Chương 12: Về Muộn

Cậu cả nghe thấy tiếng trong sân nên đẩy cửa ngó ra, đúng lúc thấy hai thanh niên đi vào nhà.

Người thấp hơn đi phía trước là cháu mình Chu Toàn, người cao to đi theo thằng bé là ai? Sao trông quen mắt thế nhỉ?

Thanh niên cao lớn kia thấy cậu cả ló đầu ra, cực kì lễ phép chào hỏi: “Chú Hữu Đức, đã lâu không gặp.”

Trần Hữu Đức nghe vậy, đầu tiên là hơi ngơ ngác nhìn mặt anh, cẩn thận nhớ lại một lúc lâu mới vỗ đùi nói: “Con là Bảo Cánh đúng không? Thằng bé này thay đổi nhiều quá, nếu không phải có đôi mắt phượng và mái tóc xoăn tự nhiên di truyền của nhà họ Bảo thì chú cũng không dám nhận. Nghe Văn Lễ nói mấy hôm trước con về, chú bận bịu không gặp được, đúng lúc hôm nay con với A Toàn đi cùng nhau, chúng ta không say không về.”

Nói rồi ông dẫn Chu Toàn và Bảo Cánh vào trong phòng mặt lãnh, vừa vén rèm cửa lên vừa hưng phấn gọi vào trong phòng: “Mẹ, Đông Mai, xem ai về này?”

Mợ Đông Mai đã 10 năm không gặp Bảo Cánh nên không nhận ra, nhưng bà dì đang ngồi khoanh chân trên giường sưởi, thấy con trai gọi thì đeo kính viễn thị lên, nhướng mày nhìn cậu thanh niên mới vào một lúc rồi đột nhiên chảy nước mắt.

Mọi người thấy thế hoảng sợ, vội vàng hỏi bà làm sao. Bà dì vẫy tay nói: “Không sao, mẹ mừng thôi. Đứa nhỏ này là A Cánh nhà họ Bảo đúng không, chắc chắn là đúng rồi, giống ông ngoại nó lúc trẻ như đúc ấy, không sai được.”

Người đàn ông cao lớn nghe vậy thì tiến tới ngồi bên cạnh giường sưởi, làm ánh đèn trong phòng chiếu lên mặt mình nhiều hơn, như vậy thì bà cụ có thể xem rõ hơn một chút.

Cách gần, lại sáng sủa, quả nhiên bà cụ xem rõ hơn hẳn. Bà cụ duỗi tay xoa mặt anh, liên tục gật đầu nói: “Không sai, là A Cánh nhà họ Bảo, con về rồi đấy hả?”

“Vâng, con về rồi, lần này về hẳn, không đi nữa.”

“Tốt, tốt, không đi thì không đi, bên ngoài sao mà bằng trong nhà được, con về thì ông bà ngoại con, cả mẹ con nữa, chắc chắn là vui vẻ lắm.”

“Mặt lạnh thế, bên ngoài rét lắm đúng không? Mau lên giường đất, trên giường ấm lắm này.”

Bà dì xót ruột nên vội vàng gọi hai đứa nhỏ lên giường đất cho ấm người. Vợ chồng cậu cả thì nhanh chóng bày bàn lên giường đất rồi mang đồ ăn lên.

Bàn giường đất vẫn là bàn giường đất kia, mặt bàn tròn cũng vẫn là mặt bàn tròn kia, chẳng qua các món ăn đặt ở phía trên khác với hôm qua.

Ngày hôm qua, món chính trên bàn là gà mái già hầm nấm đỏ mà bà dì tự tay nấu, còn hôm nay là một bát dưa chua hầm xương đầy tràn.

Dưa chua màu vàng hơi xanh cắt thành sợi khoảng nửa centimet, xương heo tươi bỏ máu loãng, tẩm trong gạo kê trộn nước một giờ để trừ mùi tanh, tăng thêm hương vị của thịt xương.

Sau đó cho dưa chua, xương heo, các loại gia vị như bát giác, ớt, hành gừng vào chảo sắt to trên bếp, dùng lửa nhỏ hầm vài tiếng đồng hồ, chờ thịt mềm, nước canh thơm nồng thì cho thêm muối, bột ớt,... vào nấu thêm một lúc là sẽ có một nồi dưa chua hầm xương ngon tuyệt.

Đây là món ăn cực quen thuộc của người Đông Bắc, gần như mọi bà nội trợ đều biết làm cả. Món này với người Đông Bắc cũng giống như lẩu cay với người Tứ Xuyên vậy. Chỉ cần tới mùa thu đông là ở đâu cũng sẽ có mùi hương của món dưa chua hầm thịt này.

