Quyển 3 - Chương 8: Rừng Mười Vạn Chân

Kiên Bói Cá gọi một cuộc điện thọai chừng mười giây, đầu bên kia vang lên những tiếng "dạ" răm rắp, độ ba phút sau, một chiếc xe ô tô bảy chỗ đã đậu trước mặt bọn tôi. Tay đàn em mặc áo phông, thân hình cơ bắp, xăm trổ kín người, lọt tọt chạy đến báo cáo. Kiên Bói Cá quay sang bọn tôi rồi hất hàm, ra dấu mọi thứ đã sẵn sàng. Hai Tình lúc này mới lững thững đi ra, dáng vẻ tuy thoáng lên chút mệt mỏi, lười nhác nhưng thần khí không thể không khiến tôi có phần kinh ngạc. Ông vận áo thun ba lỗ, khoác ngoài là một cái áo lính rằn ri đã bạc màu, quần kaki cũ, mang đôi dép râu kiểu bộ đội xưa, bên hông đeo cái túi da bò, có lẽ đựng những thứ cần thiết nhất, trông gọn gàng và chuyên nghiệp, làm anh Hùng và Tú Linh cũng nể phục bậc tiền bối đã lâu không xuất sơn.

Anh Hùng đến mở cửa xe cung kính mời Hai Tình, ông không biểu hiện cảm xúc gì nhiều, chỉ đưa mắt nhìn anh, trong đó ẩn chứa nhiều điều như muốn can ngăn anh Hùng lần cuối: hãy dừng chuyến đi này trước khi quá muộn. Sinh leo tọt lên ghế trước ngồi với tài xế, trông hào hứng lắm, chắc vì đó giờ đi hành sự chỉ toàn ngồi xe máy, lần này thì "khá bảnh" lên hẳn. Anh Hùng và Tú Linh kẹp Hai Tình ở giữa, âu không chỉ đơn giản là vô tình ngồi như vậy, không ngoài khả năng lo sợ ông sẽ có hành động gì đó "không đúng".

Đường khuya vắng ngắt, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe khác chạy ngược chiều, trông như đang trốn chạy khỏi thứ gì đó phía chân trời U Minh đằng kia. Xe bọn tôi cũng im lặng lao đến, không khí bên trong bỗng nhiên trở nên nặng nề hơn, không ai nói với ai câu gì, phải đến hơn mười lăm phút, Hai Tình mới cất lời: "Qua chịu ơn các cô cậu hai lần, qua không biết đền đáp ra sao, nhưng qua cũng xin nhắc lại, qua sẽ không tham gia vào hành trình của các cô các cậu đâu. Đưa qua bìa rừng, còn lại thì phải coi phước phần của cô cậu cao đến đâu!"

Anh Hùng hạ kính xe xuống, lấy thuốc ra mời Hai Tình một điếu, anh châm lửa rít xong một hơi rồi mới nói: "Chú Hai à, chú cứ nhắc một câu cũng không muốn đi, hai câu cũng không muốn đi, vậy sự tình bên trong nó là thế nào mới được?"

Hai Tình cũng phả khói thuốc ra, ông nói bằng giọng úp mở, như không muốn nhắc đến những thứ bi kịch khủng khϊếp: "Qua biết các cô cậu đây đều là lục lâm cứng cựa, Ca Lâu Thành mà còn băng qua được thì quả nhiên đâu có đơn giản. Nhưng nơi các cậu bảo tôi dẫn vào, nếu là người khác thì chắc qua đây đã đập cho một trận chứ không có khuyên ngăn như vầy. So với U Minh thì kỳ động ở Kiên Lương chỉ như đi nghỉ dưỡng mà thôi!" Mọi người đều bị câu nói của Hai Tình thu hút, ông nói tiếp: "Chưa tính tới bách độc trùng thú trong chốn rừng thiêng nước độc ấy, kẻ giữ rừng mà tay Na Long Hội kể lúc nãy mới thực sự là thứ có thể lấy mạng các cậu dễ như lấy đồ trong túi. Gặp lão ta rồi thì mười phần chắc chín phần chết, đó là lý do tại sao mấy chục năm nay chẳng nghe có lục lâm nào dám vào Lõi rừng săn lan cả!"

