Chương 50

Những ngày tiếp theo cậu hai đi làm ở xưởng gỗ, chị Hà cũng trở lại làm bên công ty. Có lẽ chị vẫn còn hận mợ cả và tôi lắm nhưng giờ có anh Bình giám sát nên chị cũng chẳng dám manh động gì.

Khoảng gần nửa tháng sau đó, đứa bé con của Hằng được ra viện, mợ cả cũng về hẳn. Mợ mua cho nó nhiều sữa xịn lắm, nghe nói toàn đặt ở nước ngoài. Con bé trộm vía cứng cáp khoẻ mạnh hơn rất nhiều. Mợ đặt tên cho con bé là Nguyệt Anh, mợ bảo Nguyệt Anh có nghĩa là trăng sáng, mong sau này con bé sẽ hiền dịu và toả sáng như ánh trăng.

Lúc Nguyệt Anh ra viện được mấy ngày một buổi sáng chủ nhật bỗng dưng có rất nhiều người kéo đến nhà ông bà. Tôi với mợ cả liền chạy ra xem. Thế rồi ngay giữa sân một toán đến gần hai chục người cầm gậy gộc, một tên trong đó gào lên:

– Cút hết.

Tôi bấu tay cậu ba khẽ nói:

– Có chuyện gì vậy cậu?

Cậu hình như cũng không biết có chuyện gì lắc đầu đáp:

– Tôi cũng không rõ.

Vừa nói xong thì thấy ông bà với cậu cả, cậu hai từ cổng bước vào. Người nào người nấy toàn thân rớm máu, quần áo rách tả tơi bị mấy tên khác đẩy vào.

Cậu ba thấy vậy liền hỏi:

– Có chuyện gì vậy thầy mẹ?

Bà liền khóc nấc lên nói:

– Xưởng gỗ của nhà mình mất rồi, mất hết rồi. Thằng cả thằng hai mua nhầm một vụ gỗ lậu nhưng không nói với ai bị công an tịch thu hết còn phải đền rất nhiều tiền. Đã thế hôm trước còn bán gỗ đó cho công ty nào trên Hà Nội giờ người ta bắt đền không đủ tiền mà giả. Xưởng gỗ bây giờ mất sạch, nhà cũng bị cầm đồ siết giờ người ta đến lấy. Thế mà chúng nó không nói với ai, làm ăn thua lỗ bao nhiêu tháng nay mà không ai biết. Giờ nhà này người ta đến đòi, sổ đỏ cũng cắm rồi.

Tôi nghe xong thì rụng rời chân tay, chị Hà thì ngã vật ra đất gào lên:

– Trời ơi, sao lại như vậy? Em đã nói anh đừng bỏ công ty rồi sao anh không nghe, giờ thì tốt rồi.

Bà khóc, chị Hà khóc, đám người kia thì ồn ào, trong nhà đứa bé cũng khóc toáng lên. Cậu ba thấy vậy thì nói:

– Thôi được rồi, các anh thư thư cho nhà em vài ngày được không? Giờ chuyển nhà cũng không thể nào mà gấp thế được?

Tên đầu sỏ liền rít lên:

– Tao thư thư cho thằng anh mày cả mấy tháng nay rồi. Tiền nợ mày biết nhiều đến mười cái nhà này cũng không trả hết không? Cút hết cho tao, không được mang bất cứ đồ gì đi trừ quần áo của chúng mày với mấy cái đồ gia dụng

Nói rồi tên đầu sỏ phấpt hất tay, mấy tên kia liền lôi dao gậy gộc ra, tôi với mợ cả có bầu nên không dám đứng gần. Cái tin này thực sự quá bất ngờ và động trời, lúc này mọi người đều lững thững vào nhà thu dọn quần áo. Chỉ có chị Hà vẫn khóc vật vã ngoài sân dù cho cậu hai khuyên can hết lời. Cuối cùng vì tên đầu sỏ doạ nạt chị mới chịu đứng lên.

Đi thì cũng chẳng biết đi đâu. Họ hàng thì người ta cũng chẳng cho ở nhờ được hết từng này người. Mỗi ông cụ cố bình thản nhất, ông ra ngoài bắt xe lên Thủ đô sống với con gái và mặc kệ chúng tôi.

