Chương 36: Người đưa tới phong mật chỉ này, cuối cùng là ai?

Edit: Gấu Gầy

Chương 36

Lúc Đế Thừa Ân đi vào Từ An điện, ánh nắng chói mắt chiếu đầy cửa điện, Thái hậu một thân hoàng phục thêu cánh phượng hồng, trên đầu mang ngạch quan cửu phượng hiếm khi dùng tới trong Trân Bảo các, tay cầm một chuỗi Phật châu, thẳng tắp ngồi ở ngự tọa, nhìn nữ tử ngược chiều ánh sáng chậm rãi đi vào, ánh mắt dò xét lạnh lùng.

Từ An điện yên tĩnh dị thường, Đế Thừa Ân rũ mắt chậm rãi đi vào, ở cách ngự tọa vài thước dập đầu hành lễ: "Đế Thừa Ân bái kiến Thái hậu."

Âm thanh truyền đến từ trên ngự toạ uy nghiêm lạnh lẽo.

"Không cần đa lễ, đứng lên cho ai gia nhìn một chút."

Thái hậu nhìn nữ tử quỳ gối trong điện, đáy mắt ẩn hiện lộ ra cảm xúc, Đế Tử Nguyên năm đó được tiên đế vinh sủng đến cực điểm, hiện giờ vẫn phải quỳ lạy trước mặt nàng đó thôi.

Đế Thừa Ân đứng dậy ngẩng đầu lên, khuôn mặt xưa nay thanh lãnh nhu thuận kính cẩn.

Thái hậu tay xoay Phật châu dừng lại, đồng tử hơi co rút, mắt nheo lại. Dung mạo này so với Đế Thịnh Thiên năm đó tuy kém xa, nhưng cũng có vài phần tương tự.

Dường như nhận thấy Thái hậu đột nhiên lạnh lùng, Đế Thừa Ân thoạt nhìn thấp thỏm bất an, đáy mắt mang theo vẻ thơ ngây nhu thuận nhìn về phía Thái hậu.

"Thừa Ân mười năm không gặp Thái hậu, thân thể Thái hậu vẫn mạnh khỏe?"

Thái hậu dò xét nàng một lúc lâu, bưng trà thanh nhấp một ngụm mới thản nhiên nói: "Ai gia rất khoẻ, ngươi vừa hồi kinh liền đến Từ An điện thỉnh an, thật có lòng."

"Thừa Ân được ân điển của Thái hậu cùng Bệ hạ mới có thể ở Thái Sơn an ổn sống qua ngày, mấy năm nay Thái hậu đối với Thừa Ân chiếu cố có thừa, đến thỉnh an tạ ơn Thái hậu là việc Thừa Ân nên làm."

Đế Thừa Ân nhẹ nhàng thi lễ, nhìn qua hào phóng quý nhã.

Thái hậu buông chén nhỏ xuống, làm như thờ ơ hỏi: "Ngươi có từng oán trách ta cùng Bệ hạ cấm túc ngươi ở Thái Sơn mười năm, ngay cả hôn sự Thái tổ ban cho cũng gác lại..."

Đế Thừa Ân đi liên tục hai bước, đến gần trước người Thái hậu, mắt mang theo sương mù, liền quỳ xuống: "Năm đó phụ thân phạm phải sai lầm lớn, nếu không phải Bệ hạ hồng ân, hôm nay Thừa Ân làm sao có thể đứng trước mặt Thái hậu, Thái hậu nhân từ, Thừa Ân đối với Thái hậu cùng Bệ hạ tuyệt đối không có nửa điểm oán giận, chỉ có cảm kích. Thần nữ hiện giờ thân mang trọng tội, vạn lần không dám tơ tưởng đến Điện hạ, chỉ mong Thái hậu có thể cho thần nữ thường xuyên vào cung thỉnh an, đã là ân điển lớn lao ban cho thần nữ."

