Chương 90: Trong Cái Rủi Có Cái May

Mẹ Vương Kiên cứng họng. Bà ta không biết cãi như thế nào, vì chính bà ta cũng biết việc hai mẹ con làm là sai quấy.

Nhưng như vậy thì đã sao?

Bà ta đảo mắt vòng quanh để cầu mong sự giúp đỡ của người cùng thôn. Thật đáng tiếc, thôn dân đều làm lơ.

Mẹ Vương Kiên khó hiểu, chẳng lẽ họ chống mắt lên nhìn người ngoài khi dễ người trong thôn sao?

Bà ta chỉ nhìn chuyện nhà mình mà không biết, mọi người không giúp là vì sợ thanh danh toàn thôn bị liên luỵ.

Sự việc hôm nay cũng là vì hai mẹ con bà ta cùng nhau bôi nhọ Phùng Hạ. Nếu thôn dân đứng ra giúp thì sẽ bị nói là không biết phân biệt đúng sai, mẹ con Phùng Hạ làm ra chuyện vô nhân tính như vậy mà họ còn bênh vực.

Nếu chuyện bị truyền ra ngoài thì chàng trai cô gái trong làng đừng mong có thể cưới vợ gả chồng. Ai cũng sợ sẽ bị như Phùng Hạ.

Đến lúc đó, cả thôn tìm ai để khóc?

Không thấy vị thôn trưởng đầy uy quyền cũng chẳng ra mặt hay sao?

Từ lúc anh em họ Phùng đánh tới cửa đến giờ đã đi qua khá lâu, nếu thôn trưởng muốn tới thì ông ấy đã tới rồi, đến cả người quyền cao chức trọng như ông ấy còn không muốn nhúng tay thì còn không đủ để hiểu hay sao?

Ở đây chẳng thiếu người thông minh, nên việc mẹ Vương Kiên cầu mong sự giúp đỡ chắc chắn chìm trong vô vọng.

Lúc này, mẹ Vương Kiên mới thực sự hiểu tình cảnh của mình. Bà ta hận đến cắn răng.

"Rốt cuộc mấy người muốn gì?"



Phùng Sơn trầm giọng: "Em gái tôi muốn li hôn với con trai bà!"

Mẹ Vương Kiên thở phào nhẹ nhõm, đứa con dâu này bà ta không thích, như vậy cũng tốt.

"Tôi đồng ý! Nhưng nó phải dắt theo năm đứa nhỏ, nhà tôi không nuôi nổi."

Phùng Sơn trào phúng: "Bà yên tâm, em gái tôi không mất hết nhân tính như ai kia."

Hai mẹ con Vương Kiên tức muốn nổ phổi, nhưng không dám lên tiếng, vì sợ nói nữa thì Vương Kiên lại bị đánh.

"Tôi đồng ý rồi đó, mấy người chạy nhanh đi về đi."

Phùng Sơn cười lạnh: "Tưởng bở, nhà mấy người còn chưa trả lại của hồi môn cho em gái tôi đấy!"

Mẹ Vương Kiên nhảy dựng lên: "Của hồi môn gì, ai mà biết!"

"Bà đừng có chối, lúc trước mẹ tôi gả em gái tôi, cho nó ba mươi đồng tiền và một cái chăn to để làm của hồi môn, chạy nhanh trả lại cho nhà chúng tôi."

"Không có! Không biết!"

Tiền đã vào trong túi bà ta thì đừng hòng lấy lại, nằm mơ đi.

Phùng Sơn lười phải đôi co, hắn tiến lên, tránh khỏi bà ta, nắm cổ áo của Vương Kiên mà nhấc bổng hắn ta lên.

"Trả hay không?"

Vương Kiên là điểm yếu của mẹ hắn, bởi vậy bà ta đâu dám nói không, đành ngoan ngoãn móc tiền ra trả.



Chiếc chăn bông bị bà ta chiếm dụng lâu ngày, anh em họ Phùng chê dơ nên bắt bà ta quy đổi ra thành tiền.

Xong việc, bọn họ kéo nhau lại nhà thôn trưởng, nhờ ông viết cho cái giấy xác nhận li hôn, như vậy mới tính là chấm dứt tất cả.

Hồi trước, khi Phùng Hạ lấy chồng vẫn thì cô ấy chỉ mới mười lăm tuổi, chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn. Sau lại, nhiều năm cô ấy chỉ sinh được con gái nên Vương Kiên và mẹ hắn cũng không muốn đăng kí. Mà ở nông thôn đa số các cặp vợ chồng đều như vậy nên Phùng Hạ không nghĩ nhiều. Đến mấy đứa nhỏ, mẹ con Vương Kiên chê chúng là con gái, không muốn thêm vào sổ hộ khẩu.

Thành ra bây giờ anh em nhà họ Phùng dễ dàng cắt đứt mối quan hệ giữa sáu mẹ con Phùng Hạ với Vương Kiên.

Cầm tờ giấy xác nhận li hôn trên tay, bốn anh em họ Phùng quăng Vương Kiên như quăng bịch rác, rồi bước nhanh về nhà.

Thật ra Vương Kiên không muốn li hôn lắm, vì dẫu không còn tình cảm với Phùng Hạ nhưng cô ấy rất giỏi giang, tuy bây giờ tiều tuỵ nhưng vẫn khá xinh đẹp. Hắn ta thích cái cảm giác thanh niên trong ngoài thôn hâm mộ mình.

Nhưng hắn không dám có ý kiến với quyết định của mẹ hắn. Hai mẹ con đinh ninh rằng sẽ tìm được người con gái tốt hơn Phùng Hạ gấp trăm ngàn lần.

Còn năm đứa nhỏ, trong lòng họ mặc định chúng là con của Phùng Hạ, chẳng liên quan gì đến nhà họ Vương cả.

Làm cha như thế, làm bà nội cũng như thế.

Thiết nghĩ, năm đứa nhỏ phải cảm thấy may mắn vì thoát khỏi cái gia đình như vậy. Vì nếu lớn lên trong gia đình này, không biết mẹ con Vương Kiên có thể làm chuyện điên rồ gì.

Đánh chửi bắt lao động là chuyện nhỏ, có khi tới tuổi lấy chồng sẽ bị đổi lấy số tiền lễ hỏi khổng lồ, hoặc tệ hơn nữa là bị bán cho những tên đàn ông goá vợ trong núi sâu rừng già cũng không chừng.

Đừng nghi ngờ, mẹ con Vương Kiên chắc chắn sẽ nghĩ đến những việc này. Bởi trong mắt bọn họ con gái không phải là con ruột trong gia đình mà chỉ là một đồ vật biết hoạt động mà thôi. Họ cũng sẽ chẳng chần chừ khi ai đó ngỏ ý bỏ ra số tiền lớn để đổi lấy món đồ vật ấy.

Trong mắt bọn họ, đồng tiền quý giá hơn đám con gái rất nhiều. Tuyệt nhiên chẳng hề nghĩ đến mẹ của Vương Kiên, bà ta cũng là phái nữ đấy!