Con người đúng là ngộ, người có tâm tư u uất không muốn nhắc đến chuyện cũ thì chỉ kể úp mở, nghe xong thì lại muốn biết thêm, hai bên tiến thoái lưỡng nan rốt cuộc bên nào cũng trầm tư. Tôi nghĩ thầm: "Thiệt tình, có cái bìa rừng thôi thì ai cần ông dẫn vào, ông giúp vậy thà thôi đừng giúp cho nó khỏe, có gì mà lo!" Thằng Sinh có vẻ cũng chung suy nghĩ với tôi, nhưng nó bị cái thẳng tính, chẳng giấu diếm mà nói huỵch toẹt ra hết: "Chú Hai, có cái bìa rừng thôi mà, đâu có gì mà căng, tụi con cần là đến được Lõi rừng để lấy ngọc rết kìa!"

Hai Tình nhìn Sinh vẻ đầy ngao ngán, anh Hùng vẻ như đợi câu trả lời từ ông Hai, ông kéo thêm hơi thuốc rồi thả ra khiến khói trong xe nồng hơn. Ông nói: "Thứ người thường thấy và thứ lục lâm thấy vốn dĩ đã khác nhau, cho nên cách gọi tên tuy giống nhưng lại ám chỉ về một thứ khác."

Nói đến đây, ông Hai giải thích cặn kẽ khiến tôi và Sinh vỡ lẽ ra, bản thân mình quá nông cạn. Rừng U Minh chia làm hai phần, U Minh Thượng là một huyện của tỉnh Kiên Giang, ít hoang sơ hơn, bên trong cũng thường có dân đi ăn ong hoặc làm rẫy. U Minh Hạ là tên một khu rừng tràm thuộc tỉnh Cà Mau. Phần gọi là rừng rộng đến 35.000 héc-ta, gấp mười lần diện tích Quận 7 của Sài Gòn. Thử tưởng tượng nếu bị thả xuống một điểm bất kỳ của Quận 7 có khi còn lạc, huống hồ gì nếu xung quanh là rừng tràm. Tuy nhiên, trong 35.000 héc-ta đó, phần rừng được bảo vệ đặc biệt, tức là "Lõi rừng" trong con mắt người thường, chỉ chiếm gần 9.000 héc-ta.

Khỏi phải nói cũng biết rừng ở nơi đây dày đặc và hiểm trở đến thế nào. Đối với lục lâm, phần 24.000 héc-ta bao quanh kia có lẽ cũng chỉ như một khu công viên để dạo chơi mà thôi, nên khi họ nhắc đến "bìa rừng U Minh", thì có nghĩa là phần diện tích bao quanh của lõi 9.000 héc-ta. Vùng bìa này rộng chừng năm ki-lo-mét, lại chia làm hai phần là "mặt bìa" và "ruột bìa". Ngay cả kiểm lâm cũng ít khi vào phần ruột bìa, chỉ có mùa khô là hay đi tuần tra đề phòng cháy rừng, đoàn này được dẫn bởi Hai Quang.

Ở phần "ruột bìa", ông Hai Tình kể rằng tràm mọc thẳng hàng thẳng lối nhau, giống như chúng mọc trên một nền phế tích cổ xưa nào đó. Nghe đến "phế tích", tôi sực nhớ lại Ca Lâu Thành, cảm giác vùng đất Cửu Long vô cùng bình dị nhưng bên dưới lớp đất phù sa lại ẩn chứa rất nhiều câu chuyện ngỡ như chỉ có trong cổ tích. Khả năng có các đô thị cổ khác nằm rải rác khắp nơi là rất cao, dù gì thì đầu công nguyên, nơi này cũng là một hải cảng trung chuyển nổi tiếng thế giới. Một cảm xúc tự hào pha lẫn hứng khởi dâng lên mạnh mẽ, tôi biết chắc chắn chuyến đi này có thể nguy hiểm vất vả, nhưng kết quả thu được sẽ vô cùng mãn nhãn!

Ông Hai tiếp tục kể, khi vượt qua bìa rừng theo cách gọi của lục lâm thì sẽ đến phần Lõi rừng, có diện tích trên dưới 1.000 héc-ta. Vùng này được chia ra làm hai, do hai người canh giữ, mặc dù lọt vào vùng của ai thì kết cục cũng không khác bọn Na Long Hội là mấy. Câu chuyện tại sao lại có hai người sống trong đó, ông Hai Tình không biết được, chỉ nghe nói lại là họ cũng chẳng ưa nhau, tử chiến diễn ra liên miên suốt mấy chục năm chưa dứt. Một người trong số đó là Hai Quang, tôi đã nghe kể từ tên tay chân Na Long Hội, người còn lại là Bà Sò, một lục lâm đen vô cùng máu lạnh, theo lời kể của Chỉnh Cụt và Năm Tràm. .