Trương Phúc đứng ở một bên trợn mắt há hốc mồm nhìn tiểu thư Đế gia khóe mắt rưng rưng đi tới trước mặt Thái hậu, giống như gặp quỷ vậy, mười năm không gặp, tiểu oa nhi phô trương tùy ý không ai bì nổi năm đó, sao lại trở thành tính nết như bây giờ, tuy nói dung mạo thanh nhã khí chất cao quý, nhưng lại có vài phần mâu thuẫn khó nói thành lời.

Cũng khó trách, cho dù lúc trước một thời thịnh cực như thế nào, Đế gia chung quy vẫn rơi xuống dốc, Đế Tử Nguyên bị nhốt ở Thái Sơn mười năm, nếu vẫn còn tính tình lúc trước, thì uổng công tính toán của Thái hậu đối với nàng mười mấy năm.

Đôi tay lập tức đỡ lấy Đế Thừa Ân, khuôn mặt Thái hậu hiền từ, lạnh lùng tản đi, hơi giận nói: "Ngươi là nữ nhi Đế gia, ai dám vọng ngôn nói ngươi có tội."

Thái hậu giơ tay lên vỗ nhẹ: "Đừng lo lắng, ai gia nhìn ngươi lớn lên, lỗi của phụ thân ngươi không liên quan gì đến ngươi... Mặc dù thân phận hôm nay của ngươi khó làm Thái tử phi, nhưng ai gia cũng sẽ tìm cho ngươi một vị hôn phu phẩm hạnh khiêm tốn ở trong tông thất."

Đế Thừa Ân ngẩn ra, miễn cưỡng cười cười, trả lời: "Tạ Thái hậu quan tâm."

Đáy mắt Thái hậu thoáng xẹt qua một tia thâm ý, khóe miệng mím lại: "Lúc trước tính tình ngươi hoạt bát nhanh nhẹn, không ngờ ở Thái Sơn tĩnh dưỡng mười năm, lại trầm tĩnh dịu dàng đi không ít, nếu gia chủ Đế gia nhìn thấy, cũng có thể an tâm."

Đế Thừa Ân bị Thái hậu nắm chặt tay, lơ đãng nhìn thấy hồ nghi trong đáy mắt Thái hậu, từ trong tay áo lấy ra một quyển chữ viết đến trước mặt Thái hậu, nhẹ giọng nói: "Vĩnh Ninh tự thanh tịnh yên bình, thần nữ ở Thái Sơn mỗi ngày nghe tiếng chuông, hồi tưởng lại lúc nhỏ bướng bỉnh khó dạy, thật là hối hận, cho nên mỗi ngày đều lễ Phật tụng kinh, thanh tâm sáng suốt, đây là kinh Phật thần nữ đã chép vì Thái hậu, mong Thái hậu thân thể an khang."

Ánh mắt Thái hậu mang theo kinh ngạc, nhận lấy quyển chép kinh Phật trong tay Đế Thừa Ân mở ra, thấy rất giống với chữ viết của Đế Tử Nguyên khi còn nhỏ, chỉ là lúc nhỏ tùy ý phóng khoáng, hiện giờ nhìn mượt mà tinh tế, sự nghi ngờ biến mất, khóe lông mày nhẹ nhàng giãn ra, hài lòng nói: "Đứa nhỏ nhà ngươi, trong núi kham khổ, vậy mà ngươi vẫn nhớ đến lão thái bà như ta, ngày sau ra vào Từ An điện không cần bẩm báo, thường xuyên đến là được."

"Tạ Thái hậu."

Đế Thừa Ân vẻ mặt cảm kích, hành lễ tạ ơn với Thái hậu.

"Ngươi mười năm chưa hồi kinh, chắc là đối với kinh thành rất xa lạ, ngày mai Ai gia phái một nữ quan đến Cẩm Viên nói qua cho ngươi biết một chút, thuận tiện đi dạo kinh thành."

"Vâng, Thái hậu."

Thấy Thái hậu sắc mặt mệt mỏi, Đế Thừa Ân hiểu ý, cung kính thỉnh an rồi rời khỏi điện.

