Chương 10: Khi thực hiện lời xin lỗi

Từ Mỹ Nhân đưa Khương Minh Trân về phòng, con bé vẫn còn không vui.

Hà Ngọc còn chưa xin lỗi con bé mà!

Lần trước thằng bé đắc tội con bé, chê con bé giống ma lem. Cuối cùng nó nhặt gấu bông cho con bé, nói lời xin lỗi con bé, mãi về sau con bé mới định tha thứ cho thằng bé đấy.

Lần này càng nghiêm trọng hơn lần trước!

Khương Minh Trân không khóc, con bé bình tĩnh lại, nó sâu sắc cảm thấy mới nãy mình phát huy chưa được tốt.

“Khà Khọt làm tay của con đau rồi. Hơn nữa, bút của nó ngày nào nó chả dùng, tự nó dùng hết mực đấy chứ. Con chỉ mới vẽ một hai cái thôi, hết mực sao lại đổ cho con làm hỏng, rõ ràng là nó……”

“Khương Minh Trân!” Từ Mỹ Nhân cúi mặt xuống, gọi cả họ cả tên con bé, cực kỳ nghiêm túc.

“Hừ.” Khương Minh Trân dẩu tít miệng lên, như thể có thể quảy được gánh nước.

“Nếu đổi lại là con, bút dạ màu của con bị người khác làm hỏng, con sẽ có cảm giác gì?”

Con bé đáp rất tự nhiên: “Con thèm vào mà để ý, dù sao con cũng có rất nhiều bút dạ màu.”

Từ Mỹ Nhân thở dài, nghĩ tới một ví dụ khác tương đương hơn: “Nếu món đồ chơi mà con thích nhất bị người khác làm hỏng thì sao?”

“Con sẽ bắt đứa đấy đền cho con một cái. Nếu nó không chịu đền, con sẽ bảo bố mẹ, để bố mẹ mua cho con một cái y sì đúc.”

Từ nhỏ Khương Minh Trân đã được gia đình nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, con bé có cha mẹ cưng chiều con bé, chưa từng chịu khổ bao giờ. Bắt con bé đứng ở góc độ của Hà Ngọc để suy xét là chuyện rất khó, cuộc đời của hai đứa chẳng có chút tương đồng nào.

Cũng may Từ Mỹ Nhân biết kiên nhẫn dạy dỗ con bé.

“Mẹ không đồng ý mua cho con, cuối cùng con không có cách nào lấy lại món đồ chơi y hệt như thế, thì con sẽ làm gì?”

Khương Minh Trân vẫn bướng, không chịu nhả ra: “Thì con đi tìm bố.”

“Ý của mẹ chính là, nếu có một ngày, mẹ và bố con không thể mua đồ cho con nữa, con sẽ không có cách gì lấy lại được món đồ chơi yêu thích của con. Vậy con sẽ phải làm sao?”

Mẹ con bé đang thử để Khương Minh Trân đứng ở vị trí của Hà Ngọc, để nó hiểu rõ nguyên nhân vì đâu Hà Ngọc lại khóc thút thít. Khương Minh Trân không ngốc, con bé hiểu được ý của mẹ, nhưng nếu con bé thừa nhận Hà Ngọc không làm gì sai, vậy thì người phạm lỗi sẽ là nó.

“Bố mẹ sẽ mua cho con.”

Giảng đạo lý với con bé, quả thực là đàn gảy tai trâu.

Nếu là trước đây, thì lúc này Từ Mỹ Nhân sẽ từ bỏ việc dạy dỗ. Chị cảm thấy con mình còn bé, sau này dạy lại cũng không muộn. Nhưng chị nhìn đứa con gái 6 tuổi bé bỏng của mình, bỗng nhiên cảm thấy, có lẽ bây giờ dạy con bé đã là quá muộn.

Bắt đầu từ khi nào, con gái chị đã trở nên khó ưa đến mức này.

“Hôm nay con đã phạm một lỗi sai rất nghiêm trọng.”

Từ Mỹ Nhân từ bỏ việc để con bé phát hiện sai lầm của mình từ việc đặt bản thân vào vị trí của người khác, chị chỉ thẳng ra luôn.

“Đầu tiên, con mượn đồ của người khác mà không nói trước với người ta. Thứ hai, đó là bộ bút dạ màu rất quan trọng với Hà Ngọc, con đã làm hỏng nó rồi. Thứ ba, con đã làm hỏng mà lại không xin lỗi thằng bé, ngược lại còn khóc quấy ăn vạ, trách thằng bé là chuyện bé xé ra to.”

Khương Minh Trân không hiểu: “Tại sao con lại không được lấy đồ của Khà Khọt ạ?”

