Tắm rửa xong, Tiền Hưng Lương muốn dẫn Lục Minh Viễn ra ngoài, nhưng để Diệp Trình ở nhà một mình thì cũng không được, nên đành dẫn cả đi.
Lần trước cái anh cảnh sát dẫn đôi vợ chồng nọ tới nhận nuôi Lục Minh Viễn làm việc tại đồn công an khu vực họ ở. Lúc này trên đồn hẳn còn người trực, nhưng Tiền Hưng Lương lại không dẫn tụi nhỏ lên đồn, mà đi thẳng đến nhà anh cảnh sát kia. Anh ta cũng là người khu này, nên đại khái cũng có quen biết sơ qua.
Nhà anh cảnh sát kia ở trong một tiểu khu gần đó. Tiền Hưng Lương đứng dưới lầu bấm chuông, vừa nói ra thân phận mình, đối phương liền sảng khoái mở cửa.
Vào nhà rồi, Tiền Hưng Lương mới đại khái nói ra tình huống, còn không để ý Lục Minh Viễn phản đối, ở trước mặt một nhà anh cảnh sát lột sạch quần áo trên người nó, chỉ để lại có độc một cái quần con. Một thân thương tích lập tức khiến cho cả một phòng người nổ tung, cha anh cảnh sát nọ cũng là một cán bộ kỳ cựu, nói ông cũng quen hai vợ chồng nhà đó, hôm nào nhất định phải sang nói chuyện với họ một lần.
Mấy người phụ nữ trong nhà lại càng lôi kéo Lục Minh Viễn yêu thương một trận, đem thằng nhóc biến thành cả mặt đỏ bừng, không biết là xấu hổ quá hay nghẹn thở quá nữa. Lão phu nhân lấy từ trong tủ lạnh ra cho hai đứa nhỏ mỗi đứa một cốc kem ly, rồi dẫn chúng vào phòng xem vô tuyến.
"Mọi người xem, thằng nhỏ này đột nhiên lại chạy về đây, tôi vốn cũng không định nói ra đâu, nhưng sợ sau này hai vợ chồng nhà kia lại đi cáo trạng, dù sao mấy người đó cũng đã nhận nuôi thằng nhỏ rồi mà." Tiền Hưng Lương hơi hơi co rụt người, ngồi trên ghế sô pha nhà họ.
"Đúng vậy, việc này bác nói ra là đúng."
"Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu mang thằng nhỏ lên đồn công an, chẳng may chuyện này truyền ra ngoài, thì mọi người đều phải một phen xấu hổ, nên mới dẫn nó tới nhà các vị."
"Aizz, tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi, hai cái người đó lại có thể ra tay tàn nhẫn với một đứa nhỏ như thế, đúng là độc ác mà. Mệnh đứa nhỏ này thật khổ...." Lão phu nhân hai mắt rướm lệ nói.
"Nhưng nếu đứa nhỏ này lại bị đưa về cái nhà đó nữa thì tôi thật không đành lòng." Đây chính là mục đích Tiền Hưng Lương đến đây hôm nay. Tuy bác không định nhận nuôi đứa nhỏ này, nhưng cũng không thể mở mắt trừng trừng đẩy nó vào hố lửa được.
"Làm sao còn đưa về nhà họ được nữa? Đứa nhỏ này ở trong cái gia đình như thế thì làm sao mà trưởng thành được? Nhìn cách dạy dỗ của cái nhà đó, đứa nhỏ đang tốt đẹp cũng bị họ đánh hỏng luôn rồi." Ông lão nói.
"Ngày mai tôi sẽ lên đơn vị báo cáo với thủ trưởng, chuyện này cũng do anh ấy làm đầu mối, tôi nghĩ nên cho anh ấy biết trước một tiếng." Anh cảnh sát hàm hồ nói, loại chuyện này anh cũng không thể hứa hẹn được gì, anh đâu thể đứng ra làm chủ được.
"Đồ vô dụng, ngay bây giờ ta sẽ gọi điện cho nó, nói cho nó biết." Ông lão nói xong đứng lên.
