- 🏠 Home
- Phật Giáo
- Đại Tạng Kinh
- Chương 28: Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Quyển 1
Đại Tạng Kinh
Chương 28: Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Quyển 1
«
☸ PHẨM 1: VÔ THƯỜNG☸ PHẨM 2: ÁI DỤC☸ PHẨM 3: THAM DỤC☸ PHẨM 4: BUÔNG LUNG☸ PHẨM 5: YÊU THƯƠNG☸ PHẨM 6: TRÌ GIỚI☸ PHẨM 7: TU THIỆN☸ PHẨM 8: LỜI NÓI☸ PHẨM 9: HÀNH NGHIỆP☸ PHẨM 10: CHÍNH TÍN☸ PHẨM 11: ĐẠO NHÂN
Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Quyển 1
☸ PHẨM 1: VÔ THƯỜNG
[1]
Khéo giác ngộ phiền não
Nên khởi lòng hoan hỷ
Nay nghe Ta soạn tập
Pháp tụng Phật tuyên nói
[2]
Như thế Phật Thế Tôn
Bậc thầy Nhất Thiết Trí
Từ bi vì hữu tình
Rộng nói lời chân thật
[3]
Tất cả hành vô thường
Đều là pháp hưng suy
Có sinh ắt phải tử
Tịch diệt an vui nhất
[4]
Như khi đuốc bốc cháy
Soi sáng nơi tăm tối
Đuốc tuệ không thắp sáng
Luôn bị phiền não che
[5]
Thân người như vật chứa
Phân tán khắp các nơi
Xương màu như bồ câu
Hãy nhìn có gì vui?
[6]
Ví như ở đầu đêm
Thần thức vào thai mẹ
Ngày ngày muôn biến đổi
Đã qua không trở lại
[7]
Sáng sớm thấy việc tốt
Tối đến chẳng thấy nữa
Hôm qua còn thấy họ
Chiều nay biết còn không
[8]
Vinh hoa cháy hừng hực
Vô thường đến bất chợt
Chẳng kể sang với hèn
Luôn bị tử thần rượt
[9]
Hoặc chết trong thai mẹ
Hoặc chết lúc chào đời
Cường tráng cũng chẳng thoát
Già nua cam tâm thọ
[10]
Dẫu già hay trẻ thơ
Cùng với người trung niên
Luôn bị chết đến nhiễu
Làm sao chẳng kinh sợ?
[11]
Mạng như quả tự chín
Luôn sợ bị rụng xuống
Có sinh ắt phải chết
Ai nào thoát miễn đâu?
[12]
Ví như người thợ gốm
Trộn đất nắn làm đồ
Chúng thảy rồi vỡ nát
Mạng sống cũng như vậy
[13]
Như người khảy đàn cầm
Vang ra muôn diệu âm
Dây đứt im bặt tiếng
Mạng sống cũng như vậy
[14]
Ví như kẻ tử tù
Siết lôi đến đô thị
Vùng vẫy liền bị gϊếŧ
Mạng sống cũng như vậy
[15]
Như nước sông chảy xiết
Trôi xuôi chẳng ngược dòng
Đời người cũng như thế
Qua rồi không trở lại
[16]
Các hoạn tụ làm thân
Sinh ra lắm khổ não
Đời người cũng như thế
Già chết luôn chực chờ
[17]
Bỏ ra bao công sức
Suốt đời mới đạt được
Như gậy đánh trên nước
Tạm hé rồi khép lại
[18]
Như người cầm roi trông
Chăn bò cho ăn cỏ
Già chết cũng như thế
Nuôi lớn rồi cướp đi
[19]
Phàm ai muốn lập đức
Ngày đêm chớ buông lung
Đã được làm thân người
Nhất tâm nghĩ vô thường
[20]
Đêm dài ai mất ngủ
Đường dài ai mệt mỏi
Ngu mê luân hồi mãi
Chẳng biết Phật Chính Pháp
[21]
Có tiền có con cái
Kẻ ngu mãi lo toan
Cả ta chẳng phải ta
Huống nữa tiền và con?
[22]
Trăm nghìn chẳng được một
Hào quý bất cứ ai
Tích trữ chứa tài sản
Không gì chẳng suy tàn
[23]
Giàu không phải thánh tài
Luôn bị vô thường truy
Ví như kẻ mù lòa
Chẳng thể tự quán sát
[24]
Tụ hội rồi ly tan
Cao vót sẽ phải rơi
Hễ sinh đều phải chết
Hữu tình cũng như thế
[25]
Làm ác đọa địa ngục
Làm thiện sinh lên trời
Nếu ai khéo tu thiện
Lậu tận đắc tịch diệt
[26]
Chư Phật cùng Bồ-tát
Duyên Giác và Thanh Văn
Còn xả thân hữu vi
Huống chi các hữu tình
[27]
Vào biển trú hư không
Dẫu vào tận hang núi
Chẳng có một nơi nào
Thoát miễn khỏi phải chết
[28]
Dẫu là đời hiện tại
Quá khứ cùng vị lai
Tất cả pháp hữu vi
Cuối cùng đều tận diệt
[29]
Người trí lìa trói buộc
Chính niệm luôn quán sát
Tư duy Đạo vô lậu
Đó là bậc chân trí
[30]
Tù nhân bị siết trói
Muốn thoát nhưng vô ích
Cũng như cỗ xe cũ
Không lâu sẽ mục nát
[31]
Sắc mạo thành già nua
Tham luyến ngục gia đình
Chẳng hay cái chết đến
Kẻ ngu nào hiểu thấu
[32]
Dẫu sống đến trăm tuổi
Cũng bị chết bám theo
Già bệnh mãi áp bức
Hoạn nạn đến đời sau
[33]
Già suy quấn siết thân
Ngày đêm chịu lắm khổ
Đắng cay có nghìn thứ
Như cá vào tro lửa
[34]
Dòng sông chẳng tạm đình
Chảy xiết không trở lại
Dẫu yêu thân mủ dơ
Nhưng nó chẳng ở mãi
[35]
Bốn đại tụ làm thân
Vô thường chẳng dài lâu
Khi đất phân rã nó
Thức lìa còn dùng chi?
