- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cổ Đại
- Đại Việt Đệ Nhất Thương Gia
- Chương 37- Con nhà binh cần sống chan hòa với bách tính
Đại Việt Đệ Nhất Thương Gia
Chương 37- Con nhà binh cần sống chan hòa với bách tính
Bấm để xem
Đóng lại
"Ầm.. ầm.."
"Em gái, dậy đi."
Sáng nay trời rét căm căm, mưa phùn lất phất, dù đã cửa đóng then cài, gió lạnh vẫn cứ vun vút luồn lách vào trong phòng. Ta co ro quấn chăn rúc trên giường, nước mắt lưng tròng, cõi lòng đau khổ.
Ai nói làm tiểu thư tướng phủ là được tận hưởng vinh hoa phú quý, cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ?
Ai nói làm tiểu thư rồi là không cần phải làm gì hết?
Ta muốn giết Trần Thuyên!
Sau cuộc nói chuyện hôm ấy, ta chạy trối chết, hắn cũng vội vàng rời khỏi thượng tướng phủ không một lời từ biệt, cũng không để lại cho ta một lời bình luận. Nếu ta là hắn, ta cũng sẽ bất ngờ tới mức không biết nên phản ứng như thế nào. Ai nghĩ đâu thuộc hạ thân cận bên cạnh mình mười mấy năm đột nhiên lại có tình cảm nam nữ sâu nặng với mình cơ chứ? Không biết hắn có cảm thấy khinh thường ta hay không?
"Rầm.. rầm.. cạch"
"Tiểu thư, nếu người còn không ra, nô tỳ sợ các vị tướng quân sẽ đạp cửa xông vào mất."
Cùng ngồi trên giường nhỏ bên cạnh giưởng ta, Chi thị hít hít cái mũi đã đỏ bừng vì lạnh, rưng rưng nhìn ta đầy vẻ khẩn cầu.
Thật ra nàng ấy chẳng hề nói quá. Sáng ngày đầu tiên ở lại tướng phủ, cũng xảy ra tình cảnh thế này Lúc ấy, ta ngây thơ nghĩ rằng cứ im lặng giả vờ như chưa ngủ dậy thì mấy người anh trai này sẽ tự bỏ đi. Không thể ngờ rằng họ đứng gõ cửa gần nửa canh giờ, ta cũng kiên trì không trả lời nửa canh giờ, vậy mà họ dám phá cửa xông vào thật.
Số đen một nỗi sáng hôm ấy ta chủ quan, đắp chăn ngủ kỹ. Đến lúc người ta xông vào phòng, trên người ta cũng chỉ mặc độc một bộ trung y, tóc tai rối bù. Ngược lại thì ôi thôi người xông vào phòng ta có đủ loại lớn, bé, già trẻ, không chỉ có bốn người anh trai, còn có cả hai người chị dâu cùng bọn trẻ con loắt choắt. Thật là xấu hổ không chịu nổi.
"Em ra báo với bọn họ một tiếng, bảo họ cứ đi trước, ta mặc quần áo xong sẽ tới thẳng võ trường."
Ta thở dài một hơi rồi lồm cồm bò khỏi giường chuẩn bị đi hành xác.. ấy nhầm.. rèn luyện buổi sáng.
* * *
Khách quan mà nói, có lẽ vì cả cha ta và Anh Nguyệt quận chúa đều là võ tướng nên họ quản gia cũng không khác gì khiển binh đánh giặc. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa hay nắng, trống canh điểm bốn tiếng là cả nhà già, trẻ, lớn, bé, bất kể chủ nhân hay người hầu đều tập trung về võ trường cùng nhau tập luyện.
Chi thị vì có sẵn công phu trong người nên được sắp xếp rèn luyện cùng nhóm nữ binh, còn ta tuy cũng có luyện qua một vài bộ pháp chạy trốn nhưng vì toàn thân không có nội lực nên thật sỉ nhục, phải tập bài quyền cơ bản cùng bọn trẻ con trong nhà.
"Cô ơi, cô tập sai rồi. Đường quyền đó phải đi thế này." Phạm Ngũ Sơn, thằng nhóc con trai của anh cả Phạm Ngũ Cung đứng chống nạnh bên cạnh nhìn ta tập, thi thoảng lại cằn nhằn vài câu.
"Đúng thì sao mà sai thì sao nào? Cô tập là để khỏe người chứ có phải để thắng thua với ai đâu?" Ta làu bàu cự lại với nó. Quái lạ, thằng nhóc này mới có mười một tuổi mà không hiểu học ở đâu mấy điệu bộ như ông cụ non. Khổ cái, nó lại là đứa lớn nhất trong đám trẻ con nhà mấy ông anh trai hờ của ta. Nó nói gì, bọn trẻ con đều nhao nhao ủng hộ, khiến bà cô già quá lứa như ta mấy phen phải ủy khuất cho chúng nó bắt nạt.
Ví dụ như lúc này, ta vừa cãi lời nó, Phạm Ngũ Sơn liền lạch bạch chạy sang chỗ ông nội của nó để cáo trạng.
"Ông ơi, cô lại không rèn luyện nghiêm túc."
Nó vừa dứt lời, cha ta đang luyện trường thương liền tiện tay ném cái thương vèo một cái qua chỗ ta.
Quá bất ngờ, ta ôm đầu ngồi thụp xuống hét toáng lên.
Cây thương bay sượt qua đỉnh đầu của ta rồi cắm phập xuống nền gạch, mũi thương cắm sâu mấy tấc, phần thân bằng đồng đặc rung lên bần bật. Vừa tức vừa sợ, ta chỉ biết trợn mắt nhìn cha, ông ấy dùng trăm phương nghìn kế lôi ta về tướng phủ là để giết người diệt khẩu hả.
Cha thản nhiên phớt lờ cơn giận giữ trên mặt ta, cúi xuống vỗ đầu Phạm Ngũ Sơn cười hiền hòa.
"Chắc lúc trước cô con vẫn còn chưa tỉnh ngủ, không sao, ông nội giúp con làm cô tỉnh ngủ hẳn rồi. Quay lại tiếp tục luyện đi."
Nói rồi ông ấy lườm lại ta một cái, quay lưng cầm lấy thanh đao bên cạnh tiếp tục tập luyện như không có chuyện gì xảy ra. Ta nhìn thanh đao vừa dài, vừa sắc bén, chém gỗ như chém bùn, trong lòng tuy gào thét kiến nghị nhưng ngoài mặt đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt tiếp tục tập tành nghiêm túc, không dám chểnh mảng nữa. Vừa tập ta vừa tự nhủ trong lòng, làm người là phải biết nhẫn, co được duỗi được mới làm nên đại sự, tránh voi chẳng xấu mặt nào.
* * *
Quá trình rèn luyện gian nan buổi sáng kết thức sau một canh giờ rưỡi, ta vất vả dựa vào Chi thị, dò dẫm lết cái cơ thể đau rần từ đầu đến chân tới đại sảnh ăn sáng.
Khác với các gia đình bình thường, ở tướng phủ này, nam nhân và nữ nhân không cần chia chiếu trên, chiếu dưới để ăn mà tất cả cùng ngồi khoanh chân quây quần trên một cái sập lớn. Vị trí chủ vị đương nhiên là cha ta và quận chúa, lần lượt xung quanh sẽ là anh trai và chị dâu.
Trong bốn người anh trai của ta, chỉ có anh cả Phạm Ngũ Cung cùng anh hai Phạm Ngũ Khiên đã có vợ. Anh cả cùng chị dâu cả Đoàn Thị Mai đã có một trưởng nam là Phạm Ngũ Sơn cùng bé gái tên Phạm Ngọc Nga. Anh hai cùng chị dâu thứ Chu Phương Thanh cũng đã có một trưởng nữ Phạm Thị Nguyệt và bé trai Phạm Ngũ Hải. Hai nhà bọn họ chia ra ngồi hai bên trái phải của cha cùng quận chúa, còn ta cùng anh ba và anh tư vì vẫn còn độc thân nên ngồi thành một nhóm còn lại.
Ta ở phủ tướng quân đã ngót nghét bảy tám ngày nên cũng coi như là quen thuộc, lại thêm mấy người anh trai đều xuất thân bần nông, không câu nệ lễ nghi quý tộc nên bọn ta rất nhanh đã trở nên thân thiết. Ta vừa bước qua cửa, anh ba Phạm Ngũ Thương đã nhanh nhẹn đỡ ta ngồi xếp bằng xuống sập, trong khi đó anh tư Phạm Ngũ Lĩnh lại gật đầu đuổi Chi thị xuống ăn cùng đám người hầu, ý chỉ ở đây đã có bọn hắn lo.
Đợi tất cả mọi người cùng ngồi vào bàn, cha liền dõng dạc bắt đầu bài dạy dỗ buổi sáng.
"Liệt tổ liệt tông của nhà Phạm Ngũ chúng ta năm đời theo nghiệp võ, dù là nhân sĩ giang hồ hay là tướng lĩnh cầm quân đều một lòng yêu nước thương dân. Dù ta và các con có làm tới chức vụ nào, công trạng hiển hách đến đâu cũng không bao giờ được phép quên những công trạng chúng ta có được là nhờ vào trăm vạn binh lính cùng tình yêu thương của bách tính. Để có thể san sẻ kham khổ với tướng lĩnh và bách tính, chúng ta phải sống cuộc sống của bách tính, ăn đồ ăn bình thường của bách tính, có như vậy các con mới có thể dũng mãnh như rồng hổ, quen với kham khổ trong khi hành quân, hết mình xả thân trên chiến trường."
Ừ, tuy nhìn một bàn cháo trắng độn khoai, lạc rang, cá khô và rau cần muối, ta chỉ biết khóc ròng, nhưng để tránh sự kiện như sáng nay xảy ra, ta ngoan ngoãn ngậm miệng cắm mặt và cơm, không dám than thở một câu nào. Mọi người quanh bàn ăn cũng lục tục bắt đầu, các câu chuyện đưa cơm cũng dần trở nên rôm rả.
Tháng giêng là mùa lễ hội, chính vì thế sau mấy câu chuyện phiếm lông gà vỏ tỏi về việc ăn uống, ngủ nghỉ, chị dâu cả Đoàn Thị Mai liền khấp khởi mở lời.
"Cha, con dâu nghe nói tháng giêng hàng năm, ở kinh thành và các thành phủ quanh kinh thành có rất nhiều lễ hội. Người nhà chúng ta quanh năm đều ở biên giới xa xôi, từ ngày trở về kinh thành lại tất bật lo lễ nhận tổ cho em gái nên bọn trẻ con còn chưa được thăm thú kinh thành chút nào, cũng thật đáng tiếc."
"Đúng vậy thưa cha, con dâu cùng chị dâu cả vốn xuất thân quê mùa, ngoài chốn làng xã ở biên giới xa xôi thì quả thật chưa từng được đi xem hội. Cũng không biết phải đến bao giờ mới có dịp trở lại kinh thành, không biết mấy ngày này, cả nhà chúng ta có thể đi thăm thú khắp nơi một lần cho biết được không."
Ta thực rất thích tính cách chất phác của hai người chị dâu này, thảo nào cha cùng quận chúa mấy ngày nay khổ sở tìm đủ cách từ chối lời mời tiệc của hết thảy đám quan lại cùng quý tộc trong thành, mà dù có phải đi đâu cũng không dám dắt họ đi theo. Với tính cách thẳng ruột ngựa thế này, chắc chắn sẽ đắc tội ta không ít người hoặc bị không ít kẻ lợi dụng.
Cha, Anh Nguyệt quận chúa cùng mấy người anh trai nghe xong đều tỏ vẻ do dự, ta nhìn qua liền biết họ lo lắng cái gì. Hiện tại thế lực quân sự ở Đại Việt đang ở thế kiềng ba chân, cha nắm giữ trăm vạn binh lực trấn thủ biên giới Ai Lao, phía Bắc bị tri phối bởi thế lực của Thừa tướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duât, phía Đông Nam lại là thiên hạ của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Trong ba vị này, Chiêu Văn Vương vốn là hoàng thất chính thống, xét về vai vế, thượng hoàng còn phải gọi ông ta một tiếng chú. Trong suốt gần một đời lăn lộn chốn quan trường, ông ấy nổi tiếng là đại thần liêm chính, nhân sĩ tài giỏi dưới trướng đông như lá xanh trong rừng.
Vị thứ hai, Nhân Huệ Vương lại là danh tướng ba triều, là con nuôi của Thái thượng Hoàng, nghĩa huynh của thượng hoàng, thủ đoạn trên chiến trường cùng thương trường thuộc hàng quỷ già, có thể so sánh một chín một mười với Hưng Đạo đại vương. Khác với loại thương nhân cái gì có tiền là buôn như ta, vị hoàng thân này chỉ tập trung kiếm tiền trên nhu yếu phẩm quân sự. Nói về tiền tài, dù ta có là đại thương gia của Đại Việt thì khi tổng kết tất cả giá trị hàng hóa và nhà đất cũng chưa chắc đã sánh bằng ông ta.
So sánh với hai vị kể trên, cả về tuổi tác, công trạng, lẫn tài lực, cha ta chỉ có thể tự xưng là chiến mã so với lão hổ, tuy dũng mãnh có thừa nhưng thủ đoạn lại yếu kém. Cũng vì thế, việc cha nắm giữ binh lực một cõi không những không khiến người trong triều nể phục mà còn khiến không ít kẻ đỏ mắt ghen tỵ. Trong số trăm kẻ rồng rắn tới cửa chào hỏi mấy ngày qua, chắc chắc không thiếu người chỉ đợi cha sơ sảy sẽ lập tức nhảy vào xâu xé binh quyền trong tay ông.
Ta lại nghe nói, năm nay không chỉ Điện Súy thượng tướng quân về triều chúc tết, ngay cả Nhân Huệ Vương cũng mượn cớ xây chùa kính Phật mà đã ròng rã ở lại trong thành hơn nửa năm. Trước đây ta là thương nhân được nhà vua chống lưng, cùng quan trường đương nhiên chính là nước sông không phạm nước giếng nên vô cùng vô tâm với những tranh chấp quyền lực này. Bây giờ bất đắc dĩ bị ném lên cùng một cái thuyền với phủ thượng tướng, ta có thể thấy rõ hoàn cảnh đầu sóng ngọn gió của cha, ở kinh thành này với ông quả thật là chiến mã lạc đầm chông, đi đâu cũng đầy cạm bẫy.
Tuy nhiên ta đây ra Bắc vào Nam, thứ quen thuộc nhất chính là bày mưu đấu trí, mấy cái thủ đoạn tranh chấp ở kinh thành này ta còn lạ gì. Chỉ vì sợ hãi mấy thứ vẩn vơ này mà tự giam bản thân trong nhà thì thật có lỗi với cảnh xuân tươi đẹp. Chính vì thế, ta liền mở lời trước.
"Không giấu gì cả nhà, con lớn lên ở kinh thành, quen thuộc nhất là đường đi lối lại cùng toàn bộ các lễ hội ở đây. Nếu cha và quận chúa không ngại, con có thể đưa mọi người đi. Đảm bảo đi ra sao về như vậy, không tổn hại một binh một tốt."
Dường như chỉ đợi ta nói như vậy, hai người chị dâu liền lộ rõ vẻ mặt vui mừng như trẻ con được cho kẹo, mấy người anh trai cũng khép nép ngước nhìn cha. Ta đương nhiên biết nhà này theo chế độ mẫu hệ nên chỉ nhìn quận chúa cười vô hại. Bà ấy ho khan một tiếng, liến nhìn cha đang trầm mặc nhíu mày bên cạnh rồi vỗ vỗ vai ông nó.
"Phu quân, thϊếp thấy đề nghị của con bé không tệ. Bắt đầu từ ngày mai phu quân đã phải quay trở lại xử lý quân vụ, thϊếp cũng muốn cùng mấy người chị em trong hoàng tộc tụ tập hàn huyên. Mấy loại chuyện này không tiện đem theo người nhà mà bắt bọn trẻ ở trong phủ mãi cũng không được. Cũng may con gái lớn lên ở kinh thành, so với người hoàng tộc như thϊếp có khi còn hiểu biết rõ ràng hơn. Để con bé đưa người trong nhà đi dạo chơi có thể tin tưởng được."
Cha tiếp tục im lặng ăn sáng, ông và nốt phần cháo trong bát, nhai nuốt từ tốn rồi mới nhìn một đám tiểu bối đang đỏ mắt mong chờ, phẩy tay nói.
"Còn không nhanh ăn cho xong, hay mấy đứa muốn ta đổi ý."
Được lời như cởi tấm lòng, người quanh bàn cơm liền phát huy khí thế rồng hổ, chưa đầy một khắc đã dọn sạch bát đĩa trên bàn, ai nấy chạy về viện nhà mình để chuẩn bị.
* * *
Mạnh Thăng, phuongchieungoc, Ưu Đàm Thanh Ti và 41 người khác thích bài này.
5 Tháng một 2021Tặng xuThíchTrích dẫn
Sai NguyenThành viên chuẩn
Bài viết:Tìm chủ đề177
Q1.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cổ Đại
- Đại Việt Đệ Nhất Thương Gia
- Chương 37- Con nhà binh cần sống chan hòa với bách tính