"Đừng, ba, để con báo cáo là được, ba đừng lấy thân phận già cả chèn ép người ta, sau này con ở đơn vị sẽ khó sống lắm." Anh cảnh sát vội vàng kéo cha mình lại, có vẻ rất sợ ông, "Con thấy chuyện này cũng không phải chuyện lớn, đánh con nít vốn không phải chuyện gì to tát, nhưng làm lớn chuyện lên thì cũng có thể xem như phạm pháp. Ngày mai con sẽ lên đơn vị báo cáo, mọi người cứ chờ tin tức của con, đừng lên đồn thưa chuyện vội, được không?"
"Thế thì làm phiền anh." Nói chuyện xong, bác Tiền vào phòng kêu Diệp Trình và Lục Minh Viễn trở về.
Đánh đập trẻ con tuy là phạm pháp, nhưng người Trung Quốc cũng có câu 'Không đánh không nên người', con bác cũng từng nói với bác làm như vậy là bạo lực gia đình, nhưng bác chưa từng thấy có ai vì đánh con đánh cái mà bị phán tội báo lực gia đình rồi bị bắt đi tù cả.
Bác cũng chỉ là một công nhân quèn, không muốn vì chuyện của đứa nhỏ này mà làm mếch lòng ai, chỉ cần chuyện này trôi qua, thằng nhỏ không bị đưa về lại cái nhà đó nữa là được rồi.
Chuyện này cứ như vậy liền được giải quyết. Đêm hôm đó, Lục Minh Viễn vẫn như trước đây ngủ cùng Diệp Trình, nhưng cả đêm cũng không chịu nói với Diệp Trình một câu. Diệp Trình còn tưởng nó sẽ vĩnh viễn không nói chuyện với mình nữa.
Kết quả lại hoàn toàn khác với những gì nó tưởng tượng. Giữa trưa ngày hôm sau, đến giờ ăn cơm, Lục Minh Viễn lại xuất hiện trước mặt Diệp Trình. Vì không chuẩn bị trước, nên bác Tiền chỉ mang đến có một phần đồ ăn, Diệp Trình đành kéo Lục Minh Viễn sang bên đường đối diện mua vài cái bánh bao. Bánh bao ở đây bán đắt hơn đầu ngõ nhà nó, một cái những hai mao tiền, mà lại không lớn bằng bánh ở đầu ngõ.
Buổi chiều Diệp Trình dẫn theo Lục Minh Viễn đến trường tiểu học gần đó. Hai ngày này là thời điểm học sinh đến báo danh, cổng trường tiểu học có vẻ đặc biệt náo nhiệt. Rất nhiều phụ huynh dẫn theo con em mình tới báo danh, có người vội vàng đi qua đi lại, cũng có người ôm một chồng sách thật to bước ra. Ngoài cổng trường càng không thiếu những gánh hàng rong nhỏ, bày bán đầy những món đồ chơi, quà vặt.
Đến những chỗ như thế này xin tiền thông thường sẽ chẳng thu được bao nhiêu, mấy đứa con nít còn đang đi học phần lớn đều không có bao nhiêu tiền, phụ huynh cũng sẽ không quá hào phóng. Nhưng hôm nay Diệp Trình vẫn rất vui, vì Lục Minh Viễn rốt cuộc đã chịu để ý đến nó, thế nên nó mới quyết định mang Lục Minh Viễn tới đây xem náo nhiệt.
Hai đứa mua hai cây kem que, ngồi ở chân tường trước cổng trường tiểu học, nhìn mọi người đi tới đi lui.
"Cậu có muốn đến trường không?" Diệp Trình hỏi Lục Minh Viễn.
"Muốn." Lục Minh Viễn cắn một miếng kem, gật gật đầu nói.
"Tui cũng muốn." Cơ mà hình như đến trường phải cần rất nhiều tiền nha.
