Qua một tuần lễ trở lại cuộc sống không có bạn chơi cùng, tôi đã đào được một cái lỗ đường kính một sải tay, với chiều sâu là nửa mét. Tôi nhét tấm cao su vào lỗ, xung quanh tấn đá thành vòng tròn. Với một cơn mưa mùa hè trôi qua, cái lỗ giờ đây ngập thành một cái ao, nước trong suốt và có thể uống được nếu được tôi lấy lá chuối đậy lại.
Không biết tại sao Nguyên không đến đây nữa, trong lòng tôi đầy những câu hỏi chằng chéo vào nhau. Sợ rằng tôi lại làm điều gì đó bậy bạ và bạn giận tôi. Và tôi đã mong nếu bạn ấy có giận tôi thật thì bạn ấy sẽ nói ra với tôi, tôi sẽ sửa. Nhưng có vẻ Nguyên không phải loại người hay chia sẻ những gì bạn cảm thấy cho người khác. Vậy bên bạn đã dừng gặp mặt tôi thay cho lời nói thật ấy.
Ngồi bên trong căn lều của mình, nhìn qua những lỗ hổng từ bụi cây xung quanh mà ngóng sang con đường Nguyên thường tới. Niềm hạnh phúc ập đến khi tôi bắt gặp hình ảnh Nguyên đang chầm chậm tiến về phía tôi. Người nó như tỏa sáng dưới ánh nắng mặt trời, đem lại cho tôi đôi chút niềm vui của ngày hè nóng nực. Hôm nay, Nguyên mặc một cái áo sơ mi dài tay màu nâu đất, quần dài đen sờn cũ. Tôi không hiểu sao nó có thể ăn mặc như thế với tiết trời như vầy, nhưng có lẽ nó mặc vậy để tránh nắng hơn là tránh nóng. Không giống như điều bọn con trai chỗ tôi sẽ làm, nhưng Nguyên có quá nhiều điểm khác bọn nó đến mức tôi không còn quan tâm nữa.
Khi Nguyên bước đến bờ bên đây, tôi vội vàng chui ra khỏi lều đến mừng nó:
– Sao cả tuần nay ông hông đến? Phải đi chơi hả?
Nó mím môi lắc đầu:
– Mẹ tui hông cho đi chơi thôi.
Đôi mắt của Nguyên rơi xuống cái ao nước tạm bợ tôi làm. Nó trợn mắt, há mồm và tiến lại gần với vẻ không thể nào tin được. Cái vẻ mặt mà tôi đã thề sẽ làm tốt hơn nữa cho nó xem. Nguyên hỏi:
– Bà tự làm đó hả? – Tôi gật đầu, nó mới ngợi khen tiếp. – Giỏi ghê Nữ ơi, Nữ ơi là Nữ!
– Giờ thì ông muốn rửa đồ ăn lúc nào cũng được.
– À. – Nó tắt đi nụ cười hào hứng ban nãy, xoay xoay cổ tay của mình trong lúc nhìn chằm chằm vào cái ao mới tinh, trong vắt.
Nắm lấy tay Nguyên, tôi nhúng xuống nước hồ trong suốt. Tôi không biết điều đó đúng không nhưng có vẻ nước mưa luôn có cảm giác nhẹ hơn các loại nước khác. Khi chạm vào mặt nước được tạo sau một cơn mưa tôi cảm nhận được đôi tay của mình trôi đi bất cứ nơi nào nó muốn mà không vướng víu vật cản hay sự nặng nề thường nhật mà nước sông mang lại.
– Mát không?
– Ừm, mát lắm.
Đôi má của Nguyên hiện lên một vệt hồng hồng nịnh mắt. Vệt hồng đó kéo được khóe môi tôi lên cao, làm tâm trạng tôi vui vẻ. Nhìn xuống bàn tay tôi đang nắm lấy của Nguyên, cổ tay áo của nó bị ướt một mảng lớn, bám sát vào cổ tay của thằng chả. Chúng tôi đứng dậy, Nguyên vô thức xắn tay áo nó lên. Hai bên cổ tay của Nguyên là một lằn màu đỏ đậm gần như sắp chuyển sang đen thẩm. Chỉ vào cổ tay nó, tôi hỏi:
– Cái vết gì đó?
Cổ của nó đỏ lựng lên vì xấu hổ. Nó ngập ngừng:
– Ừm… lần trước quần của tui bị dơ. Về bị mẹ đánh quá trời. Mẹ trói tui nhốt vô phòng á, nên không ra đây chơi được.
