Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Tại những quảng trường nước Ý hay khu đồi Mavern, trên tầng thượng khách sạn Hollywood hạng sang hay trong căn hộ London nghèo túng, ta bắt gặp những người trẻ tuổi mộng mơ, những nghệ sĩ bất thành da …
Xem Thêm

Chương 18
Bà cũng choàng áo khoác mặc nhà, nhưng đấy là thứ áo có thể mặc đến buổi ra mắt phim mà vẫn không phải quá xấu hổ. Tất nhiên, bộ cờ đã nằm đó trên cái bàn cà phê kính, và chúng tôi ngồi xuống đối diện như hôm trước và bắt đầu chơi. Có lẽ bởi cả hai đều có việc cho đôi tay, không khí lần này có vẻ thoải mái hơn nhiều. Trong lúc chơi, dần dần chúng tôi nói về đủ thứ chuyện: các chương trình ti vi, những thành phố châu Âu bà thích nhất, đồ ăn Tàu. Lần này tần số nhắc đến các tên tuổi giảm rõ rệt, và bà có vẻ bình tĩnh hơn. Có một lúc bà nói:

“Anh có biết tôi làm gì để khỏi phát điên lên ở chỗ này không? Có biết bí mật lớn của tôi không? Tôi sẽ nói cho anh nhé, nhưng không được hở ra, kể cả với Gracie, đồng ý không? Việc tôi làm là ra ngoài đi dạo lúc nửa đêm. Chỉ trong khách sạn này thôi, nhưng nó lớn đến nỗi anh có thể đi cả đời không hết. Và giữa đêm khuya, cảm giác thật kỳ diệu. Đêm hôm qua tôi đi phải đến cả giờ thì phải? Anh phải rất cẩn thận, vẫn có nhân viên khách sạn đi tuần hai tư trên hai tư, nhưng tôi chưa bao giờ bị ai thấy cả. Nghe thấy động là tôi chạy ngay và trốn ở đâu đó. Có lần mấy người dọn vệ sinh thấy tôi trong một giây, nhưng mới thế tôi đã tan biến vào bóng đêm! Thật là phấn chấn. Cả ngày anh là người tù ở đây, rồi lúc ấy gần như anh hoàn toàn tự do, cảm giác thật tuyệt vời. Đêm nào đó tôi sẽ đưa anh đi cùng, cưng ạ. Tôi sẽ cho anh thấy những thứ kỳ diệu. Quầy bar, nhà hàng, phòng hội thảo. Những phòng khiêu vũ tuyệt vời. Và không có ai ở đó cả, mọi thứ đều tối mò và vắng vẻ. Và tôi khám phá ra một chỗ thiên đường, một phòng tầng thượng, tôi nghĩ chắc là phòng tổng thống? Người ta còn đang xây dở chừng, nhưng tôi tìm thấy và có thể đi thẳng vào trong, và tôi ở trong đó, hai mươi phút, có khi nửa giờ, suy nghĩ đủ thứ chuyện. Ô, Steve, như thế này được không? Tôi có thể đi thế này và ăn hậu của anh?

“Ồ. Được, chắc thế. Tôi nhìn không ra. Này, Lindy, bà chơi giỏi hơn nhiều so với bà tỏ ra đấy. Bây giờ thì tôi phải làm gì?”

“Được thôi, tôi sẽ bảo anh làm gì. Bởi anh là khách, và rõ ràng là anh bị phân tán vì điều tôi đang nói, tôi sẽ vờ như không nhìn thấy nó. Thấy tôi có tốt bụng không? Này, Steve, tôi không nhớ tôi đã hỏi anh câu này chưa. Anh có gia đình rồi, phải không?”

“Phải.”

“Thế cô ấy nghĩ gì về chuyện này? Ý tôi là, vụ này không rẻ. Nghĩ xem cô ấy có thể mua bao nhiêu đôi giày với số tiền này.”

“Cô ấy không vấn đề gì. Thực ra, đây trước hết là ý tưởng của cô ấy. Xem xem giờ thì ai phân tâm.”

“Ôi quỷ sứ. Mà đằng nào tôi cũng chơi chẳng ra gì. Này, tôi không có ý tọc mạch, nhưng cô ấy có đến thăm anh thường không?”

“Thực ra là cô ấy chưa đến lần nào. Nhưng đấy là thỏa thuận từ đầu của chúng tôi, trước khi tôi đến đây.”

“Thế à?”

Bà có vẻ bối rối nên tôi bảo: “Nghe cũng kỳ, tôi biết, nhưng đấy là chúng tôi muốn như thế.”

“Hiểu.” Rồi một lúc sau bà nói: “Thế nghĩa là không ai đến đây thăm anh à?”

