- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
- Chương 9: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Chương 9: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ tám, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ ở giữa.
“Nhược như thị Bồ Tát trung, tu hành nhất thiết thiện pháp, mãn túc cứu cánh, đắc ly vô minh thùy giả, chuyển danh vi Phật”. Chúng ta xem đoạn này, đoạn văn này nói về nguồn gốc của hiện tượng, đây đều nói đến vấn đề căn bản. Có một vài người thường hỏi, vũ trụ từ đâu đến? Sanh mạng từ đâu đến? Những hiện tượng này từ đâu đến? Những vấn đề này trong Phật pháp được coi là những vấn đề căn bản lớn, nếu giải quyết được vấn đề này, tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết.
Trong kinh Phật không ngừng lặp đi lặp lại nói rõ với chúng ta, vì sao Phật không cảm thấy phiền khi nói nhiều lần như thế? Vì chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, sức huân tập của nhân duyên si ám quá mạnh, thời gian quá lâu. Nếu thời gian ngắn, Đức Phật nói rõ với chúng ta chân tướng sự thật này, cảnh giới chúng ta vẫn không chuyển được. Chuyển được tức thành Phật, chuyển không được chính là phàm phu, trong kinh điển đại thừa liễu nghĩa chúng ta thấy nói rất nhiều về điều này. Phàm thánh chỉ trong một niệm, thực tế mà nói sanh Phật chỉ di chuyển trong khoảng sát na. Chúng ta đọc kinh, nghe kinh, nghe pháp, vì sao vẫn không chuyển được? Đây chính là sức mạnh của vô minh từ vô thỉ kiếp đến nay, trong kinh này nói do sức huân tập của si mê, chướng ngại cơ duyên kiến tánh của mình.
Ở trước nói: “pháp thân danh vi chúng sanh”, điều này ở hàng trước, hàng thứ tư câu thứ nhất: “thuyết bỉ pháp thân danh vi chúng sanh”. Lời này quả thật đã nói đến tận cùng. Pháp thân là gì? Pháp thân là bản thân mình, trong Thiền tông nói: “bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sanh”, là chính mình. Phật thành Phật như thế nào? Phật chứng được pháp thân. Phật có tam thân, pháp thân, báo thân, ứng thân. Chúng ta có tam thân chăng? Có, không khác gì Đức Phật. Phật đối với tam thân này rõ ràng minh bạch, ngài đã giác ngộ, còn chúng ta hoàn toàn không biết gì về tam thân của mình, cho nên chúng ta mê. Giác ngộ pháp thân cũng không nhiều hơn, khi mê pháp thân cũng không hề giảm bớt, vấn đề ở chỗ mê ngộ.
Thế nào gọi là chúng sanh? Nghĩa của chúng sanh rất rộng, chúng ta thường thấy chúng sanh, lập tức nghĩ đến rất nhiều người, xem chúng sanh là như vậy, đây là không hiểu nghĩa của chúng sanh. Chúng sanh là hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, lớn rồi, hư không là hiện tượng chúng duyên hòa hợp sanh khởi, cho nên hư không là chúng sanh.
Hiện nay chúng ta quan sát được, giữa vũ trụ có rất nhiều tinh cầu, tinh cầu là chúng duyên hòa hợp mà sanh, là chúng sanh. Giới khoa học lại phát hiện, hiện tại tầm nhìn chúng ta rất hạn hẹp, không phải thế giới chân thật. Ngày nay ta chỉ thấy được không gian ba chiều, không gian bốn năm chiều không nhìn thấy được. Nó tồn tại chăng? Tồn tại. Giới khoa học chứng thực, về lý luận mà nói không gian là vô hạn độ, nhưng thực tế mà nói, họ đã chứng minh có không gian 11 chiều tồn tại. Ngày nay chúng ta ở trong không gian vô hạn độ, chỉ thấy được một độ. Không gian vô hạn độ từ đâu mà có? Do chúng duyên hòa hợp biến hiện ra, đều là chúng sanh. Muôn sự muôn vật, hết thảy mọi hiện tượng, hai chữ chúng sanh bao gồm tất cả. Ở đây nói đến chúng sanh, ý nghĩa như trong Phật pháp gọi là “pháp”, nó là một đại danh từ của toàn thể vĩu trụ. Thế nào gọi là pháp thân? Cho thấy pháp thân là toàn thể, là một toàn thể hoàn mỹ, không phải bộ phận. Ngày nay những gì ta cảm nhận được là sự cục bộ, một cục bộ rất chật hẹp, vì vậy mới nảy sinh xung đột với người khác.
Tôi dạy quý vị xem gốc cây, đây là đưa ra một ví dụ, con người đều thích cây, trên cây có lá, thân này của chúng ta giống như lá cây. Ngọn cây, một ngọn cây mọc vài phiến lá, nó giống như một gia đình vậy. Tiếp tục quan sát nhành cây, trên một nhành cây có mấy ngọn, giống như một chủng tộc vậy. Chủng tộc này của mình với chủng tộc khác lại độc lập, lại đối lập, đối lập tức có xung đột. Tiếp tục quan sát tường tận, quan sát đến sau cùng, đến gốc. Thì ra tất cả lá cây, tất cả cành nhánh, tất cả thân cây, đều từ một gốc sanh ra, ta mới nhìn thấy một gốc cây hoàn chỉnh, hoàn chỉnh mới là chính mình.
Đức Phật nói với chúng ta, pháp thân tận hư không biến pháp giới là chính mình, ta còn có gì nữa để xung đột? Đây là chân tướng sự thật, không phải giả thiết. Chư Phật Như Lai chứng quả, chứng được thật tướng các pháp, thấu hiểu triệt để, minh bạch triệt để, hư không pháp giới và tự thân hòa thành nhất thể. Đây gọi là Phật, là pháp thân đại sĩ. Không thông đạt chân tướng sự thật, ở trong này tùy theo bản thân mà khởi vọng tưởng phân biệt chấp trước, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn, đó là phàm phu.
Phàm phu tạo ra tất cả tội nghiệp, pháp thân, pháp tánh của ta không hề mất, không khác gì với Chư Phật Như Lai, không khác. Mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là Chư Phật Như Lai, đây là thật không phải giả. Vì sao ngài nhận ra được cái thật? Nhận ra thân thể này của ta là chân vọng hòa hợp, ở ngay trong thân thể này, ngài nhìn thấy pháp tánh, ngài thấy được pháp tướng. Pháp tánh bất sanh bất diệt, pháp tướng nó có sanh diệt, sanh diệt đó không phải sanh diệt trong quan niệm của chúng ta. Thực tế, pháp tướng phi sanh phi diệt, pháp tánh bất sanh bất diệt.
Vì sao nói pháp tướng phi sanh phi diệt? Vì nó biến hóa đa đoan, sát na sanh diệt. Nếu nói nó sanh, nó lập tức diệt. Nói nó diệt, bên dưới lại sanh ra. Như ý niệm của ta vậy, ý niệm thuộc pháp tướng, niệm trước diệt niệm sau sanh, không có niệm trước diệt mà niệm sau không sanh, vậy là có sanh diệt, niệm trước diệt niệm sau sanh. Vì thế không thể nói nó sanh, cũng không thể nói nó diệt, tất cả các pháp tướng đều là như vậy. Pháp tánh tuyệt đối không có sanh diệt, pháp tướng là phi sanh phi diệt.
Đoạn ở trước nói, nếu chúng sanh được “pháp thân huân tập mà có lực”, người này công phu đắc lực. “Phiền não nhạt dần, chán ghét thế gian, cầu đạo niết bàn, tín quy nhất thật, tu lục ba la mật và nhất thiết bồ đề phần pháp”, người này gọi là Bồ Tát. Không nhất định phải thọ giới Bồ Tát, thọ giới Bồ Tát chưa chắc là Bồ Tát. Y theo đây tu hành, họ mới thật là Bồ Tát, họ ngày ngày đang giác ngộ, niệm niệm không mê mất. Đối với kinh giáo đại thừa, họ đạt được lợi ích chân thật.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, ta có biết dụng công không? Có biết tu hành không? Biết tu hành, thấy người cũng được, thấy vật cũng được, thấy pháp tánh của nó, thấy pháp tướng của nó. Nếu có thể quan sát từ đây, sẽ không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, đây chính là phiền não nhạt. Còn như đối với tất cả pháp thế xuất thế gian, không còn tham ái, không còn lưu luyến, nhân duyên thế gian đã nhạt, phiền não ít. Vấn đề là ta biết nhìn hay không? Biết nghe hay không?