Nhắc đến tay Sáu Nghĩa tôi lại giật mình, đợt đó mặc dù bị một búa của anh Hùng làm đầu lìa khỏi xác nhưng anh vẫn nói hắn ta chưa chết, vậy không biết hắn có tìm đến vùng U Minh này để nương nhờ hay không? Nếu có thì cuộc "trùng phùng" giữa hắn và chúng tôi hẳn phải rất đẫm máu. Nhưng máu đó chắc là máu của bọn tôi rồi vì Bà Sò qua lời kể của Chỉnh Cụt và Năm Tràm tuyệt nhiên không phải là người có thể đùa giỡn được.

Thứ làm tôi ngạc nhiên thích thú nhất là cái gọi là "rừng mười vạn chân". Theo lời kể của Hai Tình, đây là thứ độc nhất vô nhị, có lẽ trong giới lục lâm, đi tìm chẳng có nơi thứ hai. Anh Hùng nói: "Cái này con có nghe sư phụ nhắc qua một lần, chẳng biết có thật hay không?"

Ông Hai khẽ hút một hơi, vẻ mặt ngán ngẩm kể cho chúng tôi nghe về sự kỳ diệu của tự nhiên. Ở vùng ven biển Tây Nam Bộ, đặc biệt ở Cà Mau, ắt hẳn chúng ta hay nghe nhắc đến cây đước. Người dân nơi này không lạ gì với câu hát "từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này", tuy nhiên có một chuyện khá thú vị mà ít người biết về giống cây đước đó là chúng có khả năng "di chuyển". Nếu đánh dấu một cây đước bằng những vật mốc cố định, một số cây khi lớn lên, có thể dịch chuyển so với vật mốc một khoảng cách lớn. Điều này là do các rễ phụ của đước khi mọc ra, vươn dài, tựa như cái tay chống, khiến đước có thể dịch chuyển một cách chậm rãi, quá trình này mất đến vài tháng hoặc cả năm.

Rừng U Minh Hạ không có đước, chỉ toàn tràm và tràm, tuy nhiên lại có một loại tràm hết sức đặc biệt, lục lâm gọi là tràm keo cột đình. Loài tràm này chỉ mọc sâu bên trong U Minh Hạ, phần bìa bên ngoài hay có các đoàn khách tham quan thì không thể thấy được chúng. Loài này thân rất to, tên gọi cột đình từ đó mà ra, nhựa sệt như keo, lá dài, nhọn, to như bàn tay trẻ em, cây non phải mất ít nhất ba mươi năm mới cao lên được hai mươi mét, từ năm thứ ba mươi mốt, chúng có thể cao đến năm, sáu mươi mét, phần gốc to đến hai người ôm. Cây trưởng thành mỗi năm chỉ ra hoa một lần vào mùa gió chướng, hạt theo gió bay ra ngoài, gần bìa rừng, tại đây cây phát triển từ từ, nhưng tại sao không ai thấy? Vì nó có chân.

Ở năm phát triển mười lăm trở lên, có một loại thực vật ăn thịt sống ký sinh vào thân cây tràm, nhìn những cây tràm bị ký sinh sẽ y hệt cây đước, có phần thân giữa trở xuống là những "rễ phụ" cong cong, đâm rất sâu xuống lớp bùn. Đám rễ phụ này thực ra là thứ thực vật dị thường, "chay mặn đều dùng được", nhưng bọn chúng thích ăn thịt hơn. Ban ngày đỉnh của loại ký sinh này cắm vào sình, đếm đến thì ngóc dậy săn mồi. Đến một độ tuổi nhất định, khi cây tràm keo cột đình bị ký sinh đủ lâu, rễ chính của tràm bị tiêu biến hoàn toàn, cây chủ chỉ sống được bằng nguồn dưỡng chất mà đám ký sinh đem đến, đổi lại thì tràm keo sẽ tổng hợp loại nhựa như chất keo để cho đám rễ hút vào, nhờ đó mà thêm cứng chắc. Khi đường kính cây tràm đạt đến tầm một mét, đám ký sinh này sẽ bắt đầu quá trình hồi hương, cùng cây tràm di chuyển từ từ trở lại vào Lõi rừng, tại đây đến khi cây tràm chết, rễ phụ phân rã ra thành hàng trăm cây con, theo dòng nước trôi ra bìa rừng, lại tìm một cây tràm mới, bắt đầu vòng đời tiếp theo của nó.

