Chương 2: Tính Toán

Editor: Krissy

- Giỏi giỏi giỏi, ăn được thì tốt rồi. Xuyên Tử của chúng ta là đứa có phúc.

Bà nội lão Trần thị vỗ đầu cậu với vẻ mặt hiền hòa.

Cố Thanh Vân tỏ vẻ ngây thơ gật đầu.

Trong nhà chỉ có cậu là người duy nhất có thể ăn một chén canh trứng mỗi sáng, đó là để bổ sung dinh dưỡng cho cậu.

- Ông, bà, ăn cơm thôi.

Đúng lúc này, giọng nói lanh lảnh của Đại Nha chín tuổi truyền đến. Tướng mạo cô bé thanh tú nhưng nước da hơi héo rũ. Thực ra không phải chỉ riêng cô bé, cả thôn ai cũng thế này, xanh xao vàng vọt.

Sau khi Cố Thanh Vân đến đây mới phát hiện ra rằng nhiều người trên TV mà cậu từng xem đều mặc áo dài hoặc váy dài, nhưng bây giờ tất cả những gì cậu trông thấy là dân chúng mặc quần và áo ngắn vải thô. Nếu không phải kiểu quần áo khác nhau thì cậu đã cảm thấy chẳng khác mấy với hiện đại rồi. Quần áo của phụ nữ không quét đất, mà chỉ che mũ giày, khi đi đường sẽ lộ ra kiểu dáng của đôi giày.

Theo cậu thấy, dân chúng thường xuyên phải đi làm ruộng, mặc áo rộng rất bất tiện, nên loại áo ngắn và bó này chỉ dành riêng cho người dân lao động, và tất cả đều được dệt từ vải bố.

Ở nhà họ Cố, canh cửi cũng là một trong những thu nhập quan trọng của gia đình. Ưu điểm của vải bố là có độ bền cao, hút ẩm, dẫn nhiệt, thoáng khí tốt, nhược điểm là mặc không được thoải mái, bề ngoài thô cứng.

Tất cả người lớn đều mặc quần áo bằng vải bố, chỉ có trẻ em, đặc biệt là Cố Thanh Vân, có thể mặc vải bông mềm hơn. Ba chị em chỉ mặc vải bông bên trong, váy bên ngoài vẫn bằng vải bố.

Người duy nhất trong thôn mặc áo dài là ông cả Cố Bá Sơn.

Sau khi rửa chân tay xong, mọi người ngồi quây quần bên một chiếc bàn dài, trước mặt mỗi người là hai chiếc bát lớn, một để đựng đồ ăn và một để đựng cơm.

Lúc này, tiểu Trần thị và chị cả Đại Nha cầm ba cái chậu có kích thước bằng một cái chậu rửa mặt đi ra, trong đó có cơm khoai lang, rau cải xanh trộn với rau rừng, lươn luộc.

Lão Trần thị ho nhẹ một tiếng, cầm thìa bắt đầu chia đồ ăn.

Đúng vậy, nhà họ Cố theo hệ thống chia bữa ăn. Theo cách nói của lão Trần thị, nếu mọi người ăn cùng nhau thì sẽ gắp đồ ăn như ong vỡ tổ, anh tranh tôi giành, trông thật không có giáo dưỡng.

Sau khi chia đồ ăn xong, ngươi muốn ăn như thế nào thì ăn.

Theo Cố Thanh Vân, chắc là bà nội cậu rất tận hưởng cảm giác được nắm quyền, nghe lời thì cho nhiều, không nghe lời thì cho ít hơn một chút. Tất nhiên, trong hầu hết các trường hợp, ba người lao động chính là ông, cha và chú hai là những người có nhiều đồ ăn nhất và ngon nhất, số phụ nữ thì ít hơn rất nhiều, đặc biệt là ba chị em, chỉ vừa đủ ăn no.

Sau khi chia đồ ăn, mọi người bắt đầu ăn chậm rãi, lúc này trong chén của Cố Thanh Vân có thịt lươn cha mẹ gắp cho.

- Cha, mẹ, tự ăn đi, cha mẹ vất vả, con không vất vả.

