Đêm hôm đó trước lúc đi ngủ, Diệp Trình và Lục Minh Viễn nương ánh đèn mờ nhạt đếm tiền, thế mà lại được những ba mươi chín đồng sáu mao tiền, phải biết hồi còn ở thành C, rất nhiều hôm lão Ngô cũng không kiếm được ngần ấy đâu đấy, nhất thời vui đến sắp hỏng, lại nhịn không được bắt đầu mong chóng đến ngày mai.
Sáng sớm hôm sau, hai đứa nhỏ không cần người lớn gọi, tự động thức dậy đánh răng rửa mặt. Bàn chải, kem đánh răng đều là chúng nó mang từ nhà theo, còn cầm theo cả một cái khăn mặt nhỏ nữa. Lúc ấy A Thanh và mẹ đã dậy, đang ngồi trước bếp lò vừa nhóm lửa vừa nói chuyện, thấy hai đứa đã dậy, liền đưa cho chúng mỗi đứa một quả hồng bọc đường.
Diệp Trình nhìn nhìn quả hồng bọc đường mẹ A Thanh đưa cho, lại nhìn nhìn sắc trời bên ngoài, "Bà với cô làm ạ?"
"Làm gì có. Là một người thôn bên bán đấy. Hồng bọc đường nhà đó có tiếng lắm nhá, trời còn chưa sáng đã mang sang đây bán, A Thanh rất thích ăn thứ này." Mẹ A Thanh cười nói, nếu là ngày thường thì hai vợ chồng bà cũng chẳng mua đâu, tiết kiệm mà. Nhà bà cơm gạo rau dưa đều tự tay trồng, muốn ăn bao nhiêu thì có bấy nhiêu, thành ra nửa phần tiền cũng không phải động đến.
Hồng bọc đường này ăn ngon thật, quả cũng lớn nữa. Nghe mẹ A Thanh nói, một đồng mua được ba quả. Diệp Trình tính mua nhiều một chút, để đến trưa mình với Lục Minh Viễn ăn thay cơm, nhưng mà hình như người kia không ở thôn này, đành phải đợi đến sáng mai vậy.
Lát sau cha A Thanh từ bên ngoài trở về, trong tay ôm một bó rau hãy còn nguyên sương sớm. Mẹ A Thanh kêu ông đi rửa tay, rồi cũng đưa cho ông một quả hồng bọc đường.
Chờ cháo trong nồi chín nhừ, mẹ A Thanh lại múc cho Diệp Trình và Lục Minh Viễn mỗi đứa một bát, sau đó đeo đôi giày nhung đen hôm qua hai đứa sửa cho, nói bữa nay dẫn chúng nó sang thôn bên kiếm việc làm. Giày cần sửa trong thôn nhà họ ngày hôm qua hai đứa đã sửa gần hết rồi, nếu có còn sót lại thì cũng chỉ một hai đôi thôi, buổi tối hai đứa quay lại sửa vẫn kịp, không cần phải ngồi cả ngày ở đây.
Lúc này mặt trời còn chưa lên, lá cây ven đường vẫn còn ướt sương sớm, A Thanh đi phía trước cùng mẹ, vừa đi vừa nói chuyện. Hai mẹ con cô giống như nói mãi cũng không hết chuyện vậy. Diệp Trình và Lục Minh Viễn dắt xe đạp theo sau. Lục Minh Viễn cao hơn một chút thì đi trước, đỡ lấy ghi-đông, Diệp Trình đi sau bám vào yên xe đẩy.
Đi dọc theo con đường đá ngày hôm qua máy kéo chạy ước chừng không đến nửa giờ thì đoàn người Diệp Trình quẹo vào một con đường đất chạy xuyên qua một rừng cây nhỏ, sau đó lại đi thêm vài bậc thang đắp bằng đá, liền trông thấy một cái tam hợp viện*, từng căn nhà dựng bằng đá xếp sát nhau, thoạt trông ngăn nắp chỉn chu, có vài chỗ đã hiện rêu xanh.
*tam hợp viện: nhà ở bao quanh ba mặt sân"Ui chao, A Thanh đến đấy à, sao hai người qua đây sớm vậy?" Người thôn này dùng một cái ống nhựa chạy dọc quanh sân dẫn nước về ao nhỏ tự đào, lúc này đã có vài người đang ngồi ở đó đánh răng rửa mặt. Một người phụ nữ vừa đen vừa béo trong số đó trông thấy đám A Thanh thì lên tiếng chào hỏi, mấy người bên cạnh cũng hihihaha cười.