Thu dọn xong quần áo, cả nhà liền ra ao dựng tạm cái lều ở đấy. Mợ cả vừa bế Nguyệt Anh vừa nói:

– Con còn ít tiền ở đây, với con về nhà thầy mẹ con vay ít tiền đưa cho thầy mẹ chuộc nhà. Mẹ bế giúp con Nguyệt Anh với.

Bà nghe vậy khóc nấc lên nói:

– Không đủ được đâu con, nợ nhiều lắm. Thầy mẹ con cũng cho vay được phần nào thôi chứ.

Tôi nghe vậy liền nói:

– Con cũng có một ít tiết kiệm, để con đưa cho thầy mẹ luôn.

Mợ cả gật gù bắt đầu tính toán, tính xong mợ nói con số tiền ra với ông bà, tính cả tiền mợ vay thầy mẹ. Bà lắc đầu nói:

– Vậy mới đủ được hơn nửa chuộc nhà

Nói xong bà quay sang nhìn chị Hà, còn chưa nói gì chị Hà đã lắc đầu quầy quậy:

– Con không có tiền tiết kiệm, thầy mẹ con cũng không có đâu.

Bà bặm chặt môi không nói thêm câu gì, đột nhiên tôi thấy khoé miệng cậu hai nhếch một cái.Tôi không biết vì sao cậu hai nhếch mép, bởi lúc này tôi cũng rối lắm rồi.

Mợ cả đưa Nguyệt Anh cho tôi bế rồi xồng xộc định đi về nhà, thế nhưng bà giữ tay mợ lại rồi nói:

– Thôi con à, nhà ra thế này là do thằng Quyền với thằng Minh, giờ con về vay đằng này thầy mẹ chẳng những ngại còn mất mặt. Cứ để từ từ rồi tính.

– Thì chính vì do chồng con mà con càng cần phải vay đó mẹ. Chứ giờ tại chồng con mà liên luỵ cả nhà con không chịu được.

Bà ôm mặt khóc hu hu đề nghị:

– Biết vậy nhưng giờ có vay cũng không đủ trả đâu con à. Mẹ chỉ sợ các con bụng mang dạ chửa ở đây không được còn mẹ khổ bao nhiêu mẹ cũng chịu được. Từ từ làm ăn lại chứ biết sao. Mà con chửa to thế này rồi, cũng hơn tháng nữa là đẻ lại còn con Nguyệt Anh nữa. Không thì con với con Nụ về đằng ngoại ở cho qua đợt đông giá rét này, đẻ xong rồi tính tiếp.

Nghe bà nói vậy cả tôi và mợ cả đồng thanh trả lời:

– Không đâu mẹ, có khó có khổ thì cả nhà cùng chịu.

– Nhưng hai đưa bay chửa to thế này cơ mà.

Tôi nhìn mợ cả, thú thực từ bé tôi còn chịu nhiều cảnh khổ hơn thế này, nhưng mợ cả dẫu sao cũng là cành vàng lá ngọc tôi e mợ không chịu nổi. Thế nhưng mợ nhìn bà kiên định đáp:

– Không sao đâu mẹ, con Nụ chịu được con cũng chịu được.

Nói rồi mợ quay sang cậu ba đưa cho cậu ít tiền rồi nói:

– Chú ba giờ về nhà lấy đống chăn gối đệm của mọi người mang ra đây, nhờ anh Bình rồi cho anh ấy ít tiền. Xong chú đi ra chợ mua ít đồ về ăn, tiền của chị đây cứ lấy mà mua. Mua cả mấy bình nước để uống nữa nhé, còn chú hai với anh Quyền thì dựng thêm hai ba cái lều nữa chứ lều này chật chị sợ ở không được. Tạm thời thế này đã, ổn định chỗ ở xong tính tiếp.

Cậu cả cậu hai bắt đầu tìm thêm cây để dựng lều, tôi đưa Nguyệt Anh cho bà bế rồi cùng mợ cả dọn dẹp qua đám đất cho bằng phẳng, ông thì chạy về cùng cậu ba lấy đồ ra. Đám người đó tịch thu nhà và những đồ vật có giá trị chứ còn chăn ga gối đệm hay nồi niêu xoong chảo cũng chẳng giữ làm gì.