Việc băng qua rừng mười vạn chân tại sao qua lời kể của Hai Tình lại trở nên vô cùng khó khăn? Thứ nhất là do không dùng được la bàn. Rừng mười vạn chân không hề có những trận yểm tương tự như Tiêu Đồ Hống mà tôi từng gặp lúc ở Vách Ma Giấu, nó hoàn toàn là thứ gì đó kỳ bí sinh ra một cách tự nhiên làm cho la bàn không thể sử dụng được. Việc định hướng là không khả thi, thậm chí là có đợi đêm xuống để nhìn sao. Ngay cả ban ngày, mặt trời cũng chẳng thể soi qua hết những tán lá dày và kín của đám tràm, những thứ người bên trong nhìn thấy chỉ là lốm đốm những tia sáng nhỏ yếu ớt lọt qua, vừa đủ soi được không gian độ năm chục mét vuông xung quanh. Ban ngày, lá của loại tràm keo cột đình này tiết ra một chất nhầy, làm ánh sáng chiếu đến thì gặp phản xạ trở ra, cho nên nhìn đâu cũng thấy sáng giống nhau, không thể dựa vào hướng mặt trời mà phân định. Ngày đã vậy thì đêm đến làm sao coi thiên tượng cho được.

Chưa kể tràm khổng lồ mọc san sát nhau, không nhìn xa được, dưới chân là đầm lầy, có thể có cả vũng lầy sát thủ, đi sai thì bỏ mạng như chơi. Nghe đến đây đủ thấy hiểm nguy nơi rừng mười vạn chân trùng trùng giăng lối, ấy là chưa kể đám rễ ký sinh ăn thịt. Quả thực nơi đó là Quỷ Môn Quan chứ chẳng thể đùa, bảo sao khi nhắc đến nơi này, Hai Tình vô cùng nghiêm túc. Tú Linh hỏi, nếu nói như vậy thì làm sao để băng qua được. Hai Tình trầm ngâm: "Có cách, cách này chỉ có thể làm, chứ không thể nói cho hiểu được", càng khiến bọn tôi bồn chồn lo lắng.

Anh Hùng hỏi: "Chuyện không thể dùng la bàn được thì khả năng cao là vùng đó rối loạn về từ trường, nhưng vùng U Minh này không có mỏ sắt, đá từ tính càng không, chuyện tràm phát ra từ trường thì còn khó hiểu hơn nữa, Chú Hai có hiểu tại sao U Minh lại như vậy không?"

Hai Tình trầm ngâm: "Qua đoán là do ngọc rết, nhưng..."

Ông Hai suy nghĩ một chút, giống như đang tìm cách diễn giải lại cho bọn tôi hiểu một vấn đề rất phức tạp. Như đã biết, Ngô Công Kim Thân hệ cấp Thái Dương vùng Cửu Long này xuất hiện ở ba nơi, là Thất Sơn tại Vách Ma Giấu thuộc Tri Tôn, hang đá Mo So thuộc Kiên Lương và lõi rừng U Minh Hạ. Truyền thuyết lưu lại đều kể về hai viên ở Thất Sơn và Kiên Lương vốn dĩ không phát tích tự nhiên ở tại chỗ mà được người khác đem đặt ở đó, mục đích đều là trấn yểm, vậy thì viên thứ ba trong U Minh này, khả năng rất cao cũng được tiền nhân sử dụng cho mục đích liên quan đến chuyện trấn yểm. Tuy nhiên thứ bí ẩn của viên ngọc thứ ba này chính là thông tin, chẳng ai biết bên trong lõi là cái gì cả, tất cả đều là một vài lời truyền miệng, hoặc là những ghi chép ít ỏi. Dĩ nhiên để đạt đến trình độ dùng ngọc trấn yểm thì hẳn đó cũng phải là một nền văn hóa, một thành quách hay một nhóm người tinh hoa. Ngọc rết ở U Minh là một sự bí ẩn.

Tú Linh nói: "Mấy cái nãy giờ Chú Hai nói, cộng với yếu tố kỳ lạ của rừng mười vạn chân,có khi nào có một khả năng về một cổ mộ nằm bên dưới U Minh hay không?"

Hai Tình gật đầu, ông nói ông đồng ý giả thuyết vì thứ nhất: có vẻ địa chất vùng U Minh không bền vững để xây thành lập ấp. Thứ hai là nhìn địa thế tràm mọc thẳng hàng lối phía rừng bên trong, thậm chí rất lâu về trước khi có lần ông lướt ngang đó có trông thấy một số phế tích hoặc dấu vết của nhà cửa, Hai Tình dự đoán rằng xa xưa về trước, hẳn có một tộc người đã sống ở U Minh này, còn thông tin chính xác về họ thì ông không biết chính xác được, dĩ nhiên vẫn có một số lời đồn về một tộc người tên gọi là Cô Chỉ, thích ăn thịt người đang sống bên trong đấy. Sau tất cả mọi chuyện, đều dẫn đến chung một câu hỏi: ai là người đầu tiên tìm ra ngọc rết, ngọc rết phát tích tại đâu? U Minh Hạ chứa bí mật gì? Hai Tình dĩ nhiên không trả lời thấu đáo được.

