Định thần mãi tôi mới nhận ra đó là Phong. Anh ta kéo tôi ra bức tường rồi mới dừng lại. Tôi khẽ đẩy anh ta ra, anh ta lại càng giữ chặt tay rồi nói:
– Hoa khôi thanh lịch cơ à? Giỏi đấy.
– Anh Phong. Buông tay em ra được không? Muộn rồi.
– Muộn rồi thì sao? Mà đúng rồi, cô đang tạo cho mọi người thấy cô là con ngoan, trò giỏi tất nhiên không dám về muộn cũng phải thôi.
Tôi nhìn Phong không đáp đột nhiên mới nhớ ra hình như ngày mai anh ta đi nước ngoài. Phong nhận được học bổng du học của trường, mấy ngày trước mẹ tôi vừa nói mà tôi quên béng mất. Bảo sao hôm nay mọi người trong nhà rục rịch chuẩn bị đồ, cũng chẳng ai hỏi tôi về cuộc thi ở trường. Tôi cũng phải công nhận Phong giỏi, suốt một năm nay anh ta rất ít khi về nhà, sau mấy vụ xì căng đồ Phong càng lầm lì ít nói. Thế mà anh ta vẫn vươn lên sống như cây xương rồng gai góc. Thấy tôi im lặng, Phong lại nói:
– Sao? Trước mặt tôi mà cũng phải trưng ra cái bộ mặt giả tạo đấy à? Biết vì sao hôm nay tôi đến tìm cô không?
– Em không biết.
– Cô nợ tôi một lời xin lỗi…
Chưa đợt Phong nói hết câu tôi đã cúi gằm mặt đáp lại:
– Anh Phong. Em xin lỗi anh.
Xin lỗi thì xin lỗi. Có ai chết vì không có sĩ diện đâu. Phong gật đầu nhưng ánh mắt thì tối sầm cả lại. Hình như anh ta thở dài, khoé môi cong lên gằn từng chữ:
– Công nhận trên đời này tôi chưa gặp một cô gái nào giả tạo được như cô. Chẳng những giả tạo mà còn rất nham hiểm. Cô đừng tưởng tôi không biết cô lừa Nguyệt Anh để giành được giải nhất cuộc thi này. Mấy chuyện cô làm giấu được ai chứ không bao giờ giấu được tôi. Một cô gái mới mười sáu mười bảy tuổi mà đã như vậy không biết sau này cô sẽ thế nào nữa.
Tôi nhìn Phong, sống mũi bất chợt cay xè, khoé mắt thì ầng ậc nước đáp lại:
– Được, anh muốn khoe với Nguyệt thì cứ khoe, muốn khoe cho cả thế giới biết thì cũng cứ việc. Phải! Tôi là con người như vậy đấy thì sao? Từ lúc về đây anh coi thường tôi, anh bày bao nhiêu trò để chơi xỏ tôi. Còn Nguyệt, nó có gì hơn tôi mà tại sao ai cũng thiên vị, cũng đối xử tốt với nó hơn tôi. Tôi có cố gắng, có nỗ lực đến đâu cũng không ai công nhận.
Tôi nói xong, phát hiện mặt mình đã đầy nước. Nói được những uất ức trong lòng, thế mà tôi chẳng hề cảm thấy nhẹ nhõm chút nào. Phong buông tay tôi, câu cuối cùng anh ta nói với tôi trước khi đi nước ngoài là:
– Quý, tôi không nói những chuyện này với ai. Cô tự mình sám hối, tự ăn năn và sống lại cho thật tử tế. Tôi muốn khi tôi quay về sẽ nhìn thấy cô là một con người khác.
Phong đi, tôi liền lau nhanh nước mắt rồi vào nhà sau đó tắm qua. Mọi người đã ngủ, chẳng ai để ý rằng tôi vừa đạt giải nhất một cuộc thi. Cảm giác cô đơn lại bám lấy tôi. Nghĩ đến lời Phong nói tự dưng tôi thấy buồn cười, tại sao tôi phải sám hối, phải ăn năn? Là do anh có lỗi với tôi trước, là do Nguyệt giả tạo và chính nó cũng chẳng cần cuộc thi này cơ mà? Tôi chẳng việc gì phải áy náy!
