Người cha nồng nặc mùi rượu bia, khói thuốc và rác rưởi. Cha nằm trên giường, bốn chi dang ra bốn hướng, đầu ông ngoặt sang một bên, đôi mắt nhắm nghiền, miệng mở to và làn da đỏ ửng. Bên dưới giường là thau ông vừa ói ra một bãi đầy bọt trắng, lợn cợn những miếng tôm đỏ ối và rau xanh rờn. Đồ ăn trong bao tử trào ngược lên họng tôi, mang theo đó là mùi chua lè không dễ chịu. Tay bịt chặt miệng mình, tôi nhìn sang chỗ khác. Nơi mẹ tôi đang bước vào phòng, cúi người lấy ra cái thau nọ và thay bằng cái mới. Nhìn hành động này nhiều đến mức đầu tôi tự động điền vào việc tiếp theo mẹ làm là đi xuống sông, đổ ra những thứ rác rưởi đã đi một vòng trong người cha tôi rồi trở ra ngoài đó.
Tôi ghét mỗi khi cha tôi say sỉn. Ghét mùi bia nồng nặc khắp nhà. Ghét bãi ói của ông. Ghét luôn người mẹ luôn cúi đầu đem dọn. Ghét đến mức mà tôi sợ rằng chỉ nhìn lâu hơn nữa thôi tôi sẽ tặng một bạt tay vào má ông. Bất kể lực tay của một đứa bé mười hai tuổi có thể yếu ra sao. Bất chấp việc ông tỉnh dậy và trả lại cho tôi một cái bạt tay khác nặng nề hơn như thế.
Em gái tôi đang ngồi trên võng bên ngoài phòng ngủ của cha mẹ đung đưa qua lại, giả đò rằng mọi chuyện đang bình thường. Anh trai lớn của tôi, đang gỡ từng miếng vỏ tôm mà cha tôi đem về từ cuộc chèn chén vừa rồi. Tôi và em gái mình không ăn bất cứ thứ gì cha đem về, đó là dành cho anh hai. Cha không nói, mẹ không nói, nhưng chúng tôi thừa biết như thế. Kể cả khi anh hai lớn hơn chúng tôi tận mười tuổi. Còn tôi, đang đứng trước cửa phòng cha mẹ, chờ đợi họ mắng tôi vì không tránh chỗ khác lúc họ đang bận. Mẹ vừa đi ngang qua tôi, cha thở phì phò như bò sắp chết. Ngay cả việc để ý đến tôi họ còn quá bận làm được kìa, nữa chứ đừng nói là chửi.
Lướt ngón tay mình lên những bức tường dày sần sùi màu xám nhạt. Ngó ra phía ngoài sân, nơi mẹ đang cúi người làm việc gì đó. Bên trong phòng, lại vang lên tiếng nhôm cạ xuống sàn gạch men trắng bóng, sau đó tiếng ói sặc sụa của ông ta lại vang lên. Tôi nhanh chóng xỏ đôi dép kẹp vào rồi chạy ra ruộng đằng sau.
Băng qua con đê nhỏ cạnh bờ mương màu vàng đυ.c ngầu, tôi phóng qua phần đất mà cha đã cho chú Hai mướn trồng nấm. Nắng nóng, chiếu xuống mấy ụ rôm, bốc lên mùi ngay ngáy, ẩm nóng lạ thường. Lúc đi ngang đó, chân tôi ngứa vì nhiều thứ. Thứ hóa chất người ta phủ lên cây trồng, và những con côn trùng đang bấu víu vào bắp chân tôi mong ngóng nút được vài tế bào chết trên đó. Tôi nhủ lòng đi thêm một chút nữa là sẽ tới nơi xóa hết mọi thứ khiến tôi xóa hết cảm giác này, như kiểu đó là chốn bồng lai tiên cảnh của tôi vậy.
Bờ mương cuối cùng quá rộng để tôi có thể phóng qua, vì thế trước đây tôi đã mượn chú sáu bắt ngang cho mình một cây dừa ngả ra gần đó để đi sang khu vườn bên kia. Lúc mới lắp được cây cầu, tôi đi suýt té. Nhưng sau này tập đi thì đỡ hơn, cũng không tốn quá nhiều thời gian cho việc băng qua bên kia đi đường vòng.