Từ Mỹ Nhân hỏi lại con bé: “Thế tại sao con lại được lấy? Có phải mẹ đã dạy con rồi không, trước khi mượn đồ của người khác, phải hỏi người ta xem người ta có đồng ý cho mượn hay không chứ?”

Đúng là mẹ dạy rồi. Khương Minh Trân sẽ hỏi đấy. Đặt giả thiết người kia là bạn ở trên trường, trước khi mượn gì con bé nhất định sẽ rào đón trước; nhưng đối phương mà là Hà Ngọc thì Khương Minh Trân sẽ không thông báo trước đâu.

Con bé hay cướp đồ của thằng bé, cướp đã quen thói rồi. Từ khoảnh khắc Hà Ngọc ngoan ngoãn nhường món khoai lang khô của mình cho con bé trở đi, giới hạn “bên ấy” “bên mình” cuối cùng đã biến mất, đồ của thằng bé cũng thành đồ của con bé.

“Được rồi,” Khương Minh Trân thừa nhận: “Coi như con cũng sai một chút đi.”

“Không chỉ một chút đâu, nghe mẹ nói này, con đã sai rất là nghiêm trọng. Bút dạ màu của thằng bé, là do bố nó tặng cho nó. Con biết không…… Bố của Hà Ngọc không còn trên đời này nữa.”

“Hả? Vậy chú ấy đi đâu ạ?” Con bé hỏi vô cùng ngây thơ, hoàn toàn không biết được sức nặng của vấn đề này.

Từ Mỹ Nhân lựa chọn không kiêng dè gì nữa, bàn luận về những chuyện bất hạnh với con cái mình. Nhưng sự hiểu biết của Khương Minh Trân về cái chết quá đơn giản. Cái chết cách bố mẹ trẻ trung của con bé rất xa, và cách con bé còn xa hơn nữa, dường như vĩnh viễn sẽ không xuất hiện.

Mẹ con bé thở hắt ra một hơi, dựa người vào lưng ghế đằng sau.

“Chẳng đi đâu cả, chỉ là chú ấy sẽ không quay về nữa.”

Khương Minh Trân im lặng.

Con bé im lặng suy ngẫm về khái niệm ‘không quay về nữa’.

“Sau khi mất bố, đêm nào Hà Ngọc cũng ngủ không được yên giấc. Không phải con cũng biết rõ lắm ư? Ban đêm thằng bé luôn gặp ác mộng. Nghe dì Phạm nói, lúc bố Hà Ngọc xảy ra chuyện, Hà Ngọc cũng ở công trường ấy. Thằng bé này, ôi, đáng thương biết bao……”

“Cho nên,” Khương Minh Trân nhớ ra: “Lúc gặp ác mộng bạn ấy toàn gọi ‘ bố ’, bạn ấy rất nhớ bố của bạn ấy ạ?”

“Đúng vậy. Trước đây con tới chỗ bố mẹ, chê cười Hà Ngọc vì phải ngủ chung với dì Phạm. Cùng bằng ấy tuổi với Hà Ngọc, con đã chia phòng ngủ riêng với bố mẹ, ngủ khì khì trong phòng như con heo con. Nhưng mà, Tiểu Trân à, con có thể an tâm ngủ là vì con biết, nhà mình rất an toàn, dù xảy ra chuyện gì chăng nữa bố mẹ cũng bảo vệ con. Còn Hà Ngọc thì sao? Nơi này không phải là nhà thằng bé, bố thằng bé đã không còn.”

Từng câu từng chữ Từ Mỹ Nhân đều nói rất dịu dàng, nhưng nghe mẹ dạy, đầu Khương Minh Trân càng lúc càng cúi thấp hơn.

Con bé nhớ tới dáng vẻ Hà Ngọc bị mắc kẹt trong cơn ác mộng, sắc mặt trắng bệch, lòng nó chợt trào dâng một nỗi buồn đau không thể diễn tả.

“Tiểu Trân, chuyện hôm nay mẹ nói, hi vọng con có thể nghe lọt. Về sau, con phải biết quý trọng, phải hiểu mà tôn trọng Hà Ngọc. Ở nhà mình, con là chủ nhân, thân phận chủ nhân này không phải là để con đi bắt nạt người khác, mà là để con đối xử lịch sự với Hà Ngọc, nhường nhịn thằng bé, biết ưu tiên cảm nhận của thằng bé.”

Những từ mà Từ Mỹ Nhân dùng khá là thâm sâu khó hiểu, nhưng mà, Khương Minh Trân cảm thấy con bé hiểu rồi.

Con bé gật gật đầu với mẹ nó, gật rất là mạnh luôn.

……

Khương Minh Trân định đi xin lỗi Hà Ngọc.

