Bấm để xem
Đóng lại
Sau khi ra khỏi bìa rừng, chúng ta bắt đầu tiến vào lãnh địa Chăm pa, một đường hướng tới thành Đồ Bàn. Bữa tối hôm ấy, trong một khách điếm ngoài cửa khẩu thành Đồ Bàn, lần đầu tiên Trần Thiệu Nghĩa chủ động tiến đến kính cẩn rót rượu cho ta. Ta vô cùng hài lòng với thành ý của hắn nên cũng ngửa đầu uống cạn, hắn nói.
"Chén này mạt tướng kính cô nương vì nhờ có cô nương mà cả đoàn chúng ta mới có thể qua ngàn dặm núi rừng không hao tổn một binh một mã."
Nói rồi hắn lại rót cho ta chén thứ hai.
"Chén này ta kính cô nương vì cô đã khiến ta thay đổi cách nhìn về thương nhân."
Ta uống cạn chén thứ hai, trong khi hắn định rót cho ta chén thứ ba thì ta giật phăng bình rượu trong tay hắn rồi rót cho hắn một chén cũng tự rót cho mình một chén.
"Vì mục tiêu mấy ngày sắp tới, có thêm một người là nhiều thêm một đôi mắt, nhiều thêm một phần cơ hội thành công. Ta tận lực như vậy cũng chỉ để mua thêm cho chúng ta một phần may mắn này thôi. Chuyện mấy ngày sắp tới, chút mánh khóe lừa người của ta sợ là không lòe được con mắt của cả hoàng tộc và mấy trăm nghìn người dân Chiêm Thành. Ta nghĩ tướng quân phải nhanh chóng tìm cách liên lạc với đại nhân Trần Khắc Chung để lên kế sách phối hợp cứu công chúa."
Trần Thiệu Nghĩa này là một trong số ít người từng chứng kiến cảnh ta huỵt toẹt, xấc láo với Trần Thuyên vì thế ta cũng chẳng cần thiết phải giữ lễ nghi phép tắc với hắn. Nếu như là trước đây, khi ta dùng giọng điệu này nói chuyện với Trần Thuyên, hắn đứng hầu bên cạnh thánh giá chắn chắn sẽ chỉ có một phải ứng duy nhất là khó chịu chau mày. Chẳng hiểu sao bây giờ ta dùng giọng điệu đó nói với hắn thì hắn lại gãi đầu đỏ mặt cầm chén rượu đưa đến trước mặt ta.
"Thật ra thì từ sáng nay khi vào lãnh thổ Chăm Pa, mạt tướng đã cho người tìm cách liên lạc với đại nhân Trần Khắc Chung rồi. Mà trải qua hai mươi ngày cùng chung hoạn nạn, cô nương có thể gọi ta là Thiệu Nghĩa cho tiện hành động."
Thái độ này của Trần Thiệu Nghĩa khiến ta ngạc nhiên tới mức suýt đổ chén rượu. Ta ngẩn người chạm chén với hắn rồi ngửa đầu uống cạn chén rượu. Trong lòng không khỏi thắc mắc, mẹ kiếp, nghe nói muỗi rừng vô cùng độc, ta phòng Thát tặc, phòng Sơn Khấu, chặn Sơn Miêu nhưng lại quên đập muỗi, lẽ nào mỹ nhân này bị muỗi đốt hỏng đầu rồi?
* * *
Ta bắt đầu học hỏi việc kinh doanh từ rất sớm. Vì vẻ ngoài không xuất chúng, mẹ của ta, tú bà của Van Nguyệt Lâu nổi tiếng nhất kinh thành, đã quyết định không tốn sức đầu tư cho ta học các mánh khóe câu dẫn nam nhân như Thanh Liên. Khi ta mới năm tuổi, bà đã bắt ta cắp tráp đi theo các chủ quầy học tính toán.