Cậu cả đẩy bát dưa hầm về phía Chu Toàn và Bảo Cánh: “Xương ngon đấy, hầm bốn, năm tiếng đồng hồ, mềm cực kì, hai đứa mau ăn đi cho nóng. Tiếc là bây giờ không phải mùa ăn dưa chua tốt nhất, nếu là thu đông thì vị hầm ra còn ngon nữa!”

Ở Đông Bắc, mùa làm dưa chua là mùa thu. Khi đó cải trắng mới thu hoạch, nhiệt độ không khí cũng thích hợp, khoảng hơn một tháng là có thể muối được một lu dưa chua.

Trải qua lên men, dưa chua chẳng những có thể giữ lại đại bộ phận dinh dưỡng của cải trắng mà còn chứa đựng rất nhiều axit lactic và axit amin. Khi những chất này gặp thịt, axit lactic sẽ phân giải mỡ trong thịt còn axit amin sẽ đẩy hương vị của thịt lên rõ hơn.

Vậy nên một nồi dưa chua hầm xương ngon thì phải béo mà không ngấy, chua thơm ngon miệng.

Bát dưa chua hầm xương trước mặt Chu Toàn lúc này chính là một món ngon như thế.

Tuy đã qua mùa dưa chua ngon nhất nhưng Chu Toàn vẫn gặm xương cực kì ngon miệng. Cậu cắn từng miếng thịt lớn trên xương xuống nhai trong miệng, vừa thơm vừa tươi ngon. Chỉ gặm thôi thì chưa đủ, ăn dưa chua hầm thì nhất định phải ăn canh, nước canh chua dịu vừa khai vị vừa ấm người.

Gặm xong một miếng xương ống to mà Chu Toàn còn thấy chưa đã thèm, cậu lau mỡ trên tay, cầm đũa đào tủy trong xương ra ăn. Phần tủy bên trong xương ống chính là tinh túy của bộ phận này, nếu làm tốt thì tủy sẽ trơn mềm không ngấy, vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng.

Bảo Cánh ngồi bên cạnh rõ ràng hiểu rất rõ khẩu vị của Chu Toàn, lúc anh ăn xương đều sẽ tránh phần xương ống mà chọn phần xương sống lưng. Như vậy tủy xương ngon bổ bên trong xương ống đều được giữ lại cho Chu Toàn.

Chu Toàn cũng không ăn mảnh mà chia đều cho những người khác trên bàn cơm. Bà dì ăn tủy xương cháu mình gắp, cười tươi đến mức nếp nhăn trên mặt đều giãn ra.

Lửng dạ, cậu cả nhìn người trẻ tuổi đang ngồi trên giường đất hỏi: “Bảo Cánh, mấy năm nay con sống thế nào? Từ lúc con tới chỗ sư đệ của chú Bảo học bếp thì trong thôn chẳng biết tin gì của con nữa.”

Người thanh niên cao lớn nghe vậy thì buông bát cơm trong tay xuống, khẽ cười một tiếng rồi trả lời: “Lúc đầu con đi theo sư phụ học bếp, ra nghề rồi thì cùng sư huynh sư đệ ra nước ngoài lang bạt một thời gian.”

“A Cánh còn ra nước ngoài cơ à? Đúng là có bản lĩnh, nước ngoài trông thế nào?” Mợ cả từ trước tới giờ chưa ra khỏi thành phố bao giờ, xa nhất cũng chỉ đến thành phố đưa hoa nên rất tò mò.

“Nước ngoài cũng không khác chúng ta lắm, đều là nhà cao tầng cả, chỉ là phong cách kiến trúc khác lạ hơn thôi. Bọn con sang Mỹ, ở đấy người da màu gì cũng có cả, khẩu vị của họ cũng rất đơn giản, chỉ cần làm tốt hamburger, cà chua, hành tây, khoai tây và thịt nướng là đã có thể trở thành đầu bếp rồi.”

“Ha ha ha, A Cánh đùa gì thế, nào có ai ăn đơn giản như vậy mãi được? Quán ăn của các con mà chỉ bán mấy thứ đó thì lỗ chết còn gì.”

“Chú Trần, con không đùa đâu. Công ty ở bên Mỹ mở vài chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, thực đơn chỉ là mấy thứ hamburger nhiều khẩu vị, thịt nướng, khoai tây chiên, khoai tây nghiền, hành tây chiên mà buôn bán tốt lắm.”

“Thật hả? Vậy người nước ngoài không kén ăn, dễ nuôi thật đấy.”

Người nước ngoài dễ nuôi á?

Chu Toàn đang gặm xương nghe thế, lỡ trớn cắn quá sức, cắn cả vào xương.

Vỗ về cái răng cửa vô tội chịu đau của mình, Chu Toàn yên lặng ngẩng đầu nhìn trúc mã bên cạnh một cái, chợt nhìn thấy khóe môi đang nhếch lên của anh.

Chu Toàn - răng - cửa - vẫn - còn - đau:.......

Cậu cả không phát hiện ánh mắt ai oán của cháu mình, ông thấy Bảo Cánh sống tốt nên đang vui vẻ ghê lắm.

Ông nhấp một ngụm rượu trắng, gắp một đũa thức ăn, vừa ăn vừa nói: “Hai đứa đều sống tốt thì ổn rồi. A Toàn định ở lại trong thôn, giúp mọi người tìm đường ra mới. A Cánh, con về thì muốn làm cái gì? Mở quán ăn hả?”

Bảo Cánh không nghĩ ngợi gì mà trả lời luôn: “Con muốn tu sửa cải tạo lại nhà tổ một chút, sau đó làm homestay trong thôn.”

“Homestay là cái gì cơ?”

“Chính là nhà trọ kết hợp cảnh quan, tài nguyên sinh thái, môi trường tự nhiên với hoạt động nông lâm ngư nghiệp của người dân địa phương ấy chú. Nói trắng ra là cho người muốn hưởng thụ cuộc sống dân dã thuê phòng trống trong nhà ấy mà.”

“Gì? Ai sẽ đến ở trong nhà cũ của chúng ta? Nhà trong thành phố của người ta tốt thế cơ mà, có mấy chục tầng, thang máy ngoài cửa, ở thoải mái như vậy mà họ còn thích nhà cũ của chúng ta bên này hả?”

“Cậu ơi, thế là cậu không biết rồi. Áp lực của người sống trong thành phố lớn bây giờ nặng nề lắm, có thời gian thì đều thích tới những nơi yên tĩnh lại tự do, làm thể xác và tinh thần đều có thể thả lỏng được. Không phải có câu thơ nổi tiếng là thải cúc đông li hạ du nhiên kiến nam sơn sao? Bây giờ chủ đề quay về nông thôn sống rất được người thành phố quan tâm, họ chỉ tới đây ở hai, ba ngày, thả lỏng một chút, mới lạ đủ rồi thì sẽ về nhà không ở lại đây lâu đâu.”

“À, thế tiền thuê nhà tính thế nào? Chỉ ở hai, ba ngày mà đòi tiền người ta thì xấu hổ quá.”

“Tiền thuê nhà là nhất định phải thu, họ lại đây chơi, homestay cung cấp phục vụ, đây cũng coi như một loại mua bán.”

“Không hiểu, thật không hiểu, bây giờ biến hóa nhanh quá, chúng ta đều lạc hậu cả rồi. Nhưng mà A Toàn, không phải con cũng muốn sửa nhà sao? Đúng lúc Bảo Cánh cũng muốn sửa, hai đứa làm cùng nhau luôn đi cho tiện.”

Nghe thế, thanh niên cao lớn nghiêng người hỏi: “Em muốn sửa nhà à? Gian nào? Căn hai tầng kia ấy hả?”

“Vâng, cũng không phải xây lại toàn bộ, chỉ chống thấm, xây phòng tắm vòi sen rồi thêm bể khí mêtan thôi.”

“Bên anh cũng làm mấy công trình đó, ngày mai anh bảo kiến trúc sư đến nhà em xem thử.”

Chu Toàn và Bảo Cánh ở nhà cậu cả ăn hai bữa cơm. Vừa ăn cơm tối xong được một lúc thì Trần Văn Lễ tan ca chiều, nhóm bạn nhiều năm không gặp lại ăn thêm một bữa khuya nữa.

Lúc trăng lên giữa trời thì hai người mới ra khỏi nhà họ Trần. Chu Toàn nhìn chiếc Ford Eagles đỗ trước cửa nhà cậu rồi ngửi mùi rượu thoang thoảng trên người đi đằng sau: “Anh Văn Lễ nói nhà anh còn chưa dọn dẹp xong nên không ở được, bây giờ tối rồi mà anh lại uống rượu, hôm nay đừng về khách sạn nữa, ở nhà em đi.”

Bảo Cánh đang dẫm lên bóng Chu Toàn nghịch nghe vậy thì bước chân khựng lại một chút: “Có tiện không?”

“Có cái gì mà không tiện, anh ngủ ở nhà em cũng có ít đâu? Chăn đệm có bộ riêng của anh đấy, nhưng em chưa kịp phơi, đêm nay anh phải tội nghiệp đắp chung chăn với em rồi.”

Bảo Cánh nghe vậy cúi đầu xuống, hai tay cắm túi, bước chân lại cực kì nhẹ nhàng, chỉ vài bước đã đuổi kịp Chu Toàn. Anh duỗi tay ôm cổ cậu, kéo cậu về phía mình như trêu đùa rồi nhẹ giọng nói: “Không sao, anh không chê em.”