- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Việt Nam
- Dạ Cậu, Em Là Mùa!
- Chương 34
Dạ Cậu, Em Là Mùa!
Chương 34
Dì Tư rặn hỏi chị Hồng suốt từ trưa tới giờ nhưng chị không nói, tôi thì ngại nên không dám hỏi, lâu lâu cứ hay rình đi nghe lén. Bực quá, hỏi không được, dì Tư quát lên:
– Tao vì thương cho mày nên tao mới hỏi, mày không nói thì thôi, để mai mốt cái bụng chình ình thì bỏ xứ mà đi chứ đừng có kêu tao.
Dì Tư chửi tới như vậy mà chị Hồng vẫn im re không nói năng gì hết, chị chỉ nói là chị không có bầu thôi. Hết cách, dì Tư cũng chịu thua, để chị muốn làm gì thì làm. Thấy chị Hồng như vậy tôi cũng buồn, cũng không biết an ủi khuyên nhủ chị làm sao. Ai cũng lớn cả rồi, đều biết suy nghĩ chu toàn hết rồi… haiz!
……………………
Con nước dạo này dâng cao quá, sáng đi chợ với dì Tư đã nghe người ta bàn nhau náo loạn hết cả lên. Mà công nhận là nước lên cao thiệt, có chỗ bờ thấp, nước cũng sấp sấp gần lên đến mé bờ. Dì Tư lắc đầu lo lắng nói với tôi:
– Cứ cái đà này, mùa mưa năm nay chắc ngập hết…
Tôi gật gù:
– Mùa mưa năm nào nhà con cũng ngập, mà nước ở đây nhiều vầy chắc ngập dữ hả dì?
Dì Tư lắc đầu trả lời:
– Không có ngập, mày thấy nước vậy chứ chưa có mùa mưa nào mà cái cồn này ngập hết. Bất quá thì mưa nhiều, nước nó trũng đọng lại rồi nắng lên là nó rút hết à. Mà tao thấy cái bộ này… coi bộ cái cồn này cũng sắp… hết thời rồi.
– Dạ? Hết thời là sao hả dì?
Dì Tư chỉ vào nước ngoài kia:
– Chứ mày không thấy nước bao quanh cái cồn này hả Mùa, con nước mấy năm gần đây không còn giống lúc trước nữa. Tao thấy nước gần như muốn nuốt chửng cái vùng đất này rồi. Kiểu này thì vài năm nữa thôi, cồn Quý cũng như bao nhiêu cồn khác… sạc bờ mất đất hết như chơi.
Tôi gật gù, mà công nhận là nước cao thiệt, nước cứ như này mà vỡ bờ thì có mà tiêu, dọn nhà không kịp mất. Oầy, thấy vậy chứ cũng nguy hiểm quá chừng, bởi bao quanh cồn Quý này là bốn bề nước chảy mà.
Tôi đi chợ về đã thấy ông Ba Lộc, ông Năm, thầy Dận, cậu Ba, cậu Trung, cậu Phong, ông Tư Tài,… ngồi rất đông, biểu cảm của mỗi người đều thập phần nặng nề căng thẳng. Thấy tôi, ông Năm kêu tôi đi pha mấy ấm trà để mọi người bàn công chuyện. Phải rất lâu sau thì mọi người mới giải tán, tôi lúc này đang đút cháo cho bà chủ trong phòng.
– Ngoài kia về hết chưa hả Mùa?
Tôi gật gật, trả lời:
– Chắc là về rồi đó bà, nghe im ru rồi.
– Ờ, thôi mày để bà tự ăn, mày ra dọn dẹp gì đi.
Lại có chút tò mò, tôi mới hỏi:
– Ủa mà bà, cái vụ gì mà con thấy căng thẳng dữ vậy bà?
Bà chủ thở dài, giọng đầy lo lắng:
– Nghe nói nước năm nay lớn quá… sợ là bể bờ.
Tôi “à” lên một tiếng:
– À ra là chuyện này, sáng con đi chợ nghe người ta bàn nhau quá trời. Mà nước lớn thiệt đó bà, bốn bề nước không, con thấy cũng lo nữa.
– Ừ, để coi coi sao, nếu mà không ổn thì dọn ra nhà ngoài đất liền ở… thôi kệ đi, tới đâu thì tới.