Đến năm mười tuổi, ta bắt đầu nắm giữ sổ sách đầu ra đầu vào của nhà bếp Vạn Nguyệt Lâu, sau đó một năm thì bắt đầu quản lý cả chi phí của các cô nương trong lâu. Trong năm ấy, lần đầu tiên ta biết được thanh lâu này thật ra là một tổ chức tình báo bí mật, do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập ra, phục vụ cho hoàng thất Đại Việt. Sau đại thắng Thát tặc, Hưng Đạo Đại Vương bị trọng thương liền giao lại tổ chức này cho thứ nữ là Tuyên Từ Hoàng Hậu khi ấy vẫn còn là cung phi Thụy Nguyệt tiếp quản.
Nói về đoạn thời gian này trong quá khứ nước nhà có thể tóm gọn lại như sau:
Ngày thượng hoàng lên ngôi, bờ cõi Đại Việt đang bị đe dọa bởi giặc Thát đã đánh hạ triều đình Nam Tống ở phương Bắc, thống nhất Trung Nguyên. Để củng cố mối quan hệ khăng khít của hoàng tộc, thượng hoàng đã cưới cả hai người con gái của Phiêu kị tướng quân chính là Hưng Đạo Đại Vương bây giờ, sắc phong trưởng nữ Trần Thị Trinh làm phu nhân, thứ nữ Trần Thụy Nguyệt làm cung phi. Ngặt một nỗi, thượng hoàng tuy cưới cả hai chị em nhưng trong lòng lại chỉ duy nhất nặng tình với mẹ của Trần Thuyên là Trinh phu nhân bởi bà đã hai lần anh dũng xả thân cứu chúa, sau này người còn sắc phong bà làm Khâm Từ Hoàng Hậu.
Trong dân gian, chuyện hai chị em cùng lấy một chồng như vậy chính là tiền đề cho những cuộc gia đấu một mất một còn. Nhưng có lẽ vì cung phi Thụy Nguyệt tiến cung khi mới mười một tuổi, quá nhỏ để hiểu rõ tình cảm nam nữ. Trong suốt hai mươi mấy năm kháng chiến chống giặc Thát, hoàng hậu vừa là chị lại vừa là mẹ chăm sóc cho cung phi. Sau này, cả đời bà đều đi theo giúp đỡ chị mà không màng tới hạnh phúc riêng. Khi Trần Thuyên ra đời, hắn liền thân thiết gọi bà một tiếng mẹ hai.
Cung phi Thụy Nguyệt tuy không mặn mà trong việc đấu tranh giành sủng ái của thượng hoàng nhưng lại là một người đàn bà vô cùng thông minh. Để cho Trần Thuyên lớn lên an toàn ngoài tranh chấp hậu cung, bà đã hiến kế cho Khâm Từ Hoàng Hậu xin một đạo chỉ của thượng hoàng, gửi Trần Thuyên tới phủ của Hưng Đạo Vương ở ấp Vạn Kiếp. Hành động này của bà tiếng là để cho hắn chăm sóc ông ngoại, nhưng thật ra lại là kế kim thiền thoát xác, để một thế thân ở trong phủ Hưng Đạo Vương còn bản thân hắn thì chuyển thẳng vào thanh lâu nhà ta sống. Sau này, khi đã hiểu chuyện, ta vô cùng bội phục kế này của bà ấy, vừa bảo vệ được con trai lại vẫn có thể giữ nó gần bản thân. Đó cũng là cơ hội tốt để Trần Thuyên học hỏi cách giao tiếp, đối nhân xử thế.
Ta lớn lên nơi này, có loại người nào chưa từng thấy, lại có loại chuyện nào chưa từng nghe qua. Nói cho cùng, trên đời này còn có nơi nào mà nam nhân có thể bộc lộ hết thảy sự xấu xa trần trụi của mình như ở thanh lâu. Mà đây cũng không phài thanh lâu bình thường mà là nơi cao cấp nhất kinh thành, tới quá nửa các bậc đức cao vọng trọng trên triều đình đều là khách quen ở đây. Thân là thái tử, Trần Thuyên không cần lộ mặt thì cũng có thể hiểu rõ chân chính những thuộc hạ sau này của mình.
Mùa hạ năm ta mười một tuổi, Hưng Đạo Vương từ ấp Vạn Kiếp trở về kinh thành để đón thái tử Trần Thuyên. Ngay trong đêm yến tiệc đưa tiễn Thái tử, lão cáo già cũng đạp hỏng cửa sau Vạn Nguyệt lâu nhà ta để dắt cháu vào.
