Diệp Trình với Lục Minh Viễn chuyến này mệt gần chết, ngày hôm sau ngủ thẳng đến tận lúc mặt trời lên cao mới rời giường. Hai đứa đóng cửa ngủ trong nhà cho nên người trong thôn đều không biết chúng đã về, mọi người vẫn nên làm cái gì thì làm cái ấy.
Diệp Trình vốn tính qua tìm bà ngoại, nghĩ một hồi lại quyết định sang thăm bác Tiền trước. Nghe Thái Kim Chi bảo Tiền Hưng Lương ốm nặng, nó muốn qua xem thế nào, hơn nữa vợ chồng Tiền Hưng Lương, Vương Quế Hoa tốt lắm, có khi còn giữ hai đứa lại ăn cơm ấy chứ. Còn bên nhà bà ngoại, nói thật ra thì Diệp Trình vẫn còn khá sợ cậu hai.
Đến nhà bác Tiền, lại chỉ có mình Vương Quế Hoa ở nhà, bác nói, "Diệp Trình đã về đấy à, ui da cao phết rồi nhỉ. Bác Tiền nhà mi lại vừa dẫn Chí Cao, Chí Viễn lên trấn trên mua văn phòng phẩm rồi. Ổng mà biết mi đã về thì sẽ vui lắm đấy. Về đi học lớp một hử?"
Diệp Trình gật đầu, lại nghe Vương Quế Hoa nói tiếp, "Đúng lúc lắm, mi không đi nữa thì mang Tiểu Hôi về nhà nuôi đi. Nó thân với mi rồi, lúc mi không ở đây toàn chạy về nhà, ngồi trước cổng thôi, nhìn mà xót hết cả ruột."
Diệp Trình lại gật gật, xoa đầu Tiểu Hôi. Trí nhớ của Tiểu Hôi thực tốt, Diệp Trình đi đã được hai năm mà nó vẫn chưa quên. Sau đó Vương Quế Hoa không nói thêm gì nữa, cũng không hỏi gì về Lục Minh Viễn sau lưng nó, Diệp Trình đành dẫn Tiểu Hôi và Lục Minh Viễn ra khỏi nhà bác.
Ngày thu ánh mắt trời chói chang hun cay cả mắt, Diệp Trình dụi dụi, trong lòng chua xót. Trên đường đυ.ng phải vài người cùng thôn, ai cũng hỏi Diệp Trình về rồi đấy à, về từ lúc nào, Diệp Trình chỉ đáp lung tung mấy câu. Bây giờ bụng nó đang đói lắm, trong nhà lại chẳng còn thứ gì ăn được, nó đành dẫn Lục Minh Viễn ra tiệm tạp hóa ở đầu thôn.
Tiệm tạp hóa này cũng chẳng có bao nhiều đồ, thức ăn quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bánh bột ngô, kẹo linh tinh mà thôi. Diệp Trình mua hai cái bánh mỳ nho kho, thêm hai gói mì tôm, rồi dắt Lục Minh Viễn trở về tiểu viện của mình.
Cũng may trong tiểu viện còn sót lại ít củi. Diệp Trình nhóm lửa đun nước ngâm mì. Lúc này Lục Minh Viễn cũng đã đói mèm, hai đứa nhỏ ngồi xổm trong tiểu viện, ôm bát tô vừa húp mì tôm vừa gặm bánh mỳ. Tiểu Hôi dễ nuôi, cái gì cũng ăn được, Diệp Trình bẻ cho nó mấy miếng mì tôm, mấy mẩu bánh mỳ, lúc này Diệp Trình còn chẳng đủ ăn, đương nhiên không thể cho nó được bao nhiêu.
Lát sau Thái Kim Chi sang, vừa vào trong sân đã ồn ào, "Thằng nhỏ ngốc này, về sao không nói một tiếng hử?"
"Tối muộn hôm qua mới về đến nơi." Diệp Trình trông thấy bà ngoại thì mừng húm, hai ba ngụm đã xử xong bát mì tôm, tiến lên nói chuyện với bà.
"Thế hử? Nghe nói mi vừa qua nhà bác Tiền?" Thái Kim Chi đóng cửa, đi đến gần Diệp Trình, nhỏ giọng hỏi.
"Vâng." Nói đến đây, giọng Diệp Trình cũng nhỏ đi.
"Aizzz, thôi không sao, nhà họ còn chưa vượt qua được chuyện lần này, một thời gian nữa sẽ tốt thôi, sau này mi đừng sang nhà đó nữa, biết chưa?" Thái Kim Chi nhìn ra được Diệp Trình không vui nên an ủi. Lát sau bà mới chú ý tới Lục Minh Viễn, "Thằng nhỏ này cũng theo mi về hả?"