[36]
Thân này lắm phiền não
Mủ dơ luôn bệnh hoạn
Ngu mê yêu giữ mãi
Mà chẳng cầu tịch diệt
[37]
Năm này tuy còn đó
Đông hạ chẳng dừng lâu
Phàm phu tham dục lạc
Trong đó chẳng kinh sợ
[38]
Cha mẹ cùng anh em
Vợ con và quyến thuộc
Vô thường đến dắt đi
Không ai có thể cứu
[39]
Như thế các hữu tình
Động niệm tham vinh hoa
Vô thường già bệnh siết
Chẳng hiểu sinh khổ não
[40]
Cạo tóc làm Bhikṣu [bíc su]
Hãy nên tu Chỉ Quán
Ma vương chẳng thể dò
Liễu sinh qua bờ kia
☸ PHẨM 2: ÁI DỤC
[1]
Nguồn gốc của tham dục
Là do vọng tưởng sinh
Nếu tâm chẳng nghĩ tưởng
Ái dục sẽ không sinh
[2]
Do dục sinh phiền não
Do dục sinh sợ hãi
Lìa dục được giải thoát
Không sợ chẳng não phiền
[3]
Do ái sinh phiền não
Do ái sinh sợ hãi
Lìa ái được giải thoát
Không sợ chẳng não phiền
[4]
Quả trước ngọt, sau đắng
Ái dục cũng như thế
Sau chịu khổ địa ngục
Nung nướng vô số kiếp
[5]
Ngu mê tham ái dục
Thương luyến vợ với con
Trói buộc bởi ái nhiễm
Kiên cố khó lìa xa
[6]
Thánh hiền lìa ái dục
Trang nghiêm hàng quyến thuộc
Rời xa vợ với con
Tâm định khéo lợi ích
[7]
Tham dục khó giải thoát
Lìa dục chân xuất gia
Không ham thọ khoái lạc
Bậc trí chẳng tham muốn
[8]
Người thế gian tham dục
Mọi thứ chẳng tư duy
Nếu ai khéo điều phục
Đó mới là lìa dục
[9]
Nếu ai luôn tham dục
Trói buộc khó giải thoát
Duy tuệ khéo phân biệt
Đoạn phiền não chẳng sinh
[10]
Chính niệm luôn hưng khởi
Tịch tĩnh ác dễ trừ
Tự chế bằng giới Pháp
Không phạm thiện tăng trưởng
[11]
Ai luôn tham ái dục
Sẽ cùng với kẻ ngu
Niệm định chẳng buông lung
Thứ tự được vô lậu
[12]
Một niệm tu Chỉ Quán
Khéo lìa các tội cấu
Ngã mạn tự tiêu trừ
Giải thoát được an lạc
[13]
Nếu ai chẳng đoạn dục
Như da chạm lửa cháy
Thiêu rụi chỉ một niệm
Thọ tội vô số kiếp
[14]
Bhikṣu phòng dục lạc
Buông lung lắm ưu sầu
Nếu lìa xa ái dục
Chính niệm thọ an vui
[15]
Không chán sao biết đủ?
Không đủ sao có lạc?
Không lạc sao có ái?
Có ái sao có lạc?
