Hôm nay Hương Lê dậy sớm hơn mọi ngày để soạn hàng giao khách. Chị Bích nói sáu giờ đến nhà cô lấy hàng, ngày đầu tiên buôn bán cô không muốn khách thấy mình luống cuống.
Là người làm ăn, thời gian luôn được quan tâm hàng đầu khi giao hẹn với khách hàng và Hương Lê cảm thấy rất đúng, tỷ như chị Bích đây. Phong cách nhanh nhẹn, quyết đoán, tạo được niềm tin đối với khách mà cô rất muốn học hỏi. Đúng sáu giờ chị Bích xuất hiện trước cổng nhà cô. Hương lê nhanh đi ra mở cổng mời chị vào nhà kiểm tra hàng trước khi đem đi. Hai bên đã bàn bạc phương án giao hàng nên chỉ việc kiểm kê hàng đủ số lượng hay không là được. Hương Lê ưu tiên chị Bích là khách hàng đầu của mình, tiền thế chân giữ năm mươi ngàn là được, lần trước nhận một trăm ngàn sẽ trừ dần tiền hàng chị lấy, tiền thế chân chỉ hoàn khi cả hai bên kết thúc mua bán với nhau.
Tiễn chị Bích về, cô tiếp tục nhanh chóng làm nốt việc nhà để kịp giờ gánh hàng đi bán không phải vội vàng.
Dạo này, sáu giờ rưỡi bọn trẻ đều tự thức dậy, tự làm vệ sinh cá nhân. Cơm sáng mẹ chưa làm xong liền cầm rổ bánh tráng leo lên chiếc Đi văng ngồi xé, trông đáng yêu làm sao. Đôi lúc muốn chúng sang nhà chú thím hai chơi đỡ mụ mị đầu óc nhưng chúng không nghe, nói muốn phụ mẹ, sợ một mình mẹ làm mệt sẽ sinh bệnh. Nghe con nói mà lòng cô đau xót, có phải cô vô tình tạo áp lực khiến bọn trẻ bất an không đây?
Tối qua cô nấu nồi xôi trắng nêm chút muối đỡ nhạt, sáng nay chiên hai khúc lạp xưởng, tráng hai trái trứng gà dùng ăn kèm với xôi. Món này gọi là xôi mặn, lạp xưởng chiên thái mỏng, trứng chiên cắt sợi. Xôi trắng múc vào bát, phết lên chút hành phi rồi cho lạp xưởng và trứng vào ăn. Cô nấu hơi nhiều, trưa đói hai con vào trạng lấy ra ăn đỡ đói.
Tạm biệt hai con, cô quẩy gánh đi bán như mọi ngày, trưa về cô sẽ ghé chợ mua hai ba nải chuối sứ về làm món chuối chiên cho bọn trẻ ăn, ngoài quan tâm đến cảm nhận hai con, cô chỉ có thể làm vài món ngon để bọn trẻ có sức khỏe tốt đỡ sinh bệnh.
Tiếng trống vào học cất vang, bọn trẻ con lục tục vào lớp, cô cũng xếp gọn gánh hàng trở về nhà.
Ghé chợ cô chỉ mua chuối và nguyên liệu làm món chuối chiên mà thôi vì thức ăn vẫn còn. Cất ba nải chuối, nữa cân bột mì và bột gạo vào thúng, cô nhấc gánh về nhà.
Hai giờ chiều, tạm gác việc làm bánh tráng trộn, cô lấy chuối ra làm món chuối chiên nhúng bột. Trong lúc cô khuấy bột, hai con lột vỏ chuối cho vào thau nhỏ, việc còn lại cô sẽ làm tiếp. chuối còn một công đoạn nữa là bổ làm ba hay làm hai ép mỏng, áo qua một lớp bột, cho vào chảo chiên giòn, ăn sẽ rất ngon. Dầu chiên nóng, mẻ chuối đầu tiên được cho vào chảo, sau ít phút trở hai mặt chín vàng, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp bếp, cô vớt chuối dựng đứng vào chiếc rá có kê chiếc dĩa bên dưới, đợi bánh chuối nguội, ráo dầu sẽ lấy cho bọn trẻ ăn. Chảo dầu đương sôi, cô tiếp tục cho mẻ kế tiếp vào, cứ thế cho đến khi xong mẻ cuối cùng.