Cố Thanh Vân lắc đầu, dùng bàn tay bé nhỏ chặn miệng chén. Kỳ thật, trong cái chén nhỏ của cậu cũng có rất nhiều lươn, hầu như không có bao nhiêu rau. Đây là thiên vị của bà nội dành cho cậu.

- Con thích ăn rau xanh, cứ cho con rau xanh là được rồi.

Hiện tại là tiết tháng ba thời kỳ giáp hạt*, rau vẫn chưa lớn, người trong thôn đều ăn chung với rau dại chẳng hạn như rau vi và rau tề. Mặc dù rau dại có vị không ngon mấy nhưng rất bổ dưỡng.

*giáp hạt: khoảng thời gian lương thực thu hoạch được của vụ cũ đã cạn, nhưng chưa đến vụ thu hoạch mới; thường chỉ lúc đói kém do chưa đến vụ

Mọi người đều mang vẻ mặt vui mừng như "Sao đứa nhỏ này hiểu chuyện như vậy".

#playerDailymotion {width: 520px; float: right; padding-left: 10px; margin-right: -10px;}

Trong hầu hết các trường hợp, Cố Thanh Vân sẽ không nhận đồ ông bà và cha mẹ đưa cho. Thật sự họ phải làm rất nhiều việc, nếu ăn không đủ no, không có sức làm việc rồi bị ốm thì sao? Trong gia đình này, trước khi cậu lớn lên, người cậu có thể dựa vào chỉ có họ.

Đối với những ánh mắt hâm mộ thỉnh thoảng của ba chị em gái, Cố Thanh Vân đều phớt lờ.

Sau khi ăn xong, lão Trần thị tuyên bố thím hai Lý thị buổi chiều không cần phải ra ruộng làm, chỉ cần ở nhà nấu cơm.

Không ai có ý kiến gì, dù sao Lý thị cũng đã mang thai được ba tháng, thai kỳ lần này không được tốt lắm, hôm nay vừa nhổ cỏ vừa cúi gập người luôn cảm thấy khó chịu.

Vừa mới ăn no, lại đã làm việc nửa ngày, mọi người đều về phòng nghỉ ngơi một lát.

Thôn Lâm Khê bảy núi, một nước, hai ruộng*, ít ruộng nước, nhiều núi, nhiều đất hoang. Những vùng đất hoang đó bị một số đá và cỏ dại bao phủ, vì vậy, nhà chia cho mọi người cũng lớn. Dân cư trong thôn nay lại ít nên mỗi gia đình chiếm diện tích khá lớn.

*Ý chỉ cách phân bố địa hình: 70% là núi đồi, 10% là sông hồ, 20% là đồng bằng ruộng đất

Nhà họ Cố cũng không ngoại lệ.

Toàn bộ tiểu viện nhà nông dựa Bắc hướng Nam, có sân trước và sân sau, đều có tường rào bao quanh. Xung quanh là cây sói rừng, cây kim ngân. Ngoài ra còn có cây gai địa phương, lá và vỏ trên cây gai đều là gai, có tác dụng ngăn cản gia súc rất hiệu quả. Vì sân sau sát núi nên có thêm một vòng hàng rào gỗ và một vòng tre xanh địa phương.

Đối diện lối vào tiểu viện có ba gian chính, gian bên trái là nơi ở của ông bà, có ngăn một phòng nhỏ làm nhà kho. Ở giữa là phòng chính, nơi tiếp khách và ăn uống, bên phải là nhà bếp.

Phòng cánh trái và cánh phải là nơi Cố Đại Hà và Cố Nhị Hà sống, đều là nhà nhỏ ba gian.

Nhà ở đều là nhà ngói bùn, vốn nóc nhà là nhà cỏ tranh. Từ cách đây một năm, khi Cố Thanh Vân khỏe lên không còn cần thuốc men, trong nhà đã dành dụm tiền để thay mái tranh sang ngói, thế nên khi mưa xuống không bị dột nước, cả ngôi tiểu viện nhà nông trông gọn gàng hơn rất nhiều.

Theo ước tính của Cố Thanh Vân, toàn bộ sân có diện tích bảy tám trăm mét vuông.

