Chương 2: Về Nhà

Ngày hôm sau, lúc Diệp Cẩm Khê thức dậy thì đã là mười giờ.

Trương Thành chừa phần cơm cho cậu, cũng để lại tờ giấy nhắn, nói cho cậu biết hôm nay có tiết học quan trọng nên cậu ta phải đến trường.

Diệp Cẩm Khê vẫn tiếp tục nằm trên giường.

Đêm qua khóc to một trận khiến cảm xúc ức chế bấy lâu như trút bớt được phần nào, trong lòng cậu cũng thấy nhẹ nhõm hơn một chút, chỉ là mộng mị mấy ngày nay làm cho cậu không thể hoàn toàn thả lỏng.

Có lẽ cảnh tượng trong mơ quá mức chân thực, cậu không cách nào xem nhẹ, cứ loáng thoáng có cảm giác như thể chúng sẽ thật sự phát sinh vậy.

Giữa trưa, Trương Thành trở về, cũng không hỏi cậu chuyện tối qua.

Diệp Cẩm Khê cảm thấy thu hoạch lớn nhất khi lên đại học chính là gặp được người bạn Trương Thành này.

Đây là may mắn của cậu.

Trương Thành hâm nóng lại đồ ăn còn dư của hôm qua rồi ăn cùng Diệp Cẩm Khê, thấy cậu ăn không ít cơm thì âm thầm thở phào.

Nhưng cậu ta lại không biết Diệp Cẩm Khê vì những cảnh tượng trong mơ nên không dám lãng phí thức ăn, nhất định phải ăn đến khi bản thân không thể ăn vô được nữa mới thôi, mặc kệ mùi vị ra sao.

Chỉ khi từng cảm nhận cái đói đến tuyệt vọng thì mới biết có thể ăn no là chuyện hạnh phúc nhường nào.

Sau đó, mãi cho đến khi thi xong, Diệp Cẩm Khê cũng không gặp ác mộng nữa.

Tất cả khôi phục bình thường khiến cậu nghĩ rằng mộng cũng chỉ là mộng mà thôi.

Cậu đã đặt sẵn vé xe từ trước Tết ở trường, ngay buổi tối hôm thi xong, cậu và Trương Thành liền lên đường về quê.

Rất khéo là cả hai đều ở chung một thành phố, chỉ là một ở nội thành một ở nông thôn.

Quê Diệp Cẩm Khê là một thôn thuộc tỉnh Cát Lâm, thôn Diệp gia thuộc huyện Dương Thụ, thành phố Cát Lâm.

Sau khi xuống xe ở thành phố, phải ngồi thêm ba giờ ôtô mới đến được thôn Diệp gia, rồi đi thêm một giờ đồng hồ nữa mới về đến nhà.

Nhà của họ nằm ở chỗ xa thật xa.

Xa hơn nữa là rừng rậm ở phía Bắc, khoảng cách giữa các thôn làng cũng không gần.

Buổi sáng xuống xe, sau đó đứng chờ xe khách khoảng hai tiếng, lúc về đến nhà thì đã hơn ba giờ chiều.

Lúc này trời lạnh, mùa đông ở đây sẽ có vài trận tuyết, chân dẫm trên mặt tuyết phát ra tiếng sột soạt, cậu từ nhỏ đã quen, nhưng hiện tại lại có cảm giác như vừa trải qua mấy đời vậy.

Chưa bước vào thôn liền nghe được tiếng chó sủa, cũng nhìn thấy một loạt củi gỗ cao cao được chất đống trước tường viện của từng nhà.

Nhà cậu nằm ở phía Tây của thôn, sát bên cạnh là dãy trụ sở cũ kỹ của tổ đội sản xuất trước kia, hiện tại để trống, chỉ còn lại một loạt nhà ngói.

Khi thôn làng có đại sự gì hoặc là có cuộc họp mặt lớn mới dùng đến.

Nhà cậu nằm ở phía Đông Nam của trụ sở sản xuất, bởi vì xung quanh toàn đất trũng, chỉ cần mưa một trận là nước sẽ đọng lại thành kênh nhỏ hình lưỡi liềm vây quanh nhà, nhìn qua giống như một bán đảo.

