Chương 15
Tuần đầu tiên, mặt tôi đau kinh khủng và thuốc mê còn trong máu khiến tôi váng vất muốn nôn. Tôi phải ngủ trong tư thế tựa lưng lên gối ngồi thẳng tưng, có nghĩa là chẳng ngủ được mấy, và bởi y tá kiên quyết bắt trong phòng lúc nào cũng để mờ mờ, tôi mất khái niệm về giờ giấc. Mặc dù thế, tôi cũng không thấy đến nỗi tệ. Thực tế là, tôi thấy cực kỳ phấn chấn lạc quan. Tôi đặt trọn lòng tin vào bác sĩ Boris, mà suy cho cùng các sao màn bạc đều đặt cả sự nghiệp vào tay ông. Chưa hết, tôi biết rằng với tôi ông đã hoàn thành tuyệt tác đỉnh cao của mình; rằng khi nhìn thấy khuôn mặt hãm tài của tôi, ông đã cảm thấy những tham vọng sâu kín trong mình cất tiếng gọi, và nhớ lại vì sao thuở xa xưa ông đã đi theo tiếng gọi này, nên ông dồn cả tâm huyết vào tôi. Khi lớp băng bỏ ra, tôi có thể trông chờ sẽ có một khuôn mặt được đẽo tạc lành nghề, hơi mang nét tàn bạo, nhưng đầy những sắc tinh vi. Một người danh tiếng như ông, hẳn nhiên, đã suy tính cẩn thận những yêu cầu đối với một nhạc công jazz cao cấp, và không lầm lẫn với yêu cầu đối với một gã điểm tin trên ti vi chẳng hạn. Có thể ông còn thêm thắt để tôi có cái vẻ thoáng ưu tư, kiểu như De Niro hồi trẻ, hoặc như Chet Baker trước khi bị ma túy hủy hoại. Tôi nghĩ về những an bum tôi sẽ thu, những người tôi sẽ thuê làm dàn đệm cho mình. Tôi thấy bừng bừng đắc thắng và không tin nổi đã có lúc mình do dự về chuyện này.
Thế rồi sang đến tuần hai, khi tác dụng của thuốc giảm đi, đến lúc tôi thấy mình suy sụp, cô đơn và rẻ mạt. Y tá của tôi, Gracie, bây giờ đã cho phép một chút ánh sáng trong phòng – dù vẫn buông rèm ít nhất một nửa – và tôi được phép đi lại trong phòng trong áo khoác mặc nhà. Thế nên tôi bật hết đĩa nhạc này đến đĩa nhạc khác trên bộ dàn Bang & Olufsen và đi vòng vòng quanh thảm, thỉnh thoảng dừng lại trước gương trên bàn trang điểm săm soi con quái vật quấn băng kỳ dị đang giương mắt nhìn lại qua khe.
Chính là trong giai đoạn thứ hai này Gracie lần đầu cho tôi biết Lindy Gardner ở ngay phòng bên. Giá cô nói cho tôi trong giai đoạn đầu, khi tôi còn hứng khởi, hẳn tôi đã vui sướиɠ mà đón nhận tin ấy. Có thể tôi còn coi đó là tín hiệu đầu tiên về cuộc đời lấp lánh đang đợi sẵn phía trước. Song, vì tin ấy đến lúc này, khi tôi đã tụt xuống đáy, nó khiến tôi ghê tởm đến mức lại lên một cơn buồn nôn nữa. Nếu anh thuộc về cộng đồng hâm mộ Lindy, thì tôi xin lỗi trước vì điều sắp nói. Nhưng thực tế là, vào thời điểm ấy, nếu có kẻ nào theo tôi là hiện thân của mọi thứ nông cạn và gớm ghiếc trên đời, thì đấy là Lindy Gardner: một người với tài năng ít ỏi – được rồi, nói thẳng ra, bà ta đã chứng tỏ mình không biết diễn xuất, và còn không buồn giả vờ có khả năng âm nhạc – nhưng dù thế nào cũng đã đánh đường tới được danh tiếng, trở thành đối tượng giành giật của các hãng truyền hình và tạp chí giấy bóng không bao giờ hết thèm khát khuôn mặt tươi cười của bà ta. Đầu năm nay tôi có đi qua một hiệu sách thì thấy một hàng dài ngoằn ngoèo đằng trước và tự hỏi có