Trời đất ơi, cái thế giới nhỏ của tôi đang chứa đựng điều gì lạ kỳ thế kia? Tôi cứ nghĩ rằng chỉ có nhà tôi là có những sự trừng phạt ác nghiệt thế này thôi. Hóa ra Nguyên cũng thế. Bụng tôi quặn lên đôi chút tội lỗi vì hôm nọ không nói cho Nguyên biết quần của thằng nhỏ bị dơ. Tôi đang làm cái quái gì với cuộc đời mình vậy kìa? Tại sao cứ gây cho người khác những tổn thương không bao giờ dứt như vậy?
– Ông cởϊ áσ ra phơi lên cho khô đi, coi chừng nó dơ rồi bị phạt tiếp.
Nguyên gật đầu, cởϊ áσ khoác bên ngoài ra. Bên trong là cái áo thun trắng tinh tươm không một vệt bụi mờ. Nó vắt áo khoác lên cây, tôi nhăn mặt hỏi:
– Bộ nhà không có màu khác hay sao mà mặc màu trắng đi chơi vậy ông già?
– Hả? Hông, mẹ tui soạn bộ nào thì tui mặc bộ đó thôi. Sao?
– Hông có gì. Giờ tui nghĩ mình nên chơi trò gì đó vui vui mà hông làm quần áo ông dơ đi.
– Chơi cài gì? Thảy đá hả? Tui chơi thảy đá giỏi hơn rồi.
Tuần trước, tôi nhớ mình rất thích chơi thảy đá. Nhưng hôm nay không còn nữa. Tôi nghĩ đến điều gì đó táo bạo hơn, thách thức hơn, nhưng ít làm dơ áo quần của Nguyên hơn. Đó là chơi trò Thám tử. Tôi ghé vào tai Nguyên để nói về kế hoạch mình đang ấp ủ thì lại bị Nguyên bác bỏ:
– Theo dõi người ta là hông tốt đâu.
– Bọn mình có theo dõi con người đâu, bọn mình theo dõi Ông Kẹ mà. Theo dõi bất cứ thứ gì không phải con người đều là việc tốt.
– Nhưng tui cảm thấy nó cứ sao sao á.
– Giờ chơi không?
Nguyên tặc lưỡi, mắt láo liên và đôi mày nhíu chặt một hồi lâu mới đồng ý. Đôi khi Nguyên làm tôi trông như yêu quái khi cố dụ dỗ Đường Tăng vào động để ăn thịt. Yêu quái tôi đây làm tốt nhiệm vụ của mình, còn Nguyên thì quá u mê nên cứ đi theo mà không hề đắn đo suy nghĩ. Chao ôi, tôi thật sự thích cái kiểu tính cách đó của nó.
Vì khu vườn của cha tôi chạm đất ở tất cả khu đất khác, nên chúng tôi chỉ việc chọn một con đê mà đi men theo để ra đường đổ bê tông. Trước đây, khi đến căn chòi lợp sơ sài nọ, tôi chỉ muốn cuộn người lại, đắm mình vào làn không khí tĩnh lặng của thế giới xung quanh. Từ khi có bạn, điều tôi muốn là được nắm đầu bạn mình làm những chuyện mà trước kia tôi chỉ dám nghĩ đến chứ vẫn không có hứng làm. Chắc là việc có người làm cùng giúp tôi có thêm tự tin, tiếp thêm dũng khí. Như xăng trong xe máy, như pin bên trong điều khiển. Nguyên là nguồn năng lượng của tôi.
Nhà của Ông Kẹ nằm ở cạnh gốc cây Me già. Nhà ông nhà lá, chỉ có một gian, trông xập xệ không khác gì căn chòi của chúng tôi cả. Ông Kẹ thường vác một cái bao to đi trên đường, trước đây mẹ tôi nói ông đi thu gom trẻ em. Sau này thì tôi biết ông ta đi thu gom ve chai, tuy nhiên, thứ gì đã in sâu vào tiềm thức con người rồi thì khó mà phai mờ được. Tôi vẫn tin ông là thầy pháp, đi khắp nơi với cái danh là lụm ve chai chứ thật ra là để thu gom con nít làm bùa cho chính mình.
Tôi và Nguyên đứng nép vào một thân cây trứng cá gần đó để rình. Mỗi lần Nguyên đứng hơi dựa vào cái cây thì tôi lại nắm áo nó kéo ra. Sợ thằng nhỏ lại vì tôi mà bị đánh nữa. Nhưng dám chơi là phải dám chịu, nó đã đồng ý chơi thì nó phải chịu hậu quả xảy ra thôi. Tôi cũng vậy, nếu mẹ nó mà đến tìm tôi để trách rằng tôi có ảnh hưởng xấu đến con trai cưng của bà ta thì tôi vẫn sẽ chấp nhận. Đâu phải tự nhiên mà tôi bị cả xóm xa lánh mình.
