- 🏠 Home
- Đam Mỹ
- Điền Văn
- Diệp Trình
- Chương 20
Diệp Trình
Chương 20
Buổi tối lúc tụi Diệp Trình đi ngủ, hai vợ chồng Lưu Hiểu Ngọc vẫn còn ở dưới lầu nhào bột, sáng sớm hôm sau lúc chúng nó tỉnh lại, họ đã chưng xong hồng bọc đường. Diệp Trình dùng hai đồng tiền mua, sau đó cùng Lục Minh Viễn ngồi ngoài cửa ăn, còn lại hai cái không ăn hết thì dùng túi nilon bọc lại, để vào trong thùng sau xe đạp.
Lát sau, Trần Đức Hải, chồng Lưu Hiểu Ngọc xách đồ ra ngoài, kêu tụi Diệp Trình đi theo mình. Đôi giày giải phóng Trần Đức Hải đang đi, ngày hôm qua được tụi Diệp Trình sửa cho, giờ xách bao hồng nặng như vậy vẫn đi nhanh như gió, Diệp Trình và Lục Minh Viễn đi theo có chút cố sức. Còn may Trần Đức Hải là đi bán hàng, thi thoảng lại quẹo vào mấy thôn lân cận bán hồng, hai đứa mới có thể tranh thủ nghỉ ngơi chút đỉnh.
Trần Đức Hải có nói mấy cái thôn lân cận này nhỏ lắm, không kiếm được bao nhiêu việc, hơn nữa rất nhiều người ngày hôm qua đã mang giày đến thôn ông sửa rồi, nên hôm nay ông muốn dẫn tụi Diệp Trình đến Đại Loan, ở đó nhiều người hơn.
Đoàn người đi gần ba giờ đồng hồ mới rốt cuộc đến được Đại Loan mà Trần Đức Hải nói. Đây là chân một ngọn núi lớn, đại khái là vì đất đai quanh đây tương đối màu mỡ, nên dân cư đông đúc hơn, thậm chí có mấy nhà còn lớn tới nỗi tạo thành một ngã tư nhỏ.
Phong cảnh Đại Loan cũng rất đẹp, ngoại trừ từng dãy nhà xếp thành hàng thẳng tắp, đồng ruộng xanh mướt, còn có một dòng suối vừa trong vừa nông. Nước suối trong vắt thấy đáy, bên dưới là đá đủ loại hình dáng kích thước, thi thoảng còn thấy từng đàn cá nhỏ bơi qua bơi lại. Dân bản xứ chỉ coi là rạch, nên cũng chẳng đặt tên.
Con rạch này không có cầu bắc qua, mà chỉ xếp vài tảng đá lớn tạo thành lối đi. Tụi Diệp Trình để xe đạp lội nước, mình thì dò dẫm bước qua từng viên từng viên đá, chậm chạp lết tới bờ bên kia. Trần Đức Hải đã sang bên kia bờ từ lâu, lúc này quay lại nhìn, cười ha hả tháo mũ rơm ra quạt.
Trần Đức Hải xách đồ vừa đi đến đầu phố đã có thực nhiều người xúm lại mua hồng bọc đường.
"Bán cho tôi hai đồng đi, sao lâu quá không thấy bác qua đây bán vậy?"
"Ôi trời, chỗ bác xa như thế, tôi đi nửa ngày mới tới, ngày nào cũng đi thì chịu sao nổi?" Trần Đức Hải cười ha hả đáp.
Người bên này còn chưa kịp tản đi, đã có thêm mấy đứa con nít chạy lại, mua cứ một hai đồng một, rõ ràng so với sang mấy thôn lân cận bán tốt hơn nhiều. Bao hồng bọc đường còn hơn phân nửa mà chẳng bao lâu đã sắp thấy đáy, mà bên kia vẫn còn thấy có người đang lục tục chạy về phía này.
"Nè Trần Đức Hải, sao nay bác lại dẫn hai thằng nhóc nào theo thế này?" Bên cạnh có người đã mua được hồng, vừa cầm ăn vừa hỏi chuyện.