Sáu căn duyên sáu cảnh, trong cảnh này đều có tánh, đều có tướng. Ta quan sát pháp tánh, pháp tướng của nó, từ pháp tánh quan sát được nhất thời, từ pháp tướng quan sát được nhân quả. Đây là đạo lý lớn của Phật pháp, ngàn kinh vạn luận cũng chỉ nói đến vấn đề này. Ta mới biết vũ trụ từ đâu đến, rốt cuộc sinh mạng là sao, hoàn toàn hiểu rõ, người này gọi là Bồ Tát. Người này khởi tâm động niệm, sinh hoạt hành vi nhất định là lợi chúng sanh, giúp người khác giác ngộ, giúp người khác cũng hiểu rõ sự thật này. Cho nên những gì họ làm, trong cuộc sống hằng ngày nhất định tương ưng với sáu ba la mật. Không phải họ học, mà nó tự nhiên tương ưng.
Hôm nay bên dưới nói tiếp: “Nhược như thị Bồ Tát trung, tu nhất thiết thiện pháp, mãn túc cứu cánh, đắc ly vô minh”, người này gọi là Phật. Ở đây nói “nhất thiết thiện pháp”, thế nào gọi là tất cả thiện pháp? Chúng ta vừa thấy thiện pháp, cho rằng là thiện pháp của thiện ác đối lập, sai lầm. Thiện pháp của thiện ác đối lập không thành Phật được, cũng không thể thành Bồ Tát. Quả báo chỉ thọ báo nơi ba đường lành trong lục đạo. Thiện pháp ở đây, hai bên thiện ác đều xa lìa, đó gọi là chân thiện, phàm những gì đối lập đều là bất thiện.
Trong Đàn Kinh chúng ta thấy, Lục tổ khai thị cho Huệ Minh lúc lánh nạn. Huệ Minh là một vị tướng quân xuất gia, khi Lục tổ bị ông đuổi theo, nhưng cũng rất khó được, ông biết Lục tổ là người tốt, thật sự chứng đạo, liền cầu pháp với ngài. Ngài nói như thế nào? Ngài ngồi xuống, bảo Huệ Minh bình tâm lại, sau đó khai thị rằng: không nghĩ thiện, không nghĩ ác, lúc này cái gì là bản lai diện mục của Huệ Minh? Từ chỗ này ông giác ngộ, đó gọi là chân thiện, hai bên thiện ác là bất thiện. Ở đây từng chữ từng câu, ta cần phải hiểu nghĩa chân thật của nó.
Ở đây nói tu hành tất cả thiện pháp, phía sau nói: “đầy đủ cứu cánh”, quán pháp như huyễn hóa, quán tất cả pháp tướng, pháp tướng là mộng huyễn bào ảnh, quán tánh thường tịch, đó là thiện pháp. Mỗi ngày sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh bên ngoài quán như vậy, đây là tu hành tất cả thiện pháp, như vậy sao có phiền não được? Như vậy sao có vô minh được? Nói như hiện nay gọi là thay đổi quan niệm của mình, sáu căn đối với cảnh giới sáu trần bên ngoài, quan niệm ta sai lầm. Quan là quan sát, niệm là ý niệm, quan sát cách nghĩ cách làm của mình, sai lầm, ta sửa đổi quan niệm của mình, điều này tuyệt đối chính xác, đây gọi là tu hành tất cả thiện pháp. Tất cả thiện pháp thế xuất thế gian, đều bao hàm hết trong đó, không sót một pháp nào. Quan sát tỉ mỉ, lãnh hội tường tận.
“Đầy đủ cứu cánh”, câu này nói về công phu. Chúng ta mới đầu học quán, công phu chưa đạt, phiền não vẫn khởi hiện hành, vẫn còn thị phi nhân ngã, vẫn còn tham sân si mạn, vậy là công phu chưa rốt ráo. Nếu công phu tu học thật sự có sức mạnh, người ta tu hành thiện pháp, nó liên kết được với câu ở trên, “pháp thân huân tập mà có lực”.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ có câu: “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”, tám chữ này có thể làm phương pháp dụng công bình thường của chúng ta, có thể trong suốt 24 tiếng, vĩnh viễn không gián đoạn quán như vậy, đây chính là pháp thân huân tập có lực. Dần dần hiểu rõ chân tướng của nhân sinh vũ trụ, tìm ra bản lai diện mục của chính mình, mọi vấn đề của thế xuất thế gian đều được giải quyết. Cảnh giới này trong Thiền tông gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Trong Giáo môn gọi là đại khai viên giải, trong Tịnh độ tông gọi là lý nhất tâm bất loạn. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói, đây là ai? Là pháp thân đại sĩ.
Trong đời của chúng ta, có thể đạt đến cảnh giới này chăng? Đều này phải xem bản thân ta, bản thân ta muốn nhập vào cảnh giới này, không khó lắm, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Nếu ở thế gian này chúng ta không làm được, Phật tuyệt đối không nói, Phật nói mà chúng ta không làm được, há chẳng phải nói chơi với chúng ta sao? Nói ra có ý nghĩa gì đâu. Phàm những gì Đức Phật nói trong kinh điển, đều là người thế gian này làm được, vấn đề là ta có chịu thực hành không, có muốn thực hành không? Ta chịu thực hành, muốn thực hành, tu học như lý như pháp, nhất định sẽ đạt được.
Từ chỗ tu học từ từ, có thể đạt đến “viên mãn cứu cánh”. Viên mãn cứu cánh là phá vô minh, phá nhất phẩm vô minh sẽ chứng một phần pháp thân. Ngày nay chúng ta nói ở đây là lý giải, biết rằng có vấn đề này, mình không tự thân đạt được. Điều này nói rõ ta thật sự nghe hiểu, đây gọi là giải ngộ. Giải ngộ là tri thức, chứng ngộ là trí tuệ, chứng ngộ mới lợi ích thật sự. Giải ngộ không thể liễu sanh tử, không thể xuất tam giới, chứng ngộ liễu sanh tử xuất tam giới.
Ta phải đem những gì Phật nói, chứng thực nó trong cuộc sống hằng ngày, chứng thực nghĩa là ta phải quán đúng như vậy. Mở mắt ra nhìn thế giới muôn màu này, không phải bảo ta đừng nhìn, có thể nhìn. Bồ Tát nhìn là nhìn pháp tướng, nhìn pháp tánh, nhìn trong pháp tướng thiên biến vạn hóa, trong này có pháp tánh bất biến, pháp tánh chân thường. Xem trong pháp tướng, đây là nhân quả báo ứng, xem nhân quả báo ứng trong pháp tướng, tâm từ bi liền sanh khởi. Xem trong pháp tánh, trí tuệ phát sanh, đây là trí tuệ bát nhã trong tự tánh, đại từ đại bi vốn đầy đủ trong tự tánh, như vậy mới có thể hiển lộ.
Phàm phu chúng ta mê hoặc điên đảo, mở mắt ra là nhìn một cách mù quáng, không biết nhìn, cũng không biết nghe. Nói cách khác, không biết dùng sáu căn, dùng sai, dùng sai sẽ tạo tội nghiệp. Học Phật tu hành, tu như thế nào? Như vậy mới gọi là tu hành. Bình thường trong cuộc sống hằng ngày, ta biết dùng sáu căn, biết dùng sáu căn chính là tu hành tất cả thiện pháp. Ta lại niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, quá tuyệt vời, như hổ thêm cánh, tương lai vãng sanh nhất định là thượng bối vãng sanh, còn hoài nghi gì nữa?
Ở đây chúng ta rút ra một kết luận, tóm lại chỉ một câu, thiện dụng sáu căn. Thiện dụng sáu căn tức ở đây nói Bồ Tát tu tất cả thiện pháp, Bồ Tát thị hiện cũng biến hóa đa đoan, thị hiện là pháp tướng. Bồ Tát Quan Thế Âm thị hiện 32 ứng, đáng dùng thân gì để độ liền thị hiện thân đó, cần nói pháp gì cho chúng sanh liền nói pháp đó, thiên biến vạn hóa không có nhất định. Chẳng những không nói pháp nào nhất định, cũng không hiện tướng nào nhất định, tướng hiện ra là “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Quy lạp lại, đây chính là một chữ “duyên”, Bồ Tát tùy duyên. Cho nên ta thấy sự tự tại của ngài, biểu diễn của ngài thật viên mãn, thật tự tại. Chúng ta không biết dùng sáu căn, dùng sáu căn không đúng, cho nên gây ra toàn phiền phức, toàn phiền não, khổ báo vô tận, do dùng sáu căn sai lầm. Đây là nói với chúng ta tướng chúng sanh từ đâu mà có, tướng Bồ Tát từ đâu mà có, tướng Phật từ đâu mà có.