– Dạ…
Cho bà chủ ăn rồi uống thuốc xong, tôi mới ra ngoài dọn dẹp trà bánh ban nãy. Lúc này chỉ có cậu Ba, cậu Phong với cậu Tư đang ngồi nói chuyện, thấy tôi, cậu Ba liền kêu:
– Mùa, em vào thay đồ khác đi rồi đi theo anh ra đây một lát… dì Tư hỏi thì nói đi công chuyện với anh.
– Dạ? Bây giờ luôn hả cậu?
Cậu Ba gật đầu:
– Ừ bây giờ luôn.
– À dạ… đợi em chút.
Nhận lệnh, tôi tức tốc thay quần áo tươm tất rồi chạy ra đợi cậu Ba, thấy tôi chuẩn bị xong, cậu Ba mới quay sang cậu Phong với cậu Tư, cậu hỏi:
– Hai đứa có đi không?
Cậu Tư nhìn nhìn tôi, cười ý tứ:
– Không, ai lại cản mũi anh chứ.
Cậu Ba khẽ cười, lại hỏi:
– Phong… đi không?
Quý Phong biểu cảm có chút kỳ lạ, cậu ấy nhàn nhạt nói:
– Không, anh đi đi.
– Vậy anh đi trước, lát gặp sau.
Nói rồi, cậu Ba nháy mắt ra hiệu cho tôi ra xe, ngồi yên vị trên xe, cậu giúp tôi thắt dây an toàn, cậu càu nhàu:
– Mãi mà không biết thắt dây an toàn…
Tôi cười hề hề:
– Đó giờ có đi xe hơi thường đâu mà biết cậu.
– Cậu… lại cậu?
Tôi vờ cười thật tươi, tôi nói:
– Em quên… tại kêu riết nó thành quen miệng…
– Thì sửa đi chứ, em đợi cái gì cũng phải nhắc hả?
Tôi nhích lại gần sát cậu, cười nịnh nọt:
– Thì em rồi biết… em đang sửa đây nè… giờ mình đi đâu vậy… anh? Đi chơi á?
Nghe tôi gọi một tiếng “anh”, cậu Ba cười mỉm mỉm, cậu tằng hắng trả lời:
– Không, đi tới từ đường thắp nhang cho tổ tiên.
Đi tới từ đường thắp nhang? Đi thắp nhang đưa tôi theo chi vậy trời?
Thấy tôi mặt mũi ngờ nghệch ra, cậu Ba cười nói:
– Đi thắp nhang xong rồi đi ăn, anh có bắt em ở đó luôn đâu mà em sợ.
– Nhưng về sớm nha, em còn làm công chuyện nữa. Đi về trễ quá dì Tư la em chết luôn á.
Cậu Ba cười cười:
– Ai dám la em… yên tâm đi.
Tôi bĩu môi nhìn cậu, đúng là làm chủ cái làm phách thấy ghét.
Nói rồi cậu nổ máy xe, xe chạy tầm 10 phút là đến từ đường nhà họ Quý. Từ đường ở đây tôi tới một hai lần rồi nhưng lần nào cũng đứng ở ngoài cổng chứ không được vào trong. Bác Thạch thấy cậu Ba dắt tôi đi vào, bác hơi ngại ngùng, vừa mở cửa vừa hỏi:
– Mùa nó theo vô trong luôn hả cậu?
Cậu Ba gật đầu, giọng nhàn nhạt:
– Em ấy đi theo con, không sao đâu bác Thạch.
– À dạ…
Bác Thạch vừa gật đầu lại vừa nhìn tôi kiểu ngạc nhiên lắm, tôi lúc này chỉ biết thầm thở dài ở trong lòng, sau này còn ngạc nhiên nữa… bác đừng vội bác Thạch ơi.
Mở cửa vào trong, bác Thạch giúp cậu Ba thắp nhang, tôi thì đi lúi húi theo sau lưng cậu. Nhang cháy, cậu Ba đưa cho tôi một nửa, cậu một nửa rồi cả hai quỳ xuống thành tâm khấn vái. Thiệt tình thì tôi không biết phải khấn cái gì nên cứ cầu tổ tiên phù hộ cho cậu Ba, phù hộ cho nhà họ Quý. Liếc mắt nhìn sang thì thấy cậu Ba nghiêm túc lắm, khấn lâu thật là lâu, đã vậy lại còn xin keo nữa chứ. Cũng may là xin keo được nên tôi thấy cậu Ba cứ cười tủm tỉm mãi, bác Thạch cũng nói lời chúc mừng dành cho cậu.