[16]
Tịch tĩnh trí đầy đủ
Tăng trưởng Đạo vô lậu
Tham ái không biết chán
Phi pháp phải chết yểu
[17]
Thấy sắc tâm mê muội
Vô thường không tư duy
Kẻ ngu cho tốt đẹp
Nào biết đó chẳng thật
[18]
Kẻ ngu trói bởi tham
Chẳng mong qua bờ kia
Do tham tài với ái
Hại người cũng hại mình
[19]
Vui sướиɠ ở thế gian
Vui đó rất ít ỏi
Nếu so với trên trời
Kém xa nghìn vạn lần
[20]
Núi non biến thành vàng
Nhiều như núi Thiết Vi
Không thỏa kẻ tham lam
Chính giác mới hiểu thông
[21]
Khổ báo của thế gian
Đều do bởi tham dục
Người trí khéo điều phục
Hãy nên học như thế
☸ PHẨM 3: THAM DỤC
[1]
Tham lam khéo hiển hiện
Hữu tình có nghi lo
Nếu lại tăng ý tham
Trói buộc càng kiên cố
[2]
Lìa tham khéo quán sát
Hết lo hết hoài nghi
Xả bỏ tham ái kia
Siết trói tự giải trừ
[3]
Lưới dục tự quấn lấy
Lọng ái tự phủ che
Phóng túng siết ở ngục
Như cá vào miệng rọ
Già chết luôn đến bức
Như nghé thèm sữa mẹ
[4]
Ai buông lung tham dục
Như vượn gặp cây quả
Ý tham càng kiên cố
Đi rồi lại quay về
[5]
Người bị ái thấm ướt
Tư tưởng càng lan xa
Ái dục sâu không đáy
Già chết chỉ tăng thêm
[6]
Tham dục sinh nói dối
Tham dục sinh keo kiệt
Nếu dùng trí phân biệt
Chính quán được an vui
[7]
Do tham thọ sinh tử
Rong ruổi thích dục lạc
Chúng sinh không mắt tuệ
Chẳng thể tự quán sát
[8]
Ngu mê chấp tham dục
Trầm luân sao biết rõ?
Thoáng chốc mà tu hành
Ma vương chẳng thể dò
[9]
Tham dục khó buông xả
Như nghé thương luyến mẹ
Lìa tham thoát trầm luân
Lìa tham được giải thoát
[10]
Do tham tăng tranh cãi
Do ái tăng hủy báng
Bhikṣu tu Chỉ Quán
Chứng đắc Đạo tịch diệt
[11]
Ý tham như ruộng tốt
Gặp gió mưa nhanh lớn
Tham ái nếu lìa xa
Phiền não chẳng thể xâm
[12]
Tham dục nếu ít ỏi
Như nước rớt trên sen
Phiền não kia dễ trừ
Mới xưng là bậc trí
[13]
Chặt cây không chặt rễ
Dẫu chặt vẫn mọc lên
Đoạn tham không tận gốc
Dẫu diệt vẫn còn sinh
[14]
Tham dục như trồng ruộng
Chăm bón trừ tập uế
Mầm ái nếu chẳng nhổ
Quả lành sẽ không bền
[15]
Tâm tham và tâm ái
Phân biệt gốc chẳng hai
Làm ác đều chịu khổ
Sao tâm không sám hối?
[16]
Tính tham làm hạt giống
Tính ái thọ bào thai
Hữu tình nhớ chẳng ngừng
Đến đi khó rời xa
[17]
Chư thiên và loài người
Nương ái mà lưu trụ
Ái đến, siết trói theo
Một niệm cũng chẳng dừng
Qua rồi sinh lo sầu
Vào ngục mới tự biết
[18]
Duyên ái chảy không dừng
Năm căn lưới dục che
Cành lá thêm đói khát
Ái khổ luôn mãi tăng
[19]
Như tự làm mũi tên
Quay lại hại thân họ
Tên tâm cũng như thế
Tên ái hại hữu tình
[20]
Như thế ai khéo biết
Ái khổ cùng ba cõi
Vô dục không nghĩ tưởng
Bhikṣu vượt thế gian
[21]
Như thế ai khéo biết
Ái khổ cùng ba cõi
Vô dục không nghĩ tưởng
Bhikṣu ý chuyên niệm
☸ PHẨM 4: BUÔNG LUNG
[1]
Giới là Đạo cam lộ
Buông lung là tử lộ
Không tham sẽ bất tử
Mất Đạo sẽ tự diệt
[2]
Người trí hành thắng Đạo
Vĩnh viễn chẳng buông lung
Hoan hỷ do không tham
Pháp lạc từ đây sinh
[3]
Tư duy luôn niệm Đạo
Dũng mãnh tu chính hạnh
Trượng phu vượt thế gian
Cát tường không gì hơn
[4]
Buông lung luôn tự cấm
Khéo trừ làm thánh hiền
Đã thăng lầu trí tuệ
Bỏ nguy liền được an
[5]
Người trí nhìn kẻ ngu
Như núi so với đất
Chính niệm lìa kiêu mạn
Bậc trí tu minh tuệ
[6]
Tinh tấn không buông lung
Chế phục tự điều tâm
Trí tuệ sinh định minh
Hố thẳm chẳng còn rơi
[7]
Chính niệm luôn hưng khởi
Thanh tịnh ác dễ diệt
Y Pháp tự chế phục
Không phạm tiếng thơm vang
[8]
Chuyên ý chớ buông lung
