- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
- Chương 18: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Chương 18: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Xin mời mở kinh bổn ra, Luận quán trang thứ 17, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng.
“Tường giải vân: tam chủng quán pháp, nghĩa uẩn kinh sớ. Thiên Thai y chư Đại thừa kinh lập tứ chủng tam muội, tu thập thừa quán hạnh, trực tựu ấm tâm hiển tam thiên pháp, tức tùng hành quán nghĩa”.
Đây là giải thích ba loại quán pháp, loại thứ nhất là từ hành, loại thứ hai là pháp tướng, loại thứ ba là thác sự. Đây là thuyết minh tỉ mỉ cho chúng ta bốn loại tam muội, mười loại quán pháp, chính là tùng hành. Trước hết chúng ta xem bốn loại tam muội là gì, mười thừa quán pháp là gì, giới thiệu đơn giản về danh tướng này.
Hôm nay tôi phát cho quí vị một tờ tư liệu tham khảo, tư liệu tham khảo này là từ trong Giáo Thừa Pháp Số mà trích lục ra. Hai đoạn này đều là xuất xứ từ Thiên Thai chỉ quán. Trong kinh giáo Đại thừa thường nói vô lượng tam muội, tại sao lại chỉ có bốn loại? Nói vô lượng tam muội từ trên hình thức mà nói, có thể quy nạp thành bốn loại lớn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn chính là tám vạn bốn ngàn tam muội. Vô lượng pháp môn chính là vô lượng tam muội. Từ trên hình thức mà nói có thể quy nạp bốn loại này. Giáo Thừa Pháp Số dùng biểu giải để liệt ra cho chúng ta, giúp cho chúng ta vừa nhìn đã hiểu rõ.
Bốn loại hình thức này, làm thế nào để chọn lựa. Điều này phải quán cơ. Đặc biệt là phải quán sát bản thân, căn tánh của bản thân, thể lực của bản thân, tình trạng tinh thần của bản thân, môi trường sinh sống của bản thân, quí vị chọn lựa cho thích hợp, thì tu học sẽ dễ dàng, công phu dễ dàng đắc lực, không được miễn cưỡng. Nhìn thấy người khác tu gì mọi người tán thán, quí vị cũng đi mô phỏng, chưa chắc đã có hiệu quả. Đặc biệt là chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp, căn tánh kém xa thời kỳ chánh pháp và tượng pháp. Đây là sự thật, không thể không hiểu rõ, không thể không thừa nhận. Thời kỳ mạt pháp đương nhiên cũng có một số người lợi căn, nhưng cũng chỉ là thiểu số. Chúng ta phải chăng thuộc về hạng người căn tánh lợi, bản thân phải rõ ràng, phải sáng suốt.
Bốn loại tam muội này, loại thứ nhất là “thường hành”, chư vị xem trong bảng chú giải “diệc danh Phật lập” , cũng gọi là Phật lập tam muội, tức là Ban châu tam muội. Ban châu là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó đoạn trước đã nói rồi.
Đoạn chú giải nhỏ dưới đây.
“Ban châu kinh lấy 90 ngày làm một kỳ, chuyên niệm bỉ Phật”. Bỉ Phật là Phật A Di Đà ở thế giới tây phương Cực Lạc. Chúng ta ở trong Kinh Hoa Nghiêm nhìn thấy, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, vị thiện tri thức đầu tiên là tỳ kheo Kiết Tường Vân. Ngày nay chúng ta dùng là bản Tứ Thập Hoa Nghiêm, dùng bản này. Tỳ kheo Kiết Tường Vân chính là vị tu pháp môn này, nên Thiện Tài Đồng Tử đi thăm viếng, ông ấy không có ở đạo tràng, ông ở ngọn núi khác. Quí vị nghĩ xem đó là đại biểu cho ý nghĩa gì? Không có ở đạo tràng, đạo tràng là ví dụ cho pháp môn thông thường, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là đạo tràng. Núi khác là một pháp môn đặc biệt, Ngài ở một ngọn núi khác, đến nơi đó mới tìm ra ngài. Ngài ở nơi đó đi kinh hành, ở nơi đó niệm Phật, cho nên ngài tu chính là Ban châu tam muội. Thường hành, không ngồi, không nằm, cho nên cũng gọi là Phật lập. Trong kinh Ban châu Đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp này, một kỳ là 90 ngày, tức ba tháng, ba tháng là một kỳ. Quí vị nếu như muốn tu học pháp môn này, phải suy nghĩ đến thể lực, tình trạng tinh thần có thể làm được hay không? 90 ngày không ngủ nghỉ, 90 ngày không được ngồi xuống, không được nằm xuống. Thể lực của con người nói cho cùng cũng có hạn, tu Ban châu tam muội dùng phương pháp gì? Dùng sợi dây mà treo lên, lúc ngủ gật thì treo nơi đó, hai tay đầu treo ở đó. Nói cách khác, là đứng mà ngủ. Có như pháp hay không? Chúng ta chưa nhìn thấy. Trong Kinh Hoa Nghiêm tỳ kheo Kiết Tường Vân dùng phương pháp này, chưa nhìn thấy. Đây chính là một phương pháp miễn cưỡng. Chúng ta phải biết được, phải hiểu được. Phật ở trong kinh luận nhiều lần răn dạy chúng ta, không tu khổ hạnh vô ích. Kiểu khổ hạnh này đối với đạo tâm của chúng ta không có ích lợi gì.