"Còn không phải vì vội quá à, sang chậm một chút thì còn ai nữa chứ?" Mẹ A Thanh cười nói.
"Bà muốn tìm ai à?"
"Không phải, dắt hai đứa nhỏ sang đây cho quen đường thôi." Mẹ A Thanh chỉ chỉ vào trong sân, đã thấy A Thanh dẫn Diệp Trình và Lục Minh Viễn vào đó, kiếm một chỗ bằng phẳng dựng sạp rồi.
"A Thanh nhà bà mới học nghề à?" Người nọ rửa mặt xong, liền bưng chậu rửa về nhà mình, ở vùng núi này, phụ nữ lại đi học nghề đúng là chuyện hiếm lạ.
Mẹ A Thanh đi theo người phụ nữ nọ tới cửa nhà bà, ngồi lên cái ghế bà xách ra, "Không phải A Thanh, mà là hai đứa nhỏ kia kìa. Bà xem đôi giày này của tôi này, hôm trước không phải bị mọt gặm thủng lỗ chỗ à, chính hai tên nhóc đó sửa cho tôi đấy, bà xem tay nghề tốt không này."
"Ui chao, có thật là hai đứa nhỏ kia sửa không vậy? Sửa một đôi hết bao nhiêu tiền thế?" Phụ nữ nông thôn có ai chi tiêu mà không tính toán cẩn thận đâu chứ.
"Giày của người khác thì chỉ ba đến năm mao tiền thôi, đôi của tôi sửa phức tạp hơn một chút thì mất một đồng, mà đứa nhỏ kia còn kêu không nhận nữa chứ. Bà nói xem tôi làm sao mà quỵt tiền của nó cho được?"
"Đúng đó, hai đứa nhóc nhỏ như vậy đã phải ra ngoài kiếm sống cũng thực không dễ dàng rồi. Bà ngồi đi, trong nhà tôi còn mấy đôi giày cũ, không biết hai đứa nó có sửa được không." Người phụ nữ nọ nói xong liền đi vào trong nhà, chốc lát sau đã cầm ra mấy đôi giày, đi về phía tụi Diệp Trình.
"Nghe nói hai đứa qua thôn nhà bà sửa giày hả?" Tuy đã nghe mẹ A Thanh nói qua rồi, nhưng thấy hai đứa nhóc nhỏ thế này, bà vẫn nhịn không được hỏi lại một lần nữa.
"Vâng ạ." Diệp Trình gật gật đầu, Lục Minh Viễn thì đang ngồi xổm một bên sửa soạn dụng cụ.
"Thế nhìn giúp bà xem mấy đôi giày này sửa thì hết bao nhiêu tiền?"
Diệp Trình nhận mấy đôi giày người phụ nữ nọ đưa qua, lật xem, nhà này giày cũ nhiều thật đấy, nhưng mà đôi nào đôi nấy đều được giặt rất sạch sẽ, xem ra tới giờ vẫn không định vứt đi. Nó xem rồi báo giá từng đôi từng đôi một.
Được một lát, Lục Minh Viễn lại đứng dậy nói thêm vào, "Vải dùng để sửa mặt giày không đủ dùng, bà phải tự chuẩn bị." Nó vừa mới kiểm kê qua một lượt, săm xe để sửa giày thì còn nhiều, nhưng vải sửa mặt giày thì rõ ràng không đủ, miếng vải bông hôm qua nhà A Thanh đưa cho cũng chẳng còn lại bao nhiêu.
"Cũng được." Người phụ nữ nọ có vẻ rất vừa lòng với giá tiền Diệp Trình đưa ra, bà rõ ràng là kiểu người không nỡ vứt bỏ đồ cũ, chạy vào nhà, một chốc sau đã đem ra mấy bộ quần áo cũ cho tụi nhỏ lựa chọn.
Thấy tụi Diệp Trình đã kiếm được việc để làm, A Thanh liền tới ngồi cùng mẹ, nói đùa, "Vận khí tụi Diệp Trình hôm nay tốt phết nhỉ, cả cái thôn này chắc chẳng có nhà nào có nhiều giày cần sửa hơn nhà thím ấy đâu."
"Chứ còn gì nữa, hahah, con có biết thím Hiểu Ngọc này tiết kiệm tới mức nào không? Thấy cái áo cánh bà ấy đang mặc chưa? Hồi con lấy chồng mẹ từng thấy bà ấy mặc rồi đấy, bây giờ đã qua mười năm, bà ấy vẫn còn mặc." Mẹ A Thanh cảm thán.
"Chú Đức Hải mấy năm nay kiếm cũng khá mà, sao thím ấy còn tiết kiệm như vậy nhỉ?"
"Con không biết đó thôi, trước đây bà ấy khổ lắm, riết rồi tiết kiệm thành tính đấy, chắc cả đời cũng chẳng sửa được đâu." Nói đến đây, không khí đã có phần nặng nề.
"Mẹ, con qua chỗ Diệp Trình giúp tụi nó một tay đây." A Thanh đột nhiên nói.
"Để mẹ đi với con, ngồi đây cũng chẳng làm gì." Nói xong, hai mẹ con đi ra chỗ Diệp Trình, hai đứa nhỏ đang cúi đầu mải làm, không để ý tới.
Thôn này khá đông dân, tụi Diệp Trình mở một cái sạp ngay đầu thôn, chỉ chốc lát sau đã có một đám người vây xem, mọi người thấy tay nghề tụi nó không tồi thì cũng lục tục về nhà đem giày cũ ra sửa.
Người phụ nữ trung niên nọ tên Lưu Hiểu Ngọc, mặc dù thoạt nhìn rõ là người keo kiệt, nhưng tiền thù lao lại trả rất đầy đủ, chỗ giày nhà bà sửa mất bốn đồng mốt, bà cũng đưa đúng bốn đồng mốt, không cò kè mặc cả câu nào, ngay cả chỗ tiền lẻ cũng đưa đủ.
Chốc sau, hai mẹ con A Thanh lại dẫn thêm một đám người nữa ra, việc đến tới tấp, Diệp Trình và Lục Minh Viễn bận đến không kịp trở tay. Cũng may người dân vùng núi đều không nóng nảy, một đám người vác ghế ra sân, ngồi túm tụm buôn chuyện gϊếŧ thời gian.
Bên này tụi Diệp Trình còn cả đống việc làm không xuể, bên kia đã có người hô bằng gọi hữu, "Tiểu Ân, mi chạy lên nhà ông ngoại một chuyến, kêu ông có đôi giày cũ hỏng nào thì đem lại đây, nhớ sang cả nhà thím ba cách vách nữa nhé, nói với thím là có vị sư phụ học nghề trên thành phố tới đây sửa giày, tay nghề tốt giá lại rẻ, kêu nhà thím mau mau qua đây nhé."
Thấy tụi Diệp Trình đã có kha khá việc để làm, hai mẹ con A Thanh liền tính toán trở về thôn. Mẹ A Thanh đi qua chỗ Lưu Hiểu Ngọc đánh tiếng, nhờ bà lúc nấu cơm trưa thì thuận tiện nấu giùm tụi Diệp Trình với, tối hai mẹ con bà sẽ qua đón tụi nó.
Lưu Hiểu Ngọc lại bảo, "Tối không phải qua đón làm gì, chờ tụi nó xong việc thì sang nhà tôi ngủ cũng được. Mai Đức Hải ra ngoài bán hàng, tôi sẽ kêu ổng dẫn hai đứa nó theo, muốn đi đâu đi đó, cả ngọn núi này có chỗ nào mà Đức Hải nhà tôi còn chưa đi qua nữa đâu?"
"Thế cũng tốt, đỡ cho hai đứa nhỏ khỏi phải chạy tới chạy lui, bà nhờ Đức Hải chú ý hai đứa nó giúp tôi nhé. Hai đứa nhỏ này là A Thanh dẫn ra từ thôn nhà nó, sau còn phải dẫn về nữa."
"Bà nói gì vậy chứ? Vùng này lấy đâu ra người xấu mà sợ? Cứ yên tâm, tôi sẽ dặn Đức Hải, không để lạc mất đâu."
Diệp Trình và Lục Minh Viễn cũng là lúc ăn trưa mới biết nhà người phụ nữ tên Lưu Hiểu Ngọc này chính là nhà làm hồng bọc đường lúc sáng tụi nó ăn. Chồng bà đi tới gần giữa trưa mới về, một túi lớn hồng bọc đường đều bán sạch không chòn chừa chút nào. Lưu Hiểu Ngọc kêu ông cởi giày ra, đem đến bờ ao giặt sạch, phơi khô để chiều đưa cho tụi Diệp Trình sửa.
