Chương 25: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Xin mở kinh bổn ra! Địa Tạng Kinh, luận quán trang thứ 19, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Thứ quán, bổn nguyện pháp giả. Chiêm Sát kinh vân: nhược dục y nhất thật cảnh giới tu tín giải giả, ưng học tập nhị chủng quán đạo, nhất duy tâm thức quán, nhị chân như thật quán”. Trước đây Đại sư Thanh Liên dùng cách dạy học của tông Thiên Thai, nói với chúng ta “thác sự phụ pháp”, có hai loại quán pháp, thứ nhất là quán nhân, đoạn trước đã giới thiệu qua, chính là từ trong tạo tượng Bồ Tát biểu pháp, chúng ta nên có sự lĩnh ngộ. Loại quán pháp thứ hai chính là quán bổn nguyện trong đề kinh, quán bổn nguyện của Bồ Tát. Hôm nay chúng ta đọc loại thứ hai.

Kinh Chiêm Sát là một trong ba kinh Địa Tạng, Bồ Tát Địa Tạng có ba bộ kinh, thông thường chúng ta đọc tụng chỉ là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, ngoài ra có hai loại kinh rất ít người đọc, thậm chí người biết đến cũng không nhiều. Kinh Chiêm Sát ngày xưa chúng tôi ở Đài Loan cũng cực lực đề xướng, chúng tôi có in kinh bản, cũng từng in qua giảng ký. Ngoài ra còn có một bộ là Đại Thừa Địa Tạng Thập Luân Kinh, bộ kinh này phân lượng rất lớn, người biết lại càng ít hơn nữa. Đây gọi là Địa Tạng Tam Kinh.

Dùng lời trong Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo đã nói: “nếu hành giả muốn y theo cảnh giới nhất thật để tu tín giải”. Nhất thật là nhất chân thật tướng, đây cũng là Tông môn Giáo môn thường nói đến: “tu từ căn bản”. Nếu như chúng ta muốn nhập môn từ đây, vậy thì phải học “hai loại quán đạo”. Quán là quán sát, là quán chiếu; đạo là phương pháp, là con đường.

Có hai loại quán pháp. Một là “duy tâm thức quán” .Tông pháp tướng tu phương pháp này. Tông pháp tướng duy thức y theo phương pháp này để tu hành. Thứ hai là “chân như thật quán”. Đây là phương pháp mà tông pháp tánh dùng. Hai loại phương pháp này vô cùng quan trọng, đều từ căn bản mà tu học. Cho nên hai tông pháp tánh pháp tướn, cổ đức đều rất coi trọng. Cho dù là các học giả cận đại, giống như tiên sinh Phương Đông Mỹ cũng coi hai tông này là triết học cao nhất.

Dưới đây chúng tôi giản lược thuyết minh hai loại quán pháp này:

“Duy tâm thức quán giả, vị ư nhất thiết thời nhất thiết xứ, tùy thân khẩu ý sở hữu tác nghiệp, tất giai quán sát”. “Duy tâm thức quán” so với “chân như thật quán” dễ dàng hơn. Điều này ngày xưa tiên sinh Phương Đông Mỹ nói với tôi, người trung thượng căn tánh đều có thể dùng được. Chúng ta không phải là người thượng căn, nhưng cũng coi như là người trung căn, đây là điều mà Phương tiên sinh nói. Những người thuộc phần tử tri thức chúng ta là người trung căn. Nhưng trên thực tế, chúng ta nếu dùng trong “Tthập thừa quán pháp” của tông Thiên Thai, chúng ta mới thực sự biết bản thân là người hạ căn. Tiêu chuẩn của trung căn chúng ta đều không đạt được. Nhưng nếu như khuyến khích bản thân nỗ lực để tu học cũng được, thực sự phấn đấu nỗ lực, tu pháp môn này vẫn là có thể được. Quí vị xem “nhất thiết thời”, một ngày 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn, “nhất thiết xứ” bất luận tại nơi nào. Nói cách khác, mọi lúc mọi nơi kiểm điểm tạo tác thân, khẩu, ý của bản thân, lời này nói ra rất dễ dàng, làm được thì rất khó. Quí vị thời thời khắc khắc sẽ quên mất, quên mất liền gọi là thất niệm, công phu của quí vị bị quên mất, bị gián đoạn. Cho nên công phu tu học của quí vị không thể đắc lực, nguyên nhân chính là đây vậy. Làm thế nào để có thể trong tất cả mọi lúc mọi nơi đều không gián đoạn, công phu mới có thể đắc lực. Vì sao Tịnh ông thường nói đến đả Phật thất? Vì sao phải đả Phật thất? Chính là hi vọng tất cả mọi lúc mọi nơi công phu đều không gián đoạn. Là ý nghĩa như vậy. Trong Thiền tông đả thiền thất, ý nghĩa đều giống nhau, đều sợ công phu gián đoạn, đều sợ ý niệm này bị quên mất. Cho nên mọi người cùng nhau gọi là nương chúng, dựa chúng, tôi quên mất rồi, có thể quí vị chưa quên mất, lúc quí vị quên mất có lẽ tôi chưa bị quên. Chúng ta hai bên giúp đỡ lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau. Hi vọng công phu không gián đoạn.

Tạo tác của thân thể, nhất cử nhất động, ngôn ngữ nơi miệng, ý niệm trong tâm, đây đều gọi là tạo nghiệp. Nghiệp của chúng ta Phật ở trong kinh đem nó quy nạp thành ba loại lớn: thiện nghiệp, ác nghiệp, còn có một loại là vô ký nghiệp. Vô ký nghiệp chính là nói không phải thiện hay ác. Vô ký nghiệp tốt hay không? Vô ký nghiệp cũng không tốt. Vô ký nghiệp đọa lạc vào trong vô minh. Cho nên ba loại nghiệp đều không phải thực sự là thiện nghiệp. Thí dụ như quí vị tạo thiện nghiệp thì thọ quả báo trong ba đường thiện, ác nghiệp thì thọ quả báo trong ba đường ác, vô ký nghiệp tuy không thể rõ ràng chiêu cảm nghiệp báo thiện ác, nhưng nó là vô minh, nó là ngu si. Được mấy người có thể trong tất cả mọi lúc mọi nơi, đều có thể kiểm điểm được như vậy? Có thể quan sát được như vậy? Đây là từ hiện tượng. Hiện tượng này từ đâu mà có? Đó chính là công phu.

Tất cả những tạo tác của thân ngữ ý của chúng ta từ đâu mà có? “Duy tâm này theo tất cả cảnh giới”. “Tâm” này có hai nghĩa, có thể nói chân tâm, cũng có thể nói là vọng tâm. Chân tâm thì tùy chúng sanh tạo tác mà hiện cảnh giới, duy tâm sở hiện. Vọng tâm chính là ý phân biệt, tùy theo vọng tưởng của chúng sanh mà chuyển biến cảnh giới. Đây chính là điều trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cho nên “duy tâm này theo tất cả cảnh giới”, “tùy tâm có sở duyên niệm”. “Tâm có sở duyên” là phan duyên, có sở niệm là sanh khởi vọng niệm.