Thực sự mà nói, đạo tâm là gì? Điều này trong kinh đã dẫn chứng là chuyển hóa, chuyển biến. Thực sự là chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Đó là đạo tâm. Quí vị dùng phương pháp này có thể chuyển được hay không? Quả nhiên có thể chuyển được, vậy là tốt. Nếu như dùng phương pháp này cho mới lạ lập dị, làm cho khác người, để được đại chúng tôn kính cúng dường, quí vị khởi tâm động niệm là sai rồi. Vậy là biến thành dối người dối mình, phan duyên không phải là tùy duyên. Cho nên pháp sư Quán Đảnh, pháp sư Từ Vân Quán Đảnh trong Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, đoạn cuối nói về 100 loại quả báo của niệm Phật, quả báo thứ nhất chính là đọa địa ngục. Phải xem quí vị dùng là tâm gì? Cho nên phương pháp tu học này phải trẻ tuổi, tinh thần, thể lực đều hơn hẳn người bình thường, có thể dùng phương pháp này. Phương pháp này tu định, tam muội là định. Định có thể khai tuệ, thì mục đích mới đạt được. Nếu như chỉ có thể đắc định, không thể khai tuệ, nói cho quí vị biết vẫn không thể gọi là tam muội. Tam muội gọi là chánh thọ, bổn ý của nó là chánh thọ. Trí tuệ không khai thì thọ đó không phải bình thường rồi. Cho nên định là thủ pháp, không phải là mục đích, giới luật là thủ pháp của thủ pháp, nhân giới đắc định, nhân định khai tuệ, khai tuệ mới là mục đích. Tông môn nói đại triệt đại ngộ, giáo môn nói đại khai viên giải. Đó là mục đích của chúng ta. Lúc đó mới thực sự là tam muội, tam muội chân thật. Cho nên Phật ở trong kinh giảng những nghĩa thú này, chúng ta phải lý giải được, phải thâm giải được, không đến nỗi sản sanh ngộ nhận, không đến nỗi tu sai pháp môn. Sau khi đắc được tam muội sẽ không bị mất đi nữa. Đó là chân thật. Cũng có người sau khi đạt được cũng bị mất đi. Đó nguyên nhân là gì? Do công phu còn cạn, chưa đủ sâu, chưa khế nhập cảnh giới thì sẽ bị mất đi. Phàm sẽ bị mất đi, phải quy nạp về nhân tố căn bản của nó, cũng không ngoài việc thị dục chưa đoạn tận được. Thị là thị hiếu, sở thích của họ, du͙© vọиɠ chưa xả bỏ sạch sẽ được. Cho nên 90 ngày một kỳ tu xong rồi, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, đặc biệt là hiện tại, hiện tại thế giới muôn màu này, quí vị tiếp xúc với cảnh giới tướng sáu trần bên ngoài, quí vị còn mảy may ham muốn, ưa thích, còn có một tí ti du͙© vọиɠ, bị nó mê hoặc lại khởi lên, lập tức bị mê, lập tức liền thoái chuyển rồi.
Xã hội hiện tại là xã hội khai mở, khác với trước đây rồi, trước đây xã hội bảo thủ. Nói cách khác, ô nhiễm nhẹ. Hiện tại ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng. Trước đây giai cấp sĩ đại phu, dùng cách nói hiện tại là phần tử tri thức, không có một ai không đọc sách thánh hiền. Cho dù là họ làm không được, họ hiểu được, họ phóng túng, họ phóng dật, trong một tình huống nào đó, họ cũng hiểu được dừng lại. Hiện nay không có nữa. Người hiện tại không đọc sách thánh hiền, hoàn toàn tùy thuận theo phiền não của bản thân. Vậy không nguy quá rồi sao? Thật là làm gì tùy thích, không sợ tam đồ địa ngục. Thực sự mà nói, vì sao mà không sợ? Họ không tin tam đồ địa ngục. Cảnh giới tam đồ địa ngục không có hiện tiền, họ cũng không quan tâm tam đồ địa ngục. Họ dám làm. Đây là đọc sách thánh hiền và không đọc sách thánh hiền, rất khác nhau.
Sách thánh hiền nói về điều gì? Chỉ là sáng lý thôi. Sách Phật là sách thánh hiền. Giảng về những điều gì? Giảng về chân tướng của nhân sinh chúng ta, về môi trường sinh sống của bản thân chúng ta, làm cho quí vị hiểu được chân tướng sự thật. Tư tưởng của quí vị liền thuần chánh, ngôn hạnh của quí vị tương ưng với chân tướng sự thật, Thánh hạnh, Bồ Tát hạnh. Không hiểu được chân tướng sự thật, quí vị nghĩ sai, điều quí vị nói, điều quí vị làm hoàn toàn sai rồi. Tư tưởng hành vi sai lầm liền khởi lên những biến hóa rất lớn, biến hiện ra tam đồ địa ngục, bản thân quí vị đi chịu tội. Tam đồ địa ngục từ đâu mà đến? Là tâm niệm bản thân quí vị biến hiện ra. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, duy thức sở biến. Không phải từ bên ngoài đến, không phải người khác để cho quí vị chịu, là bản thân quí vị biến hiện ra. Thực sự gọi là tự làm tự chịu. Vốn không có sự việc này, trong tâm thanh tịnh, làm gì có thứ này? Chẳng những không có tam đồ, lục đạo cũng không có, thập pháp giới cũng không có. Đều là bản thân vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Quí vị có thể trách ai chứ? Oán trách người khác, tăng trưởng tội nghiệp của bản thân, làm nặng thêm khổ báo của bản thân. Đây là nói lời chân thật cho quí vị, nói lời chân thật.
Công phu tu hành, phải xem từ đâu? Từ thị dục mà xem. Thị hiếu của quí vị, du͙© vọиɠ của quí vị, nếu như mỗi năm mỗi nhạt dần, công phu của quí vị tiến bộ rồi. Trí tuệ của quí vị nhất định tăng trưởng. Bởi vì điều này tương đương như hai mặt sáng tối vậy. Đen tối bớt đi rồi thì ánh sáng liền nhiều lên, ánh sáng ít rồi thì đen tối nhiều lên. Nó là cùng một sự việc. Cho nên Phật nói “phiền não tức bồ đề”, tăng giảm hỗ tương nhau. Thị dục của chúng ta nhạt đi một phần, trí tuệ bát nhã của chúng ta liền tăng lên một phần. Thị dục của chúng ta nếu như nhiều thêm một phần, thị hiếu du͙© vọиɠ, thị dục tăng thêm một phần, trí tuệ của chúng ta liền giảm một phần. Chư Phật Như Lai thị dục đoạn tận hoàn toàn không có nữa, cho nên mới chứng đắc vô thượng bồ đề rốt ráo viên mãn. Danh tự này cũng là giả lập, không được chấp trước danh tự, không được phân biệt danh tự, chấp trước danh tự, phân biệt danh tự vẫn là rơi vào trong thị dục. Quí vị nghĩ xem, vẫn còn chưa sạch sẽ. Cho nên chư Phật Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta, đặc biệt nhắc nhở chúng ta bảo chúng ta không nên chấp trước tướng ngôn thuyết, không nên chấp trước tướng danh tự, không nên chấp trước tướng tâm duyên. Quí vị mới có thể đắc chân thật nghĩa. Chân thật nghĩa không phải nơi người khác, chân thật nghĩa là tự giác. Tuyệt đối không phải nói Như Lai chân thật nghĩa là chân thật nghĩa của Phật Thích Ca Mâu Ni, chân thật nghĩa của Phật Tỳ Lô Giá Na, sai rồi, là tự tánh giác ngộ. Đó là chân thật nghĩa. Họ không nói nguyện giải chân thật nghĩa của chư Phật, là nói nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa. Như Lai là tự tánh. Từ tánh mà nói, không phải là từ tướng mà nói.
