Ông ngoại thượng thọ sao, tôi đâu có nghe bố nói trước đó đâu, hay là bố cũng chỉ vừa mới biết.
Tôi cứ ngỡ mẹ làm ngần ấy chuyện bố sẽ không đồng ý cho đón chúng tôi, không ngờ bố lại bảo:
- Cái này cô phải hỏi ý con, xem con có muốn đi không.
- Nó bé nó biết cái gì, anh xếp cho chúng nó mỗi đứa 1 bộ đồ giúp tôi, chọn bộ nào đẹp một chút. Tôi đưa con đi chiều tối mai hoặc sáng ngày kia tôi đưa về.
Bố không làm theo yêu cầu của mẹ mà quay sang nói với chị em tôi:
- Năm nay ông ngoại thượng thọ 80, ông rất nhớ 2 đứa và mong 2 đứa đến chúc thọ ông. Hai đứa theo mẹ về chúc thọ ông nhé.
Tôi chẳng cần nghĩ nhiều mà trả lời luôn:
- Con không đi.
- Sao thế con?
- Con không thích, đi với mẹ lại ở cùng ông ta, con không đi.
Mẹ nghe tôi nói thì tức giận bảo:
- Cả đời ông mới mừng thọ 80 1 lần, không đi cũng phải đi. Đi về đó năm nay nhiều bác nhiều chú về lắm, về mà lấy lì xì dốt.
- Con không cần, mẹ thích mẹ cứ tự đi, con không đi. Lần trước ông ra nhà mẹ ông thấy mẹ chửi con ông không bênh mà còn hùa vào chửi con bảo con giống bố nên mất dạy. Thế nên con không đi.
- Ơ hay cái con này, hư thì người lớn chửi là đúng rồi oan ức lắm hay sao. Mà dù ông có chửi oan thì mày vẫn phải về chúc thọ ông.
- Con đã nói không đi là không đi, mẹ chẳng có quyền gì mà ép con cả.
Nói xong tôi bỏ luôn vào giường trùm chăn, mẹ ở phía ngoài vẫn lầm bầm chửi nhưng tôi mặc kệ. Tôi không thích ông ngoại vì ông lần nào cũng bảo tôi giống bố nên láo hỗn. Cũng chẳng thích gặp chồng mới của mẹ, dù tôi chưa tiếp xúc với ông ta, nhưng vì ông ta nên bố mẹ tôi mới bỏ nhau, chị em tôi mới phải khổ sở thế này nên tôi hận lắm.
Mải nhớ lại những ngày tháng ấy tôi không biết ngoài kia mọi người nói gì với nhau, chỉ thấy bố chạy vào nhỏ nhẹ bảo:
- Chi này, em Hương thích đi với mẹ, mà em còn bé, con đi cùng em có gì còn để ý em giúp bố với.
- Con đã bảo con không thích đi rồi, nó thích đi thì kệ nó, nó cũng học lớp 2 rồi còn gì.
- Sao con cứ bướng bỉnh thế hả, em nó không cần trông sát sao, nhưng mà lâu lâu nó mới về nhà ông ngoại, ở đó tiếng là toàn họ hàng ruột thịt nhưng có mấy khi gặp nhau nên nó vẫn còn lạ lẫm. mà mẹ mày thì bố chẳng yên tâm, rồi sợ người ta nói vào nói ra con bé nó lại tủi thân. Con lớn, lại không hiền lành rụt rè như em, con đi theo em có ai nói gì em thì con bênh em, bảo vệ em. Rồi còn cả thằng cha kia nữa, bố không yên tâm.
Tôi khó chịu trùm chăn kín mặt rồi bảo:
- Bố không yên tâm thì đừng cho nó đi nữa thế là xong, bố cho nó đi xong lại hành con.
- Không phải cái gì cũng có thể làm theo ý mình, mẹ con dù sao vẫn là người sinh là các con, mẹ có thể không nuôi 2 đứa nhưng mẹ vẫn có quyền thăm. Bố mà cấm cản chỉ e sau này các con lại trách bố. Ví như con con nói không muốn xuống ấy lại khác, còn em nó đồng ý xuống chẳng lẽ bố làm sao. Thôi con thương bố, thương em thì con chịu khó vậy.
Tôi thật sự khó chịu khi thấy bố cứ ép tôi đi theo để trông em, càng tức hơn khi cái Hương lại thích xuống dưới ấy. Nhưng bố nói đúng, nếu để nó đi một mình kiểu gì mấy bà độc mồm độc miệng cũng nói này nói nọ. Nó còn nhỏ, tình tình lại nhút nhát hơn tôi chắc chắn sẽ không dám nói lại.
Suy nghĩ một hồi tôi đành phải miễn cưỡng đi cùng mẹ dù trong lòng vô cùng khó chịu.
Về nhà ông ngoại trong trạng tháng miễn cưỡng nên tôi cũng chẳng vui vẻ trò chuyện với mọi người như ngày nhỏ. Cứ mỗi lần định ra chúc thọ ông lại nhớ đến những gì ông từng đối xử với tôi mà ấm ức. nên lại rụt lại, ngồi một mình một góc, còn cái Hương thì mải nô với đám nhóc ngoài kia.
Cậu út thấy tôi ngồi dó thì gọi:
- Chi, sao không ra ngoài kia chơi ngồi đấy làm gì.
Tôi chỉ khẽ cười lấy lệ chứ chẳng trả lời, thấy vậy bác hai nhăn mặt hỏi:
- Con này, ai làm gì mày mày cái mặt mày cứ sưng lên một đống thế hả, nay mừng thọ ông mà mày như thế ai vào lại tưởng mày làm sao.
Ông Ngoại thấy ồn thì bảo:
- Kệ nó đi, nó giống hệt cái thằng bố nó chẳng ai nói được.
Ông nói xong thì chẳng ai còn quan tâm đến tôi nữa, mọi người xúm nhau lại hỏi han chồng mới của mẹ. nào là khen anh ta đẹp trai, tài giỏi, còn bảo mẹ tôi tốt số khi lấy được ông ta.
Tốt đẹp đâu tôi chẳng biết, chỉ biết ông ta tới mừng thọ bố vợ mà mang theo đúng một chai rượu nhỏ xíu bỏ vừa cả túi quần. Không có nổi một phong bánh mà đặt lên ban thờ thắp hương. Đã thế còn mừng tuổi cho tôi với cái Hương mỗi đứa 5 nghìn. Ông ta nghĩ tôi là con nít hay sao mà mừng tuổi 5 nghìn, đến hàng xóm không thân thiết mấy người ta còn mừng được chị em tôi 10 nghìn nữa là. Cái Hương nó không biết nên nó nhận, chứ tôi quay đi luôn chẳng thèm nhìn, ông ta sượng quá thì cười cười bảo:
- Ở nhà mừng rồi, mà qua đây mừng mấy đứa nhỏ ở đây sợ chị em nó tủi thân nên mừng thêm. Chắc con bé nó nhận rồi nên không nhận nữa.
Đúng là có tiền thì nói gì cũng được, ông ta nói thế mà mọi người cũng tin, còn hùa nhau vào nói tôi:
- Chú biết nghĩ thế mà con Chi hư quá, ít nhiều cũng phải cảm ơn dượng một câu. Chắc ỏ với thằng bố nó, thằng bố nó không biết dạy nên thế. Đấy giờ còn bỏ cả học, không khéo sau này lớn lên thì hỏng.
Thật tình tôi chỉ muốn lao ra chửi vào mặt mấy người đang nói xấu bố tôi với ông ta một trận cho hả dạ. Nhưng mà lại không đủ can đảm nên chỉ có thể ngồi một góc mà chửi thầm trong bụng.
- ------*----------*----------
Đáng ra phải sáng mai mẹ mới chở chị em tôi về, nhưng tôi ghét ở đây nên nhất quyết đòi về:
- Mẹ cho con về đi, việc của ông cũng xong rồi, con không ở đây nữa.
- Ngủ lại đây 1 đêm rồi sáng mai về thì có sao.
Tất nhiên là không sao, nhưng mà tôi ghét tôi không thích ở cái nhà mà mẹ cùng mua với ông ta. Đây là tổ ấm của hai người họ chứ có dính dáng gì đến chị em tôi đâu mà ở.
- Không, con không thích, mẹ cho con về đi.
- Mai rồi về, giờ ăn cơm rồi đi ngủ, cả năm mẹ mới rảnh để đón em, mày đừng có nhiễu.
- Con đã nói là con muốn về, mẹ lai con về hoặc con gọi bỗ xuống đón tùy mẹ.
Mẹ tức quá l*иg lộn lên chửi tôi nhưng tôi vẫn nhất quyết đòi về còn giả bộ gọi cho bố. Sau cùng ông ta chắc khó chịu với tôi quá nên bảo mẹ:
- Thôi em cho nó về đi, mới đầu năm mới nó cứ thế này thì dông cả năm mất thôi.
Mẹ thấy ông ta khó chịu thì càng ghét tôi, nếu không có cái Hương chạy ra tôi đoán mẹ sẽ lại đánh tôi để nịnh nọt ông ta. Tôi ghét đến mức lên xe đi về cũng chẳng thèm chào ông ta lấy một câu khiến cả doạn đường mẹ cứ lầm bầm chửi:
- Càng lớn mày càng mất dậy ra, ngày xưa mày có thế này đâu, ở với thằng bố mày một cái là mất dậy. Tao chỉ ước chưa từng đẻ ra mày thôi.
- Con cũng ước thế đấy.
- Con này, mày mất dạy quá rồi, để tí tao về tao bảo thằng bố mày để xem nó…
Tôi chán ghét cái kiểu đổ lỗi cho người khác của mẹ nên cắt ngang câu nói của mẹ:
- Bố dạy hư hay dạy khôn gì con không biết, con chỉ biết bố luôn yêu thương chị em con, còn mẹ vì muốn lấy chồng nên đuổi con đi thế thôi.
- Tao đuổi mày đi khi nào, mày thích ở với bố nên tao chiều theo ý mày giờ mày lại nói tao đuổi đi. Còn tao còn trẻ, tao cũng phải có cuộc sống của riêng tao, chẳng lẽ mày bắt tao ở thế cả đời à.
- Thì mẹ cứ lo cho cuộc sống riêng của mẹ đi, ai bảo sao đâu. Chỉ cần mẹ đừng làm phiền đến cuộc sống của bố con con là được.
Cái Hương ngồi ở giữa sợ quá cưa lên tục ngoái lại xua tay ra hiệu cho tôi đừng nói nữa. Nhưng mà tôi nhịn tôi ấm ức suốt từ lúc mừng thọ ông rồi, nếu không nói ra tôi sẽ tức điên lên mất thôi.
Mẹ thấy tôi dám cãi tay đôi thì ghét lắm, vừa về đến nơi đã chửi bố:
- Ông xem lại cách dạy con của ông đi, đừng để thiên hạ nói tôi có đứa con mất dạy.
Bố chẳng biết truyện gì xảy ra nhưng vẫn bênh tôi:
- Mới đầu năm mới cô bỏ ngay cái kiểu chửi con đi, nếu cô cứ như thế này tốt nhất từ sau đừng đón chúng nó nữa. Mỗi lần cô xuất hiện là lại làm nó khổ thêm.
- Khổ, tôi làm cái gì chúng nó mà khổ, nó hư tôi dạy dỗ vào câu không được ạ.
- Thôi mời cô về cho, đầu năm mới tôi không muốn cãi nhau.
Tôi cũng chán ghét mà đi vào trong nhà, phía sau bố cũng đang cài lại khóa áo cho cái Hương rồi dẫn nó vào trong.
Mẹ tức tối dậm chân mấy cái rồi cũng lên xe bỏ về, sớm biết thế này tôi chẳng thèm xuống đấy cho đỡ bực mình.
- ------*------*-------
Ăn tết xong tôi cũng rục rịch đi kiếm việc làm, có đứa bạn cứ rủ tôi lên thành phố, nó bảo ở trên đó việc làm không hết chứ không khó như ở quê. Nghe nó nói bùi tai tôi cũng bạo dạn về xin bố, bố vừa nghe thấy vậy gạt đi luôn:
- Quê mình thiếu gì việc, mà kể cả không xin được việc thì ở nhà đưa đón em đi học, rồi phụ bố việc nhà. Bố nuôi được 2 đứa không phải đi đâu cả.
- Không con quyết rồi, con phải kiếm việc làm, không thể ở nhà được.
- Bố đã nói rồi, thích thì lên thị trấn rồi, ra thành phố biết bao nhiêu thứ, con lại còn bé bố không yên tâm.
Tôi đã có dự tính của riêng tôi rồi, cũng hỏi con bạn tôi kỹ lắm rồi. Nói là bạn nhưng thật ra nó hơn tôi 5 tuổi, ngày đó chơi game cũng xưng mày tao suốt nên quen miệng. Nó đi làm ngoài thành phố nửa năm rồi, bây giờ tôi ra sẽ ở trung phòng trọ với nó. Thích thì nó xin vào chung chỗ nó làm, còn không thì xin chỗ khác trên ấy chẳng thiếu việc.
Suy nghĩ mấy đêm liền tôi quyết định lén đập con lợn tiết kiệm của 2 chị em làm lộ phí phòng thân. Chờ đến khi đi tới thị trấn tôi mới nhắn tin cho bố nói rằng mình lên thành phố làm. Bố ngay lập tức gọi điện bắt tôi về nhưng tôi chỉ bảo:
- Con đi thử cho biết, nếu ổn thì tốt, không con lại về với bố.
- Nhưng mà con đi như thế rồi ăn đâu, ở đâu, tiền đâu mà tiêu. Sao không bảo với bố, bố đưa tiền mà chi tiêu hả con.
- Con đập lợn tiết kiệm có tiền rồi bố không phải lo, thôi ô tô tới rồi, lát tới nơi con gọi cho bố sau.
Tôi biết bố lo cho tôi, nhưng tôi lớn rồi cũng chẳng thể ở nhà mãi được, trước sau gì cũng phải đi làm. Cứ phải ra đời thì mới biết được có nên cơm cháo gì không chứ cứ ở nhà mãi thì chẳng bao giờ làm được việc gì nên hồn cả.
Vì là lần đầu tiên đi làm nên tôi quyết định làm chung chỗ với cái Nga, đứa bạn đã dẫn tôi lên thành phố. Tôi cứ nghĩ đơn giản là nó đã làm, mình vào làm cùng có gì không hiểu thì hỏi nó. Dù sao có chị có em vẫn đỡ hơn là đến nơi xa lạ hoàn toàn.
Quán nó làm là một quán karaoke khá có tiếng, tôi còn nhỏ nên họ giao cho công việc rửa cốc chén phía sau chứ không được bưng bê như cái Nga. Tuy là có vất vả hơn nhưng nếu đem so với việc lần trước tôi làm ở quê thì vẫn còn nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Quán có cả thảy hơn chục nhân viên, ngoại trừ tôi và cái Nga thì còn lại toàn là sinh viên đi làm thêm.
Tôi có nói qua về công việc cho bố, bố cũng đích thân tới xem chỗ tôi ở và xem qua chỗ tôi làm rồi mới yên tâm. Trước khi về bố cứ luôn dặn:
- Con ra ngoài này không được tin ai quá, còn nữa công việc mà vất vả quá cứ về quê với bố nghe không
- Con biết rồi mà, bố yên tâm đi.
Bố biết tính tôi nên sau khi dặn dò vài câu thì lại lủi thủi đi về, nhìn theo bóng lưng bố tôi tự hứa sẽ phải thật cố gắng. Phải kiếm thật nhiều tiền để sau này còn giúp bố lo cho em.
Tôi đi làm được 2 tuần thì nhớ nhà quá nên xin nghỉ 2 ngày để về quê. Chẳng hiểu sao đi đường mà mọi người cứ nhìn tôi rồi chỉ trỏ gì đó. Mãi sau này tôi mới biết họ cho rằng tôi đi làm ở quán karaoke là đi làm gái là hư hỏng. Chẳng trách mà tôi về đến nhà thì mẹ tới gào ầm lên:
- Con Chi, mày ra đây, tao đẻ mày rát cả h.áng bây giờ mày đi làm cái nghề như thế à. Mày định bôi tro chát chấu vào mặt tao, định không cho tao ngẩng mặt lên nhìn đời à. Mày có biết mấy hôm nay dượng mày nói tao chẳng ra cái gì không?
- Nghề như thế là nghề như nào, mà ông ta liên quan gì đến con mà có quyền nhắc đến con.
- Mày còn dám mở mồm ra nói như thế à, ông ấy lo cho mày nên mới bảo tao nghỉ làm lên dạy dỗ không để cho mày hư hỏng thêm.
Nghe đến đây tôi phá lên cười, một nụ cười mỉa mai nhất từ trước tới giờ. Cười xong tôi xoay lưng luôn vào nhà. Đúng lúc ấy thì bố cũng về tới nơi, mẹ lại bổn cũ soạn lại, chửi bố, đay nghiến và cho rằng bố dạy hư tôi.
Bố không chửi lại mẹ nửa lời, chỉ lặng lặng đi vào trong nhà nói:
- Con không về thì bố cũng định tới tận nơi bắt con về. Bố ở quê nên không hiểu hết, giờ nghe người ta nói mới hiểu cái nghề ấy là như thế nào. Thiếu gì nghề sao con không làm mà lại đi làm cái nghề ấy hả con? Bố đã dạy nghèo cho sạch, rách cho thơm cơ mà.