Buổi trưa lúc Lưu Hiểu Ngọc nấu cơm, thì thuận tiến nấu luôn chỗ gạo Diệp Trình bỏ riêng ra cà men, hai đứa nhỏ mượn một băng ghế trong nhà bà, rồi bày thịt khô, dưa muối Thái Kim Chi chuẩn bị cho ra ăn. Lập tức có người tiến tới xem, bảo có chút đồ ăn như thế thì ăn sao đủ, sau đó về nhà bưng ra một cái đĩa, trút hết đồ ăn trên đĩa vào trong cà men cho tụi nhỏ.
Đã đến giờ cơm, người vây lại đây dần dần giải tán, có vài người chưa kịp sửa giày còn để giày cùng tiền lại, kêu tụi Diệp Trình sửa xong thì gửi nhà nào đấy quanh đây, hôm sau họ quay lại lấy.
Cơm nước xong, có một đôi vợ chồng giúp tụi Diệp Trình dời sạp đến trước cửa nhà họ. Lúc này mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, sạp của tụi Diệp Trình cũng bị nắng chiếu xuyên qua. Nhà ở vùng núi thường làm tầng hai nhô ra một chút so với tầng một, một dãy nhà liền nhau như vậy, tự dưng hình thành một đoạn hành lang, ngày thường hay dùng để phơi quần áo linh tinh, tụi Diệp Trình dựng sạp ở đây làm việc, cửa phòng phía sau rộng mở, gió núi mát lạnh từng đợt thổi qua.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn lại tiếp tục làm việc, có người lên tiếng khuyên hai đứa nghỉ một lát đi, Diệp Trình nhìn nhìn một đống giày chưa sửa, tay cũng không ngừng lại, mà Lục Minh Viễn thì Diệp Trình sao nó vậy.
Lục Minh Viễn bây giờ tốc độ làm việc càng lúc càng nhanh. Nếu có khách tới sửa giày, về cơ bản đều là Diệp Trình tiếp đón, nó thì chỉ cúi đầu cặm cụi làm việc, cái tính nóng nảy hở một chút là rống trước đây cũng thu liễm không ít.
Buổi tối lúc đi tắm, Diệp Trình phát hiện trên tay Lục Minh Viễn nổi lên hai bọng nước lớn, trong tay nó cũng nổi bọng nước, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, có lẽ là vì từ trước Diệp Trình đã hay phải làm việc, nên da tay dày hơn một chút, cũng có thể là vì hôm nay nó nói chuyện với khách nhiều, làm lại ít hơn một ít.
"Có đau không?" Diệp Trình lấy khăn mặt lau tay cho Lục Minh Viễn, cẩn thận tránh đi hai bọng nước lớn.
"Không đau lắm." Lục Minh Viễn hạ mi mắt, nhìn Diệp Trình cẩn thận từng ly từng tí lau tay cho mình.
"Mai cậu đừng làm nữa." Hồi trước lúc còn đi theo lão Ngô, tụi nó chưa từng phải làm nhiều như vậy bao giờ. Không biết vì sao, Diệp Trình cứ cảm thấy mình hẳn nên chiếu cố Lục Minh Viễn, không nên để nó nổi bọng nước lớn như vậy mà còn phải tiếp tục làm việc.
"Tui không đau." Lục Minh Viễn mất tự nhiên rút tay về.
"Thế thì đừng mài đế nữa." Hai cái bọng nước trên tay Lục Minh Viễn, có lẽ là do cầm giũa mài đế giày nhiều quá nên mới nổi lên.
"Uhm." Lục Minh Viễn uhm một tiếng xem như đồng ý.
- --------------------------------------------------------------------------
Tối hôm đó không biết hai đứa rốt cuộc đi bao lâu, bên tai là tiếng nước nhẹ nhàng êm ái, dưới chân cảm nhận dòng nước mát lạnh chảy qua, ngắm nhìn ánh trăng thanh lãnh hắt trên mặt nước, gió đêm thi thoảng phất qua, nhẹ nhàng khoan khoái lại dẫn theo hơi nóng đặc trưng của mùa hè, chóp mũi ngửi được mùi bùn đất hòa quyện hương cỏ tươi mát.Làm bạn bên cạnh, là người bản thân tin tưởng, ỷ lại nhất, như là một nửa khác của mình.