Ai ai cũng làm việc có mỗi chị Hà thì không, chị ngồi ở gốc đa khóc rưng rức, vừa khóc chị vừa trách cậu hai sao bỏ việc ở công ty. Tôi cũng không hiểu nổi chị, đang nước sôi lửa bỏng chị không giúp gì được còn khóc với lóc. Tôi nghe mà cũng phát sốt ruột.

Đến tận gần tối lều mới được dựng đầy đủ bốn cái cho vợ chồng ba cậu và ông bà. Tôi lau chùi sạch sẽ hết rồi mới để các cậu mang đệm với màn vào mắc. Con bé Nguyệt Anh ngoan ngoãn nằm trên tay bà ngủ từ sáng tới chiều. Mợ cả bận thế mà vẫn không quên pha sữa cho nó. Tối hôm ấy cậu ba đi chợ mua cho mỗi người một bát bún cá. Chị Hà không ăn, chị nằm trong lều không ra đến ngoài thế là mình cậu hai xơi hết hai bát bún chẳng thèm chừa cho chị một miếng. Lúc ông bà gọi chị ra họp gia đình bàn chuyện chị cũng không thèm ra, chị bảo chị mệt chị đau đầu mọi người muốn bàn gì cứ bàn. Ông bà nghe vậy cứ thở dài thườn thượt, chỗ ở thế này cũng coi như tạm thế nhưng cả nhà không chỉ trông chờ vào nấy đồng tiền còn dư này được. Lương của cậu ba cũng thấp không kham nổi được hết chi tiêu trong nhà. Nghĩ vậy tôi liền nói:

– Thầy mẹ, từ mai con sẽ đi làm.

Nghe tôi nói xong tất cả mọi người đều trố mắt lên nhìn, bà cười cười hỏi lại:

– Chị thì làm gì được? Lại bụng mang dạ chửa to thế này rồi.

– Dạ con bán chè ạ.

Mọi người lại càng ngạc nhiên tợn, tôi liền nói một mạch:

– Bây giờ cũng không thể ở nhà suốt, ngày trước nhà mình còn của ăn của để con không phải lo gì thì còn như vậy. Nhưng giờ nhà mình khó khăn con cũng không ăn bám được nữa, mấy nữa con sinh cũng nhiều thứ phải chi tiêu nhiều hơn. Nên từ mai con sẽ nấu chè rồi gánh ra chợ bán, chẳng phải chợ mình có mỗi bà Hồng bán chè mà khách thì đông nườm nượp nấu ra không đủ bán. Mà chè thì cũng dễ nấu, nhà mình có nhiều đậu xanh, đậu đen đậu đỏ lại có nhiều bột sắn bột ngô bột gạo nữa. Trước con lên huyện thấy bán nhiều loại chè lạ lắm chứ không ít như ở bà Hồng. Con có xin công thức mà chưa có thời gian để làm, giờ con thử làm xem, sáng mai gánh ra bán thử. Bán không được mang về cả nhà ăn cũng không mất gì mà.

Nói xong tôi tưởng mình đứt hơi, cậu ba liền gật gù tán thưởng:

– Đây cũng là cách hay, một ăn cả hai ngã về không chứ không sợ mất gì. Nhưng mợ bụng mang dạ chửa thế này làm sao gánh chè được?

Mợ cả cốc đầu tôi nói:

– Thế cho tao bán với, chứ giờ tao cũng rảnh quá. Có gì sáng cậu Quyền gánh ra chợ tao với mày cùng bán. Người ta thấy bụng bầu có khi người ta còn thương còn mua nhiều ý. Nhưng mà nấu thì giờ phải chuẩn bị rồi nấu luôn đi, để sáng nó nguội là vừa chứ? Bán đến lúc tao đi đẻ là vừa. Với bác sĩ cũng bảo tao phải năng vận động để sau đẻ cho dễ.

Ông bà thấy vậy cũng không cản nữa mà còn bỏ mấy thúng nguyên liệu đưa cho tôi. Tôi nhớ lại công thức mấy món chè đã được học rồi bỏ đồ ra ngâm sau đó đốt củi rồi bắc lên to để nấu.