Mấy ngày sau, anh cảnh sát nọ lại tới nhà Tiền Hưng Lương một chuyến, nói là vụ việc kia đã giải quyết xong xuôi, trước cứ để Lục Minh Viễn ở lại nhà hai bác cháu một thời gian, bao giờ có người muốn nhận con nuôi nữa thì anh ta sẽ lại dẫn đến.
Cứ như vậy, Lục Minh Viễn trở lại, buổi trưa mỗi ngày vẫn sẽ cùng Diệp Trình ăn cơm, sau đó ở bên ngoài cùng nó nửa ngày. Chiều nào Diệp Trình và Tiền Hưng Lương về nhà, cũng sẽ thấy nó chờ sẵn ngoài cửa.
Anh cảnh sát nọ từng nói sẽ dẫn người muốn nhận con nuôi tới, nhưng một ngày rồi lại một ngày trôi qua, vẫn chẳng thấy có chút động tĩnh gì. Thẳng đến cuối năm, Tiền Hưng Lương tính dẫn Diệp Trình về quê, Lục Minh Viễn vẫn không có chỗ đi.
Ý định của bác Tiền là để Lục Minh Viễn một mình ở lại đây, bác sẽ nhờ hàng xóm hai bên để ý một chút, cũng mua thật nhiều bánh bao trữ sẵn trong nhà, đợi bác ăn Tết xong sẽ trở lại. Nhưng lần này có nói thế nào Diệp Trình cũng không chịu đồng ý, khăng khăng muốn dẫn Lục Minh Viễn về quê cùng mình.
Bởi vì lần trước Diệp Trình từng nghe theo lời bác Tiền khuyên Lục Minh Viễn đi theo cặp vợ chồng kia, kết quả vợ chồng nhà đó đối xử không tốt với nó, đánh cho nó mình đầy thương tích. Thế nên lần này bác có nói gì nó cũng không chịu để một mình Lục Minh Viễn ở lại đây nữa, ai nói nó cũng không nghe.
Mỗi lần Tiền Hưng Lương nói đến chuyện này, Diệp Trình còn đỡ, chỉ khăng khẳng đòi dẫn Lục Minh Viễn về quê, chứ cũng không khóc nháo gì, Lục Minh Viễn thì lại khác, cứ trừng mắt lên nhìn bác, như thể bác là người xấu chuyên bắt nặt con nít vậy, người xấu mà chịu nuôi nó lâu như thế à.
Phải biết, nếu đi xe lửa, thì một người lớn có thể miễn phí dẫn theo một đứa trẻ. Tầm tuổi Diệp Trình thì sẽ không cần phải mua thêm vé. Nhưng nếu dẫn theo hai đứa, thì chỉ một đứa được miễn phí thôi, đứa còn lại sẽ phải mua nửa vé. Đối với một người dân nông thôn như bác, nửa vé cũng là một khoản kha khá rồi, bác làm sao cũng không nỡ bỏ tiền ra.
Hơn nữa dẫn Lục Minh Viễn về quê làm cái gì mới được chứ? Nó cũng có phải người trong thôn họ đâu, có về cũng chẳng có thân thích gì, không phải lại theo Diệp Trình ở trong cái viện quạnh quẽ kia đấy chứ? Diệp Trình còn phải dựa vào bà ngoại và nhà cậu nuôi nữa, nếu bác lại dẫn thêm cả Lục Minh Viễn về, thì không phải gia tăng gánh nặng cho gia đình nhà người ta sao?
Bác ở bên này rối rắm, hai đứa nhỏ cũng thấy sốt ruột, rất sợ bác không chịu nói lý mà mạnh bạo cưỡng ép.
"Bác ấy mà bắt cậu đi thì cậu liền khóc, kêu cứu mạng." Lục Minh Viễn năm tuổi mách nước cho Diệp Trình sáu tuổi như thế.
"....." Diệp Trình nhếch miệng, cảm thấy làm như vậy không hay lắm, đây không phải chiêu thức lúc trước bác Tiền dạy nó để đối phó với người xấu sao?