Ngày Phong đi du học, tôi không ra tiễn với lý do bận học. Mọi người cũng không hỏi, mọi người đang vui mừng với thành tích mà Phong đạt được nên làm gì còn thời gian để ý tới tôi.
Tôi cũng chẳng bận tâm nhiều, từ lúc tôi đoạt giải hoa khôi của trường đã rất nhiều học sinh nam để ý tới tôi. Nguyệt giờ đây không còn là điểm nổi bật duy nhất, bên cạnh nó còn có tôi. Mà ở nhà thì Phong cũng chẳng còn có mặt mà chiếm mất ưu thế vậy nên tôi cực kỳ hài lòng với mọi chuyện. Thế rồi kết thúc năm học lớp mười một. Tất nhiên về lực học Nguyệt vẫn đứng đầu tiên của lớp. Tôi kém nó hai bậc, vươn lên hạng ba.
Năm học lớp mười hai, Nguyệt cũng như Phong. Nó cũng được giải ba thi Quốc gia môn Toán, và sau đó đỗ đại học Ngoại Thương. Còn tôi, năm ấy, tất cả mọi thứ đều rất tồi tệ. Tôi không đoạt bất cứ giải học sinh giỏi nào. Thi đại học cũng chỉ đủ điểm đỗ học viện tài chính. Học viện tài chính thực ra không hề là một trường tệ, thế nhưng so với Đại học ngoại thương thì có phần chênh lệch. Ngày đỗ, nghe được tin báo mặt tôi méo xệch. Mẹ tôi thì vui lắm, cả ba dượng cũng vui. Riêng bản thân tôi thì thất vọng tràn trề. Khoảng thời gian ấy đối với tôi thực sự kinh khủng. Tôi lúc nào cũng phải tỏ ra vui vẻ nghe những lời chúc mừng nhưng bản thân tôi biết rất rõ đây không phải điều tôi mong. Chính xác hơn tôi muốn đỗ Ngoại thương, không đơn giản chỉ vì ở đó có Nguyệt bạn thân tôi mà bởi tôi muốn chứng minh cho Phong thấy tôi cũng không thua kém gì anh ta. Vậy mà lúc này, ngay cả được bước chân đến đó tôi còn chẳng làm được huống hồ được học bổng.
Dù cho Phong đã cách xa tôi cả nửa vòng trái đất vậy mà nỗi đố kỵ lại lần nữa trào dâng trong lòng.
Những ngày đó tôi ít ra ngoài, chẳng gặp bất cứ bạn bè nào kể cả Nguyệt. Đến trước ngày nhập học một tuần tôi xin ba mẹ cho đến ở kí túc xá. Ba dượng không ý kiến gì nhưng mẹ tôi thì không đồng ý. Thế nhưng tôi vẫn kiên quyết đi, bởi thực sự chính tôi cũng cảm thấy ngột ngạt trong căn nhà này. Suy cho cùng, tôi cũng chỉ là con riêng của mẹ, ba dượng có tốt cỡ nào vẫn có khoảng cách. Vả lại suốt ba năm ở đây, tôi luôn phải cố gắng không làm phật ý ông nhưng vẫn đôi lần tôi nhìn thấy ánh mắt dò xét từ ông. Mẹ tôi dưới sự quyết tâm của tôi cũng đành chiều theo. Buổi tối trước khi tôi chuyển ra ký túc xá Nguyệt gọi tôi qua nhà chơi. Tôi không muốn gặp Nguyệt, bởi gặp nó nghĩ lại việc thi đại học tôi lại không cam tâm. Thế nhưng bạn bè vẫn là bạn bè, không thể chỉ vì chuyện đó mà tôi với nó không chơi với nhau được.
Tôi qua nhà nó, hôm nay bà vυ" đã về, nó nấu một mâm cơm thịnh soạn. Ban đầu tôi còn nghĩ chỉ là bữa cơm chia tay thời học sinh nhưng không phải. Nó vừa bày biện vừa nói:
– Tao không đi học đại học Ngoại thương Quý ạ.