"Hai thằng nhóc này biết sửa giày, ngày hôm qua tới thôn nhà tụi tôi, nay tôi dẫn chúng nó theo." Trần Đức Hải buôn bán bận rộn quá, suýt thì quên luôn tụi Diệp Trình, lúc này nhớ ra mới vội vàng bảo Diệp Trình, "Hai đứa dựng sạp ở đây đi, người xung quanh biết sẽ tự mang giày tới sửa."
Diệp Trình nghe Trần Đức Hải nói vậy thì liền chọn một chỗ bằng phẳng bày hàng, trong thùng xe có cái gì cũng đều lôi hết ra, xung quanh có rất nhiều người vừa ăn hồng vừa xem náo nhiệt. Chỉ chốc lát sau, đã có một hộ gia đình nhà ngay trên mặt đường lấy một đôi giày cũ mang ra cho tụi Diệp Trình sửa, rồi dần dà, người đến càng lúc càng đông hơn.
Cách chỗ tụi Diệp Trình bày hàng không xa có một bà lão, nghe nói con trai con gái bà đều đã thoát ly lên thành phố lớn hết rồi, chỉ mình bà là thủ ở chỗ này nhất quyết không chịu đi. Nhà bà tương đối lớn, bên cạnh còn có hai cây hồng cao to cành lá xum xuê, trên cây chi chít những quả hồng xanh còn chưa chín.
Trần Đức Hải nói là phải cách ngày mới trở lại Đại Loan, kêu tụi Diệp Trình ở nhờ trong nhà bà lão. Quanh khu này dân cư đông đúc, không sợ thiếu việc để làm, cách ngày ông sẽ tới đón hai đứa. Diệp Trình đồng ý, hai ngày nay ở Thập Bát Lĩnh, hai đứa cảm thấy thôn dân nơi đây đặc biệt tốt bụng, nên tuy chẳng quen biết ai ở Đại Loan cả, nhưng trong lòng hai đứa cũng không sợ hãi chút nào.
Không đến nửa giờ sau, Trần Đức Hải đã bán hết bao hồng rời đi, bà lão ở gần đó rất tốt, một hồi rót trà cho tụi Diệp Trình, một hồi lại lấy khoai lang chính tay bà trồng ra cho tụi nó ăn.
Sửa giày ở Đại Loan thu được rất khá, người dân ở đây tính tình hào phóng, có mấy người còn bảo tụi Diệp Trình lấy giá rẻ quá, nên lôi đủ loại đồ ăn thức uống trong nhà ra cho hai đứa ăn. Củ cải hành tây, rồi thì đậu tương vừa mới thu hoạch, cho vào nồi nấu chín, nêm thêm chút muối, bưng ra từng bát từng bát lớn.
Ngày đầu tiên lượng khách không tồi, Diệp Trình và Lục Minh Viễn làm đến tối mịt mới nghỉ, sang đến ngày hôm sau thì vãn hơn. Buổi sáng hai đứa làm xong hết việc tồn, buổi chiều rảnh hơn hẳn, thi thoảng vẫn có đôi ba người tới sửa giày, tụi Diệp Trình ngồi dưới tán cây hồng túc tắc làm, dần dà người thưa dần, bà lão liền kê một cái sạp trúc trước cửa cho tụi nó ngả người ngủ, chừng nào có khách bà lại kêu tụi nó dậy.
Còn chưa đến tháng chín, thời tiết buổi chiều vẫn còn chút nóng nực, hai tên nhóc nằm trên sạp trúc mát lạnh, chẳng mấy chốc liền ngủ, còn ngủ thẳng tới tận lúc mặt trời xuống núi mới dậy.
Nghe bà lão nói là vừa nãy có người đem giày đến sửa, nhưng thấy hai đứa đang ngủ nên để giày lại. Tụi Diệp Trình ngủ dậy, việc đầu tiên là đem đôi giày kia ra sửa, chờ ăn cơm tối tắm rửa xong thì trời cũng đã tối đen.