Đoạn sau cùng rất quan trọng: “Đương tri như thị chúng sanh, Bồ Tát, Phật đẳng. Đản y thế gian, giả danh ngôn thuyết cố, nhi hữu sai biệt, nhi pháp thân chi thể, tất cánh bình đẳng, vô hữu dị tướng”. Nói đến “chúng sanh”, chúng sanh ở đây khác với chúng sanh ở trước, chúng sanh này là chỉ hàng phàm phu bình thường như chúng ta. Hai chữ giống nhau, quý vị thấy nó có chỗ nào khác nhau? Ngày nay chúng ta thấy những hữu tình chúng sanh này, nói Bồ Tát, nói Phật, biết là giả danh, là từ trong tâm phân biệt của chúng ta nói ra.
“Thể của pháp thân” là nói từ tánh, tánh là bình đẳng. “Không có dị tướng”, tuyệt đối không có tướng sai biệt. Chúng ta nhất định phải hiểu, tuyệt đối không phải thấy 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp thì gọi là Phật, nhìn thấy tướng này gọi là Bồ Tát, đây là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Khi nào ta đột phá vọng tưởng phân biệt chấp trước, Phật hiện tướng phàm phu ngài vẫn là Phật, Bồ Tát hiện tướng kẻ ăn xin ngài vẫn là Bồ Tát, Phật Bồ Tát cũng có thể hiện tướng côn trùng kiến ngài vẫn là Phật Bồ Tát. Thân tướng như thế nào ngài đều có thể hiện, hiện tùy duyên, không những hiện hình tướng động vật, ngài còn hiện hình tướng thực vật.
Qua sách tịch của các thời đại chúng ta thấy ghi chép rất nhiều về điều này, bất luận tướng như thế nào ngài đều có thể hiện. Nhưng phải biết rằng, không phải ngài hiện tùy theo tâm mình, bản thân ngài không có tâm. Chỉ có không có tâm, không có ý niệm mới có thể phổ hiện, nếu có tâm có niệm không thể hiện được. Vì sao ngày nay chúng ta không thể hiện? Vì ta có tâm có ý niệm nên không thể hiện, đến khi nào chúng ta không còn một ý niệm nào nữa, khi đó ta có thể hiện. Không còn ý niệm nào, trở về với tự tánh. Không phải trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện” sao, lúc đó có thể hiện. Cho nên khi có sự xen tạp vào trong đó, có vô minh, có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, như vậy không thể hiện, thân này gọi là thân nghiệp báo. Lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước, thân đó gọi là thân pháp tánh, thân pháp tánh cũng gọi là pháp thân. Chúng ta phải tư duy, lãnh hội, quan sát tường tận điều này. Từ trong câu này chúng ta cũng có thể lãnh hội được điều mà Bồ Tát Mã Minh dạy cho chúng ta, đọc kinh, nghe pháp phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng văn tự, lìa tướng danh tự. Danh tự nghĩa là chúng sanh, Bồ Tát, Phật, đây là danh tự, toàn là giả thiết. Còn phải lìa tướng tâm duyên, tướng tâm duyên là ta tư duy về ý nghĩa của nó, suy nghĩ về ý nghĩa của nó. Không được, nghĩ đến là sai, nghĩ là rơi vào trong vọng tưởng, không được nghĩ.
Người bây giờ gọi là “trực giác”, hơi giống. Tu học Phật pháp phải dùng trực giác, tuyệt đối không được rơi vào trong tư duy tưởng tượng. Chúng ta nghe kinh như vậy, nghe hiểu sẽ ngộ, ngộ tức là giác ngộ. Nghe không hiểu cũng đừng nghĩ, càng nghĩ càng tồi tệ, càng nghĩ ý nghĩa càng sai. Cho nên nói có thể không ngừng lặp đi lặp lại, không ngừng tiếp xúc, hy vọng huân tập trong thời gian dài, pháp thân huân tập, pháp tánh huân tập, pháp tướng huân tập, ta biết là được. Vấn đề là ta có biết hay không?
Chư vị tổ sư đại đức Thiền tông thường khảo nghiệm thiền sinh rằng: “Có biết chăng?” Biết, mọi thứ rất thông suốt, thuận lợi mọi mặt. Không biết, dù nói như thế nào ta đều không thông suốt. Thật sự không biết, vậy là hoàn toàn giống như học sinh lớp một, học lại từ đầu, dạy ta hiếu thân tôn sư, dạy ta từ tâm bất sát, dạy ta tu thập thiện nghiệp đạo, đó là gì? Quả thật không thể ngộ được, hy vọng trong lục đạo không đọa vào ba đường ác, dùng phương pháp này. Người căn tánh lanh lợi thông minh, không dùng phương pháp này, dùng phương pháp này có lỗi với họ. Vì sao vậy, hàng căn tánh lanh lợi, trong đời này họ có thể liễu sanh tử thoát luân hồi, ta phải giúp họ phương pháp thoát ly.
Tuy Kinh Địa Tạng là pháp căn bản, trong đại ý luận quán đại sư Thanh Liên đều đem đại thừa, căn bản của nhất thừa Phật pháp thuật lại cho chúng ta. Sau đó mới biết toàn kinh có cơ sở lý luận, có y cứ lý luận, chúng ta mới sanh khởi tín ngưỡng đối với giáo huấn này, mới chịu y giáo phụng hành.
Xem tiếp câu bên dưới: “cố tri bất đạt kỳ cụ đức thức tâm ”, bất đạt là không hiểu, không thông đạt. “Cụ đức thức tâm”, đức là tánh đức, thức tâm là gì? Chính là tâm vọng tượng hiện tại của chúng ta, nếu không thông đạt. “Tiện tu duyên chân như lý nhi đoạn cửu giới, tu nhiễm tu ác”. Hàng thượng căn lợi trí đơn giản, gọi là một nghe ngàn ngộ, lập tức khế nhập. Hàng căn tánh trung hạ không thể, không thể thì sao? Không thể thì dạy ta tu học như lý như pháp, dạy ta đoạn ác tu thiện, thiện ác này là tương đối. Dạy ta đoạn tham sân si, sẽ không đọa vào ba đường ác. Dạy ta tu ngũ giới thập thiện, như vậy có thể được thân người. Dạy ta tín nguyện niệm Phật, tức có thể vãng sanh Tịnh độ.
Không biết, chẳng những thức tâm cụ đức hiện tại của chúng ta, đức này là tánh đức của tự tánh, tánh đức viên mãn, hình tướng thân thể này của chúng ta cũng cụ đức, ai biết? Phật và đại Bồ Tát biết. Chúng ta không phải người như vậy, không phải người thuộc căn tánh này, cần phải đi theo thứ tự.
Nói đến đây, là đem “tánh thức bất tư nghì”, nói về hai chữ tánh thức. Đoạn này là nói thể của bộ kinh này, phàm nói đến thể của kinh, đại khái đều thông tất cả kinh, tất cả kinh đều lấy nó làm thể. Ở trên có chữ bất tư nghì, tánh thức bất tư nghì làm thể. Ở dưới giải thích thêm cho chúng ta “hà danh bất tư nghì”.
“Tông Kính vân, thử thức kiến lập, hữu tình vô tình phát sanh, nhiễm pháp tịnh pháp”. Thực tế mà nói, câu này là giải thích “duy thức sở biến” trong Kinh Hoa Nghiêm. Tánh duy tâm sở hiện, chính là ở trước nói “nhất niệm tự tánh”, nhất niệm tự tánh là chân tâm của mình, có thể hiện tướng. Sum la vạn tượng đều là nó biến hiện ra, nó có thể hiện tướng, nhưng những pháp tướng này thiên biến vạn hóa. Vì sao có biến hóa? Là thức biến, thức là gì? Là vọng tưởng phân biệt chấp trước, đây là thức.