Bờ tường kề sát đường lớn phía Đông, cạnh tường là hàng cây ông nội trồng.

Cửa chính được đặt ở hướng Đông.

“Bà nội, Tiểu Bảo trở về rồi. Ha ha! Tiểu Bảo đã về rồi!”

Nghe thấy tiếng chó sủa, một người cao khoảng một thước tám từ trong nhà chạy ra.

Trên khuôn mặt toát lên vẻ mừng rỡ xen lẫn khù khờ, vừa vỗ tay vừa lao đến.

Tuy có bộ dạng của một người trưởng thành, nhưng chỉ cần nhìn vào ánh mắt ngây ngô của người này là có thể nhận ra chỉ số IQ của cậu ta có chút vấn đề.

Diệp Cẩm Khê tươi cười nghênh đón, đưa tay sờ sờ mặt người cao lớn kia

“Đại Bảo ở nhà có ngoan không, có ốm đi không đó?”

“Ha ha! Đại Bảo không có ốm đi, bà nội đang làm đùi gà, cho anh một cái. Một cái khác cho Tiểu Bảo.”

Đại Bảo nói xong còn hoa tay múa chân diễn tả, miệng nhịn không được liếʍ liếʍ môi, lộ ra vẻ mặt tham ăn.

Diệp Cẩm Khê cười cười:

“Đại Bảo ngoan, còn biết ăn đùi gà nữa nha. Bà nội, con đã về.”

Thấy bà nội đi ra, Diệp Cẩm Khê cười chào hỏi.

“Trở về là tốt rồi! Mau vào phòng lên giường gạch ấm đi, bên ngoài lạnh lắm”

Bà nội Diệp nói xong thì muốn đón lấy túi đồ trong tay Diệp Cẩm Khê.

“Không cần đâu nội! Cứ để con cầm ạ.”

“Ngồi xe có lạnh hay không? Chân có bị đông lạnh không?”

Bà nội Diệp quan tâm vuốt ve mặt Diệp Cẩm Khê

“Lạnh quá! Mau vào phòng nào”

Ba người đi vào nhà liền thấy một ông lão gầy gò khoảng hơn sáu mươi đi ra từ nhà bếp.

Ông lão thấy Diệp Cẩm Khê thì mặt mày hớn hở.

“Cẩm Khê, có lạnh hay không? Mau lên giường sưởi đi, ông đã đốt lò rồi!”

Đây là ông nội của Diệp Cẩm Khê, Diệp Đức Minh.

“Ông.”

Diệp Cẩm Khê cười, thưa một tiếng, ông lão một tay đỡ lấy túi đồ của cậu, một tay ôm Diệp Cẩm Khê

“Gầy quá, đi học có mệt không con?”

Khuôn mặt thoáng hiện lên vẻ xót xa.



“Không ạ! Con khoẻ lắm.”

Vào phòng, Diệp Cẩm Khê cởϊ áσ khoác rồi quay sang nhìn những người thân thiết nhất của mình, ánh mắt lưu luyến như thể nhìn bao lâu cũng không đủ.

Vừa mới thay áo xong đã thấy Đại Bảo bưng chậu nước ấm đến.

“Tiểu Bảo, rửa mặt đi!” Mặt Đại Bảo cứ gọi là toe toét.

“Đợi em rửa mặt xong sẽ lấy quà cho Đại Bảo nha!”

“Woa! Có quà nữa à!” Đại Bảo sung sướиɠ nhảy dựng lên.

Cẩm Khê rửa mặt, sau đó mở túi đồ, lấy mấy thứ ra đưa cho ông bà nội và Đại Bảo.

“Mua mấy cái này làm gì chứ?”

Ông nội Cẩm Khê cầm đôi găng tay thật dày, vẻ mặt vừa vui mừng lại vừa tiếc rẻ.

Còn bà nội thì cứ mân mê sờ sờ cái áo phao cộc tay.

“Học kỳ này con nhận mấy mối gia sư, còn nữa, thằng nhóc cấp ba con phụ đạo năm ngoái, phụ huynh em ấy dựa theo lời hứa lúc đầu cho con thêm tiền thưởng, học phí sang năm cũng đủ đóng luôn rồi ạ.”

