Chương 12



Bao nhiêu năm trôi qua, Tú không nghĩ tới ngày mình gặp lại người anh trai cùng cha khác mẹ này lại ở trong một hoàn cảnh như vậy.

Kí ức như dòng nước cuồn cuộn chảy về. Ngày đó, có đến hàng mấy tháng đêm nào bà Thu cũng khóc. Cái tin con riêng bên ngoài của chồng đã lớn hơn đứa con đầu lòng những mấy tuổi như mũi tên xé rách cái vỏ bọc hạnh phúc của gia đình bấy lâu nay. Cũng là một cú sock lớn đối với người phụ nữ yêu chồng, hết lòng vì gia đình. Ông ấy thậm chí còn đòi đưa đứa con đó về nuôi, ý bảo: Thôi thì đằng nào cũng biết rồi, không phải giấu diếm nữa. Có cái gia đình đầy đủ đàng hoàng chứ không tội thằng bé.

Bà Thu như chết lặng. Nhưng sau đó nhất quyết không chịu. Khi ấy, Tú với Sơn vẫn còn nhỏ. Nhưng Tú lớn hơn Sơn một chút nên anh cũng hiểu được đôi điều. Hai anh em đứng nép sau cánh cửa theo dõi trận tranh cãi của bố mẹ.

Tuấn lấy mấy món đồ chơi của Sơn, Tú chạy lại lấy thì bị bố cản lại. Anh không chịu liền ăn ngay cái bạt tai. Từ nhỏ vốn là một đứa trẻ ngoan, chưa bị bố đánh bao giờ. Nay vì một người mà bố bảo phải gọi là “anh trai” mà anh bị bố đánh. Đôi mắt ngây thơ của tuổi nhỏ ngày đó sững sờ, ngập nước. Cái tát vào mặt Tú nhưng cũng tát thẳng vào bà Thu. Bà lao đến, che chở cho đứa con của mình.

Sau cùng ông dẫn theo đứa con trai cả ấy trả lại cho mẹ nó rồi quay lại. Nhưng có cái gì tốt ông cũng giành cho Tuấn trước. Không khí gia đình nặng nề, đâu còn ấm áp như ngày xưa. Bà Thu cũng ngậm đắng nuốt cay tiếp tục sống chung để cho hai đứa con thơ có một gia đình đầy đủ. Dạy chúng tiếp tục tôn trọng và yêu thương bố dù ông đối xử tệ với bà. Không lâu sau ông bị bệnh rồi mất sớm. Một mình bà Thu gồng gánh nuôi hai đứa con thành người.

Đó là đoạn thời gian tuổi thơ đầy đắng cay mà Tú không thể nào quên. Tuấn – Tú. Hóa ra cái tên của anh cũng là có nguyên do chứ không phải ngẫu nhiên mà bố anh đặt vậy. Đoạn tình với Ngọc qua từ lâu, sau này khi tính chuyện lâu dài với Hà. Bao lần Tú tưởng tưởng ra viễn cảnh hạnh phúc tương lai, một gia đình trọn vẹn. Những đứa con của anh sẽ không phải chịu viễn cảnh như anh đã từng.

Có lẽ lúc đó Tú còn nhỏ, nên bây giờ Tuấn không nhận ra anh. Tú không nhớ mình đã rời khỏi căn phòng ấy như thế nào. Đèn phòng không bật sáng, Tú ngồi ở sô pha, nương theo ánh sáng từ ti vi đang mở. Chai rượi trên bàn đã vơi một nửa. Đã xa lắm cái thời đau khổ ấy. Nhưng nó ăn mòn vào tiềm thức của một đứa trẻ. Tú không quên nhưng cũng chẳng muốn nhớ. Mọi chuyện đã đi vào nơi sâu nhất của kí ức. Để rồi ngày hôm nay gặp lại người đó và tỉnh dậy.

Cứ thế, Tú đi vào phòng tắm. Đêm lạnh buốt, nước cũng lạnh giá cứ thế xối thẳng lêи đỉиɦ đầu. Anh không muốn nhớ lại chuyện ấy nữa. Trong tâm trí hiện lên hình ảnh của người con gái anh yêu.

– Anh nhớ em quá! – Giọng nói vang lên rất nhỏ rồi nhanh chóng bị tiếng nước che đi. Giữa những phút yếu lòng ít ỏi của một thằng đàn ông trưởng thành như lúc này. Khác với người ta chỉ một ở một mình để không ai phát hiện ra, Tú lại khao khát được ở bên cạnh Hà vô cùng.

Đêm qua không hiểu sao Hà ngủ không ngon giấc, sáng dậy mỏi hết cả người. Hôm nay làm ca sau. Với tay lấy điện thoại để xem giờ, có cuộc gọi nhỡ từ Tú. Cô đang phân vân không biết nên gọi lại cho anh hay không thì màn hình nhấp nháy hiển thị Tú đang gọi đến. Ngón tay trỏ quơ trên màn hình, do dự giây lát rồi cũng nhấn phím xanh.

– Alo.

– … .

Bên kia không có người lên tiếng, Hà lặp lại lần nữa:

– Alo.

– Em à! – Chỉ hai từ ngắn, nhưng khản đặc của Tú vang lên.

Cơn buồn ngủ của Hà tan biến, cô ngồi bật dậy, chẳng vờ lạnh lùng nữa:

– Anh bị làm sao thế?

– Mua…hộ anh …bát cháo.

– Rồi rồi, ở yên đấy em qua ngay đây.

Hà tung chăn dậy, vội vàng đánh răng rửa mặt rồi chạy bịch bịch xuống nhà. Bà Anh vừa đi tập thể dục ở công viên về.

– Ơ này, mới sáng sớm đã đi đây đấy?