"Cậu ấy đi với cháu." Lúc này Diệp Trình rõ ràng còn chưa ý thức được tính nghiêm trọng của chuyện này trong mắt người lớn.
"Không phải, bà hỏi này, chẳng phải bác Tiền nói nó bị lạc cha mẹ sao? Còn chưa tìm được à?" Thái Kim Chi càng hỏi càng cảm thấy chuyện này không đúng.
"Không tìm được đâu." Không tìm được là không tìm được thôi, hỏi sao không tìm được ai mà biết chứ?
"Thế sau này mi định làm thế nào? Mi nuôi được nó chắc?" Thái Kim Chi nóng nảy hỏi.
"Vâng." Diệp Trình nghĩ, nếu đã dẫn về đây rồi thì đương nhiên phải nuôi a.
"Ôi trời cái thằng nhỏ này! Mi ngay đến mình còn nuôi không nổi có biết không hả? Ở đó mà còn đòi nuôi thêm một người nữa?" Thái Kim Chi hơi hơi giương giọng, nếu chỉ có mình Diệp Trình thì bà với cả nhà Tiền Thủ Vạn chung tay miễn cưỡng cũng có thể nuôi nó lớn. Nhưng thằng nhỏ này thế mà lại còn tha thêm một đứa nữa về, hỏi có tức không cơ chứ!
Diệp Trình không lên tiếng. Nó biết bà ngoại không ưa Lục Minh Viễn, nhưng cũng không ngờ bà lại giận đến như vậy, nhưng bất kể thế nào, nó đã hạ quyết tâm nhất định phải để Lục Minh Viễn ở lại trong tiểu viện của mình.
Sau đó Thái Kim Chi còn nói gì nữa, nhưng Diệp Trình vẫn sống chết cũng không chịu mở miệng, thằng lỏi Lục Minh Viễn thì đứng ở cửa phòng trừng bà, ánh mắt thực hung tợn. Thằng nhóc này bướng bỉnh thế nào bà đã được lĩnh hội rồi, nên mới càng thêm chán ghét. Sau bà tức quá mà không biết làm gì, đành quay người bỏ đi.
Diệp Trình nghĩ chắc lần này bà ngoại giận nó thật rồi, sẽ không quan tâm tới nó nữa, lại nhớ đến thái độ của Vương Quế Hoa vừa nãy, nhất thời rầu rĩ trong lòng.
"Cậu sao rồi?" Lục Minh Viễn đi tới đẩy Diệp Trình một cái, giọng khô khốc nói, một chút cũng không để tâm đến tâm tình của Diệp Trình lúc này.
"Không sao." Diệp Trình khó chịu không thôi.
"Thật không?" Nhìn nó chả giống 'không sao' tí nào.
"Sẽ không sao đâu." Diệp Trình nói.
"Thế tối nay ăn gì?" Trông điệu bộ tức giận của Thái Kim Chi vừa nãy thì chắc sẽ không mang cơm chiều qua cho bọn nó đâu. Một gói mì tôm với một cái bánh mỳ, Lục Minh Viễn ăn mới chỉ lửng bụng thôi.
Diệp Trình nhìn nhìn Lục Minh Viễn, lại nhìn nhìn Tiểu Hôi nãy giờ vẫn ngồi xổm một bên nhìn nó chăm chú, rốt cuộc cũng gắng gượng lên tinh thần ra khỏi nhà. Quà vặt ngoài hàng không thể ăn thay cơm được, lại còn đắt nữa, trước tiên nó phải mua ít gạo về để trong nhà mới được. Trước kia mấy việc này bà ngoại đều làm cho nó, nhưng bây giờ bà ngoại giận nó rồi, không quan tâm tới nó nữa, nó phải tự làm thôi.
Hai người một chó chạy một vòng thôn cũng không biết phải mua lương thực ở đâu. Nông thôn dù sao cũng khác thành phố, làm gì có chợ, quầy hàng các kiểu. Hai đứa chạy ra đến cổng thôn thì thấy một ông bác trung niên đang ngồi bên bờ rạch rửa khoai lang.
Diệp Trình do dự một hồi, vẫn tiến lên hỏi, "Bác ơi, khoai lang này bác có bán không?"
"Đứa nhỏ nhà ai đây?" Người đàn ông cười cười, như là nhớ ra cái gì, nói, "Diệp Trình phỏng, muốn ăn khoai lang à? Đây, lấy đi, chút ít này chẳng đáng mấy tiền đâu mà."
"Cháu muốn mua nhiều một chút." Diệp Trình thành thực nói.
"Mua nhiều á? Thế thì đừng mua chỗ khoai rửa rồi này. Như thế này đi, bác còn phải lên núi một chuyến, chiều tối sẽ mang qua nhà cho mi, mi muốn lấy bao nhiêu?" Tuy đối phương còn là con nít, nhưng xét đến tình cảnh nhà nó, người đàn ông này đại khái cũng hiểu vì sao Diệp Trình lại muốn mua khoai lang.