Bên cạnh đó, chuyện đại cao thủ như Bà Sò và Hai Quang cả đời ẩn cư trong rừng cũng có ít nhiều nghi vấn. Anh Hùng nhân tiện hỏi Hai Tình về thâm thù huyết hải giữa hai lão quái kiệt đó, Hai Tình lắc đầu thở dài. Chuyện xảy ra trên dưới bảy mươi năm, ngày ấy, Hai Tình hãy còn rất nhỏ.

Hai Quang và Bà Sò là cặp thanh mai trúc mã, sau đó do gia đình ép gả nên Bà Sò phải lấy người khác, Hai Quang suy sụp, rồi cũng kết hôn với một người tỷ muội kết nghĩa của Bà Sò. Bẵng đi mấy năm, Bà Sò gia nhập lục lâm đen, quay trở về biết được Hai Quang đã cưới người tỷ muội thì trở nên điên loạn. Lần ấy nhân dịp Hai Quang đang trị thương, bà ta đến gϊếŧ sạch cả nhà vợ Hai Quang, kể cả đứa con của họ mới được một tuổi cũng không tha. Hai Quang như phát điên. Ông ta đến vùng U Minh Hạ này để an táng vợ mình. Thời gian đó Bà Sò cũng thường xuất hiện trong rừng. Lo sợ Bà Sò có mưu đồ xấu, Hai Quang đã thề sẽ bảo vệ cánh rừng này đến chết, từ đó ông chẳng cho ai đi vào lõi nữa dù là lục lâm thiện lành hay tà ác. Chuyến đi này, nếu đẹp nhất là nên tránh mặt cả hai người bọn họ, dây vào đều chẳng có kết cục tốt đẹp gì.

Sau bốn mươi phút ngồi xe, bọn chúng tôi đến một con đường nhựa dài tít tắp, hai bên không có đèn đường, cũng chẳng thấy ánh đèn nhà dân nào cả, trời sao hiện rõ mồn một, đẹp vô cùng. Tay tài xế đàn em Kiên Bói Cá quay ra sau nói: "Xuống đây nè, hướng này đi vô ít gặp kiểm lâm với chó canh."

Bọn tôi xuống xe, tôi mới để ý kỹ khung cảnh tuy có phần âm u nhưng bản thân nó cũng có một nét đẹp tương ứng. Dưới ánh trăng là một dải màu đen của rừng chạy mãi như vô tận, chúng tôi cách nó một cái hàng rào kẽm gai cũ kỹ. Tay tài xế chào tạm biệt bọn tôi, không quên để lại số điện thoại, bảo bận về cứ gọi hắn đến đón, tuy nhiên giọng điệu hắn nghe như cứ hàm ý câu "nếu các người quay về được". Anh Hùng quay lên nhìn trời sao, định vị gì đó rồi quay sang hỏi lại ông Hai như thể đang xác minh lần nữa: "Hướng này nằm ở rìa phần Tây Nam của rừng U Minh Hạ đúng không chú hai? Đây chắc là con đường dân ăn ong hay đi."

Ông Hai nhìn anh Hùng gật gù, hỏi anh Hùng có từng đi "ăn ong" hay chưa, anh lắc đầu, bảo rằng chỉ nghe kể từ những người bạn làm nghề đó mà thôi. Có Tú Linh vẻ như chưa hiểu lắm, anh quay sang giải thích. "Ăn ong" là tên gọi những người đi săn mật ong rừng. Miền tây nổi tiếng với mật ong ở hai chỗ: Tràm Chim (Đồng Tháp) và U Minh Hạ (Cà Mau), vì nơi này tràm nhiều, ong lấy mật từ hoa tràm có mùi thơm vị đặc trưng, dưỡng chất cao. Nghề này cũng gian nan và truyền kỳ không kém săn lan là mấy.

