Hai tháng sau, toàn bộ Đại Việt ngoại trừ Giác Long cốc đều bị bao trùm bởi một màn tuyết mỏng, tuyết rơi không quá nhiều, nhưng đối với Việt tộc lại là lạnh chí mạng. Chỉ trong hai tháng đã có bốn vị Bồ Chính đi về với Lạc Long quân. May mắn trước đó từ thủ phủ đã chuẩn bị kỹ càng với tình huống tuyết rơi, nhà nhà được cung cấp đầy đủ củi lửa, lương thực, áo bông các loại để giữ ấm. Điều may mắn thứ hai là trước khi tuyết rơi toàn bộ lương thực tại Giác Long đã được thu hoạch hoàn tất, điều này làm cho kho lương Đại Việt hiện tại sung túc, các nông dân cũng rảnh rỗi, không cần phải ra ngoài dưới tiết trời lạnh thế này.
Tuy nhiên ở Cổ Loa thì lại khác, hiện tại nơi này dân số đã đạt đến sáu ngàn người, mặc trời tuyết lạnh ai ai cũng trùm kín áo bông ùa đến cửa Nam thành. Binh sĩ Đại Việt đã thay quân phục mới, toàn bộ mặc lót trong Quyên Giáp, Minh Quang giáp mặc phía ngoài, áo choàng đỏ thắm tung bay trong màn tuyết trắng. Hơn hai trăm binh sĩ Cổ Loa được điều động sang cửa Nam để giữ gìn trật tự. Hôm nay là ngày Việt vương sẽ đặt viên gạch cuối cùng khánh công thành mới.
Thành mới được xây dựng lấy thủ phủ làm trung tâm xây nên làm ba lớp thành. Lớp thành trung tâm hình chữ nhật, được xây trên đỉnh đồi cao nhất, tường thành cao bảy mét, mặt thành rộng gần mười mét, chân thành rộng đến hai mươi mét, trong đây chính là nơi sinh sống của Việt vương, là trung tâm quyền lực của Đại Việt.
Lớp thành giữa được xây thành hình ngũ giác không cân xứng, địa thế thấp hơn thành trung tâm, tường thành nơi cao nhất là mười hai mét, thấp nhất cũng là mười mét, mặt thành rộng trung bình mười mét, có bốn cửa: Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và cửa Nam, có hệ thống kênh rãnh dẫn nước từ con sông phía ngoài mà Lý Anh Tú đặt là sông Nguồn chảy vào, lớp thành giữa diện tích ước chừng gần hai cây số vuông.
Lớp thành ngoài được xây không theo hình dáng gì mà dựa vào địa thế xung quanh, dựa vào độ cao của các gò đất mà độ cao thành cũng không bằng nhau, có nơi cao cách mặt đất chừng đến hai mươi mét, nhưng cũng có nơi chỉ tầm mười lăm mét, mặt thành rộng đến hai mươi mét, cũng có bốn cửa như thành giữa. Mặt Đông thành trực tiếp được sông Nguồn bao bọc, các mặt còn lại đều có con hào dẫn nước từ sông vào. Tổng diện tích của vòng ngoài này đạt đến hơn năm cây số vuông, đối với Đại Việt hiện tại mà nói đây chính là một đại công trình. Ban đầu chỉ dự kiến xây dựng trong một tháng rưỡi, cuối cùng vì điều chỉnh và một vài sự cố mà kéo dài đến gần ba tháng mới hoàn thành, mà ngày hôm nay Việt vương sẽ đặt viên đá cuối cùng tại cửa Nam thành.
- Việt vương đến!
Một tiếng hô lớn, dân chúng tự động né ra hai bên đường, Thiên Tử quân Quyên Giáp vàng óng ánh chạy hộ vệ hai bên, Lý Anh Tú cưỡi một chiến mã màu trắng hợp với màu tuyết đi phía trước, bên cạnh lạc hậu nữa bước là Lữ Gia cùng Cao Lỗ, ngoài ra còn có cả Lê Chân. Một tháng trước Tinh Thiều đã đi An Bang thay Cao Lỗ tiếp nhận chức Phủ sứ xứ An Bang, Cao Lỗ trở về tiếp tục quản lý lò rèn và tiền cục. Còn Lê Chân tháng trước sau khi hoàn thành thu hoạch lương thực tại Giác Long cốc cũng tạm thời trở về Cổ Loa. Ai cũng biết hôm nay là ngày trọng đại của Đại Việt.
- Bái kiến Việt vương!
Dân chúng đồng thanh hô lên cúi người chào lãnh đạo tối cao của vương quốc. Dưới sự phổ cập lễ nghi của Lý Anh Tú người Việt không quỳ bái ai, chỉ có thể quỳ bái trước ông bà, tổ tiên, thiên địa mà thôi.
- Miễn lễ.
Lý Anh Tú phất tay liền nhanh chóng xuống ngựa, dưới sự hộ tống của ba vị đại thần và binh lính đi lên phía đầu thành Nam. Đứng trên thành Nam cao đến hai mươi mét nhìn xa ra không thấy gì ngoài Tử Vong rừng rậm, nhưng Lý Anh Tú biết sau nơi đó chính là xứ Goldland trù phú mà không lâu nữa đâu Đại Việt sẽ thu phục nó.
- Bắt đầu đi.