Từ khi sinh ra tới nay, số lần cô công chúa nhỏ này đi xin lỗi người khác có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Lần cuối cùng con bé xin lỗi, là đi xin lỗi mẹ nó.

Sau khi thấy cảnh bày trò đùa bẫy nhau trên phim, Khương Minh Trân cảm thấy rất thú vị, vì thế nó bèn thí nghiệm lên mẹ nó. Một hôm nọ, ba người nhà họ ra ngoài mua đồ. Ở giữa chỗ đông người, Khương Minh Trân luồn tới cạnh mẹ con bé, hất váy mẹ nó lên…… Từ Mỹ Nhân là một thục nữ da mặt mỏng như thế, nào đã bị xấu mặt như vậy ở bên ngoài bao giờ. Nhưng thủ phạm lại là con gái của chính chị, chị có tức cũng không xả được. Sau khi về nhà, chị trốn ở trong phòng khóc.

Khương Minh Trân nhận sai xin lỗi với mẹ, nó đưa tay ra, bị mẹ nó đánh cho 10 cái vào lòng bàn tay.

Chuyện đó đã được bỏ qua như vậy.

“Biết sai thì sửa, vẫn là một đứa trẻ ngoan.” Người lớn dạy con bé như thế đấy.

Khương Minh Trân nghĩ bụng: Biết sai thì sửa, con bé và Hà Ngọc vẫn có thể quay về như trước kia, ngày ngày vui vẻ.

Một hôm sau ngày được mẹ dạy dỗ, Khương Minh Trân bắt Từ Mỹ Nhân đưa con bé đến cửa hàng bách hoá.

Con bé chọn lựa tỉ mỉ một hộp bút dạ màu mới toanh cho Hà Ngọc, loại 72 màu.

Khương Minh Trân kiên quyết muốn dùng giấy bọc quà đẹp nhất để thể hiện thành tâm hối lỗi của mình. Hộp bút dạ màu này phải to bằng cặp sách đi học của chúng nó, từng hàng sặc sỡ tươi tắn, cầm lên trông mới oai làm sao.

Khương Minh Trân ra tay rất dứt khoát nhanh nhẹn trong chuyện mua bút dạ màu, nhưng việc tặng bút thì lại bị nó nhây suốt một tuần chưa xong.

Cả tuần, Hà Ngọc không nói chuyện với con bé, dù là ở nhà hay trên trường.

Trong nhà, Hà Ngọc có căn phòng nhỏ hẹp dành cho vυ" em có thể đóng cửa lại.

Nhưng ở trường thì…… Ở trường thằng bé chỉ có một đứa bạn chơi cùng là con bé, cũng là bạn chung bàn luôn. Thằng bé không nói chuyện với Khương Minh Trân, thì đến cả Khương Minh Trân cũng không nghĩ ra nổi nó có thể nói chuyện với ai.

Sự thật là, thằng bé làm được.

Trừ những câu hỏi của giáo viên, những khi dì Phạm nói chuyện với nó, những lúc gia chủ nhà họ Khương thăm hỏi, thì suốt thời gian còn lại Hà Ngọc không hề mở miệng.

Ở trong mắt Khương Minh Trân, hình như cả tuần trời thằng bé này chẳng nói chuyện với ai cả.

Ngày xưa lúc ở một mình, cứ nhàm chán, thằng bé lại lấy bút dạ màu của nó ra vẽ vời. Bây giờ Hà Ngọc còn chẳng vẽ nữa.

Thằng bé im lặng quan sát thế giới, y như một chú người gỗ không có miệng.

Khương Minh Trân cứ kéo dài chuyện “xin lỗi”, càng kéo dài thì lại càng khó mở miệng hơn, đặc biệt là còn phải đối mặt với cái mặt không có biểu cảm của Hà Ngọc nữa chứ.

Theo như cách làm trước kia của nó, có lẽ con bé sẽ đi gây khó dễ cho Hà Ngọc một chút, để thằng bé không thể không xuống nước nói chuyện với nó trước: Ví dụ như cố ý phá hỏng ghế dựa của thằng bé; ví dụ như cố ý cướp đồ của thằng bé, thằng bé mà không xin thì con bé không trả.

Nhưng mà, con bé biết lần này lỗi là do chính nó á.

Lòng con bé thấy hổ thẹn, nhìn chiếc bóng cô đơn của Hà Ngọc, con bé càng cảm thấy thằng bé đáng thương. Cho nên lúc hai đứa ở chung với nhau, con bé cũng xấu hổ, cũng thật e dè.

“Chỉ cần Hà Ngọc nói một câu với mình, mình sẽ lập tức xin lỗi cậu ấy!” Ôm suy nghĩ này, Khương Minh Trân trải qua cả tuần ngứa ngáy toàn thân.

Xem ra Hà Ngọc sẽ không chịu nói chuyện với con bé trước.