Hành trì giới của Phật
Vĩnh không ưu sầu khổ
Loạn niệm tất dừng nghỉ
[9]
Không gần pháp hữu lậu
Không cùng với buông lung
Không trồng gốc tà kiến
Không làm ác trên đời
[10]
Chính kiến tăng thượng Đạo
Dùng trí quán thế gian
Trải qua trăm nghìn đời
Vĩnh không đọa địa ngục
[11]
Người buông lung tu tập
Như kẻ ngu hội họp
Chính quán không tán loạn
Như tài chủ hộ báu
[12]
Chớ tham chớ đua tranh
Cũng đừng ham dục lạc
Tâm ý chẳng buông lung
Mới được an vui lớn
[13]
Tâm ý không phóng túng
Lậu tận được ý giải
Ma thừa lúc buông lung
Như sư tử vồ nai
[14]
Buông lung có bốn việc:
Vợ người thích xâm phạm,
Gặp họa chẳng phúc lợi,
Bị chê, dâʍ ɖu͙© tăng
[15]
Không phúc lợi đọa ác
Sợ ác sợ chút lạc
Gian da^ʍ luật trừng phạt
Khi chết đọa địa ngục
[16]
Bổn tính không tự tạo
Sáu căn không tự làm
Chẳng lo con đường tà
Kẻ ngu dốc sức cầu
[17]
Người trí như đèn sáng
Kẻ ngu nhờ đó thấy
Học rộng dẫn người đời
Như sáng dẫn kẻ mù
[18]
Nếu việc làm chẳng lành
Như kẻ không mắt kia
Bước trên đường gian nan
Hiểm lộ đầy kinh hoàng
[19]
Pháp lành nếu tăng trưởng
Chúng ma không cơ hội
Lậu tận chứng tịch diệt
Mới được quả chân thật
[20]
Pháp ác nếu tăng trưởng
Chúng ma luôn thừa cơ
Đánh mất Đạo tịch diệt
Thọ khổ vô cùng tận
[21]
Gọi là bậc trì Pháp
Không phải đọc tụng nhiều
Dẫu chỉ nghe ít thôi
Y Pháp thân hành trì
[22]
Dẫu tụng nhiều Kinh điển
Buông lung chẳng y Pháp
Như kẻ đếm bò người
Khó được Quả Đạo Nhân
[23]
Nếu nghe ác mà nhẫn
Phụng Pháp người tán dương
Tiêu trừ tham sân si
Kia được Quả Đạo Nhân
[24]
Ngợi khen ai tinh cần
Chê trách ai buông lung
Luôn được phúc trời người
Tối thượng thù thắng nhất
[25]
Nếu ai chẳng buông lung
Bậc trí luôn ngợi khen
Việc làm thiện tăng trưởng
Khéo sinh các Pháp lành
[26]
Nếu ai cứ buông lung
Việc làm chẳng lợi ích
Sáu căn an bất động
Mới gọi là bậc trí
[27]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Khéo thoát nạn bể sâu
Như voi ra khỏi bùn
[28]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Rũ bỏ các pháp ác
Như gió thổi lá rơi
[29]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Kết sử siết trói buộc
Như lửa đốt củi khô
[30]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Học Pháp theo thứ tự
Tận trừ các kết sử
[31]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Giải nghĩa phân biệt câu
Tịch tĩnh mãi an bình
[32]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Phiền não nếu tiêu trừ
Được tịch diệt an vui
[33]
Buông lung chẳng dấy khởi
Pháp lành hãy nên tu
Đời này đến đời sau
Hành Pháp được an vui
[34]
Buông lung chẳng dấy khởi
Phiền não tự điều phục
Pháp lành siêng tu học
Nhất định được tịch diệt
[35]
Buông lung mà tăng trưởng
Một niệm chẳng tạm dừng
Mạng chung đọa địa ngục
Một niệm cũng chẳng dừng
[36]
Lãng quên và buông lung
Uy nghi cũng chẳng giữ
Ham ngủ không tương ứng
Việc ấy sẽ chướng ngại
[37]
Luôn tránh những điều xấu
Chẳng để chúng phá hoại
Do tâm luôn điều phục
Trần cấu được tiêu trừ
[38]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Trì giới chớ phá hoại
Tâm mình khéo thủ hộ
Đời này và đời sau
[39]
Bhikṣu chớ buông lung
Xuất gia vâng lời Phật
Khổ hạnh nhớ vô thường
Như voi rời hồ sen
[40]
Y Pháp luật tạng này
Chẳng để tâm buông lung
Tiêu diệt vòng sinh tử
Khổ não vĩnh dứt trừ
☸ PHẨM 5: YÊU THƯƠNG
[1]
Yêu thương sinh âu lo
Yêu thương sinh sợ hãi
Yêu thương nếu chẳng có
Lo sợ làm sao sinh?