Được cái hôm nay mọi người tề tựu đông đủ, tôi không phải nấu chè một mình mà còn các cậu, mợ cả, và ông bà giúp đỡ. Nấu xong mẻ chè sắn đầu tiên tôi nếu đến chè trôi, chè thập cẩm, chè đỗ đen, chè ngô, chè đỗ xanh. Mỗi người một tay một chân, dưới cái lạnh của mùa đông có ngọn lửa hồng bập bùng lòng tôi cũng ấm hơn hẳn. Đến khi nấu xong trời cũng đã đổ sương xuống. Tôi đạy mấy nồi chè lại rồi cho vào một góc che bằng miếng vải bông sau đó đi ngủ. Vì mấy chiếc lều dựng sát nhau nên tôi với cậu ba chẳng dám nói chuyện to, cậu chỉ ôm tôi thầm thì cảm ơn tôi. Tôi cũng chẳng biết tự dưng sao cậu cảm ơn, nhưng nghe cậu nói vậy thì thôi tôi cũng nhận cho cậu vui. Có lẽ cậu mệt quá nên ngủ thϊếp đi lúc nào chẳng hay. Tôi thì háo hức với việc mai bắt đầu công việc mới nên chẳng ngủ được cứ chập chà chập chờn. Thế nhưng khi vửa thiu thiu ngủ tôi chợt thấy có tiếng chị Hà rít lên:

– Tôi đã bảo anh đừng có bỏ việc ở công ty giờ thì sáng mắt ra chưa? Cả ngày hôm nay tôi ức đến phát khóc đấy. Nếu giờ anh vẫn làm ở công ty thì tôi với anh sẽ ra ở riêng, sẽ không phải vất vả thế này.

Lại có tiếng cậu hai đáp lại:

– Em nói thế mà nghe được à? Giờ gia đình khó khăn, em đã không giúp được gì còn nói giọng điệu này.

– Tôi nói gì sai à? Bây giờ anh xin vào công ty lại đi, tôi với anh sẽ ra ở riêng.

– Không được! Anh không thể ra ở riêng lúc này được, với công ty anh đã bỏ anh không thể quay lại.

– Vậy anh muốn thế nào? Muốn thế nào hả?

– Muốn ở lại đây, từ mai anh với anh cả sẽ đi xin một việc gì đó làm tạm kiếm tiền trước sau đó tính sau.

Chị Hà bất chợt bật khóc hu hu, vừa khóc vừa nói:

– Tôi mất công theo anh từ Hải Phòng về đây thế mà anh không cho tôi được cuộc sống tử tế còn bắt tôi chịu khổ cùng anh nữa à?

– Hà hay bây giờ thế này nhé, em vay tạm thầy mẹ em cho anh ít tiền, anh bảo chị Quỳnh cũng về vay thầy mẹ chị ấy để anh với anh cả cố gắng mở một xưởng gỗ khác…

Vừa nghe đến đấy chị Hà đã lu loa lên:

– Tôi không vay, thầy mẹ tôi lấy đâu cho anh vay. Mà vay liệu có trả được không hay vay rồi mất. Thầy mẹ tôi đẻ tôi ra đã chả nhờ được cái gì giờ còn vay với chả mượn. Anh đàn ông đàn ang vay tiền nhà vợ mà không thấy xấu hổ à? Thầy mẹ anh chắc chắn còn tiền cất giấu, chứ chẳng lẽ cơ nghiệp bao lâu chỉ trông chờ vào xưởng gỗ sao? Anh bảo thầy mẹ anh dùng tiền đó cho anh xin lại vào công ty rồi tôi với anh ra ở riêng, mỗi tháng gởi về cho thầy mẹ ít tiền coi như báo hiếu.

– Thực sự tiền của thầy mẹ anh không còn chút nào cả. Vì cách đây hơn tháng anh cả đã xin hết toàn bộ tiền tích góp bao lâu của thầy mẹ để mua mấy trăm xe gỗ. Và đống gỗ đó lại là gỗ lậu nên giờ mất trắng…

– Mất trắng? Vậy là giờ nhà anh không còn đồng nào nữa sao?

– Đúng vậy, còn vài đồng bạc lẻ chứ còn gì nữa đâu.

Chị Hà lại khóc rồi nói:

– Tôi không cần biết, giờ một là anh xin ở lại công ty rồi tôi với anh ra ở riêng, không thì…

– Không thì sao?