Lại một thứ Bảy nữa, căn nhà trống rỗng, đám người lớn đều không ở nhà.

Ở trường có các bạn nhìn, không hợp để xin lỗi, ở nhà nếu có người khác thì cũng không hợp để xin lỗi luôn…… Khương Minh Trân cân nhắc một chút, không nghi ngờ gì nữa, giờ khắc này chính là thời cơ tốt nhất để xin lỗi đây.

Thế là nó xách bộ bút dạ 72 màu của nó lên, công chúa nhỏ rón ra rón rén xuống lầu.

Cửa phòng dành cho người giúp việc đóng chặt, bên trong im ắng.

Dán tai lên cửa phòng nghe ngóng một lát, cuối cùng con bé cũng loáng thoáng nghe thấy tiếng lật sách “Loạt xoạt”.

——

Ôi, tốt quá rồi, Hà Ngọc ở nhà.


Khương Minh Trân hít sâu mấy lần, gõ vang cửa phòng.

“……”

Không ai ra mở cửa.

Con bé tiếp tục gõ.

Chờ Khương Minh Trân gõ đến độ cửa sắp tan thành từng mảnh, người bên trong vẫn chẳng dao động tẹo nào.

Khương Minh Trân bèn tự mình mở cửa……

Hà Ngọc quả nhiên ở đấy.

Thằng bé đang ngồi đọc sách cạnh máy may.

“Ha ha, hóa ra dì Phạm không khóa cửa à, trùng hợp ghê.”

Cứ làm như dì Phạm từng khóa cửa bao giờ ấy. Con bé suốt ngày ra ra vào vào, nó phải rõ ràng chứ. Lời này đến cả nó còn thấy sượng trân.

“Khụ khụ, này? Cậu đang đọc gì đấy? Sao nghiêm túc thế.”

Thằng bé đang đọc gì, Khương Minh Trân chỉ mới nhìn bìa là đã biết rồi.

《Tạp chí nhi đồng: Chuyện không được làm 》—— quyển sách kia là do trường phát, dùng trong lớp giáo dục sức khỏe.

Hà Ngọc không ngẩng đầu, không đáp lời, hoàn toàn coi con bé như không khí.

Cơn tức của Khương Minh Trân dần dần dâng lên.

Tay nó xách theo bộ bút dạ 72 màu rất đáng chú ý, con bé đứng đây, đi cũng không được mà ở cũng chẳng xong.

“Cho cậu cái này.”

Con bé vung bộ bút dạ màu lên, ném lên sách của thằng bé, cố gắng tột cùng để thu hút sự chú ý của thằng bé.

Lần này, rốt cuộc Hà Ngọc cũng nhìn con bé.

Khương Minh Trân vẫn muốn nói chuyện với thằng bé, nhưng nó lại không muốn tỏ vẻ hèn mọn quá mà bị thằng bé khinh thường. Con bé hếch cằm lên cao, giả giọng điệu nhẹ nhàng bâng quơ.

“Tớ nghe lời mẹ tớ, đến đây xin lỗi cậu, hộp bút dạ màu mới này là của cậu. Nếu cậu còn bất mãn gì nữa thì……”

Con bé giơ thẳng tay ra, để kệ cho thằng bé đánh.

“Cậu muốn làm gì tớ cũng được.”

Nói thì nói thế, nhưng Khương Minh Trân cũng không cho rằng Hà Ngọc sẽ đánh con bé thật.

Con bé cứ đứng đấy không nhúc nhích, chờ phản ứng của thằng bé.

Hà Ngọc rút quyển sách dưới hộp bút dạ màu ra, khép lại.

“Cậu nói rồi đấy nhé.” Thằng bé đứng lên, cong miệng cười.

Sau đó, Hà Ngọc nhìn Khương Minh Trân, giơ tay lên……

Cái tay kia, vỗ lên ngực con bé.

Điều thứ nhất trong《 Tạp chí nhi đồng: Chuyện không được làm 》: Bé trai không được đυ.ng chạm vào những nơi riêng tư của bé gái, nơi riêng tư ý chỉ những chỗ được che đi lúc mặc áo tắm……

(Ảnh minh họa: Tranh vẽ một cậu bé đặt tay lên ngực một cô bé, mặt cô bé kia tái đi vì sợ. Trên hình vẽ ấy là một dấu X đỏ thật to.)


Ngạn ngữ bảo,

Ba tuổi là lớn, bảy tuổi đã già.

Hà Ngọc 6 tuổi, đã có thể noi gương sai lầm trong sách báo giáo dục sức khỏe để thực hiện hành động vĩ đại này.

Đủ để thấy, trong tương lai, thằng bé sẽ trở thành một kẻ xấu xa đáng ghét không hơn không kém.