Rời khỏi gian thờ cúng, tôi khẽ hỏi:
– Ban nãy… anh xin keo gì dạ?
Cậu Ba cười mỉm lắc lắc đầu:
– Không nói cho em biết, sau này anh nói.
Tôi tò mò quá đỗi:
– Bật mí chút xíu thôi được không?
– Không được, em có nghe câu thiên cơ bất khả lộ chưa?
Tôi bĩu môi, không thèm hỏi nữa. Không nói thì không nói, tôi cũng không có hỏi nữa đâu, ở đó mà giữ luôn trong lòng đi nhé Quý Lãnh.
Thắp nhang xong, cậu Ba dắt tôi đi dạo một vòng, từ đường họ Quý ngoài gian thờ tổ tiên bề thế ra thì quang cảnh xung quanh cũng khá là đẹp. Có hòn non bộ nè, có nước chảy róc rách, có nuôi cá, nuôi chim, nuôi vài con chó nhỏ với vô vàn hoa kiểng cây cảnh. Dắt tôi tới ghế gỗ, cậu Ba bận nghe điện thoại nên tôi đi loanh quanh ngắm cảnh. Phải công nhận là tiền nhiều có khác, đầu tư cỡ này mà chỉ để không như vậy thôi đó.
Tôi đi xung quanh, mắt cũng ngó nghiêng nhìn khắp nơi, chợt tầm mắt chạm tới cây sơ ri đỏ trái. Không kịp nghĩ nhiều, tôi vội bước tới đó, tay với với hái sơ ri để ăn. Eo ôi, sơ ri nhà trồng nên chất lượng, trái vừa to vừa thơm nữa chứ. Do mải mê đắm chìm vào việc hái trái nên tôi không để ý có cánh cửa bằng gỗ kế bên. Chân thì nhảy nhảy để hái mấy trái trên cao, nhảy tới nhảy lui, nhảy qua nhảy lại, xui sao trượt chân ngã đập mình vào cửa gỗ bên cạnh. Ngã khá là mạnh nên cửa gỗ vì thế cũng mở ra, cả người tôi lăn lông lốc theo vào bên trong, cái lưng với cái mông đáp trực tiếp xuống nền gạch… eo ôi nó đau thì khỏi cần bàn tới luôn đó trời. Nhưng mà… cái phòng này… có vẻ lạnh quá… lạnh thật đó!
Đang định quay xung quanh nhìn thử xem có bật máy lạnh không thì cậu Ba ở phía kia đột nhiên hốt hoảng quăng điện thoại xuống đất mà chạy về phía tôi, cậu hét lên:
– Mùa… đi ra… đi ra mau!
Tôi giật mình rồi giương mắt ngơ ngác ra nhìn cậu, mà không những là cậu Ba, cả bác Thạch cũng hoảng loạn mà chạy tới chỗ tôi. Không nói không rằng, cậu Ba kéo tôi lôi ra ngoài, bác Thạch thì vội vàng đóng chặt cửa lại. Giữ được tôi, cậu Ba sa sầm mặt, cậu quát ầm lên:
– Bác trông coi cái kiểu gì vậy? Cửa này sao bác không khoá? Hả?
Bác Thạch cũng quýnh quáng lên, bác run run chèn ổ khóa vào rồi khóa lại, mồ hôi trên trán tuôn nhễ nhại, tay thì run nên có làm nhanh được đâu. Cậu Ba nhìn mà bực dọc, cậu tranh lấy cái ổ khoá rồi khoá gấp lại, cậu chau chặt chân mày rồi quay sang liếc nhìn cảnh cáo bác Thạch. Xong hết, cậu vội quay sang tôi, cậu lo lắng nắm chặt lấy tay tôi, cậu hỏi gấp gáp:
– Em có sao không? Có thấy chỗ nào không khỏe không? Có làm sao không… nói cho anh biết đi…
Bác Thạch cũng cuống lên:
– Mùa… con có làm sao không Mùa… có thấy mệt ở đâu không… bác đưa mày đi bệnh viện… đi Mùa.
Tôi ngỡ ngàng thật sự, chuyện gì vậy nhỉ? Tôi chỉ là ngã bình thường thôi mà, cùng lắm là ê mông ê lưng thôi chứ có đến mức phải quan tâm như tôi vừa ngã ở độ cao 3000 mét xuống đâu?