Đến mùa khô là mùa mật ngon nhất vì không bị lẫn nước mưa, thợ ăn ong kéo vào rừng tìm. Ong làm tổ luôn chọn địa thế cheo leo hiểm trở cho nên công việc này đòi hỏi độ gan dạ và khôn khéo. Thợ ăn ong có một cách để dụ ong làm tổ, gọi là "gác kèo ong". Kèo ong là một thân gỗ tràm chừng ba mét, vạt sạch vỏ, mắc nghiêng khéo léo, sau đó bôi lớp sáp và mật ong để dụ ong đến. Khi thu hoạch tổ ong, dân ăn ong có lời thề là không lấy quá hai phần ba ổ, luôn chừa lại ong non. Dao cắt tổ ong không được dùng dao kim loại, sẽ khiến ong bỏ tổ đi hết, thợ ăn ong dùng dao làm bằng tre, vát thật mỏng cho sắc. Tương tự như dân săn lan phải biết được thổ nhưỡng, bí thuật thì dân ăn ong muốn thành công cũng phải hiểu bài bản về hướng nắng, gió, độ ẩm, độ mát và đặc tính của ong. Thợ ăn ong khi hành sự chỉ cần một búa, một đυ.c và một ít bùi nhùi đốt tạo khói là xong, cách làm hết sức chuyên nghiệp, anh Hùng còn bảo xong chuyến này về có dịp đến thị trấn U Minh tìm thợ ăn ong để họ dẫn đi cho Tú Linh mở mang tầm mắt.

Nghe bao nhiêu thứ đó lần nữa lại khiến tôi trầm trồ về quê hương. Đúng là trước đây tôi có nghe về thợ ăn ong, nhưng không nghĩ là lại kỳ công đến như vậy. Công nhận quá trình mở cõi khi xưa đã để lại những nghệ thuật vô cùng tinh tế mà trong thời hiện đại này, nếu để mất đi nó sẽ là một nuối tiếc vô cùng to lớn. Ngay như mật ong U Minh giờ đây cũng bị làm giả tràn lan, nhắc đến không khỏi nhói lòng.

Bọn tôi đứng tại chỗ, chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết, kiểm tra thiết bị, quần áo. Ông Hai nhắc cả đoàn đến một đặc sản khác của U Minh Hạ, đó là muỗi. Ngoài chỗ tôi đứng đây đã nghe le ve liên tục, một khi bước vào trong, muỗi vây kín cơ thể như có một lớp áo giáp màu đen. Bình thường ở rừng U Minh, tầm hai giờ chiều thì cái giống quái vật hút máu tí hon ấy đã trở mình hành động, đến khuya như giờ này thì phải gọi bìa rừng đã biến thành lãnh địa của chúng. Tú Linh lấy trong túi ra một chai tinh dầu màu nâu đỏ, chiết xuất từ hoa bạch đàn, qua nhiều lần chưng cất đặc chế của hàng rong thì trở thành lớp khiên chống lại mọi loại côn trùng.

Ông Hai bảo chiết cho mỗi người một ít vì lát nữa có thể phải lội nước, sợ rằng tinh dầu dễ tan. Ngoài ra ông còn dặn, nước kênh trong rừng là nước phèn, rất độc với mắt người, tiếp xúc lâu là mù như chơi, cho nên nhược bằng có chuyện bất trắc phải lặn xuống nước, cả nhóm hãy nối đuôi nhau, người sau bám chặt eo người trước, ông Hai sẽ lãnh trách nhiệm bơi dẫn đầu đưa mọi người qua. Công tác tư tưởng đã chuẩn bị sẵn sàng, bọn tôi theo chân ông Hai, vượt qua lớp rào kẽm gai, sấn bước tiến vào khu rừng âm u đang chìm trong màn đêm.

Ông Hai dẫn đầu rồi đến Tú Linh, tôi, Sinh, anh Hùng thì chốt phía sau. Bọn tôi sử dụng một loại đèn ánh mờ, vì sợ sẽ để lộ vị trí. Dù gì thì chuyến đi này ngoài bách thú trong U Minh, hai kẻ giữ rừng thì còn có những tay mafia từ Tam Giác Vàng. Lục lâm chắc chưa có hộ pháp hay Chú Phù gì chống lại một viên đạn cỡ 5.45x39mm! Để chắc ăn, chỉ có Hai Tình và anh Hùng đeo hai cái đèn mờ loại như vậy để định hình hướng đi.

