Dịch: OENUE
.
Trước khi quyết định nghiên cứu phát minh trò chơi mới, Trần Bá không quên tiến hành một đợt "khảo sát người chơi".
Thật ra đây là thủ đoạn thường dùng.
Chủ yếu thông qua bảng câu hỏi khảo sát, nhằm thăm dò xu hướng thị trường và thị hiếu của game thủ, dùng thông tin này hỗ trợ bên sản xuất game đưa ra những quyết sách mang tính then chốt.
Bảng khảo sát được đăng trên cộng đồng người chơi [Game giả lập sự học gian khổ], chủ yếu hướng đến những core gamer.
(*Core gamer: là thuật ngữ ám chỉ những người chơi bình thường, họ có sự yêu thích về tựa game họ chơi và sẽ sẵn sàng dành một khoảng thời gian ra để chơi.*)
Tất nhiên Tiền Hâm cũng nhận được thông báo.
Là người có công lớn nhất khiến [Game giả lập sự học gian khổ] bùng nổ, đồng thời cũng là game thủ đầu tiên phát hiện "bug chăn trâu", bảng khảo sát có thể thiếu ai cũng không thể thiếu anh ta.
Trùng hợp, Tiền Hâm vừa đăng tải xong video mới, rảnh rỗi không có gì làm bèn ôm ý nghĩ gϊếŧ thời gian mà điền bảng câu hỏi khảo sát.
[Giới tính của bạn là?]
[1. Nam]
[2. Nữ]
[3. Khác...]
Những câu hỏi đầu rất đơn giản, chỉ thu thập vài tin tức cơ bản, tốc độ trả lời tính bằng giây. Sau đó Tiền Hâm nhanh chóng thấy được câu hỏi đầu tiên đáng để suy ngẫm.
[Trong lúc chơi game, xin hỏi bạn coi trọng những mặt nào của trò chơi? (Chọn nhiều đáp án)]
[1. Tôi ưu tiên cốt truyện game]
[2. Tôi quan tâm đến gameplay]
[3. Tôi thích ngắm đồ họa đẹp...]
Đây là một câu hỏi với nhiều sự lựa chọn, dựa theo cảm nhận cá nhân, Tiền Hâm lựa chọn gameplay và cốt truyện.
Gameplay chắc chắn là vấn đề mấu chốt nhất.
Yếu tố quyết định của một con game chính là gameplay của nó, trên phương diện này, nếu trò chơi có gameplay quá tệ, thì dù đồ họa tốt đến đâu cũng chẳng có mấy tác dụng.
Đương nhiên, nếu cốt truyện game cực kỳ xuất sắc, vậy gameplay kém chút cũng có thể du di phần nào.
Ví như những trò Visual Novel, Galgame (game mỹ thiếu nữ), gameplay của chúng vô cùng đơn giản, điểm thu hút chủ yếu nằm ở cốt truyện.
Về phần đồ họa...
Tiền Hâm vò đầu suy nghĩ, thật sự anh ta không phải dạng người coi trọng phong cách mỹ thuật của trò chơi, dù phần đồ họa sơ sài xấu xí, chỉ cần chơi vui, tất thảy đều ổn.
Tuy nhiên trong cộng đồng game thủ xác thực có một nhóm cực kỳ coi trọng phần nhìn, không thể chịu được game có đồ họa xấu, còn gọi là nhóm “si mê đồ họa”.
Chín người mười ý mà!
Vấn đề này không có gì để nói, câu hỏi tiếp theo...
[Nếu cho bạn chấm điểm phần cốt truyện "Game giả lập sự học gian khổ", dựa trên thang điểm từ 1 đến 10, bạn sẽ cho game mấy điểm?]
"8.5 đi!"
Nói thật, cốt truyện game giả lập sự học gian khổ khá xúc động, chí ít lần đầu tiên Tiền Hâm chơi game, quả thực từng rất cảm động với nhân vật chính.
Nhưng lâu dần, anh ta phát hiện, cốt truyện tồn tại những hạt sạn, rất nhiều chỗ tạo cảm giác "bi kịch thái quá".
Tuy nhiên khuyết điểm không che lấp được ưu điểm.
Mặc dù có vài hạt sạn, một ít sự kiện bị sắp xếp không hợp lý. Nhưng xét trên tổng thể, cốt truyện game giả lập sự học gian khổ thật sự không tệ, vượt xa mong đợi của anh ta, cho nên anh ta chấm 8.5 điểm.
Trừ điểm chủ yếu là vì anh ta cảm thấy cốt truyện còn nhiều không gian để cải tiến và bổ khuyết, đặc biệt là lời bộc bạch tự thuật thời cấp ba quá sơ sài...
[Nếu "Game giả lập sự học gian khổ" ra phần mới, bạn hi vọng game sẽ cải thiện ở những mặt nào?
"Ồ? Đây là muốn ra phần game tiếp theo à?"
Tiền Hâm ngẫm nghĩ câu hỏi này, lập tức nhìn ra ẩn ý của người ra đề, đây là câu hỏi khảo sát ám chỉ game sự học gian khổ sẽ ra phần mới đây mà.
Phần mới sẽ làm về thời cấp ba sao?
Hay là... Đại học?
Tiền Hâm ngay lập tức nổi lên hứng thú, dồn toàn lực chú ý lên câu hỏi này. Nếu anh ta có mong chờ gì với phần game mới, vậy hẳn là đồ họa!
Có cốt truyện và gameplay của game cũ làm tiền đề, anh ta dám tin tưởng phần game mới sẽ không kém cạnh chút nào.
Nhưng phong cách đồ họa kia quả thực nên đổi đi thôi.
Thiết kế nhân vật, hoạt cảnh, cutscene, UI các thứ trong game giả lập sự học gian khổ kia, quá trừu tượng!
Tiền Hâm rất ít khi chỉ trích phương diện đồ họa của các game indie, bởi vì anh ta hiểu rõ, studio hoặc xưởng làm game nhỏ, xác thực rất khó có thể thiết kế tốt phần nhìn trong game.
Nhưng đây không phải lý do cho sự trừu tượng của game nọ.
Mọi người đến nhìn nhân vật chính của con game nọ mà xem, mặt mũi xô lệch ra hình dáng gì đây? Ai không biết còn tưởng rằng đây là người ngoài hành tinh đấy!
Còn cả con trâu già kia...
Trong [Game giả lập sự học gian khổ], làm sinh vật mà game thủ tiếp xúc nhiều nhất, đồ họa về con trâu già chỉ có thể dùng một câu để hình dung: Con trâu nhà ai nuôi lại có đuôi giống quạt hương bồ thế kia?
Xấu hay không tạm bỏ qua một bên, nhưng tên vẽ ra con trâu già này, đảm bảo mang rất nhiều ác ý, thứ không nên làm đều làm hết, thứ nên làm lại làm dở tệ, khiến người ta cay mắt không thôi.
Đã muốn ra phần tiếp theo, vậy phải thay đổi phần đồ họa đi, đừng dùng lại dạng đồ họa trừu tượng này nữa.
Tốn chừng nửa tiếng đồng hồ, Tiền Hâm chăm chú trả lời hết bảng câu hỏi khảo sát, cuối cùng lưu lại phương thức liên lạc của chính mình.
Nghe nói game thủ nào trả lời nghiêm túc, sẽ được nhà phát hành tập hợp lại, sau đó tặng ngẫu nhiên 10 phần quà của [Game giả lập sự học gian khổ], là móc khóa hình con trâu già?
Được rồi!
Mặc dù anh ta ghét bỏ con trâu già kia, cảm thấy chăn trâu làm trễ nải sự học, nhưng đã có phần thưởng là cứ tham gia trước đã, mục đích nhằm kéo thấp tỷ lệ trúng thưởng.
Tiền Hâm không phải game thủ duy nhất tham gia trả lời bảng câu hỏi khảo sát, ngoại trừ anh ta còn có khoảng 150 người khác.
150 phần trả lời, Trần Bá đọc lướt qua một lần.
Trừ bỏ một vài câu hỏi nhỏ, dựa trên những câu trả lời và lựa chọn của các câu hỏi mấu chốt, hắn thấy được sự phân bố của tệp người chơi.
Ví như, người chơi nữ sẽ dễ dàng xúc động trước cốt truyện của game, đặc biệt là kiểu cốt truyện như [Game giả lập sự học gian khổ], càng khiến các cô gái cảm động đến rối tinh rối mù.
Người chơi nam lại có chỗ khác biệt.
Mặc dù họ cũng đồng cảm với cốt truyện, nhưng rất ít nước mắt, họ cảm động với nhân vật chính, cảm thấy nhân vật chính thực dốc lòng, nhưng chỉ vậy mà thôi.
Còn có một ít mấu chốt.
Liên quan tới kết cục của trò chơi, đa số người chơi đều bày tỏ rằng, hi vọng trò chơi có thể thêm nhiều ending khác nhau, mà không phải cứ chơi một lộ trình duy nhất từ đầu tới cuối.
Cái này Trần Bá vô cùng tự tin.
Lúc đầu hắn đã muốn làm ra nhiều ending, chỉ là hắn lo người chơi sẽ phản đối, cho nên vẫn đang do dự. Sau khi xem hết kết quả từ bảng khảo sát, hắn lập tức ra quyết định.
Ending của [Giả lập ăn gửi nằm nhờ] không cần phải theo lối mòn của [Giả lập sự học gian khổ], tự mình có thể trở nên đa dạng hơn.
Nói đơn giản hơn là.
Bình thường, game giả lập sự học gian khổ về mặt ý nghĩa chỉ có hai loại ending, thi đậu trường cấp ba mơ ước, hoặc không thi đậu trường cấp ba mơ ước.
Trông thì có rất nhiều ending nhỏ, nhưng thật ra các ending đều bao quát trong hai đại kết cục này.
Con game mới lần này, ngược lại có thể làm thêm nhiều ending với lộ trình khác nhau, không chỉ gói gọn trong thành công hay thất bại, có thể là một nửa thành công một nửa thất bại chẳng hạn?
Vấn đề này rất khó lý giải.
Như những người trưởng thành thường nói, có rất nhiều phương án giải quyết một việc, những thứ đó đều chỉ hướng đến hai kết cục là "thành công" hoặc "thất bại".
Nhưng có thể có một loại khả năng, chính là không hoàn toàn thành công nhưng cũng không hoàn toàn thất bại, cố gắng nửa ngày lại chẳng có chút cải biến nào?
Nhân vật chính trong “game ăn gửi nằm nhờ”, dốc hết toàn lực muốn thay đổi hiện trạng, cuối cùng thành công thoát khỏi gia đình của người cô, nghênh đón cuộc sống mới.
Nhưng đáng tiếc chính là, cuộc sống mới lại không đẹp đẽ như tưởng tượng, nhân vật chính vẫn ăn gửi nằm nhờ như cũ, dường như mãi giậm chân tại chỗ...
[Mở khóa thành tựu - "Sugar Mommy đói bụng"!]