Người nhà họ Cố rất siêng năng và giỏi giang, sân sau là nhà xí, hố phân, chuồng heo, chuồng gà, vườn rau. Sân trước trồng các loại cây ăn quả như nho, hồng, đào, mận, táo tàu, … Đều là cấy từ trên núi xuống, bao nhiêu năm nay muốn ăn hoa quả cũng chỉ có thể trông chờ mấy cây ăn quả trong sân tươi tốt mà thôi.

Bây giờ cây ăn quả đã lớn, hàng năm còn có thể lấy lên trấn trên bán, ít nhiều cũng có thu nhập.

Nơi ở không có mâu thuẫn gì, lại cách xa nhau nên mọi người có thể nói chuyện riêng.

Lúc này, Cố Thanh Vân vẫn đang ngủ với cha mẹ, còn chị cả Đại Nha và chị hai Nhị Nha ở phòng bên cạnh.

- Hừ, mẹ đúng là thiên vị em dâu. Khi em mang thai Xuyên Tử vẫn phải ra ruộng làm việc kìa, Đại Nha suýt thì sinh ngay ruộng rồi. Bây giờ mới ba tháng, chưa lộ bụng đâu, vậy mà làm việc cũng không xong. Nếu người mềm mại thế thì gả cho nhà chúng ta làm gì, không mà đi gả cho người trong trấn đi! – Sau khi trở về phòng, tiểu Trần thị bắt đầu bất mãn.

Thím hai Lý thị ở thôn bên, nhà mẹ đẻ có bốn anh em, duy chỉ có thím ấy là con gái duy nhất, vào cửa bốn năm trước. Bởi vì nhà mẹ đẻ có của hồi môn, ngay từ đầu còn cạnh tranh với tiểu Trần thị. Tiểu Trần thị là cháu gái họ xa của lão Trần thị, quan hệ không thân thiết lắm. Nhưng sau khi tiểu Trần thị gả lại đây, lúc đó bà chỉ có một cô con dâu nên một khoảng thời gian quan hệ mẹ chồng – con dâu rất thân mật. Nhưng từ sau khi Lý thị vào cửa thì khác.

Đặc biệt là khi anh cả của Cố Thanh Vân chết non, sức khỏe Cố Thanh Vân không tốt, dù mặt ngoài lão Trần thị xử lý mọi việc công bằng, nhưng tiểu Trần thị vẫn cảm thấy cha mẹ chồng mình ngày càng nghiêng về phòng hai.

Nhà mẹ đẻ của tiểu Trần thị và lão Trần thị đều không ở bản địa, cũng ly tán khi chạy nạn, đến bây giờ vẫn chưa liên lạc được.

- Mẹ cũng vì cháu trai thôi.

Cố Đại Hà ôm lấy cậu con trai đang đi vòng vòng trong phòng, chuẩn bị đặt cậu lên giường nhỏ để ngủ.

Cố Thanh Vân chán nản, rõ ràng cậu đang đi dạo sau bữa ăn mà, được không?

- Cháu trai? Cháu trai, hừ, ai biết chắc có sinh được cháu trai hay không? Nếu như không phải năm đó em dâu về nhà mẹ đẻ nhất quyết đòi mang con trai về, nhiễm bệnh không trị khỏi, mình xem, bây giờ nhà họ Cố làm sao có chỗ đứng cho phòng lớn chúng ta? Em vừa nghĩ đến việc mùa đông năm đó, khi Xuyên Tử và Nhị Oa Tử bị sốt cùng lúc, mẹ và em dâu nhất quyết để đại phu khám cho Nhị Oa Tử trước là trái tim lại rét lạnh. Rõ ràng Xuyên Tử của chúng ta còn ốm nặng hơn Nhị Oa Tử. Hừ, không phải chỉ vì thấy thân thể của Xuyên Tử chúng ta yếu ớt sao? Kết quả bây giờ người sống sót vẫn là Xuyên Tử.



Nhị Oa Tử là con trai chết non của phòng hai.

- Được rồi, đừng nói mấy chuyện này trước mặt con.

Cố Đại Hà đau đầu khi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của cậu con trai, vội vàng dặn dò:

- Con trai, đừng nói mấy lời mẹ con nói ra ngoài.

Cố Thanh Vân gật đầu lia lịa, lấy tay che miệng, thì thầm:

- Con sẽ không nói với ai hết, ông bà cũng vậy, con biết cha mẹ yêu con nhất.