Đầu rừng, cây còn mọc khá thưa, cỏ dại cao quá gối, bên dưới là hỗn hợp bùn nhão sền sệt khẽ vang lên tiếp "chẹp chẹp" sau mỗi bước chân. Thỉnh thoảng, có tiếng con gì đó rẽ cỏ chạy trốn làm không gian có thêm chút sức sống. Đi chừng hơn trăm mét, cảnh vật xung quanh trở nên đen đặc, ánh trăng không còn chiếu xuống được tới dưới này được nữa, đèn mờ trong không gian này chỉ chiếu sáng được một vùng chừng bốn năm mét vuông. Khu này là ngoài đầu rừng, thường được nhà nước giao cho một số hộ dân trồng rừng để khai thác. Những người chủ này thường nuôi rất nhiều chó săn cũng như đào bẫy để bắt heo rừng vào phá.

Bọn tôi đi sau hai Tình không dám lơ là nửa bước, nếu không có ông ấy, chắc cũng phải mất đến hai ba tiếng mới băng qua được chừng ba ki-lo-mét rừng. Bẫy đặt rất nhiều, những hố chông, cọc nhọn còn dính máu đỏ ối từ con thú xấu số nào đó. Hai Tình nói, nơi này ngoài bẫy ra thì còn có cả rắn rết, vật độc rất nhiều, thợ ăn ong thường đi vào cùng đường lúc nãy tôi đi, nhưng họ sẽ rẽ ngang một hướng khác chứ không tiến vào đến trong này. Qua bìa rừng, có lẽ diện tích phần này đâu đó tầm năm mươi héc-ta, bọn tôi đi thẳng nên quãng đường chỉ khoảng bốn, năm ki-lo-mét là cùng, nhưng cảm giác mệt mỏi đã xuất hiện. Đường đi gập ghềnh khó khăn, cỏ cản bước chân, muỗi cứ vo ve mặc dù không chích nhưng lại gây khó chịu vô cùng. Khi những cái bẫy rập thưa dần rồi không xuất hiện nữa, Hai Tình nói đã gần đến rừng mười vạn chân.

Theo ánh đèn chập chờn anh Hùng soi lên, tôi kinh hãi khi nhìn nhũng tán cỏ xung quanh mình toàn vắt là vắt, thậm chí trên gốc tràm còn có những con đỉa to bằng nửa tay, nói không hãi lại thành nói xạo. Nhớ lại hồi nhỏ, khi xem phim Đất Rừng Phương Nam, tôi liên tục trầm trồ về những cảnh băng rừng của người xưa, ai ngờ khi đi trong U Minh Hạ lúc khuya thế này lại làm cảm giác xưa sống dậy, nhưng bằng một cách trực quan hơn nhiều. Không chắc lắm về cảm xúc này vì xung quanh tôi tối thui, có nhìn được gì đâu, chỉ thấy âm u và băng giá, đôi khi là sự sợ hãi phà vào mặt lạnh ngắt. Chính cảm giác đó khiến tôi ngỡ ngàng trước thiên nhiên, hùng vĩ và thâm trầm, đúng là Thất Sơn cùng Kiên Lương đem đến cho tôi không ít hãi hùng kinh ngạc, nhưng ở U Minh Hạ này lại rất khác.

Tôi tự hỏi cụ Đoàn Giỏi ngày xưa đã trải nghiệm vùng đất này đến như thế nào nữa, bước chân tôi đang đi liệu có trùng lên bước chân cụ đi ngày xưa hay không? Đúng là đâu cần phải đi thật xa, qua nước này nước khác, ngay cả những "bến quê" trong chính quê hương mình thôi, tôi tin là nếu chúng ta trải nghiệm dưới một hành trình khác biệt thì sẽ thấy nó rất đẹp và hùng vĩ, đẹp đến nao lòng! Cũng có không ít những nơi là danh lam thắng cảnh, khi được check-in đẹp lung linh trên mạng xã hội, lũ lượt khách ghé về để rác lại và đem vẻ đẹp của nó đi mất. Tôi không muốn U Minh Hạ này lại trở thành như vậy, nhưng có lẽ sự lo lắng của tôi sẽ không xảy ra vì chẳng ai muốn check-in với cả ngàn con vắt dưới chân mình cả.

Tôi hỏi ông Hai: "Chú Hai, U Minh Hạ giờ còn sấu không? Có giống như chuyện "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" không chú?"

Ông Hai vẫn bước đi, nói: "Sấu sống vùng này không hợp, nếu muốn tìm sấu lớn thì ở Trà Sư có, chứ ở đây thì chết gần hết, con nào còn sống cũng không lớn nổi."

Sinh nãy giờ đã uống tới chai Gò Đen thứ hai, hỏi với lên: "Trong này đáng lẽ nhiều miễu biết hát lắm hả chú Hai? Sao nãy giờ con không cảm nhận được?"

