- 🏠 Home
- Phật Giáo
- Đại Tạng Kinh
- Chương 59: Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 4
Đại Tạng Kinh
Chương 59: Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 4
Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 4
Lúc bấy giờ Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Nay con phải làm thế nào mới chứng đắc Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này? Phàm ai chứng đắc thì sẽ tương ứng chẳng thể nghĩ bàn của vô lượng thiền định và tức đồng như chứng Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Chân ngôn này sẽ dẫn vào môn giải thoát để thấy cảnh giới tịch diệt, diệt trừ vĩnh viễn tham sân si, thành tựu Pháp tạng viên mãn, phá hủy năm đường luân hồi, thanh tịnh các địa ngục, đoạn trừ mọi phiền não, cứu độ chúng bàng sinh, và viên mãn Pháp vị.
Nếu dùng Nhất Thiết Chủng Trí để diễn nói công đức chân ngôn này thì cũng chẳng thể nói hết.
Bạch Thế Tôn! Con cần có Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này. Vì chân ngôn này, con sẽ lấy bảy báu đầy khắp trong bốn châu lớn để bố thí và lấy dùng biên chép.
Bạch Thế Tôn! Nếu vẫn không đủ mực, giấy, hoặc bút, con sẽ dùng thân thể của con để chích máu làm mực, lóc da làm giấy, và chẻ xương làm bút.
Bạch Thế Tôn! Con sẽ không bao giờ hối tiếc và con tôn trọng chân ngôn này như cha mẹ của chính mình."
❖
Lúc bấy giờ Phật bảo Trừ Cái Chướng Bồ-tát rằng:
"Thiện nam tử! Nhớ lại vào thuở quá khứ, ta vì Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này mà đã đi qua khắp các thế giới nhiều như số vi trần và cúng dường vô số tỷ ức nayuta [na du ta] Như Lai. Nhưng ở nơi của chư Như Lai kia, ta vẫn chưa hề chứng đắc hay nghe tới. Lúc đó trong đời có Đức Phật hiệu là Bảo Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Khi ấy ta ở trước Đức Phật kia mà rơi lệ than khóc.
Lúc bấy giờ Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác kia bảo ta rằng:
"Thiện nam tử! Ông chớ than khóc nữa. Thiện nam tử! Ông hãy đi đến thế giới của Liên Hoa Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác. Ở chỗ ấy, Đức Phật kia biết được Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này."
❖
Thiện nam tử! Sau đó ta từ biệt Bảo Thượng Như Lai và đi đến Phật độ của Liên Hoa Thượng Như Lai.
Khi đến nơi, ta đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi ở trước Đức Phật kia và chắp tay thưa rằng:
"Kính mong Thế Tôn hãy truyền cho con Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Thần chú kia là vua chân ngôn của tất cả bổn mẫu. Nếu nhớ niệm danh hiệu đó, thì các nghiệp tội cấu uế sẽ tiêu trừ và nhanh thành Phật. Con bây giờ đã kiệt sức, bởi vì con đã đến vô số thế giới mà vẫn không thể chứng đắc. Tới bây giờ, con mới đến được nơi này."
Khi đó, Liên Hoa Thượng Như Lai liền nói công đức của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này rằng:
"Thiện nam tử! Ta có thể đếm số lượng của hết thảy vi trần, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào đếm được số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như biển cả, Ta có thể đếm từng hạt cát trong đó, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào đếm được số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như có vị thiên nhân tạo lập một kho chứa đồ với chu vi là 1.000 yojana [dô cha na] và cao 1.000 yojana, tích trữ đầy khắp trong đó toàn là hạt vừng đến một chỗ trống nhỏ như cây kim cũng chẳng có. Lại nữa, người canh giữ nơi đó không bị già và không bị chết. Cứ mỗi 100 kiếp, người ấy vứt một hạt vừng ra ngoài và cứ như thế cho đến khi người ấy vứt hết không còn một hạt nào. Ta có thể đếm số lượng đó, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào đếm được số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như bốn châu lớn, trong đó trồng muôn loại lúa gạo cùng những cây khác. Vua rồng làm mưa và đến mùa thì các cây đó đều chín rộ. Khi đã thu hoạch xong tất cả, hãy lấy một Nam Châu Thắng Kim làm sân, rồi dùng xe cộ để vận chuyển hết về sân và tích tụ thành một đống lớn. Thiện nam tử, Ta có thế đếm từng hạt trong đó, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào đếm được số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Ở Nam Châu Thắng Kim có những con sông lớn chảy suốt ngày đêm, như là: sông Lãnh, sông Hằng, sông Yamunā [da mu na], sông Thanh, sông Śatadruḥ [sa ta đờ ru hu], sông Candrabhāgā [chanh đờ ra ba ga], sông Erāvatī [ê ra qua ti], sông Sumāgandhā [su ma ganh đa], sông Himaratī [hi ma ra ti], và sông Kalaśodarī [ca la sô đa ri]. Mỗi con sông này có 5.000 con sông nhỏ và chảy suốt ngày đêm vào biển lớn. Thiện nam tử, Ta có thể đếm từng giọt nước trong những con sông lớn kia, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào đếm được số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như trong bốn châu lớn có các loài hữu tình bốn chân, như là: sư tử, voi, ngựa, bò rừng, trâu nước, hổ, sói, khỉ, nai, dê, cừu, chó rừng, thỏ, và các loài bốn chân như thế. Ta có thể đếm từng sợi lông của chúng, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào đếm được số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như vua núi kim cang hình móc câu, chiều cao 99.000 yojana, độ sâu 84.000 yojana, chiều dài 84.000 yojana, và chiều rộng là 84.000 yojana. Ở trên núi kia có một người không già không chết, người ấy trải qua một kiếp mới đi hết một vòng của núi kia. Vua núi như thế, Ta có thể dùng y phục tơ lụa để quét sạch đến không còn một chút gì, nhưng nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như biển cả, độ sâu là 84.000 yojana, còn mặt biển trải rộng thì vô lượng. Ta có thể dùng trên đầu của một sợi lông để chấm vào biển nước, và chấm cho đến khi hết sạch, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như rừng cây lớn hợp hoan, Ta có thể đếm từng lá một, nhưng thiện nam tử, nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phúc đức có được của họ.