Suy nghĩ xấc xược của tôi dừng phắt lại khi bóng người xuất hiện từ xa, chầm chậm bước lại gần ngôi nhà nhỏ mà chúng tôi đang theo dõi. Nguyên bên cạnh tôi tự động cứng đờ và hơi thở nó chợt dừng lại, tôi khều nhẹ vào tay Nguyên để nhắc nhở nó hít không khí vào, không thì sẽ chết.
Bấy giờ, Ông Kẹ đã về nhà sau một buổi sáng thu gom mệt mỏi. Ông mở cửa vào trong, nấu đồ ăn và đi ra với chén cơm trên tay của mình. Tôi nghe Nguyên hỏi:
– Nữ nè, thí dụ mà mình thấy ổng ăn thịt con nít rồi thì mình làm gì?
– Mình chỉ cần biết ổng có ăn thịt con nít thôi. Làm gì là làm gì nữa?
– Vậy là bà không định báo công an à?
– Hông, báo công an làm gì chớ?
Ông Kẹ ngã xuống đất, kêu lên một tiếng lớn. Xoay người lại một lần nữa, tôi nói với Nguyên rằng:
– Ông đừng nói chuyện nữa nhé. Mình theo dõi người khác mà nói chuyện nhiều là người ta biết liền.
Nguyên rất nghe lời, không nói chuyện nữa. Ông Kẹ lúc này đã đứng lên và ngồi trở lại ghế. Tô cơm của ông có một miếng thịt kho rệu cùng một góc củ kiệu. Có tiếng sủa vang lên sau lưng của chúng tôi. Quay người lại, tôi nhìn thấy một con chó trắng, mũi đỏ đang nhe hàm răng nó ra, nước dãi chảy dài dọc hàm răng của nó. Nguyên bấu chặt lấy tay tôi, chắc thằng chả nghĩ rằng tôi vẫn còn cử động được để chạy. Nhưng chuyện đâu đơn giản thế, chân tôi đông cứng như mọc rễ trên đất.
Bấy giờ tôi mới thấy rõ việc mình làm ngu ngốc thế nào, không những thế còn kéo theo Nguyên vào nữa. Nếu hôm nay Nguyên bị bẩn thì nó sẽ không thể đến chơi với tôi nữa mất. Tại sao tôi không bao giờ có ý thức giữ bạn mình bên cạnh vậy kìa?
Con chó gầm gừ trước mặt chúng tôi, đôi mắt đỏ trợn lên giận dữ. Chân tôi thì mọc rễ, và tôi không thể chạy đi đâu được. Con chó trắng chạy bước dài ra, nhào đến chỗ chúng tôi. Không biết Nguyên ra sao chứ tôi thì chỉ có thể nhắm nghiền đôi mắt của mình lại, có lẽ là không bao giờ mở ra lần nữa.
– Ê, Bũm! Lại đây.
Tiếng nói trầm khàn vang lên bên tai tôi. Hóa ra Ông Kẹ đã la con chó không cho nó cắn chúng tôi. Tôi thở phào một hơi ra, nhìn lên áo quần của Nguyên xem cậu ta có bị dính bùn đất ở đâu không. May là không sao, nếu không thì tôi cũng không biết làm gì để nó không bị đánh. Tôi muốn Nguyên tiếp tục đi chơi với tôi nhiều như con chó muốn tấn công tôi lúc nãy.
Con chó trắng giờ đây đang ở dưới chân của Ông Kẹ, nó dụi đầu vào chân ông và rêи ɾỉ tiếng rên của loài chó. Ông Kẹ múc cục thịt trong tô của mình, quăng xuống đất, con chó cúi đầu hì hục ăn. Ông vuốt ve con chó, vừa cười khè khè khoái trá nói rằng:
– Bủm ăn ngoan, ăn thịt đi. Đừng ăn chuột, chuột hôi lắm. Hôi nhất là mấy con chuột núp lùm nhà người khác đó nhé.
Tôi làm dấu rời đi với Nguyên, chúng tôi vừa định đi thì Ông Kẹ lại lên tiếng:
– Sao vậy? Chuột định chạy à?
Đích thị là ông ấy đang nói chúng tôi chứ chẳng ai. Tôi định giả điếc mà chạy đi thì Nguyên bắt lấy bắp tay tôi kéo lại chỗ của Ông Kẹ. Tôi nói í ới:
– Ổng ăn thịt hai đứa bây giờ.
– Mấy người thương chó không ăn thịt con nít.