– Không thì chúng ta ly hôn đi.

Nghe chị Hà nói đến tôi còn thấy chướng tai nói gì cậu hai, thực lòng tôi không dám nghĩ trên đời có người vợ xấu đủ đường như chị Hà. Ngoài cái mặt mũi cũng ưa nhìn và có mác gái Thủ đô thì chị chẳng có một ưu điểm gì cả. Cậu hai hình như lặng người đi, một lúc sau mới cất tiếng trầm trầm:

– Có phải ý nghĩ ly hôn em đã nghĩ từ sáng rồi không? Vì nhà anh sa cơ thất thế nên em như vậy không? Em đòi ra ở riêng nhưng em thừa biết công ty đã kết thúc hợp đồng với anh thì sẽ không bao giờ nhận lại nữa, cuối cùng cũng vẫn chỉ là phải ly hôn đúng không?

Chị Hà bất chợt gào lên:

– Phải rồi đấy, tôi muốn ly hôn lâu rồi chứ không phải bây giờ. Anh xem nhà anh đối xử với tôi thế nào, anh đối xử với tôi thế nào mà bắt tôi phải chịu khổ cùng các người?

– Ra vậy.

– Ra vậy là sao? Anh thấy chịu được nhưng tôi thì không, anh có bao giờ tin tôi chứ? Có bao giờ nghe tôi nói chưa, đến giờ gia đình anh như thế này mà anh dám mở miệng hỏi vay tiền tôi. Anh có tốt với tôi chó đâu mà đòi tôi phải hy sinh cùng anh cơ chứ? Thầy mẹ anh đã từng hiểu cho tôi chưa mà đòi hỏi tôi phải là con dâu tốt.

– Hà, không cần nói nữa, tôi hiểu cả rồi.

Tôi nhắm nghiền mắt, càng nghĩ càng thấy tội cho cậu hai. Chị Hà có phước mà không biết hưởng, ba cậu ở nhà này có cậu nào không tốt? Có cậu cả đôi lần sai lầm giờ cũng biết sửa chữa, cậu hai, cậu ba có điểm gì để chê vậy mà chị vẫn không an phận mà sống. Bên kia vách lều không còn tiếng động gì nữa. Tôi nằm xoay mãi mới có thể chìm được vào giấc ngủ. Đến sớm hôm sau tôi liền bật dậy lay lay cậu ba đánh răng rồi còn gánh chè ra chợ cho tôi. Lúc tôi đang đánh răng chợt thấy có tiếng mợ cả nói phía sau:

– Nụ, con Hà bỏ đi mày biết không?

Tôi nghe tin thì giật mình thon thót hỏi lại:

– Sao cơ hả mợ?

– Con Hà đêm qua bỏ đi, còn viết lại thư cho thằng hai đừng tìm nó. Nhưng thằng hai đi tìm rồi.

Tôi định hỏi lại sao cậu hai phải đi tìm, bỏ đi thì thôi chứ cậu sống với loại người đó cũng khổ một đời thì mợ cả nói tiếp:

– Thằng hai nó bảo nó đi tìm để dứt điểm chuyện ly hôn chứ không phải níu kéo gì con đấy. Khổ, cháy nhà mới ra mặt chuột. Đêm qua tao thấy hai chúng nó cãi nhau vì vụ mất xưởng gỗ. Thực tao không hiểu con này luôn, chả hiểu vợ kiểu chó gì nữa. Chồng như vậy không an ủi được còn bỏ đi.

Sao không hiểu, chị Hà sống cuộc sống hưởng thụ quen rồi, giờ nhà ông bà thế này chị sao chịu được? Tôi thở dài có lẽ ngày xưa chị Hà lấy cậu hai cũng vì nhà cậu giàu chứ chị cũng chẳng yêu thương gì cậu. Càng nghĩ tôi càng thấy kinh tởm chị. Mợ cả liền giục tôi đánh răng nhanh còn ra đi bán chè.

***

LỜI TÁC GIẢ: Cảm ơn mọi người đã chờ đợi, hy vọng sẽ đọc được thật nhiều cmt bàn luận về truyện. Chúc mọi người đọc truyện vui vẻ.

———