“Thức kiến lập hữu tình vô tình”. Hữu tình ta thường gọi là động vật, vô tình là thực vật, khoáng vật, bao gồm tất cả hiện tượng tự nhiên. Hữu tình, vô tình đều là tánh thức biến hiện ra. “Phát sanh pháp nhiễm pháp tịnh”, pháp nhiễm pháp tịnh đều là tánh thức biến hiện ra. Nhất chân là tịnh, thập pháp giới là nhiễm. Tứ thánh pháp giới là tịnh, lục phàm pháp giới là nhiễm. Bất luận là pháp nhiễm hay pháp tịnh, đều không lìa tánh thức, tánh thức là chính mình.
Hai câu bên dưới nói về nguồn gốc của hữu tình thế gian: “Nhược hữu tri hữu giác, tắc chúng sanh giới khởi”, đây là cội nguồn của hữu tình thế gian. Ngày nay chúng ta nói tất cả động vật, động vật từ đâu mà có? Có tri có giác. “Nhược vô tưởng vô lự, tắc quốc độ duyên sanh”, đây nói cội nguồn của khí thế gian. Thực vật, khoáng vật, hiện tượng tự nhiên từ đâu mà có? Là do vô tri vô lự mà sanh ra, vô tri vô lự là vô minh, có tri có giác là vọng tưởng, quy nạp thành hai loại lớn. Có vọng tưởng biến thành hữu tình chúng sanh, không có vọng tưởng có vô minh biến thành sơn hà đại địa, biến thành vô tình chúng sanh, đều là pháp tánh biến hiện. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm mới nói “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”.
“Nhân nhiễm pháp nhi lục thú hồi toàn”, đây là luân hồi lục đạo, vì sao có luân hồi? “Nhân pháp nhiễm” mà có luân hồi. Nhiễm là ô nhiễm, vốn không có nhiễm ô, sự thật đúng là không có. Ta gặp một việc không như ý, trong lòng rất phiền não, khổ không thể tả. Tôi muốn hỏi, phiền não của quý vị ở đâu, đưa ra tôi xem thử? Ta không tìm thấy, không tìm thấy chẳng phải là giả ư?
Trong Thiền tông có một câu chuyện, Tổ sư Đạt Ma diện bích tại Chùa Thiếu Lâm, Huệ Khả đến tìm ngài, lúc đó là mùa đông. Đến tìm ngài không để ý đến, không hề đếm xỉa đến Huệ Khả, vẫn cứ ngồi thiền. Huệ Khả đứng trong tuyết rất lâu, tuyết lên đến đầu gối, thấy Tổ sư Đạt Ma hình như không có chút tâm từ bi nào, không hề quan tâm đến mình. Sau cùng Huệ Khả dùng dao chặt đứt cánh tay, đem cánh tay cúng dường cho ngài. Tổ sư Đạt Ma nói, sao ông phải khổ như thế? Vì sao lại làm như vậy? Huệ Khả nói, tâm con bất an, xin ngài an tâm cho con. Tổ sư Đạt Ma đưa tay ra, ông đưa tâm đây ta an cho. Vừa hồi quang phản chiếu “con tìm tâm liễu bất khả đắc”. Vậy thì tốt, ta đã an tâm cho ông, Huệ Khả liền giác ngộ, khai ngộ. Không có, chỉ là vọng niệm, niệm là vọng niệm. Ta thích là thích vọng niệm này, không tìm thấy. Ta khổ não là vọng niệm khổ não, rốt cuộc nó ở đâu? Quý vị nói khổ não, đầu óc của quý vị tế bào nào là khổ não? Không tìm thấy. Bởi vậy mới nói những chúng sanh này là vô lý, hoàn toàn không phải sự thật, không nhiễm nói nhiễm. Vậy mới biết luân hồi lục đạo oan uổng biết bao, nhưng rất nhiều người chịu tội oan uổng trong lục đạo, họ không tỉnh ngộ, ngày ngày khởi vọng tưởng. Chúng ta cần bình tâm quan sát tường tận, mới thấy được chân tướng sự thật.
Câu bên dưới: “Tùy tịnh pháp nhi tứ thánh giai hàng”. Câu này nói rõ nguồn gốc của trí chánh giác thế gian, “giai hàng” là nói đến đẳng cấp. Tứ thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đây là tùy tịnh pháp. Trình độ tùy tịnh pháp của họ có sâu cạn khác nhau, vì thế họ cũng có cấp bậc. Ở trước nhiễm pháp cũng như vậy, trình độ nhiễm ô không giống nhau, vì vậy họ có lục đạo. Càng lên cao nhiễm ô càng nhẹ, càng xuống thấp nhiễm ô càng nặng. Nhiễm ô nghiêm trọng là địa ngục a tỳ, nhiễm ô nhẹ nhất là trời vô sắc giới. Đây là nói ra nguồn gốc hữu tình, khí thế gian, trí chánh giác thế gian.
Bên dưới là đưa ra kết luận: “Khả vị phàm thánh chi bổn, căn khí chi do, liễu thử thức nguyên, hà pháp phi ngộ, chứng tư tâm tánh, hà cảnh bất chân”. Mấy câu này quan trọng vô cùng. Tánh thức là nền tảng căn bản của phàm thánh, là nguồn gốc của căn thân khí giới. Nói rõ vũ trụ từ đâu đến, vạn vật từ đâu đến, sanh mạng từ đâu đến, toàn bộ đều nói rõ ràng.
Bốn câu dưới rất quan trọng: “Liễu thử thức nguyên”, liễu là thấu triệt, thật sự giác ngộ, thấu triệt căn nguyên của thức, căn nguyên của thức chính là nhất tâm tự tánh. Chúng ta niệm Phật, mục tiêu niệm Phật đặt ở đâu? Nhất tâm bất loạn, nếu quả nhiên niệm đến nhất tâm tức kiến tánh, kiến tánh tức thành Phật. “Hà pháp phi ngộ”, tất cả pháp thế xuất thế gian ta đều giác ngộ.
Chư vị đang phát tâm học giảng kinh, học giảng kinh không ngộ sao được? Không ngộ giảng kinh gian khổ biết bao, sau khi ngộ giảng kinh rất tự tại. Có cần chuẩn bị kinh chăng? Không cần, không có gì để chuẩn bị, có gì đáng để chuẩn bị đâu? Những gì cần chuẩn bị, nhiều nhất là gì, xem những chữ này mình có biết chăng, không biết thì tra từ điển, chữ không được nói bừa, không được đọc sai. Việc mà ta cần chuẩn bị chính là công phu này, tra thử xem có chữ nào mới chăng? Tra thử danh tướng, xem có từ mới chăng? Điều này không thể nói sai. Mỗi đoạn của kinh văn phân tích rõ ràng, chỉ chuẩn bị những điều này, ngoài những điều này, còn có gì đáng để chuẩn bị đâu? Không cần chuẩn bị.
Chúng ta thành lập Phật học viện khác với trường học thế gian, dùng cách dạy của trường thế gian, dạy pháp lệnh quy chương đó cho chúng ta, vậy coi như là xong.
Thứ bảy pháp sư Ngộ Viên đến, tôi nói thầy đến nhanh, quý vị đến để làm công việc chuẩn bị cho Phật học viện. Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, bên YAMAHA họp rồi, họ quyết định làm. Sau khi làm xong giao trường học đó cho chúng tôi, chúng ta sửa sang lại, tôi nghĩ sửa sang lại nhiều nhất là hai năm, chúng tôi liền dọn qua bên đó. Chúng ta phải chuẩn bị cho việc khai giảng, đến đâu để tìm học sinh? Chúng ta phải nghiên cứu phương pháp dạy học, phương pháp này nhất định phải dạy mọi người khai ngộ mới được. Phật học viện, Phật học viện danh xứng với thực, quý vị đến để làm Phật, đến đây để thành Phật, không phải làm phàm phu. Phương pháp dạy học của chúng ta, nội dung dạy học đương nhiên không giống với thế gian. Quý vị thấy các Phật học viện khác, thành lập đã lâu năm, áp dụng phương thức là bắt chước một số học viện, trong đó đào tạo không phải Phật Bồ Tát, mà là nhân tài quản lý chùa. Phật học viện của chúng ta là đào tạo Phật Bồ Tát, phải học Phật, học Bồ Tát. Nhất định phải “liễu thử thức nguyên, hà pháp phi ngộ, chứng tư tâm tánh, hà cảnh bất chân”.