phải Stephen King hay ai đó đang ở đây, nhưng rồi hóa ra chỉ là Lindy ký tặng quyển tự truyện thuê viết mới xuất bản. Và làm cách nào có được những điều này? Bằng cách thông thường, dĩ nhiên. Yêu đương hợp nơi, hôn nhân hợp người, ly dị hợp lúc. Mọi thứ dẫn đến những bìa báo hợp gu, talk show hợp mốt, rồi những món như trò gì đó của bà ta mới lên sóng gần đây, tôi không nhớ tên, chỗ bà ta khuyên bảo về việc ăn mặc thế nào cho cuộc hẹn lớn đầu tiên sau khi ly dị, hoặc phải làm gì nếu nghi ngờ chồng mình đồng tính, kiểu như thế. Anh có thể nghe người ta nói bà ta có “tố chất ngôi sao”, nhưng phép màu này cũng dễ phân tích. Đấy chỉ là phép cộng của mọi lần xuất hiện trên ti vi và bìa tạp chí, mọi tấm hình anh thấy khắp nơi chụp bà ta tại các buổi tiệc hay ra mắt phim, tay khoác tay với các tên tuổi huyền thoại. Và bây giờ bà ta ở đây, ngay sát vách, cũng như tôi đang đợi hồi phục sau một cuộc sửa sang mặt mũi với bác sĩ Boris. Không gì có thể tượng trưng tốt hơn cho cái chuyện tư cách tôi giờ đã xuống dốc đến thế nào. Một tuần trước, tôi còn là một nhạc công jazz. Giờ tôi chỉ còn là một gã hãnh tiến tuyệt vọng giữa số đông, chỉnh lại mặt mày hòng có cơ hôi bò đằng sau những Lindy Gardner của thế giới này để tới địa vị ngôi sao rỗng tuếch.
Mấy ngày tiếp đó, tôi cố giải khuây bằng cách đọc sách, nhưng không sao tập trung được. Dưới lớp băng, mặt tôi có chỗ đập thình thịch, chỗ khác lại ngứa điên cuồng và tôi trải qua từng đợt nóng bừng hay bức bối khó thở. Tôi mong mỏi đến lúc được chơi kèn, và ý nghĩ sẽ phải nhiều tuần nữa mới có thể bắt cơ mặt chịu áp lực đến thế khiến tôi càng tuyệt vọng hơn nữa. Cuối cùng, tôi rút ra kết luận: cách tốt nhất để qua ngày là xen kẽ giữa nghe đĩa và những đợt ngồi ngó bản nhạc – tôi đã mang theo tới đây cặp bản nhạc với hợp âm và ca từ mà tôi vẫn tập trong buồng con – và tự ngâm nga các dạng biến tấu cho mình mình nghe.
Đến gần cuối tuần thứ hai khi tôi bắt đầu thấy khá hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, cô y tá đưa tôi một phong bì và cười đầy vẻ hiểu biết, bảo: “Thứ này không phải ngày nào cũng có đâu.” Trong là một trang viết từ giấy khách sạn, và vì nó đang ở ngay trước mặt tôi đây, tôi sẽ dẫn lại nguyên văn từ đó.
Gracie nói với tôi anh đang buồn chán cảnh sống xa hoa này. Tôi cũng thế. Anh qua thăm tôi thì sao nhỉ? Nếu anh không nghĩ năm giờ tối nay là quá sớm để uống cocktail? Ông B. cấm chất cồn, tôi đoán với anh cũng vậy. Thế nên có lẽ chỉ là nước ngọt và Perrier. Bác với chẳng sĩ! Hẹn gặp anh năm giờ, nếu không tôi sẽ đau khổ hết sức. Lindy Gardner.
Có lẽ là do đến lúc này tôi đã hết sức buồn chán; hoặc có thể vì tâm trạng bây giờ đã lại khá lên; hoặc là ý nghĩ có một bạn tù cùng trao đổi chuyện trò là quá hấp dẫn. Hoặc có thể tôi không hoàn toàn miễn nhiễm với cái xa hoa như tôi tưởng. Đằng nào thì, bất chấp mọi điều đã nghĩ về Lindy Gardner, khi đọc lời nhắn này, tôi cảm thấy khá phấn khích, nên liền bảo Gracie báo với Lindy tôi sẽ qua lúc năm giờ