“Hoàn đương sử tâm, tùy trục bỉ niệm”, tâm này tùy theo cảnh giới mà chuyển. Lục đạo phàm phu có ai không phải là hiện tượng này? Bản thân chúng ta từ sáng đến tối, trong cảnh giới này bản thân không thể phát giác được. Người tu hành có công phu, họ có thể phát giác ra được. Phàm phu từ sáng đến tối không biết bản thân đang làm gì. Thực sự mà nói, ngay cả thế nào là thiện, thế nào là ác, được mấy người có thể phân biệt cho rõ ràng được? Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất hay, đó chỉ là lời nhắc nhở, thiện có chân thiện, có giả thiện, có đại thiện, có tiểu thiện, trong thiện có ác, trong ác có thiện, rất phức tạp. Không có trí tuệ tương đối khá thì quí vị làm sao mà phân biệt được? Cho nên từ sáng đến tối không biết bản thân đang làm gì, không biết bản thân đang nghĩ những gì. Người thế gian chúng ta nói sống mơ mơ màng màng. Thực sự là mơ mơ hồ hồ sanh đến thế gian này, mơ mơ hồ hồ sống qua một đời, mơ mơ hồ hồ mà chết đi, mơ mơ hồ hồ luân chuyển trong lục đạo. Cho nên Đức Phật gọi là “kẻ đáng thương”. Phật Bồ Tát có từ bi, có phương tiện hướng dẫn tất cả chúng sanh, chúng sanh không chịu tiếp nhận, vậy là hết cách rồi. Chúng sanh lúc nào mới giác ngộ? Lúc nào hồi đầu? Lúc nào thoát ly tam giới lục đạo, làm Phật làm Bồ Tát? Đều do gặp duyên không đồng. Duyên này quan trọng biết bao. Trong duyên quan trọng nhất là duyên thiện tri thức. Thân cận thiện tri thức là nhân tố thứ nhất. Thế Tôn trong A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung Kinh, câu đầu tiên đã nói với chúng ta thân cận thiện tri thức. Thân cận thiện tri thức quí vị phải có trí tuệ nhận biết được thiện tri thức. Người thế gian đáng thương nhất là xem thiện tri thức thành ác tri thức, coi ác tri thức thành thiện tri thức. Vậy thì một đời hỏng mất rồi. Đối với thiện tri thức nhận biết không rõ ràng, nhận thức không thấu triệt, cho nên không thể trân trọng, coi trọng nhân duyên này. Chư vị có thể suy nghĩ xem.

Ngày xưa đại sư Chương Gia tại thế là chân thật thiện tri thức, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam tại thế đó cũng là chân thật thiện tri thức. Người ngày ngày theo thầy học không ít, rất nhiều, có được mấy người trong hội của thầy có thể khai ngộ? Được lợi ích chân thật? Rất ít rất ít. Nguyên nhân là gì? Tuy quen biết, pháp sư này rất tốt, cư sĩ này rất hiếm có, nhưng vẫn không nhận biết rõ ràng. Cho nên không thể trân quý một nhân duyên gặp gỡ đó. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam trụ tại Đài Trung 38 năm, đích thực có người thân cận ông đến 38 năm, 38 năm vẫn không khai ngộ, 38 năm không có được lợi ích chân thật. Nguyên nhân là gì? Không biết trân trọng. Ngày ngày sống cùng nhau, giống như bạn bè bình thường kết giao vậy thôi. Người nghe thầy Lý giảng kinh thuyết pháp, nghe xong rồi như gió thoảng qua tai, nghe vào lỗ tai này, qua lỗ tai kia đi mất, không để ý. Cho nên lợi ích chân thật không đạt được. Tôi đến Đài Trung, tôi trân trọng nhân duyên này, nguyên nhân là gì? Tôi không phải là người Đài Trung, tôi ở Đài Trung không có chỗ ở, là đến nơi đó để tham học, vì thế thời gian mỗi ngày tôi đều rất trân quý, bởi vì tôi biết, thời gian tôi ở Đài Trung theo thầy Lý học tập sẽ không dài lắm, bất cứ khi nào người ta không vui, thì chúng tôi phải ra đi, xem sắc mặt của người ta mà sống qua ngày, bất cứ lúc nào cũng có khả năng ra đi. Vì thế cơ duyên mỗi ngày tôi rất coi trọng, tôi rất trân quý. Như vậy mới có được một chút lợi ích thực sự. Người có nhà ở Đài trung, tâm tình này sẽ khác, cảm thọ sẽ không tương đồng, họ ở Đài Trung có hộ khẩu, sống một đời tại Đài Trung thời gian theo học thầy Lý cũng dài, hôm nay không học được cũng không sao, còn có ngày mai mà, năm nay chưa biết cũng không lo, còn có sang năm mà, ngày tháng sau này còn dài, nên sơ suất mất, không biết trân trọng. Cho nên ngày ngày giao tiếp với nhau, nhưng không học được gì cả. Chúng tôi người bên ngoài đến, cơ duyên vô cùng khó được, vô cùng khó khăn, đối với mỗi một câu giáo huấn của thầy giáo đều rất nghiêm túc mà học tập. Có được lý giải chính xác, y giáo phụng hành. Đây đều là lời của đại sư Thiện Đạo nói “cơ duyên không đồng”. Những sự thật này, từ xưa đến nay thường có. Cho nên người quây quần bên cạnh thiện tri thức mỗi ngày, không thấy được lợi ích chân thật. Vì vậy trân quí cơ duyên trở thành vô cùng quan trọng.

Dưới đây kinh văn nói: “Tùy tâm hữu sở duyên niệm, hoàn đương sử tâm tùy trục bỉ niệm linh tâm tự tri”. Đây là giác ngộ rồi. Câu ở trên vì sao lại “hoàn đương sử tâm, tùy trục bỉ niệm”? Tâm này nếu như không tùy theo niệm kia, có được hay không? Được, nhưng chúng ta làm không được. Pháp thân đại sĩ mới được, phàm phu chúng ta làm không được. Phàm phu thì tất cả tùy duyên, cứ theo nó mà đi. Trong tùy duyên, phải thành tựu công đức. Quí vị phải tự giác ngộ, “khiến tâm tự tri”, tự tri là giác ngộ. Biết được nội tâm chính mình, “tự sanh tưởng niệm”, vọng tưởng này không phải từ bên ngoài đến, mà trong bản thân biến hiện ra. “Không phải tất cả cảnh giới có niệm có phân biệt”, cảnh giới không có niệm, cảnh giới không có phân biệt. Đây chính là giác ngộ, chính là bắt đầu giác ngộ.

Chúng ta sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, khởi ý niệm đều là sự việc của bản thân, thuận theo ý của bản thân thì sanh khởi tâm hoan hỷ, sanh khởi tâm tham ái; không hợp với ý bản thân thì sanh khởi tâm sân nhuế, sanh khởi tâm chán ghét. Đều là tự sanh phiền não, tuyệt đối không phải cảnh giới bên ngoài đem đến cho quí vị.

