Chương 3

Khi mợ cả đi khuất, nước mắt tôi cũng giàn giụa. Nhưng tôi nào dám khóc lâu mà vội đưa ngang tay quệt cố nuốt chiếc bánh bao cứng ngắc rồi cầm chiếc chổi xơ đi ra ngoài sân. Cái Hằng đang quét sân nhìn thấy tôi liền nói:

– Mợ hai, mợ vào nghỉ đi để con quét cho.

Hằng còn chưa dứt lời thì nguyên một cái vả từ mợ cả đã giáng thẳng xuống mặt nó. Nó chưa kịp hiểu chuyện gì chỉ lắp bắp nói:

– Mợ cả, sao mợ lại đánh con?

– Mày gọi ai là mợ hai?

– Dạ, con… con…

– Trong cái nhà này trừ tao là mợ ra thì cậu hai cậu ba đều chưa ai lấy vợ, mày gọi nó là mợ hai ý là gì?

– Dạ… hôm qua bà bảo con gọi như thế mà…

Nói rồi nó gào lên:

– Bà ơi!

Nghe tiếng gào của nó bên trong vợ chồng bà Hiệp Quế bước ra. Cái Hằng ôm mặt rồi nói:

– Dạ con thưa ông bà, hôm qua ông bà bảo con gọi mợ Nụ đây là mợ. Ban nãy con có gọi thì mợ cả liền đánh con…

Tôi nhìn mợ cả mặt mợ tái mét lại, mợ thì nhìn cái Hằng đầy căm phẫn. Ông Hiệp chau mày rít lên:

– Mỗi chuyện này mà cũng ầm ĩ lên. Cưới nó về làm lẽ thì người ở gọi nó là mợ hai có sao?

Mợ cả liền lắp bắp nói:

– Dạ thưa…thưa thầy con không có ý đó, nhưng mà tại con thấy cậu hai chưa cưới vợ, mà gọi mợ hai thì cứ kỳ lạ nên con mới chấn chỉnh lại. Nhưng con Hằng nó cứ cãi lại nên con mới tát nó.

– Thôi, mới sáng sớm đừng có ầm ĩ nữa, chị Quỳnh bớt đành hanh lại đi, cái thứ đã gái độc rồi còn ghê gớm ai sống được cùng? Còn con Hằng quét sân xong vào pha cho ông ấm trà, chị Nụ thì vào đây theo ông.

Nói rồi ông kéo và vào sập gỗ trước hiên, cái Hằng khẽ thì thầm vào tai tôi:

– Mợ cả sợ nhất cụ cố, rồi sợ thứ hai là đến ông bà, chỉ dám bắt nạt bọn con thôi. Mợ hai lấy lòng ông bà đá mợ cả đi cho con nhé.

Nó nói xong thì cười hi hí, nhưng tôi thì đang run bần bật. Từ hôm qua tới giờ tôi mới chỉ biết bà Quế, cậu Quyền, mợ cả Quỳnh với cái Hằng, hôm nay lần đầu gặp ông tôi hơi sợ. Ông thấy tôi đứng đực ngoài sân thì dịu giọng nói:

– Chị vào đây đi, ngồi xuống đây ông có chuyện muốn nói.

Tôi gật đầu, nhìn mợ cả đang nắm chặt hai tay đầy tức giận nhưng tôi cũng chỉ biết mặc kệ đi vào phía ông. Ông đưa cho bà cái quạt rồi nói:

– Chị Nụ từ hôm qua mới về chắc còn chưa biết nhiều phải không? Ông biết chẳng ai muốn được cưới về làm lẽ đâu, thời này không giống thời xưa mà năm thê bảy thϊếp. Chính quyền người ta cũng không cho, nhưng thằng Quyền nhà ông lấy vợ cả chục năm nhưng không có mụn con nào. Ông biết nhà chị nghèo, có hai bà cháu thôi nên cưới chị về làm lẽ để sinh con cho thằng Quyền thì ông cũng để bà chị được ăn sung mặc sướиɠ nốt quãng đời còn lại chứ không phải lấy chị về không.

Những chuyện này ông nói với tôi giờ hình như hơi muộn, vả lại cũng chẳng thay đổi được gì. Nếu như ngoại tôi biết chắc chắn ngoại cũng chẳng thèm đồng ý đâu. Nhà tôi nghèo thật, nhưng thà chết đói còn hơn rơi vào cảnh này. Chỉ có điều ván đã đóng thuyền, tôi cũng chẳng còn cách nào khác. Ông thấy tôi im lặng thì nói tiếp:

– Chị Nụ cứ yên tâm đi, cứ sống ở đây như con ông bà biết chưa?

– Dạ… con biết rồi.

– Chị Quỳnh là vợ cả, chị ấy không đẻ được nên đôi khi cũng khó tính. Nhưng mà chị ấy cũng không làm khó dễ gì đâu, hai chị ở với nhau thuận hoà là ông bà mừng rồi.

Tôi gật đầu nhưng lòng vẫn đang nghĩ, hai gái một chồng thì hoà thuận kiểu gì? Nếu đặt tôi ở hoàn cảnh mợ cả, tôi cũng chẳng ưa gì tôi, dẫu cho tôi bị ép cưới, nhưng có mấy ai chấp nhận chuyện chồng mình chung đυ.ng người đàn bà khác? Tôi tuy bỏ học sớm nhưng những quyển sách câu chuyện tôi đọc khá nhiều. Chỉ đáng tiếc thân phận nghèo hèn không thể lên tiếng, mà dù có lên tiếng cũng không thay đổi nổi tư duy của cả một cộng đồng miền quê nơi đây. Tôi chỉ biết chấp nhận, bởi ngay cả bên cạnh nhà ngoại tôi người ta cũng lấy hai ba vợ đầy rẫy, và mọi người vẫn mặc nhiên coi đó là bình thường. Báo chính quyền họ còn làm ngơ chẳng giải quyết cho nữa là. Vả lại tôi còn nợ nhà ông bà một khoản tiền lớn, có thế nào cũng chẳng thể trả nổi nên chỉ biết nghe theo.

———