[2]
Do ái sinh âu lo
Do ái sinh sợ hãi
Niệm ái nếu lìa xa
Liền bỏ ý cuồng mê
[3]
Phàm phu luôn ưu sầu
Cuộc đời lắm đắng cay
Đều do niệm ái ân
Vô niệm sẽ chẳng lo
[4]
Cho nên chớ khởi niệm
Bởi niệm tăng thêm ác
Siết buộc ai đã trừ
Vô niệm niệm chẳng sinh
[5]
Chính niệm vì phương tiện
Phi nghĩa không hiển quyền
Quyền tuệ vào đại nghĩa
Tự thành đệ nhất tôn
[6]
Không nên vướng yêu thương
Cũng đừng có oán ghét
Thương chẳng gặp thì lo
Ghét thấy nhau lại sầu
Ở trong nỗi sầu lo
Tiêu diệt các căn lành
[7]
Niệm ái đến đời sau
Bạn bè và thân quyến
Đêm dài sầu lo nghĩ
Biệt ly khổ lắm thay
[8]
Nhớ tưởng hình sắc đẹp
Chư thiên sống cõi kia
Vui sướиɠ rồi cũng hết
Lại bị tử thần truy
[9]
Nếu ai ngày lẫn đêm
Tiêu diệt niệm ái sắc
Tự nhổ tận gốc sâu
Không đi con đường chết
[10]
Bất thiện bảo rằng thiện
Ái dục bảo chẳng ái
Nếu ai chấp trước sắc
Họ bị buông lung sai
[11]
Ai nghĩ về dục lạc
Nhưng không muốn cùng ác
Điều ấy khó đạt được
Dục lạc là gốc ác
[12]
Ai muốn hộ ý niệm
Khéo nên tự thủ hộ
Ví như giữ thành lũy
Hào sâu tường kiên cố
[13]
Ai muốn hộ ý niệm
Ẩn tàng vẫn kiên cố
Ví như phòng vệ thành
Trong ngoài đều kiên cố
[14]
Hãy tự khéo phòng hộ
Về sau khỏi hối tiếc
Xao lãng sinh ưu sầu
Thoáng chốc đọa địa ngục
[15]
Đi tìm khắp mọi nơi
Không có một ai nào
Không thương bản thân họ
Xem mình như mạng họ
Bởi thế chớ hại người
[16]
Tất cả đều sợ chết
Chẳng ai không sợ đau
Lấy mình làm thí dụ
Chớ đánh chớ gϊếŧ hại
[17]
Như người đi rất lâu
Từ xa về bình an
Quyến thuộc ra chào đón
Niềm nở mừng trở về
[18]
Ai khéo tu phúc đức
Từ đây đến nơi kia
Tự mình thọ phúc lạc
Như quyến thuộc đến mừng
[19]
Tu tập theo Thánh giáo
Ngăn trừ điều bất thiện
Kính mến ai gần Đạo
Chớ thân ai xa Đạo
[20]
Chính Đạo gần với xa
Chỗ trụ có khác nhau
Gần Đạo sinh lên trời
Xa Đạo đọa địa ngục
[21]
Trì Pháp, giới thành tựu
Thành tín thích tu tập
Ai khéo tự giữ giới
Được người kính mến thương
[22]
Sở dĩ người kính mến
Đều do bởi việc lành
Đời này được tiếng thơm
Đời sau sinh lên trời
[23]
Giáo Pháp luôn phụng trì
Đình chỉ việc phi pháp
Người thiện hãy nhớ đến
Kẻ ác phải tránh xa
[24]
Người thiện và kẻ ác
Cả hai có gì khác?
Người thiện sinh lên trời
Kẻ ác đọa địa ngục
☸ PHẨM 6: TRÌ GIỚI
[1]
Bậc trí khéo hộ giới
Sẽ được ba phúc báo
Lợi lành tiếng thơm vang
Mạng chung sinh lên trời
[2]
Nên thấy người trì giới
Hộ giới trí tuệ sinh
Thành tựu chính tri kiến
Họ được an vui lành
[3]
Trì giới được an lạc
Khiến thân chẳng não phiền
Đêm nằm điềm tĩnh yên
Thức dậy thường an vui
[4]
Giới luôn mang an vui
Giữ giới sẽ bình an
Tuệ minh người quý nhất
Phúc đức chẳng thể cướp
[5]
Điều gì là cực thiện?
Tu gì được an lạc?
Thứ gì trân quý nhất?
Cái gì chẳng thể đoạt?
[6]
Giới hạnh là cực thiện
Trì giới được an lạc
Trí tuệ trân quý nhất
Phúc đức chẳng thể đoạt
[7]
Giữ giới hành bố thí
Tu phúc tích phúc điền
Từ đó qua bờ kia
Thường đến nơi an vui
[8]
Bhikṣu lập giới đức
Thủ hộ nhϊếp các căn
Ăn uống biết chừng mực
Ngủ thức ý tương ứng
[9]
Tâm ý luôn tỉnh giác
Sáng tối siêng tu học
Lậu tận ý giải thoát
Sẽ đắc Đạo tịch diệt
[10]
Người trí giữ giới cấm
Chuyên tâm tu trí tuệ
Bhikṣu không nhiệt não
Trừ sạch mọi khổ đau
[11]
Dùng giới hàng phục tâm
Thủ hộ chính định ý
Nhất tâm tu Chỉ Quán
Không quên là chính trí
[12]
Trừ sạch các tội cấu
Nhổ tận chớ sinh nghi
