Nguyên là một người biết giữ lời hứa. Hôm sau, khi đến chòi bí mật của chúng tôi. Nó đem theo một cây vợt dài gấp đôi cơ thể của chúng tôi. Về phần mình, tôi trộm được nhiều hơn thế, tôi đem theo một tấm lưới mà cha dùng để bắt cá. Và một tấm cao su màu xanh thường được người ta dựng thành trại cho mấy người làm khoai. Thấy dụng cụ của tôi, Nguyên trố mắt ra khán phục:
– Trời đất ơi, bà đem được nhiều vậy hả? Bà định lấy cái đó làm lều cho bọn mình phải hông?
Lỗ mũi tôi như thể đang phình to đầy tự hào nhờ đôi mắt sáng trưng ngưỡng mộ của Nguyên, tôi đáp:
– Hông. Tui đem để nếu mà bọn mình làm nước hông trong thì cũng có cách khác.
Tôi đi qua bên kia bờ mương. Bờ mương rộng bằng một sải chân tôi. Vừa đủ cho tôi nhảy qua nhưng mà tôi sợ mình nhảy qua không được thì xấu hổ lắm. Tôi quấn một đầu lưới vào cây vợt của Nguyên rồi đưa về phía nó, ra lệnh:
– Cầm.
– Ủa chi?
– Cầm đi rồi tui chỉ. Cầm cái lưới, đừng cầm cái cây nhe ông nội.
Nói xong, tôi gỡ cái cây ra. Hai tay cầm hai góc của lưới, để nó xuống nước. Nguyên làm theo y hệt tôi. Nhưng cái lưới vẫn nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không một chút chìm xuống. Mà số lá tôi muốn vớt đều ở dưới đáy. Lấy cây của Nguyên, tôi đè phần lưới xuống, tay cũng hạ các góc xuống đến khi nước lọt vào trong.
– Khoan nha.
Tôi lẩm bẩm. Khuấy cây vợt của Nguyên vào nước cho lá với đất cuồn cuộn nổi lên. Nguyên há hốc ngạc nhiên một chút. Nhưng vẫn không nói gì. Cậu ta cứ kiên nhẫn đợi tôi ra lệnh tiếp như thế.
– Giờ tui với ông phải làm cách nào đó kéo cái lưới lên, cho lá đồ dính vô đây.
– Nói nghe nè… nhưng mà tôi nghĩ mình nên dùng vợt thôi… dùng lưới của bạn hình như…
Phải, tôi biết Nguyên nói có phần đúng, tôi cũng biết mình nên nghe theo lời của nó. Nhưng không thể cứ thế thừa nhận những vật dụng mình đem ra là vô giá trị được! Mím chặt môi mình một lát cho từ chảy vào đúng chỗ, sau đó bảo:
– Không. Cái gì to hơn thì dễ hơn chớ. Để tui nghĩ.
Ngay cả tôi còn nghe được sự bực bội trong cách nói chuyện của mình chứ đừng nói đến Nguyên đang đứng kế tôi. Nguyên sẽ đánh giá tôi là người thế nào khi chưa kịp hoàn thành gì đã bắt đầu khó chịu, nhăn nhó?
Nguyên khép chặt miệng mình lại, mắt thằng chả đảo quanh nhưng không nhìn tôi. Ngẫm lại thì tôi sai quá, nó chỉ góp ý một chút thôi mà tôi lại đáp trả như thể nó vừa buông lời sỉ nhục với mình.
Bất chợt, đầu tôi nảy ra ý tưởng:
– Ông đi kiếm cho tui bốn cái cây dài xấp xỉ cây vợt của ông đi.
Nguyên cắm đầu đi mà không nói một lời nào. Dám chắc rằng tôi đã làm nó giận, hoặc có lẽ đó là vì nó đã quá quen với việc nghe lời mà không cần hỏi lí do. Hầu hết con cái trong dòng họ của tôi được dạy như thế. Người ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp nó trên những đoạn phim ngắn dành cho con nít trên tivi. Khi người lớn ra lệnh, đứa trẻ phải làm theo. Nếu đứa nào dám cả gan hỏi nhiều hơn từ dạ thì bom sẽ nổ, và người xem như cha mẹ chúng tôi sẽ xúm lại một góc để chửi rủa đứa trẻ cho đã đời.
Giống như trước đây bà nội tôi dạy rằng đừng nhìn máy bay khi nó bay ngang, và khi nghe tiếng máy bay thì hãy trốn vào nhà ngay lập tức. Tôi luôn muốn hỏi lí do tại sao phải làm vậy? Nó có tia la de sẽ khiến mắt tôi mù hay sao? Gần đây thì tôi biết rằng máy bay sẽ không làm hại ai khi họ nhìn nó, nhưng tôi cũng chưa bao giờ hỏi bà mình tại sao cả. Bởi tôi biết bà sinh vào những năm năm mươi, cả tuổi trẻ của bà gắn liền với hình ảnh máy bay sẽ làm tổn hại đến người khác, ngay cả khi chỉ đứng từ xa và nhìn vào nó.