Đợi thân ảnh của nàng hoàn toàn biến mất bên ngoài Từ An điện, Trương Phúc đứng ở một bên cẩn thận ngẩng đầu, lơ đãng thoáng nhìn thần sắc Thái hậu, hơi ngẩn ra... hắn hầu hạ Thái hậu hơn hai mươi năm, chưa từng nhìn thấy nàng thay đổi sắc mặt nhanh như vậy.

"Trương Phúc."

Thanh âm Thái hậu đột nhiên vang lên, làm hắn khẽ giật mình, lập tức đi lên phía trước: "Có nô tài."

"Đợi thượng triều xong, đi mời Nhậm An Lạc đến Từ An điện."

Trương Phúc đáp lời, đi ra ngoài điện, lúc bước qua cửa điện, mơ hồ nghe thấy một tiếng cười chế nhạo cực thấp bên trong, hắn quay đầu nhìn về phía sau.

Thái hậu đưa lưng về phía ngự tọa đại điện, quyển kinh Phật bị giẫm nát trên mặt đất, mắt nhìn phía ngự bài của Thái tổ phía trên đại điện.

"Tiên đế, đây chính là người mà năm đó ngài cùng Đế Thịnh Thiên lựa chọn làm Hoàng hậu của Đại Tĩnh ta. Đế Thịnh Thiên, để ai gia cho ngươi nhìn kỹ một chút, nhi nữ Đế gia của ngươi chẳng qua cũng chỉ như vậy mà thôi, bất quá cũng chỉ như vậy mà thôi, ha ha ha ha..."

Trương Phúc thở dài, vội vàng biến mất ở cửa điện.

Trong Kim Loan điện, thượng triều đã xong, cung nhân hướng Hàn Diệp bẩm báo Đế Thừa Ân đã rời khỏi Từ An điện, đang đi về hướng cửa cung, sắc mặt y hơi dịu xuống, còn chưa kịp đi xuống thềm đá, thoáng nhìn thấy Đại tổng quản Từ An điện Trương Phúc ở ngoài điện ngăn cản Nhậm An Lạc thì thầm. Hàn Diệp nhíu mày, hơi do dự, thế nhưng vẫn đi lên phía trước.

"Trương Phúc, có chuyện gì mà phải ngăn cản Nhậm tướng quân?

Trương Phúc đang ngạc nhiên với vị nữ Tướng quân vang dội triều đình này, quả nhiên là người như tên cực kỳ tùy tính tiêu sái, bất thình lình âm thanh thanh lãnh của Thái tử điện hạ vang lên ở phía sau, vội vàng quay đầu lại: "Bẩm Điện hạ, Thái hậu mời Nhậm tướng quân đến Từ An điện một chuyến."

Thấy mặt thái tử nhàn nhạt, nhẹ nhàng tiếp tục nói: "Điện hạ, Đế tiểu thư thỉnh an Thái hậu xong, chắc là đã đến Ngự hoa viên."

Nhậm An Lạc thấy Hàn Diệp nhíu mày, cười nói: "Bộ dáng này của người là có ý gì, chẳng lẽ sợ thôn dã lỗ mãng như ta quấy nhiễu Thái hậu hay sao."

Nói xong một đường đi về phía Từ An điện, Trương Phúc chắp tay hành lễ với Thái tử, vội vàng cất bước nhỏ chạy theo phía sau Nhậm An Lạc đang đi nhanh như gió.

Hàn Diệp dừng ở trên bậc thềm đá, nhìn thoáng qua Ngự hoa viên, hơi do dự, sau đó đuổi theo đến Từ An điện.

Đi qua thư phòng, xâm nhập nội cung, nhìn thấy qua đường mòn này là đến Từ An điện của Thái hậu, Trương Phúc còn chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, tiếng bước chân dồn dập phía sau truyền đến, vừa quay đầu, liền thoáng thấy Thái tử gia hai ba bước lướt qua hắn kéo Nhậm An Lạc phía trước lại.

Thái tử mặt mày ửng hồng, chạy có chút gấp gáp, triều phục từ trước đến nay luôn chỉnh tề nhìn có chút xộc xệch.