Tôi nghe Nguyệt nói mà không tin nổi, một ngôi trường xuất sắc như vậy hà cớ gì nó không đi học? Thế nhưng trong lòng tôi không hiểu sao lại cảm thấy có chút vui mừng. Nguyệt mở lon nước ngọt đưa cho tôi nói tiếp:
– Ba mẹ tao muốn tao đi du học. Mà tao nghĩ giờ tao cũng trưởng thành rồi, ra khỏi thế giới của mình đi đây đó cũng được.
Câu nói của Nguyệt khiến sự hả hê trong lòng tôi vội tắt ngấm. “Du học!”
Nguyệt đưa hai tay bẹo má tôi cười cười:
– Thôi mà, tao biết mày nhớ tao. Nhưng mà tao học xong tao sẽ về thôi. Nhất định đấy. Với lại ba tao bảo Tết cả nghỉ hè ba sẽ đón tao về. Lúc đó tao với mày lại được gặp rồi.
Phong du học vì giành được học bổng, Nguyệt du học vì nhà nó giàu. Còn tôi, đển bao giờ mới có thể được bước ra ngoài thế giới như hai người họ. Từ nhỏ, tôi cũng đã từng có ước mơ, được ngồi trên chuyến bay nhiều giờ, được gặp những cô gái, chàng trai da trắng tóc vàng, được chạy dài trên những con đường ở Paris, ở Canada, hay ở Úc…
Biết sao bây giờ, trách ai được đây? Trách tôi sinh ra đã không được ngậm thìa vàng như Phong và Nguyệt? Xuất phát điểm của tôi vốn dĩ đã cách xa hai người họ cả ngàn cây số. Tôi mỉm cười gượng gạo đáp:
– Nguyệt, tin này thực sự bất ngờ quá. Mày đi rồi, tao biết chơi với ai? Tao chỉ có duy nhất mày là bạn thân thôi mà mày cũng bỏ tao đi mất.
– Hu hu, thì mày thấy đấy, tao cũng có mỗi mày là bạn thân. Thực sự, tao rất nhớ mày, nhớ ba mẹ nữa. Nhưng mà tao sợ nếu giờ không đi sau này sẽ hối hận. Thôi, yên tâm đi, Tết năm nay tao lại về mà.
Buổi tối hôm ấy, tôi ngồi ăn cơm với Nguyệt, miệng nói miệng cười mà tâm trạng nặng trĩu như có tảng đá đè trong lòng. Lúc về, Nguyệt đưa cho tôi một hộp quà, tự dưng lúc này tôi mới thấy mình chẳng thấu đáo như nó. Nó đi nước ngoài, tôi chẳng tặng quà ngược lại là nó tặng tôi. Đêm hôm ấy trở về nhà mới biết đó trong hộp đó là quả cầu pha lê tuyết.
Ngày Nguyệt đi nước ngoài tôi không tiễn, phần vì tôi bận rộn, mà phần nhiều hơn là vì tôi không muốn đi. Tôi sợ những cuộc chia ly, tôi càng không muốn bản thân thấy nó bước lên chiếc máy bay mà từ nhỏ tới giờ tôi vẫn chưa được đặt chân lên.
Bước vào thời sinh viên cũng chẳng khác gì hồi học cấp ba là mấy. Chỉ có điều bạn học tôi không thân thiết với ai. Có chơi cũng chỉ là xã giao lợi ích qua lại.
Ở cùng một thành phố nhưng tôi ít khi về nhà, tôi thực sự không muốn phá vỡ không gian riêng tư của ba dượng và mẹ tôi. Ở nhà, ba dượng tôi đã cho những người giúp việc nghỉ hết. Nghe nói tình tình tài chính của công ty không được như trước kia, doanh thu cũng kém hơn rất nhiều. Mẹ tôi ở nhà, lo toàn bộ việc nội trợ, ba dượng dạo gần đây gầy đi rất nhiều vì chạy đôn chạy đáo.
Tôi biết điều nên chủ động nói với mẹ cắt toàn bộ viện trợ và tự đi làm thêm kiếm tiền.