Thiện nam tử! Lại ví như trong bốn châu lớn có đầy khắp nam tử nữ nhân và bé trai bé gái đang trú ở đó, giả như tất cả họ đều đắc Địa Thứ Bảy của Bồ-tát, thì công đức của chư Bồ-tát kia cùng công đức người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này bằng nhau không khác.
Thiện nam tử! Trừ những năm có 12 tháng ra, hãy lấy những tháng dư của các năm có 13 tháng mà cộng lại thành một năm và rồi làm thành trọn một kiếp trên cõi trời. Giả như trời mưa ngày đêm suốt một kiếp đó, thiện nam tử, Ta có thể đếm từng giọt nước mưa, nhưng nếu có người niệm một lần của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì số lượng công đức của họ còn nhiều hơn số kia. Ý ông nghĩ sao?
Thiện nam tử! Lại ví như có một ức vị Như Lai đồng ở tại một nơi và có người trải qua thời gian một kiếp trên cõi trời, lấy y phục, ẩm thực, giường nệm, thuốc thang và đủ các vật thọ dụng để cúng dường chư Như Lai kia. Tuy nhiên, công đức đó vẫn còn có thể biết được, nhưng công đức có được của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này thì cũng không thể nào biết hết số lượng. Chẳng phải chỉ có Ta nay ở tại thế giới này, mà dẫu cho Ta ở trong định thì công đức ấy cũng chẳng thể suy lường.
Thiện nam tử! Pháp này rất vi diệu, hết thảy đều tương ứng với Gia Hành Quán Trí. Vào đời vị lai, ông sẽ đắc tâm Pháp vi diệu này. Vị Quán Tự Tại Đại Bồ-tát kia khéo trụ nơi Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn như vậy đó.
❖
Thiện nam tử! Thuở xưa, Ta dùng Gia Hành đi qua khắp vô số tỷ ức nayuta thế giới để đến chỗ của Vô Lượng Thọ Như Lai. Ta chắp tay ở trước Ngài và vì Pháp này mà Ta rơi lệ than khóc.
Khi ấy Vô Lượng Thọ Như Lai thấy biết được nhân duyên của Ta ở hiện tại cùng vị lai mà bảo Ta rằng:
"Thiện nam tử! Ông cần Lục Tự Đại Minh Vương Quán Hành Tương Ứng này phải không?"
Ta liền thưa rằng:
"Thưa Thế Tôn! Con cần Pháp này. Thưa Thiện Thệ! Con cần Pháp này. Con cần Pháp đó như người khát nước. Thưa Thế Tôn! Con vì Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này mà đã du hành qua vô số thế giới để cúng dường cho vô số tỷ ức nayuta Như Lai, nhưng con vẫn chưa từng đắc Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này. Kính mong Thế Tôn cứu giúp sự ngu độn của con, như người không đầy đủ mà khiến được đầy đủ, như người bị lạc đường mà chỉ dẫn đúng đường, như dưới ánh nắng chói chang mà trồng cây kiên cố ở ngã tư đường để làm tàng cây che mát. Tâm con rất khao khát Pháp này. Kính mong Thế Tôn hãy khai thị chỉ bảo, khiến con khéo trụ nơi Đạo cứu cánh và mặc áo giáp kim cang."
Lúc bấy giờ Vô Lượng Thọ Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác dùng âm vang như tiếng của chim diệu thanh mà bảo Quán Tự Tại Đại Bồ-tát rằng:
"Thiện nam tử! Ông có thấy Liên Hoa Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, Ngài vì Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này mà đã đi qua khắp vô số tỷ ức nayuta thế giới.
Thiện nam tử! Ông nên truyền Lục Tự Đại Minh Vương, bởi Như Lai kia vì chân ngôn đó mà đến nơi này."
Quán Tự Tại Bồ-tát bạch Đức Thế Tôn kia rằng:
"[Bạch Thế Tôn!] Phàm ai không thấy Pháp đàn thì chẳng thể đắc Pháp này. Huống nữa là làm sao biết được Liên Hoa Ấn? Làm sao biết được Trì Bảo Ấn? Làm sao biết được Nhất Thiết Vương Ấn? Và làm sao biết được Pháp đàn Thanh Tịnh Thể?
Tướng trạng của Pháp đàn này có chu vi hình vuông với độ dài năm khuỷu tay. Ở chính giữa Pháp đàn an lập một hình tượng của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Rải xung quanh là các loại bột quý báu, gồm có: bột lam bảo thạch, bột ngọc bích, bột xích châu, bột pha lê, và bột vàng bạc.