Hai Tình nói: "Miễu biết hát? Trong này chỉ có miễu câm thôi"

Sinh suýt chút nữa sặc rượu, nó hỏi: "Miễu câm? Miễu câm là thể loại gì vậy?"

Thấy ông Hai im lặng không đáp, anh Hùng trả lời gọn: "Là loại miễu không có hù mày, khi nó xuất hiện chỉ có một ham muốn là ăn thịt mày sạch sẽ đó, dân đập miễu gì mà không biết cái này?"

Thực ra anh Hùng trả lời cho có mà thôi, anh cũng không biết ông Hai Tình khi nói miễu câm là hàm chứa ý nghĩa gì. Tôi cũng không có thời gian suy nghĩ nhiều nữa vì trước mặt lúc này bỗng nhiên có rất nhiều cây gai, dây leo chằng chịt, phải phạt đường mà đi. Bỗng nhiên từ đâu trên cao rớt xuống một con rắn lục đuôi đỏ to gần bằng ba ngón tay. Tội nghiệp con vật xấu số rơi trúng Tú Linh, nó còn chưa kịp ý thức về cuộc đời thì chục cây kim sắt găm chặt vào đầu, cả kêu lên cũng chưa thành tiếng thì đã chết. Thú thực lúc con rắn rơi xuống, cả đoàn ai cũng bất ngờ, Tú Linh có kêu lên hốt hoảng một tiếng, với một người cá tính mạnh mẽ như cô, điều đó không khác gì sự sỉ nhục, giận quá nên Tú Linh ném mạnh con rắn qua một bên.

Đáng lẽ nơi nghe tiếng "bịch" của âm thanh con bò sát xấu số rơi vào đám cỏ, thì lại là một tiếng "bụp", kéo theo sau là những tiếng xèo xèo ghê tai. Không hiểu sao cả đoàn đang đi bình thường, nghe thấy âm thanh kỳ quái đó thì bỗng đứng lại, không ai nói với ai câu gì. Tôi lắng tay nghe lại lần nữa, thì ra đó là tiếng đập cánh, có cả trăm ngàn thứ gì đó đang khuấy động cánh rừng bên trái kia, sát khí nó tỏa ra ngập tràn trong không khí.

Tôi khai nhãn cho Thiên Hổ, từ lúc ở bìa rừng không dám dùng nhiều vì sợ tốn sức, nhưng sự tò mò lúc này làm tôi không kìm nén nổi nữa, đưa mắt nhìn qua bên có âm thanh như bão tố kia. Một vùng không gian đen lại bởi cả trăm ngàn, không, là cả triệu con ong. Loài này tôi không biết, to như ngón tay cái, thân màu đen, vằn đỏ, mắt màu xanh lá ánh lên trong đêm đen. Tôi mấp máy: "Có ong.. Có ong..."

Tức thì, Hai Tình kêu lên: "Ong lưỡi cưa, nhanh, chạy theo qua, chết không toàn thây bây giờ!"

Anh Hùng và Sinh có lẽ vẫn còn nhớ như in cảnh bị ong rượt ở Tà Pạ năm xưa, nhưng họ cũng hiểu ra, so với loài ong lưỡi cưa U Minh Hạ này, ong ở Tà Pạ chỉ như những đứa bé mẫu giáo vô hại. Lúc nãy mặc dù đã được thoa tinh dầu chống côn trùng của Tú Linh đưa cho, nhưng nó không hiệu nghiệm với loài ong. Ong vô cùng hiếu chiến, tuyệt nhiên không có chuyện vì dăm ba mùi tinh dầu mà ngần ngại hy sinh, chỉ có khi kẻ thù bị tiêu diệt, chúng mới thôi.

Cả đám không ai bảo ai, hộc tốc chạy về phía trước, cố gắng giữ đội hình. Hai Tình bảo sắp đến kênh nước phèn rồi, nhớ kỹ lời ông dặn khi nãy. Tôi khẽ quay ra sau, cả khu rừng đen ngòm bây giờ đã lốm đốm những ánh bạc do cánh ong phát ra, tựa như một trận cuồng phong chết người lao đến, tốc độ rất nhanh, chỉ còn cách vài mét. Do đang quay đầu ra sau, chân đang chạy ngon trớn bỗng dưng tôi bị hụt chân, mất đà, lọt tõm xuống một con kênh khá sâu, nước tràn vào miệng một ít đã thấy khó chịu vô cùng, may là vẫn nhớ lời ông Hai, tôi nắm chặt mắt lại, tuy nhiên...xung quanh tôi chỉ có làn nước phèn lạnh lẽo, tôi không biết những người còn lại ở đâu!