“Tôi cũng có người thăm. Nói thật thì, có người vừa đến sáng này. Một nhạc công từng chơi cùng tôi.”

“Ồ thế à? Thế thì tốt. Anh biết không, cưng ạ, tôi không bao giờ nhớ được con mã này phải đi thế nào. Nếu anh thấy tôi đi sai thì cứ nói, được không? Không phải là tôi muốn qua mặt anh đâu.”

“Tất nhiên rồi.” Rồi tôi nói: “Cái người đến thăm tôi sáng nay, anh ta cho tôi biết tin. Nghe cũng lạ lùng. Một trùng hợp tình cờ.”

“Thế à?”

“Có một nhạc công saxophone chúng tôi từng quen cách đây vài năm, ở San Diego, một người tên Jake Marvell. Có thể bà đã nghe tiếng anh ta. Bây giờ anh ta ở đẳng cao. Nhưng hồi đó, khi chúng tôi quen nhau, anh ta chưa là gì. Thực ra, anh ta là một tay vờ vĩnh. Loại người bà có thể gọi là dân bịp. Chưa bao giờ nhớ được hết các phím. Và tôi đã nghe anh ta chơi gần đây, rất nhiều lần, anh ta cũng không khá hơn. Nhưng anh ta đã có vài bước tiến và giờ được coi là mốt. Tôi thề là anh ta không khá hơn mảy may so với hồi trước, không một tẹo nào. Thế mà bà biết có tin gì không? Chính người này, Jake Marvell, ngày mai anh ta sẽ nhận một giải thưởng âm nhạc lớn, tại ngay khách sạn này. Nghệ sĩ Jazz của năm. Thật là điên rồ, bà hiểu không? Có bao nhiêu tay kèn giỏi, thế mà người ta chọn trao giải cho Jake.”

Tôi bắt mình dừng, và rời mắt khỏi bàn cờ, khẽ bật cười. “Ta có thể làm được gì chứ?” tôi nói, nhẹ nhàng hơn.

Lindy đang ngồi thẳng dậy, tập trung hoàn toàn vào tôi. “Thật tệ quá. Mà người này, anh ta không giỏi à, anh bảo vậy?”

“Tôi xin lỗi, tôi hơi đi quá đà. Họ muốn trao giải cho Jake, thì tại sao lại không?”

“Nhưng nếu anh ta không giỏi…”

“Anh ta cũng giỏi như mọi người. Tôi chỉ nói lung tung thôi. Tôi xin lỗi, bà phải bỏ qua cho tôi.”

“Này, anh làm tôi nhớ ra,” Lindy nói. “Anh có nhớ mang đĩa sang không?”

Tôi chỉ cái đĩa để bên cạnh trên ghế. “Tôi không biết bà có thích không. Bà không bắt buộc phải nghe…”

“Ôi, nhưng tôi muốn nghe, rất muốn nghe mà. Nào, đưa tôi xem.”

Tôi đưa bà cái đĩa. “Đấy là một ban nhạc tôi chơi cùng ở Pasadena. Chúng tôi chơi những bài cơ bản, swing kiểu cũ, một ít bossa nova. Không có gì đặc biệt, tôi chỉ mang theo vì bà hỏi.”

Bà đang ngắm nghía cái bìa đĩa, giơ lên sát tận mặt, rồi lại đưa ra xa. “Thế có anh ở trong bức ảnh này không?” Bà lại kéo lại gần. “Tôi khá tò mò trông anh ra sao. Hoặc là đúng hơn, lúc trước trông anh ra sao.”

“Tôi đứng thưa hai từ phải qua. Mặc áo chim cò, cầm cái cầu là.”

“Người này?” Bà ta nhìn cái đĩa, rồi lại nhìn tôi. Rồi bà nói: “Ồ, anh trông rất là ngộ.” Nhưng bà nói thật nhỏ, bằng một giọng không có gì tin tưởng. Thực tế là, tôi nghe ra vẻ thương hại rõ rệt trong đó. Nhưng gần như lập tức, bà đã hồi lại. “Được rồi, thế thì ta nghe thôi!”

Khi bà đi lại gần bộ dàn Bang & Olufsen, tôi nói: “Bài số chín. ‘The nearness of you’. Đấy là bài đặc biệt của tôi.”

“Xin giới thiệu ‘The nearness of you’.”

Tôi đã chọn bài này sau một lúc suy nghĩ. Các nhạc công trong ban đó đều là loại xịn. Xét từng người thì chúng tôi đều có những tham vọng thuộc loại cấp tiến, nhưng khi họp lại thành ban nhạc thì chúng tôi xác định mục đích là chơi những bản đỉnh cao trong số nhạc thịnh hành, loại nhạc mà công chúng trong các phòng ăn tối sang trọng sẽ muốn nghe. Bản ‘The nearness of you’ của chúng tôi – với tiếng tenor của tôi từ đầu đến cuối – không hẳn là một trời một vực so với lãnh địa của Tony Gardner, nhưng tôi vẫn luôn thực tình hãnh diện với nó. Có thể anh nghĩ anh đã nghe bài này chơi theo mọi kiểu phối khí trên đời. Chậc, nếu thế thì hãy nghe thử chúng tôi xem. Hãy nghe, chẳng hạn như lời hai ấy. Hoặc nghe đoạn chúng tôi vừa kết thúc đoạn điệp khúc, khi cả ban chuyển từ hợp âm III-5 sang VIx-9 trong lúc tôi lên đến những quãng anh không bao giờ tin là có tồn tại và rồi ngân mãi ở nốt si giáng dịu dàng, rất đỗi mỏng manh. Tôi nghĩ ở đó có những sắc độ, những nỗi khát khao và nuối tiếc mà anh chưa bao giờ thấy trước đây.

Thế nên anh có thể thấy tôi khá tự tin rằng đĩa này sẽ được Lindy tán thưởng. Và trong khoảng một phút đầu, trông bà vẫn có vẻ thích thú. Bà đứng đó sau khi bỏ đĩa vào máy, và cũng như lần bật đĩa của chồng bà cho tôi nghe, bà bắt đầu đu đưa nhè nhẹ theo tiết tấu chậm rãi. Nhưng rồi cử động của bà mất dần nhịp điệu, tới khi bà đứng im phăng phắc, lưng quay về phía tôi, đầu gục xuống như đang cố tập trung. Lúc đầu tôi chưa thấy đây là dấu hiệu xấu. Chỉ đến khi bà quay người bước trở lại và ngồi xuống trong lúc nhạc vẫn còn vang dội, tôi mới nhận ra có gì không ổn. Qua lớp băng quấn, tất nhiên, tôi không nhìn được nét mặt bà, nhưng cái vẻ bà ngồi thụp vào xô pha, như một cô ma nơ canh căng thẳng, không phải là điềm tốt.

Khi bài hát dừng, tôi nhặt điều khiển và tắt máy. Trong một lúc lâu thật lâu, bà ngồi nguyên như thế, cứng đờ và lúng túng. Rồi bà hơi nhổm người lên và bắt đầu mân mê một quân cờ.

“Bản nhạc rất hay,” bà nói. “Cám ơn anh đã cho tôi nghe.” Nghe rất sáo mòn, và bà có vẻ cũng không bận tâm giấu điều đó.

“Có lẽ đấy không phải típ của bà.”

“Không, không.” Giọng bà trở nên hờn dỗi và lặng lẽ. “Bài hát rất hay. Cảm ơn anh đã cho tôi nghe.” Bà đặt quân cờ xuống một ô, rồi nói: “Đến lượt anh.”

Tôi nhìn bàn cờ, thử nhớ xem chúng tôi đã đến đâu. Sau một lúc, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Có lẽ bài đó, nó có những liên tưởng đặc biệt với bà chăng?”

Bà nhìn lên và tôi cảm thấy cơn giận dữ qua lớp băng. Nhưng bà vẫn nói lặng lẽ như trước: “Bài ấy à? Không có liên tưởng gì cả. Không có đâu.” Bỗng nhiên bà bật cười – tiếng cười ngắn, lạnh lùng. “Ồ, anh nói là liên tưởng với ông ấy, với Tony à? Không, không. Nó không ở trong số những bài ông ấy hát. Anh chơi hay lắm. Rất chuyên nghiệp.”

“Rất chuyên nghiệp? Như thế có nghĩa là thế nào?”

“Nghĩa là… là nó thực sự chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đấy là một lời khen.”

“Chuyên nghiệp à?” Tôi đứng dậy, bước qua phòng và lấy đĩa ra khỏi máy.

“Có gì mà anh bực tức thế?” Giọng bà vẫn xa vắng lạnh lùng. “Tôi nói gì sai à? Tôi xin lỗi. Tôi chỉ đang cố lịch sự.”

Tôi quay lại bàn, bỏ đĩa vào vỏ, nhưng không ngồi xuống.

“Thế chúng ta có chơi nốt không?” bà hỏi.

“Nếu bà không phiền, tôi còn vài việc phải làm. Gọi điện. Giấy tờ nữa.”

“Có gì mà anh bực tức thế? Tôi không hiểu.”

“Tôi không bực tức gì cả. Đã muộn rồi, thế thôi.”

Ít nhất bà cũng đứng lên tiễn tôi ra cửa, trước khi chúng tôi chào nhau bằng một cái bắt tay lạnh lẽo.

Thêm Bình Luận