Chương 24: Hỏi han (2)

Đường Hoa quan sát, vải bông mà họ nhuộm cũng không tệ hơn tiệm trước là bao.

Đường Hoa bưng chén trà đưa lên môi khẽ nhấp, trầm ngâm hỏi: "Không biết chủ tiệm có nhuộm vải lụa không?"

Chủ tiệm nghe vậy lập tức rướn người về phía trước, niềm nở hỏi: "Công tử muốn nhuộm màu gì?"

"Còn chưa quyết định, tiệm ngài có thể nhuộm được những màu gì?"

Chủ tiệm hơi ngại ngùng: "Tay nghề của ta còn non kém, chưa dám nhận nhuộm vải lụa, nhưng sư huynh ở huyện bên cạnh thì có thể, nếu công tử muốn nhuộm, ta sẽ hỏi giúp, những màu phổ biến ông ấy đều có thể nhuộm."

"Vậy phiền ngài hỏi giúp ta, nếu nhuộm ba màu hồng nhạt, trắng ngà, xanh ngọc thì giá cả thế nào."

"Được, ngày mai ta sẽ hỏi giúp."

Đường Hoa cười nói: "Chủ tiệm không cần vội, chưa chắc chúng ta đã làm ăn được với nhau mà."

Chủ tiệm xua tay cười ha hả: "Dù sao ta cũng phải đến chỗ sư huynh lấy thuốc nhuộm, tiện thể hỏi giúp công tử một câu."

Đường Hoa hỏi rõ ràng mọi việc rồi mới cáo từ.

Dư Nghĩa và Ninh Duy đi theo sau, chứng kiến công tử nhà hỏi han đủ điều mà hoang mang không hiểu chuyện gì.

Khi ra khỏi tiệm nhuộm và bước trên đường cái, Dư Nghĩa mới dè dặt hỏi dò: "Công tử muốn nhuộm vải may y phục ạ? Trong cửa hàng vải có rất nhiều vải đã nhuộm rồi, hay là để tiểu nhân đưa công tử đi xem?"

Đường Hoa thản nhiên đáp: "Chỉ là hỏi han đời sống người dân một chút thôi, không mua vải."

Dư Nghĩa len lén quan sát nét mặt của vị công tử nhà mình, đánh giá hồi lâu cũng không nhìn ra được điều gì, đành lặng lẽ thu hồi tầm mắt.

Ninh Duy cười ngây ngô: "Công tử còn muốn hỏi han điều gì nữa? Lần sau cứ để tiểu nhân đi hỏi giúp, đâu cần công tử phải tự đi thế này."

"Dù sao cũng đang chán, ra ngoài đi dạo một chút thì có sao." Đường Hoa như thuận miệng hỏi: "Mà nhắc mới nhớ, chủ tớ chúng ta cũng đã ở cùng nhau gần nửa tháng rồi, hoàn cảnh các ngươi thế nào, vì sao lại bị bán làm người hầu thế?"

Dư Nghĩa nhanh nhảu lên tiếng, trên mặt mang theo nụ cười bất cần đời: "Hầy, còn có thể vì sao nữa? Nhà nô tài có tám anh chị em, nghèo rớt mồng tơi, cha nô tài nói ở nhà sớm muộn gì cũng chết đói, đi ra ngoài còn có cái ăn."

Đường Hoa gật đầu, hỏi Ninh Duy: "Còn ngươi thì sao?"

Ninh Duy thật thà đáp: "Cha nô tài nói đây là công việc tốt, nói không chừng sau này còn lấy được nha hoàn, thế còn tốt hơn là lấy con gái nhà nông, nên đã nhờ người bán nô tài đến thôn trang."

Đường Hoa lấy làm buồn cười, không ngờ cha cậu ta lại có ý định như vậy, nhưng đây cũng là một cách để thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Dư Nghĩa cẩn thận quan sát sắc mặt Đường Hoa, chỉ thấy vị công tử đẹp như ngọc trước mặt vẫn thản nhiên, nhìn như không mấy để tâm.

Ninh Duy dắt xe ngựa đến, Đường Hoa khom lưng chui vào trong xe rồi đột nhiên ra lệnh: "Đến trạm dịch."

"Vâng." Hai người không dám hỏi nhiều, chỉ biết đánh xe hướng về trạm dịch.

Trạm dịch nằm ở phía đông huyện thành, cách trục đường chính không xa.

Đường Hoa khép hờ mắt, ngồi trong xe trầm tư suy nghĩ.

Em đã viết một bức thư cho Du Thiên Khúc, muốn hỏi thăm xem có tin tức gì từ Giang Bình Nguyên hay không, tiện thể nhờ hắn mua giúp một ít sách gửi sang cho mình.

Em là công tử vương phủ, người của trạm dịch không dám thất lễ, hai tay nhận lấy bức thư và tươi cười cam đoan: "Công tử yên tâm, chậm nhất là trưa mai, bức thư này sẽ được gửi lên kinh thành cùng với những bức thư khác."

"Vậy phiền các vị." Đường Hoa lịch sự mỉm cười cười, người của trạm dịch nói không cần tiền, em liền ra hiệu cho Dư Nghĩa thưởng một lượng bạc.

Người của trạm dịch nắm chặt lượng bạc trong tay, nói: "Nếu công tử muốn gửi đồ gì khác, chúng ta cũng có thể gửi kèm."

Đường Hoa rục rịch trong lòng, em hỏi: "Nếu gửi mười cân hai mươi cân đồ cũng được sao?"

Người của trạm dịch vỗ ngực: "Mười cân hai mươi cân thì đã là gì, cho dù năm mươi cân một trăm cân cũng chỉ là chuyện nhỏ!"

"Đa tạ, lần sau nếu ta muốn gửi đồ về phủ sẽ tìm các ngươi."

"Không có gì, không có gì."

Đường Hoa nói lời cảm tạ, sau đó dẫn theo hai người hầu ra ngoài, người của trạm dịch vội vàng đi theo sau tiễn khách.

Lúc xe ngựa của bọn họ về đến trang viên, vừa hay gặp quản gia Hà Duệ dẫn theo người giữ sổ sách đi vào.

Nhìn thấy cậu, Hà Duệ vội vàng cung kính chào hỏi, Đường Hoa nói: "Quản gia không cần đa lễ. Mọi người đây là đang đi..."

Hà Duệ cười gượng gạo: "Thời tiết đã vào hạ, chẳng mấy chốc là đến mùa lúa chín phải thu hoạch, tôi cùng người giữ sổ sách đi canh đồng."

Canh đồng là chỉ việc trước khi lúa chín, nông dân sẽ mời những người có kinh nghiệm đến xem xét, ước lượng xem vụ mùa này thu hoạch được bao nhiêu.

Đôi khi cách làm này cũng được áp dụng khi mua bán, có gia đình gặp khó khăn hay cần tiền gấp, muốn bán thửa ruộng chưa đến kỳ thu hoạch, đợi khi lúa chín người mua sẽ phái người đến gặt.

Trước khi thực hiện kiểu mua bán này phải cho người đến canh đồng và

ước lượng rõ ràng.

Đường Hoa hỏi: "Là đi xem ruộng của phủ chúng ta hay là ruộng của nhà khác?"

Hà Duệ không dám qua loa: "Trong làng có người thuê ruộng của trang viên ta để trồng lúa, đến mùa thu hoạch chia đôi, hiện giờ nhà đó cần tiền gấp, muốn bán cho chúng ta số lúa chưa thu hoạch kia."

Đường Hoa nhướng mày, hỏi thêm: "Bây giờ bán hết lúa, mùa thu đông năm nay và sang năm biết sống sao đây?"

Hà Duệ ấp úng: "Chắc là sẽ đi vay mượn họ hàng hoặc là trong nhà còn ruộng khác..."

Đường Hoa liếc nhìn Hà Duệ, nếu nhà đó có thể vay mượn được họ hàng, chắc chắn sẽ không bán lúa non.

"Vì sao nhà ấy lại cần tiền gấp đến vậy?"

Hà Duệ biết gì đáp nấy: "Nghe đâu vợ của người đó bị bệnh nặng, cần tiền chữa bệnh mua thuốc, thành thử mới phải bán lúa non."

"Cũng là người trọng tình trọng nghĩa." Đường Hoa hỏi: "Không biết nhà đó có mấy người, có con cái gì không?"

"Có, ba con trai và hai con gái." Hà Duệ nghe vậy liền hiểu ý, cười hỏi: "Công tử muốn mua người hầu sao? Hay là tôi điều thêm hai nha hoàn đến nhé?"

"Không cần nha hoàn, ngươi hỏi xem nhà đó có ý định gì, ta còn đang thiếu mấy người hầu đây."