Chuối nguội, lấy cho hai chị em mỗi đứa hai lát bánh, ăn hết cô cho nữa, ăn ngán thì thôi. Cô làm hết hai nải chuối, nhà một nải, đem sang mời nhà chú thím hai một nải. Nhận dĩa chuối trên tay, thím hai than thở.
– Sao thím tư đưa nhiều thế? Bọn nhỏ nhà ăn gì?
Cô cười trả lời.
– Gần đây em buôn bán được chút tiền nên làm chút quà vặt cho bọn trẻ ăn, thím nhận cho em vui. Trước đây bọn trẻ nhà em đều được chú thím chiếu cố, đây chỉ là chút quà bánh thôi, thím đừng từ chối nữa.
Thấy cô nói quá, thím hai vui vẻ nhận.
– Vậy tôi cám ơn thím.
— ——- — —— —
Thời gian cùng làm việc và tiếp xúc với chị Bích, Hương Lê hiểu rõ con người chị, rất khâm phục cách làm việc của chị, đợt hàng này cô quyết định giảm một ngàn trên tổng mỗi lần giao hàng càng khiến cả hai vui vẻ, thân thiết hơn. Chủ nhật cô và chị Bích đều nghỉ bán nên ngày này cô tranh thủ đi rừng sát lưới chút tôm cá, giảm bớt chi tiêu trong gia đình. Hai con ngày một lớn thêm, sẽ có rất nhiều khoản phải chi, cần tiết kiệm tiền nhưng không thể giảm bớt thức ăn bọn trẻ được, như vậy sẽ không tốt đến sức khỏe bọn chúng.
Phải nói từ lúc cô được một lần nữa sống trên đời này thì vận may luôn đến với mình, cứ xem thành quả đi lưới hôm nay mà xem, thật là nhiều cá lớn. Cô muốn đem một ít ra chợ đổi thức ăn xem thế nào.
Đến chợ mời mấy chị bán hàng thịt đổi cá, họ thấy cá tươi ngon mỗi người đổi với cô nữa cân thịt. Ôm một cân thịt và tôm cá nhỏ còn lại để giành nấu ăn, tuần này bữa cơm trong nhà phong phú hơn nhiều.
Trên đường về, thấy cụ bà ngồi buôn bán mà mặt buồn thiu, mắt nhìn tới, nhìn lui người đi lại trên đường. Không biết cụ bán gì trong thúng nên cô ghé qua xem thử. Trong thúng có bốn năm chú cún con dễ thương, trước kia nhà nghèo, cơm không đủ ăn thì lấy đâu ra thức ăn cho chó, nghĩ lại bây giờ cuộc sống không đến nỗi khốn khó mà cô thường vắng nhà… nuôi thêm chó cũng không cần thức ăn cao sang. Sau một lúc suy nghĩ thiệt hơn, cô hỏi mua một chú cún nhỏ, trong thúng duy nhất một con mang lông đen thuần chủng, cô chọn nó. Có người hỏi mua bà cụ tươi tỉnh hẳn lên, khoe nụ cười móm mém thân thiện. Cô vừa đi liền có hai ba người hỏi mua cún con, nghe tiếng cụ mời chào đầy sức sống, lòng cô cũng vui lây.
Hai con thấy mẹ ôm theo chó con về ngạc nhiên hỏi.
– Con chó này ở đâu vậy mẹ?
– Mẹ mua ngoài chợ đó! Nó phụ hai đứa trông nhà thấy thế nào?
Cu Bin không đồng ý.
– Nó nhỏ xíu sao phụ con trông nhà được ạ?
Cô cười cắt nghĩa cho hai con hiểu.
– Được chứ, đợi nó quen cửa nẻo nhà mình, người lạ vào nó sủa ầm lên báo cho chúng ta biết có khách đến thế là trông nhà đó.
Hai chị em kinh ngạc, Bin hỏi lại một lần nữa.
– Thật vậy sao mẹ?
– Chứ sao, để mẹ kiếm dây cột nó lại đã, bây giờ mà thả ra nó chạy mất dép không biết đi đâu mà tìm, khi nó quen nhà mình rồi thì mới không sợ bị chạy mất.
Hai chị em tỏ ý hiểu, cô nói tiếp.
– Lần này lưới cá mẹ đổi được một cân thịt heo, xíu nấu món ngon cho hai đứa ăn.
Hai chị em nhảy lên hoan hô, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc cùng hỏi.