Loại tam muội thứ hai chính là phương thức tu hành, “thường tọa”. Thường tọa cũng gọi là “nhất hạnh tam muội”. Trong Thiền tông Trung Quốc dùng là điều này. Văn Thù Vấn Bát Nhã Kinh, trong đây nói rõ cũng là dùng “90 ngày làm một kỳ, chuyên duyên pháp giới”, dùng phương pháp này để khai ngộ. Tuy là thường ngồi cũng phải có phương pháp điều thân. Nếu như mỗi ngày thời gian ngồi nhiều quá, không có hoạt động, chúng ta biết sinh lý chịu không nổi, sẽ ngồi cho sinh bệnh luôn. Cho nên có một số dụng công không như pháp, ngồi đến cuối cùng mạch máu của đôi chân bế tắc, xảy ra vấn đề, phải cưa mất chân, chúng tôi đã nhìn thấy rồi. Đó là gì? Ngồi thiền không như pháp, không hiểu pháp, nhất định miễn cưỡng chống đỡ, đến cuối cùng thân thể trở thành tàn phế. Vì thế đường chủ trong thiền đường, đó là người đã có kinh nghiệm, họ hiểu được, họ có thể quan sát tình hình tu hành của mỗi người, gặp phải những chướng nạn này, họ có phương pháp để giải quyết cho quí vị, để giúp đỡ quí vị. Thiền và mật nếu như không có thiện tri thức thực sự ở bên cạnh quan sát, hướng dẫn quí vị, thì cơ hội xảy ra bệnh rất nhiều rất nhiều. Chúng ta ngày nay nhìn thấy rất nhiều người thần kinh phân liệt, những bệnh nhân nhẹ một chút lúc không phát tác dường như rất bình thường, vừa phát tác lập tức không bình thường nữa. Một người đang đàng hoàng như vậy, tôi ở nước ngoài nhìn thấy rất nhiều đều là sinh viên, du học sinh, có một số lấy được học vị thạc sĩ, lấy được học vị tiến sĩ. Lúc chưa học Phật rất tốt, rất bình thường, học Phật học được nửa năm một năm, nghe nói họ bị thần kinh phân liệt, phải vào bệnh viện tâm thần rồi. Chúng tôi nghe nói vậy, buồn biết bao. Nguyên nhân là gì? Tu học không như pháp. Cho nên tu học phải như lý như pháp, mới có thể được thọ dụng. Không như lý không như pháp, không có thiện tri thức ở bên cạnh hướng dẫn, bản thân tu mù luyện bậy, rất ít người không xảy ra bệnh. Sau khi xảy ra bệnh rồi cũng hết thuốc chữa. Có không ít người xảy ra bệnh đến tìm tôi, gia thân quyến thuộc của họ dẫn đến tìm tôi, tôi không có năng lực đó, không có cách gì cứu họ. Đạo tràng mà họ thân cận, thiện tri thức mà họ thân cận, cũng không thể cứu họ. Thực sự mà nói, những người thầy của họ phải chịu trách nhiệm. Ông làm cho một người lành lặn trở thành một người như vậy, ông làm sao mà xứng đáng với người ta?
Vậy nên trong tất cả pháp môn, pháp môn niệm Phật là pháp môn ổn thỏa tốt đẹp nhất, không dễ dàng xảy ra sai lầm. Không có thiện tri thức bên cạnh hướng dẫn cũng được, chỉ cần quí vị trung thực y theo những điều trong Kinh Vãng Sanh đã giảng mà làm, Kinh Vãng Sanh chính là Tịnh Độ tam kinh: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Kinh Phật Thuyết A Di Đà.
Ở Trung Quốc từ xưa đến nay người y theo Kinh A Di Đà tu học nhiều nhất, mười năm trở lại đây, chúng tôi đề xướng Kinh Vô Lượng Thọ. Vì sao phải đề xướng bộ kinh này mà không đề xướng tiếp bộ Kinh A Di Đà? Có rất nhiều người nghi hoặc, không hiểu được đạo lý này. Ngày xưa đề xướng Kinh A Di Đà chắc chắn có lợi ích, chắc chắn có điều tốt. Vì sao vậy? Dân quốc trở về trước, Dân quốc sơ niên, hoàn cảnh xã hội Trung Quốc, giáo dục còn chưa phổ cập, người tiếp nhận giáo dục không nhiều, phong tục còn tương đối thuần phác, con người rất thật thà, nói rõ với quí vị rằng lão bá tánh thời xưa là lão bá tánh thiện lương nhất, dễ dạy, dạy họ niệm Phật họ sẽ thật thà mà niệm Phật, Kinh Di Đà đủ để dùng rồi. Nhưng hiện nay không được nữa, hiện nay trường học nhiều, cơ hội được giáo dục phổ biến, nói cách khác, con người không trung thực nữa. Họ ngày ngày suy nghĩ lung tung, bộ Kinh Di Đà này họ xem là câu chuyện thần thoại. Kỳ thật, kinh nghĩa của Kinh Di Đà rất thâm sâu. Quí vị xem Sớ Sao của đại sư Liên Trì, Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích, họ vừa xem, xem không hiểu, hình như chú giải còn sâu sắc hơn cả kinh. Họ nếu như không hiểu được một chút đạo lý, họ làm sao có thể tiếp thu chứ? Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ khế hợp nhất với căn cơ chúng sanh hiện tại, đặc biệt là trong một xã hội dân chủ phóng khoáng này. Họ hiểu lý, họ phải hiểu được đạo lý. Họ phải biết đây rốt cuộc là chuyện gì, không giảng cho họ rõ ràng, không giảng cho họ thấu đáo, họ không thể tiếp thu. Hơn nữa dịch bản của Kinh Vô Lượng Thọ quá nhiều, mỗi một bản dịch chư vị tỉ mỉ xem xem, trong đó đều có rất nhiều câu văn rất tối nghĩa, không dễ hiểu, không dễ lý giải, đọc ra cũng không thuận cho lắm. Bởi vì nguyên nhân này, cho nên mới có bản hội tập xuất hiện.