Nguyên đem lại cho tôi với bốn khúc cây y hệt như mô tả của tôi, và dường như nó cũng biết tôi có ý định làm gì. Chúng tôi buộc bốn cây vào bồn góc của lưới. Nhún tấm lưới xuống dưới nước, mỗi đứa hai cây, canh sao cho lưới bắt trọn tất cả không gian trong mương rồi bắt đầu lướt đi thẳng về phía trước. Chúng tôi đi từ đầu bờ này, sang đầu bờ kia, rồi thảy mớ lá vớt được lên bờ. Cái mương bây giờ bốc mùi hôi kinh khủng. Còn đống tạp nham mà chúng tôi vớt được thì không chỉ có lá hư, mận thúi mà còn có cả ốc sống ốc chết, mấy con cá đang giãy đành đạch ở trong đó.
– Giờ để mấy con cá chết ở đây hay là thả xuống lại?
– Vườn bà thì bà quyết đi. Tui có nói gì cũng vậy.
Tôi nắm lấy khuỷu tay của Nguyên rồi nói:
– Xin lỗi. Nãy tui làm hông được nên hơi bực.
Nó gật gật đầu, lại nở một nụ cười yếu ớt với tôi. Nguyên luôn tỏ ra rụt rè hơn bạn bè đồng trang lứa. Rất ít con trai ở lứa tuổi này im lặng và ngoan ngoãn như nó. Đừng hiểu lầm rằng tôi đang mong bạn ta chủ động hơn với tôi, việc bạn ấy là kiểu người như nào tôi không cần biết. Nhưng tôi biết tôi rất thích tính cách này của bạn.
Suốt cả buổi sáng hôm đó, chúng tôi cố gắng cải tạo lại cái mương dơ bẩn. Việc vớt lá mệt hơn chúng tôi nghĩ và việc sạch lá không có nghĩa là nước sẽ hết cặn màu đen. Xong việc, tôi và Nguyên nhìn nhau rồi lại nhìn xuống đống lá trên bờ. Nguyên cười tươi rói:
– Không ổn rồi ha.
Niềm vui khi lao động đó là bạn chả quan tâm đến kết quả, chỉ cứ thế mỉm cười trong khi làm thôi. Tôi cũng không còn tâm trạng bực tức nữa, mà chỉ khịt mũi mà phun ra rằng:
– Ít ra cũng có thử.
Không còn thứ gì có thể cải tạo nữa, chúng tôi chui lại vào căn lều. Trước khi vào trong, tôi ngắt mỗi đứa một trái ổi. Ổi tôi trồng, không phân thuốc nên trái nhỏ bằng nắm tay tôi thôi. Vẫn còn nóng hổi vì trời nắng bên ngoài. Sau khi chui vào lều, tôi đưa cho Nguyên trái nọ rồi giữ cho mình trái còn lại. Quẹt vài lần vào áo rồi tôi cắn ăn, Nguyên vẫn ngồi thừ ra, không chịu cho vào miệng.
– Sao hông ăn? Chê dơ hả? – Tôi kéo một bên mày giương lên cao. Thằng nhỏ xấu hổ đỏ mặt không đáp. Thấy vậy, tôi cũng không muốn làm cho nó khó chịu. – Hông ăn thì lát đem về nhà ăn. Ở sạch một chút cũng tốt.
– Hông phải sợ ăn đồ dơ, mà tui sợ phải làm áo nó dơ.
Có những điều Nguyên nói làm tôi thật sự không hiểu nó có nghĩa là gì. Nó không ngại ăn đồ dơ, nhưng lại ngại làm áo bẩn? Đây là cách gia đình nó sống à? Tuy có một số điều không hiểu được như vậy, nhưng tôi không hỏi nhiều, chỉ chìa áo của mình ra cho nó rồi nói:
– Chùi vô áo tui nè. Tui hông ngại dơ đâu. Tại tui cũng là người giặt đồ.
Nguyên ngập ngừng, tay cứ đưa qua đưa lại trái ổi trong tay mình. Tức mình, tôi giật lấy luôn trái ổi, chà sát nó vào áo mình, đến khi trái ổi trở lại hình dạng xanh rờn nguyên sơ của nó rồi mới đưa lại cho Nguyên. Tôi hất mặt, nói:
– Ăn đi! Tự nhiên trong đây có hai đứa, có hai trái ổi, mà tui ăn mình ên thì chán lắm.