Tiền Hưng Lương quả thật có ý như thế, mắt thấy cuối năm đã gần kề, bác liền tính toán có nên khiêng luôn Diệp Trình về quê, đỡ cho phải cãi lý với một đứa nhóc sáu tuổi không.
Đúng lúc này, Trần Văn Miểu lại đột nhiên tới tìm bác, khiến bác Tiền rất kinh ngạc, "Không phải bác về quê rồi à?"
"Ai da, nếu không có chuyện thì tôi đi lung tung như vậy làm gì chứ? Mau mau rót cho tôi chén nước, đi một ngày đường, đến một ngụm nước cũng không kịp uống đây này."
Tiền Hưng Lương vội vàng rót cho hắn một chén nước, lại nhìn ngoài trời sắp sập tối, trông hắn lại có vẻ rất sốt ruột, xem ra không phải chuyện nhỏ, "Rốt cuộc là có chuyện gì mà gấp gáp vậy?"
"Chuyện tốt, để thêm một thời gian nữa sẽ mất. Mấy hôm trước có một đồng hương chuyển lời cho tôi, nói trong thành có một xưởng dệt sắp phá sản, muốn xả hàng tồn kho giá thấp, nhưng xưởng nhà người ta cũng lớn, bọn tôi góp tiền rồi mà không đủ, bác có muốn góp một phần không?"
"Bác thỏa thuận với người ta rồi à?" Tiền Hưng Lương miệng thì hỏi như thế, nhưng trong lòng cũng bắt đầu tính toán. Hai thằng con nhà bác lớn lên từng ngày, sau này sẽ phải học trung học, rồi đại học, con trai lớn rồi chẳng lẽ lại không mua nhà cho nó cưới vợ, áp lực của bác cũng không nhỏ. Lúc này nghe Trần Văn Miểu nói như vậy, bác sao có thể không động tâm cho được. Bất quá động tâm thì động tâm, việc buôn bán bác cũng không rành, nên vẫn phải hỏi cho rõ ràng trước đã.
"Vẫn chưa, tôi vừa nghe tin đã tức tốc chạy lên đây, chỉ sợ tới chậm, nhưng còn chưa gom đủ tiền. Nếu bác đồng ý góp một phần, tôi sẽ lập tức tới chốt với họ, để họ không tìm người khác, rồi ngày mai lại đến thỏa thuận cụ thể." Trần Văn Miểu rất sốt ruột.
"Thế bọn bác còn thiếu bao nhiêu?" Nếu như không nhiều lắm, thì bác nhất định sẽ góp.
"Bây giờ còn thiếu hai vạn." Những năm giữa thập kỷ chín mươi, một gia đình công nhân bình thường một năm tiết kiệm được trung bình không đến một vạn, hai vạn không phải là một số tiền nhỏ.
"Bác nói là xưởng gì?" Vừa nghe đến con số hai vạn, Tiền Hưng Lương liền có chút chần chờ.
"Uhm, là một xưởng dệt, hàng trong kho đều là quần áo, tất tay, tất chân các kiểu, nghe nói giá ở thời điểm này là thấp nhất, đợi nó phá sản thật rồi, tin tức công bố ra ngoài, thì sẽ không còn thấp như thế nữa." Trần Văn Miểu hớp một ngụm nước ấm, lấy lại bình tĩnh.
- --------------------------------------------------------------------
Đợi đến giữa trưa, ánh mặt trời chiếu vào, bên trong thùng xe mới ấm lên được một chút. Hai đứa nhỏ ghé vào khe hở giữa những tấm bạt nhìn quang cảnh bên ngoài, nhìn chán lại chui vào trong chăn. Bên dưới thân hai đứa là mấy bao quần áo thiệt lớn, nằm lên mềm mềm êm êm, trời lại ấm như vậy, thi thoảng còn có gió mát thoảng qua tai, hai tên nhóc đều cảm thấy thực thoải mái. Chúng nằm trong thùng xe lăn đến lăn đi, từ bên này lăn sang bên kia, lăn mệt thì lại rúc vào nhau ngủ.