Lần đầu tiên hội tập là đời nhà Tống cư sĩ Vương Long Thư, bản hội tập này lưu thông rất rộng rãi, hơn nữa được thu vào trong Long Tạng. Nếu như bản hội tập này không có giá trị, làm sao có thể thu thập vào trọng Đại Tạng Kinh chứ? Đại sư Liên Trì chú giải Di Đà Kinh Sớ Sao, trong đó trích dẫn kinh văn Kinh Vô Lượng Thọ, gần như một nửa là trích dẫn bản hội tập của Vương Long Thư. Cho thấy bản của ông ấy được chư Tổ sư khẳng định. Trong bản này có vấn đề hay không? Đương nhiên có vấn đề. Nếu như không có vấn đề, hậu nhân hà tất phải hội tập? Không cần thiết phải hội tập mới lại. Hội tập đích thực chưa được viên mãn, cho nên Tiền Thanh có tiết hiệu bản của Bành Tế Thanh. Đây là việc của thời kỳ Càn Long. Có bản hội tập lần thứ hai của Ngụy Mặc Thâm. Đó là việc của thời kỳ Hàm Phong. Bản do Ngụy Mặc Thâʍ ɦội tập đích thực tốt hơn bản hội tập của Vương Long Thư, nhưng cũng không thể làm cho người ta mãn ý. Đến thời đại Dân quốc Lão cư sĩ Hạ Liên Cư làm lại một lần hội tập nữa. Chúng ta từ truyện ký nhìn thấy ông ấy dùng thời gian mười năm mới hoàn thành định bản này, bản mà hiện tại chúng ta đọc. Bản này chư vị tỉ mỉ đối chiếu với năm nguyên bản dịch để xem, so sánh để xem, chúng ta không thể không khâm phục. Đương thời cao tăng đại đức rất tán thán đối với bản này. Dân quốc sơ niên, tại Trung Quốc pháp sư Từ Chu trì giới tinh nghiêm, đã làm cho bản hội tập của Kinh Vô Lượng Thọ, bản hội tập của Hạ lão cư sĩ một khoa phán. Cho nên người đầu tiên làm khoa phán cho kinh này là pháp sư Từ Chu. Chúng tôi làm khoa phán là lấy khoa phán của pháp sư Từ Chu làm cơ sở. Khoa phán của pháp sư Từ Chu, là tôi đến Bắc Kinh thăm lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ông ấy tặng cho tôi. Pháp sư Từ Chu có giảng qua bản này, lão cư sĩ Hoàng NiệmTổ trong lời bạt có ghi lại. Vì thế đây là một bản vô cùng trân quí hiếm có. Bản này nhất định sẽ lưu thông trong thời kỳ mạt pháp chín ngàn năm, quảng độ chúng sanh. Quả nhiên bản này sau khi chúng tôi lưu thông ra được đón nhận vô cùng, vượt hơn cả mong đợi của chúng tôi. Chúng ta nghĩ xem vì sao lại có hiện tượng như vậy? Chúng sanh thiện căn, phước đức, nhân duyên thành thục. Thứ hai là oai thần của mười phương tất cả chư Phật Bồ Tát gia trì. Chúng ta mới thấy được những hiện tượng này. Bản thân chúng ta chẳng qua cũng chỉ là làm một chút tăng thượng duyên mà thôi, chắc chắn không có năng lực này. Năng lực này đến tự chúng sanh thiện căn, phước đức thành thục, đến từ mười phương ba đời chư Phật Bồ Tát oai thần gia bị. Đây là điều vì sao chúng tôi phải hoằng dương bản hội tập này. Đạo lý chính là đây vậy.
Tông môn thiền tọa, điều thân, kinh hành, họ ngồi một thời gian phải đứng lên vận động, nhất định không phải cứ ngồi hành xác như vậy, như vậy sẽ ngồi cho thân thể bệnh mất. Thân thể là bộ máy, bộ máy này cần phải vận động. Đoạn trước thường hành là vận động, tức là chúng ta nói đi kinh hành. Kinh hành là vận động tốt nhất. Cho nên trong niệm Phật đường chắc chắn phải lấy kinh hành làm chính, thời gian phải chiếm dài nhất.
Niệm Phật đường chúng ta hiện nay có mấy vị pháp sư đang dẫn dắt, sư Ngộ Vĩnh nói với tôi họ kinh hành một tiếng đồng hồ, tĩnh tọa 50 phút, tôi nghe xong giật mình, tôi nói với họ thời gian tĩnh tọa dài quá, thời gian tĩnh tọa chắc chắn không thể vượt qua nửa tiếng đồng hồ, lý tưởng nhất là 20 phút, quí vị kinh hành một tiếng đồng hồ, ngồi xuống nghỉ ngơi 20 phút, đủ rồi. Lúc nghỉ ngơi cảm thấy thể lực mình khôi phục rồi, lại kinh hành tiếp. Như vậy mới tốt. Đương nhiên niệm Phật đường người nhiều, mỗi một người tình hình sức khỏe khác nhau, mọi người cùng hành động đích thực có những bất tiện cho một số người.
Tôi năm xưa nghĩ đến vấn đề này, ở nước ngoài pháp sư ít, người dẫn dắt mọi người cùng tu không dễ dàng, cho nên tôi liền nghĩ ra một phương pháp, tôi dùng máy niệm Phật, không cần đến pháp sư đánh pháp khí để lãnh đạo, chúng ta chia niệm Phật đường thành ba khu vực. Khu vực thứ nhất là đường đi kinh hành nhiễu Phật. Tượng Phật chúng ta thờ giữa Phật đường, nhiễu Phật sẽ tương đối thuận tiện. Trước Phật tượng chỗ này chúng ta trải thảm để lạy Phật, là khu vực lạy Phật. Hai bên đường nhiễu Phật dựa vào tường vách, chúng ta trải bồ đoàn, khu vục để tĩnh tọa, hoàn toàn khai mở. Tức là nói quí vị thích nhiễu Phật quí vị cứ việc đi kinh hành tại khu vực nhiễu Phật, quí vị nhiễu Phật mệt rồi, bản thân quí vị muốn nghỉ ngơi, bản thân đến nơi chỗ bồ đoàn để diện bích. Quí vị cảm thấy ngồi lâu rồi, cần phải vận động vận động, quí vị đến trước Phật để lạy Phật. Quy củ trong Phật đường chắc chắn ngăn cấm nói chuyện, nhất định tịnh khẩu. Đi vào niệm Phật đường thì không được vọng tưởng, không được nói chuyện với bất cứ người nào, pháp sư đi vào cũng không chào hỏi, thấy cũng như không thấy, quyết không phá hoại chánh niệm. Phương pháp này sau khi phổ biến rất được mến mộ. Đi vào niệm Phật đường không có mảy may áp lực nào. Quí vị tùy tiện lúc nào đi vào cũng được, quí vị có việc bất cứ lúc nào cũng có thể rời đi, không cần chào hỏi bất cứ ai. Quí vị đi vào nhè nhẹ mà vào, lúc đi ra cũng nhè nhẹ mà đi ra. Cho nên trong đây không cần đến người xuất gia lĩnh chúng. Chúng ta dùng máy niệm Phật là được rồi. Người đi kinh hành, nương theo máy niệm Phật niệm Phật ra tiếng, tĩnh tọa trong tâm niệm Phật hoặc là nghe âm thanh niệm Phật, không niệm ra tiếng. Lúc lạy Phật cũng chuyên tâm nghe danh hiệu Phật, trong tâm có thể mặc niệm, cũng không niệm ra tiếng. Lạy Phật niệm ra tiếng thì tổn khí, tổn hại thân thể. Lúc tĩnh tọa là lúc quí vị nghỉ ngơi, cần khôi phục thể lực, cho nên không niệm ra tiếng là tốt nhất. Niệm Phật ra tiếng chỉ là lúc đi kinh hành, nhiễu Phật kinh hành thì cần niệm Phật ra tiếng. Luôn lấy kinh hành nhiễu Phật làm chính. Nhưng hiện nay chúng ta người nhiều, nhiễu Phật bồ đoàn nhiều như vậy vòng qua vòng lại, tôi ở đó xem thấy rất chóng mặt. Cũng không có cách gì, chỗ nhỏ quá, người nhiều quá. Nhiễu Phật tốt nhất là nhiễu một vòng tròn, không nên lượn qua uốn lại, đó là lý tưởng nhất. Nhưng hiện tại niệm Phật đường chúng ta không được, người nhiều quá, tương lai chúng ta ở Dương Thố Cảng nơi này niệm Phật đường hình tròn, sau khi xây xong đại khái cũng có thể được, nơi đó tôi nghe nói có thể dung chứa 1500 người, có thể dung nạp 1500 người, nếu như nói là ba bốn trăm người đi niệm Phật, vậy thì lý tưởng nhất, không gian này đủ rồi.
