Đôi mày của Nguyên nhíu chặt lại với nhau:
– Kể như chuyện cổ tích vậy.
– Chuyện cổ tích hồi nào? Tui đâu nói ống lấy thịt con nít làm mắm rồi gửi cho cha mẹ chúng nó ăn.
Tôi nhắm mắt mình lại:
– Tui ngủ đây, canh hay không canh thì kệ ông. Ông bỏ tui ở đây một mình thì ông mất bạn cho coi.
Nguyên thở hắt ra một hơi mà không nói gì cả. Nó bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện mà nó đã xem trên tivi nói về một đám trẻ đi lạc vào rừng thì gặp một bà chằn đáng sợ. Ấy là thứ tôi đã xem một lần rồi, và tôi biết cái kết nó ra làm sao luôn. Nhưng giọng của Nguyên thật êm đềm, không gian ở đây cũng trùng hợp thật mát mẻ, tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào mà chẳng hay.
– Nữ, dậy đi Nữ ơi. Tới giờ phải về rồi.
Giật mình thức dậy, tôi nhìn trời lúc ấy đã rạng nắng chiều. Chỉ còn lại đôi má của Nguyên đỏ bừng vì nóng. Tôi vội nói:
– Mặt ông đỏ quá. Có sao hông?
– Tui thấy hơi chóng mặt. Mình về đi ha.
– Ừ ừ, đi liền.
Tôi và Nguyên cùng đi ra khỏi căn lều tạm bợ nọ. Chúng tôi song hành cùng nhau để bước ra đến bờ đê dẫn đến nhà của Nguyên. Đến khi Nguyên đi đường Nguyên, tôi đi đường tôi thì tôi mới để ý thấy một lớp bùn dính lên quần sau của Nguyên. Tôi muốn đưa tay gọi nó lại, nhưng cuối cùng cũng thôi. Chỉ một lớp bùn thôi mà, không làm hại ai được.
Vừa đi từ ruộng vô trong nhà sau. Tôi đã thấy mẹ đứng trước cửa, tay cầm roi, mặt thì giận dữ vô cùng. Người tôi vô thức co rút lại, không muốn trở về. Đầu tôi lướt qua hàng ngàn thứ mình đã làm sau lưng mẹ, và phải chắc chắn mọi sai lầm đều được che giấu. Những lời nói dối vô thức được tạo ra hết rồi tôi mới cẩn trọng tiến về phía mẹ mình.
– Con Nữ đi đâu giờ này mới về?
Tôi khoanh tay lại trước mặt bà:
– Dạ con đi chơi ở ngoài ruộng mới về.
– Biết mấy giờ hông?
– Dạ hông.
– Năm giờ chiều rồi. Đi chơi thì cũng phải biết đường mà về chứ. Nhà chưa quét, chén chưa rửa, cơm chưa nấu coi có ra thể thống gì không?
Tôi lén liếc nhìn bầu trời trong xanh bên ngoài, nhìn vẫn còn sáng chứ có tối chút nào đâu mà biết đường về. Nhưng đi mà không nhìn giờ thì là lỗi của tôi, tôi nào chối tội được. Thế nên tôi mới sụt sùi:
– Con xin lỗi mẹ. Lần sau con hông đi chơi mà hông coi giờ nữa.
Mẹ tôi phạt tôi năm roi. Sau đó chúng tôi bắt đầu dọn cơm ra cho gia đình ăn. Cha, anh hai, tôi và em tôi đã ngồi lên bàn ăn đầy đủ rồi nhưng mẹ vẫn còn đang loay hoay bên dưới căn bếp củi. Tôi hỏi mẹ đang làm gì thì mẹ nói mẹ đang nấu khoai để tối ăn. Bà kêu cả nhà cứ ăn trước, mặc kệ bà ấy. Chúng tôi động đũa, tôi và em của mình từ đấu đến cuối đều cúi đầu ăn. Chỉ có cha và anh hai nói gì đó về cây kiểng nhà tôi đang trồng. Ông nhắc anh hai nhớ tưới cây ngày mai giùm ông, vì ông phải đi công chuyện.
Cha không quan tâm tôi đã đi đâu, làm gì. Miễn là tôi đã bị trừng phạt và ngoan ngoãn để cuộc sống trải qua thế sự bình thường. Ông ấy sẽ không bố thí cho tôi chút ít sự quan tâm nào. Thà cứ vậy, đừng đập phá là tôi mừng lắm rồi.
Tối hôm đó cha tôi ra sau nhà tìm tấm lưới, để đi bắt cá đãi bạn ăn. Tôi đang ngồi trên võng chải tóc cho em gái mình, nghe tiếng lục lọi sau nhà mà hoảng hồn. Một lúc sau những tiếng chửi thề lầm bầm là những tiếng gào và tiếng cổn cảng vang lên tiếp theo. Tôi bấu chặt vào tóc của Trinh, người em ấy cũng cứng đờ như của tôi. Hai chị em tôi như ngừng thở vì cơn giận của cha mình đang bốc lên.
Mẹ tôi ở trong buồng chạy ra, trên tay bà là một mảng kem trộn trắng bệt vẫn chưa được làm cho tan đều. Tôi ước gì mẹ đừng làm như vậy. Vì cơn giận của cha không phải là thứ mẹ nên xen vào lúc này. Và để trừng phạt mẹ vì xen vào không đúng lúc, tôi nghe cha mình gào lên:
– Vợ con gì có cái lưới nhờ cất giùm cũng không xong.
Vách nhà để đồ vọng ra một tiếng ầm lớn, kèm theo là tiếng thét của mẹ tôi. Lúc đấy, anh hai tôi mới từ trong buồng chạy ra coi có chuyện gì. Tôi ôm lấy đầu của Trinh sao cho hai tay vừa che được lỗ tai và đôi mắt của con bé. Bụng tôi thắt lại khi tôi nghe anh trai tôi nói:
– Trời đất ơi, mẹ chảy máu đầu rồi nè. Cây búa mà cha nghĩ nó là cái bong bóng hay sao mà muốn quăng đi đâu thì quăng.
– Lúc người ta đang giận thì tránh chỗ khác. Thấy quăng cái búa mà còn đứng ở đó thì tự chịu chứ trách ai.
– Nói vậy mà nói được.
– Chảy máu thì chở vô bệnh viện mà băng bó lại, đứng ở đó nói một hồi nó mất máu nó chết cái đổ thừa cho tao.
Anh hai tôi chạy vô nhà dắt xe máy ra, nhìn tôi với con Trinh một lúc rồi nói:
– Hai đứa bây ở nhà. Anh chở mẹ đi trạm xá một cái.
Nói rồi, anh đi mất. Ngôi nhà hóa im lặng. Cho đến khi cha đi sòng sọc vào phòng mình, vội vàng thay đồ. Ai đó đang dừng xe bên ngoài gọi cha tôi í ới. Cha tôi kêu họ đợi một chút rồi chạy ra ngoài, không ngó ngàng tôi và Trinh lấy một lần.
Chỉ đợi có thế, tôi thì thầm với em mình:
– Em ở nhà một chút, chị đi công chuyện cái đã.
Trinh không bấu lấy tay tôi hay cố gắng tìm hiểu xem tôi đang làm gì. Nó chỉ đơn giản là ngồi ở đó và nhìn theo khi tôi đóng hết các cửa trong nhà lại. Tôi xem chắc nhà đã được đóng lại gọn gàng rồi mới bắt đầu men theo bờ ruộng mà chạy ra căn chòi bí mật. Tóm lấy tấm lưới ở bên bờ mương. Mò mẫm một chút mới thấy bốn cái cây tôi buộc vào lúc sáng.
