- 🏠 Home
- Đô Thị
- Việt Nam
- Đi Xuyên Hà Nội
- Chương 15: Hà Nội Tháng 4-1975
Đi Xuyên Hà Nội
Chương 15: Hà Nội Tháng 4-1975
Đầu tháng 3-1975, các khu phố (nay là quận), huyện ồ ạt tuyển quân. Có vẻ như là tuyển quân như hàng năm nhưng tin hàng nước (Thông tấn xã vỉa hè) lan ra là tổng động viên vì cuối năm 1974 Hà Nội đã có hai đợt tuyển quân. Chắc chiến trường cần quân bổ sung chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Với nam học sinh cấp III, ai sinh năm 1957 đều nhận được giấy báo khám sức khỏe. Và lớp 10G, trường cấp III Đoàn Kết của tôi đã chia tay một bạn bằng bữa bánh tôm Hồ Tây. Tất cả học sinh lớp 10 nhập ngũ đều được Sở Giáo dục công nhận đỗ tốt nghiệp.
Thời kỳ này, dân các tỉnh thành miền Bắc muốn biết tin tức thời sự về chiến đấu và chiến thắng ở miền Nam chỉ có cách nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, đọc báo Nhân Dân nhưng riêng Hà Nội thì có thêm hệ thống loa truyền thanh công cộng và báo Hà Nội mới, một trong hai tờ nhật báo duy nhất của miền Bắc khi đó. Và tất nhiên, một số ít vẫn mở đài BBC, Đài phát thanh của chính quyền Sài Gòn, nhưng lén lút, giấu vợ con vì chẳng may con cái bô bô, công an hộ khẩu, dân phòng hay ông cán bộ tiểu khu nghe thấy thì đi tù, chẳng dám “Anh mở toang cửa sổ nghe đài địch/Nghe nó chửi ta và tin ở tương lai” như nhà thơ Việt Phương viết.
Sáng sớm, tại các chi nhánh của Bưu điện Hà Nội, người xếp hàng mua báo dài dặng dặc, phần lớn là đàn ông trung và cao tuổi vì đọc báo vốn là thói quen từ thời Pháp thuộc của nhiều người Hà Nội. Hà Nội mới cuối tháng Ba và tháng Tư ngày nào cũng có tin thắng trận, lại kèm theo ảnh của phóng viên thông tấn xã tác nghiệp ở chiến trường khiến người đọc rất tin. Nhưng báo cũng còn những tin thiết thực khác, thông báo bán thực phẩm, chất đốt hay ô số mấy của bìa mua hàng bán xà phòng, đường. Chỉ in với số lượng nhất định, giá 5 xu nên có ông đến lượt thì hết đành nài nỉ mua lại của người đã đọc xong. Các quán nước chè nằm rải trên các phố bàn tán sôi nổi về chiến thắng thị xã Buôn Mê Thuột. Rồi sáng hôm sau, người già, người trung tuổi và cả thanh niên đứng dưới loa truyền thanh nghe xong bản tin chiến thắng mới đạp vội đi làm. Cũng từ ngày 16-3, học sinh cấp III chúng tôi trước khi lên lớp phải xếp hàng nghe thông báo tin chiến thắng trên chiến trường miền Nam. Nhà trường còn tổ chức cho học sinh đi xem triển làm tranh cổ động về sản xuất, chiến đấu ở 93 phố Đinh Tiên Hoàng, tham gia diễu hành cổ vũ chiến thắng.
Từ khi Mỹ ném bom miền Bắc, Hà Nội bắt đầu ăn độn mì sợi vì gạo để dành cho tiền tuyến và ưu tiên cho quân đội đóng ở miền Bắc. Nhưng mùa hè năm 1974, người Hà Nội còn phải độn thêm bánh mì. Phòng lương thực phát cho mỗi hộ một cuốn sổ, tùy theo số nhân khẩu, họ quy định một tháng phải ăn bao nhiêu cái bánh loại 225 gam. Tỷ lệ gạo bớt đi, mì sợi tăng lên. Sau này khi sưu tập đồ chiến tranh và đồ sinh hoạt thời bao cấp, tôi biết cụ thể tỉ lệ ăn độn năm 1974 là 40% mì, 60% gạo. Đầu năm 1975, tỷ lệ độn mì tăng lên 50%.