Trương Phúc chớp chớp con mắt, lập tức coi như mình không tồn tại, nhanh nhẹn lui về phía sau một bước.

Nhậm An Lạc bị kéo đến lảo đảo, ngẩng đầu lên, dù đang vội nhưng vẫn ung dung nhướng mày hỏi: "Điện hạ có chuyện gì vậy?"

Hàn Diệp hiển nhiên cũng bị sự nóng nảy của mình làm cho giật mình, dừng một chút, né tránh ánh mắt của Nhậm An Lạc, trầm giọng nói: "Thái hậu xưa nay không thích nữ tử trên chiến trường, người thích lễ Phật, ngươi có thể nói nhiều về kinh Phật..."

Y dừng lại, nhìn thoáng qua Nhậm An Lạc: "Thôi bỏ đi, thiết nghĩ với tính tình của ngươi chắc cũng không xem tới kinh Phật, hay là nói chút chuyện thú vị của Tấn Nam..."

Nhìn Thái tử cẩn thận dặn dò từng chút về sở thích của Thái hậu, Trương Phúc trợn mắt há hốc mồm, đây thật sự là Thái tử điện hạ uy nghiêm lạnh lùng của bọn họ sao?

Nhậm An Lạc khóe miệng khẽ nhếch lên, nhìn Hàn Diệp xụ mặt trước mặt, ánh mặt trời buổi sáng rơi trên khuôn mặt tuấn tú kiên nghị của y, có chút hoảng hốt khó phân biệt, đột nhiên thở dài một hơi vô cùng nhạt nhẽo.

"Tiểu thư, Thái hậu hôm nay có gây khó dễ cho người..."

Tâm Vũ đi theo phía sau Đế Thừa Ân, một đường đi tới Ngự hoa viên, nhỏ giọng hỏi tiểu thư nhà mình về buổi gặp ở Từ An điện.

"Ta đã nhượng bộ đến mức này, Thái hậu dù sao cũng là quốc mẫu, sao có thể ở trước mặt ta mất đi khí độ. Chỉ có điều... năm đó Thái hậu chắc chắn rất kiêng kỵ sự tồn tại của Đế gia."

Đế Thừa Ân tùy ý hái xuống một đóa mẫu đơn trong vườn, nhớ tới Thái hậu một thân hoàng phục đặc biệt quý khí, nhẹ giọng nói.

"Tiểu thư đã chuẩn bị đầy đủ cho lần này hồi kinh này, hiện giờ Thái hậu cùng Bệ hạ đối với tiểu thư yêu thích có thừa, nếu Điện hạ kiên trì, hôn sự của tiểu thư nhất định sẽ có chuyển biến..."

Hai người rẽ qua con đường mòn, Tâm Vũ lời còn chưa dứt, đã bị giữ lại trong cổ họng, không thể tin nổi cảnh tượng cách đó không xa.

Nữ Tướng quân một thân triều phục đỏ tím đang nghiêng người về phía các nàng, không rõ dung mạo, nhưng cũng có thể cảm giác được khí chất lẫm liệt lạnh thấu xương trên người nàng. Thái tử điện hạ đứng bên cạnh nàng, nhẹ giọng nói chuyện, mặt mày lộ vẻ bất lực không làm gì được, hai người đứng cùng một chỗ, phảng phất khác xa một trời một vực, nhưng mà nhìn lại vẫn yên tĩnh tốt đẹp.

Đế Thừa Ân híp mắt, hoa mẫu đơn trong tay nát vụn đầy đất, một lúc lâu sau mới nghe được âm thanh bình tĩnh dị thường của nàng: "Đi thôi."

Tâm Vũ thần sắc thấp thỏm, thấy Đế Thừa Ân không quay đầu lại, vội vàng đuổi theo phía trước.

Hàn Diệp dặn dò chừng nửa khắc mới vừa lòng dừng lại, không đợi Nhậm An Lạc đáp lại, y nhìn thoáng qua Trương Phúc, xoay người đi về phía trước điện.

Trương Phúc nhăn mặt thành một đống, chắp tay liên lục về phía Từ An điện: "Tướng quân, phải đi nhanh một chút, Thái hậu còn đang chờ trong điện."

"Được, đi thôi."

Âm thanh này nghe có chút lơ lửng, Trương Phúc nghĩ như vậy, giương mắt lên, trừng mắt muốn rớt ngoài.... Nhậm An Lạc mới vừa rồi còn ở trước mặt đã sớm cách xa mấy thước.

Chuyến đi Từ An điện của Nhâm An Nhạc cũng không tính là lâu, mới chỉ nửa khắc liền lui ra, lúc nàng đi ra, thấy sắc trời còn sớm, liền ra khỏi cung trực tiếp đi đến Hàn Lâm viện.

Trong Từ An điện lại yên tĩnh khác thường, Trương Phúc nhìn thấy đã trưa nhưng Thái hậu vẫn chưa truyền thiện, chỉ đành thấp giọng nhắc nhở: "Thái hậu, Ngự thiện phòng chuẩn bị món cháo thanh đạm, có cần nô tài truyền lên..."

Lời còn chưa dứt, trên giường truyền đến tiếng ho khan trầm thấp, hắn vội vàng đến gần, thấy Thái hậu có chút mệt mỏi, tựa vào trên giường yếu ớt xua tay: "Không cần."

"Thái hậu, sắp vào đông rồi, người coi chừng cảm lạnh."

Trương Phúc đem chăn đắp lên đầu gối Thái hậu một lần nữa, bưng sâm trà đến tay Thái hậu.

"Triệu Phúc, ai gia già rồi."

Giọng nói của Thái hậu đột nhiên cảm thán làm Trương Phúc ngẩn ra, hắn cười nói: "Nô tài nhìn khắp hậu cung mỹ nhân lớn nhỏ, không nhìn thấy một người nào có thể so sánh với Thái hậu ngài. Nô tài nghĩ rằng việc này không liên quan đến dung mạo, Thái hậu cai quản hậu cung, mẫu nghi thiên hạ, con dân Đại Tĩnh ai mà không kính trọng a..."

"Ngươi chỉ giỏi nói ngọt."

Thái hậu tiếp nhận sâm trà, chậm rãi nói: "Ngươi đi theo bên cạnh Ai gia mấy chục năm, ngươi nói... Đế Thừa Ân với Nhậm An Lạc, ai xứng đôi với Thái tử hơn?"

"Nô tài sao dám vọng nghị Thái tử điện hạ..."

"Thứ cho ngươi vô tội."

Nghĩ đến Nhậm An Lạc mới vừa rồi ở đại điện không kiêu ngạo cũng không nịnh bợ, cương trực thẳng thắn nói với Thái hậu không được làm Thái tử phi tuyệt đối không vào Đông cung, Trương Phúc hơi do dự, trả lời: "Đế tiểu thư hôm nay tính tình nhu thuận dịu dàng, nhưng nô tài thấy Nhậm tướng quân khí phách, thích hợp với Thái tử điện hạ hơn, huống hồ theo như nô tài nhìn, hình như Điện hạ cũng rất quan tâm đến vị Nhậm tướng quân này."

Thái hậu rũ mắt xuống: "Nhu thuận dịu dàng? Ai gia chỉ sợ nàng ta đã trở thành một con hồ ly lạ lẫm. Điều duy nhất có thể làm cho Diệp nhi hết lần này đến lần khác để ý..."

Thái hậu dừng một chút, sắc mặt có chút khó coi: "Chính là tính tình ngang bướng khó dạy giống như Đế Thịnh Thiên lúc trước!"

"Thái hậu không cần lo lắng, năm đó Đế gia phạm phải đại tội mưu nghịch, chỉ cần Bệ hạ không gật đầu, cho dù có di chỉ của tiên đế, Đế tiểu thư cũng chưa chắc có thể vào được Đông cung."

"Ai gia chỉ sợ hắn sẽ gật đầu."