Đứng gỡ từng cái cây mà chân tôi run rẩy không chịu nỗi. Không hiểu sao ban sáng tôi có thể buộc nó trong thời gian nhanh như thế. Giờ đây, tôi chỉ mong khi tôi đem cái lưới về thì không ai trong nhà biết người lấy là tôi, nếu không tôi không biết nên làm gì nữa. Cha tôi có kiểu trừng phạt khác với mẹ tôi. Nếu mẹ tôi trừng phạt vì lo lắng một ngày nào đó sẽ có chuyện không hay xảy ra thì cha tôi trừng phạt vì tôi phạm đến thứ gì đó của ông ấy. Nếu mẹ tôi trừng phạt bằng roi và con số tôi bị tét không bao giờ quá năm, thì cha luôn trừng phạt bằng cách nhốt tôi vào nhà kho, và cho tôi một bài học về việc lỡ tay cho người khác biết việc mình làm sai là như thế nào.
Tôi ghét cha mình lắm. Ông làm nhà không còn là nơi an toàn nhất, gia đình không còn là gia đình và tôi không thể sống như chính tôi trong ngôi nhà của chính mình. Chính ông cũng làm ông đau khổ, vì thế nên ông mới mượn rượu bia để xóa đi nỗi đau khổ ấy. Riêng tôi thì chưa bao giờ hiểu tại sao khi buồn khổ người ta lại tìm đến sự mơ hồ, chẳng phải càng mơ hồ người ta lại vô tình chìm vào buồn khổ hay sao?
Khi tôi về đến nhà, cha mẹ tôi đều chưa về. Tôi nhét tấm lưới vào góc tối nhất trong nhà kho rồi đi vào trong. Trinh đã mở cửa cho tôi trước đó. Chị em tôi chỉ việc đóng cửa lại, chui vào mùng ở dưới đất rồi nằm xuống. Chờ đợi giấc ngủ tìm thấy chúng tôi, đưa chúng tôi đi đến một nơi khác yên bình hơn nơi này.
Nhà chúng tôi có hai phòng, một phòng của cha mẹ tôi và phòng còn lại của anh hai. Chị em tôi ngủ ở phòng khách, với một cái chiếu và một cái mùng màu xanh nhạt cũ kĩ. Chúng tôi thường hay thức sớm nên có thể dọn chỗ này kịp để tiếp khách, chứ anh hai luôn ngủ đến trưa dọn không kịp thì mất mặt với người ta lắm. Đó là lí do cha nói với mẹ tôi, và bà ấy chấp nhận như một điều hiển nhiên của thế giới. Mẹ cảm thấy tội lỗi với cha tôi vì bà không thể sinh thêm con được, vậy nên bà phải hi sinh tất cả mọi thứ để cha tôi cảm thấy tốt hơn. Mà cho dù bà ấy sinh được, thì bà vẫn sẽ hi sinh và nhịn nhục. Không phải vì sợ, mà là vì bà muốn gia đình được vui vẻ. Gia đình ở đây là cha và anh hai. Chị em chúng tôi là thành phần tạm bợ bấu víu vào ngôi nhà này, chúng tôi là người dưng. Mẹ tôi luôn nói rằng đức hạnh của phụ nữ Việt Nam luôn nằm ở sự hi sinh và nhịn nhục, điều đó làm cho gia đình hạnh phúc. Nhưng tôi và em của mình có hạnh phúc đâu? Cha chúng tôi có hạnh phúc đâu? Anh trai chúng tôi có hạnh phúc đâu? Gia đình không thể hạnh phúc trên một cái xác khô bị bào mòn, nếu thật sự có người hạnh phúc trên nó, đó là một nhóm người vô nhân tính chứ không phải là một gia đình.
Tôi nằm nhìn vào lớp mùng mỏng manh giăng trước mắt, nhớ đến lần nằm ngủ trưa chiều nay trong căn lều lợp bừa nọ. Nhớ từng hơi ấm, từng tiếng thở của tôi và
Nguyên. Chỉ mong đợi được trải qua khoảnh khắc ấy một lần nữa. Được sống như một đứa trẻ không cần nghĩ suy điều gì, chỉ có tôi và bạn của mình.
Hôm sau lại đến, nhưng Nguyên không đến nữa. Được nằm ở nơi tôi mong muốn thì cũng tốt thật đấy, chỉ là thiếu người chia sẻ thì thật không trọn vẹn.