Nếu thấu hiểu triệt để pháp tánh, pháp tánh chính là tâm tánh, ta liền nhập vào nhất chân pháp giới. Nhất chân pháp giới ở đâu? Pháp pháp đều chân, gọi là nhất chân pháp giới. Không phải nhất chân pháp giới lìa xa hoàn cảnh này của chúng ta, tìm một nhất chân khác, không có. Hiện tại chính là nhất chân, tận hư không biến pháp giới chính là nhất chân. Trong kinh Đức Phật nói rất hay, một mê tất cả mê, một ngộ tất cả ngộ. Nếu ta cho rằng đây là nhất chân pháp giới, đó là mười pháp giới, vậy là chưa ngộ. Ta còn có phân biệt, còn chấp trước, còn vọng tưởng, ta chưa kiến tánh. Sau khi kiến tánh, thế giới Cực Lạc ở đâu? Ngay tại đây. Cho nên cổ đức mới nói: “sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật bất khứ”, quý vị thử nghĩ xem nghĩa là sao? Vì sao thật không đi? Cảnh giới này lập tức biến thành thế giới Cực Lạc, liền biến thành nhất chân pháp giới.
Tôi sợ mọi người không hiểu, nên tôi thường dùng hình ảnh trên ti vi làm ví dụ, đổi kênh, vẫn là hình ảnh này, màn hình này. Màn hình ti vi chính là chân tâm của chúng ta, những gì nó hiện vẫn ở trong đó. Ví dụ này cũng chỉ có thể ví một cách tương tự, không thể ví dụ một cách thiết thực. Vì thế sau khi ngộ, không gian đột phá, đột phá toàn bộ tầng không gian vô hạn. Lúc này ta nhìn thấy nhất chân pháp giới, pháp pháp đều chân. Chân là gì? Chân là tự tánh, không có một pháp nào không phải tự tánh. Cổ nhân dùng kim khí làm ví dụ: “Lấy vàng làm vật dụng, mọi vật đều là vàng”, vật dụng nào không phải là vàng? Sau khi ngộ, pháp nào không phải tự tánh? Đây gọi là bất tư nghì.
Chúng ta xem tiếp bên dưới: “Khả vị tuyệt học chi môn, thê thần chi trạch”. “Tuyệt học” là học đạt đến đỉnh điểm, ở trên không còn, đây gọi là tuyệt học. “Thê thần” chính là an tâm. Huệ Khả tâm bất an, đến cảnh giới này tâm ông sẽ an. Trong tông môn nói: “hướng cao lên trên”, tuyệt học chi môn chính là hướng cao lên trên.
“Cố lập thử thể, vi mê ngộ căn nguyên, phương hiển đại sĩ, hằng sa giới nội, tán ảnh phân hình, sanh tử hải trung, tùy cơ dẫn đạo”. Đây là nói rõ vì sao pháp sư Thanh Liên dùng tánh thức bất tư nghì làm giáo thể của kinh này, mà không phải như một số các pháp sư khác đa phần dụng thật tướng. Những gì ngài nói ở đây, thực tế mà nói không trái với thật tướng, thật tướng chính là chân tướng sự thật. Ngài nói là tánh thức bất tư nghì, vẫn là chân tướng sự thật, nói một cách rất tường tận. Tuy văn tự không nhiều, khiến chúng ta đối với các đại thừa kinh huyền nghĩa khác, quả thật là rất dễ hiểu, dễ thấu triệt, dễ lãnh hội. Ở đây hiểu rõ, xem thêm các pháp sư khác viết về huyền nghĩa hiển thể, chúng ta cũng dễ hiểu hơn. Tuy cách nói khác nhau, nhưng lý là một. Đây là “căn nguyên mê ngộ”, hiểu rõ lý, lý sự đều thấu triệt, sau đó ta mới biết vấn đề Bồ Tát Địa Tạng hóa độ chúng sanh khắp hư không pháp giới.
Bồ Tát Địa Tạng là ai? Là chính mình, không phải người khác. Chẳng những Bồ Tát Địa Tạng là chính mình, mà tất cả Chư Phật Bồ Tát đều là chính mình. Kinh điển nói rất hay: “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, tâm chính là tự tánh, duy tâm sở hiện. Bồ Tát Địa Tạng là duy tâm sở hiện, Phật A Di Đà cũng là duy tâm sở hiện, tất cả Chư Phật Bồ Tát khắp mười phương ba đời ai không phải duy tâm sở hiện?
Tất cả chúng sanh giới duy thức sở biến, Phật Bồ Tát chẳng lẽ không phải duy thức sở biến? Biến thành Bồ Tát này, Bồ Tát kia, chư Phật Bồ Tát vô lượng vô biên, hiển thị ra tánh đức không thể nghĩ bàn. Bồ Tát Địa Tạng là phần nào trong tánh đức chúng ta biến hiện ra? Hiếu thân tôn sư. Từ hiếu thân tôn sư biến hiện ra Địa Tạng Vương Bồ Tát. Từ đại từ đại bi biến hiện ra Bồ Tát Quán Thế Âm. Từ lý tánh, tôi gọi là lý trí biến hiện ra Bồ Tát Văn Thù. Từ đại nguyện đốc hành, bây giờ gọi là thực hành, biến hiện ra Bồ Tát Phổ Hiền. Lìa tự tánh thì tất cả đều không có, toàn là tự tánh biến hiện ra.
Hợp với Chư Phật Bồ Tát, tổng thể tất cả chúng sanh, mới là một toàn thể hoàn mỹ của chúng ta. Thiền tông gọi là “bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, bản lai diện mục hoàn mỹ của chúng ta là một tổng thể, không phải bộ phận, chúng ta phải nhận thức từ chỗ này.
“Tán ảnh phân hình”, là nói cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh, ở đâu có cảm Bồ Tát liền ứng. Ngày nay chúng ta sống trong xã hội này, thấy tất cả chúng sanh, quên mất đức tánh hiếu thân tôn sư, mê hoặc. Không phải họ không có, họ có, đây là tánh đức sao họ không có được? Không ai khai thị cho họ. Do đó chúng ta mới biết sự quan trọng của việc dạy học, tất cả chúng sanh đều có, chỉ là không ai dạy họ. Nếu có người dạy, tánh đức của họ liền hiện tiền.
Các bậc cổ thánh tiên hiền, họ đối với xã hội, đối với nhân dân, đối với chúng sanh, cống hiến lớn nhất là gì? Là giáo hóa. Chúng ta đọc Lễ Ký, đọc Học Ký, bài văn trong Học Ký nếu nói như hiện nay, là giáo dục triết học của người xưa, vừa mở đầu liền nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Kiến quốc, ngày nay nói, ta xây dựng một chính quyền, quân dân là lãnh đạo nhân dân, việc gì quan trọng nhất? Dạy học, chỉ có dạy học mới có thể giải quyết vấn đề. Ngoài dạy học ra, các thủ đoạn khác có thể hỗ trợ, không được làm chủ chốt, phải phân biệt chủ khách rõ ràng.
Ngày nay như đất nước mạnh, lãnh đạo toàn thế giới dùng phương pháp gì lãnh đạo? Dạy học là đúng, dùng vũ lực không thể giải quyết. Quý vị có thể diệt một quốc gia của người ta, không thể diệt tâm tánh của họ. Mà người quốc gia này, sau khi chết đầu thai lại càng phiền phức, đầu thai vào đâu? Đầu thai vào trong nhà quý vị, vậy là hết cách, đây là oan oan tương báo. Bởi vậy dạy học mới có thể giải quyết vấn đề, vũ lực không thể giải quyết vấn đề.
Gần đây có một vài đồng tu, mua một số CD nói về đại chiến thế giới lần thứ hai cho tôi xem, tôi cũng để cho tất cả đồng học cùng xem. Tôi nói cho quý vị biết, tôi xem xong rút ra được một kết luận, chiến tranh không thể giải quyết vấn đề, chỉ khiến cho vấn đề càng phức tạp hơn, kết oán thù với người ta ngày càng sâu nặng, tương lai sau đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt. Đại chiến thế giới lần thứ hai, trên tin tức người ta thống kê rất rõ ràng, bỏ ra 500 vạn ức USD, chết rất nhiều người, tử thương hơn một ức người, chi tiêu hết 500 ức tiền Mỹ. Chư vị thử nghĩ xem, nếu đem 500 ức USD đi cứu tế người nghèo khổ, thế giới sẽ hòa bình, làm gì còn có vấn đề? Chiến tranh Triều tiên, mất hết 180 ức USD, nếu người Mỹ đem 180 ức USD cứu tế Triều tiên, Chiến tranh không giải quyết được vấn đề.
Chân tâm, tâm từ bi giúp người, cứu hộ người khác, giải quyết được vấn đề, kết ân đức với người. Thủ đoạn của chiến tranh chỉ kết oán cừu với người khác, làm sao giống nhau được? Chỉ có dạy học, khiến người người hiểu được đạo lý này, chỉ dùng yêu thương mới có thể giải quyết vấn đề xã hội.
Giáo dục Phật giáo, bây giờ chúng ta thấy, bất kì giáo dục nào của thế gian đều không thể sánh bằng, nó là nền giáo dục tìm về cội nguồn. Bất kỳ nền giáo dục nào trong thế gian, đều chỉ là cành lá, như một gốc cây vậy, cành cây, không tìm thấy gốc rễ. Cành cây này và cành cây kia đối lập nhau, trong đối lập sanh ra mâu thuẫn, hai bên không dung hòa nhau. Tìm đén gốc rễ mới biết, thì ra tận hư không biến pháp giới là một nhà, đây là một nền giáo dục giải quyết triệt để mọi vấn đề. Trong nền giáo dục này, chúng ta thật sự đạt được “không sanh không tử”. Đến vấn đề lớn nhất, một vấn đề căn bản nhất, vấn đề sanh tử, chúng ta tìm ra đáp án trong nền giáo dục này, thật sự giải quyết, huống gì những chuyển nhỏ nhặt khác?
Ngày nay xã hội động loạn, làm sao có thể dập tắt động loạn này? Ngoài Phật pháp ra, không có phương pháp thứ hai. Vì thế vào niên đại 70, lịch sử giới triết học nước Anh, lời của Townenbe thật chính xác. Ông nói, muốn giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có Phật pháp đại thừa và học thuyết Nho giáo của Khổng Mạnh. Ông ta quả thật rất có học vấn, rất có kiến thức, nói ra lời này không dễ chút nào. Ngày nay tiếp xúc với Phật pháp đại thừa, chúng ta thật sự lãnh hội được.
Làm sao đem Phật pháp đại thừa, phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Vì hiện nay rất nhiều người ngộ nhận Phật pháp là Tôn giáo, Tôn giáo với Tôn giáo là đối lập, liền sanh ra bài xích, hai bên không hòa hợp lẫn nhau. Lợi ích chân thật của chúng sanh bị che khuất, cơ duyên bị phá hoại, thật đáng tiếc biết bao.
Hiện nay ở phương tây, rất nhiều người đang bàn luận về văn hóa đa nguyên, chúng ta nghe đến danh từ này, Phật pháp chính là văn hóa đa nguyên. Dạy học của Phật pháp, thực tế mà nói chính là dạy học về nền văn hóa đa nguyên. Làm sao có thể điều chỉnh văn hóa đa nguyên, có thể thống nhất. Thống nhất, không phải nói rất nhiều văn hóa đa nguyên, biến thành một nền văn hóa, không phải vậy, thống nhất là thống nhất từ gốc rễ. Trong đồng có dị, trong dị có đồng, đồng dị không hai, đồng dị là một. Đây là một tư tưởng mọi người đều có thể tiếp thu.
Văn hóa của mỗi dân tộc, đều có nét chân thiện mỹ tuệ riêng, đều nên bảo tồn, đều đáng để phát triển rộng rãi, đều đáng cho đại chúng thưởng thức. Đồng không chướng ngại dị, dị không chướng ngại đồng, đúng như trong Kinh Hoa Nghiêm nói lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Dùng quan niệm tứ vô ngại để dung hòa văn hóa đa nguyên, nền văn hóa này rất đẹp.
Phật giáo, tương lai phải thành lập đại học, chúng ta đừng dùng đại học Phật giáo, đừng dùng danh từ này, lấy tên Đại Học Văn Hóa Đa Nguyên. Tài liệu dạy học trong này là gì? Tài liệu dạy học là Phật pháp đại thừa. Phật pháp đại thừa là tài liệu dạy học của văn hóa đa nguyên, là cuộc sống nghệ thuật cao độ, như vậy tất cả phân tranh trong thế gian đều được giải quyết.
Phải hiểu vì sao Chư Phật Bồ Tát đến đây, như vậy mới thật sự thực hiện, thực hành tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, ở đây nói “tùy cơ dắt dẫn”. Chỉ có một mục đích, giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, phá mê khai ngộ phải dựa vào dạy học, vì thế giảng kinh thuyết pháp tuyệt đối không được gián đoạn. Rất nhiều đồng tu của các nơi, gặp nhiều khó khăn, có một số thì cá nhân, có một số là đạo tràng. Tôi trả lời cho họ chỉ có một câu, nghe kinh quá ít. Không thường đọc kinh, không thường nghe kinh, tự nhiên quý vị sẽ suy nghĩ lung tung, suy nghĩ lung tung làm sao có thể giải quyết được vấn đề? Chỉ có thể làm cho vấn đề ngày càng phức tạp hơn. Vì thế phải đọc kinh nhiều, nghe kinh nhiều, phải hiểu lý, phải y giáo phụng hành, như vậy mới khai trí tuệ, trí tuệ có thể giải quyết mọi vấn đề, chúng ta không thể không biết điều này.
Hai câu dưới nói rất hay: “Chánh dục hiển thử bất sanh diệt pháp tánh chi thể, kỳ tại sanh diệt vô minh vọng tưởng chi trung”. Thể của pháp tánh bất sanh diệt, cũng chính là chân tâm bổn tánh của ta, muôn sự muôn vật của tất cả vũ trụ đều nương vào thể này mà sanh, mà hiện. Tự tánh ở đâu? Tự tánh ngay trong “vô minh vọng tưởng sanh diệt”. Ta phải tìm, quan sát trong này, trong này có chân như bổn tánh bất sanh bất diệt, nó hòa hợp cùng với sanh diệt. Nếu như không hiểu chân tướng sự thật này, ta chính là phàm phu, tùy nghiệp lưu chuyển. Còn như hiểu rõ chân tướng sự thật này, một khi giác ngộ ta chính là Phật Bồ Tát. Vấn đề này trong Kinh Lăng Nghiêm thường nói đến, nói rất tường tận, cũng nói rất sâu sắc.
Những gì không sanh diệt? Căn tánh của sáu căn không sanh diệt, căn tánh của sáu căn là Phật tánh, là tự tánh, điều này ta dễ nhận ra. Còn có một thứ ta không dễ nhận ra, sắc thân tứ đại của mình, pháp tánh của sắc thân cũng là bất sanh bất diệt. Tuy giới khoa học phát hiện, gọi là vật chất bất diệt, bất diệt là gì? Bất diệt là pháp tánh, sanh diệt là pháp tướng, bất diệt là pháp tánh. Pháp tánh và pháp tướng vĩnh viễn hòa hợp với nhau, xưa nay chưa từng tách rời. Nếu có thể phân biệt rõ ràng, người này chính là Bồ Tát, không hiểu rõ ràng đó là phàm phu.
Bên dưới ngài trích dẫn mấy câu của đại sư Nam Nhạc, “Nam Nhạc vân: đạo nguyên bất viễn, tánh hải phi dao, đản hướng kỷ cầu, mạc tùng tha mịch”. Bốn câu này là đại sư Nam Nhạc nói, đây đều là lời của người có kinh nghiệm. Nếu ta hiểu, biết học, thật sự học được. Đoạn lớn này câu nào cũng hay, câu nào cũng quan trọng, cho nên chúng ta nói ra hết.
“Căn nguyên mê ngộ”, chỉ nói đến đây, thực tế thì nói cũng rất rõ ràng rồi.