Ở bên phải hình tượng của Vô Lượng Thọ Như Lai an lập một hình tượng của Trì Đại Như Ý Bảo Bồ-tát. Ở bên trái của Phật an lập một hình tượng của Lục Tự Đại Minh Vương với bốn cánh tay, màu da trắng như nguyệt sắc, và có đủ mọi châu báu trang nghiêm nơi thân. Cánh tay trái ở trên cầm một hoa sen và trên hoa sen có một như ý châu, còn cánh tay phải ở trên cầm xâu chuỗi. Hai cánh tay ở dưới kết ấn Nhất Thiết Vương. Ở dưới chân của Lục Tự Đại Minh Vương có chư thiên với đủ mọi châu báu dùng làm trang nghiêm. Bên tay phải của họ cầm một lư hương và lòng bàn tay bên trái giữ một bình bát với châu báu đầy khắp trong đó. Ở bốn phía góc của Pháp đàn an trí hình tượng của Tứ Đại Thiên Vương và trong tay họ cầm muôn loại binh khí cùng gậy. Ở bên ngoài bốn phía góc của Pháp đàn an trí bốn cái hiền bình và trong bình chứa đầy khắp muôn loại như ý châu.
Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn vào Pháp đàn này, thì quyến thuộc của họ không được cùng vào chung trong Pháp đàn. Nhưng trước khi họ vào, người ấy có thể ghi tên thân quyến của họ lên một tờ giấy, rồi liệng tờ giấy đó vào trong Pháp đàn, thì quyến thuộc của họ đều sẽ đắc quả vị Bồ-tát. Còn người vào trong đó sẽ xa rời mọi khổ não và nhanh chứng đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Vị giáo thọ không được vọng truyền Pháp này. Nếu có người khéo dùng thiện xảo phương tiện để chỉ dẫn cho người khác cùng thâm tín nơi Pháp Đại Thừa Gia Hành và chí tâm cầu giải thoát, thì vị giáo thọ nên truyền Pháp này cho những người như thế mà chẳng nên truyền cho hàng ngoại đạo dị kiến."
Lúc bấy giờ Vô Lượng Thọ Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác bảo Quán Tự Tại Đại Bồ-tát rằng:
"Thiện nam tử! Nếu họ có năm loại bột quý báu như thế, thì có thể thiết lập Pháp đàn này; nhưng nếu các thiện nam tử hay thiện nữ nhân đó nghèo túng, hoặc chẳng thể gom đủ những loại bột quý báu đó thì phải làm sao?"
Ngài Quán Tự Tại thưa rằng:
"Thưa Thế Tôn! Họ có thể dùng phương tiện, bằng cách lấy các vật liệu với nhiều màu sắc, và dùng muôn loại hương hoa để cúng dường. Nếu với phương thức đó mà thiện nam tử kia vẫn không làm được, hoặc vì họ đang ở trọ hay đang lữ hành, vị giáo thọ có thể vận dụng ý lực để nghĩ tưởng và tạo thành Pháp đàn cùng kết ấn giáo thọ.""
Lúc bấy giờ Liên Hoa Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác nói với Quán Tự Tại Bồ-tát rằng:
"Thiện nam tử! Xin hãy nói cho Ta biết Lục Tự Đại Minh Vương này. Ta thỉnh cầu là vì muốn cho vô số tỷ ức nayuta hữu tình, khiến họ lìa khỏi khổ não của luân hồi và nhanh chứng đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."
Lúc đó Quán Tự Tại Đại Bồ-tát truyền Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này cho Liên Hoa Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác rằng:
|| oṃ maṇi padme hūṃ ||
❖
|| ôm, ma ni, bách me, hùm ||
Đương lúc tuyên thuyết Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, thì bốn châu lớn và cung điện của chư thiên thảy đều chấn động như tàu lá chuối. Nước trong bốn biển lớn vọt phun và nổi sóng cuồn cuộn. Hết thảy loài gieo rắc tai ương, như là chướng ngại thần, quỷ tiệp tật, quỷ bạo ác, quỷ úng hình, đại hắc thiên, với những loài khác cùng quyến thuộc của chúng ma, tất cả đều hốt hoảng giải tán và tháo chạy biệt tăm.
Lúc bấy giờ Liên Hoa Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác duỗi cánh tay ra như cái vòi của con voi chúa và trao cho Quán Tự Tại Đại Bồ-tát xâu chuỗi anh lạc với trị giá bằng trăm nghìn trân châu báu để cúng dường. Quán Tự Tại Bồ-tát thọ nhận, rồi ngài dâng lên cho Vô Lượng Thọ Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác. Đức Phật kia nhận xong, rồi Ngài lại cầm trao cho Liên Hoa Thượng Như Lai. Khi Đức Phật Liên Hoa Thượng đã đắc Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này xong, Ngài trở về Thế giới Liên Hoa Thượng.
Và như thế, thiện nam tử! Ta vào thuở quá khứ đã nghe được chân ngôn này từ nơi của Liên Hoa Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác kia."
❖
Lúc bấy giờ Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con phải làm thế nào mới chứng đắc Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này?
Bạch Thế Tôn! Chân ngôn này có đầy đủ đức vị của cam lộ.
Bạch Thế Tôn! Nếu con nghe được tổng trì này, con sẽ luôn nhớ niệm, tư duy cùng thọ trì và không lười biếng hay mỏi mệt. Con muốn làm cho các hữu tình nghe được Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, để họ có được công đức lớn. Cúi mong Thế Tôn hãy thuyết giảng."
Đức Phật bảo:
"Thiện nam tử! Nếu có người biên chép Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này thì tức bằng như biên chép 84.000 Pháp tạng--không chút sai khác.
Nếu có người dùng vàng báu cõi trời để tạo lập hình tượng của chư Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác nhiều như số vi trần, sau khi làm xong, họ tán thán và cúng dường trong một ngày, thì quả báo đạt được sẽ không bằng biên chép một chữ trong Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này. Quả báo công đức của chân ngôn này là chẳng thể nghĩ bàn và khéo dẫn họ trụ ở giải thoát.
Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào y Pháp tu hành và niệm Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, người đó sẽ đắc các chính định, như là:
- Trì Như Ý Bảo Chính Định,
- Quảng Bác Chính Định,
- Thanh Tịnh Địa Ngục Bàng Sinh Chính Định,
- Kim Cang Giáp Trụ Chính Định,
- Diệu Túc Bình Mãn Chính Định,
- Nhập Chư Phương Tiện Chính Định,
- Nhập Chư Pháp Chính Định,
- Quán Trang Nghiêm Chính Định,
- Pháp Xa Thanh Chính Định,
- Viễn Ly Tham Sân Si Chính Định,
- Vô Biên Tế Chính Định,
- Lục Độ Môn Chính Định,
- Trì Đại Diệu Cao Chính Định,
- Cứu Chư Bố Úy Chính Định,
- Hiện Chư Phật Sát Chính Định,
- Quán Sát Chư Phật Chính Định,
- và các chính định như thế; họ sẽ đắc 108 chính định cả thảy."
❖
Khi đó Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Nay con phải đến nơi nào để con có thể chứng đắc Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này? Xin Thế Tôn hãy khai thị."
Đức Phật bảo:
"Thiện nam tử! Trong Đại thành Lộc Dã có một vị Pháp sư thường tư duy, thọ trì, và tụng niệm Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này."
Trừ Cái Chướng Bồ-tát thưa với Phật rằng:
"[Thưa Thế Tôn!] Bây giờ con muốn đến Đại thành Lộc Dã để diện kiến, lễ bái, và cúng dường vị Pháp sư kia."
Đức Phật bảo:
"Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Vị Pháp sư kia rất khó gặp. Do ngài có thể thọ trì Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này, cho nên khi thấy được vị Pháp sư đó,
- thì như thấy được Như Lai không khác,
- như thấy được công đức thánh địa,
- như thấy được nơi hội tụ của phúc đức,
- như thấy được nơi tích trữ của trân bảo,
- như thấy được thí nguyện,
- như thấy được như ý châu,
- như thấy được Pháp tạng,
- và như thấy được bậc thánh khéo cứu độ thế gian.
Thiện nam tử! Khi ông thấy vị Pháp sư kia thì không được sinh lòng khinh mạn hay hoài nghi.
Thiện nam tử, Ta e sợ ông sẽ quên mất Đạo Bồ-tát và sa đọa trầm luân, bởi vì giới hạnh của vị Pháp sư kia khiếm khuyết và sai phạm. Ngài có vợ, còn phân với nướ© ŧıểυ dính Pháp y, và chẳng có uy nghi."
Lúc bấy giờ Trừ Cái Chướng Bồ-tát thưa với Phật rằng:
"Dạ con xin vâng lời Phật dạy."
❖
Và thế là, Trừ Cái Chướng Bồ-tát cùng với vô số chư Bồ-tát, hàng xuất gia, trưởng giả, đồng nam, và đồng nữ, đều hân hoan muốn đến nơi đó để cúng dường. Họ cầm theo lọng che cõi trời cùng các phẩm vật cúng dường, như là: mũ báu, hoa tai, xâu chuỗi anh lạc trang nghiêm, nhẫn đeo tay, vòng xuyến báu, y phục tơ lụa, vải lụa và giường nệm.
Lại có muôn loại hoa vi diệu, như là: hoa sen xanh, hoa súng trắng, hoa sen trắng, hoa vi diệu âm, hoa vi diệu âm lớn, hoa nhu nhuyễn, hoa nhu nhuyễn lớn, và hoa linh thụy.
Lại có muôn loại cây hoa, như là: hoa ngọc lan, hoa trúc đào, hoa kèn, hoa long thỉ, hoa dành dành, hoa lài hình ngôi sao, hoa lài, và hoa hoàng sắc.
Lại có chim uyên ương, bạch hạc, và thu lộ bay theo sau.
Lại có 100 loại lá cây, như là màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê, và những màu sắc khác.
Lại có muôn loại trái cây quý hiếm.
Họ mang theo những vật cúng dường như thế, rồi hướng về Đại thành Lộc Dã và đi đến chỗ của vị Pháp sư.
Khi đến nơi, họ cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của ngài. Tuy họ thấy giới hạnh của vị Pháp sư kia khiếm khuyết, sai phạm và chẳng có uy nghi, nhưng họ vẫn vui mừng và cúng dường ngài với lọng che, hương hoa, y phục, vật báu trang nghiêm cùng những phẩm vật khác đã mang theo.
Khi đã cúng dường xong, họ chắp tay và đứng ở phía trước của vị Pháp sư kia mà thưa rằng:
"Đại Pháp tạng là tạng của vị cam lộ, là biển Pháp thâm sâu, và rộng lớn như hư không. Tất cả hàng người đều nghe ngài thuyết Pháp. Lúc ngài thuyết Pháp thì hàng trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, đại mãng xà, người và phi nhân, hết thảy đều đến nghe ngài thuyết Pháp. Ngài như đại kim cang, khiến cho các hữu tình giải thoát khỏi sự trói buộc cùng quả báo của luân hồi và làm cho họ có được phúc đức. Vì dân chúng sống trong Đại thành Lộc Dã này thường thấy được ngài nên các tội thảy đều tiêu trừ, như lửa thiêu đốt rừng cây. Chỉ có chư Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác mới hiểu rõ ngài.