Thấy tôi im lặng trố mắt nhìn, cậu Ba hoảng thật sự, cậu nắm tay tôi mà run run, biểu cảm lo lắng cực độ.
– Em nói gì đi… trả lời anh đi… Mùa… đừng làm anh sợ… trả lời anh mau đi.
Bác Thạch gần như khóc thật sự, tôi thấy khoé mắt ông ấy đỏ hoe, tôi mà im lặng cỡ 10 giây nữa chắc ông ấy sợ mà xỉu luôn quá.
Tôi buông tay ra khỏi tay cậu Ba, tôi xoay xoay hai tay, cười trấn an bọn họ:
– Không sao… em bình thường… em khỏe lắm… có bị gì đâu mà anh với bác cuống lên như em sắp chết đến nơi vậy?
Cậu Ba nhìn tôi chăm chú, biểu cảm lo lắng cũng không giảm đi được chút nào, cậu vội nói:
– Em đi một vòng cho anh coi… đi đi.
Đi á? Chuyện nhỏ thôi mà.
Tôi nghe theo lời cậu Ba, đi một vòng lên rồi vòng xuống lại còn chạy để thể hiện là tôi rất khỏe. Cậu Ba với bác Thạch nhìn chằm chằm vào tôi, mãi khi thấy tôi bước đến trước mặt bọn họ thì một trong hai mới thở phào nhẹ nhõm một hơi. Bác Thạch vừa vuốt ngực vừa chắp tay cảm ơn trời đất:
– Tạ trời đất… tạ ông bà phù hộ… Nam Mô… Nam Mô!
Cậu Ba như vẫn không an tâm lắm, cậu kéo tôi lại phía cậu, tiếp tục hỏi han:
– Em cảm nhận lại xem… có chỗ nào không khỏe không? Có mệt mỏi ở đâu không?
Tôi cười tươi rói, xoa xoa cái mông:
– Không có mệt ở đâu hết á, nếu có là nhức cái lưng chút à… hồi nãy em té xuống á.
– Thiệt không?
Tôi gật đầu lia lịa:
– Thiệt… em khỏe mà… em thấy bình thường lắm.
Tôi nói tới vậy mà cậu Ba vẫn còn chưa yên tâm, cậu liền chở tôi ra phòng khám tư để đo nhịp tim đo huyết áp. Mà như vậy vẫn chưa hết lo lắng, cậu chở thẳng tôi tới bệnh viện rồi nhờ cả phó giám đốc bệnh viện trực tiếp xuống chỉ đạo khám bệnh cho tôi. Mấy vị trưởng khoa được một bữa làm việc với trạng thái “khó hiểu” khi được khám cho một người “hoàn toàn lành lặn” như tôi. Đến cuối cùng, các bác sĩ kết luận… tôi bị bầm tím một chút ở lưng trái, còn lại tất cả rất tốt, sức khỏe là 9/10.
Bác phó giám đưa kết quả thăm khám cho cậu Ba, cậu Ba nhận lấy rồi đọc lại một lần nữa rất kỹ. Lâu thật lâu sau, cậu mới bắt tay cảm ơn vị phó giám đốc rồi còn nói có chuyện gì sẽ gọi cho ông ấy để được giúp đỡ. Cũng không riêng gì bác phó giám kia đâu, mà cả tôi, tôi còn chưa hiểu chuyện gì nữa, thật sự là tôi chưa hiểu là có chuyện gì xảy ra luôn đó.
Ngồi ở ghế đá, cậu Ba đọc lại kết quả lần nữa, cậu lúc này mới thở phào nhẹ nhõm:
– Tạm thời không sao… để theo dõi thêm đã.
Tôi nhíu mày:
– Theo dõi gì nữa, em thấy em khỏe mà, kết quả khám bệnh cũng đâu có gì đâu. Em chỉ bị té có chút xíu, bầm có một chút… anh đừng có làm quá lên chứ. Anh không thấy mấy vị bác sĩ hồi nãy nhìn em như nhìn người ngoài hành tinh hả? Có người còn lầm bầm chửi mình rảnh rỗi quá kìa.
Cậu Ba không quan tâm tới, cậu nói:
– Ai nghĩ thế nào thì tùy họ, anh lo cho bạn gái anh, lo như vậy đâu có thừa.
– Thì em biết là anh lo cho em… nhưng lo như vậy… là thái quá đó. Vừa tốn tiền mà vừa không đáng nữa.