Suốt bốn năm học đại học, không có Phong, không có Nguyệt tôi tự dưng lại trở nên nổi bật. Ở trường chẳng cần ganh đua với ai tôi cũng được mọi người để ý.
Tết năm học đầu tiên Nguyệt về nước, hôm mồng hai Tết lớp cấp ba có tổ chức đi họp lớp. Nguyệt định đến đón tôi nhưng tôi từ chối mà tự bắt một chiếc taxi đến nhà hàng.
Hôm nay tôi trang điểm rất đẹp, cũng mặc bộ váy ôm sát thân hình nóng bỏng. Hơn nửa năm nay, ngoài nỗ lực học tập tôi còn phải cố gắng nỗ lực tập luyện cho thân hình ngày càng săn chắc, ngoài ra tiền kiêm được bao nhiêu cũng chi một chút cho việc chăm sóc da. Khi tôi đến, Nguyệt vẫn chưa tới. Mấy đứa bạn cấp ba thì trầm trồ nói:
– Uầy, phải công nhận càng ngày Quý càng xinh. Nghe nói ở trường cậu nổi tiếng lắm hả.
Trước nay ở lớp, đám bạn này cũng chẳng thân thiết với tôi mà chỉ chạy theo xu nịnh Nguyệt giờ tự dưng nói mấy lời này tôi thực sự cảm thấy có chút giả tạo. Thế nhưng cũng vui, ít nhất chúng nó cũng thấy được tôi phải cái bóng của Nguyệt.
Bên ngoài chợt có tiếng xe ô tô, có tiếng mấy đứa con gái cất lên:
– Nguyệt hả? Nguyệt đến rồi bọn mày ơi. Ôi cha, sao nó khác thế nhỉ? Sao xinh thế xinh hơn cả ngày xưa nữa.
Tôi nhìn ra ngoài, Nguyệt đang bước vào, mái tóc nó được làm xoăn lượn sóng, khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng. Nguyệt mặc chiếc váy trắng dài qua đầu gối, trông nó từa tựa như cô diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, mà thậm chí còn nổi bật hơn vì có hai lúm đồng tiền trên má. Tôi nuốt nước bọt, đám người giả tạo vừa ngồi cạnh tôi giờ đã chạy về phía Nguyệt. Cũng phải công nhận, Nguyệt hợp trời Tây, nó trắng hơn cả trước, da mịn càng làm cho vẻ đẹp của nó được tôn lên. Dù tôi có nỗ lực thế nào vẫn cảm thấy bản thân đôi phần kém nó. Nguyệt thấy tôi liền chạy vội đến, chẳng biết thế nào mà nó ngã vồ xuống đất. Đám con trai, bên ngoài chẳng những cười chê mà còn nâng nó dậy xuýt xoa:
– Nguyệt có sao không? Có đau không?
Nó đứng dậy toe toét đáp:
– Ôi giời, không sao đâu.
Ừ như thế thôi có gì đâu mà đám con trai cũng phát cuồng, nào là “đã xinh ngã cũng xinh”, nào là “xinh đẹp, nhà giàu mà không chảnh choẹ”, nào là “đáng yêu, dễ thương”.
Nguyệt không để ý, ôm chặt lấy tôi rồi nói:
– Nhớ mày chết đi được, bảo để tao qua đón thì không để. Nhớ quá nhớ quá.
Tôi đưa tay ôm lấy nó, đám bạn bên ngoài thì cười cười:
– Sướиɠ nhất Quý nhé, có người bạn như Nguyệt phúc mấy đời đấy nha.
Nghe xong, tự dưng toàn thân tôi cũng nóng bừng. Nguyệt thì bĩu môi đáp:
– Không, phải là tao may mắn vì có người bạn như Quý. Mà không, là cả hai chúng tao máy mắn khi có nhau. Quý nhờ.
– Ừ.
Cả buổi tối họp lớp hôm ấy tôi không ăn uống được gì nhiều chỉ uống chút rượu. Mọi người dường như quên mất sự có mặt của tôi, họp lớp chứ đâu phải gặp mặt minh tinh nổi tiếng Nguyệt Anh mà mọi người xúm lại ngồi hỏi han nó.