Trọn đời cầu giới Pháp
Thánh niệm chớ lìa xa
[13]
Giới định tuệ giải thoát
Phải nên khéo quán sát
Trần cấu đều đã lìa
Diệt trừ họa ba cõi
[14]
Giải thoát mọi ràng buộc
Si mê diệt trừ sạch
Vượt khỏi các cảnh ma
Chiếu sáng như mặt trời
[15]
Ngã mạn với cuồng mê
Bhikṣu phải xa lánh
Tu hành giới định tuệ
Tinh cần chớ lìa xa
[16]
Đã chẳng tự buông lung
Hữu lậu chớ nhớ nghĩ
Cho nên xả uẩn cái
Như thế không chướng ngại
[17]
Bhikṣu giữ giới cấm
Ai luôn học như thế
Tiến thẳng vào tịch diệt
Nhanh được tâm thanh tịnh
[18]
Hoa hương chẳng ngược gió
Phù dung với hương đàn
Đức hương ngược làn gió
Hiền đức hương tỏa khắp
[19]
Hương mộc và hương đàn
Cùng hương hoa sen xanh
Tuy ngửi thật ngát thơm
Không bằng giới đức hương
[20]
Nếu ai siêng trì giới
Thanh tịnh chẳng buông lung
Chính trí được giải thoát
Đó là nơi an vui
[21]
Đạo này là tối thượng
Thiền định trừ tà ma
Khó lường hiền thánh đức
Thông đạt Tám Chính Đạo
☸ PHẨM 7: TU THIỆN
[1]
Diệt trừ thân làm ác
Chính hạnh tự gìn giữ
Thân nghiệp ai thủ hộ
Thân luôn tu việc lành
[2]
Diệt trừ lời xấu ác
Chính ngữ tự gìn giữ
Ngữ nghiệp ai thủ hộ
Miệng luôn nói lời êm
[3]
Diệt trừ ý nghĩ ác
Chính niệm tự gìn giữ
Ý nghiệp ai thủ hộ
Tâm luôn nhớ niệm lành
[4]
Trừ bỏ ác của thân
Trừ bỏ ác của ngữ
Cũng trừ ác của ý
Và các pháp xấu ác
[5]
Thân luôn làm việc lành
Ngữ luôn nói lời lành
Ý luôn nhớ niệm lành
Vô dục sạch các lậu
[6]
Thân luôn làm việc lành
Ngữ ý nghiệp cũng thế
Đời này và đời sau
Mãi sinh ở chốn lành
[7]
Lòng từ không gϊếŧ hại
Thân nghiệp luôn khéo nhϊếp
Đó là chốn bất tử
Nơi đến chẳng hoạn nạn
[8]
Lòng từ không gϊếŧ hại
Gìn giữ ngữ ý nghiệp
Đó là chốn bất tử
Nơi đến chẳng hoạn nạn
[9]
Thuở xưa thân tạo ác
Hãy nên tự hối hận
Nay thân không buông lung
Trí sinh tội diệt trừ
[10]
Thuở xưa ngữ tạo ác
Hãy nên tự hối hận
Nay nếu không nói dối
Trí sinh tội diệt trừ
[11]
Thuở xưa ý tạo ác
Hãy nên tự hối hận
Nay ý luôn thanh tịnh
Trí sinh tội diệt trừ
[12]
Cẩn thận gìn giữ thân
Cẩn thận gìn giữ ngữ
Cẩn thận gìn giữ ý
Tất cả kết cũng vậy
Đó là chốn bất tử
Nơi đến chẳng hoạn nạn
[13]
Lành thay khéo hộ thân
Lành thay khéo hộ ngữ
Lành thay khéo hộ ý
Lành thay hộ tất cả
Bhikṣu hộ tất cả
Khéo trừ mọi khổ não
[14]
Hộ ngữ ý thanh tịnh
Thân mãi không làm ác
Khéo tịnh ba nghiệp này
Là Đạo Đại Tiên nói
☸ PHẨM 8: LỜI NÓI
[1]
Nói dối gần địa ngục
Đã làm mà nói không
Hai tội, sau đều thọ
Nghiệp đó tự lôi đi
[2]
Lòng ác ai luôn giữ
Như rìu ở trong miệng
Cho nên tự trảm thân
Do bởi nói lời ác
[3]
Thuyết Pháp làm người vui
Lời nói vô lượng nghĩa
Dẫu ta bị uất nhục
Không thẹn nghi thức này
[4]
Khen ác ca việc xấu
Cả hai đều xấu ác
Miệng lưỡi ưa tranh đấu
Về sau tất chẳng an
[5]
Tranh giành đoạt chút lợi
Như mất tài bảo giấu
Từ đó sinh tranh đấu
Khiến tâm hướng đường ác
[6]
Thánh hiền ai phỉ báng
Ngữ ý thốt nguyện ác
Sẽ đọa ngục lạnh buốt
Đến mãi trăm nghìn đời
[7]
Vô đạo đọa đường ác
Tự tăng địa ngục khổ
Lìa si tu nhẫn ý
Chính niệm tức không phạm
[8]
Nếu cậy nội bảo tạng
Nương hiền thánh sinh sống
Kẻ ngu đọa đường ác
Do bởi tạo tà kiến
[9]
Nay mất hội Pháp lành
Dẫu lập thệ nguyện cầu
Vĩnh không thấy Bốn Đế
Huống nữa thấy cứu cánh
[10]
Trúc lau sinh quả khô
Trở lại hại thân nó
Lời nói hãy tốt lành
Đừng nói lời ác ôn
[11]
Làm lành được giải thoát
Làm ác bị trói buộc