Sao nó chắc là Ông Kẹ thương chó? Sao nó chắc là Ông Kẹ không ăn thịt con nít? Sao nó chắc rằng con chó trắng mũi đỏ đó là một con chó thông thường?
Nguyên ngồi cạnh Ông Kẹ, ngập ngừng hỏi:
– Ông thấy bọn con hả ông?
– Bọn bây nói chuyện muốn nát lỗ tai mà không biết à?
Nguyên cười xấu hổ. Ông ấy nhìn tôi, hết mặt lên hỏi:
– Hai bây con cháu nhà ai? Mấy tuổi rồi mà đi lẽo đẽo theo tao?
Tôi và Nguyên ngoan ngoãn trả lời ông. Khi nghe ông chỉ gật gật đầu, lâu lâu bỏ miệng muỗng cơm trắng với kiệu. Sau khi ông nghe xong, ông hỏi chúng tôi ở đây làm gì? Tôi bặm miệng lại, không đáp. Duy chỉ có Nguyên là trả lời:
– Dạ Nữ nói ông là Ông Kẹ ăn thịt lóc xương con nít. Bọn con tới xem sao.
Một ngày nào đó dân nơi đây sẽ trao giải thưởng người trung thực nhất cho thằng Nguyễn Nhật Khánh Nguyên này!
Tôi cúi đầu, không nói chuyện với Ông Kẹ để tránh bị ông ta phù phép. Ông Kẹ đập bàn cái bốp, mày nhíu chặt, giọng ông rít lên:
– Nói thì nói cho đúng, nói bậy nói bạ người ta tố tao vô tù, tao đánh chết chúng bây. Còn mày…
Ông chỉ tôi:
– Nghe ở đâu mà nói bậy nói bạ vậy hả?
Tôi không nghe thấy trong đó là sự giận dữ. Nó chỉ như một giọng nói trách đứa con nít làm việc sai trái, với mong muốn chúng nó mau chóng sửa sai. Tôi khoanh tay, vội vuốt ve ông bằng lời xin lỗi:
– Dạ con xin lỗi. Từ đây sắp tới con hông dám nói tầm bậy nữa.
Vừa nói xong, ông ta kêu tôi ngồi xuống. Móc hai cục kẹo ổi từ trong túi ra đưa cho chúng tôi mỗi đứa một cục. Chúng tôi nhận lấy, ngập ngừng không biết phải làm sao. Ông Kẹ đưa nó gần chúng tôi hơn rồi hối thúc:
– Ăn đi. Ông mới lụm được đó.
Mẹ tôi nói không được ăn kẹo của người lạ. Nguyên cũng nhìn tôi, với sự nghi ngờ bên trong đôi mắt. Tôi mím môi, xé lớp vỏ bọc kẹo rồi bỏ vào miệng. Nguyên làm theo hệt tôi. Ông Kẹ nhìn tôi chăm chăm rồi nhe răng cười hi hí. Tôi và Nguyên cũng cười khinh khích.
Ông Kẹ vét sách tô cơm của mình trước cả khi kẹo trong miệng tôi kịp tan hết rồi nói:
– Đi chơi đi, tao đi công chuyện cái đã bây ơi.
Chúng tôi trở về căn chòi. Trên đường đi chúng tôi nói với nhau rằng mai mốt uống nước có chai nhựa về thì lén giữ lại, đưa cho Ông Kẹ. Bởi chúng tôi tin ông là người tốt nên muốn đưa cho ông thật nhiều chai nhựa để kiếm ra tiền. Đứng một bên khi Nguyên lấy cái áo treo ngoắt nghẻo trên cành cây, tôi nói:
– Nhưng lụm ve chai cũng có thể kiếm tiền đó. Bọn mình rảnh cũng lụm đem bán cho người ta lấy tiền mua bánh ăn.
Những tưởng những đứa như Nguyên sẽ không quan tâm đến vài đồng bạc cắc mà tôi nói đến. Nào ngờ trông nó cũng hào hứng hơn mà gật đầu, còn chỉ cho tôi chỗ nó thấy có nhiều chai nhựa nhất. Nhưng đa phần chỗ đó đều có nhiều rác, nó sợ dơ áo sẽ bị má la. Tôi cũng sợ như thế nên tìm cách giúp nó. Dù chưa tìm ra cách nhưng mà đã đến giờ về, chúng tôi tạm thời chia tay nhau. Nhìn quanh người của nó, làm sao cho chắc rằng nó không dính bùn đất dơ bẩn rồi tôi mới cho nó về. Đảm bảo rằng ngày mai nó sẽ tiếp tục đến chơi với tôi nữa.