Cẩm Khê nói xong thì móc một cái mô hình Transformers ra đưa cho Đại Bảo.

Đại Bảo yêu thích ôm mãi không buông, từ khi ba mẹ qua đời, đã lâu rồi không có ai mua đồ chơi cho Đại Bảo.

“Con không cần quan tâm đến chuyện học phí đâu, cũng không cần tiết kiệm quá, coi con gầy chưa này. Đại Khương vừa gửi mười ngàn tệ về, còn gọi điện thoại nói nó đã dành dụm đủ học phí năm tới cho con rồi, con không cần ra ngoài làm công đâu. Năm nay bắp lên giá, hơn hai ngàn một tấn, nhà chúng ta có hơn bảy tấn rưỡi, ông tính sang năm sẽ đem bán, cộng thêm mười mẫu đậu nành, tính sơ chắc cũng có thể thu được mấy chục ngàn tệ đó.”

Ông nội Diệp vừa nói vừa nhéo nhéo cánh tay của Cẩm Khê, nở nụ cười hài lòng.

“Nhà ta vẫn chưa bán đậu nành ạ?”

Diệp Cẩm Khê thấy hơi lạ bèn hỏi.

“Vẫn chưa, nhiều hộ trong thôn mình cũng chưa bán, đậu nành dạo mới thu hoạch giá cứ thay đổi liên tục, mấy ngày nay chắc lại sắp sửa lên tiếp rồi, năm nay đậu nành rất được mùa, mọi người đều chờ nó tăng giá nên không vội bán. Gần đây có vài xưởng ép dầu đang liên hệ với thôn mình. Nếu thuận lợi giá thành có thể sẽ lại tăng thêm vài đồng.”

Ông nội nói cười hớn hở, thôn bọn họ đất nhiều người ít nên khi phân theo đầu người thì mỗi cá nhân nhận được khá nhiều, con trai cả và dâu cả đã mất, trên khế ước vẫn còn hai mươi năm, bọn họ theo chính sách “người tăng đất không tăng, mà người giảm đất cũng không giảm”, cả nhà bảy miệng ăn được chừng ba mươi mẫu, tuy hơi mệt nhưng thu nhập hàng năm cũng khá nhiều.

Đừng xem thường ông đã sáu mươi tám chứ vẫn còn gân lắm đấy.

“Lên giường cho ấm đi, bà qua coi nồi gà hầm một chút. Chắc cũng sắp nhừ rồi.”

Bà nội Diệp vừa nói vừa bước ra ngoài.

Diệp Cẩm Khê để túi đồ qua một bên, hỏi:

“Sao anh Thần lại gửi nhiều tiền về tới vậy? Trợ cấp của quân đội hình như đâu có nhiều đến thế đâu nhỉ?”

“Ông không rõ, hình như tiền thưởng cho nhiệm vụ gì gì đó. Nó không nói rõ, có lẽ phúc lợi ở đó rất tốt cũng không chừng”

Ông nội Diệp lắc đầu nói.

Trong điện thoại dù sao cũng không thể kể chi tiết cặn kẽ:

“Năm nay nó không về được. Hay đợi qua tết con gọi hỏi kỹ nó lại lần nữa xem.”

Diệp Cẩm Khê gật đầu, lê đến chỗ giường gạch, giường gạch nóng hầm hập ủ ấm hai chân bị đông đến tê cứng của cậu:

“Phải hỏi kỹ một chút, chúng ta không biết anh ấy ở đâu, mấy năm nay ảnh lại gửi không ít tiền về, con không an tâm cho lắm.”

Ông nội lấy cái chăn đắp lên đùi cậu.

“Yên tâm đi, nó tự biết lo cho mình mà. Được rồi! Con nghỉ ngơi đi”

Sau đó ông xoay người ra ngoài giúp đỡ vợ mình canh lửa.

Đại Bảo tựa vào cạnh giường nghịch Transformers.

Thời khắc này, Diệp Cẩm Khê cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Buổi tối ăn gà hầm của bà nội, mùi vị của món gà thả vườn này khiến Diệp Cẩm Khê ăn lấy ăn để, xém chút nữa thì cắn trúng lưỡi.