Hiểu suốt làm thánh hiền
Đó là thoát não phiền
Thánh hiền hiểu chẳng giống
Như kẻ ngu được hiểu
[12]
Bhikṣu thu nhϊếp ý
Lời nói không vội vã
Nghĩa lý hợp như Pháp
Lời ấy ngọt dịu êm
[13]
Lời chính giáo đứng đầu
Lời Pháp nghĩa là hai
Lời từ ái là ba
Lời thành tín là bốn
[14]
Lời nói ai khéo dùng
Họ tất không chiêu hoạn
Cũng chẳng xung khắc người
Đây là lời thiện xảo
[15]
Lời nói hợp với ý
Cũng làm người hoan hỷ
Đừng khiến tâm hướng ác
Lời nói người tin vui
[16]
Chí thành giảng cam lộ
Như Pháp chẳng lỗi lầm
Lời nói hợp Pháp nghĩa
Là gần gốc của Đạo
[17]
Ai giảng như Phật dạy
Cát tường được diệt độ
Tất khéo đoạn phiền não
Đó là lời tối thượng
☸ PHẨM 9: HÀNH NGHIỆP
[1]
Nên lìa xa một pháp
Đó là người nói dối
Không ác gì chẳng làm
Đời sau khổ chẳng tha
[2]
Thà nuốt viên sắt nóng
Khát uống nước đồng sôi
Không lấy thân phạm giới
Thọ nhận đồ cúng dường
[3]
Kẻ phạm giới buông lung
Như miếng thịt trên đời
Chẳng sợ tội, chẳng thẹn
Sau chịu khổ địa ngục
[4]
Nếu ai sợ khổ báo
Cũng chẳng thích chịu khổ
Chớ tạo những việc ác
Khiến sau phải hối tiếc
[5]
Ưa thích làm việc ác
Tự làm bảo người làm
Khổ báo chẳng thoát miễn
Muốn trốn có ích gì?
[6]
Trên trời dưới biển sâu
Ẩn náu núi đá cao
Chẳng có một nơi nào
Thoát khỏi nghiệp ác xưa
[7]
Chúng sinh chịu khổ não
Già chết không thoát miễn
Chỉ có bậc thượng trí
Vô niệm đoạn ác tà
[8]
Nói dối tham hối lộ
Việc làm không chân chính
Vu khống người lương thiện
Phạt oan bậc thiện sĩ
Tội siết những kẻ đó
Tự lọt hố hiểm sâu
[9]
Việc làm của phàm phu
Bất luận tốt hay xấu
Thảy đều vì bản thân
Quả báo luôn ứng theo
[10]
Di chuyển uốn thân hình
Duy bóng luôn theo thân
Hoặc đi hoặc đứng dậy
Hình bóng chẳng lìa xa
Không chỉ bóng theo hình
Hình cũng tự theo bóng
Do làm việc lành dữ
Vĩnh không lìa khỏi thân
[11]
Tham dục ăn vị độc
Chẳng nghe lời dạy bảo
Bị độc gây tổn hại
Sau mới tự tỏ ngộ
[12]
Kẻ ngu chẳng hiểu rõ
Làm ác chẳng nghe dạy
Khi chịu khổ địa ngục
Sau mới nhớ lời khuyên
[13]
Vui cười làm việc ác
Đã tạo thân chịu lấy
Gào khóc thọ tội báo
Tùy nghiệp tội đến vây
[14]
Ác báo không vội đến
Ví như vắt sữa bò
Nghiệp tội tại âm gian
Như lửa dưới tro tàn
[15]
Ác báo chẳng liền đến
Như mũi kiếm bén kia
Chẳng lo ở đời sau
Sẽ chịu lấy khổ báo
[16]
Làm ác ác trói buộc
Làm ác chẳng tỉnh ngộ
Cực ác biết ác đến
Thọ ác của gốc ác
[17]
Như sắt bị rỉ sét
Trở lại ăn thân nó
Ác sinh từ nơi tâm
Trở lại hủy thân đó
☸ PHẨM 10: CHÍNH TÍN
[1]
Tín giới tàm quý tài
Là Pháp thánh hiền khen
Đạo này bậc trí giảng
Giúp người sinh lên trời
[2]
Kẻ ngu chẳng tu thiện
Bố thí cũng chẳng khen
Chính trực tùy hỷ thí
Đời sau được an vui
[3]
Tín tâm trưởng dưỡng Đạo
Niệm Pháp trụ an lạc
Ai gần đắc thượng trí
Trường thọ giữa thánh hiền
[4]
Nghiệp gì là cao quý?
Tu gì được an lạc?
Pháp gì được giải thoát?
Thọ gì là tối thượng?
[5]
Tín tâm trưởng dưỡng Đạo
Niệm Pháp trụ an lạc
Chân thật đắc thượng trí
Trường thọ giữa thánh hiền
[6]
Tín tâm mới đắc Đạo
Tự chứng Pháp diệt độ
Đắc tuệ do khéo nghe
Cởi bỏ mọi buộc ràng
[7]
Tín tâm và giới Pháp
Tuệ ý khéo tu hành
Trượng phu đoạn phiền não
Nhân đó thoát luân hồi
[8]
Tín khiến giới thành tựu
Cũng được thọ và tuệ
Nơi nơi khéo hành Đạo
Chốn chốn người cúng dường
[9]
Thí với đấu tương tranh
Nghiệp này trí chẳng ở
Khi thí chẳng khi đấu
Nhanh thí sao do dự?
