Chương 11

Tiêu Dung trở lại khách điếm, vừa lúc tiểu nhị đang bưng nước bẩn đi ra, nhìn thấy Tiêu Dung, hắn ta vừa kinh ngạc lại vui mừng mà nói: “Hôm nay khí sắc của công tử thật tốt, rất có sức sống.”

Tiêu Dung: “...”

A Thụ lén nhìn Tiêu Dung một cái, không sai, quả thật là rất có sức sống, hai má đều ửng hồng vì tức giận cơ mà.

Sắc mặt Tiêu Dung cứng lại, không nói gì mà chỉ phất tay áo rồi đi thẳng lên lầu. A Thụ vội vàng đi theo, vừa vào phòng là đã đưa tay đóng cửa phòng lại luôn.

Thật là nhà dột còn gặp mưa suốt đêm, một người sĩ diện như Lang chủ nhà nó, trước này còn chưa từng phải chịu đựng loại uất ức kiểu này đâu.

Tiêu Dung ngồi trên giường giận dỗi, A Thụ im lặng một lúc, sau đó mới thật cẩn thận đi đến bên cạnh Tiêu Dung, học theo bộ dáng trước kia của Tiêu Dung mà an ủi hắn: “Lang chủ.”

“Không nên tức giận.”

“Tức giận rồi lại đổ bệnh ra đó thì cũng có ai chịu thế cho Lang chủ được đâu.”

Tiêu Dung: “…”

Cả người hắn không nhúc nhích, chỉ chậm rãi quay đầu lại nhìn khuôn mặt vô tội kia của A Thụ, Tiêu Dung từ tốn nói: “A Thụ à, vì sao ta đột nhiên nhìn ngươi mà cứ có cảm giác không vừa mắt thế nhỉ?”

A Thụ: “...”

Nó vội ngậm miệng lại.

Thật ra A Thụ cũng sầu đến phát hoảng ấy chứ. Từ lúc nó đến hầu hạ bên cạnh Tiêu Dung thì mỗi ngày nó đều nghe Tiêu Dung nhắc mãi, nói là hắn muốn tìm Trấn Bắc quân, muốn lưu lại bên trong Trấn Bắc quân mà góp sức. Hiện giờ, vất vả lắm mới tìm đến, vậy mà lại bị cho ăn canh bế môn một cách phũ phàng đến vậy.

Những ngày tháng bôn ba bên ngoài không hề dễ chịu chút nào. Lộ phí mà bọn họ mang theo cũng đã dùng gần hết. Ban đầu Lang chủ cũng không phải là người tính toán chi li đến vậy đâu, chỉ là sau khi phát hiện tiền dùng hết quá nhanh, mới biến thành cái dạng này.

Sau khi triều nhà Ung dời xuống phía nam, giá cả hàng hóa tăng cao tới mức khiến người ta líu lưỡi. Hiện giờ, xem như là Nam Ung cũng đã ổn định, nhưng bọn họ lại toàn nhằm hướng bắc mà đi, giá cả ở phía bắc cũng chỉ tốt hơn một chút so với cuối thời kỳ Bắc Ung lúc trước thôi.

Một đồng tiền lớn chỉ có thể mua được hai cái bánh. Mà lúc này, đồng tiền lớn còn không phải là tiền đồng trong ấn tượng của mọi người đâu, tiền trinh mới là tiền đồng, còn đồng tiền lớn thì lại càng dày nặng hơn nhiều. Một đồng tiền lớn ước chừng tương đương với hai mươi tiền trinh (văn tiền).

Một cái bánh giá mười văn tiền, lại còn chẳng có nhân gì hết, cũng chỉ đủ cho một đứa bé ăn lửng dạ. Cho dù là ở đâu thì cái giá này cũng thuộc loại giá trên trời rồi, mà sở dĩ giá bánh tăng lên đến mức này là bởi vì giá lương thực quá đắt đỏ.

Trong thời kỳ hỗn loạn, giá lương thực tăng cao cũng là điều bình thường, nhưng ở thời đại này còn có một đặc điểm mà những người sống ở thời đại khác như Tiêu Dung không thể tưởng tượng được.

Đó chính là, giá củi lửa cũng đắt như giá lương thực.



Người dân sống ở thời đại này biết giá củi đắt, nhưng lại không biết vì sao nó lại đắt như vậy, hơn nữa, cũng bởi vì đã đắt đỏ suốt mấy năm nay, bọn họ cũng đã quen với điều đó rồi. Cũng may là củi và lương thực không giống nhau, chỉ cần chịu khó tìm ngày tìm đêm – dùng tất cả thời gian nhàn rỗi của mình để nhặt củi, thì vẫn là có thể nhặt được số lượng đủ dùng, để cả nhà có thể cầm cự được qua mùa đồng. Thế nhưng, một khi phát sinh chuyện gì ngoài ý muốn, chiếm dụng thời gian của mọi người, dẫn đến kiếm không đủ củi, lại không có tiền mà mua, vậy thì chỉ có một con đường để đi mà thôi – đó là bị chết cóng.

Bốn chữ ‘củi gạo dầu muối’ này, ước chừng chính là từ lúc này mà có, hơn nữa chữ ‘củi’ còn xếp ngay đầu tiên luôn.

Thời đại này, các món nguội như rau trộn, dưa muối phát triển rất nhanh, có khá nhiều phương pháp đốt than để giữ ấm, mọi người sử dùng bất cứ phương pháp nào có thể.

Ba mươi năm trước, rất nhiều người đều không thể quên không được kia trận tuyết kia, trải dài từ Cao Lệ đến cống Tương Nhị Thủy, những lớp tuyết thật dày bao trùm tất cả. Sông Trường Giang, sông Hán Giang đều bị đóng băng bào mùa đông năm đó. Ở phương bắc, một lượng lớn gia súc bị chết cóng. Trong khi đó, ở phương nam, bởi vì không hề lường trước được là trận bão tuyết này lại kéo dài đến tận một tháng, nên ước chừng đã có khoảng 150 vạn (1,5 triệu) dân hôn mê bên trong màn tuyết lớn dày đặc đó.

Những người bị đông chết cũng không biết rằng bọn họ xui xẻo khi sinh ra vào một trong ba đợt khí hậu chuyển lạnh có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Bọn họ cũng không biết, có lẽ bị đông chết lại là một cái kết cục tương đối tốt, bởi vì khí hậu ngày càng lạnh hơn, những dân tộc du mục ở phương bắc mất đi quê hương của mình, không thể không đi về phía nam để tranh đoạt những tài nguyên mới, mà Trung Nguyên – nơi vốn có khí hậu thích hợp, lại bị đánh đến trở tay không kịp, thế cục càng thêm hỗn loạn.

Người đã chết thì không cần lo lắng gì nữa, nhưng cơn ác mộng của những người còn sống lại mới chỉ bắt đầu.