Cũng may nó không quên con bạn này, khi thì quay sang gắp thức ăn, khi thì kể cho tôi nghe những chuyện bên ấy. Nó than với tôi, bên nước ngoài đối với nó còn chẳng bằng Việt Nam. Ăn cơm Việt Nam quen rồi, nhớ nồi cá kho tộ ở nhà, nhớ sầu riêng, nhớ mít, nhớ cà pháo muối… mà chẳng được ăn. Rồi nó kể nỗi nhớ nhung gia đình, nhớ nhung bạn bè mà chẳng gặp được mà chỉ được nhìn qua facebook.
Không hiểu sao, nghe nó kể mà tôi lại thấy buồn cười. Nếu như không muốn có thể trở về cơ mà? Đâu ai ép nó đi du học đâu? Nó có biết rằng, có những người cả đời muốn mơ cũng không bao giờ mơ được giấc mơ du học như tôi không?
Sau khi ăn xong mọi người về hết, trời bên ngoài rất lạnh. Tôi có chút hơi men trong người nên đầu cũng choáng váng. Nguyệt đi vệ sinh xong thì chạy ra, bạn bè lâu ngày mới gặp tôi cũng muốn tâm tình nhiều một chút. Bỗng dưng đột nhiên có tiếng Nguyệt kêu lên, tôi mở mắt mới định thần được nó vừa ngã từ trên bậc thềm xuống đất. Trên trán một dòng máu chảy xuống dọc sống mũi. Tôi không nghĩ ngợi được gì nhảy xuống rối rít nói:
– Mày sao thế?
Nó ôm trán thở hổn hển:
– Quý, sao tự dưng tao chạy ra mày lại đưa chân ra làm gì thế? Tao mất đà… hu hu đau quá.
– Ơ, tự dưng mày chạy nhanh làm gì cơ chứ? Tao ban nãy uống nhiều rượu người cứ quáng quáng, chân tay lảo đảo đâu biết mày chạy nhanh vậy đâu. Vậy là mày vướng vào chân tao hả?
– Ừ, thôi bắt taxi đưa tao đi băng bó phát, chả biết não có sao không đập rầm một cái. Quả trán này thể nào cũng thành sẹo mất thôi.
Tôi gật đầu ra vẫy một chiếc taxi đưa Nguyệt đi khám. Sau khi chụp chiếu các thứ đều không sao, chỉ có trán bị cắm vào hòn đá nhỏ nên chảy khá nhiều máu. Nó được băng bó thay thuốc, tôi thì rối rít xin lỗi. Cũng may nó không giận, chỉ lâu lâu lại thở dài vì lo rằng khuôn mặt xinh đẹp của nó sẽ có một chấm sẹo trên trán. Tôi phải an ủi mãi nó mới nguôi ngoai. Đến lúc đưa nó về nhà xong, tôi cũng không vội về mà bắt taxi đến một quán rượu. Tết năm nay ở nhà tôi chỉ có ba người, nhưng ba mẹ đã đi du lịch của còn tôi. Phong không về với lý do bận.
Tôi ngồi uống cạn chai rượu, uống đến mức cổ họng cháy khô chẳng còn biết trời trăng là gì.
Rượu càng ngấm, tôi càng cảm thấy cô đơn trống trải. Suốt mấy năm nay tôi luôn sống trong sự bức bối mà chẳng hề biết vì sao lại như vậy. Tất cả mọi thứ người ta nhìn thấy thực chất chỉ là hư hư ảo ảo.
Nguyệt? Tôi có thực sự là bạn thân của nó không? Tôi đã từng nghĩ rằng nó là bạn thân nhất, cũng là người bạn duy nhất. Vậy… vậy những việc tôi làm với nó rốt cuộc là vì sao? Nhưng rồi, tôi mau chóng gạt đi. Chắc chắn không phải tôi đố kỵ với nó, tôi với Nguyệt vẫn là bạn thân. Những chuyện kia… tôi không cố ý. Là do nó tự lựa chọn. Nghĩ như vậy, lòng tôi cũng bớt áy náy hơn đôi chút.