"Năm mươi cân ạ." Năm trước Thái Kim Chi mang qua tiểu viện cho nó ba mươi cân khoai, nó với Lục Minh Viễn ăn chẳng mấy mà hết. Lần này ở lại lâu, mua nhiều hơn một chút đi.
"Trời, hai đứa mi mua nhiều vậy ăn không hết đâu, để lâu khoai hỏng hết đấy. Nghe bác đi, trước lấy hai mươi cân thôi, ăn hết thì nhà bác vẫn còn mà. Nhà bác có hầm tích trữ, khoai có để đến sang năm cũng không hỏng đâu."
Chiều ngày hôm đó, Diệp Trình và Lục Minh Viện ở lại trong tiểu viện nghịch máy khâu giày lão Ngô sắm cho. Người đàn ông nọ mang khoai lang tới, đúng hai mươi cân, đựng được non nửa sọt. Ông tìm trong phòng Diệp Trình mấy tấm ván gỗ, lót gạch bên dưới, rồi đặt khoai lang lên trên mặt tấm ván, để ở chỗ râm mát.
"Khoai lang này ấy mà, không được để trực tiếp trên đất, phải để lên ván gỗ thì mới giữ được lâu." Ông vừa nói vừa giúp hai tên nhóc bày khoai lang ra.
"Hết bao nhiêu tiền ạ?" Diệp Trình thấy ông xếp hết khoai ra rồi thì lấy túi tiền ra.
"Ba đồng đi." Nghe ông nói vậy, Diệp Trình ngây ra một lúc. Hồi còn ở thành phố nó cũng hay đi chợ, nên khá am hiểu giá cả hàng hóa, hơn nữa lúc ở trấn trên chúng nó ăn một bát mì đã mất tận một đồng, hai mươi cân khoai lang nhìn sao cũng không thể chỉ hết có ba đồng được.
"Ai da, bác làm sao mà kiếm tiền từ bọn mi được? Nhận một chút lấy lệ thôi." Ông bác này vốn cũng không định nói rõ ra như vậy với Diệp Trình, ai ngờ thằng nhóc còn nhỏ như vậy mà đã biết giá hàng chứ, đành cười cười nói.
"Trong nhà mi có thứ đồ chơi gì thế này?" Người nọ nhận ba đồng Diệp Trình đưa, đang định đi thì lại trông thấy cái máy khâu giày của bọn Diệp Trình, nhất thời sinh lòng hiếu kì, hai tên nhóc mới bảy tám tuổi mà mang được cả thứ này về hả?
"Là máy khâu giày." Diệp Trình đáp.
"Dùng để sửa giày hả, hai bọn mi định học sửa giày đấy à?" Hai tên nhóc này đúng là từng ở thành phố rồi có khác, còn có chí hướng hơn cả đám người lớn trong thôn nữa.
"Học xong rồi." Lục Minh Viễn đại khái cảm thấy ông bác này không tệ lắm, nên cũng mở miệng nói một câu.
"Học xong rồi á? Thế thì sửa thử đôi giày này của bác xem nào." Người nọ vừa nghe đã lập tức tháo luôn đôi giày trên chân ra.
Đây là một đôi giày giải phóng đã cũ nát lắm rồi. Hồi bọn Diệp Trình sửa giày trên thành phố, chủ yếu chỉ là bong mép bung đế các kiểu thôi, ít người sửa mặt giày lắm, mà có sửa thì cũng toàn sửa giày tốt thôi. Còn đôi trước mặt này là giày giải phóng không nói, bên mép đã bung vài lỗ, đế giày cũng mỏng vẹt, phần mặt giày cũng thủng đến nơi rồi, nhiều chỗ vải đã mòn đến chỉ còn vài đường chỉ.
Đôi này mà mang tới tiệm lão Ngô thì chắc chắn sẽ bị ông vứt luôn vào thùng rác, chứ còn sửa cái nỗi gì nữa. Nhưng Diệp Trình nói gì thì cũng vừa mới nhận được một phần nhân tình của người ta, hai mươi cân khoai lang mà người ta lấy có mỗi ba đồng, còn đem tới tận nhà cho nữa, không khỏi cảm thấy người nọ rất tốt, lại thêm vừa về đã có người tìm mình sửa giày nên cũng rất vui, thế nên mới đồng ý sửa đôi giày này.
Đôi giày này tuy là cũ thật, nhưng được cái thường ngày rất được ông bác này quý trọng, lúc bình thường nhất định sẽ không đi, mà cứ để chân trần làm việc, nên giày dù có nát, nhưng không quá bẩn. Lục Minh Viễn trước tiên dùng nhựa cao su dán mấy chỗ bị bung bên mép, Diệp Trình thì vào nhà tìm một cái quần cũ không còn mặc nữa để vá lại bề mặt.