Hôm nay có vô số tỷ ức nayuta chư Bồ-tát đều hân hoan đi đến chỗ của ngài để cúng dường. Lại có Đại Phạm Thiên Vương, Nhân Sinh Bổn Thiên, Đại Tự Tại Thiên, nhật thiên, nguyệt thiên, phong thiên, thủy thiên, hỏa thiên, Diêm Vương Thiên Tử cùng Tứ Đại Thiên Vương cũng đều đến cúng dường."
Lúc bấy giờ vị Pháp sư nói rằng:
"Thiện nam tử! Ông đang nói đùa phải không? Thánh giả! Ông có thật sự là vì thế gian mà cầu mong đoạn trừ phiền não của luân hồi không?
Thiện nam tử! Nếu có ai chứng đắc Lục Tự Đại Minh Vương này thì ba độc của tham sân si chẳng thể làm nhiễm ô người đó. Người ấy ví như châu báu màu vàng tím--trần cấu chẳng thể nào xâm nhiễm.
Thế nên, thiện nam tử! Nếu có ai mang hoặc đeo Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này trong mình, người đó cũng sẽ không bị các chứng bệnh của tham sân si xâm nhiễm."
Lúc bấy giờ Trừ Cái Chướng Bồ-tát cầm bàn chân của vị Pháp sư kia mà thưa rằng:
"Con vẫn chưa có đầy đủ con mắt sáng và mê mất Đạo nhiệm mầu, ai sẽ làm người chỉ dẫn cho con? Nay con khát ngưỡng Pháp vị, xin ngài hãy ban cho Pháp vị. Hiện tại con chưa đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, xin hãy khiến chúng con khéo an trụ nơi hạt giống của Đạo vô thượng, chứng sắc thân thanh tịnh, cùng được thiện căn bất hoại, và làm cho các hữu tình đều được Pháp này."
Khi đó, đại chúng đồng nói rằng:
"Xin chớ giữ cho riêng mình! Kính mong Pháp sư hãy truyền Pháp Lục Tự Đại Minh Vương và như thế sẽ khiến chúng con nhanh đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, khiến chúng con có thể chuyển 12 Pháp luân để cứu độ tất cả hữu tình thoát khỏi sự khổ não của luân hồi. Chúng con chưa từng bao giờ nghe được Pháp Đại Minh Vương này. Giờ đây mong Pháp sư hãy truyền Lục Tự Đại Minh Vương, để chúng con có thể làm nơi nương tựa cho những ai không người cứu hộ, mà làm ngọn đèn sáng trong đêm tối."
❖
Lúc ấy, vị Pháp sư kia bảo rằng:
"Lục Tự Đại Minh Vương này rất khó gặp:
- như kim cang không gì có thể phá hoại;
- như thấy được trí tuệ vô thượng;
- như thấy được trí tuệ vô tận;
- như thấy được trí tuệ thanh tịnh của Như Lai;
- như vào vô thượng giải thoát, xa lìa tham sân si và khổ não của luân hồi;
- như vào thiền định, giải thoát, chính định, và Đẳng Chí;
- như vào tất cả pháp mà chư thánh thường yêu mến.
Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào vì cầu giải thoát mà tuân theo đủ mọi pháp của ngoại đạo ở khắp nơi, như là: thờ kính Năng Thiên Đế, hoặc thờ kính hàng bạch y, hoặc thờ kính hàng thanh y, hoặc thờ kính nhật thiên, hoặc thờ kính Đại Tự Tại Thiên, hoặc thờ kính Nhân Sinh Bổn Thiên, hoặc họ ở trong chúng kim sí điểu hay trong hàng ngoại đạo lõa hình. Tuy họ yêu mến các nơi như vậy, nhưng chẳng thể nào giải thoát ra khỏi vô minh. Sự tu hành của họ chỉ có danh nghĩa, hư vọng như hư không, và chỉ tự mình làm khổ nhọc chính mình.
Hết thảy thiên chúng, Đại Phạm Thiên Vương, Năng Thiên Đế, Nhân Sinh Bổn Thiên, Đại Tự Tại Thiên, nhật thiên, nguyệt thiên, phong thiên, thủy thiên, hỏa thiên, Diêm Vương Thiên Tử, và Tứ Đại Thiên Vương, tất cả họ luôn mong được Lục Tự Đại Minh Vương của ta. Bởi nếu ai chứng đắc Lục Tự Đại Minh Vương của ta, họ đều sẽ được giải thoát.
Thiện nam tử! Chân ngôn này là mẹ Trí Độ của hết thảy Như Lai. Khi tuyên thuyết Lục Tự Đại Minh Vương này thì tất cả Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác cùng chư Bồ-tát thảy đều cung kính chắp tay và đỉnh lễ.
Thiện nam tử! Trong Đại Thừa, Pháp này là tối thượng, tinh thuần, và vi diệu.
Vì sao thế? Bởi Pháp này bao gồm hết thảy Khế Kinh Đại Thừa, như là: Trường Hàng, Trùng Tụng, Cô Khởi, Thí Dụ, Nhân Duyên, Tự Thuyết, Bổn Sinh, Bổn Sự, Vị Tằng Hữu, Phương Quảng, Luận Nghị, và Thọ Ký.
Thiện nam tử! Nếu ai chứng đắc bổn mẫu của chân ngôn này thì có cần thiết tu tập các môn tịch tĩnh giải thoát khác nữa không? Ví dụ như có người đến mùa thu hoạch lúa, họ bỏ lúa vào bao và mang về nhà. Sau đó, họ lấy lúa đi phơi khô, rồi đập, giã, và quạt để lấy vỏ trấu ra. Cuối cùng họ có được những hạt gạo tinh sạch. Cũng như vậy, trong tất cả các môn tương ứng, các môn tương ứng khác ví như vỏ trấu, còn Lục Tự Đại Minh Vương này thì ví như gạo trắng.
Thiện nam tử! Chư Bồ-tát vì Pháp này mà tu hành Bố Thí Độ, Trì Giới Độ, Nhẫn Nhục Độ, Tinh Tấn Độ, Thiền Định Độ, và Diệu Tuệ Độ.
Thiện nam tử! Lục Tự Đại Minh Vương này rất khó gặp. Như chỉ niệm một lần, người này sẽ được tất cả Như Lai lấy y phục, ẩm thực, giường nệm, thuốc thang và những phẩm vật khác để cúng dường."
❖
Lúc bấy giờ Trừ Cái Chướng Bồ-tát thưa với Pháp sư rằng:
"Xin hãy truyền cho con Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn!"
Vị Pháp sư kia liền chính niệm tư duy và bỗng nhiên trong hư không có tiếng rằng:
"Thánh giả! Hãy truyền Lục Tự Đại Minh Vương này cho ông ta."
Vị Pháp sư kia liền tư duy:
"Tiếng này là từ đâu phát ra?"
Trong hư không lại có tiếng vọng ra rằng:
"Thánh giả! Nay vị Bồ-tát đó tu hành Pháp Gia Hành và chí tâm khẩn cầu. Thánh giả hãy truyền Lục Tự Đại Minh Vương này cho ông ta."
Vị Pháp sư kia liền quán sát trong hư không thì thấy Liên Hoa Thủ Bồ-tát và Liên Hoa Cát Tường Bồ-tát. Thân tướng các ngài như màu của ánh trăng mùa thu. Trên đỉnh đầu đội mũ báu Nhất Thiết Trí--thù diệu trang nghiêm.
Khi đã thấy thân tướng như thế, vị Pháp sư bảo ngài Trừ Cái Chướng rằng:
"Thiện nam tử! Quán Tự Tại Đại Bồ-tát bảo ta truyền cho ông Lục Tự Đại Minh Vương. Ông hãy lắng nghe."
Ngài Trừ Cái Chướng liền chắp tay cung kính để nghe Lục Tự Đại Minh Vương này.
|| oṃ maṇi padme hūṃ ||
❖
|| ôm, ma ni, bách me, hùm ||
Đương lúc tuyên thuyết chân ngôn này thì đại địa đều chấn động sáu cách. Trừ Cái Chướng Bồ-tát liền đắc chính định đó và còn đắc thêm Vi Diệu Tuệ Chính Định, Phát Khởi Từ Bi Chính Định, và Tương Ứng Hành Chính Định. Khi đã đắc các môn chính định ấy, Trừ Cái Chướng Đại Bồ-tát liền dùng bảy báu tràn khắp trong bốn châu lớn mà phụng hiến cúng dường cho vị Pháp sư.
Lúc đó vị Pháp sư bảo rằng:
"Sự cúng dường của ông bây giờ còn chưa đáng bằng một chữ của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Thế thì làm sao cúng dường trọn cả sáu chữ? Thiện nam tử! Ông là Bồ-tát, là một bậc thánh, chứ không phải phàm phu."
Khi ấy, ngài Trừ Cái Chướng lại dùng xâu chuỗi anh lạc với trị giá bằng trăm nghìn trân châu báu để cúng dường vị Pháp sư.
Lúc đó vị Pháp sư kia nói rằng:
"Thiện nam tử! Hãy nghe tôi nói, ông nên cầm những châu báu này mà cúng dường cho Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác."
❖
Lúc bấy giờ, Trừ Cái Chướng Bồ-tát cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của vị Pháp sư. Khi đã đỉnh lễ xong, trong lòng được mãn nguyện toại ý, rồi từ biệt cáo lui và trở về Tinh xá Kỳ Viên. Khi đã về đến nơi, ngài đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác bảo rằng:
"Thiện nam tử! Ta biết ông đã chứng đắc."
"Dạ vâng, thưa Thế Tôn!"
Ngay lúc ấy có 77 ức Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác đều đến hội họp và chư Như Lai kia đồng tuyên thuyết tổng trì như vầy:
|| namaḥ saptānāṃ samyak-saṃbuddha-koṭīnāṃ tadyathā oṃ cale cule cunde svāhā ||
❖
|| nam ma ha, sáp ta nâm, sam dấc - sâm bu đà - cô ti nâm, ta đi a tha, ôm, cha lê, chu lê, chun đê, sờ qua ha ||
[Khi đó, Đức Phật bảo:]
"Đương lúc 77 ức Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác tuyên thuyết thần chú này, thì trên thân của Quán Tự Tại Bồ-tát có một lỗ chân lông, tên là Nhật Quang Minh. Trong ấy có vô số tỷ ức nayuta Bồ-tát. Ở trong lỗ chân lông Nhật Quang Minh kia lại có 12.000 dãy núi vàng. Mỗi dãy núi có 1.200 chóp núi. Giáp vòng trên núi có hoa sen báu rực rỡ trang nghiêm. Xung quanh các núi kia có như ý châu cõi trời và viên lâm thích ý.
Trong lỗ chân lông kia còn có đủ mọi ao hồ cõi trời. Lại có vô số tỷ lầu các được trang nghiêm bằng vàng báu. Treo trên ấy có trăm nghìn y phục và trân châu anh lạc. Trong những lầu các kia có như ý châu vi diệu. Như ý châu này cung cấp cho chư đại Bồ-tát kia tất cả những vật dụng theo ý muốn.