Lý Anh Tú ra lệnh. Một công tượng bôi lên mặt thành một lớp hồ cùng với bùn nhão, nơi đó còn thiếu đúng duy nhất một viên gạch. Thạch Tiến thay mặt toàn bộ công tượng đem đến một chiếc khay được phủ vải đỏ, bên trên là một viên gạch vuông vức. Lý Anh Tú cầm lấy viên gạch đối với toàn bộ bách tính ở dưới nói.
- Tại đây, ngay giờ phút này, ta tuyên bố thành THĂNG LONG chính thức hoàn thành. Đại Việt vạn tuế!
Dứt lời tay hắn đặt viên gạch cuối cùng xuống lớp hồ, thật thần kỳ ngay lúc đó cả tòa thành sáng lên, trên cổng thành từ lớp gạch đá bỗng lộ ra hai chữ “THĂNG LONG”. Từ trong thành tỏa ra một khí thế kinh người làm cho người ta muốn quỳ bái. Hoa tuyết bỗng nhiên dừng lại, một hư ảnh con rồng trắng bỗng nhiên hiện ra giữa bầu trời hướng lên thiên không gầm thét.
- Đại Việt vạn tuế!
- Đại Việt vạn tuế!
- Đại Việt vạn tuế!
Dân chúng vừa kinh sợ, vừa vui mừng, không ai bảo ai liền quỳ xuống hô vang “Đại Việt vạn tuế!” Lữ Gia vuốt vuốt chòm râu nói.
- Quân với dân như cá với nước, quân dân một lòng thế này sợ gì Đại Việt ta không mạnh, lo gì Đại Việt không trường tồn.
Lý Anh Tú trong lòng cũng tự hào vô cùng, thế nhưng chưa kịp cảm nhận cảm xúc đó hắn đã nhận được thông báo của hệ thống.
“Đinh, hoàn thành nhiệm vị thành lập vương quốc: Sở hữu hai tòa thành thị (1 cỡ trung). Đại Việt vương quốc chính thức thành lập, mời ký chủ lựa chọn kinh đô”.
- Thăng Long.
“Đinh, Thăng Long được chọn làm kinh đô, mời ký chủ lựa chọn quốc kỳ, chỉ cần suy nghĩ hình dáng trong đầu là được”.
Trong đầu Lý Anh Tú xuất hiện một lá cờ trắng tinh, hiện tại hắn chỉ cần suy nghĩ để vẽ lên thôi. Từ thời Hai Bà trưng dựng cờ khởi nghĩa đã lên Hoàng kỳ với nền vàng, sau đó màu vàng tiếp tục được sử dụng để làm nền cho hầu hết các đế kỳ qua các tời đại, vì thế Lý Anh Tú quyết định chọn nền của cờ là màu vàng, bề ngoài vảy rồng màu xanh da trời tượng trưng ước vọng hùng cường của dân tộc, giữa cờ là hình tròn tượng trưng ngôi sao với ước mơ dân tộc sẽ tỏa sáng. Nhìn qua nhìn lại Lý Anh Tú chợt tặc lưỡi.
- Vì sao lại giống Long Tinh kỳ của triều Nguyễn quá vậy?
Quả nhiên lá cờ của hắn “thiết kế” chính là quốc kỳ của Việt Nam trong 83 năm dưới triều Nguyễn, đây tuyệt đối chính là “photocopy” chính hiệu. Đã vậy Lý Anh Tú quyết định thêm một con rồng trắng nữa coi như là tưởng niệm Lạc Long quân đi. Lập tức một con bạch long uy vũ hiện ra giữa nền ngôi sao màu đỏ.
- Xong, như thế này hẳn không gọi là “copy”, cùng lắm là “đạo” thôi.
Cơ mà sao chép với đạo là mấy? Suy nghĩ không được Lý Anh Tú liền vứt sau đầu lựa chọn xác nhận.
Lập tức trên bốn mặt thành Cổ Loa tỏa ra ánh sáng, từ hư không hiện lên những lá cờ “Long Tinh kỳ 2.0” được cắm chặt lên đầu thành đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của nó trên dị giới này. Bách tính thấy cảnh thần kỳ như vậy càng hô to hơn tên Đại Việt, lòng dân trung thành nhất nhất.
“Đinh, mời ký chủ xem xét thông số vương quốc đổi mới”.
Quốc hiệu: Đại Việt.
Kinh đô: Thăng Long.
Đơn vị hành chính: 2 xứ, 232 làng, ba tòa thành thị (1 cỡ trung, 2 cỡ nhỏ)
Tổng dân số: 12.365 người.
Quân đội: 1.564 binh sĩ.
“Nhiệm vụ hoàn thành ba thưởng: Chiến mã (20), voi (2 cặp), trâu cày (10), gia súc (40), lương thực (200), gỗ (400), đồng (100), sắt (100),… Thiên tử quân (50), quốc kỳ (1) kỳ quan công trình (Khai Quốc tự), một lượt triệu hoán danh nhân”.
“Đinh, mở ra giai đoạn tiếp theo nhiệm vụ thành lập vương quốc: Xây dựng cung điện”.
Đoạn nhiệm vụ thành lập vương quốc chương 23 mình ghi nhầm, đáng lẽ là sở hữu 2 tòa thành thị (1 nhỏ, 1 trung) mới đúng nha