Tiếp theo là đoạn thứ ba: “Bồ Tát bổn thức”, trong đoạn lớn này, ở trang thứ bảy, hàng thứ năm từ dưới lên. Đây là đoạn thứ hai biện thể của ngũ trùng huyền nghĩa, biện tánh thức bất tư nghì làm thể, trong này nói ra ba nghĩa, tức là ba đoạn. Bằng chuẩn kinh luận, mê ngộ căn nguyên, chúng ta vừa nói xong mê ngộ căn nguyên. Đoạn sau cùng, Bồ Tát bổn thức, chúng ta lật qua trang. Xem bên dưới là “ngôn Bồ Tát bổn thức giả”. Đoạn này chúng ta không cần nói theo thứ tự từng câu, chỉ nói ra ý nghĩa quan trọng của nó là được.
“Bồ Tát” chuyên chỉ Bồ Tát Địa Tạng, bổn thức của Bồ Tát Địa Tạng, nói như hiện nay, chủ tâm của Bồ Tát Bồ Tát. Dụng tâm của Bồ Tát Địa Tạng ở đâu? Chủ tâm của ngài là gì? Ngài dùng tâm gì? Chính là ý. Trong này nói: “tại Bồ Tát tâm, danh vi bát nhã”, câu này rất quan trọng. Tâm Bồ Tát là trí tuệ, họ hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn minh bạch. Như ở trước nói, vũ trụ nhân sinh rốt cuộc như thế nào? Điều này mở đầu bài tựa nói rất rõ ràng, ở trước chúng ta đã học, trang thứ nhất luận quán. Mọi người mở đến trang thứ nhất, chúng ta xem lại trong trang thứ nhất tổng cộng có năm đoạn, văn tự không dài. Đoạn thứ nhất nói căn nguyên của pháp tánh. Đoạn thứ hai nói về duyên khởi của pháp giới. Đoạn thứ ba nói nguồn gốc của Phật pháp. Đoạn thứ tư nói nguyên khởi của lục đạo. Đoạn sau cùng nói về duyên khởi của kinh này, nói rất tường tận.
Chủ tâm của Bồ Tát, dụng tâm của Bồ Tát là trí tuệ, tâm Bồ Tát là trí tuệ, chủ tâm là trí tuệ. Bồ Tát dùng tâm là từ bi. Chúng ta xem Bồ Tát dụng tâm như thế nào? Mấy câu này nói rất hay, trang thứ chín, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, chúng ta đọc từ chữ đầu tiên. “Xiển đề bất đoạn tánh đức chi thiện, ngộ duyên thiện phát. Phật diệc bất đoạn tánh ác, đồng ác nhi hóa”. Hai câu này nói rất hay, hai câu này là lời nói chân thật.
“Xiển đề” là gì? Đây là tiếng Phạn, nhất xiển đề nghĩa là người không có thiện căn, không có thiện niệm, không có thiện hành, không có việc ác gì không làm gọi là xiển đề. Lời này Phật Bồ Tát nói, người như vậy họ cũng chưa đoạn tận thiện của tánh đức, chưa đoạn tận. Đáng tiếc không gặp nhân duyên, không ai dạy họ. Phật dạy họ được chăng? Họ không tiếp thu. Vì sao không tiếp thu? Không có duyên với Phật.
Trong kinh Phật, đương thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể về lão mẫu ở Thành đông, không có nhân duyên với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật nói với bà bà không nghe, trong hàng đệ tử Phật có một người có duyên với bà, Phật phái ông đến nói với bà, bà tiếp thu, bà chịu nghe. Đây gọi là “Phật không độ người không có duyên”, bà không chịu tiếp thu, không chịu nghe, vậy thì còn cách nào khác? Không có duyên.
Từ chỗ này chúng ta cũng có thể lãnh hội được, kết duyên với chúng sanh rất quan trọng. Bất luận là thiện duyên hay ác duyên, chỉ cần có duyên là được, cho nên không thể không kết duyên với chúng sanh. Đương nhiên kết thiện duyên tốt hơn kết ác duyên, trong kết duyên phải không chấp tướng, đó gọi là pháp duyên. Pháp duyên là không chấp tướng, tâm địa thanh tịnh, không có ô nhiễm, duyên đó gọi là pháp duyên. Về tánh mà nói, bất luận là thiện hay là ác, trong tâm đều không chấp trước, thiện duyên, ác duyên đều là pháp duyên. Nếu có chấp trước, vậy là không phải, đó là thiện duyên và ác duyên của thế gian. Thiện duyên ác duyên đều có quả báo, quả báo rất đáng sợ. Pháp duyên là tâm thanh tịnh, quả báo tương lai chính là hóa độ chúng sanh, ta giáo hóa họ chịu tiếp thu, hoan hỷ tiếp thu, đây gọi là pháp duyên.
Nhất định phải hiểu “xiển đề không đoạn thiện của tánh đức”. Cho nên Chư Phật Bồ Tát thấy người ác cũng là Chư Phật Như Lai. Người thông thường không thấy được cái thiện của họ, Phật nhìn thấy. Phật thấy căn tánh sáu căn của họ thanh tịnh không ô nhiễm, như vậy sao bất thiện được? Không có gì khác với Chư Phật Như Lai. Ác của họ từ đâu đến? Ác do si mê mà ra, si mê là giả không phải thật, trong tự tánh không có si mê. Vấn đề này, chỉ có Chư Phật Bồ Tát thấy rõ ràng, cho nên các ngài đối với chúng sanh tạo ác nghiệp nặng nề, vẫn rất mực từ bi, vẫn rất quan tâm, nguyên nhân là đây vậy.
Lại nói: “Phật cũng không đoạn tánh ác, đồng ác mà hóa độ”. Đã thành Phật. Đây là nói đến hai cực đoan, một cực đoan là thiện, thành Phật, một cực đoan là ác, xiển đề. Nói hai cực đoan, ở giữa không cần nói, hoàn toàn có thể lý giải. Phật có điều ác chăng? Có. Không phải Phật đoạn hết điều ác rồi ư? Không sai, đã đoạn tận. Phật muốn độ chúng sanh ác, phải hiện tướng ác, phải chuyển bồ đề thành phiền não, Phật biến hóa. Quý vị thử nghĩ xem, nếu không có tham sân si, làm sao sanh vào ba đường ác? Phật muốn vào trong ba đường ác, cũng phải hiện tham sân si, như vậy mới vào được ba đường ác. Nếu ngài không hiện tham sân si, ngài không thể độ chúng sanh ba đường ác. Vì thế tham sân si của Phật là thị hiện, nếu ngài thật sự nhiễm tham sân si, khi đọa vào đường ác thì khó mà ra được. Ngài đối với đường ác có thể tự do đi lại, nghĩa là ngài muốn tham, tham liền hiện tiền, không cần tham, tham lập tức đoạn tận, ngài có năng lực này, vì thế ngài đi lại tự do.
Chúng ta ngày nay, tham sân si đã mọc rễ, không bạt trừ được. Tham sân si của ngài dùng một cách tùy ý, thị hiện tùy ý, nói có là có, nói không là không, ngài có bản lĩnh này. Đây chính là trong Kinh Kim Cang nói: “Vô trụ sanh tâm”, “sanh tâm vô trụ”, sanh tâm và vô trụ là một không phải hai. Ngài sanh tham sân si, tức có thể vào độ chúng sanh trong ba đường ác. Tuy sanh tham sân si, ngài không trụ trong tham sân si, ở trong ba đường ác, bản thân ngài vẫn trú nhất chân pháp giới, không có nhiễm ô. Đây là “đồng ác mà hóa độ”. Phật thị hiện vào trong lục đạo, là đồng ác mà hóa độ. Lục đạo là ô nhiễm, ngài cũng phải thị hiện ô nhiễm mới vào được, ngài là nhiễm mà vô nhiễm. Trên thực tế, chúng ta cũng là nhiễm mà vô nhiễm, nhưng chúng ta mê không giác, ngài giác không mê, cho nên ngài tự tại. Chúng ta mê mà không giác, vì thế không tự tại.
Chúng ta xem tiếp bên dưới: “Kim Địa Tạng đại sĩ, liễu đạt xiển đề đẳng tu ác chi sự, toàn thể tức thị tánh ác chi lý”. Ngài hiểu, cho nên đối với những kẻ ác ngài không la mắng, không trách cứ. Ngài quan tâm đối với họ, chăm sóc họ, giúp đỡ họ, vĩnh viễn không thay đổi. Phàm phu chúng ta không làm được, do không thấu triệt chân tướng sự thật. Phật Bồ Tát thấu rõ chân tướng sự thật, bất luận chúng ta làm điều ác gì, tâm từ bi của Phật Bồ Tát không vì thế mà giảm bớt. Phật Bồ Tát có hiện ở trước chúng ta hiện không? Đây là vấn đề nhân duyên, không phải vấn đề gì khác, là vấn đề nhân duyên. Cho nên tất cả pháp đều là pháp duyên sanh, Phật pháp cũng là pháp duyên sanh, nhân duyên sanh pháp.