Cho nên môi trường tu học rất quan trọng. Phải hiểu được điều tâm như thế nào, điều thân như thế nào, niệm Phật niệm cho được rất dễ chịu, niệm rất an vui, niệm đến pháp hỷ sung mãn. Vậy mới tương ưng. Nếu như niệm đến phiền não khởi hiện hành, niệm đến toàn thân không dễ chịu, vậy là phương pháp dụng công của quí vị có sai lầm rồi. Quí vị nhất định phải nhanh chóng điều chỉnh nó trở lại. Niệm Phật, tham thiền đều phải chú trọng những điều này. Phương pháp này sau khi tôi đề xướng ra cũng làm theo rồi, sau này tôi thấy đại sư Hành Sách, ngài dạy mọi người phương pháp niệm Phật dụng công và phương pháp của tôi rất tương tự. Tôi nhìn thấy rất hoan hỷ. Phương pháp ngài dùng phân ban, phân thành ba ban, mỗi một ban bốn vị pháp sư lãnh đạo. Lúc đó chưa có mày niệm Phật. Ngài cũng dùng một ban nhiễu Phật, hai ban tĩnh tọa. Người nhiễu Phật niệm Phật ra tiếng, người tĩnh tọa nghe danh hiệu Phật mặc niệm. Ban này nhiễu một cây hương, ban thứ hai liền tiếp tục, ban này đổi xuống tĩnh tọa. Dùng phương pháp này để điều hòa. Niệm Phật đường hai mươi bốn tiếng đồng hồ danh hiệu Phật không gián đoạn. Nó là chế định luân ban. Dùng phương pháp này, nhưng lúc đó đạo tràng người nhiều, có pháp sư lãnh đạo. Chúng ta hiện tại muốn tìm 12 pháp sư đến lãnh đạo, tìm không ra, đi đâu mà tìm chứ? Hơn nữa ngày đêm không gián đoạn, tương đối dễ dàng.
Ngày nay chúng ta dùng máy niệm Phật, phương pháp này tốt. Đạo tràng của chúng ta cũng 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn. Nên tôi tại Úc châu, Úc châu niệm Phật đường không lớn, năm mươi sáu mươi người niệm Phật vô cùng thích hợp. Bên cạnh Phật đường của chúng tôi là nhà nghỉ ngơi. Trong nhà nghỉ ngơi này còn có giường nệm, người thuận tiện phát tâm niệm Phật tại niệm Phật đường, ban đêm niệm Phật niệm mệt rồi, có thể đến bên đó nghỉ ngơi, nghỉ ngơi tại niệm Phật đường mặc áo tràng, quí vị đến nơi đó nằm nghỉ trên giường áo tràng không nên cởi ra. Vì sao vậy? Tạm thời nghỉ ngơi, áo tràng vừa cởi ra, ngủ quên rồi không biết, ngủ đến ngày mai rồi mà cũng chưa biết. Hi vọng ngủ một tiếng đồng hồ hai tiếng đồng hồ, vừa tỉnh trở lại, lập tức trở về với niệm Phật đường. Cho nên có một nhà cho nam chúng nghỉ ngơi, có một nhà cho nữ chúng nghỉ ngơi. Như vậy đối với đồng tu niệm Phật hoàn toàn không có áp lực. Bản thân quí vị tùy thời có thể điều chỉnh. Quí vị thích kinh hành, nhiễu Phật niệm Phật, nhiễu mệt rồi thì quí vị chỉ tĩnh. Quí vị ngồi nghỉ, thực sự ngồi có lúc buồn ngủ thì phòng kế bên có chỗ nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong rồi tiếp tục nhanh chóng niệm. Phương thức này của tôi thực sự mà nói đều là từ phương pháp của Lão hòa thượng Đế Nhàn dạy cho người thợ hàn mà có được.
Pháp sư Đế Nhàn dạy đồ đệ của Ngài, chỉ là một câu A Di Đà Phật, niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong rồi nhanh chóng tiếp tục niệm, không kể ngày đêm. Không có thời gian. Đồ đệ người thợ hàn của ngài thực sự chân thành, y giáo phụng hành, vì thế niệm đến ba bốn năm ông ấy thành công rồi, ông ấy vãng sanh tự tại biết bao, biết trước giờ đi, trước vãng sanh một hai ngày ông ấy đi thăm bạn bè của mình, ông ấy từ khi vào chùa ba bốn năm chưa từng ra khỏi cửa, giống như là nhập thất rồi, đâu cũng không đi, chỉ ở đó thật thà mà niệm, ngày hôm đó ông phá lệ, ra ngoài đến trong thành thăm viếng bà con bạn bè, đó là đi từ biệt. Sau khi trở về ông ấy có một người hộ pháp, một bà già chăm sóc cuộc sống cho ông ấy, nấu cơm cho ông, giặt áo quần, chăm sóc cho ông, ông nói với bà này: ngày mai không cần nấu cơm cho tôi nữa. Bà lão nghe xong cho là gì? Ông ấy hai ngày nay ra ngoài thăm bạn bè, có lẽ ngày mai lại có bạn bè mời ông ấy ăn cơm, nên không cần nấu cơm cho ông nữa. Bà lão này chỉ nấu hai bữa cơm, bữa trưa và bữa tối. Sáng sớm ông tự làm, bữa sáng đơn giản. Đến trưa bà lão này lại đến xem xem sư phụ có ăn cơm hay không? Lúc đến, nhìn thấy sư phụ đứng đó, đã vãng sanh rồi, đứng mà đi. Lão pháp sư Đế Nhàn rất tán thán ông, không xuất gia uổng phí. Tán thán ông, pháp sư giảng kinh, phương trượng trú trì tòng tâm chưa chắc đã bằng ông. Ông ấy xuất gia chưa thọ giới, chưa từng cùng đại chúng cùng lên điện, ông ấy không biết chữ, cũng không biết đọc kinh, cũng chưa từng nghe qua giảng kinh lần nào. Chỉ là một điều trung thực. Sư phụ dạy ông ấy, trung thực niệm một câu A Di Đà Phật, niệm mệt rồi thì ông nghỉ ngơi chốc lát, ông nghỉ ngơi xong rồi thì niệm tiếp tục, ông ấy liền y giáo phụng hành, đã thành tựu rồi.
Chúng ta nghe nói, cũng muốn theo phương pháp của ông ấy mà làm, được hay không? Chắc chắn bị mê. Vì sao vậy? Chúng ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều, ông ấy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không còn nữa. Cho nên đây là người ngu, ngu không thể được. Chúng ta và ông ấy khác nhau. Người hạ ngu bế quan có thể thành tựu, người như chúng ta bế quan sẽ phát điên, sẽ bị bệnh thần kinh. Rất nhiều người trẻ tuổi phát tâm đi nhập thất, lúc vẫn còn sống thì leo tường nhảy xuống mà chạy mất, mạng này thì cứu được rồi. Nếu như không chịu nhảy tường bỏ chạy thì quí vị bị bệnh thần kinh phân liệt. Chúng tôi thấy rất nhiều. Cho nên học Phật phải quán cơ. Đặc biệt là phải quán sát bản thân là căn cơ gì. Ông ấy phương pháp này có thể thành tựu, chúng ta không thể nào học ông ấy. Chúng ta không phải là người căn tánh như ông ấy. Điều này nhất định phải hiểu được. Nhưng phương pháp của ông ấy chúng ta có thể dụng vào niệm Phật đường, là một phương pháp tốt. Dùng vào niệm Phật đường, chúng ta dùng máy niệm Phật, đặc biệt là thiếu người xuất gia hướng dẫn. Cho nên tôi đem phương pháp này giới thiệu cho rất nhiều Tịnh Tông học hội, đều là đạo tràng của cư sĩ tại gia. Hơn nữa phương pháp này phổ biến tương đối có hiệu quả. Rất nhiều đồng học đến nói với tôi: rất đắc lực. Vì thế phương pháp này là từ nơi này mà có được.
Phương thức thứ ba là “bán hành bán tọa”. Trong tiểu chú giải nói: “Pháp Hoa, Phương Đẳng, đẳng sám hạn kỳ bất định, hoặc tam thất, nhất thất đẳng”. Chúng ta đả Phật thất là thuộc về loại này.
Tổ sư Đại đức biên soạn cho chúng ta rất nhiều sám nghi, sám nghi chính là phương pháp tu hành. Trong Vạn Tục Tạng thu thập vào rất nhiều. Đây là thuộc về loại này, bán hành bán tọa. Thí dụ như chư vị từng tham gia tam thời hệ niệm, tam thời hệ niệm Phật sự thuộc về sám nghi, trong đó có ngồi cũng có kinh hành, cũng có kinh hành nhiễu Phật. Thời gian tam thời này là một ngày. Phật thất pháp sự là bảy ngày. Hiện nay còn nghe nói có tổ chức Phật nhất, Phật nhị, Phật tam gì đó. Đó chỉ là phương pháp biến thông, cũng tốt. Chỉ cần chịu niệm Phật đều tốt.
Loại cuối cùng là “phi hành phi tọa” cũng gọi là “tùy tự ý”, trong chú giải nói: pháp hành các kinh, không chuyên hành tọa, đều thuộc vào pháp này. Phương pháp mà pháp sư Đế Nhàn dạy người thợ hàn thuộc về loại này, mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi nhanh chóng niệm tiếp. Lúc niệm đứng mà niệm cũng được, ngồi mà niệm cũng được, đi mà niệm cũng được. Tùy ý. Cho nên điều này đối với người hiện đại chúng ta là thuận tiện nhất. Chúng ta dùng phương thức này giúp đỡ chúng sanh niệm Phật, thành tựu chúng sanh niệm Phật, rất được xã hội đại chúng đón nhận. Tu hành dụng công không thể đem lại cho mọi người áp lực. Đi vào Phật môn đồng thời cũng chắc chắn không được làm cho người ta có áp lực, không làm cho người khác có áp lực, bản thân sẽ không có áp lực. Cho nên khuyên người học Phật, khuyên người niệm Phật, nhất định không thể hỏi người ta xin một đồng tiền nào. Người khác phát tâm cúng dường thì được, chúng ta nhất định không được có ý muốn người khác cúng dường. Quí vị có ý niệm này thì tâm sai rồi, hoàn toàn không tương ưng. Một sai tất cả sai. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Chúng ta hoằng pháp lợi sanh, đúng là cần đến tài lực, nhưng phải ghi nhớ, có tiền thì làm, không có tiền thì không làm, tiền nhiều thì làm nhiều, tiền ít thì làm ít. Quí vị nói xem như vậy tự tại biết bao. Tiền từ đâu mà đến? Tự nhiên mà đến. Điều này tốt. Tôi chưa từng nghĩ đến phải làm thế nào để mà kiếm ra tiền. Đó là việc khổ.
Tổ sư Đại đức làm gương cho chúng ta, đúng vậy, ở Trung Quốc có không ít tự viện tòng lâm trùng hưng như thế nào? Tuyệt đối không phải là người xuất gia ra ngoài hóa duyên để xây dựng, không có đạo lý này. Việc hóa duyên này chư vị xem Đại Tạng Kinh, quí vị lật xem trong bộ kinh nào có hóa duyên? Không có, chưa nhìn thấy, chưa nghe qua. Chư Phật Bồ Tát, trong kinh, chúng ta thấy cũng có hóa duyên, hóa một người, cơ duyên thành thục rồi, hóa một người, không có đi khắp nơi hóa tiểu duyên, không có sự việc này. Trưởng giả giàu sang chỉ hóa một người. Quí vị nghĩ xem Bồ Tát Địa Tạng hóa một mình Mẫn công, Cửu Hoa Sơn là sản nghiệp của ông ấy, một mình ông quyên góp là thành tựu rồi, một người là được rồi. Hóa tiểu duyên há không phải là mệt chết sao? Đi tìm nhiều người như vậy phiền phức. Hơn nữa hóa duyên hóa người này căn cơ của họ thành thục rồi, họ sẽ rất hoan hỷ, rất vui lòng, tuyệt đối không gây phiền phức cho họ, cũng sẽ không gây cho họ chút áp lực nào. Họ đích thực có năng lực này, đưa ra rất dễ dàng.
