- 🏠 Home
- Trọng Sinh
- Nữ Cường
- Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường
- Chương 9: Phúc Lợi
Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường
Chương 9: Phúc Lợi
Trưởng ban quản lí của nông trường Bản Á là một người đàn ông trung niên tên Trần Thái Học, người ở đây hay gọi ông ấy là nông trường trưởng.
Lúc này, Trần Thái Học cầm lấy quyển sổ hộ khẩu trên tay, so sánh đối chiếu với những thông tin được viết trên tờ thư giới thiệu, thuận tiện quan sát đám nhóc đang đứng trước mặt này.
Vâng, cả gia đình Mạc Lệ Quyên cộng lại đều không bằng số tuổi của ông, còn không phải là đám nhóc con hay sao.
Trần Thái Học cố gắng bỏ qua những con số thể hiện tuổi tác trên giấy tờ, tập trung quan sát biểu cảm và thể hình của năm đứa nhỏ, trong lòng nhịn không được mà than nhỏ.
Thôi thôi thôi, có đỡ hơn không, lại thêm đều là khoẻ mạnh lành lặn, chỉ cần đốc xúc bọn chúng siêng năng là được rồi.
Nghĩ vậy, ông hắng giọng: "Khụ!" Sau khi nhận thấy được sự chú ý của mọi người, ông nói: "Giấy tờ các cháu đều hợp lệ, nhưng trước khi phân đất, bác có vài điều muốn nói trước cho các cháu rõ."
Căn phòng im lặng trong giây lát, anh chị em nhà họ Mạc và Lý Cường đều tập trung lắng nghe.
"Thứ nhất, nông trường là tài sản của nhà nước, sau khi phân đất thì mỗi mùa thu hoạch, các cháu cần phải đóng thuế bằng ba phần mười số lương thực trên đất ruộng."
Đây là điều bình thường, ba phần mười là mức thuế cho tất cả mọi người trong tầng lớp nông dân. Ý của Trần Thái Học là nông trường sẽ không thu thêm tiền thuê đất. Tất cả mọi người đều nghe hiểu nên đồng loạt gật đầu.
"Điều thứ hai, mỗi gia đình phải đăng kí canh tác trên ba mẫu ruộng. Ở đây, mỗi mẫu ruộng tầm năm trăm mét vuông. Sau khi đăng kí, phải có trách nhiệm chăm sóc cho phần ruộng nhà mình, nếu bị phát hiện bỏ bê việc đồng áng thì sẽ bị phạt nặng. Đương nhiên, nếu làm tốt thì cuối năm sẽ có thưởng."
Cả năm người đều siêng năng nên không bao giờ có chuyện trễ nải ruộng đồng, vì vậy Mạc Lệ Quyên cũng không cần hỏi lại là phạt như thế nào.
Thấy cô gật đầu, Trần Thái Học tiếp tục: "Điều thứ ba, ra vào nông trường phải đăng kí ngay cổng bảo vệ, nếu có người thân muốn vào thăm thì phải đăng kí với ban quản lí nông trường từ trước."
"Thứ tư, trong nông trường, ngay phần đất trung tâm có trường học dành cho học sinh tiểu học và trung học, nếu có nhu cầu có thể cho con em vào đấy để học, nhưng phải đóng học phí. Gần đó cũng có chợ và cửa hàng, phục vụ cho công nhân của nông trường."
"Thứ năm, đầu năm ban quản lí sẽ liên hệ với trại gà con và heo con, mỗi hộ có thể liên hệ để mua về nuôi. Gà thì số lượng tuỳ ý nhưng heo thì mỗi hộ bắt buộc phải nuôi từ một con trở lên, khi gϊếŧ thịt phải nộp lên ba phần mười thịt heo, gà thì không cần."
"Cuối cùng, mỗi hộ sẽ được tự do chọn phần đồng ruộng còn trống mà canh tác, nếu gần đó chưa có nhà thì được phép xây lên, còn có rồi thì được phép vào ở. Thêm nữa mỗi hộ sẽ được cấp một trăm đồng tiền làm phí an gia."
Những điều trên đều rất có tình người, chỗ nào cũng hợp lí nên không có gì phải ý kiên.
Thấy tất cả đều hiểu và đồng ý, Trần Thái Học mới lấy ra một tờ giấy lớn được gấp gọn ở trong ngăn tủ dưới bàn.
Khi ông mở nó ra, nhìn sơ qua Mạc Lệ Quyên liền biết nó là thứ gì.
Đây là một dạng sơ đồ phân bố các mẫu ruộng, xen kẽ với chúng là kênh rạch, sông ngòi, núi rừng... đều được đánh dấu và ghi chú kĩ lưỡng.
Vì là vùng cao nên nông trường được núi rừng bao quanh bốn phía, chính giữa có con sông nhỏ chảy qua chia cắt bản đồ thành hai vùng gần như bằng nhau.
Bản Á thuộc dạng hình vuông, bốn phía được phân thành Đông Tây Nam Bắc. Tất cả đều là đồng ruộng.
Ở giữa, ngay trung tâm, những kí hiệu đại diện cho trường học, cửa hàng, chợ, khu chăn nuôi đều có mặt ở đó.
Và đương nhiên những mẫu ruộng ở gần trung tâm đã bị người đến trước giành lấy hầu như không còn.
Nhưng Mạc Lệ Quyên chưa bao giờ muốn gia đình mình ở đó nên chẳng có gì gọi là mất mát.
Nhà cô bí mật nhiều như vậy, tìm chỗ đông người chỉ làm gia tăng nguy hiểm mà thôi.
Mạc Lệ Quyên bình tĩnh dùng ánh mắt rà quét bản đồ, sau đó trong sự ngạc nhiên của Trần Thái Học, cô chỉ ngay vào khu phía Bắc, nơi dân cư thưa thớt nhất.
"Bọn cháu có thể ở đây không ạ?"
Trần Thái Học hỏi lại: "Cháu chắc chắn chứ? Nơi này rất ít người và cách trung tâm xa nhất đấy."
Mạc Lệ Quyên cười nhẹ, gật đầu khẳng định: "Dạ, cháu biết ạ, bọn cháu thích ở đây ạ."
Thấy vậy, Trần Thái Học đưa mắt quan sát nhưng người còn lại, khi thấy bốn đứa bé kia đều đồng thuận liền không nói nhiều.
Ông lại lấy một tờ giấy từ trong hộc bàn ra, điền thông tin của gia đình Mạc Lệ Quyên vào rồi hỏi: "Bọn cháu muốn mấy mẫu?"
Mạc Lệ Quyên liếc nhìn Lý Cường và Mạc Đình Sơn, nhẹ giọng: "Bọn cháu muốn năm mẫu ạ."
Trần Thái Học trầm ngâm: "Cháu chắc chắn chứ? Nếu làm không xuể khiến sản lượng bị giảm cũng sẽ bị phạt đấy!"
- 🏠 Home
- Trọng Sinh
- Nữ Cường
- Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường
- Chương 9: Phúc Lợi