Cậu Ba lắc đầu, giọng đột nhiên trở nên kỳ lạ:
– Không thái quá… nếu anh không làm vậy anh phát điên vì lo mất. Như vậy hơi kỳ cục một chút nhưng đổi được sự an tâm, anh thấy đáng.
Tôi bắt đầu thấy có chút gì đó khác lạ, tôi liền hỏi:
– Khoan đã… em thấy có gì đó không bình thường, cả anh và bác Thạch đều rất là kỳ lạ… hai người đều rất lo lắng cho em khi em ở trong căn phòng đó…
Tôi nhìn thẳng vào cậu, tôi chau mày hỏi:
– Có phải là anh đang giấu em cái gì không?
Cậu Ba nhìn tôi, cậu nhìn thẳng vào mắt tôi, mãi một lát lâu sau, cậu mới thở dài một hơi, gật đầu rồi nghiêm túc nói:
– Đúng là có chuyện giấu em…
– Vậy anh mau nói đi chứ.
Cậu nhìn về phía trước, giọng cũng trầm xuống theo:
– Ngày trước mẹ anh không biết cũng từng bước chân vào căn phòng đó… không phải là ngã cả người vào như em đâu mà chỉ là bước một chân vào thôi… chỉ là một chân thôi. Kết quả là mẹ mất đứa con đầu lòng chỉ còn vài tuần nữa là sinh, người đó cũng chính là anh Hai của anh.
Tôi thoáng chút ngờ ngàng:
– Chuyện đó… chuyện đó… anh có nghĩ là do xui rủi bình thường hay không? Em thấy… không hẳn là vì căn phòng kia đâu.
Cậu Ba lắc đầu:
– Vợ lớn của chú Ba… cũng chết vì bước vào căn phòng đó. Thím ấy vốn đang rất khỏe nhưng khi mở cửa bước vào, chưa kịp quay ra thì ói máu rồi chết ngay tại chỗ… Còn một người làm nữa… cô ấy cũng chết đột tử khi bước vào căn phòng đó…
Chuyện này… sao đáng sợ quá vậy trời?
Tôi bắt đầu có chút lo lắng, tay hơi run run mà sờ soạn khắp người mình. May quá, may là tôi vẫn không sao… may quá.
Cậu Ba nắm chặt lấy tay tôi, cậu lo lắng nói:
– Em cảm thấy thế nào thì phải nói cho anh biết, chuyện này không đùa được đâu Mùa. Chính thầy Dận cũng cấm tuyệt đối đàn bà con gái không được tới gần căn phòng đó… là do anh sơ ý… anh không để ý đến em…
Tôi vội trấn an cậu:
– Không sao mà, em vẫn khỏe lắm nè… nếu mà có gì đó xảy ra chắc là không kịp đem em đến bệnh viện như vậy đâu. Anh yên tâm đi, có khi căn phòng đó hết… hết “ám người” được rồi…
Lại tò mò, tôi hỏi:
– Nhưng mà… căn phòng đó có cái gì mà nguy hiểm vậy hả anh? Nguy hiểm vậy sao vẫn để ở đó? Mà khi nãy em thấy bác Thạch tới gần… bác ấy có sao đâu?
Cậu Ba nhàn nhạt lên tiếng:
– Anh cũng không biết, ông nội từng nói đó là nơi linh thiêng gì đó của họ Quý… trong đó có cái gì anh cũng không rõ vì cũng chưa từng bước chân vào. Nhưng ông nội với thầy Dận và bác Thạch, chú Ba, chú Tư vẫn đi vào trong được bình thường. Sau cái chết của nhiều người là đàn bà con gái, ông nội cấm tuyệt đối không cho nữ giới đến gần. Cửa gỗ bình thường cũng khóa kín mỗi ngày…
Thì ra là kỵ phụ nữ, kỵ đàn bà con gái… ủa nói vậy, bộ tôi không phải là con gái hay gì? Giỡn chút thôi, chắc là vì trong người tôi có Long… không… hình như không phải… Long mạch trong người tôi được phong ấn lại rồi mà… chính bà Chín Tàu vừa phong ấn lại cho tôi mấy ngày trước rồi còn đâu?
Thế rốt cuộc là vì nguyên nhân gì mà tôi vẫn bình an vô sự được vậy? Hay là… “ma” ở trong đó cũng đánh hơi được “rồng con” đến?
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Việt Nam
- Dạ Cậu, Em Là Mùa!
- Chương 34