Nó mỉm cười với tôi, cắn một miếng ổi to bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm. Đôi má của Nguyên phồng lên, dính một vệt bùn màu đen sệt khô quắp do thời tiết. Tôi liếʍ ngón tay cái của mình, đưa lên má nó lau đi vết bùn đen đặc đó. Làm xong, tôi mới nhận ra Nguyên đang nhìn chằm chằm vào tôi với đôi mắt long lanh cùng với nụ cười dễ chịu. Không biết diễn tả cảm giác trong lòng thế nào, tôi chỉ biết rằng tôi thích nhìn thấy nụ cười đó của Nguyên lắm. Tôi nhẹ nhàng hỏi:
– Ngộ hén, áo thì không dám làm bẩn. Mặt dính nước miếng của tui thì cười toe toét. Mấy người làm sao đâu ấy.
Nguyên cắn một miếng to khác:
– Mẹ tui không thích quần áo của tụi bị dơ. Nhưng tui ăn gì làm gì thì mẹ không biết.
– À… nhà ông có anh em gì hông?
– Hông, một mình tui thôi. Sau khi sinh tui ra được vài tuổi thì cha tui mất. Cha tui đi chở nước đá cho người ta, đi ngang đường bị xe tông nên mất.
– Nghe giống chuyện ông Khanh nước đá ngoài chợ ha.
– Cha tui là ông Khanh mà bà vừa nói đó.
– À. Ổi ngon hông? – Tôi hỏi, quẹt cổ tay ngang miệng của mình.
Nguyên gật đầu. Sau đó nó nhìn tôi, hỏi tôi về gia đình của tôi. Không có gì để nói nhiều, cha tôi là Cường Kiểng, mẹ là Hai Vân, anh trai tôi tên Thắng, em gái tôi là Trinh. Gia đình ba con bình thường của xã hội bây giờ. Nguyên tỏ ra hiếu kỳ về chuyện có anh chị em trong nhà, còn tôi thì thấy rằng chẳng có gì thú vị khi có anh trai hay em gái. Đặc biệt là khi bạn quá lớn được được cưng chiều, nhưng quá nhỏ để có tiếng nói trong gia đình.
Rồi khi chúng tôi không còn chuyện để nói nữa, tôi nằm xuống đất, tóc tôi cạ sát với đám lá chuối được lót hờ. Tôi nhắm mắt lại, chỉ để cảm nhận được cái nóng ẩm của nắng hè, sự ấm áp của Nguyên. Nghe tiếng chim hót, côn trùng kêu, gió lùa qua cành cây lao xao, và nhịp thở nhanh dần của người bạn bên cạnh.
– Bà ngủ chưa Nữ?
– Chưa, chỉ là tui muốn nhắm mắt nghỉ chút. Nằm xuống đây đi.
Không cần mở mắt ra cũng biết Nguyên đang lắc đầu, miệng nó sẽ chun lại thành một nhúm nhỏ và đôi mày nhíu vào nhau như lớp vải bị nhàu. Có lẽ Nguyên biết tui không nhìn được biểu cảm của nó, nên nó nói:
– Hông, dơ lắm. Dính vô áo là mẹ tui la.
Mở mắt ra, đôi mắt trong trẻo của cậu ta vẫn còn nhìn chằm chằm vào tôi. Nửa giây đầu tiên tôi muốn kéo nó xuống, trét thật nhiều bùn lên quần áo của nó. Nửa giây còn lại tôi cảm thấy mình mà làm như vậy thì thế nào nó cũng giận mình đến chết mới thôi. Tôi không phải là bọn con trai, tôi không làm những việc hài hước trên sự buồn bã của người khác.
– Tui buồn ngủ quá. Ông ngồi đây canh cho tui ngủ nhen?
– Bộ ngủ cũng phải canh nữa hả?
– Phải canh chứ, nếu không bị ông kẹ bắt thì sao? – Tôi nhếch miệng cười khi mắt Nguyên trợn lên bất ngờ.
– Ông kẹ không có thật. Bà nói chuyện như mấy đứa con nít ấy.
– Có sao không có được. Tui là tui nghe nói người ta thấy rồi đó. Ông kẹ chỉ là cái tên thôi, còn sự thật ổng là cái ông già sống ở nhà lá ở bờ sông á. Ổng mà thấy con nít ngủ là ổng lấy cây ổng đập cho chết rồi bỏ nó vô túi. Xách nó vô nhà, thịt nó thì ổng nấu cà ri, mỡ nó ổng nấu cao, còn tóc ổng dùng để làm chỉ may áo, xương thì thảy cho chó gặm. Ghê lắm.