Hiện tại người trong thế gian này, không có cách giác ngộ như vậy. Tôi sanh phiền não là họ gây cho tôi, không biết là tự sanh phiền não, luôn là đem trách nhiệm, tội nghiệp này đẩy cho người khác, đều là người khác không tốt, đều là người khác sai, bản thân không sai chút nào. Người như vậy còn có thể cứu được sao? Hết cách rồi. Cho nên phải hiểu được. Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, bản khai thị của ngài khai thị cho phương trượng, ngày xưa tôi photo ra rất nhiều bản, in ra một trăm mấy mươi ngàn phần, đi khắp nơi tặng cho người ta. Lời ngài nói không nhiều, nói với chúng ta “cảnh duyên không có tốt xấu”, cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự, ngoài bản thân chúng ta ra đều không có tốt xấu. Nói cách khác, cũng không có thiện ác, cũng không có tốt xấu, tốt xấu tự tâm mà sanh. “Tốt xấu sanh từ tâm”, sanh từ tâm chính mình. Người này giác ngộ rồi. Quí vị có được tự giác như vậy, quí vị trong đời này sẽ không oán trời trách người, tâm quí vị bình rồi. Biết được khởi tâm động niệm là chính mình, không phải là cảnh giới bên ngoài, hoàn cảnh vật chất sẽ không làm cho quí vị khởi tâm động niệm. Hoàn cảnh nhân sự bên ngoài cũng sẽ không làm quí vị khởi tâm động niệm. Quí vị phải hiểu được đạo lý này. Quí vị biết khởi tâm động niệm hoàn toàn là bản thân, người này mới là thực sự giác ngộ. Sau khi giác ngộ, quí vị mới thực sự hiểu rõ, bên ngoài tất cả mọi người, tất cả mọi sự, tất cả mọi việc đều là Phật Bồ Tát biến hiện ra. Biến hiện ra cảnh giới để độ bản thân chúng ta. Quí vị sẽ thực sự dụng công, quí vị sẽ thực sự tu hành. Bằng không sẽ không biết dụng công, không biết tu hành. Đây là “không phải tất cả cảnh giới có niệm có phân biệt”. “Mà tất cả cảnh giới chưa từng có tưởng khởi từ phân biệt”. Đến đây là một câu. Lý này rất sâu, sự rất rộng, rất phức tạp. Rõ ràng là người này chọc tôi tức giận, họ không chọc tôi tôi làm sao mà tức giận chứ? Cảnh giới của họ, vì sao người khác nhìn thấy họ không tức giận, chỉ có mình quí vị tức giận? Nếu như thực sự có thể chọc cho người khác tức giận, thì tất cả mọi người đều tức giận mới đúng chứ, vì sao những người khác không tức giận, một mình quí vị lại tức giận? Người khác trong cảnh giới này không động tâm, không khởi tâm động niệm, quí vị trong cảnh giới này lại khởi tâm động niệm, vậy thì còn cách gì nữa chứ? Thực sự mà nói, quí vị khởi tâm động niệm, nhân tố có hai, một là khởi lên phân biệt, hai là khởi lên chấp trước. Xa lìa phân biệt, chấp trước, quí vị mới nhìn thấy, tất cả cảnh duyên sẽ không mê hoặc quí vị. Quí vị có phân biệt chấp trước, cảnh duyên này xem ra đối với quí vị liền sản sanh mê hoặc. Sự cũng là như vậy. Sự thật là như vậy. Cho nên chúng ta muốn trách cứ, thì phải trách cứ bản thân có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không được trách người khác, không được trách cảnh giới. Vậy coi như quí vị quay đầu rồi. Quay đầu là bờ. Lúc nào chúng ta mới thực sự có thể quay đầu trở lại? Khó, mỗi người đều khác nhau. Người căn tánh đại lợi hồi đầu được sớm, người trung hạ căn tánh hồi đầu sẽ chậm. Nguyên nhân là gì? Tập khí không sửa đổi được. Tập khí gì vậy? Tập khí phân biệt chấp trước. Hàng thượng căn nghe đến Phật pháp, biết được phân biệt là sai lầm, là sai lầm của bản thân, họ liền buông bỏ phân biệt. Chấp trước là sai lầm của bản thân, họ có thể buông bỏ chấp trước, họ buông bỏ được nhanh, sạch sẽ gọn gàng, cho nên họ sẽ không khó khế nhập cảnh giới. Phật Bồ Tát nhanh, sống cuộc sống chân thật, tự tại, mỹ mãn. Phàm phu tình thức nặng quá, nghe đến giáo huấn của Phật Bồ Tát, dường như đã nghe rõ ràng rồi, rất nhiều người nói, lý này không hiểu được, tôi làm không được, tôi rất muốn hồi đầu mà không hồi đầu được, vẫn cứ bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc. Người như vậy thuộc về hàng trung hạ căn. Người trung hạ căn trước đây nói qua rất nhiều rồi, phải lựa chọn môi trường tu học. Vì sao vậy? Quí vị bị môi trường ảnh hưởng, không bị môi trường làm ảnh hưởng vậy thì không sao, còn bị môi trường làm ảnh hưởng, thì quí vị không thể không lựa chọn môi trường. Môi trường nhân sự phải lựa chọn, môi trường vật chất cũng phải chọn lựa. Phật A Di Đà kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc chính là vì người trung hạ căn mà nói, mà cung cấp một môi trường tu học lý tưởng nhất. Môi trường nhân sự là chư thượng thiện nhân câu hội một chỗ, môi trường vật chất là sáu trần thuyết pháp, chỉ thiện không có ác, thế giới Cực Lạc. Cho nên người thực sự giác ngộ, thân tâm thế giới đều buông bỏ, từ sáng đến tối niệm Phật chỉ nghĩ đến cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc, đổi môi trường để thân cận thiện tri thức, đối với thế gian này không còn mảy may lưu luyến gì nữa. Biết được bản thân nghiệp chướng sâu nặng, trong hoàn cảnh hiện tiền chắc chắn đọa lạc. Bởi vì môi trường nhân sự, môi trường vật chất, đối với ta đều có ảnh hưởng, đều giúp ta tạo nghiệp, hơn nữa giúp ta tạo tác không phải là thiện nghiệp, như vậy làm sao mà được? Không thể không giác ngộ.



Dưới đây nói: “nhất thiết pháp duy tâm tưởng sanh, nhược sử ly tâm, tắc vô nhất pháp nhất tướng, nhi năng tự kiến nhược sai biệt dã”. Trước hết chúng ta xem qua câu này, câu này vô cùng quan trọng. “Nhất thiết pháp duy tâm tưởng sanh”, tất cả pháp thế xuất thế gian, thập pháp giới y chánh trang nghiêm từ đâu mà có? Từ tâm tưởng sanh. Câu nói này và trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, là cùng một ý nghĩa. Hai câu nói trong Kinh Hoa Nghiêm người bình thường không dễ hiểu được, câu nói này thì dễ hiểu. Nếu như quí vị thực sự hiểu rõ câu nói này, thì kiếp nạn của thế gian này có cách cứu hay không? Có cách rồi. Vì sao có cách cứu? Từ tâm tưởng sanh. Thế gian này có đại tai nạn, tai nạn đến như thế nào? Nhân tâm đều nghĩ ác, nghĩ việc ác, nói việc ác, làm cũng là việc ác, thiên tai nhân họa liền hiện tiền. Thiên tai nhân họa nó đến như vậy. Nếu như ý niệm chúng ta chuyển biến, tâm nghĩ thiện, miệng nói thiện, thân làm thiện, cảnh giới này lập tức liền chuyển biến. Cho nên chúng ta nhìn thấy những tiên đoán của người nước ngoài, đều là việc này đã định sẵn rồi, con người sống theo những định sẵn đó, vậy thì bi ai biết bao, đau khổ biết bao. Ai định sẵn vậy? Không có ai. Là ý niệm bản thân định sẵn, ý niệm thay đổi thì quả báo của chúng ta liền thay đổi. Hi vọng mọi người hiểu rõ đạo lý này, tuyên dương đạo lý này, làm cho người người đều giác ngộ, người người đều hồi đầu, thì tai nạn của thế gian này liền được hóa giải. Cho nên chúng ta nhìn thấy những dự đoán của người phương tây, chúng ta hiểu được đó là người đoán số, chỉ biết việc đương nhiên của nó, không biết được nguyên nhân của nó. Họ nhìn thấy những hiện tượng này hiện tiền, họ nhìn thấy được, hiện tượng này đến như thế nào họ lại không biết. Hiện tượng phải hóa giải như thế nào họ cũng không biết. Cho nên họ chỉ là trước sau cứ chấp trước một túc mệnh luận, dường như là không thể thay đổi vậy. Họ nhìn thấy không sai, nhưng họ nghĩ lại sai rồi.

Liễu Phàm Tứ Huấn là một ví dụ rất hay, Khổng tiên sinh đoán số, chấp trước số mệnh không thể nào thay đổi, con người một đời đều là sống theo số mệnh đã an bài, “miếng ăn miếng uống, đều do tiền định”. Thiền sư Vân Cốc hiểu được đạo lý này, biết được có thể thay đổi. Vì sao vậy? Tất cả pháp chỉ do tâm tưởng sanh. Nếu như tâm chúng ta đạt đến thanh tịnh, một niệm không sanh nữa. Nói với chư vị rằng, tất cả pháp tướng sẽ không còn. Đại sư Vĩnh Gia trong chứng đạo ca nói rất hay: “giác hậu không không vô đại thiên”, triệt để giác ngộ rồi, một vọng niệm cũng không còn nữa, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không có, đại thiên thế giới cũng không có nữa. Đại thiên thế giới từ vọng tưởng mà sanh ra. Vọng tưởng chính là duy tâm sở hiện, phân biệt chấp trước chính là duy thức sở biến. Cho nên Phật có đoạn vọng tưởng hay không? Phật không đoạn vọng tưởng, nếu Phật đoạn vọng tưởng làm sao có thể độ chúng sanh? Phật chân thật từ bi chính là đây vậy. Ngài có năng lực đoạn vọng tưởng, ngài không đoạn, danh từ nhà Phật gọi là “lưu hoặc nhuận sanh”, vọng tưởng không đoạn, để lại, để lại làm gì? Để lại giúp đỡ tất cả chúng sanh giác ngộ. Cho nên chư Phật Như Lai, thực sự mà nói, lúc nói đều là tại đẳng giác vị. Vì sao nói Phật, nói Đẳng giác vị Bồ Tát? Phật có năng lực đoạn một phẩm vô minh cuối cùng, không đoạn, Đẳng giác Bồ Tát thì phẩm sanh tướng vô minh còn, họ chưa có năng lực đoạn trừ. Đẳng giác Bồ Tát có năng lực đoạn được thì gọi là Phật. Không có năng lực đoạn một phẩm vô minh này tồn tại. Có năng lực đoạn họ không đoạn, từ bi đến cực điểm rồi. Cho nên chúng ta phải hiểu được nguyên lý này. Hư không đến như thế nào? Pháp giới đến như thế nào? Tất cả chúng sanh đến như thế nào? Duy tâm tưởng sanh. Một câu là trả lời được hết rồi.

“Nếu tâm lìa được tức không có một pháp một tướng, mà có thể tự thấy có sai biệt”. Lìa tâm rồi không có pháp. Chư vị trong nhà Phật thường nghe nói “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, tâm và pháp là cùng một sự việc. Tâm là năng sanh năng biến, pháp là sở sanh sở biến. Hai thứ đó vĩnh viễn có liên quan cùng nhau, cho nên phân biệt chấp trước là khởi từ tâm, không phải từ pháp. Đạo lý này chúng ta nên biết.

“Tri duy vọng niệm vô thật cảnh giới, vật kinh hưu phế, thị danh tu tập, duy tâm thức quán”. Đây là đem cương lĩnh “duy tâm thức quán” nói ra cho chúng ta. Lý luận cơ bản của “duy tâm thức quán”, lý luận căn bản, chính là “tất cả pháp duy tâm tưởng sanh”. Chúng ta nói lời này cho rõ ràng hơn tí nữa mọi người nghe rồi càng dễ dàng hiểu được, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, vậy thì càng dễ hiểu. Thực sự mà nói chữ “tùng” không hay bằng chữ “duy”, nhưng chữ duy ở đây người ta khó hiểu, duy là duy chỉ, duy chỉ từ tâm tưởng sanh. Vậy tất cả pháp là gì? “Biết duy vọng niệm không có cảnh giới thật”, ý niệm sát na sanh diệt, năng sanh cũng là sát na sanh diệt, cảnh giới tướng sở sanh làm sao không phải là sát na sanh diệt chứ? Đạo lý này không khó hiểu. Tất cả cảnh giới tướng, thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều không phải là cảnh giới chân thật, đều thuộc về cảnh giới sát na sanh diệt. Vậy chúng ta lại hỏi: nhất chân pháp giới là cảnh giới gì? Nhất chân pháp giới cũng là cảnh giới sát na sanh diệt. Vì sao gọi nó là nhất chân? Chúng ta cũng là sát na sanh diệt, nó cũng là sát na sanh diệt, vì sao nó gọi là nhất chân, chúng ta gọi là cảnh giới hư vọng? Nơi đó chỉ có sát na sanh diệt, nó không có phân biệt, không có chấp trước, nên nói là nhất chân. Nơi của chúng ta có phân biệt, có chấp trước, cho nên gọi là hư vọng. Có phân biệt, có chấp trước, sát na sát na đó không những là sanh diệt, sát na sát na còn khởi biến hóa. Chư vị nghĩ xem, lấy bản thân mình làm ví dụ, tâm trạng bản thân có thay đổi, ý niệm có thay đổi, một niệm nghĩ đông, một niệm nghĩ tây, đó là gì? Đó là phân biệt chấp trước. Thế giới tây phương Cực Lạc chúng sanh ở nơi đó, họ chỉ là có vọng tưởng sở hiện, họ không có thay đổi. Chúng ta bởi vì có phân biệt, có chấp trước nên ở trong thay đổi đó vô cùng rõ ràng nhìn thấy thay đổi của sanh già bệnh chết, thay đổi của sanh trụ dị diệt. Chúng ta nhìn trên thực vật, nhìn trong hư không pháp giới, có thay đổi trong thành trụ hoại không. Sự thay đổi này từ đâu mà có? Từ phân biệt chấp trước mà có. Thế giới tây phương Cực Lạc bên đó không có phân biệt, không có chấp trước, cho nên không có sanh già bệnh chết, không nhìn thấy, không nhìn thấy thành trụ hoại không, không có sanh già bệnh chết. Thành trụ hoại không là từ trong phân biệt chấp trước mà sanh ra, phân biệt chấp trước cũng là vọng tưởng, cũng là ý niệm, là tâm phân biệt của quí vị, tâm chấp trước của quí vị. Xa lìa phân biệt chấp trước liền không có thay đổi, cho nên xưng nó là nhất chân pháp giới. Chư vị phải hiểu được trong nhất chân pháp giới có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Nếu dùng thuật ngữ nhà Phật mà nói có vô minh, không có trần sa phiền não, không có kiến tư phiền não. Trong thập pháp giới có trần sa phiền não, có kiến tư phiền não, lục đạo có kiến tư, có trần sa, có vô minh, ba loại phiền não đều có. Tứ thánh pháp giới không có kiến tư phiền não, có trần sa phiền não, có vô minh phiền não. Trong nhất chân pháp giới không có kiến tư, không có trần sa, chỉ có vô minh. Những thứ này chúng ta hiểu cho rõ ràng, hiểu cho thấu đáo, sau đó mới hiểu được vô lượng kiếp đến nay chúng ta bị thứ gì hại? Bị phân biệt chấp trước hại, hiện nay vẫn còn phân biệt chấp trước thì làm sao mà không nguy chứ. Lúc nào quí vị mới có thể ra khỏi được?

Ở đây hướng dẫn chúng ta cảnh giác, cổ nhân nói: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm này là gì? Là vọng tưởng phân biệt chấp trước, không sợ, chỉ sợ quí vị giác chậm trễ mà thôi. Giác ngộ điều gì? “Biết chỉ là vọng niệm không có cảnh giới thật”. Cho nên quí vị ở trong môi trường vật chất, môi trường nhân sự, quí vị vừa khởi tâm động niệm, quí vị lập tức giác ngộ được, đây là vọng niệm của bản thân, cảnh giới không phải là thật, tâm của quí vị sẽ bình lặng trở lại, sẽ không còn khởi vọng niệm cùng với cảnh giới nữa, từng vọng niệm vọng niệm nối tiếp nhau. Vậy thì quá nguy rồi. Cho nên vừa giác ngộ, tâm bình lặng trở lại, cảnh giới hiện tiền, không khởi vọng niệm, không khởi vọng niệm liền tự tại rồi, liền tùy thuận cảnh giới, liền giống như chư Phật Bồ Tát, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Quí vị thuận thiện cũng được, quí vị tà ác cũng được, hằng thuận chúng sanh. Bản thân vĩnh viễn trú trong cảnh giới thanh tịnh tịch diệt, sau đó quí vị có năng lực giúp đỡ tất cả chúng sanh điều phục giáo hóa, thành tựu công đức độ chúng sanh, cũng không trú tướng công đức. Trú tướng của công đức thì quí vị lại đọa lạc, quí vị lại trở thành phàm phu rồi.

Vì sao không trú tướng công đức? Vì biết chỉ là vọng niệm, công đức cũng là vọng niệm. Cho nên chẳng những không thể chấp trước, phân biệt cũng không được. Biết được cảnh giới là mộng huyễn bào ảnh, quyết không phải là chân thật.

“Vật linh hưu phế”, câu này chắc chắn không thể gián đoạn. “Hưu” là gián đoạn, “phế” là quên mất, là mất đi. Nếu như làm cho công phu của quí vị mất đi, công phu bị gián đoạn, quí vị làm sao có thể thành công? Tất cả mọi lúc mọi nơi quí vị phải nhắc nhở, tất cả cảnh giới mộng huyễn bào ảnh là vọng niệm biến hiện ra. Quí vị biết được quí vị liền không mê nữa. Quí vị liền không bị cảnh giới này làm ảnh hưởng nữa. Cảnh giới có hay không? Có. Cảnh giới thiện ác đều ngay trước mắt, không phải là không có, không bị nó làm ảnh hưởng. Cho dù nói, giống như trong lời tiên đoán ngày xưa đã nói: toàn thể thế giới có đại tai nạn. Người giác ngộ có bị ảnh hưởng hay không? Không bị ảnh hưởng. Vì sao vậy? Không phải là thật, là giả, mộng huyễn bào ảnh. Từ tâm tưởng sanh, tâm quí vị an tĩnh rồi. Cho dù lúc tai nạn đến cũng không lo không sợ, nhìn thấy rất bình thường, không chút mảy may ảnh hưởng . Quí vị giải thoát rồi. Nhà Phật nói “liễu sanh tử”, quí vị đã hiểu rõ rồi. Chữ liễu này là hiểu rõ. Sanh tử rốt cuộc là chuyện gì, đã triệt để hiểu rõ rồi. Quí vị ở trong cảnh giới này bản thân có thể làm chủ được. Thế gian này có tai nạn, thế gian này chúng sanh tạo ác nghiệp, tâm hành bất thiện, Phật Bồ Tát có tâm giúp đỡ, họ không chịu tiếp thu, không nghe giáo huấn, tai nạn này là quả báo của bản thân họ, tự làm tự chịu. Phật Bồ Tát có thể ở đây thọ nhận cùng họ, vẫn không bỏ rơi họ, vẫn là giúp đỡ họ. Chúng sanh thực sự là chịu khổ chịu nạn, có cảm thọ này, Phật Bồ Tát không có cảm thọ này. Vì sao vậy? Phật Bồ Tát không có phân biệt, không có chấp trước. Cảm thọ từ đâu đến? Trong Kinh Kim Cang có câu nói rất quan trọng, Phật nói: “nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì không phải Bồ Tát”. Câu này nói rất hay, nói rõ Bồ Tát, Bồ Tát là người giác ngộ. Người giác ngộ chắc chắn không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Người bất giác mới có, phàm phu mới có. Có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả mới thọ khổ thọ nạn, họ mới có cảm thọ. Nếu như nói không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tai nạn đến hỏi xem ai thọ chứ? Không có người thọ. Họ làm sao mà không tự tại được? Cho nên tôi thường nói bom nguyên tử nổ trên không trung, họ giống như xem pháo hoa vậy, họ không thọ. Ý nghĩa này quí vị có thể lãnh hội được hay không? Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả từ đâu mà có? Quí vị nghĩ xem, không phải từ trong phân biệt chấp trước mà đến hay sao? Xa lìa phân biệt chấp trước ngã tướng, nhân tướng , chúng sanh tướng, thọ giả tướng liền không thể có rồi. Ngã tướng, chấp trước thân này là ta, đây là tướng của ta. Nhân tướng là tất cả chúng sanh hữu tình đối diện với ta. Đây là thuộc về nhân tướng. Chúng sanh tướng bao gồm cả thực vật, khoáng vật, bao gồm cả thế giới hư không, đều là chúng duyên hòa hợp mà sanh, gọi là chúng sanh tướng. Thọ giả tướng là thời gian, khái niệm về thời gian, quá khứ hiện tại vị lai, có khái niệm về thời gian. Khái niệm về thời gian cũng là giả. Thời gian không có, không phải là thật. Thời gian là từ trong phân biệt chấp trước của quí vị mà sanh. Xa lìa phân biệt chấp trước thời gian cũng không có nữa.