- Con trai của mẹ thật thông minh.

Tiểu Trần thị rất an tâm, ôm lấy cậu nói:

- Ở bên ngoài con phải thân cận với ông bà nội chút, nhưng đừng nói lung tung.

Cố Thanh Vân gật đầu.

- Em trai mình trông thì hiền lành chất phác, nhưng không phải cuối cùng cũng không có ý kiến gì đấy sao? Đại phu còn nói nếu không phải ông ấy đến sớm một chút thì Xuyên Tử đã không cứu được rồi. Lúc đó, đại phu còn là do mình cõng về đấy.

Tiểu Trần thị đưa ra kết luận:

- Dù sao, em hy vọng lần này em dâu sinh con gái là tốt nhất.

Cố Đại Hà thở dài, điều này không phải điều bọn họ có thể định đoạt.

- Cha Xuyên Tử à, em nghĩ rồi, để Xuyên Tử có cuộc sống tốt hơn, vẫn phải dùng chút thủ đoạn.

Tiểu Trần thị đột nhiên thì thào, nhìn thấy Cố Thanh Vân đã nằm trên giường và nhắm mắt lại thì đắp một cái chăn nhỏ cho cậu. Bây giờ đang là tháng Ba, thời tiết vẫn còn hơi lạnh.

- Thủ đoạn gì?

- Mình cảm thấy Xuyên Tử của chúng ta thế nào? Nó rất thông minh, mình dạy nó viết tên của mình, lâu sau nó cũng không quên. Bình thường nó học đếm cũng rất nhanh, Đại Nha không nhớ nhanh bằng nó đâu.

Ở triều đại trước, nhà họ Cố cũng là một địa chủ nhỏ, có hai trăm mẫu đất. Khi đó đã bán một trăm mẫu để cung cấp cho việc học của Cố Bá Sơn. Để phát huy tối đa lợi ích, lúc đó Cố Bá Sơn đi học trong học đường về sẽ dạy lại cho em trai mình nên Cố Quý Sơn cũng biết một ít chữ. Sau khi sinh con trai, ông cũng dạy cho hai đứa con trai những gì mình biết.

Do đó, Cố Đại Hà cũng biết viết mấy chục chữ thường dùng. Dưới sự hướng dẫn có ý thức của Cố Thanh Vân, chàng cũng dạy cho cậu những chữ mà chàng biết.

Bây giờ, tiểu Trần thị vừa nói tới việc này thì Cố Đại Hà đã nhớ ra, vội vàng gật đầu:

- Đúng vậy, Xuyên Tử chúng ta rất thông minh, nó nhớ hết mấy chữ mà tôi dạy cho nó.

- Cơ thể của Xuyên Tử rất yếu ớt. Mặc dù bây giờ trông rất tốt, nhưng mình thấy đấy, so với những đứa trẻ cùng tuổi khác, nó vẫn nhỏ hơn một chút. Em sợ sau này nó không làm được việc đồng áng thì sao đây? Đến khi đó chúng ta già rồi, còn có thể giúp nó được bao lâu? Giờ nghĩ lại, chúng ta cho nó đi học được không? Không phải làm ruộng thì thoải mái biết bao. Mình xem bác cả kìa, ở tiền triều thi mãi không xong, kết quả tân triều vừa lập, bác ấy lớn tuổi thế mà vừa đi thi đã thi được Đồng Sinh, còn lên làm trưởng thôn, làm quan. Bây giờ còn đang định đi thi Tú Tài nữa kìa.

Tiểu Trần thị rất tỉnh táo, trong gia đình này, điều thị hy vọng nhất là con trai sống tốt. Sau này thị không thể sinh con, nếu không có Xuyên Tử thì có lẽ bây giờ thị đã bị bỏ rồi. Cho dù tướng công đứng về phía thị thì sao? Chỉ cần cha mẹ chồng kiên quyết, một ngày nào đó chàng cũng sẽ nhượng bộ. Rốt cuộc không có con trai nối dõi tông đường, không người đàn ông nào có thể dễ dàng tha thứ.

Thị phải nghĩ cách tính toán cho con trai mình.