Đại Bảo khoái chí chén sạch hai cái đùi gà.

Ở đây trời tối rất nhanh, mới hơn sáu giờ mà ngoài đường đã không thấy được chút ánh sáng nào, loáng thoáng nghe tiếng sủa của con Đại Hoàng ngoài sân, Diệp Cẩm Khê nhanh chóng ngủ thϊếp đi.

Chẳng mấy chốc cửa chính mở ra, lập tức nghe được giọng oang oang của chú Hai nhà mình:

“Cẩm Khê về rồi à?”

Sau đó một người đàn ông Đông Bắc cao lớn vạm vỡ bước vào, kéo theo chút hơi lạnh từ bên ngoài.

“Chú Hai.” Cẩm Khê vội ngồi dậy.

“Trời, sao lại gầy như vậy hả con.”

“Anh Cẩm Dương, thím Hai, chị dâu.”

Theo sau chú Hai nhà họ Diệp có ba người nữa, lần lượt là anh họ Cẩm Khê – Diệp Cẩm Dương, thím Hai, vợ của anh Cẩm Dương, còn có con trai Diệp Cẩm Dương – Hổ Tử, năm nay hai tuổi.

“Sao còn đem thằng nhỏ đến làm gì. Trời tối không nên mang nó ra ngoài chứ.”

Bà nội Diệp oán trách, trừng mắt với chú Hai Diệp.

Thường ngày dù bà nội Diệp có phật lòng với con dâu cũng sẽ không trực tiếp ra mặt mà nhất định phải tìm con trai than phiền, ai bảo nó không biết dạy vợ.

Tuy như vậy có hơi tội cho chú Hai Diệp, nhưng cũng giúp mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu giảm rất nhiều.

“Trùng hợp thôi mẹ à, hôm qua thằng Cẩm Dương và vợ nó về bên nhà vợ, khi nãy vừa vặn đυ.ng phải nên cùng nhau đến luôn.”

Chú Hai Diệp giải thích.

“Vừa mới về à, dọc đường có lạnh không? Phượng, con và cháu dâu mau lên giường ngồi cho ấm.”



“Mẹ cũng ngồi đi ạ.” Thím Hai liền mời bà cụ trước.

Nhường qua nhường lại một lúc rồi các bà các mẹ đều lên giường gạch.

Diệp Cẩm Khê ôm Hổ Tử vào lòng, dọc đường đi thằng nhóc chắc là ngủ gục mất tiêu, có lẽ vì sợ bé con bị lạnh nên không chỉ cho nó mặc áo bông còn quấn thêm hai tấm chăn, một dày một mỏng bên ngoài, làm khuôn mặt thằng nhỏ nóng hôi hổi.

Hồi nãy nhóc ta ngủ gục, bây giờ vừa tỉnh đã thấy ngay người lạ, hai mắt tròn xoe mở to, mặt mếu máo.

“Ha ha, chắc tại nó không nhận ra con đó.”

Thím Hai ngồi xuống chỗ bên cạnh, Hổ Tử thấy bà nội, cái miệng nhỏ mím lại.

Thấy cu cậu sắp khóc đến nơi, thím Hai liền ôm lấy, dỗ dành thằng nhỏ.

Anh họ Diệp Cẩm Khê là người thật thà chất phác, bình thường cũng không hay nói chuyện, tối nay sang chào hỏi dăm câu cùng Diệp Cẩm Khê rồi quay qua nhỏ giọng thầm thì với Đại Bảo, Đại Bảo chỉ cho anh ấy cách chơi Transformers, Diệp Cẩm Dương kiên nhẫn nghe, không hề có chút biểu hiện khó chịu nào.

Chú Hai Diệp hỏi han cuộc sống của Diệp Cẩm Khê trong nửa năm nay, ngồi những một tiếng cả nhà chú Hai mới ra về.

Ông nội khoá cửa lớn, mọi người đều đi ngủ sớm.

Tối hôm đó Cẩm Khê ngủ rất ngon, sáng sớm thức dậy thì thấy ông nội đã đốt nóng giường gạch, Cẩm Khê run cầm cập chạy vào nhà vệ sinh, có cảm giác cái mông cũng đông lạnh luôn rồi.