– Thật tuyệt vời! Mẹ nấu món gì ạ?
– Mẹ chia một phần kho mắm ruốc, hai phần còn lại ngâm nước mắm ăn dần.
Bé Mi hoan hô nói.
– Hay quá! Xíu Mi giúp mẹ nấu cơm ạ.
– Ừ! Mẹ cám ơn con.
Bin nhìn chú chó con hỏi mẹ.
– Con chó này có tên không mẹ?
– Bin muốn đặt tên cho nó hả?
Bin gật gật đầu.
– Dạ.
Cô chuyển đề tài hỏi lại con trai.
– Thế Bin của mẹ muốn đặt tên gì cho nó đây?
Bin suy nghĩ một chút quay sang chị Mi hỏi ý kiến.
– Chị Mi! Gọi nó là Lulu được không?
– Lulu hả? Được đó.
Chị cũng đồng ý với mình, Bin toe toét khoe mẹ.
– Gọi nó là Lulu nha mẹ.
– Ừ! Bin… con xuống sạp chén kiếm cái nào bị sứt mẻ chọn ra hai cái cho Lulu… À! Con đổ luôn cho nó chút nước nữa nhé.
– Dạ mẹ…
— —— —
Ngày tháng đều đều êm trôi, ngoài ruộng lúa trổ đòng chờ chín hạt, thời gian này Hương Lê đều đặn thăm đồng không dám chểnh mảng vì sợ chút sơ ý sẽ bị bọ xít rút hết sữa trong bông thì năm nay tiếp tục đói. Cô cầu mong vụ mùa thuận lợi được ăn cơm trắng, nhiều năm ăn cơm độn thật vất vả.
Hôm qua chị Bích muốn tăng số lượng hàng cung cấp, không chỉ tăng một mà tăng gấp ba, thật khiến cô vui mừng khôn tả. Tuy mừng đó nhưng cũng lo lắm, thật sự một mình cô và hai bé con thì làm không xuể, ngồi nghĩ một hồi cô chợt nhớ đến thím hai nhà bên “Mình thử hỏi thím hai xem sao?” Nghĩ vậy cô liền sang nhà hỏi ý tứ thím ấy.
Nghe cô diễn tả công việc, thím hai thấy thú vị liền đồng ý, riêng tiền công nghe xa lạ quá thím từ chối. Cô giải thích thím hiểu: Đây là công việc làm ăn, không phải nhờ vả qua lại bình thường nên việc gì cũng phải rõ ràng. Tiền lương là tiền do thím bỏ công sức làm mới có chứ không phải nhận không công. Nghe cô nói một hơi thím gật gù ‘Thím nói có lý… thực sự tôi không rành lắm vấn đề này, thím tư thấy thế nào thì làm thế ấy đi… tôi không có ý kiến gì đâu.’
Cô nghĩ làm phụ nữ thật khổ, mà phụ nữ quê lại càng khổ hơn. Cô trước đây cũng là một điển hình sống chân thực không phải sao?
Khi còn con gái chỉ ở nhà làm việc nhà không được đi chơi đâu vì sợ hư hỏng mang tiếng gia đình. Đến tuổi lập gia đình vẫn tiếp tục làm việc nhà, tối mày tối mặt chuyện nhà cửa, chuyện chồng con, không có lấy thời gian suy nghĩ vì bản thân mình, không hiểu biết mọi chuyện xung quanh, đυ.ng chuyện là không biết giải quyết thế nào, có khi chết đi cũng không có mấy ai thương nhớ, thật bi ai biết bao.
——– ———– ———
Mỗi ngày, hai giờ chiều thím hai dẫn bé Na sang phụ cô làm hàng, có thêm người dù lượng công việc tăng gấp ba vẫn hoàn thành đúng năm giờ chiều. Hương Lê chỉ thím tỉ lệ trộn bánh tráng, dầu phi, muối tôm. Bánh thấm đều gia vị cô làm mẫu ra hàng vào bịch, dần dần thím hai biết cần bao nhiêu lượng bánh là đủ, tuy không nhanh bằng Hương Lê nhưng mới đầu thế là quá tốt rồi. Hai mẹ ra hàng, ba bé con có nhiệm vụ cột thun từng bịch. Hoàn tất các công đoạn cô và thím hai kiểm tra lại một lần nữa mới đem cất chờ mai giao khách.