Đây rồi, cái góc nhỏ được bao quanh bởi các bụi cây mọc um tùm. Tôi cúi người, chui vào bên trong, đó là một cái chòi được làm bằng cây và các loại cây mà trong vườn tôi có. Chỉ bắt đầu bằng việc tôi đặt một loạt cây tre không dùng nữa trên nhánh một cây mận, bên dưới là đám dây leo lâu rồi không được ai dọn dẹp. Lúc tìm ra nó, tôi chỉ cần chui vào trong, khoét rỗng phần đó rồi có ngay một căn cứ bí mật cho chính mình. Đây là nơi tôi muốn tránh khỏi ngôi nhà ồn ào và mệt mỏi của mình.
Sau này, để cho đẹp hơn, tôi tấn xung quanh đó là những cây khế, cây ổi tôi chiết lén từ vườn của cha. Tự mình vun trồng thành một cây to, trông như mọc dại. Che khuất hoàn toàn căn chòi.
Dưới đất được tôi trải những tàu lá chuối đầy lên hết cả. Qua một trận mưa, tôi sẽ đem thay cái mới. Vườn này của tôi có thể thiếu bất cứ thứ gì, nhưng chắc chắn không bao giờ thiếu cây chuối. Chúng luôn gắn liền với con người, chỉ cần nơi đâu có người ở thì nơi đó có chuối.
Từ bên trong túp lều nhỏ có thể nhìn ra ruộng khoai lang của ông Tư Khúc và mấp mé khúc ruộng rơm của chú Sáu. Không hẳn là một quang cảnh đẹp mắt, nhưng khi không có người trông nó ổn hơn nhiều.
Một tiếng động xào xạc vang lên bên ngoài. Giật mình, tôi quay người ra sau, trống ngực đập ình ình như có lễ hội múa lân. Một đứa con trai gầy gò, da ngăm, tóc hớt đầu nấm đang ló mặt vào trong. Mặt của nó trông còn sốc hơn trái tim của tôi bây giờ. Tôi sợ, không biết có ai đi theo nó không? Sợ rằng cha tôi đã đi theo nó đến đây và muốn đốt trụi chốn thiên đường của mình.
Nhưng không muốn nó biết tôi đang sợ, sau khi hít vào một hơi sâu, tôi làm giọng như mình là chủ đích thực của nơi này (cha tôi là chủ mảnh đất này) hỏi:
– Đằng đó làm gì ở đây vậy?
– Tui… tui… tưởng đâu chỗ này hổng có ai.
– Chỗ này tui làm ra đó chớ sao nói hổng có ai được? Bộ cha tui dẫn bạn ra đây chơi với tui hả? Mà bạn là ai? Là con trai của chú Sáu hay cháu của ông Tư? Mà thôi, con cháu ai cũng được, bạn vô đây ngồi đi, đứng ngoài nắng lắm.
Nói rồi, tôi kéo nó vào trong. Chỉ sợ đứng xớ rớ bên ngoài hoài thì ai ở gần đó sẽ thấy, rồi chửi, rồi vào nhà méc cha mẹ tôi. Vậy là xong đời, cha tôi sẽ bắt đầu ca bài muôn thuở về việc tôi nên ở nhà phụ mẹ nấu cơm, không được ra ngoài la cà chơi bậy. Ấy là khi ông hay tôi đã đi bằng miệng của người khác, nếu không thì ông cũng chẳng hay con gái giữa của ông biến mất tự lúc nào.
– Bạn là chủ chỗ này hả?
Đứa con trai gãy đầu hỏi.Nó mặc áo thun đen trơn, quần tà lỏn dài ngang đầu gối cũng màu đen nốt. Nhìn từ trên xuống dưới của hắn xong rồi, tôi mới đáp lời:
– Ừa, tui chủ chỗ này. – Cha tôi chủ chỗ này. Sửa lại trong đầu xong, mới nói tiếp. – Bạn là ai mà biết chỗ này của tui?
Nó nhìn quanh, coi bộ ngại ngùng lắm. Hết gãy tóc, rồi lại gãy mũi, sau lại đưa tay lên đuổi con ruồi đang bâu quanh người tôi đi. Nó đáp:
– Ừm, tui không biết chỗ này là của bồ. Tui tưởng nó bỏ hoang, hổng có chủ nên mới vô chơi. Nhà tui ở đằng kia kìa…
Nhìn theo ngón tay nó, có thể thấy một dãy nhà ở tít chân trời đằng xa. Từ đây mà kiếm thì biết nhà nào mà lần. Tôi chỉ biết chắc nó ở cùng dãy với ông Bảy Cú (nhà ông này nuôi nhiều chim cú lắm), bởi khu đằng đó thì tôi chỉ biết mặt ông Bảy Cú thôi. Tôi bắt chuyện hỏi ngay:
– Ủa, vậy là bạn ở kế nhà ông Bảy Cú hả?
– Hông, bỏ hai căn nhà, chỗ nhà bà Hai Thắm bán bánh mì ngoài chợ. Bà đó mẹ tui, mà bạn biết bà bán bánh mì ngoài chợ hông? Bạn biết cả ông Bảy Cú thì chắc biết bà Thắm bán bánh mì phải hông?
– Biết bà Thắm bán bánh mì, chứ nhà bả ở đâu thì tui hong rõ. Tui biết ông Bảy Cú tại hồi đó anh hai tui đòi nuôi con cú, xong cha tui dẫn tui đi chung nên biết thôi.
Thằng con trai gật gật đầu, môi mím chặt lại, không nói gì nữa. Tôi ngay lập tức gài kèo tiếp:
– Chứ bạn tên gì? Tui tên Nữ, con của ông Cường Kiểng trên đây nè.
– Tui tên là Nguyên.
– Nguyên. – Tôi lặp lại, rồi chép miệng. – Tên đẹp. Họ tên luôn là gì?
Nguyên cúi gằm đầu xuống sau khi nghe tôi khen tên nó đẹp, nó lí nhí đáp:
– Nguyễn Nhật Khánh Nguyên.
– Tên thôi mà nghe hay vậy trời.
– Chứ tên bạn có vấn đề gì mà cứ kêu tên tui đẹp?
– Tên tui chán lắm. Cha tui họ Lê, ổng đặt tên Nữ, rồi đặt bừa tên Thị vô. Lê Thị Nữ, nghe có vừa chán mà vừa quê không chứ.
– Ò, nghe cũng được mà. Tên Nữ nghe cũng hay, đâu cần đặt tên chi cho dài rồi kêu thì cũng chỉ có một chữ.
Tui mỉm cười với Nguyên, véo đôi má bầu bĩnh của nó, tôi nói:
– Cũng đúng ha, tui hông để ý. Nhưng mà sao ông tìm được chỗ này?
Nguyên chần chừ:
– Ừm… tui đi vòng vòng chơi, rồi kiếm được thôi. Tui không hợp chơi với mấy đứa trẻ xung quanh đây lắm.
– Vừa tính hỏi sao nhà ở gần ông Bảy Cú mà hông chơi với cái đám nít ranh trong đó. Tui cũng vậy, hông hợp. Bọn nó con nít lắm. Bọn mình hông có như vậy, bọn mình lớn rồi.
Tôi vỗ ngực tự hào lên tiếng. Nguyên mỉm cười, gật đầu, cứ tiếng thằng chả sẽ nói gì đó để lấp đầy chỗ trống của chúng tôi thì tôi chỉ nhận được sự im lặng ngượng ngùng của nó. Thế là tôi lại là người phá vỡ bầu không khí im lặng này trước:
– Bọn mình chơi chung với nhau được nè, hay làm bạn nhau ha!
Nguyên lại gật đầu. Chúng tôi ngồi đó thêm một lúc, ngập ngừng nhìn nhau nhưng không biết làm gì. Có lẽ chúng tôi nên chơi trò chơi. Mò mẫm được một vài viên đá, tôi đưa chúng lên mặt Nguyên. Cậu nhíu mày, lùi ra sau, trông hoảng loạn lắm. Khi đó tôi mới hỏi:
– Ông chơi thảy đá hông?
Nó lắc đầu:
– Hông biết chơi. Với lại nó dơ đó.
– Để tui đi rửa rồi chỉ ông chơi ha?
Thằng chả nhìn vào bàn tay dính đầy đất của tôi chằm chằm rồi cũng gật đầu. Chui ra căn chòi, tôi đi lại bờ mương gần đó. Cái mương chứa đầy lá màu nâu sẫm, nhìn là biết dơ, nhất là mặt nước nổi lềnh bềnh vài trái mận rớt xuống đang phân hủy. Uống thì không được, nhưng chắc chắn có thể rửa được mấy cục đá để chơi. Thọc tay xuống nước, tôi chà vội vàng lớp đất dính trên các hòn đá đi. Tiếng của Nguyên vang lên đằng sau tôi:
– Nước đó cũng dơ.
– Nhưng nó rửa mấy cái này được.
Không nghe tiếng trả lời, tôi ngoái đầu lại tìm kiếm hình dáng của Nguyên. Nó đang nhăn mặt và ngó đăm đăm xuống cái mương nước đen ngòm. Con trai gì mà sợ dơ? Ý tôi là trai chỗ tôi luôn xuất hiện với cái quần tà lỏn dính sình và đôi lúc là cái áo đi học trắng tinh tươm bị nhuộm một màu cháo lòng ghê gớm. Trai chỗ tôi đổ mồ hôi như tắm. Chúng nó chạy như bò mỗi ngày chắc phải hai mươi kí lô mét (tôi nổ đó). Khi tắm, chúng nó đi ra bờ sông, trèo lên tận đọt của cây Bần để nhảy xuống bên dưới. Lặn ngụp dưới làn nước đυ.c ngầu phù sa một lúc rồi chúng nó sẽ ngoi lên, sau đó chạy sòng sọc về nhà, xối hai ca nước, lau người qua loa rồi mặc quần áo vào. Vậy coi như là tắm xong rồi đó.
Không phải chỉ là lũ con trai, mà con gái cũng thế. Chỉ là chúng nó qua cái tuổi ở truồng chạy nhong bên ngoài, trèo lên đọt cây nhảy xuống sông thôi. Năm ngoái chúng nó bắt đầu có mùi thơm bồ kết thay cho mùi mồ hôi. Tóc của chúng nó không bết lại thành nắm nữa mà sợi nào cũng mềm mượt. Chúng nó không còn cởi trần, mặc tà lỏn nữa mà là những bộ váy áo sạch sẽ tinh tươm. Chúng nó không chơi với bọn con trai nữa mà tụ thành cụm, vùi đầu vào nhau và cười khúc khích.
Bọn nó đang bắt đầu giai đoạn dậy thì rồi. Tôi cũng thế. Nhưng tôi không có thay đổi gì mấy kể từ nhỏ đến giờ. Tôi chưa một lần là người trong nhóm trẻ chạy lạch bạch trên đường, chưa một lần trèo lên đọt cây rồi phóng xuống sông, cũng chưa bao giờ là đứa mặc váy áo sạch sẽ chui vào một tụ rồi cười khúc khích với nhau. Tôi muốn được như vậy. Được chui vào một góc với đám bạn, liếc ngoáy khắp nơi, xù xì rồi khúc khích với nhau. Muốn được ai đó hỏi đến móng tay của tôi và muốn tôi tết tóc giùm hoặc khen tóc tôi tết đẹp quá. Luôn có thứ gì đó tách biệt giữa tôi với bọn đấy. Tôi không giống chúng, tôi khao khát điều chúng có, ghen tỵ điều chúng có, ghét chúng và ghét chính tôi vì tôi là đồ hèn nhát nhu nhược.
Giờ thì tôi có bạn rồi. Người bạn dường như cũng chưa từng một lần là cái đám mà tôi “ghét/yêu/ ghen/ tị/ nạnh” như trước. Chắc thằng chả đến từ hành tinh khác nơi chúng tôi là bọn dân đen hôi mùi bùn còn nó là thằng công tử nào đó được chăm bẵm thơm tho và hưởng nền giáo dục tốt nhất. Cha tôi nói rằng mối quan hệ là một phần tất yếu của một con người, ông thường dạy anh hai tôi hãy nhậu nhẹt thật nhiều với người có tiền để xây dựng mối quan hệ thân thiết với họ. Ông nói điều đó rất quan trọng trong việc sau này thừa kế gia tài của anh. Tôi nghĩ mình cũng cần có một mối quan hệ.
Đứng lên, bước từ từ đến chỗ Nguyên, tôi nói giọng mềm mỏng:
– Mai tui đem cái vợt ra, tui với ông vớt mấy cái lá ra rồi lấy đồ chặn nước lại. Với mình lấy phèn lóng cho nước nó trong há?
– Làm như vậy có được không?
– Hông được thì mình thử cách khác. Giờ thì cứ chơi bừa cái này đi.
Tôi xòe năm viên đá xám ngoét trên tay mình cho Nguyên xem. Rồi ra lệnh:
– Vô lều đi. Tui chỉ ông cách chơi. Luật thì dễ lắm, quan trọng là cách ông chơi ra sao thôi.
Tệ là cái chắc. Hầu hết những đứa con trai ở lớp tôi đều chơi tệ. Tôi không chơi với chúng nó nhưng tôi thấy chúng nó chơi chung với mấy đứa con gái. Lũ hèn chơi không lại, quăng đá xuống đất, nói trò chơi này là thứ tào lao rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Mặt đứa nào đứa nấy hằn lên chữ quê to đùng. Còn mấy đứa con gái thì liếc nhau, chụm đầu vào nhau rồi cười khúc khích.