Người hiện tại thường nói, những người có công năng đặc biệt họ có thể biết quá khứ, vị lai, đột phá giới hạn của thời gian. Người hiện tại nói họ là người không gian bốn chiều, chúng ta là người không gian ba chiều, chỉ biết hiện tại, không hiểu được tương lai. Họ có năng lực đột phá thời gian, năng lực gì? Nói cách khác, phân biệt chấp trước của họ nhẹ hơn chúng ta, phân biệt chấp trước của chúng ta vô cùng nghiêm trọng. Chính là đạo lý như vậy. Họ phân biệt chấp trước nhẹ, bình diện đột phá của họ rộng, phân biệt càng nhẹ hơn thì bình diện đột phá càng lớn. Đây là chân tướng sự thật. Cho nên vô lượng tầng thời gian không gian, đều là từ phân biệt chấp trước mà sanh ra. Xa lìa phân biệt chấp trước, tứ tướng liền phá được. Tứ tướng phá được rồi, trong kinh thường nói, quí vị liền thấy được vô lượng vô biên chư Phật quốc độ, chướng ngại của quí vị không còn nữa. Phật ở trong kinh nói tường tận như vậy, giảng nhiều như vậy, từ bi như vậy. Chúng ta ngày ngày đọc kinh, thậm chí ngày ngày đang nghiên cứu kinh giáo, đang giảng kinh, đều không đạt được lợi ích. Nguyên nhân là gì? Không thể khế nhập. Chẳng những cảnh giới không thể khế nhập, thực sự mà nói, ngay cả lý giải cũng không khế nhập. Trong kệ khai kinh nói: “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Chúng ta hiểu sai về Như Lai chân thật nghĩa, hiểu lầm rồi. Làm sao có thể đạt được lợi ích chân thật của Phật Pháp?

Ngày nay giảng kinh rất khó khăn, câu câu đều phải nói rất tỉ mỉ, nói rườm rà đến như vậy, mất rất nhiều thời gian. Cổ nhân giảng kinh chỉ điểm đến mà thôi. Vừa điểm đến, người ta vừa nghe đã thông, liền rõ ràng rồi. Tôi ngày nay giảng kinh trên giảng tòa, so với thầy Lý giảng kinh trước đây thời gian dùng đến phải nhiều hơn mười lần. Cũng tức là nói, thầy Lý năm xưa giảng kinh một câu tôi đã hiểu rồi, tôi liền rõ ràng rồi. Ngày nay tôi giảng cho mọi người nghe, tôi phải nói mười câu, người nghe chưa chắc có thể hiểu rõ.

Tôi đến Đài Trung học kinh giáo với thầy Lý, có thể có được tiến độ như vậy không phải là bẩm sinh, mà nhờ đắc lực từ ba năm giáo huấn của đại sư Chương Gia, đại sư Chương Gia dạy tôi những gì? Nhìn thấu, buông bỏ. Cho nên phân biệt chấp trước của tôi nhẹ hơn người bình thường. Lúc thầy Lý giảng kinh tôi hiểu, không có ba năm được đại sư Chương Gia xây dựng nền móng cho trước đó, tôi đến Đài Trung nghe kinh cũng giống như mọi người, cũng nghe không hiểu. Quí vị nếu như thực sự thấu triệt được đạo lý này rồi, quí vị mới hiểu được Phật pháp không khó, chuyển phàm thành thánh không phải là một việc khó, thực sự người người đều có thể làm được, làm sao để làm được? Nhìn thấu, buông bỏ. Phải nhìn thấu thế nào? Chân tướng sự thật đều đã rõ ràng, đều thấu suốt, đọc kinh Phật liền nhìn thấu rồi. Phật là người đã nhìn thấu. Mở kinh quyển ra, câu câu chữ chữ nhất định không có hoài nghi, thâm tín không nghi. Ý nghĩa mà Đức Phật nói đến đều có thể lý giải chính xác. Quí vị đã nhìn thấu rồi. Sau đó đối với vọng tưởng phân biệt chấp trước đương nhiên sẽ buông bỏ, không thể hoàn toàn buông bỏ, nhưng dần dần sẽ nhẹ bớt. Càng năm càng nhẹ bớt, cũng tức là càng năm càng buông bỏ nhiều hơn, càng năm trí tuệ càng tăng trưởng. Buông bỏ được càng nhiều, trí tuệ sẽ càng viên mãn. Đối với tất cả chư pháp hiểu biết càng thấu triệt hơn. Đương nhiên lúc quí vị giảng giải càng rõ ràng, càng thấu đáo. Sự việc là như vậy.

Ngày nay đừng nói đến quí vị giảng, quí vị nghe cũng nghe không rõ ràng. Nguyên nhân là gì? Phân biệt chấp trước của quí vị quá nặng. Người phân biệt chấp trước quá nặng nghe cũng nghe không rõ ràng. Lợi ích chân thật cứu cánh viên mãn của Phật pháp, trong đời này luống qua mất. Quí vị nói xem đáng tiếc biết bao. Duy tâm thức quán chỉ giới thiệu đến đây thôi.

Dưới đây “chân như thật quán”. Đây là người Tánh tông chọn dùng.

“Tư duy tâm tánh vô sanh vô diệt, bất trú kiến văn giác tri, vĩnh ly nhất thiết phân biệt chi tưởng, tiệm tiệm năng quá tứ không đẳng cảnh giới tướng, đắc tướng tợ không tam muội. Đắc thử tam muội thức tưởng thọ hành năng phân biệt tướng bất hiện tại tiền”. Điều này so với đoạn trước đích thực cao hơn rất nhiều rồi. Trước khi nói, trước tiên chúng ta giải thích danh từ. Trong kinh Phật thường nói “tam tam muội”, ba loại tam muội, tam muội thực sự mà nói vô lượng vô biên. Tam muội vô lượng vô biên đem nó quy nạp thành ba loại lớn. Loại tam muội thứ nhất là “hữu giác hữu quán”. Hữu giác hữu quán, chư vị nghĩ xem có giác có quán, giác quán này từ đâu mà có? Vẫn là phân biệt chấp trước, chưa xa lìa phân biệt chấp trước, nhưng phân biệt của họ chánh, chấp trước cũng chánh. Đắc tam muội này liền nhập sơ thiền. Chúng ta nói tu thiền định, thiền định quí vị thành tựu rồi. Đối với tất cả cảnh duyên thế gian không phân biệt, không chấp trước nữa. Trong công phu vẫn có phân biệt chấp trước. Cho nên trong thiền định này có giác có quán. Giác là gì? Giác là cảm thọ, quán là hiểu rõ, hai loại đều có. Nhập sơ thiền.



Tam muội thứ hai là “vô giác hữu quán”. Cảm thọ của giác đó có hay không? Có. Nhưng trong cảm thọ của giác đã không có phân biệt chấp trước. Sơ thiền trước đó còn có một vài phân biệt chấp trước, rất nhẹ, còn có, đến nhị thiền, cảm thọ của họ rất tự tại, vô cùng an lạc, lạc của thiền định, thiền duyệt. Nhưng họ chắc chắn không có phân biệt, không có chấp trước, cho nên loại lạc thiền duyệt của họ hơn hẳn Sơ thiền.

Tam muội thứ ba là “vô giác vô quán”. Tam thiền trở lên cho đến diệt thọ tưởng định, diệt thọ tưởng định là định mà A la hán chứng được, gọi là cửu thứ đệ định. Từ tam thiền trở lên họ ở trong cảnh giới định là vô giác vô quán. Cũng tức là nói, đối với trong tam giới lục đạo, những phân biệt chấp trước này hoàn toàn không có nữa.

Ý nghĩa của ba loại tam muội này, sau khi chúng ta hiểu rồi, thì xem đoạn văn này. “Tư duy tâm tánh, vô sanh vô diệt”, sự dụng tâm này và trước đây không giống nhau. Đây chính là thiền định thực sự, nội cầu chân thật. Đây không phải là duyên cảnh giới bên ngoài, hoàn toàn vì tự tánh bên trong. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng phương pháp này, “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ sáu một thiên kinh văn rất dài thuyết minh phương pháp dụng công của Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài dùng phương pháp này. Nói cách khác, họ không nghĩ đến bên ngoài, họ hoàn toàn nghĩ tâm tánh của chính mình, chân tâm tự tánh. Chân tâm tự tánh không có sanh diệt. Cũng giống như trong Trung Quán nói: “không sanh không diệt, không đến không đi, không dài không ngắn, không một không khác”. Trung Quán Luận nói về tám cái không. Chính là chân tâm của bản thân chúng ta, bản tánh của chúng ta. Chân tâm bản tánh của chính mình ở đâu vậy? Trong hội Lăng Nghiêm Đức Phật nói rất hay: “trong sáu căn môn phóng quang động địa”, đáng tiếc là quí vị không biết. Tại mắt gọi là tánh thấy, tại tai gọi là tánh nghe, chính là căn tánh của sáu căn. Căn tánh sáu căn là chân như bản tánh của chúng ta, không sanh không diệt, không đến không đi. Chúng ta có dùng nó hay không? Đương nhiên là dùng nó. Dùng nó mà không biết. Chúng ta biết được là gì? Biết được là sáu thức. Thức là gì? Là phân biệt là chấp trước. Chúng ta biết được là những thứ này, không hiểu được khởi tác dụng chân thật của nó không có phân biệt chấp trước. Nói với chư vị rằng, cũng không có vọng tưởng. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tất cả đều không có. Cho nên chư Phật Bồ Tát nhìn tất cả chúng sanh đều là Chư Phật Như Lai. Họ nhìn thấy gì? Họ nhìn thấy căn tánh sáu căn của quí vị, quí vị là Chư Phật Như Lai, người người đều như vậy. Cho nên Bồ Tát thành Phật nhìn thấy đại địa chúng sanh tất cả đều thành Phật rồi. Chính là đạo lý này vậy. Chúng ta nhìn Chư Phật Như Lai đều là chúng sanh. Vì sao vậy? Phân biệt chấp trước, phân biệt Chư Phật Như Lai, chấp trước Chư Phật Như Lai, đem Chư Phật Như Lai kéo về chúng sanh. Cho nên Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật. Phật chắc chắn không dám khinh mạn một chúng sanh nào. Sự cung kính của Phật là bình đẳng, đối với tất cả chúng sanh cung kính bình đẳng, đối với tất cả chúng sanh tán thán bình đẳng, đối với tất cả chúng sanh cúng dường bình đẳng, nhất định không có sai biệt. Bình đẳng chân pháp giới. Chúng ta tâm bất bình, bất bình thì có cao thấp, tâm của chúng ta không thanh tịnh. Không thanh tịnh thì có tham sân si, có thị phi nhân ngã, có tự tư tự lợi. Những thứ này từ đâu mà có? Trong tự tánh không có. Hoàn toàn từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà biến hiện ra, là giả không phải là thật. Tuy không phải là thật, nó biến hiện cảnh giới giả, làm cho quí vị trong cảnh giới giả đó mà thọ khổ thọ lạc. Quí vị cảm thọ có khổ lạc.

Con người rất ít người không nằm mộng, mộng từ đâu mà có? Tâm tưởng sanh, mộng là tâm tưởng sanh, tôi không nghĩ đến sự việc này, vì sao lại nằm mộng về điều này? Quí vị hiện tại không có nghĩ, trong thức A lại da của quí vị có tư liệu đó, sự việc trong đời quá khứ, sự việc trong vô lượng kiếp trước, hoặc là trong đời này trước đây đã tạo tác. Trong mộng quí vị không thể khống chế ý thức của mình khởi hiện hành. Cho nên quí vị phải hiểu được, người tu hành, người giác ngộ, cảnh mộng là một khảo nghiệm cho chính mình. Nếu như thường thường thấy ác mộng, công phu không đắc lực. Bản thân phải có cảnh giác cao độ, phải chăm chỉ nỗ lực. Công phu đắc lực rồi, đầu tiên là không có ác mộng. Ngày trước thường thường nằm mơ ác mộng, hiện tại ác mộng không có nữa, chứng tỏ công phu quí vị đắc lực rồi. Sức mạnh ở đâu vậy? Sức mạnh của thiện tâm sở của quí vị mạnh, sức mạnh ác tâm sở mỏng yếu rồi. Cho nên cảnh giới hiện tiền hiện cảnh giới thiện.

Trong Cảm Ứng Thiên nói nguyên lý “xu kiết tỵ hung” là tại đây vậy. Xu kiết tỵ hung phải tu như thế nào? Từ trong tâm địa mà tu, không phải đi tìm một môi trường tốt, không phải là ý nghĩa này, từ trên tâm địa mà tu, mới là thực sự xu kiết tỵ hung. Tâm của quí vị bất thiện, hành vi bất thiện, tìm đến một môi trường tốt, quí vị đến trú tại nơi đó, vẫn là chịu tai chịu nạn. Quí vị có thể tránh khỏi được sao? Không thể tránh khỏi. Nhất định phải từ trong tâm địa mà có sự chuyển biến.

Chân tâm, “bất trú kiến văn giác tri”, trong chân tâm có kiến văn giác tri hay không? Có. Kiến văn giác tri là tác dụng của nó, hậu đắc trí. Hậu đắc trí từ đâu mà có? Từ căn bản trí mà có. Trong căn bản trí không có kiến văn giác tri, tức không trú.

“Vĩnh ly nhất thiết phân biệt chi tưởng”, vĩnh ly phân biệt, sau đó có chữ ‘tưởng’ là chấp trước. Nói cách khác, vĩnh viễn không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là chân tâm của chúng ta, là căn tánh sáu căn của chúng ta. Cho nên “tiệm tiệm năng quá tứ không đẳng cảnh giới tướng”. Dần dần, “năng quá” là vượt qua, “tứ không” là tứ không thiên, vô sắc giới thiên. Vượt qua, đó không phải là vượt qua tam giới, vượt qua lục đạo sao. Đây là tam muội gì? Là vô giác vô quán tam muội.

“Đắc tương tự không tam muội”, đây là nói quí vị đang dụng công, dùng phương pháp này. Nếu công phu này đắc lực thì siêu việt tam giới. “Đắc tương tự không tam muội”, đắc tam muội này thức tưởng thọ hành năng phân biệt tướng không hiện tiền nữa. Đây là cảnh giới gì? Trong Tâm Kinh nói là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đây là công phu đắc lực. Tướng của năm uẩn là không. Năm uẩn là tam giới lục đạo, cho nên quí vị siêu việt tam giới rồi. Năng phân biệt dừng lại rồi, cảnh giới tướng của sở phân biệt cũng không còn nữa. Chư vị nên ghi nhớ, lời này phải nghe cho rõ ràng. Cảnh giới tướng của sở phân biệt không còn nữa, cảnh giới bên ngoài có hay không? Cảnh giới vẫn có. Bản thân quí vị phân biệt cảnh giới tướng bên ngoài, ý niệm này không còn nữa, sau đó quí vị mới nhìn thấy chân tướng của cảnh giới tướng bên ngoài. Chân tướng là gì? Là mộng huyễn bào ảnh, như sương cũng như điện. Đức Phật nói câu này, quí vị thực sự nhìn thấy rồi, cũng giống như chúng ta xem hình ảnh trên ti vi vậy. Không phải là thật. Quí vị ở trong cảnh giới tướng đó liền đắc đại tự tại. Cảnh giới tướng này vĩnh viễn sẽ không quấy nhiễu quí vị. Vì sao vậy? Ý niệm năng phân biệt, sở phân biệt của quí vị không còn nữa, đây chính là chân tướng cuộc sống của chư Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian. Cho nên họ gọi là du hí thần thông. Họ ở trong lục đạo là xem kịch, chúng ta trong lục đạo là đang diễn kịch, diễn thật thì vất vả. Kịch giả cho là thật, khổ không kể xiết. Họ ở bên cạnh xem kịch, rõ rõ ràng ràng, sáng suốt thấu đáo. Tất cả đều là giả. Đây là nói công phu đắc lực rồi.

“Tùng thử tu học”, quí vị dùng cơ sở này thực sự hiếu học, chỉ cần quí vị chịu học, Phật Bồ Tát sẽ đến giúp đỡ quí vị. Đây chính là “ở trong cửa Phật không bỏ người nào”, chúng ta có ý niệm hiếu học này, đây chính là cảm, Phật Bồ Tát liền ứng, quí vị liền gặp được thiện tri thức. Không ngừng gặp được thiện tri thức, thường thường gặp được thiện tri thức. Người này vì sao số mệnh tốt đến vậy? Họ có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng. Quí vị vì sao không gặp được thiện tri thức? Quí vị không có cảm, cảm không phải là ngày ngày quỳ trước Phật Bồ Tát thắp hương lễ bái cầu nguyện, điều đó chẳng ích lợi gì cả, việc đó không thể cảm ứng. Cảm ứng là một niệm tâm thực sự hiếu học, quí vị không cần lạy Phật Bồ Tát, không cần thắp hương, không cần cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát, cũng có cảm ứng. Tất cả những hình thức cúng dường cũng đều là giả, không phải là thật. Là một niệm tâm hiếu học hiếu thiện. Hiếu học là hi vọng thành Phật đạo, hiếu thiện là hi vọng phổ độ chúng sanh, giống như Phật Bồ Tát vậy, phục vụ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Niệm này chính là năng cảm. Chư Phật Bồ Tát liền có ứng.

“Vi thiện tri thức đại từ bi giả thủ hộ trưởng dưỡng, ly chư chướng ngại, cần tu bất phế, năng nhập tâm tịch tam muội, phục năng nhập nhất hạnh tam muội”. Quí vị xem sự cảm ứng này, thực sự không thể nghĩ bàn. Nếu như chúng ta không có niệm tâm này thì quí vị không thể nào đắc được cảm ứng.

Tôi trong đời này có được một ít thành tựu nho nhỏ như vậy, thực sự mà nói chính là nhờ có tâm này, có tâm hiếu học này, có tâm hoan hỷ giúp đỡ người khác. Nên tôi ở Đài Loan thứ nhất gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ, tiếp đó gặp được đại sư Chương Gia. Sau khi đại sư Chương Gia viên tịch, gặp được lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thiện tri thức từng người từng người không có gián đoạn.

“Đại từ bi giả thủ hộ trưởng dưỡng” , tôi trong ba mươi năm hoằng pháp, quản trưởng Hàn chính là “đại từ bi giả thủ hộ trưởng dưỡng”. Bà ấy vãng sanh rồi, ngày nay cư sĩ Lý Mộc Nguyên “đại từ bi giả thủ hộ trưởng dưỡng”, thiện tri thức, hộ pháp đại đức, đều gặp được rồi. Chư vị nên biết duyên ở trong đây thiếu một thứ cũng không thể thành tựu. Tôi gặp được ba vị thầy giáo, thiếu một vị cũng không thể thành tựu. Người hộ trì nếu như sau khi quản trưởng Hàn đi rồi, sau đó nếu không có người tiếp tục hộ trì, sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chúng tôi đến đó là dừng lại, là dấu chấm hết rồi, sẽ không còn nữa. Người này tiếp theo người kia đều là Phật, Bồ Tát sắp đặt. Chúng ta có cảm, Phật Bồ Tát có ứng.

“Ly chư chướng ngại”, hoằng pháp, học Phật Pháp, hoằng dương Phật Pháp, hộ trì Phật Pháp, chướng ngại không biết được có biết bao nhiêu, vô lượng vô biên, cho nên không phải trí tuệ thực sự, đại từ bi tâm, thì khắc phục không được những chướng nạn này. Có trí tuệ, có nghị lực, có quyết tâm phá trừ chướng ngại “siêng tu không bỏ”, như vậy mới “năng nhập tâm tịch tam muội”. Thế nào gọi là “tâm tịch tam muội”? Hôm nay thời gian hết rồi, chúng ta để lại ngày mai giới thiệu tiếp.

A Di Đà Phật !!