Xe chỉ vào máy khâu, sau đó lót miếng vải đã cắt vào trong giày, tay phải quay máy, tay trái đẩy giày, khâu từng vòng từng vòng một, chỉ chốc lát sau, cả hai chiếc giày đều được sửa hoàn hảo.
"Đế giày cũng sắp thủng rồi, bất quá bây giờ cháu không có vật liệu, hôm khác sửa cho bác sau vậy." Lục Minh Viễn dù sao cũng đã làm thủ hạ cho lão Ngô được một thời gian, nên giọng điệu nói chuyện cũng rất có dáng dấp thợ sửa giày chuyên nghiệp.
"Cái này, muốn sửa đế giày thì cần vật liệu gì?" Ông bác kia hỏi.
"Săm xe là được." Mấy thứ này trước giờ trong nhà lão Ngô đều có sẵn, nhưng lúc này bọn chúng cái gì cũng chưa có, sau này phải chậm rãi thu thập mới được.
"Săm xe thì có đấy, hai đứa chờ một chút, để bác đi tìm thử xem." Đám trẻ nít trong thôn cũng hay nhặt mấy thứ đồ đồng nát như là săm xe các loại về chơi, thay dây thun buộc vào gậy làm cung tên.
Chỉ chốc lát sau, quả nhiên ông bác nọ cầm một cái săm xe đạp cũ tới, săm xe màu đen, hãy còn nguyên vẹn, không nhìn ra được chỗ hỏng hóc nào.
Lục Minh Viễn lại nhận lại đôi giày, bắt đầu sửa đế. Nó dùng một cái giũa mài phẳng đễ giày, sau đó cầm mảnh săm xe Diệp Trình đã cắt ra mài tiếp. Chờ nó mài nhẵn rồi, Diệp Trình mới lấy nhựa cao su hay dùng dán miếng săm vào đế giày.
Đợi nhựa khô rồi, Diệp Trình dùng một chân giữ giày, tay cầm cái chùy nhỏ gõ bang bang, cho săm dính chắc vào phần đế mới dừng tay.
"Ủa, đang làm gì vậy? Đại Cường, sao chú lại ở đây?" Hai tên nhóc còn đang bận bịu trong tiểu viện thì Thái Kim Chi trở lại. Bà giận thì giận thế thôi, chứ làm sao mặc kệ cháu ngoại được. Nhưng bà về nghĩ ngợi một hồi vẫn không nghĩ ra phải nói chuyện này với con trai như thế nào.
"Sửa giày ạ." Diệp Trình thấy bà ngoại lại sang thì mừng lắm, trên mặt cũng nở nụ cười tươi rói.
"Học từ lão Ngô hả?" Thái Kim Chi gửi thư qua lại với lão Ngô cũng biết được ông làm nghề sửa giày.
"Vâng." Diệp Trình gật đầu, lúc này hai đứa cũng đã sửa xong đôi giày cho ông bác nọ, liền phủi tay đứng dậy, nhận đồ Thái Kim Chi đưa, là một túi gạo nhỏ, cùng vài thứ dầu muối linh tinh các loại.
"Thím Kim Chi, cháu ngoại thím giỏi lắm nhá, thím xem nó sửa giày cho tôi tốt không này." Ông bác nọ nửa đùa nửa thật nói.
"Sửa được thật à? Cho tôi xem nào." Thái Kim Chi nghe ông nói vậy cũng không ngại bẩn, cầm đôi giày Đại Cường đưa, lật lên lật xuống xem, sờ sờ mặt giày, lại ấn ấn phần đế, một hồi lại lật xem hai bên mép, quả thực sửa được tốt lắm, không thể nhìn ra được đây là thành quả của hai tên nhóc mới bảy tám tuổi.
"Sửa tốt phết nhỉ, tôi thấy cái vị sư phụ trên thành phố kia hơn xa đám thợ trong vùng là cái chắc." Đại Cường nói.
"Quả thực không tồi, xem ra sau này không chết đói được." Thái Kim Chi cũng cười, lúc này lửa giận trong lòng bà vẫn chưa tiêu hết, nhưng thấy cháu trai giỏi giang thế này, bà vẫn nhịn không được vui vẻ.
- --------------------------------------------------------------------------
Bất quá cả Diệp Trình lẫn Lục Minh Viễn đều không biết hồi đầu mọi người trong thôn không tin tưởng tay nghề bọn chúng, nên cố tình mang mấy đôi giày vứt đi tới cho chúng sửa. Hai đứa còn thật sự tưởng rằng giày dép trong thôn đều cũ nát như thế, sửa một đôi mất bao nhiêu công sức mới xong, không khỏi cảm thán kiếm tiền trong thôn khó hơn hồi đi theo lão Ngô biết bao nhiêu.