– Hình như anh Tú bị cảm mẹ ạ. – Hà đáp rồi leo lên xe máy, phóng đi.

– Thì từ từ thôi chứ làm như cháy nhà thế. – Bà Anh trông theo, rồi đột nhiên nhớ ra điều gì đó. – Chúng nó làm lành với nhau rồi à, haiz!

Tối qua uống rượu rồi còn xả nước lạnh. Phúc nhà nên may là Tú chỉ bị cảm chứ không xảy ra chuyện gì lớn. Cháo trong camen nóng hôi hổi, Hà còn thái thêm thật nhiều hành bỏ vào. Tú làm nũng, nhăn mặt:

– Hôi thế! Khó ăn lắm.

– Có ăn không thì bảo? – Hà trừng mắt dọa, cô còn đang bực đây, ba mươi rồi chứ ít mà còn không biết tự chăm sóc mình. Lúc nãy đi trên đường cứ sợ anh sốt cao quá thì hỏng.

– Sáng nay em không đi làm à?

– Không! Anh lo mà ăn cho hết đi rồi còn uống thuốc.

Tú ngoan ngoãn im lặng ăn hết. Ngoài kia nắng đã lên cao, vài tia nghịch ngợm lọt qua khe cửa sổ. Thu dọn bát đũa bỏ vào bồn rửa. Căn bếp nhỏ này sau mấy tháng vẫn giống như trong trí nhớ của Hà. Biết bao lần hai người cùng nấu cơm, cùng ăn trưa, ăn tối tại nơi đây. Cái nhấc nồi hình con vịt này cũng là của cô mua tới… .

Chia thuốc ra theo từng lần uống xong, Hà bỏ lên kệ tủ cạnh giường cho Tú. Sắc mặt anh đã tốt hơn lúc sáng.

– Anh nhớ uống thuốc đầy đủ nhé! Em về đây.

Giọng Tú buồn thiu:

– Em về thật à!

– Ừ! – Hà xách giỏ quay đi, chả hiểu sao tự nhiên cô lại buột miệng. – Để em gọi Ngọc qua với anh nhé!

Cô còn để tâm đến Ngọc nhiều đến thế. Nếu nút thắt này không gỡ sớm nó sẽ càng ngày càng siết chặt hơn và không thể gỡ nổi nữa. Cứ thế, chuyện tình giữa hai người sẽ đi đến hồi kết. Anh không muốn như thế mà muốn nó sẽ dài dài dài ra mãi.

Mắt thấy Hà đi ra gần đến cửa, Tú vội đứng dậy đuổi theo, ôm lấy cô từ đằng sau. Hà cảm nhận được hơi nóng bao bọc xung quanh mình.

– Anh muốn lây cảm cho em đấy à?

– Không!

– Thế thì có gì nói không?

– …

– Không thì bỏ ra để em về!

Tú sững sờ, hình như cô vừa cho anh một cơ hội đúng không? Hà đưa tay lên định gỡ tay Tú ra khỏi người mình. Bất chợt anh siết chặt hơn… .

Tâm trạng con gái mấy hôm nay thay đổi hẳn, người làm mẹ như bà Anh rất rõ. Nụ cười tươi tắn hơn rất nhiều, phải thế chứ. Không cần hỏi bà cũng biết được lí do. Thôi thế cũng tốt, chúng nó có duyên có số với nhau, xa một vòng lại trở về với nhau thôi. Con cái hạnh phúc bậc làm cha làm mẹ cũng vui lòng.

Kể từ hôm ầm ĩ một trận ra trò đấy Ngọc nghỉ việc, trốn về nhà mẹ đẻ. Tự tin vào bằng cấp của mình nên ả không lo vấn đề việc làm sau này. Vừa về thảnh thơi được mấy hôm, Tuấn đã bế con về theo đến cửa.

– Anh đến đây làm gì?

– Cho cháu về thăm ông bà. – Nói rồi Tuấn tự nhiên bế con bước vào nhà. Ngọc chỉ đơn giản cho rằng anh ta đưa cháu về nhận nhà ngoại mà không biết còn người khác.

Ngồi thư thư được một lát, tay bấm bấm nhắn nhắn gì đó trên điện thoại xong, Tuấn gọi taxi đi sang nghĩa trang làng bên. Ngọc nhíu mày hỏi:

– Anh đưa con qua chỗ đấy làm gì?

– Đi rồi biết, em cũng đi cùng đi.

Ngọc lấy làm lạ, anh ta đâu phải người ở đây. Chẳng lẽ có bà con thân thích nào yên nghỉ bên đấy? Thế rồi vì tò mò nên Ngọc cũng lên xe theo. Đi qua nhà bà Thu, đồ em bé phơi đầy sân. Chắc là con của Sơn. Xe đi được một đoạn nữa thì phải xuống đi bộ. Chỗ này Ngọc cũng đến mấy lần thăm bố Tú rồi nên chẳng lạ lẫm gì. Xuống xe, Tuấn đưa con cho Ngọc bế rồi đi loanh quanh tìm “ai đó” . Ngọc tái mặt, anh ta lại làm cái trò điên khùng gì đấy.

Đây rồi, Tuấn gọi Ngọc lại, đỡ lấy đứa bé rồi đặt xuống:

– Chào ông nội đi con.

– Cái…cái…cái gì? Ông nội? Còn bố anh ở nhà?

– Bố dượng. Đây mới là bố ruột.

Ngọc choáng váng không tin vào mắt mình. Không phải ả ngạc nhiên vì Tuấn có hai người bố mà là người anh ta gọi là bố đẻ. Ngọc lẩm bẩm: “ Không lẽ mình bị ma ám rồi à.” Đó rõ ràng là mộ của bố Tú cơ mà, sao bây giờ lại biến thành bố Tuấn rồi.

---------