Đổi con lấy tương lai?”
”Con có thể có lại...”
”Nhưng không phải Viêm Viêm.” Giọng anh ấy tắc nghẹn, “Không thể có Viêm Viêm thứ hai trên đời.”
Em thấy đấy, khi con người rơi vào tình yêu đều trông có vẻ tương tự nhau, mà khi họ phát điên cũng giống hệt đến nực cười.
Tôn Du Thánh lôi kéo anh ấy xềnh xệch, còn gạo nếp ở lại khóc tức tưởi với chị.
”Cậu nói hai cậu gắn bó vì đôi bên có nhiều điểm tương đồng, bao gồm cả tính cách, đúng không? Bây giờ, anh ấy lâm vào đường cùng, cậu cũng như vậy.” Cậu ấy khuyên chị, “Hai người hãy tạm xa nhau, như vậy sẽ tốt cho cả hai.”
Mùa đông Tam Mộc đến Mỹ học nghiên cứu tiến sĩ, anh ấy sắp xếp chỗ ở trước, sau đó chị mang theo Viêm Viêm đến đoàn tụ. Đây vốn dĩ là một kế hoạch vẹn toàn, có anh ấy, có chị, có cả Viêm Viêm.
Chiến tranh lạnh kéo dài suốt nửa năm, chị và anh ấy đều không tha thứ cho đối phương, hoặc có thể nói chị và anh ấy không cách nào tha thứ cho bản thân, dù rằng người nhà luôn trấn an chị: “Có một số việc đã định đoạt sẵn, không thể trách cứ bất kỳ ai.”
Ngày anh ấy đúng hạn lên đường đi Mỹ, chị đứng trên sân thượng tại nhà, ngửa đầu ngắm bầu trời ở phía sân bay.
Bầu trời xanh thăm thẳm giống như một giấc mơ.