Nhưng bởi vì buổi chiều vừa mới ngủ, nên giờ nằm thế nào cũng không ngủ được, lăn qua lộn lại cả buổi mà vẫn chẳng thấy buồn ngủ chút nào, vì thế Lục Minh Viễn nói, "Tụi mình ra rạch chơi đi."
"Được." Diệp Trình nghĩ một hồi liền đồng ý. Hồi hai đứa ở thành C cũng thường ra bờ sông chơi, lúc tới đây trông thấy con rạch cũng hứng thú lắm. Chẳng qua hôm qua nhiều việc quá, bận bịu xong liền lên giường ngủ luôn, nay nếu đã không ngủ được, thì tranh thủ ra chơi một lát cũng hay, dù sao con rạch kia cũng nông thật, người dân quanh đây trước giờ đều để mặc tụi trẻ con ra đó chơi đùa mà chẳng lo ngại gì hết.
Hai tên nhóc rón ra rón rén ra cửa, cũng không biết bây giờ là mấy giờ, nhà nhà đều đã lên giường đi ngủ. Diệp Trình và Lục Minh Viễn đi ra bờ rạch, cởi giày đặt trên một tảng đá, rồi đi chân trần xuống nước.
Nước suối mát lạnh, nơi sâu nhất cũng chỉ tới đầu gối, mà chỗ nông thì chỉ vừa ngập qua bàn chân một tí, có vài viên đá thậm chí còn nhô lên khỏi mặt nước.
Hai tên nhóc bì bõm lội nước đi ngược lên trên. Trăng hôm nay rất sáng, chiếu lên mặt nước phản chiếu từng tầng quang mang xinh đẹp, từ đồng ruộng hai bên bờ vọng lại tiếng ếch nhái ồm ộp, trong bụi cỏ thì văng vẳng tiếng côn trùng kêu râm ran. Diệp Trình và Lục Minh Viễn cứ chầm chậm lội nước tiến về phía trước, đi mãi vẫn chưa muốn về.
Đi một hồi thì đã khá xa, nhà cửa hai bên dần trở nên thưa thớt, nhưng hai đứa cũng không sợ lạc đường, vì chỉ cần xuôi theo con rạch đi ngược trở lại là về được nhà bà lão.
Tối hôm đó không biết hai đứa rốt cuộc đi bao lâu, bên tai là tiếng nước nhẹ nhàng êm ái, dưới chân cảm nhận dòng nước mát lạnh chảy qua, ngắm nhìn ánh trăng thanh lãnh hắt trên mặt nước, gió đêm thi thoảng phất qua, nhẹ nhàng khoan khoái lại dẫn theo hơi nóng đặc trưng của mùa hè, chóp mũi ngửi được mùi bùn đất hòa quyện hương cỏ tươi mát.
Làm bạn bên cạnh, là người bản thân tin tưởng, ỷ lại nhất, như là một nửa khác của mình.
Hôm sau, lúc Trần Đức Hải đến, Diệp Trình và Lục Minh Viễn còn chưa rời giường. Bà lão kêu hai đứa dậy, cho mỗi đứa ăn một bát cháo, xong xuôi thì Trần Đức Hải cũng bán gần hết bao hồng, đoàn người lên đường rời khỏi Đại Loan.
Đường về thoải mái hơn lúc đi nhiều lắm, bởi vì Trần Đức Hải đã bán hết bao đường, nên cột cái sọt không vào sau xe đạp của tụi Diệp Trình, rồi dắt xe cho tụi nó. Hai tên nhóc chỉ việc đi người không phía sau.
Trần Đức Hải đi thẳng về nhà mình, dỡ cái sọt xuống. Diệp Trình nhân cơ hội theo ông vào nhà mua một ít hồng bọc đường. Lần này ra ngoài nó kiếm được kha khá, mà hồng bọc đường nhà Trần Đức Hải lại ngon như thế, liền nghĩ mua vài cái về cho bà ngoại nếm thử.