Ngày 26-3, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin quân giải phóng đã giải phóng hoàn toàn thành phố Huế. Người Hà Nội hân hoan vì Hà Nội kết nghĩa với Huế và Sài Gòn. Những ngày này loa truyền thanh công cộng trên các con phố phát đi phát lại bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương. Ngay lập tức hiệu sách Hà Nội-Huế-Sài Gòn ở phố Tràng Tiền chuẩn bị nhiều đầu sách về miền Bắc về Hà Nội cùng đĩa hát của Dihavina, tranh và ảnh, chỉ chờ “trên” cho phép là mang vào tặng Huế. Ngành giáo dục Hà Nội trước đó đã gửi giáo viên trẻ vào dạy tại những vùng giải phóng Quảng Trị cũng sẵn sàng cử giáo viên giúp Huế mở lại trường học khi được lệnh.
Báo Hà Nội mới thời gian này đăng nhiều bài viết của những người con xứ Huế tập kết. Ngày 28-3 đăng bài thơ Hẹn từ buổi ấy của Hoài Việt, từ Hà Nội, tác giả tưởng tượng:
Sớm nay trên đỉnh Phú Văn Lâu sừng sững ngọn cờ
Như chiếc đinh cắm vào đầu Mỹ ngụy
Trời quê hương bỗng rực màu phượng vĩ
Và xốn xang náo nức giọng hò...
Hôm đó trường tôi cũng được nghe chị Linh Nhâm đến ngâm thơ Tố Hữu, giọng chị cảm động, chúng tôi cũng cảm động.
Huế ơi quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu chiều lằng lặng
Mưa nguồn gió bể nắng xa khơi...
Con em tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở 128C phố Đại La hầu hết học cấp III Đoàn Kết, trong đó rất nhiều cô cậu có cha mẹ tập kết. Và khu tập thể này cũng có cả các diễn viên người Nam ở Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam nên trường tôi hay mời các nghệ sĩ đến biểu diễn. Tôi nhớ có một cô nhạc công tên Nhị, người gầy cao như người mẫu bây giờ, môi thâm, gặp cô lần nào là thấy phì phèo thuốc lá.
Tháng 4-1975, không khí náo nức mừng chiến thắng lan sâu vào trong sản xuất và sinh hoạt, khó khăn trong cuộc sống bị tạm quên. Đoàn xe diễu hành cổ động bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, mừng Hà Nội vừa chuyển đổi từ khối sang thành tiểu khu (tương đương như phường hiện nay) có thêm các khẩu hiệu “Quyết tâm giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Hoan hô quân giải phóng miền Nam Việt Nam anh hùng”. Panô, áp phích giăng xung quanh Bờ Hồ và Nhà hát lớn. Câu lạc bộ Thống Nhất (16 phố Lê Thái Tổ), nơi sinh hoạt, gặp gỡ của cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết từ sáng đến khuya nghẹt người đến nghe đài, đọc báo. Bà con bàn tán, nhiều người dự tính sẽ trở về quê ngay sau khi đất nước thống nhất.
Các rạp chiếu bóng Tháng Tám, Bắc Đô, Hòa Bình, Đặng Dung... người chen người mua vé xem phim vì từ ngày 10-4, tất cả các rạp chiếu phim tài liệu Giải phóng Huế và Giải phóng Đà Nẵng trước khi chiếu phim truyện. Rạp nào cũng ưu tiên bán vé cho khán giả nói tiếng Huế và tiếng miền Trung, bạn tôi láu cá bắt chước “chị bán cho em hai dé” nhưng bị từ chối vì cô nhận ra cu cậu giả giọng. Khán giả quê Huế, quê Đà Nẵng ai cũng háo hức vì hai mươi năm xa cách họ chỉ biết quê hương qua sách báo, lời kể nay phim là hình ảnh mới quay nóng hổi. Ai cũng tràn trề hy vọng nhìn thấy gương mặt người thân. Mẹ bạn tôi cũng đi xem, mang theo hy vọng “gặp” đứa con cả nhập ngũ năm 1972 trên phim.
Thời gian đi sưu tập đồ thời bao cấp, tôi được nghe một câu chuyện cảm động về bà Nguyễn thị Minh Thi ở phố Khâm Thiên, hai bác đều làm ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Năm 1973, con trai cả của bác nhập ngũ, biết con vào mùa đông hay bị viêm họng, bác đan một chiếc áo nhưng vì thiếu len nên dở dang mà mùa đông thì sắp đến. Kết thúc huấn luyện ở Bắc Giang con bác vào chiến trường, tàu chạy qua rào chắn Khâm Thiên, anh thả lá thư xuống. Người nhặt bức thư đó là một cô gái còn trẻ, theo địa chỉ cô tìm đến tận nhà trao lá thư. Thấy cô gái xinh xắn, dễ thương bác hỏi địa chỉ ngầm ý “nhắm” cho con trai. Tháng 4-1975, tin chiến thắng dồn dập, lĩnh lương bác mua thêm lạng len hoàn thành chiếc áo chờ ngày thống nhất con về sẽ tặng. Sáng 30-4 chiếc áo len hoàn thành. Tháng 6-1975, đơn vị có người ra Bắc đến nhà báo tin con bác hy sinh ở rừng cao su thị trấn Xuân Lộc, cửa ngõ thành phố Sài Gòn. Bác lặng người đau đớn đặt chiếc áo lên bàn thờ khóc con. Một ngày Chủ nhật, bác lóc cóc đạp xe đến báo tin cho cô gái. Cô gái quay đi khéo giấu giọt nước mắt. Sau này cô kể với bác đã thầm yêu anh dù cô chưa hề biết mặt.
Tôi nhớ sáng ngày 30-4, hôm đó là thứ Tư, tôi đến nhà Đỗ Ngọc Bính bạn cùng trường, anh mở đài bất ngờ nghe tin Sài Gòn đã giải phóng, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương văn Minh đọc lời đầu hàng. Buổi chiều chúng tôi đi học như mọi ngày nhưng trường cho học sinh nghỉ. Từ ngõ Mai Hương, đám học trò cuối cấp chúng tôi ùa ra phố, đường đông đúc, xe đạp làm ùn ứ phố Bạch Mai, bác lái tàu liên tục dậm chuông xin đường nhưng có lúc phải dừng lại vì người Hoàng Mai, Tương Mai, làng Tám, Mai Động... đạp xe lên Bờ Hồ. Có lẽ đây là lần ùn tắc đầu tiên ở Hà Nội dù thời điểm đó dân số nội thành không quá đông và xe cũng ít. Chúng tôi len lỏi rồi lên Bờ Hồ, chỗ nào cũng có tiếng pháo nổ và cũng lần đầu, tổ phục vụ của các tiểu khu không lấy tiền trông giữ xe đạp. Tại cột phát sóng vô tuyến truyền hình ở 58 phố Quán Sứ, người ta nối các bánh pháo lại với nhau buộc trên đỉnh cột. Bánh pháo dài đến mấy chục mét. Tiếng nổ kéo dài mười mấy phút mới hết. Bài hát Sài Gòn quật khởi và Tiến về Sài Gòn phát đi phát lại trên loa truyền thanh, không khí phố phường nhộn nhịp hơn cả đêm mừng Hiệp định Paris (27-1-1973) ký kết. Nhiều xí nghiệp, nhà máy cho công nhân lên ô-tô tải, tay họ dâng cao ảnh Bác Hồ đi quanh các tuyến phố. Học sinh trường nhạc vừa đi vừa kéo accordeon và violon. Tàu điện chạy trên phố Hàng Gai liên tục leng keng xin đường.
Tin tối ngày 1-5 bắn pháo hoa ở Bờ Hồ lan ra và sáng 1-5, bà con các tỉnh nườm nượp đổ về Hà Nội. Các hiệu ăn quốc doanh không còn chỗ ngồi, kem Tràng Tiền xếp hàng dài đến tận ngã tư Ngô Quyền. Tối mồng 1-5, pháo hoa bắn ở Bờ Hồ và Công viên Thống Nhất, tiếng reo vang trời mỗi khi quả pháo lên cao nở ra hình buồng chuối hay hoa cải.
Đất nước thống nhất, không riêng bác Thi, nhiều bà mẹ Hà Nội và trên khắp cả nước đã không được đón đứa con thân yêu trở về. Một cuộc chiến tranh kết thúc nhưng nỗi đau cho đến hôm nay chưa thể khép lại...
- 🏠 Home
- Đô Thị
- Việt Nam
- Đi Xuyên Hà Nội
- Chương 15: Hà Nội Tháng 4-1975