"Làm sao có thể? Bệ hạ cùng Điện hạ giằng co mười năm cũng không thể được..."

"Ngươi cho rằng hắn cấm túc Đế Thừa Ân ở Thái Sơn mười năm, thật sự chỉ là vì ngăn chặn Đế Thịnh Thiên cùng thế tộc triều đình?"

Thái hậu phất tay áo: "Thái Sơn có Tịnh Huyền trấn thủ, Đế Thịnh Thiên sẽ không cứu được Đế Thừa Ân, nhưng ai gia... Cũng không thể gϊếŧ được nàng."

Trong đại điện trống rỗng, thanh âm u lãnh chậm rãi vang vọng, dần dần không thể nghe thấy.

Từ sau vụ án gian lận khoa cử, nữ thổ phỉ đến từ nơi rừng sâu núi thẳm Nhậm An Lạc cùng học sĩ Hàn Lâm viện coi như là có chút tình nghĩa, hơn nửa năm nay giao tình càng thêm sâu đậm, Nhậm An Lạc được phong làm Thượng tướng quân, Nhậm phủ mỗi ngày đông như trẩy hội, mọi người cũng mắt nhắm mắt mở đối với chuyện nàng thường xuyên trốn ở trong Biên Toản lâu của Hàn Lâm viện để tránh bị quấy rầy.

Hôm nay theo thường lệ nàng đi vào Biên Toản lâu, chỉ là không như mọi khi nghỉ ngơi dưới lầu mà trực tiếp đi lên lầu hai, người trông coi Biên Tu các của Hàn Lâm viện là Hà Chính - sĩ tử khoa cử lần này, có chút ngại ngùng, gọi nàng lại nói: "Nhâm tướng quân, lầu hai là tàng các Hàn Lâm viện, Bệ hạ có chỉ, ngoại trừ mấy vị đại học sĩ, những người khác không thể đi vào."

Nhậm An Lạc bày ra vẻ mặt đau khổ, nhíu mày thành một đường: "Hà đại nhân, ngài cũng biết chuyện Thái tử tuyển phi ồn ào huyên náo, Nhậm phủ của ta thật sự không thể thanh tịnh, nếu như không phiền, có thể cho ta mượn chỗ ngồi trên lầu hai nửa canh giờ có được không?"

Nếu không phải lúc trước Nhậm An Lạc làm theo lẽ phải công bằng chính trực, Hà Chính cũng chưa chắc có thể vào Hàn Lâm viện, chần chờ một lát sau đó bất đắc dĩ nói: "Tướng quân muốn tìm chỗ thanh tịnh cũng được, chỉ là trong tàng các cất giữ không ít tấu chương thánh chỉ của tiên đế và Bệ hạ, Tướng quân cẩn thận một chút."

Thấy Nhậm An Lạc liên tục cam đoan, Hà Chính nói xong liền lên lầu mở cửa tàng các cho nàng.

Nhậm An Lạc đi vào lầu hai, đóng cửa lại, thu lại vẻ tươi cười, nhìn quyển trục tàng thư chất đống như núi trong thư các.

Đại Tĩnh lập quốc hai mươi năm, mỗi một đạo thánh chỉ Hoàng đế ban xuống và tấu chương bình thường phê duyệt, hầu như đều cất giữ ở đây.

Nhậm An Lạc tiến lên, kiên nhẫn lật xem từng quyển trục tàng thư, nửa khắc sau, nàng dừng ở giữa thư các, cầm một đạo thánh chỉ phủ đầy bụi bặm, mắt híp lại.

Đây là một đạo thánh chỉ của Gia Ninh Đế điều phái các tướng lĩnh ở biên cương lúc chư vương nổi loạn mười mấy năm trước khi chư vương nội loạn, lúc ấy nội loạn phân tranh, Gia Ninh Đế dùng mật chỉ điều quân, phải dùng đến tư ấn* của Hoàng đế.

Ngoại trừ ngọc tỷ Đại Tĩnh, hổ phù cũng có thể điều quân ở bên ngoài, nghe đồn rằng Hoàng đế có một tư ấn có thể điều động quân đội biên cương Đại Tĩnh vào thời khắc nguy cấp, thứ Nhậm An Lạc muốn tìm chính là dấu ấn này.

Nàng từ trong tay áo lấy ra một lá thư màu vàng, so sánh với chữ viết trên thánh chỉ và lá thư, thần sắc đóng băng lại.

Ngoại trừ nội dung không giống nhau, bất kể bút tích hay tư ấn đều y hệt.

Vĩnh Ninh, Bắc Tần lấn tới, Tây Bắc nguy cấp, ngày ngươi nhận được tin, lệnh quân đội Đế gia xa bạt Tây Bắc, cùng Trung Nghĩa Hầu Vu Thanh Nam Sơn tiến công từ hai phía, tổng tấn công diệt trừ kỵ quân Bắc Tần.

Không có viết tên, nhưng Tĩnh An Hầu làm sao có thể nhận sai bút tích của Gia Ninh Đế cùng tư ấn của Hoàng đế?

Mười năm trước nếu không có phong mật chỉ được Hoàng đế gửi đến từ kinh thành này, tám vạn đại quân Đế gia làm sao dám viễn chinh Tây Bắc, Đế gia nàng làm sao có thể mang trên lưng tội danh phản quốc, cả nhà bị trảm!

Khương Du lục soát Đế phủ, chính là muốn tìm phong mật tín này, chỉ tiếc người tính không bằng trời tính, hắn lục soát thành ba ngày, nhưng không ngờ tới lúc ấy mật tín lại nằm ở trên người một đứa nhỏ là nàng, mười năm qua chưa bao giờ rời khỏi người.

Khép thánh chỉ lại, Nhậm An Lạc đi đến bên cửa sổ, vẻ mặt khó đoán.

Tuy rằng bút tích cùng tư ấn đều chứng minh mười năm trước người đưa tới mật tín chính là Gia Ninh Đế, nhưng lại không thể kết luận là hắn, nếu không thì năm đó phụ thân đã công khai chứng cớ, đâu cần phải dùng cách tự sát để chứng minh trong sạch.

Nếu người đưa mật tín là Gia Ninh Đế, hắn sẽ không để Khương Du rầm rộ đến Đế Bắc thành điều tra chân tướng, bởi vì một khi mật tín bày ra trước mắt thiên hạ, đế vị của hắn tất nhiên sẽ bất ổn, bị người trên đời dùng ngòi bút làm vũ khí phán tội.

Nếu hắn là người khởi xướng án oan của Đế gia, tuyệt đối sẽ không có một tia trắc ẩn đối với Đế gia, hai vạn tướng sĩ dưới trướng Lạc Xuyên cũng sẽ không được giữ lại, càng không thể lưu lại tính mạng của nàng, mà chỉ đưa nàng đi xa đến Thái Sơn, giao cho Tịnh Huyền trông coi.

Nhưng Gia Ninh Đế cũng tuyệt đối không phải là người có thể tin tưởng, án oan của Đế gia mặc dù có thể không phải do hắn khởi phát, nhưng một trăm ba mươi hai mạng người Đế gia, là hắn hạ chỉ ban chết, Đế gia trong một đêm tan thành mây khói hoàn toàn vô vọng cũng là do một tay hắn gây ra.

Phụ thân lấy mạng sống đổi lấy cơ hội, hắn chung quy vẫn lựa chọn quyền thế, chứ không phải sự trong sạch của Đế gia.

Đem mật thư gấp kỹ một lần nữa đặt trở lại vào trong tay áo, Nhậm An Lạc nhìn về phía hoàng cung nguy nga, mắt híp lại.

Rốt cuộc là ai có thù hận tới chết không thôi với Đế gia, hận đến mức muốn bắt tám vạn tướng sĩ đem chôn cùng, để đời sau của Đế gia trăm năm vĩnh viễn không có ngày trở người?

Người đưa tới phong mật chỉ này, cuối cùng là ai?

———

Chú thích:

*Tư ấn: con dấu riêng/ ấn ký riêng.