Sự, sự tu ác. Có sự, sự đương nhiên có lý, lý là gì? Lý là lý của tánh ác. Tánh làm gì có thiện ác? Nói đến tánh thiện tánh ác, chư vị phải biết, tánh này là tập tánh, không phải bản tánh. Nhất niệm tự tánh đó là bản tánh, trong bản tánh không có thiện ác. Tập tánh là gì? Là a lại da, a lại da là tập tánh, trong này chứa đựng chủng tử trong đó, những chủng tử này huân tập từ vô lượng kiếp đến nay.
Phật chỉ là chuyển biến chứ không phải tiêu diệt, chuyển phiền não thành bồ đề, chỉ làm một cuộc chuyển biến. Nếu như ta tiêu diệt, sau khi thành Phật, những nhân ác tạo ra trong quá khứ khi chưa thành Phật, chúng ta muốn hỏi họ có thọ báo chăng? Nếu sau khi thành Phật, tạo ác không chịu ác báo, tạo thiện không thọ thiện báo, chẳng phải luận nhân quả bị phủ định rồi sao?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong kinh điển ghi chép, ngài từng chịu quả báo ba tháng ăn thức ăn của ngựa, khất thực không có. Đã làm Phật, trong đời quá khứ làm việc xấu vẫn phải thọ báo, chẳng qua ngài thọ báo rõ ràng, biết trong đời quá khứ mình tạo nhân gì mà bị thọ báo, nhẫn nhục chịu đựng, ngài cam tâm thọ báo, rất tình nguyện, không hề cảm thấy khó chịu.
Khi chúng ta gặp quả báo, gặp ác báo liền oán trời trách đất, không cam tâm, không tình nguyện, không biết nghiệp nhân quá khứ của mình hiện tiền, quả báo thiện ác đều là nghiệp nhân, đây là nói về tánh ác. Nhưng làm Phật, làm Bồ Tát, hoàn toàn giác ngộ, những nghiệp nhân quả báo này rõ ràng minh bạch, không như phàm phu chúng ta. Phàm phu thọ báo không biết, không biết nghiệp nhân quá khứ.
Những tập khí ác trong quá khứ, Phật Bồ Tát không đoạn tận nó, có lúc dùng đến, độ những chúng sanh ác dùng đến nó. Chẳng hạn, trước đây tôi giảng kinh từng đưa ra ví dụ này, chẳng hạn làm trộm cắp, thủ đoạn của kẻ cắp chuyên nghiệp rất cao minh. Sau này giác ngộ, giác ngộ không còn làm việc xấu nữa, đến cục cảnh sát, phương pháp trước đây của họ vẫn có hiệu quả, có thể dùng nó để bắt trộm. Từ ác biến thành thiện, họ có thể đề phòng kẻ trộm, có thể bắt kẻ trộm. Vẫn một phương pháp đó, dụng tâm khác nhau. Phật Bồ Tát khéo dùng tánh ác, độ tất cả ác đạo chúng sanh. Cho nên đối với tập khí phiền não quý vị hiểu rõ hơn, cũng rất tốt, không có gì xấu. Khi ngộ, từ trong xấu biến thành tốt, khi mê tốt đều biến thành xấu, rất phiền phức. Cho thấy then chốt đều nơi mê và ngộ.
Bên dưới nói, điều này trong kinh thường nói: “Biên tà vô phi trung đạo”. Sau khi ta giác ngộ, biên kiến tà kiến đều là trung đạo. “Ngũ nghịch đương xứ giải thoát”, ngũ nghịch là địa ngục a tỳ, một niệm giác ngộ liền được giải thoát. Có trường hợp này chăng? Có. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, vua A xà thế tạo tội thập ác ngũ nghịch, tội này đọa vào địa ngục đại a tỳ. Trong Kinh A Xà Thế Vương chúng ta thấy, ông sám hối khi lâm chung, gặp được thiện tri thức khai thị. Vừa nghe khai thị biết mình sai lầm, thành tâm thành ý sám hối, niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc. Thế Tôn nói rằng, ông ta được thượng phẩm trung sanh, phẩm vị rất cao, đây là điều chúng ta không ngờ. Chúng ta cho rằng là hạ hạ phẩm vãng sanh, đại khái như vậy, đâu ngờ là thượng phẩm trung sanh, như vậy mới không dám coi thường người tạo tội. Có thể vua A xà thế cũng là Bồ Tát thị hiện, dạy chúng ta tuyệt đối đừng dùng ác ý đối xử với người ác, vì sao vậy? Biết đâu khi lâm chung họ biết sám hối, phẩm vị cao hơn chúng ta rất nhiều, chúng ta không thể sánh bằng họ, sao có thể dám coi thường người ác chứ?
Vãng sanh Tịnh độ có hai phương pháp, thứ nhất là bình thường tu hành theo phương pháp lý luận trong kinh. Thứ hai là sám hối khi lâm chung, sám hối lỗi lầm được vãng sanh, sức mạnh sám hối không thể nghĩ bàn. Thật sự quay đầu, chúng ta có câu ngạn ngữ rằng: “lãng tử quay đầu vàng không đổi”, một khi quay đầu họ là người tốt trong những người tốt, người tốt cũng không sánh bằng họ. Chúng ta phải hiểu điều này, tuyệt đối không được coi thường, đây là “ngũ nghịch đương xứ giải thoát”.
“Phổ hiện sắc thân, du hóa chư thú”, chư thú chỉ cho lục đạo. Địa Tạng đại sĩ ở trong lục đạo không có nơi nào không hiện thân. Hiện thân để làm gì? “Điểm thử mê nguyên, linh tri bình đẳng”, đây là phương hướng chung mà Bồ Tát Địa Tạng hiện thân thuyết pháp, là cương lĩnh chung, mục tiêu chung, chúng ta phải nghi nhớ.
Hiện nay chúng ta học Phật, tương lai tiếp xúc với quảng đại quần chúng, ta dùng nguyên tắc gì để dẫn dắt đại chúng? Phải nhớ nguyên tắc này, ““điểm thử mê nguyên, linh tri bình đẳng”. Bình đẳng là pháp giới, bình đẳng là căn nguyên, biết tận hư không biến pháp giới là nhất thể, mới là chân bình đẳng. Người chứng được bình đẳng, trong quan niệm của họ tất cả chúng sanh là chính mình, như vậy mới bình đẳng. Tất cả chúng sanh, chúng sanh là nghĩa rộng, mọi hình tướng trong hư không pháp giới đều là chúng sanh, là chính mình. Tuyệt đối là lấy tận hư không biến pháp giới, khẳng định nhận biết đây là chính mình. Như vậy mới hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng sự thật, tâm bình đẳng mới hiện tiền.
Phật nói với chúng ta về nghiệp nhân của mười pháp giới, nghiệp nhân phức tạp vô cùng. Nhưng trong phức tạp, có một nhân tố quan trọng nhất, Đức Phật nói cho chúng ta biết. tâm Phật bình đẳng, tâm Bồ Tát là lục độ, tâm Bích Chi Phật là 12 nhân duyên, tâm A la hán là tứ đế, tâm thiên nhân là thập thiện từ bi hỷ xả, tâm người là ngũ giới thập thiện, súc sanh là ngu si, ngạ quỷ là xan tham, địa ngục là sân nhuế. Như vậy mới biết bình đẳng là tâm Phật, “linh tri bình đẳng” nghĩa là khiến tất cả chúng sanh thành Phật. Trong Kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy: “tất cả đều thành Phật”. Hai câu ở đây: “điểm thử mê nguyên, linh tri bình đẳng”, tức là tất cả đều thành Phật, không thể nghĩ bàn.
Nói Bồ Tát “chánh bằng thử bổn thức, nhi khởi chư đại hóa”, hóa là giáo hóa chúng sanh, việc đại hành giáo hóa chúng sanh, chính là giữ tâm này, dùng tâm này, chúng ta cần phải biết.
Thôi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây.
A DI Đà Phật !!
- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
- Chương 9: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa