Chương 3

3.

Sau đó anh ta ném tôi vào ghế sau xe máy điện: “Ngồi yên.”

Dọc đường đi, tôi lo lắng đề phòng đến mức bất tri bất giác… ngủ thϊếp đi.

Đúng vậy, rất kỳ quái.

Tôi bị chứng mất ngủ nghiêm trọng, không thể nhớ lần cuối cùng tôi thực sự có được giấc ngủ ngon là khi nào. Thế nhưng bây giờ ngồi ở ghế sau chiếc xe điện xóc nảy, dựa vào lưng Tống Mạch mà ngủ, còn loáng thoáng nằm mơ thấy đang ăn đùi gà to trong căn tin.

20 phút sau, tôi nhìn vết nước miếng sau lưng áo Tống Mạch, rơi vào trầm tư. “Lỗi của tôi.”

Tống Mạch xoa xoa trán, đi vào phòng y tế.

Anh ta dẫn tôi tới phòng y tế làm gì?

Tôi ngơ ngác đi theo.

Bác sĩ trường nhìn thấy chúng tôi thì ngẩn người: “Hai người quen nhau à?”

Tôi và Tống Mạch sửng sốt: “Cái gì?”

Bác sĩ chỉ Tống Mạch nói với tôi: “Cậu ta là người lần trước tôi nói với em, người mắc chứng ngủ rũ*” (Chú thích cuối chương)

Lại chỉ vào tôi: “Cô ấy là người mắc chứng mất ngủ. Hai cô cậu là khách quen của phòng y tế tôi, bệnh tình bổ sung cho nhau rất kỳ diệu. Tôi đã muốn giới thiệu hai người với nhau từ lâu rồi.”

Tống Mạch nhìn tôi, nói với bác sĩ bằng vẻ mặt phức tạp: “Hôm nay tinh thần em rất tốt.”

Bác sĩ kinh ngạc: “Hiếm thấy đấy, có biết nguyên nhân không?”

Tống Mạch: “Điểm khác biệt duy nhất so với trước là hôm qua cô ấy đến ký túc xá của em kiểm tra giường.”

Tống Mạch chỉ vào tôi, tôi đần mặt ra nói: “Thành thật mà nói, tôi mất ngủ đã hơn mười ngày. Hôm qua kiểm tra giường xong thì ngủ quên. Ban nãy ngồi sau xe điện của anh cũng ngủ thϊếp đi, khác biệt duy nhất là đều tiếp xúc với anh.”

Nói xong, chúng tôi liếc nhau, cùng im lặng. Hiển nhiên chúng tôi đều ý thức được một vấn đề, có thể bệnh tình của chúng tôi nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng từ trường người khác.

+++

Chú thích:

Chứng ngủ rũ (tên tiếng Anh là Narcolepsy) là một rối loạn giấc ngủ mạn tính, đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá độ vào ban ngày và ngủ gật đột ngột không cưỡng lại được. Những người mắc chứng ngủ rũ thường khó tỉnh táo được trong khoảng thời gian dài bất kể trường hợp nào. Chứng ngủ rũ có thể gây ra nhiều phiền toái nghiêm trọng cho cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Đôi khi chứng ngủ rũ còn đi kèm với mất trương lực cơ đột ngột thời gian ngắn. Nghĩa là mất kiểm soát đột ngột hoạt động của các cơ. Việc này thường được gây ra khi bệnh nhân có một cảm xúc mãnh liệt, thường gặp là khi cười nhiều, khi có một tin xấu hoặc tốt đột ngột.

Chứng ngủ rũ là một bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân và chưa có cách điều trị. Tuy nhiên, việc thực hiện theo tư vấn của bác sĩ và thay đổi tích cực lối sống có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần thêm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên để đối phó với chứng ngủ rũ.