Chúng ta ngày nay muốn làm thôn Di Đà cũng là hóa duyên, hóa một người, cư sĩ Hồng Cung Lan, ông ấy có năng lực này, ông ấy cũng có nguyện tâm này. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên có ý muốn làm thôn Di Đà. Cư sĩ Hồng, hai người họ chưa từng gặp mặt, có ý muốn cuối đời làm một việc tốt, quí vị thấy hai người không phải chí đồng đạo hợp rồi sao? Lý Mộc Nguyên nghĩ đến việc muốn tìm ông ấy, ông ấy cũng nghĩ đến việc tìm Lý Mộc Nguyên, sự việc này là vừa khéo như vậy. Cho nên cư sĩ Lý Mộc Nguyên vừa nghe nói cư sĩ Hồng muốn tìm ông ấy, lập tức đi gặp ông ấy, lúc vừa gặp nhau, hai người đã bàn đến việc này. Đúng là chí đồng đạo hợp, đất được hiến tặng rồi, hơn nữa hứa với Lý cư sĩ lúc xây dựng nếu không đủ thì tìm ông ấy. Đây là duyên thành thục, Phật, Bồ Tát an bài rồi. Đây không phải là người an bài. Tin tức truyền đến rồi, có một số người tùy hỷ, đó là tùy hỷ công đức, nhất định không phải là kêu gọi quyên góp, nhất định không phải phân công người này góp bao nhiêu tiền, người kia góp bao nhiêu tiền, như vậy không phải là hại người ta rồi sao? Ai còn dám vào cửa Phật nữa? Vào cửa Phật đều là cần tiền, vậy không nguy quá sao? Người bỏ tiền ra nhiều thì vị trí xếp đằng trước, được tiếp đón tốt. Người bỏ tiền ra ít xếp vào một bên không ai quan tâm. Cư Sĩ Lâm không có hiện tượng này. Rất nhiều người đối với Cư Sĩ Lâm có cống hiến rất lớn, bỏ ra tài lực rất lớn, đến Cư Sĩ Lâm cũng ngồi ở phía góc ăn cơm, không có ai nhận biết. Mọi người chúng ta đều không quen biết, Lý cư sĩ quen biết, nhìn thấy gật gật cười cười, ông ấy ở bên cạnh, không có ai chiêu đãi. Đạo tràng này là đạo tràng bình đẳng, là đạo tràng chánh pháp. Tuyệt đối không vì ông hộ trì có công rồi đặc biệt lễ nghĩa, tiền ông bỏ ra ít thì lạnh nhạt gạt qua một bên, không có, đều bình đẳng như nhau. Lý cư sĩ nói ông bỏ tiền ra, ông làm công đức là việc của ông, không liên quan gì đến tôi. Vì sao tôi phải tiếp đãi ông. Vì sao tôi phải đặc biệt chiếu cố đến ông? Lý niệm chính xác. Cho nên chúng tôi hoan nghênh các đồng tu học Phật khắp nơi trên thế giới đến Singapore quan sát học tập, đến tham quan, xem xem cách làm của chúng tôi ở địa phương này. Bình thường chúng ta giảng kinh chỉ là giảng như vậy, quí vị cũng chưa chắc có thể tin tưởng, quí vị cũng chưa chắc có thể lãnh hội được, tận mắt đến đây xem xem, chúng tôi ở đây không những ngày này giảng kinh, đem những điều đã giảng đều thực tiễn được, đều làm được rồi. Chư vị có thể tỉ mỉ đến xem xem. Hi vọng đem lý niệm này, đem cách làm này, đem về nơi bản thân quí vị cư trú, hi vọng mọi người đều có thể xây dựng một đạo tràng như pháp. Hi vọng đạo tràng quí vị xây dựng hơn hẳn Singapore. Vì sao vậy? Cổ nhân nói rất hay: “người sau hơn kẻ trước”, đây là đạo lý chắc chắn. Quí vị đến nơi đây tham quan, những điều tốt ở đây quí vị đều học được, những điều không tốt ở đây quí vị đều cải tiến. Đạo tràng của quí vị đương nhiên hơn hẳn nơi đây. Đây chính là nguyên nhân vì sao người sau hơn kẻ trước. Chúng ta ở đây kiến lập mức cơ sở, mức độ thấp nhất. Hi vọng mọi người lúc làm đều cao hơn chúng ta ở đây, thì chúng ta làm mới có ý nghĩa, mới có giá trị. Nếu như những đạo tràng khác không bằng chúng ta thì chúng ta thất bại rồi. Hi vọng chúng ta là tiêu chuẩn thấp nhất trong thế kỷ hiện đại này. Chúng ta tu học, đồng tu tại gia là mức độ thấp nhất của người tại gia, xuất gia là mức độ thấp nhất của người xuất gia, đạo tràng là mức thấp nhất của đạo tràng. Chúng ta không có mảy may ý niệm kiêu mạn nào, chân thành từ bi, khiêm tốn cung kính. Đối với tất cả mọi người, mọi việc, mọi vật đều phải duy trì tâm thái này.
Hai câu dưới đây chúng ta phải ghi nhớ, quí vị xem ba loại trước là “thật tướng lý quán”, loại cuối cùng này là “duy thức sự quán”, đây là kiểu phán pháp của cổ đức, không thể nói là không có lý, nhưng chúng ta nhất định không được chấp trước cách phán pháp của họ cung cấp cho chúng ta tham khảo. Rốt cuộc là thuộc về lý quán hay thuộc về sự quán. Sự thật không có nhất định, hoàn toàn do nơi con người. Con người nếu như không nhập lý, tu Ban châu tam muộn, tu nhất hạnh tam muội cũng là sự quán, cũng không phải là lý quán. Thậm chí “quán” đó cũng không đạt đến được, chỉ có sự, không có quán. Đây là sự thật. Chúng tôi cũng từng gặp không ít rồi. Sự tướng là chiếu theo sự, chưa nhập quán được. Nhập quán công phu của họ đã đắc lực rồi, thật có công phu. Đó chính là nói quan niệm của họ thay đổi, tư tưởng thay đổi rồi. Vậy mới nhập quán. Một là từ trong duy thức sự lý mà nhập quán.
Quán, công phu có ba tầng, cạn nhất là “quán chiếu”, sâu hơn một tầng nữa là “chiếu trú”, cao nhất là “chiếu kiến”. Đây là ba thứ lớp của quán chiếu. Cùng với trong niệm Phật chúng ta nói đến công phu thành phiến, sự nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn. Danh xưng chúng ta dùng không giống nhau, cảnh giới sự thật là tương đồng. Quán chiếu chính là Tịnh Tông chúng ta nói công phu thành phiến. Chiếu trú là chúng ta nói sự nhất tâm bất loạn. Chiếu kiến chính là lý nhất tâm bất loạn. Bất luận từ lý hay từ sự, đều có thể thành tựu công phu này. Cho nên trong pháp môn niệm Phật của chúng ta có lý niệm, có sự niệm.
Quí vị xem đại sư Liên Trì, đại sư Ngẫu Ích trong chú giả Kinh Di Đà giảng rất tường tận. Hoàn toàn không phải nói lí niệm mới có thể đắc lý nhất tâm, sự niệm đắc sự nhất tâm, không phải vậy. Trong lý niệm có công phu thành phiến, có sự nhất tâm bất loạn, có lý nhất tâm bất loạn. Trong sự niệm cũng như vậy, cũng có công phu thành phiến, sự nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn. Lý sự là hai con đường, hai phương thức, hai phương thức đều giống nhau, đều có thể khế nhập lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn là chiếu kiến. Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói: “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đó là thành tựu cao nhất trong quán. Cho nên bất luận là lý, hay là sự, nếu như không nhập quán thì không thể nói đến công phu. Lời này nếu tôi nói rõ hơn chút nữa, thẳng hơn chút nữa, bất luận là sự, hay là lý, quí vị ở trong đây tu học, nếu như không thể chuyển biến trở lại quán niệm của quí vị, thì quí vị không đạt được lợi ích chân thật. Nhất định phải chuyển biến quán niệm của bản thân. Chuyển biến quán niệm gì vậy? Nói thẳng thắn hơn tí nữa, nói rõ ràng hơn tí nữa là chuyển biến quan niệm tự tư tự lợi, đem tự tư tự lợi chuyển biến thành lợi ích tất cả chúng sanh. Vậy là sự tu hành này quí vị đã đạt đến điều tốt rồi. Quí vị thực sự đang tu, tu là tu sữa. Tự tư tự lợi là quan niệm sai lầm, lợi ích chúng sanh là quan niệm chính xác. Đem quan niệm sai lầm tu sửa thành quan niệm chính xác, đây gọi là tu quán. Đây là một tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh của việc tu học Phật Pháp. Vì thế bất luận là từ lý, hay là từ sự, lý sự là mỗi cá nhân gặp duyên khác nhau, trong lý có sự, trong sự có lý, hoàn toàn không phải nói trong duy thức sự quán thì không có lý. Trong duy thức sự quán là nói thật tướng lý. Trong thật tướng lý cũng nói duy thức sự. Vì thế Tổ sư tuy có mấy cách nói này, vừa rồi tôi đã nói với mọi người, có thể cung cấp cho chúng ta làm tham khảo, nhất định không được cố chấp. Nếu như cố chấp là sai lầm rồi. Vậy chính là nói “chết trong câu cú”. Đây là nói về bốn loại tam muội, chỉ đơn giản giới thiệu cho quí vị đến chỗ này thôi. Nói rõ phương pháp tu hành tuy rất nhiều, trên hình thức cũng không ra ngoài bốn loại này.
Dưới đây “thập thừa quán pháp”, đây là chỉ quán của Thiên Thai, là khóa trình quan trọng nhất, cũng là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành. Thập thừa đương nhiên chính là mười loại. Trong biểu giải này liệt kê ra rất rõ ràng, nó phân thành thượng, trung, hạ căn. Tuy là phân thành thượng trung hạ, chúng ta ở trong Kinh Hoa Nghiêm nhìn thấy, Hoa Nghiêm hiển thị cho chúng ta, nói là viên dung không trở ngại hành bố thí, hành bố thí không trở ngại viên dung, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, cho nên Bồ Tát sơ phát tâm, có thể tu học khóa trình của Đẳng giác Bồ Tát, tu học Đẳng giác Bồ Tát cũng nhất định không xả bỏ thời khóa của Bồ Tát sơ phát tâm. Điều này so với trong trường học thông thường của chúng ta hiện nay, phương thức tu học hoàn toàn không tương đồng. Chúng ta ở trường học cầu học, lên đến lớp hai nhất định đem khóa trình của lớp một đều bỏ sạch hết, làm gì có chuyện vẫn còn đọc sách vở của lớp một? Phật Pháp không như vậy, Phật Pháp đến Đẳng giác Bồ Tát khóa trình sơ phát tâm vẫn đọc, vẫn học, chưa vứt bỏ. Làm sao biết được? Quí vị nghĩ xem ngũ giới thập thiện là khóa trình của sơ phát tâm, Đẳng giác Bồ Tát vẫn phải giữ gìn như vậy. Không phải nói đến Đẳng giác thì ngũ giới có thể không cần giữ nữa, thập thiện có thể không cần nữa, vẫn phải kiên trì, vẫn phải tuân thủ. Sau đó quí vị mới nhìn thấy Phật Pháp dạy học viên dung. Điều này đặc biệt trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng.
Hơn nữa ở Trung Quốc dạy học của Nho gia thực sự mà nói cũng không ngoại lệ. Nho gia dạy học, trẻ con 7 tuổi đi học, chúng ta từ trong Lễ Ký có thể nhìn thấy, trẻ con có người rất thông minh, rất lanh lợi, cũng có người 6 tuổi đi học, còn có 5 tuổi đi học, số đó ít. Đa số là 7 tuổi đi học. Thầy giáo dạy gì? Dạy quét nhà ứng đối, dọn dẹp ứng đối họ suốt đời đều không vứt bỏ. Vì sao vậy? Phụng sự cha mẹ. Hiếu tử chăm sóc cha mẹ, không thể để cho người giúp việc trong nhà dọn dẹp, bản thân tương lai công danh thành tựu, địa vị cao rồi, đại giàu có rồi, trong nhà người giúp việc rất nhiều, nhưng chăm sóc cha mẹ nhất định là bản thân làm. Quét nhà có thể để người trong nhà quét, lúc cha mẹ dùng cơm thì người chăm sóc luôn là việc của người làm con cái phải làm. Nếu như con cái không ở đó chăm sóc cha mẹ là bất hiếu rồi. Từ đó có thể biết, làm đến tể tướng, nếu như cha mẹ họ còn, vẫn phải là tự bản thân chăm sóc cha mẹ, phải đích thân chăm sóc. Lúc nhỏ học được suốt đời đều không xả bỏ được, lên tiểu học, trẻ con học Tứ Thư, Ngũ Kinh. Những thứ đó tương đương với khóa trình của lớp tiến sĩ, vậy là chẳng khác gì trong Kinh Hoa Nghiêm giảng cả. Sơ phát tâm đã học khóa trình cao nhất, đến địa vị cao nhất cũng không xả bỏ những thứ ban đầu thầy giáo đã dạy cho quí vị, không bỏ qua, không có vứt bỏ.
Cho nên Phật Pháp đến Trung Quốc có thể được từ triều đình đến nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, không phải là không có lý. Tư duy, cách làm của Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc và những điều trong Phật Pháp Đại thừa giảng rất gần gũi. Vì vậy kinh giáo vừa truyền đến Trung Quốc có thể ở Trung Quốc bén rễ tốt tươi, phát huy rộng lớn, có nguyên nhân, có đạo lý. Phật Pháp năm xưa truyền bá không chỉ tại Trung Quốc, bốn phương tám hướng, nhưng ở những khu vực khác đều suy tàn rồi, chỉ có ở Trung Quốc phát triển lớn mạnh. Đây là do cùng với văn hóa cổ xưa của Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết.
A Di Đà Phật !!
- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
- Chương 18: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa