Biên tập: Sabi
Beta: Qin Zồ
Những ngày về sau của Tôn Biền trôi qua vô cùng thư thái, tuy ở nông thôn đấy, nhưng bởi người nhà có tay nghề nên chất lượng cuộc sống của gia đình họ Điền không chênh lệch mấy so với nội thành.
Các hộ hiện nay, cho dù là hôn sự hay tang lễ thì đều cần dùng thợ mộc, mỗi lần đi làm ông ngoại cô thật sự nhận được tiền công rất hậu hĩnh, nhưng thu nhập cũng không thể so với những người trong thôn kiếm ăn từ ruộng đất.
Hơn nữa, tay nghề tốt của bố con họ Điền có thể nói là xa gần nghe danh tiếng lành đồn xa, dù là người trong thành phố thì lúc có nhu cầu cũng sẽ nhờ người tìm tới đặt đồ, mỗi lần gặp kiểu khách hàng này, ông cụ Điền đều bớt ít tiền công, đổi một số món gì đó khác, chẳng hạn như mấy cái phiếu vải, phiếu thịt, phiếu đường, vé đồ công nghiệp… chính là thứ đổi lại.
Bà ngoại Tôn Biền là người có cá tính, con gái lấy chồng cho đồ cưới, con trai kết hôn thì ở riêng, trước giờ bà chưa từng quản việc không liên quan tới mình của đám con cháu trong nhà, như bà vẫn bảo nuôi con lớn là coi như hoàn thành nhiệm vụ, sau này cần làm cái gì thì làm cái đó, đừng làm phiền bà hưởng thụ cuộc sống.
Bà cụ Điền là người tinh tế, sự tinh tế của bà không phải phô trương, mà là suy tính tỉ mỉ với cuộc sống, cho dù trải qua những tháng ngày cực khổ, miếng vá trên quần áo cũng phải may cho trông gọn gàng xinh xắn, lỗ thủng trên giày cũng phải vá ra hoa, đây chính là điều bà kiên trì.
Bởi vì bà cụ kiên trì nên Tôn Biền sống bên cạnh bà cũng theo trường phái “hưởng thụ”.
Ban ngày sau khi ăn sáng xong, bà sẽ ra sân hái một ít trái cây, mùa này ở nông thôn chính là thời điểm trái cây trĩu cành, nào là hạnh, mận, lê, dưa hấu, dưa bở, táo xanh, chỉ cần là loại quả có thể gieo trồng được ở đây, nhà họ Điền chắc chắn sẽ có một phần.
Trong đám trái cây hái xuống chọn ra một số quả ngon nhất, ném vào trong nước giếng ướp lạnh, còn lại sau khi bà cụ gọt vỏ bỏ hạt xong thì chế biến thành đồ hộp hoặc rượu trái cây, giữ lại đến mùa đông được hưởng.
Buổi sáng Tôn Biền lật sách giáo khoa cấp ba của anh họ ra chuẩn bị bài tập, cụ bà thì đeo kính lão ngồi trên đầu giường thêu thùa may vá, đồ trên tay bà bất kể là thứ gì, nhất định đều làm cho ông ngoại Tôn Biền. Con trai thì có con dâu quản, cụ chắc chắn không nhúng tay.
Buổi trưa bà ngoại sẽ làm cơm rất phong phú, cái phong phú này không phải nói món ăn, mà là chỉ chủng loại, trên bàn cơm dù chỉ có một món đi chăng nữa thì các loại rau quả bên trong cũng không thể ít hơn bốn loại. Giống như món trứng tráng dưa leo trưa nay, bên trong còn có cà rốt và nấm nữa.
Buổi chiều là thời gian Tôn Biền thích nhất, bởi vì cô có thể thoải mái thưởng thức mấy món ướp lạnh cả buổi trưa, hoa quả lành lạnh ngọt ngào, nghe kịch hoặc phát thanh, nếu không thì lại dựa lên gối bà ngoại nghe những câu chuyện ngày xưa bà từng trải.
Và tới buổi tối, phòng hai vợ chồng nhà họ Điền sẽ biến thành nơi các thôn dân tụ tập. Tôn Biền có thể cùng nhóm chị em vừa xem phim truyền hình, vừa trò truyện về những vấn đề xung quanh các cô.
Ban đêm khi nghỉ ngơi, Tôn Biền sẽ tràn đầy mong chờ trông ra cửa phòng, chỉ cần Đại Hoàng vừa xuất hiện là cô sẽ chạy chậm sang, con mèo vàng tỏ vẻ rất chịu đựng, biểu cảm “trẫm nhịn, trẫm nhịn.” Lấy lòng chải lông gãi ngứa cho nó, sau khi phục vụ ông lớn này hài lòng cô có thể quang minh chính đại bế mèo vào trong chăn mình rồi.
Cho dù ngày hè nóng bức ôm một con mèo lông mềm như nhung, khiến bản thân nóng đến độ vã hết cả mồ hôi thì cũng không ngăn được niềm hứng thú chơi mèo của Tôn Biền.
Thỏa ý cuộc sống nghe kịch vuốt mèo, còn có gì hạnh phúc hơn so với điều này sao?
So với sự nhàn nhã của Tôn Biền, em trai hoạt bát hơn nhiều, hầu như mỗi ngày chưa tới giờ ăn cơm là không nhìn thấy bóng dáng cậu, cho dù đến thời gian dùng bữa thì nếu không gọi cậu cũng sẽ không xuất hiện.
Tôn Biền cũng nghĩ mãi mà không ra, trời nắng nóng bên ngoài có cái gì tốt, chịu ánh mặt trời đầu hạ kia, mỗi ngày về da cậu em cô lại đen thêm, ba hôm sau đã phơi nắng đen như cục than. Dẫn đến khi trời tối đèn không sáng nữa, Tôn Biền cũng chỉ có thể dựa vào quần áo mới phán đoán được vị trí cụ thể của em trai.
Trở lại nông thôn Tôn Ký phát huy trọn vẹn khả năng phối hợp và chỉ huy của mình, cậu nhảy loạn lên nhờ cậu cả lấy mấy cái dây kẽm uốn cho mình vài cái vòng tròn bánh xe lớn bé, lại dùng lửa đính cái móc lên những cái vòng tròn, mấy đạo cụ lăn vòng sắt phiên bản nông thôn giản dị cứ thế mà hoàn tất.
Tôn Ký dùng đống đồ chơi mới này củng cố địa vị “anh cả dẫn đầu” trong đám tiểu đội, ngày nào cậu cũng mang theo vòng sắt, dẫn dắt một đám con nít chơi trò lăn vòng nhanh như chớp khắp thôn.
Bọn trẻ con dư thừa tinh thần và thể lực, bắt đầu lăn một vòng là không biết điểm dừng, mười mấy người đuổi theo vài cái vòng sắt, có thể chạy chạy dừng mấy tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ, Tôn Biền chứng kiến mà khâm phục mãi.
Ngày hôm đó ông ngoại Điền phải tới thành phố, ăn sáng xong, cụ vừa mắc xe vừa hỏi những người khác trong nhà, xem có ai muốn đi cùng không, hoặc có món gì cần mang giùm từ nội thành về.
Mợ cả nghe thế vội vác gần nửa túi lương thực trong kho thóc ra, đặt lên xe lừa rồi nói: “Bố, phiếu lương thực bên Vĩnh Quý chắc cũng đã xài gần hết rồi, lần này bố vào thành thì mang theo chút lương thực cho nó đi.”
Trường học hiện tại cũng có căn-tin, bố trí cho học sinh và các giáo viên sinh hoạt tiện lợi.
Học sinh ở đây hộ khẩu đi theo người, bất kể là hộ khẩu thành phố hay nông thôn, chỉ cần thi đậu cấp ba thì đều được hưởng thụ đãi ngộ của hộ khẩu thành phố, mỗi tháng phiếu lương thực hai mươi bảy cân rưỡi sẽ do nhà trường phát thẳng đến tay từng học sinh.
Nhưng thời đại này một tháng chưa tới hai mươi tám cân lương thực làm sao đủ ăn được, nhất là mấy em còn đang tuổi phát triển, có rất nhiều học sinh nam còn chưa đến cuối tháng đã dùng hết phiếu cơm cho một tháng.
Không có phiếu cơm thì cũng không có khẩu phần lương thực, nhưng trường học cũng không thể trơ mắt nhìn học sinh bụng đói tới trường, thế là đồng ý cho các em tự mang theo lương thực.
Học sinh có thể trực tiếp mang phiếu lương thực, nếu túng thiếu thì mang thẳng lương thực theo cũng được, tới chỗ căn-tin dùng lương thực đổi thành phiếu. Tóm lại phía trường học đã suy nghĩ biện pháp để các học sinh có thể ăn được cơm.
Con trai út nhà cậu cả Tôn Biền đang đi học cấp ba trên thị trấn, người khoảng mười bảy, mười tám tuổi, đang độ thời điểm ăn được, khẩu phần lương thực cơ bản của trường đúng là không đủ ăn. Bởi thế mỗi tháng trong nhà đều phải sửa soạn cho cậu mười lăm cân lương thực.
Cũng chẳng phải nhà họ Điền không đủ phiếu lương thực cho con, mà trong nhà có đủ ăn, không cần động đến phiếu mà làm gì.
Đồng ý yêu cầu đưa đồ cho cháu trai, sau đó ông ngoại lại nhìn những người khác. Bà ngoại Điền vào nhà lấy một ít tiền giấy, đưa cho ông bạn già mình bảo: “Mang về cho tôi một hộp mỡ bôi mặt Vạn Tử Thiên Hồng.”
Món đồ cụ bà cần là một loại mỹ phẩm, đựng trong hộp sắt nhỏ, nền đen chữ trắng, quanh viền còn có những bông hoa đo đỏ tim tím làm nổi bật, cùng nhãn hiệu với loại phấn thơm mà cô dâu sử dụng trước đó.
Loại hộp mỡ dưỡng da này có giá không mắc, vài hào là được một hộp nhỏ có thể sử dụng trong thời gian rất lâu. Bà cụ Điền thích cầm theo hộp mỹ phẩm nhỏ tiện lợi này để làm dầu bảo vệ da tay.
Ông ngoại cười ha hả gật đầu, lại nhìn sang mấy người khác, con trai và các cháu tỏ ý không có gì cần, Tôn Ký thì kéo thẳng chị mình lên xe lừa, tỏ vẻ muốn đi vào thành phố với ông ngoại.
“Em muốn đi thì tự đi đi, chị không muốn tới thành phố.” Tôn Biền vô tội bị kéo lên xe nói như thế với em trai.
“Chị à, còn nửa tháng nữa là phải khai giảng rồi, chị lên cấp ba không cần thêm đồ dùng học tập mới hả?”
“Thật ra cũng cần một ít, nhưng chẳng cần tốn sức lên phố đâu, trong cửa hiệu dưới lầu nhà bọn mình cũng có.”
“Mấy món trong cửa hiệu làm sao so được với cửa hàng tổng hợp, mấy món ở tiệm văn phòng phẩm bên con đường buôn bán vừa nhiều lại vừa tốt, giá cả còn hời hơn dưới lầu nữa đó.”
Tôn Biền nghe thế mới nghiêng đầu nhìn cu cậu hỏi: “Em lại muốn mua gì à?”
Đùa chứ sao cô không hiểu rõ thằng nhóc này được, vồn vã như thế chắc chắn là bởi chính nó có đồ muốn mua, nhưng mà không có tiền nên mới chú ý đến cô.
Tôn Ký gãi đầu cười hì hì chẳng nói gì, Tôn Biền thấy vậy nhướng mày, định nhảy xuống xe.
“Đừng đừng đừng, đừng mà chị, em xài hết gôm rồi, thật mà phải mua một cục gôm đó.”
“Không phải trước kỳ thi cuối kỳ em vừa mua gôm à? À, lại rảnh tay cắt gôm mới ra chơi chứ gì?”
“Hì hì, chị vẫn hiểu em quá.”
Tôn Biền lườm một cái, gõ đầu cậu em bảo: “Sau khi về lau nhà ba ngày đấy.”
Một cục gôm cũng không phải món gì quá đắt, nếu em đã xài hết thật thì Tôn Biền cũng sẵn lòng mua cái mới cho nó. Nhưng thằng nhóc này không phải dùng hết mà là gọt *xoẹt xoẹt*, đã thế thì phải bắt nó bỏ sức lao động mới có thể lấy được đồ.
“Không thành vấn đề, chẳng những lau nhà, quét rác em cũng làm, đảm bảo sàn nhà hoàn toàn sạch sẽ.”
Lúc này Tôn Biền mới nhận nón rơm bà ngoại đưa đội lên đầu, ngồi đàng hoàng trên xe lừa.
Xác nhận nhà không còn ai có yêu cầu nữa, ông ngoại Điền mới kéo phanh cẩn thận lái xe đi, chạy thẳng ra đoạn đường đất rộng rãi ngoài thôn, vung roi trong tay lên hô: “Đi.”
*Vụt*, tiếng roi lanh lảnh vang lên, nhưng không quất lên người con lừa mà vung vào trời cao.
Con lừa già đã nuôi dưỡng nhiều năm, sớm đã quen với mấy loại động tác khi chủ nhân lái xe, nói chung chẳng cần bị đánh, chỉ cần nghe tiếng roi và khẩu lệnh là nó đã biết nên làm như thế nào.
Sau khi tiếng roi vang lên, con lừa xám kéo xe phía trước lập tức bước nhanh hơn, tốc độ xe từ tản bộ trước đó biến thành chạy chậm, kéo người trên xe dọc theo con đường đi tới chỗ ngã ba.
Ngã ba của đường đất nông thôn, một đầu hướng về phía khu dân cư nhà máy điện, còn một đầu thì nối thẳng tới đường cái trên thị trấn, sau khi đi dọc theo con đường trải nhựa, ông ngoại Điền vội đánh xe lừa chạy về phía thị trấn, ông muốn tới trường cấp ba trên trấn đưa khẩu phần lương thực cho cháu trai trước, sau đó quay đầu xe đưa cháu trai và cháu gái vào thành phố.
Hết chương 18.