[10]
So sánh lợi xuất thế
Tín tuệ là trí mẫu
Tài này cao quý thượng
Gia sản vốn chẳng thường
[11]
Muốn thấy chư thánh hiền
Thích nghe giáo Pháp mầu
Khéo xả tâm cấu trược
Đó mới là tin sâu
[12]
Có tín mới vượt sông
Phúc ấy khó xâm đoạt
Giặc cướp khéo ngăn trừ
Nhàn tĩnh Đạo Nhân lạc
[13]
Đạo Nhân luôn đến đây
Người trí thấy vui mừng
Và những ai tin sâu
Nghe Pháp sinh hoan hỷ
[14]
Nếu ai ôm áo não
Mong người dâng y thực
Kẻ đó ngủ đêm ngày
Chẳng thể nhập chính định
[15]
Nếu ai muốn đoạn dục
Như chặt đứt cây cọ
Người kia ngày lẫn đêm
Tất sẽ nhập chính định
[16]
Bất tín chẳng tu hành
Lời thật ưa bác bỏ
Như vụng về múc nước
Khuấy suối nổi bùn dơ
[17]
Bậc trí tu tín tuệ
Khát ngưỡng Đạo thanh cao
Như khéo múc nước suối
Nhẹ nhàng chẳng khuấy tung
[18]
Tín tuệ không nhiễm ác
Chỉ gần bậc hiền minh
Điều hay nên học hỏi
Việc xấu phải lánh xa
[19]
Kính tin không tham dục
Tịch tĩnh tự tư duy
Lìa xa kẻ bất tín
Tín tâm nên hành trì
❖
Vô Thường, Ái Dục, với Tham Dục
Buông Lung, Yêu Thương, và Trì Giới
Tu Thiện, Lời Nói, cùng Hành Nghiệp
Cộng chung Chính Tín là mười phẩm
☸ PHẨM 11: ĐẠO NHÂN
[1]
Trừ lậu hàng phục người
Lìa dục là tịnh hạnh
Chẳng phạm giới của Phật
Không nguyện gì chẳng thành
[2]
Tu hành nếu chểnh mảng
Làm thiện với bất thiện
Tịnh hạnh chẳng thanh tịnh
Không được quả báo lớn
[3]
Tất cả nghiệp chểnh mảng
Trừ sạch ý hạ liệt
Tu tập hạnh thanh tịnh
Đắc Quả liễu sinh tử
[4]
Ví như cầm kiếm bén
Cầm lơi sẽ cắt tay
Đạo Nhân không giữ giới
Địa ngục siết lôi đi
[5]
Ví như cầm kiếm bén
Cầm chặt không cắt tay
Đạo Nhân giữ giới cấm
Sắp đến Đạo tịch diệt
[6]
Không hiểu tức chẳng liễu
Đạo Nhân trí kém cỏi
Tư tưởng lắm nhiễu loạn
Kẻ ngu tới khổ não
[7]
Đạo Nhân tu Pháp gì?
Nếu ý không chế phục
Từng bước nhiễm trần lao
Chỉ chạy theo tư tưởng
[8]
Tu khó bỏ ác khó
Tại gia sống cũng khó
Hợp hội đồng lợi khó
Khó nhất vượt ba cõi
[9]
Pháp y khoác trên vai
Làm ác chẳng ngừng nghỉ
Ai luôn làm điều ác
Khi chết đọa địa ngục
[10]
Sợ tội luôn kinh hãi
Giả danh làm Đạo Nhân
Pháp y khoác lên thân
Như cắt vỏ cây cọ
[11]
Gọi là bậc trưởng lão
Không phải tuổi tác cao
Già nua tóc bạc trắng
Ngu si chẳng biết tội
[12]
Ai khéo biết tội phúc
Luôn tu hạnh thanh tịnh
Hiểu rộng thuần thanh khiết
Đó gọi là trưởng lão
[13]
Gọi là bậc Đạo Nhân
Không phải cạo râu tóc
Nói dối nhiều tham ái
Tham dục như phàm phu
[14]
Người đời gọi Đạo Nhân
Ông cũng bảo Đạo Nhân
Tuy thân giống Đạo Nhân
Như hạc chờ bắt cá
[15]
Như lìa thật chẳng lìa
Pháp y trừ chẳng trừ
Cầm bát thật chẳng cầm
Chẳng tục chẳng Đạo Nhân
[16]
Ai gọi là Đạo Nhân
Tiêu trừ tội lớn nhỏ
Thủ hộ các căn lành
Là bậc chân tịnh hạnh
[17]
Gọi là bậc Đạo Nhân
Tâm an vọng tưởng diệt
Cấu uế tiêu trừ sạch
Xứng gọi bậc xuất gia
Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Hết quyển 1
Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thiên Tức Tai (?-1000)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 19/10/2014 ◊ Cập nhật: 21/8/2021
☸ Cách đọc âm tiếng Phạn
Bhikṣu: bíc su
- 🏠 Home
- Phật Giáo
- Đại Tạng Kinh
- Chương 28: Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Quyển 1