Khi đó chư Bồ-tát vào trong những lầu các, rồi họ niệm Lục Tự Đại Minh Vương và liền thấy Đạo tịch diệt. Khi đã đến Đạo tịch diệt, các ngài thấy Như Lai cùng quán thấy Quán Tự Tại Đại Bồ-tát và tâm liền sinh hoan hỷ. Tiếp đó, chư Bồ-tát này rời khỏi những lầu các kia và đến nơi kinh hành. Ở nơi kinh hành ấy có các vườn báu, các ngài đi đến đó và rồi lại đi đến ao tắm. Sau đó, họ lại đi lên núi báu có hoa sen rực rỡ, rồi đồng xoay mặt về một hướng, ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen và vào chính định.
Và như thế, thiện nam tử! Chư Bồ-tát đó đang trú ở trong lỗ chân lông kia.
Thiện nam tử! Lại có một lỗ chân lông tên là Đế Vương. Trong ấy có vô số tỷ ức nayuta Bồ-tát không thoái chuyển. Ở trong lỗ chân lông Đế Vương này lại có 80.000 ngọn núi vàng báu cõi trời. Trong các ngọn núi này có như ý châu, tên là Liên Hoa Quang. Chúng tùy theo tâm tư duy của chư Bồ-tát kia mà đều hiện ra như ý. Ở trong những ngọn núi đó, chư Bồ-tát kia như muốn ẩm thực thì sẽ được đầy đủ. Các ngài chẳng có sự khổ não của luân hồi, luôn tư duy về thân họ và không suy nghĩ điều gì khác.
Thiện nam tử! Lại có một lỗ chân lông tên là Đại Dược. Trong ấy có vô số tỷ ức nayuta sơ phát tâm chư Bồ-tát. Thiện nam tử! Ở trong lỗ chân lông kia có 99.000 dãy núi. Ở trong những dãy núi này có những hang kim cang báu, hang vàng báu, hang bạc báu, hang đế xanh báu, hang màu hoa sen báu, hang màu xanh biếc báu, và hang màu pha lê báu. Mỗi vua núi này có 80.000 chóp núi. Trên đó được trang nghiêm với đủ mọi thích ý như ý châu và các châu báu vi diệu.
Trong những chóp núi kia có chúng tầm hương thần thường tấu âm nhạc. Các vị sơ phát tâm Bồ-tát kia tư duy về không, vô tướng, vô ngã, nỗi khổ của sinh, nỗi khổ của già, nỗi khổ của bệnh, nỗi khổ của chết, nỗi khổ của yêu thương chia lìa, nỗi khổ của oán ghét gặp nhau, nỗi khổ của các hữu tình rơi vào Địa ngục Vô Gián và Địa ngục Dây Đen, nỗi khổ của các hữu tình bị sa vào loài ngạ quỷ. Khi tư duy như thế, họ ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen và vào chính định ở trong những ngọn núi kia.
Thiện nam tử! Lại có một lỗ chân lông tên là Hội Họa Vương. Trong ấy có vô số tỷ ức nayuta bậc Duyên Giác đang phóng ra ánh sáng cháy rực. Ở trong lỗ chân lông kia có một tỷ vua núi. Những vua núi này được trang nghiêm bằng bảy báu và có muôn loại cây như ý với bạc trắng làm lá cùng vô số trăm loại châu báu dùng để trang nghiêm. Trên cây treo những mũ báu, hoa tai, y phục, xâu chuỗi anh lạc, chuông báu, và y phục tơ lụa. Lại có chuông báu làm bằng bạc trắng và chúng phát ra tiếng leng keng. Những cây như ý như thế có đầy khắp trong núi. Và có vô số bậc Duyên Giác đang trú ở nơi kia. Họ luôn thuyết giảng Khế Kinh, như là: Trường Hàng, Trùng Tụng, Cô Khởi, Thí Dụ, Nhân Duyên, Tự Thuyết, Bổn Sinh, Bổn Sự, Vị Tằng Hữu, Phương Quảng, Luận Nghị, và Thọ Ký.
Này Trừ Cái Chướng! Khi đó các bậc Duyên Giác kia đi ra khỏi lỗ chân lông đó.
Lại có một lỗ chân lông sau cùng tên là Phan Vương, với độ rộng là 80.000 yojana. Ở trong ấy có 80.000 ngọn núi được trang nghiêm bằng muôn loại diệu bảo và như ý châu yêu thích. Trong vua núi kia có vô số cây như ý, vô số tỷ cây hương đàn, và vô số tỷ cây cối to lớn. Lại có đất kim cang báu. Lại có 99 lầu các với một tỷ vàng báu, trân châu, xâu chuỗi anh lạc, và y phục được treo trên đó. Ở trong lỗ chân lông kia xuất hiện ra những việc như thế."
❖
Khi đã thuyết giảng cho ngài Trừ Cái Chướng xong, lúc bấy giờ Phật bảo ngài Khánh Hỷ:
"Nếu có người nào không biết nghiệp báo mà ở trong tinh xá khạc nhổ cùng đại tiểu tiện và những việc tương tự, nay Ta sẽ vì ông mà nói quả báo đó:
Nếu ai khạc nhổ trên đất của Thường Trụ, người này sẽ sinh làm côn trùng, miệng nhỏ như cây kim, và ở trong cây kiên cố suốt 12 năm.
Nếu ai đại tiểu tiện trên đất của Thường Trụ, người này sẽ sinh làm con giòi bọ bẩn thỉu ở trong phân hoặc nướ© ŧıểυ ở Đại thành Lộc Dã.
Nếu ai dùng tăm xỉa răng của Thường Trụ mà không xin phép, người này sẽ sinh làm cá, rùa, hoặc loài cá kình.
Nếu ai trộm cắp đèn dầu, gạo, đỗ, hoặc những vật khác của Thường Trụ, người này sẽ đọa trong loài ngạ quỷ với đầu tóc bù xù và lông trên thân đều dựng đứng. Bụng của chúng lớn như núi, còn cổ thì nhỏ như cây kim. Thân hình chúng cháy khét và chỉ còn lại hài cốt. Đó là khổ báo mà người này phải thọ lấy.
Nếu ai khinh mạn chư Tăng, người này sẽ sinh trong gia đình bần cùng hạ tiện. Ở mọi nơi sinh ra, các căn đều chẳng hoàn chỉnh, gù lưng, lùn và xấu xí. Lúc xả báo thân đó, thì khi sinh ở đời sau sẽ chịu nhiều bệnh tật, thân gầy héo hon, chân tay co quắp, có máu mủ ứa ra và nhiểu khắp trên thân thể. Đó là khổ báo mà người này phải thọ lấy suốt một tỷ năm.
Nếu ai chiếm đoạt đất đai của Thường Trụ, thì người này sẽ đọa Địa ngục Gào Thét Lớn. Họ bị bắt nuốt viên sắt vào miệng và khiến cho môi, răng, hàm răng cùng cổ họng thảy đều cháy chín. Tim, gan, ruột, bụng và toàn thân cũng bị cháy sạch. Tiếp đó, có ngọn gió nghiệp thổi qua và làm cho họ chết đi sống lại, rồi các ngục tốt của Diêm Vương xua đẩy người tội đi. Do nghiệp tự chiêu cảm nên tội nhân sẽ sinh ra với cái lưỡi to lớn và có một tỷ lưỡi cày sắt cày bừa trên đó. Khi đã thọ khổ báo nhiều nghìn vạn năm như thế, họ được thoát ra địa ngục kia, rồi lại rơi vào địa ngục kế tiếp. Trong địa ngục ấy có những cái chảo khổng lồ đang bốc cháy. Ở đó, các ngục tốt của Diêm Vương lôi kéo người tội và dùng một tỷ cây kim chích trên lưỡi của họ. Do bởi nghiệp lực nên sẽ không bị chết. Tiếp đến, các ngục tốt lùa đuổi tội nhân đến hầm lửa và ném vào trong đó. Tiếp theo, chúng xua đẩy người tội đến bờ sông Nại và ném vào trong ấy. Mặc dầu vậy nhưng họ cũng chẳng bị chết. Và cứ triển chuyển như thế suốt ba kiếp, người tội sẽ lần lượt đọa vào các địa ngục khác nhau. Sau đó, người này sẽ thác sinh vào trong một gia đình bần cùng hạ tiện ở Nam Châu Thắng Kim và mắt lại bị mù. Đó là khổ báo mà người này phải thọ lấy. Hãy cẩn thận chớ trộm cắp đồ dùng của Thường Trụ.
Đối với các vị Bhikṣu [bíc su] nào giữ giới thì nên thọ trì ba y. Nếu vào cung vua thì nên mặc y lớn thứ nhất. Nếu ở giữa đại chúng thì nên mặc y thứ hai. Nếu đang lúc làm việc, hoặc vào thôn xóm, hoặc vào thành thị, hay trong lúc đang đi, thì nên mặc y thứ ba. Các vị Bhikṣu nên thọ trì ba y như vậy. Nếu vị Bhikṣu nào tu hành theo giới luật thì sẽ được công đức và có trí tuệ. Ta nói các vị Bhikṣu phải trì giới và không được trộm cắp tài vật của Thường Trụ. Giả như có người bị rơi xuống hầm lửa hoặc phải luôn uống thuốc độc, thì họ vẫn còn cách cứu chữa. Tuy nhiên, nếu ai ăn cắp đồ vật của Thường Trụ thì chẳng thể nào cứu vớt."
❖
Lúc bấy giờ Tuệ mạng Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:
"[Thưa Thế Tôn!] Chúng con xin vâng lời Phật dạy, sẽ tu học và thực hành trọn đủ. Nếu vị Bhikṣu nào thọ trì môn Biệt Giải Thoát, thì sẽ khéo an trụ và thủ hộ giáo Pháp của Phật."
Lúc ấy, Tuệ mạng Khánh Hỷ đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, đi nhiễu quanh và cáo lui. Tiếp đó, chư đại Thanh Văn, ai nấy trở về bổn xứ của mình. Tất cả trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân trong thế gian, sau khi nghe Phật thuyết giảng, họ đều hoan hỷ tín thọ, đỉnh lễ Đức Phật rồi cáo lui.
Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Hết quyển 4
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thiên Tức Tai (?-1000)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 2/4/2011 ◊ Cập nhật: 19/8/2021
☸ Cách đọc âm tiếng Phạn
nayuta: na du ta
yojana: dô cha na
Yamunā: da mu na
Śatadruḥ: sa ta đờ ru hu
Candrabhāgā: chanh đờ ra ba ga
Erāvatī: ê ra qua ti
Sumāgandhā: su ma ganh đa
Himaratī: hi ma ra ti
Kalaśodarī: ca la sô đa ri
Bhikṣu: bíc su
- 🏠 Home
- Phật Giáo
- Đại Tạng Kinh
- Chương 59: Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 4