Diệp Trình mua hẳn mười đồng tiền hồng bọc đường, bởi vì Trần Đức Hải nói món này không dễ hỏng, chỉ cần để vào trong sọt hoặc rổ trúc, rồi dùng miếng vải hút nước thoáng khí đậy lên là có thể để được ba bốn ngày. Lúc nào ăn đem ra chưng lại thì sẽ vừa mềm vừa thơm.
Sau đó Trần Đức Hải đưa Diệp Trình và Lục Minh Viễn về nhà A Thanh. Hai mẹ con A Thanh đều đang ở nhà, nói là chiều sẽ về thôn. Bất quá trong thôn vẫn còn vài người muốn nhờ tụi Diệp Trình sửa giày, phần lớn đều là họ hàng gửi sang. Thế nên Diệp Trình và Lục Minh Viễn lại bắt đầu bày sạp làm việc, thẳng đến hơn hai giờ chiều mới sửa xong hết.
Hơn ba giờ chiều sẽ có một chiếc máy kéo chạy qua thôn Diệp Trình. Diệp Trình và Lục Minh Viễn cùng nhau đẩy xe đạp, A Thanh thì xách túi lớn túi nhỏ nhà mẹ gửi cho, ra đến ven đường đợi xe. Mẹ A Thanh cho A Thanh không ít rau rừng mang về, những thứ này bây giờ ở thôn Diệp Trình hiếm lắm, chỉ có vào trong núi mới nhiều.
Ngồi máy kéo chạy túc tắc hơn một giờ, cuối cùng cũng về đến thôn. Diệp Trình và Lục Minh Viễn vừa về tiểu viện được một lát Thái Kim Chi đã sang. Bà đun một siêu nước cho hai đứa tắm rửa, hỏi về những chuyện xảy ra trong chuyến đi, có vất vả lắm không, có kiếm được tiền không?
Tắm rửa xong, Diệp Trình một thân nhẹ nhàng khoan khoái dẫn Thái Kim Chi ra cái bàn ngoài phòng khách, rầm một tiếng đổ hết tiền trong tay nải ra. Thái Kim Chi nhất thời trợn tròn mắt, bà biết lần này Diệp Trình ra ngoài một chuyến khẳng định sẽ kiếm được tiền đem về, nhưng trăm triệu không ngờ lại kiếm được nhiều như vậy.
Ba người ngồi vây quanh bàn, chậm rãi đếm tiền. Thái Kim Chi thật vui, nói chuyện với Lục Minh Viễn cũng hòa hoãn hơn nhiều. Số tiền lần này kiếm được tổng cộng hơn hai trăm đồng, Thái Kim Chi ngồi cũng không yên, vội vào phòng lấy kim chi và một ít vải cũ ra, may thêm một cái túi ẩn bên trong tay nải của Diệp Trình. Những tờ tiền năm, mười đồng bà gấp gọn để hết vào đấy, sau đó may kín miệng túi lại, tiền lẻ thì để vào trong một cái hũ, cất bên dưới giường.
"Tiền lần này bà không giữ nữa, sang ngày hôm sau đi đăng ký học thì lấy ra mà đóng học phí, rồi lên trấn trên mua thêm hai bộ quần áo, còn lại bao nhiêu để mà mua thức ăn."
Diệp Trình dĩ nhiên là không có ý kiến gì. Nó lấy chỗ hồng bọc đường mua về ra chia làm hai, một nửa đem cất, một nửa đưa cho Thái Kim Chi mang về. Thái Kim Chi thấy Diệp Trình còn biết mua quà về cho mình thì lại càng cao hứng, ăn luôn một nửa chỗ hồng trong nhà Diệp Trình, luôn miệng khen ngon, nửa còn lại không nỡ ăn, bọc lại mang về, nói là phần cho Đại Bàn, Nhị Bàn.
- 🏠 Home
- Đam Mỹ
- Điền Văn
- Diệp Trình
- Chương 20