Lần đầu tiên ta gặp mặt Trần Thuyên là năm hắn mười ba tuổi.
Số là xem xét việc thanh lâu là chốn trăng hoa, cung phi Thụy Nguyệt không muốn con trai bị ảnh hưởng xấu nên cử người canh chừng hắn vô cùng chặt chẽ, còn xây một bức tường chắn giữa hậu viện của hắn và sân viện Vạn Nguyệt lâu. Tuy nhiên, năm ấy hắn vẫn còn là trẻ con đang tuổi lớn mà lại không có bạn chơi, không tránh khỏi buồn chán. Vì thế, một ngày nọ, ta bị mẹ mặc cho một thân nam trang dắt đến bái kiến Hưng Đạo Vương.
Ta ngày đó có thể vỗ ngực tự hào tuy không xinh đẹp khả ái nhưng vô cùng ngọt ngào đánh yêu, mặt tròn như bánh rán, hai má quả đào phúng phính khiến người yêu thương, lại thêm miệng lưỡi trơn tru do thường phải mua vui cho khách làng chơi ở thanh lâu, chỉ sau hai ba khắc đã chinh phục hoàn toàn lão cáo già dày dặn kinh nghiệm quan trường. Có lẽ lão Vương gia đã thấy trước ta là con gà đẻ trứng vàng trong tương lai nên lập tức ra lệnh cho mẹ gửi ta đến làm thư đồng cho thái tử.
Tuổi thơ của ta cứ như thế bị định đoạt trong tay của ba người lão Vương gia cáo già, cung phi Thụy Nguyệt xảo quyệt, và người mẹ giảo hoạt. Một đứa trẻ mới mười tuổi như ta năm ấy mà ban ngày phải theo làm thư đồng của Thái tử, buổi tối lại phụ mẹ việc quản lý thanh lâu.
Giờ nhớ lại, quả thật tuổi thơ của ta khốn khổ không kể xiết. Nhưng cũng nhờ mười mấy năm đầu đời đó, ta ngồi góc phòng, chui gầm giường, dựa chân bàn nghe được không ít chuyện bát quái gần xa. Không những phụ giúp mẹ, nhờ việc buôn bán lời đồn trong nhà ngoài hẻm, ta cũng kiếm được kha khá quỹ đen, chiếm được tín nhiệm của không ít nhân vật lớn nhỏ trong và ngoài lâu.
Năm ta mười ba tuổi, với người ngoài, mẹ vẫn là tú bà nắm quyền sinh sát nhưng sau bình phong, ta đã là người tính toán thu chi của toàn bộ việc kinh doanh của lâu. Nhờ quỹ đen kiếm riêng sau mấy năm bán rẻ lương tâm ngồi lê đôi mách, ta đã mua được cửa hàng đầu tiên ngay sát vách thanh lâu đặt tên là Vãn Nguyệt Phường, chuyên dành để bán các đồ thêu thùa, tranh vẽ, sản phẩm thủ công được các cô nương trong lâu làm ra trong lúc rảnh rỗi. Nói không ngoa, các cô nương ở Vạn Nguyệt lâu không phải là kỹ nữ bình thường, xuất thân của họ nếu không phải con cái tội quan thì cũng là con nhà thư hương thất thế, cầm kỳ thi họa không gì không giỏi, danh tiếng đồn xa, đồ họ làm ra rất được giới trí thức và thương nhân trong kinh thành ưa chuộng. Cũng từ cửa hàng đầu tiên đó, ta chính thức bỏ nghề chim khách rủi ro cao mà chuyển sang kinh doanh chân chính, sự nghiệp thương nhân phát triển như nụ tầm xuân gặp mưa rào, như cá gặp nước, như ruồi muỗi gặp.. ờ thôi.
Từ cửa hàng nhỏ đầu tiên, ta chiếm được tín nhiệm của Trần Thuyên, thành công khiến hắn uốn năm tấc lưỡi xin kha khá ngân lượng từ hoàng hậu và cung phi để đầu tư mở tửu quán trong kinh thành đặt tên là Tân Nguyệt quán.
Việc kinh doanh đồ ăn đương nhiên dễ dàng hơn kinh doanh con người của thanh lâu nên chẳng làm khó nổi ta. Sau sáu tháng, ta quyết định mở tửu quán thứ hai.
Cứ như vậy, hai năm sau, ta tròn mười lăm trăng rằm, mẹ lui về quản lý chuyện tình báo tuyệt mật, giao lại quyền kinh doanh cho ta. Khi tiếp nhận Vạn Nguyệt lâu, ta đã là bà chủ của Bách Nguyệt hội gồm chuỗi ba thanh lâu lấy tên Vạn Nguyệt, mười lăm tửu quán tên Tân Nguyệt, mười ba cửa hàng tơ lụa tên Vãn Nguyệt, hai mươi cửa hàng đồ gia dụng tên Hương Nguyệt đứng hàng thứ mười trong số các đại thương gia lớn nhất Đại Việt.
Đương nhiên, ta được như vậy cũng là nhờ sự bảo hộ không nhỏ của lão vương gia và cung phi Thụy Nguyệt. Để giữ được chỗ chống lưng vững chắc ấy, ta đây cũng phải bỏ ra đến bảy phần lợi nhuận xây bậc thang cho thái tử Trần Thuyên lên đế vị. Bảy tám phần lợi nhuận ấy đương nhiên không chỉ để chuyển vào trong cung cho cung phi tiêu dùng mà phần lớn chính là đổ vào nuôi tử sĩ, gián điệp, thích khách, chiêu mộ nhân sĩ giang hồ, đút lót khắp nơi để cài cắm người của cung phi Thụy Nguyệt cùng Hưng Đạo Vương vào dưới trướng các thế lực quân phiệt trong triều. Cũng vì thế, quyền sở hữu của Bách Nguyệt hội cũng nghiễm nhiên chia làm hai, Trần Thuyên nắm bảy phần, trong tay ta chỉ có ba phần mà thôi. Đối với người dưới trong Bách Nguyệt hội thì ta là chủ nhân, còn đối với bản thân ta thì Trần Thuyên mới là chủ nhân chân chính.
Chuyện lợi ích giữa ta và Trần Thuyên kể ra cũng chỉ ngắn gọn như vậy, về mặt tình cảm thì chúng ta quả thật đã từng vào sinh ra tử với nhau. Kể từ khi ta gặp mặt hắn cho tới khi hắn trở thành hoàng đế thì phần lớn thời gian hắn đều ở cách ta chỉ một bức tường, ta và hắn ăn học cùng nhau.
Mấy năm thơ ấu ấy, hắn học là đạo cầm binh, trị nước, ta học là đạo thần tử và mánh khóe kinh doanh. Thời gian qua đi, không biết từ khi nào, ta biết ta có thể sống, cũng có thể chết vì hắn. Ta thay hắn ăn cơm thử độc, thay hắn chắn đao chặn tên, đi mua sắm thì hắn tiêu, ta chi, cúc cung tận tụy đến thái giám thân cận của hắn còn phải nể ta bảy phần.
Cũng trong những năm ấy, ta từ bé gái chỉ biết đếm tiền, chỉ mơ phục trang đẹp đẽ và đồ ăn ngon đã trở thành thiếu nữ biết thương biết nhớ. Trớ trêu thay, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, mà nhất là với loại rơm mục đã chứng kiến đủ loại lửa xấu xí trên đời như ta, hắn chính là loại lửa trong sáng chỉ cháy hừng hực vì tham vọng lại tuyệt không bao giờ chạm qua các loại rơm khác, trong lòng ta, hắn càng trở nên hấp dẫn. Ta không nhớ nổi từ lúc nào hắn đã trở đi trở lại trong giấc mơ của ta.
Những giấc mơ này ta chưa từng chia sẻ cùng ai, cũng chưa từng dám biểu lộ ra ngoài. Ta biết với xuất thân con gái nữ tử thanh lâu của mình, nếu để lại bất kỳ lời đồn nào về quan hệ của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng không tốt tới uy danh của hắn. Suốt mấy năm trời ta dùng thân phận thuộc hạ ở bên hắn, quan sát hắn, bảo vệ sự trong sáng của hắn khỏi những dơ bẩn nơi thương trường. Mấy năm ấy, từ lo lót quan lại, mua chuộc lòng dân, hỗ trợ quốc khố, thuê thích khách giết người, đốt nhà, bất cứ sự vụ gì từ trong sạch đến bẩn thỉu của Trần Thuyên đều có ta và người của Bách Nguyệt hội nhúng tay.
Cho đến một năm trước khi Trần Thuyên đăng cơ, hoàng hậu qua đời vì bạo bệnh, thượng hoàng đau buồn mà truy phong bà là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Hậu. Cung phi Thụy Nguyệt được sắc phong Tuyên Từ hoàng hậu. Thượng hoàng triệu Trần Thuyên trở lại hoàng cung, ban chỉ lập quận chúa Văn Đức, con gái Hưng Nhượng Vương làm thái tử phi. Ngày hắn vu quy, ta uống cạn ly rượu cay đắng như thuốc độc để gϊếŧ chết tình cảm của mình. Cũng từ đó, để tránh tại mắt trong cung, trong hơn một năm, ta không gặp lại hắn, chỉ trao đổi thư từ qua người thân tín.
Một năm sau khi Trần Thuyên trở lại Đông Cung, thượng hoàng thoái vị, Trần Thuyên đăng cơ lấy hiệu Hưng Long, Tuyên Từ hoàng hậu trờ thành thái hậu. Hắn vừa đăng cơ, liền ban chỉ giáng thái tử phi xuống làm Văn Đức phu nhân, bị hắn đuổi khỏi cung, em ruột Trần Thị Bảo của nàng ta lại được triệu vào cung sắc phong làm Bảo Từ phu nhân. Cùng ngày, Bảo Từ phu nhân nhập cung, ngay phía sau đoàn người của nàng ta chính là đoàn người ngựa hộ tống Chiêu Hiến quận chúa, con gái của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng.
Nghe nói, quan gia với Chiêu Hiến quận chúa chính là nhất kiến chung tình, nàng vừa nhập cung liền nhận được vô vàn ân sủng. Nghe nói, quan gia yêu thương nàng ta đến mức sau đêm thị tẩm đầu tiên đã phong nàng làm Huy Tư hoàng phi, nhận đãi ngộ ngang hàng với Bảo Từ phu nhân.
Từ ngày Trần Thuyên đăng cơ, cứ cách vài tháng ta lại được hắn triệu vào cung dưới danh nghĩa thương gia cung cấp nhu yếu phẩm cho hoàng thành Thăng Long.
Ta hiểu suy nghĩ của Trần Thuyên, hàng năm, số tiền thất thoát trong hoàng cung do hậu phi và thái giám thâu tóm không hề ít. Chỉ bằng một nước cờ đơn giản, Trần Thuyên trực tiếp đẩy thuộc hạ thân tín là ta lên đầu sóng ngọn gió, còn hắn liền một lần xòe tay là nắm trọn toàn bộ chi tiêu của hoàng cung. Bảo Từ phu nhân có lẽ vì sợ dẫm phải vết xe đổ của chị mình nên chỉ luôn im lặng án binh bất động, còn ta thì một bước nhảy chín bậc lên đại Thương gia đứng đầu Đại Việt. Sau hai lần liên tiếp trong cùng một năm phải uống rượu hỉ của Trần Thuyên, con tim yếu đuối của ta đã hoàn toàn thảm bại trước lý trí của thương nhân. Đại Việt đã trở nên quá nhỏ bé và ta cũng quá mệt mỏi vì những yêu sách từ người anh em kết nghĩa này, ta liền tìm đường mở rộng giao thương của Bách Nguyệt hội sang các quốc gia lân bang.
Thiên Túc, Kang Bo Ra, Tuyettuyetlanlan và 156 người khác thích bài này.
27 Tháng mười một 2020Tặng xuThíchTrích dẫn
Sai NguyenThành viên chuẩn
Bài viết:Tìm chủ đề177
Q1.