Chương 1: Hầu Phủ xung hỉ

Mùa đông tháng 12.

Kinh đô Đại Chu triều, vùng ngoại ô thành Tấn An, những hàng cây hòe ven đường qua đêm rụng hết, hoa lá nằm ngổn ngang trên các con đường xe ngựa. Dòng nước chảy trong máng dẫn hai bên đường phản chiếu ánh trăng tàn, tựa như một vẻ đẹp mong manh và cô tịch.

Trong bầu không khí se lạnh ấy, một chiếc kiệu hoa sơn son thếp vàng xuất hiện trên con đường Tuyên Dương. Đi đầu là mười nhạc sư trong bộ y phục đỏ rực rỡ, tay cầm sáo và sanh tiêu, ngâm khúc hỉ ca vang dội. Phía sau, đội nghi thức chia thành hai hàng chỉnh tề, đều mặc hỷ phục lộng lẫy.

Kiệu hoa đi xa dần, nhưng tiếng nhạc vẫn du dương vọng lại, kéo dài không dứt.

Lễ cưới rất xa hoa, ngoại trừ việc thiếu tang lang.

Đám trẻ con hiếu kỳ đuổi theo chiếc kiệu, vừa chạy vừa hát:

"Chủ nhân có hiền nữ, yểu điệu diễm thành quách.

Này ngày trâu ngựa tê, cô dâu nhập thanh lư.

Âm thầm hoàng hôn sau, bái đường thổi ngọn nến!”

Nghĩa là:

"Chủ nhà có con gái hiền, dáng vẻ đoan trang, đẹp tựa hoa kinh đô. Đến ngày trâu ngựa hí vang, tân nương bước vào phòng cưới. Lặng lẽ khi hoàng hôn buông xuống, bái đường rồi thắp nến."

Trong kiệu, Lê Lạc Tê vốn đã mệt mỏi rã rời vì hành trình dài. Nghe đến câu hát đồng dao, nàng bỗng nhiên cảm thấy thích thú. Trùng hợp thay, đúng lúc này trời cũng vừa chạng vạng tối. Nhớ lời bà mối, nàng buột miệng hỏi:

"Chẳng phải ý của câu này là ‘manh hôn ách gả’ sao?"

Manh hôn ách gả: Mô tả những cuộc hôn nhân được sắp đặt mà hai bên nam nữ không có sự lựa chọn hoặc hiểu biết về nhau trước khi kết hôn.

Câu hỏi ngây ngô của nàng khiến bà mối giận tím mặt, dậm chân thốt lên:

"Nếu không phải nhờ đạo trưởng Thanh Huyền tính tử vi số mệnh, tìm được ngươi từ Dương Châu để xung hỉ, ngươi nghĩ mình có phúc phần gả vào Hầu phủ hay sao?"

Lê Lạc Tê nhớ lại nửa tháng trước, khi một đoàn người từ kinh thành đến gõ cửa ngôi nhà cũ của nàng ở nông thôn Dương Châu. Lúc ấy, nàng đang loay hoay trên mái nhà sửa những viên ngói dột. Thấy đám người sang trọng bước xuống, nàng lau bùn đất trên mặt, cười rạng rỡ:

"Ta chính là Lê Lạc Tê."

Đám người đó nhìn nàng đầy ngạc nhiên, sau đó quay ra kiểm tra giấy tờ, đối chiếu từng thông tin: "Sinh vào năm Vĩnh Cùng thứ chín, ngày mồng ba tháng ba, giờ Tý, tại thôn Vân Khê Dương Châu, năm nay đã mười sáu tuổi?"

Nàng nở nụ cười với gương mặt còn sót bùn lầy, lông mày cong như trăng non: "Đúng là ta đây."

Lê Lạc Tê nghĩ, mấy người này có phải ngốc haykhông? Nhưng khi thấy nụ cười của nàng, họ lại quay sang hỏi muốn gặp phụ mẫu nàng để bàn chuyện quan trọng.

Phụ thân của Lê Lạc Tê là một tiên sinh dạy học nghèo, may mắn thay, mẫu thân nhờ khéo tay làm thêm để phụ giúp gia đình. Trong nhà còn có một tổ mẫu tuy lớn tuổi nhưng ngày càng minh mẫn. Thế nhưng, khi vừa nghe nhóm quý nhân từ Tấn An Thành tới nói rằng họ đến để cầu hôn, bà lập tức nghĩ họ là kẻ lừa đảo. Giận dữ, bà cầm gậy trúc định đuổi họ ra khỏi cửa.

Cho đến khi họ lấy ra một bức thư tay của đạo trưởng Thanh Huyền.

Lê Lạc Tê nhớ lại lần trước, khi nàng nhặt được đạo trưởng Thanh Huyền bị thương ở sau núi. Lúc ấy, ông hỏi nàng có nguyện vọng gì. Nàng trả lời rằng năm ngoái gia gia bị bệnh nặng, cả nhà không tiếc bán hết tài sản để chữa trị cho ông, nhưng cuối cùng ông vẫn qua đời. Nàng nói rằng mình rất nhớ gia gia.

Khi ấy, ông chỉ đáp:

"Ngươi không thể gặp lại gia gia, nhưng ta có thể giúp ngươi trả nợ."

Hóa ra, trả nợ mà đạo trưởng nhắc đến chính là sính lễ của thế tử Hầu phủ.

Ban đêm, nàng hỏi tổ mẫu: “Tại sao Thế tử Hầu phủ muốn cưới cháu?" Tổ mẫu vui vẻ đáp: "Chỉ vì nhà chúng ta có A Lê mệnh tốt thôi mà!"

Chỉ đến khi nàng đến kinh thành, nàng mới hiểu ra cái gọi là "mệnh tốt" ấy thực chất là để xung hỉ.

Vị Thế tử kia, vốn là con cháu danh môn quý tộc, trên chiến trường vì khinh địch mà rơi vào mai phục, tay cầm kiếm và đầu gối đều bị trúng độc tiễn, dẫn đến nửa đời sau cơ bản chỉ có thể nằm trên giường.

Lê Lạc Tê khẽ thở dài, bản thân nàng mệnh tốt hay không thì chưa rõ, nhưng vị phu quân tương lai kia của nàng, quả thật là mệnh khổ.

Nghĩ đến đây, đoàn đưa dâu liền dừng lại. Chiếc mũ châu quan trên đầu ép xuống khiến trán nàng đau nhức, nàng định đưa tay lên đỡ thì bỗng màn kiệu bị người xốc lên.

“Tân nương tử xuống kiệu!”

Giọng bà mối sắc bén làm nàng sợ hãi, vội rụt tay lại. Đột nhiên, trên đỉnh đầu truyền đến một tiếng cười khẽ.

Lê Lạc Tê nhìn xuyên qua qua lớp khăn voan đỏ mỏng manh, thấy một đôi giày thêu chỉ vàng trên nền đen, vạt áo màu xanh ngọc hiện lên hoa văn cuốn thảo tinh tế, toát lên vẻ quý giá mà trang nhã.

Tiếng cười trầm thấp vừa rồi, chắc hẳn phát ra từ người này.

Chỉ là, người đứng sừng sững như vậy, chắc chắn không phải là vị phu quân tương lai của nàng.