“Lạnh lắm hả con?” Ông nội ôm một bó thân cây bắp khô đi đến.

“Cũng không lạnh lắm ạ. Ông để con cầm cho.”

Mỗi lần từ trường học trở về luôn sẽ có một hai ngày không kịp thích ứng, nhưng qua vài hôm là quen ngay.

Từ nhỏ đến lớn cậu đã sống ở đây, dù thay đổi thế nào thì thói quen cũng không đổi được.

“Không cần, con còn không khoẻ bằng ông đâu. Trong nồi có nước nóng đó, con lấy súc miệng rửa mặt đi.”

“Để chút nữa ạ, đợi Đại Bảo thức dậy tụi con cùng nhau rửa luôn, ông cứ đưa đây con nhóm lửa cho.”

“Ừ, được rồi.”

Ông nội Diệp cũng không ngăn cản.

Ông nhìn đôi mắt sáng long lanh đầy ý cười của thằng cháu, trông có vẻ phấn khích vô cùng.

Cha Diệp Cẩm Khê là con cả của Diệp Đức Minh, Đại Bảo là cháu đầu lòng, vốn là đứa trẻ rất lanh lợi.

Lúc năm tuổi thì bị sốt cao, chỉ đi khám phòng mạch ở dưới quê, kết quả khiến cho bệnh tình kéo dài, khi đưa đến bệnh viện thì đã muộn, cơn sốt ảnh hưởng đến não bộ.

Tuy sau đó được chuyển đến bệnh viện lớn trên thành phố điều trị hơn nửa năm, nhưng vẫn không có kết quả, đầu óc không khác gì một đứa bé lên năm.

Cha Diệp mẹ Diệp rất đau lòng, mỗi khi nghĩ đến việc trí não của con trai cả chỉ dừng lại ở năm tuổi, sợ tương lai nó không thể giống như người bình thường, cả hai thương lượng sinh thêm một đứa nữa, cũng chính là Diệp Cẩm Khê.

Diệp Cẩm Khê nhỏ hơn Diệp Cẩm Phúc sáu tuổi mấy gần bảy tuổi.

Cha Diệp mẹ Diệp vì nuôi hai anh em họ, cộng thêm việc chữa bệnh cho Đại Bảo nên thiếu người ta không ít tiền, ruộng đất tuy nhiều, nhưng mỗi năm thu vào được bao nhiêu đều phải đem đi trả nợ, cầm cự chừng vài năm, cả hai quyết định đi nơi khác làm thuê, để hai đứa bé lại cho ông bà Diệp chăm sóc.

Sức khoẻ ông nội bà nội Diệp Cẩm Khê rất tốt, Diệp Cẩm Khê từ nhỏ đã thông minh lại nghe lời, không cần người khác chăm sóc cho mình, còn Đại Bảo dù ngờ nghệch như đứa bé lên năm nhưng vẫn vô cùng ngoan ngoãn.

Chỉ là lúc ấy trong thôn có vài đứa trẻ không hiểu chuyện, cứ thích theo sau hò hét trêu chọc Đại Bảo, Diệp Cẩm Khê còn nhỏ không giúp được anh trai.

Nhà họ Diệp sau vài năm bươn chải cũng trả hết được nợ nần, cha Diệp liền đem bán căn nhà cũ, chuyển đến nơi ở hiện tại xây nhà mới, khu đất này được ao tù vây quanh, tuy không sâu lắm nhưng bình thường đều ngập nước.

Hồi trước chỗ này bị nghiêng, lại có nước đọng nên không ai dọn đến đây để đổ móng dựng nhà cả, cha Diệp vừa ý mảnh đất này vì nó đủ lớn, diện tích ao không nhỏ, không gian cho trẻ con chơi đùa cũng thoải mái hơn.