Nguyên và tôi ngồi trong lều, nó quỳ gối đè lên mớ lá chuối khô. Tôi đặt năm hòn đá vào trung tâm. Hòn đá đầu tiên bay lên cao rơi xuống trong lòng bàn tay tôi. Cứ thế, tôi chơi cho Nguyên xem. Sau đó Nguyên vụn về chơi thử cho tôi xem. Thằng chả trông vậy mà khéo léo lắm. Thảy được chụp được, duy chỉ có hơi hậu đậu. Không sao, ngày đầu nên tôi không quan trọng điều đó. Mà nó có chơi dở thì tôi cũng không quan tâm, nó là bạn tôi, nó được phép chơi dở.
Trời đã rạng nắng, tôi và Nguyên dừng trò chơi. Nguyên quay người, nhìn qua những cái lỗ li ti để quan sát nhà của mình đằng xa. Khi nhìn lại, nó nói:
– Chắc tui về.
Tôi gật đầu:
– Tui cũng về. Mai gặp lại hén?
– Ừm.
– Mai đem theo dụng cụ để làm sạch cái mương luôn. Ông thấy sao?
– Tui hông biết nó có sạch được hông nữa. Với lại tui sợ áo dơ.
Chậc lưỡi, tôi dứt khoát bảo:
– Cẩn thận một chút là được mà. Ông đem theo đồ gì đó để vớt nhe. Hứa đi.
Nguyên nở một nụ cười sáng bừng:
– Ừm. Về nha.
– Khoan. – Tôi đưa cho Nguyên năm cục đá mà chúng tôi vừa chơi hồi nãy, rồi nhắc nhở. – Về nhà nhớ luyện để mai thắng được tui!
Nguyên nhận lấy nó ngập ngừng, nó ừm à thêm hai lần nữa rồi mới chui ra khỏi trại, cẩn thận đi ra ngoài bờ đê khuất sau lùm cây dại che tầm nhìn của tôi. Vừa đi nó vừa ngoái lại đằng sau nhìn tôi, rồi cơ thể nó nhỏ dần nhỏ dần giữ cánh đồng mênh mông. Rồi nó khuất dạng như muỗi bay trong đêm. Chỉ còn lại tôi ở đây, cũng dần không còn gì để làm nữa.
Lúc về đến nhà là khoảng bốn giờ chiều, tôi bị anh Hai mình liếc cháy cả da. Anh đang ngồi trên thềm nhà, cặm cụi vào cái nồi cơm điện mà người ta đưa cho anh sửa. Anh tôi làm nghề sửa điện, anh làm ăn tốt lắm, anh bảo tôi thế. Chắc thấy tôi nhìn chằm chằm vào mình, anh Hai mới hỏi:
– Mày đi đâu mà giờ này mới về đó?
Cầm cây chổi chà trên tay, tôi đáp:
– Em đi chơi.
– Đi chơi ở đâu?
– Ở ngoài ruộng á. – Cây chổi chà lướt trên sân vang lên tiếng sột soạt, tôi không muốn anh Hai hỏi nhiều về mình. Vậy nên tôi hỏi anh ấy:
– Cái nồi đó là của nhà chị Hạnh phải không anh? Hôm trước thấy chỉ đưa lại đây một lần rồi. Bây giờ lại đưa nữa. Lạ ghê, nồi cơm điện dễ hư như vậy hả Hai?
Anh Hai tôi cười tủm tỉm, trên má anh xuất hiện vệt màu đỏ ửng, anh đáp:
– Hông đâu, là tại người ta muốn gặp tao mới đưa sửa vậy đó.
Cứ tưởng vì anh sửa không tới nơi tới chốn nên nó mới hư nữa chứ? Tôi nuốt câu đó vào bụng, quét thêm vài lằn chổi nữa rồi giả vờ ngây thơ hỏi tiếp:
– Muốn gặp anh hả? Sao chị Hạnh muốn gặp anh?
– Thì… thì nó thích tao… mày không biết đâu, mấy đứa gái xóm này đứa nào cũng thích tao cả.
– Sao anh biết người ta thích anh? Hay anh kể cho em nghe người nào thích anh đi.
Anh Hai tôi bắt đầu lảm nhảm về những người con gái mà anh cho là đang mê đắm mình. Hoàn toàn không chú tâm đến tôi nữa. Chiều hôm ấy, cứ như thế trôi đi.