Ngày đầu thím hai qua giúp nhà mình, cô thiết đãi hai mẹ con món ổi chấm mắm ruốc, riêng bé Na được hai bịch bánh tráng trộn đem về cho bé và anh trai.
Sau một tháng vất vả thì cũng đến ngày phát lương, cô đưa thím hai năm mươi ngàn tiền công. Cầm tiền lương mình làm được, tay thím run run xúc động không nói nên lời. Thấy vậy cô nhớ hình ảnh mình đời trước vất vả kiếm sống, buổi tối lần đầu tiên đếm tiền hàng, cảm giác còn hơn thế này, nước mắt tuôn như suối vì có thể tiếp tục sống được.
Đàn gà nuôi đến tuổi đẩy đi, gọi Cô Thủy thu mua gia cầm đến bán hết thảy, chỉ giữ lại ba con gà mái đang đẻ. Gà bán hết, cô tổng vệ sinh chuồng trại, rẩy vôi bột xung quanh để trống hai tuần mới mua lứa gà con nữa nuôi tiếp. Đợt này mua hai mươi gà con, cô nhốt chúng quen chuồng và cứng cáp một chút mới thả tự do kiếm ăn, mỗi ngày băm rau, trộn với chút cám cho chúng ăn vào cữ trưa, tính ra trung bình một năm cô bán được hai lứa, tiền này cất phòng hờ khi cần thiết, còn lại dành chi tiêu tương lai cho hai con.
Lâu rồi bọn trẻ không ra ngoài chơi với bạn, chủ nhật cô ở nhà nên cổ vũ hai con đi chơi thư giãn tinh thần, lúc bọn trẻ đi hăng hái lắm… chơi chưa được bao lâu cùng về mặt mày bí xị thật khiến cô lo lắng… Gặng hỏi mãi cu Bin mới rơm rớm nước mắt kể.
– Tí sún nói tụi con không có ba, được mẹ lượm về nhưng mẹ có nói tụi con là cục cưng của mẹ. Con cãi lại không phải, Tí nó… hức… hu… u…
Bé Mi im lặng không nói, đôi mắt đỏ hoe, biết con bé đang rất ấm ức và buồn tủi khiến lòng cô đau thắt. Bình ổn cảm xúc mình, cô nhấn mạnh niềm tin cùng hai con.
– Ai nói hai đứa không có ba? Ba các con đi làm xa chưa về thôi, phải nhớ rằng hai con là bảo bối của mẹ biết không?
Hai đứa lặng thinh không nói, cô gặng hỏi.
– Hai đứa không tin mẹ sao?
Hai chị em vẫn chưa thôi ấm ức, nhỏ giọng trả lời.
– Dạ tin…
Cô thở dài.
– Bạn tí nói vậy là không tốt, hai con nghỉ chơi bạn ấy ra là được. Nếu cả hai không thích chơi cùng mấy bạn trong xóm … thì sang nhà bác hai chơi với bạn Na. Người ta nói gì mặc kệ, mình không thể cấm cản được… miễn sao đừng vì những lời không hay đó ảnh hưởng bản thân mình biết không?
– Dạ, tụi con biết rồi.
– Ừ, tốt lắm! Hai đứa đi rửa mặt, lát mẹ mấu chè chuối ăn.
Mắt hai đứa liền lấp lánh sáng, ấm ức ban nãy được chén chè ngon ngọt dẫn dụ không còn chút bóng dáng.
Nhìn hai con vui cười dắt tay nhau ra sàn nước rửa mặt, còn lại mình mặt cô trầm xuống hẳn… lúc nãy vì có hai con nên cô cứng rắn nói vậy là một chuyện nhưng thật ra lúc này lòng cô trĩu nặng biết bao. Quang Minh, tên người chồng mà đời trước luôn là ý niệm để cô sống nhưng đời này cô không muốn nhắc đến, trả giá một đời đã quá đủ rồi.
Ngày chân ướt chân ráo lên Sài Thành tìm anh, cái gì cũng không biết, bên hông khư khư na hai con thơ dại, chịu biết bao cay đắng, tủi hổ, chết đi để lại hai con thơ bơ vơ không ai chiếu cố… Đời này không hy vọng tìm anh, chỉ cần ba mẹ con nương tựa nhau sống là tốt rồi, mong tâm tình hai con nhanh chóng bình ổn.