Ông lão sợ hai đứa bé chơi đùa té xuống ao nên trồng rất nhiều chủng loại cây ở ven bờ, phía trong còn trồng thêm một ít bụi tường vi, dần dần hình thành một vòng rào quanh nhà, không lo bọn trẻ chạy ra ngoài, sau đó lại tiếp tục trồng thêm các loại như táo dại, sơn tra, và thanh lương trà ở những chỗ đất còn trống, thời điểm chúng ra quả cũng là khoảng thời gian mà tụi nhỏ mong chờ nhất trong năm.

Căn nhà có ba mặt đều giáp nước này chính là hồi ức đẹp đẽ nhất thời thơ ấu của Diệp Cẩm Khê.

Cha Diệp mẹ Diệp đi xa làm thuê, chuyện ruộng đất ở nhà đều do một tay ông nội Diệp quản, cũng vì vậy lúc trước ông đã bàn qua với con thứ của mình, để ông dọn vào ở cùng thằng cả, mai sau già đi sẽ do hai vợ chồng nó phụng dưỡng.

Ông nghĩ nhân lúc mình còn có thể làm việc thì giúp bọn họ đỡ đần một chút.

Tính tình của chú Hai Diệp rất phóng khoáng, biết nhà anh cả khó khăn, mình lại không có tiền để giúp đỡ nên càng không so bì thiệt hơn, ngay cả thím Hai cũng không nói gì.

Thời điểm thu hoạch bận rộn, hai vợ chồng làm xong việc nhà mình liền chạy sang bên đây hỗ trợ, năm nào cũng như năm nào.

Bình thường mỗi khi xảy ra chuyện hai người họ đều xông xáo giành giải quyết.

Cha Diệp mẹ Diệp đến nơi khác làm thuê, mỗi năm dành dụm được một ít tiền mang về.

Chỉ trong vài năm đã trả hết số nợ lúc trước vay mượn để chạy chữa cho Đại Bảo, sau đó kinh tế trong nhà cũng tốt hơn, năm Cẩm Khê vừa lên cấp hai còn xây thêm phòng mới.

Khoảng một thời gian dài, trong thôn cũng không còn ai xầm xì về Đại Bảo, tuy trí não của Đại Bảo dừng ở mức năm tuổi nhưng các phương diện khác thì cực kỳ bình thường.

Đứa bé lên năm cũng có thể nghe hiểu, chỉ cần người lớn dạy qua vài lần là anh sẽ hiểu, tính cách vô tư vô lự như trẻ con, sức khoẻ tốt, còn ngoan ngoãn nghe lời.

Cả nhà đều yêu thương anh, cưng anh như bảo bối.

Năm Cẩm Khê học lớp Mười, cha Diệp mẹ Diệp qua đời. Hai người gặp tai nạn xe cộ trên đường về.

Lần đó chết một lúc bảy mạng, mẹ Diệp mất ngay tại chỗ, cha Diệp thì thoi thóp.

Vì cứu chữa cho cha Diệp, trong nhà tiêu tốn hết tiền để dành, còn mượn chú Hai Diệp rất nhiều.

Đáng tiếc cuối cùng vẫn không giữ được mạng của cha Diệp.

Sau đó tài xế gây tai nạn cũng đưa một ít tiền bồi thường, tiếc là nhà người kia quá nghèo, bản thân anh ta cũng phải chạy chữa.

Mấy gia đình bị hại chia ra, mỗi người không nhận được bao nhiêu, muốn đòi thêm bên kia cũng không trả nổi.

Đã vậy phần tiền đền cũng chẳng tới tay ông cháu Diệp, tất cả đều phải đem đi trả nợ hết.

Năm đó nhà chú Hai Diệp mới xây được phân nửa, chú Hai Diệp đem số tiền xây nhà còn sót lại và tiền cưới vợ cho Cẩm Dương ra hỗ trợ.

Tuy rằng sau đó được trả lại một ít, nhà chú Hai cũng xây xong, nhưng hôn sự của Cẩm Dương xém nữa thì không thành, may mà tình cảm vợ chồng Cẩm Dương khắng khít cuối cùng cả hai vẫn cố mà cưới hỏi cho bằng được, có điều kết hôn hơn hai năm rồi mà nhà vợ bên kia vẫn làm mặt lạnh với anh.

Khi đó Cẩm Khê vừa đau lòng vừa thấy áy náy, xém chút nữa thì thôi học.