Chương 3

– Vâng, là con đây, mẹ ơi.

Cậu đặt giỏ tre lên cái giá đựng đồ linh tinh rồi cọ cọ đế giày trên thềm đá đi vào nhà.

Mẹ Ngu ngồi bên lò sưởi, dùng bánh xe gốm(*) xoắn dây đay. Bánh xe xoay tròn thoăn thoắt cuốn dây đay từng vòng từng vòng.

(*) Bánh xe quay bằng gốm, một công cụ sản xuất hàng dệt thời đồ đá mới.

Trên lò sưởi bày cái lịch gốm(*) lớn, miệng lịch tỏa ra hơi nóng, mùi thơm thức ăn bao phủ khắp nhà. Cách lò sưởi không xa, có đứa bé đang nằm ngủ say giấc, trên người được phủ lớp vải đay. Trên tấm vải, màu đỏ tía được làm từ quả chín mọng vẽ ra hoa văn hình chiếc lá răng cưa.

(*) Lịch gốm: Dụng cụ nấu ăn ngày xưa, miệng tròn, giống như cái đỉnh ba chân.

Ngu Tô ngồi quỳ bên cạnh đứa bé, ung dung cúi đầu ngửi thấy mùi sữa thoang thoảng trên người nó.

– Là con cái Hòa gửi nhờ qua đấy.

Mẹ Ngu cười hiền từ, khi bà cười lên có nếp nhăn nho nhỏ nơi khóe mắt. Đường nét khuôn mặt bà cân đối, dung mạo dịu dàng, lúc còn trẻ cũng rất xinh đẹp.

Chị Hòa là vợ anh A Nhĩ, là hàng xóm láng giềng với nhà cậu.

Ngu Tô khom người, vươn tay muốn chọt đôi má hồng phúng phính kia. Ngón tay chỉ mới vừa sờ lên mặt bé đã bị mẹ Ngu gạt đi.

– Còn không đi ăn cơm à, lớn rồi còn chạy tới nghĩa địa chơi.

Mặc dù mẹ Ngu quở trách nhưng lời nói vẫn dịu dàng.

– Mẹ à, con không có đi chơi.

Cậu ngoan ngoãn bưng bát đến lịch gốm đơm thức ăn. Bà nấu món hầm lộn xộn có ngô, có thịt trai và rau dưa.

Ngu Tô xới cho mình một bát, cũng xới giúp cho bà một phần.

– Cha đâu ạ?

– Cha con được đức vua gọi đi, ông ấy đã ăn rồi.

Thức ăn nóng hổi, cậu chậm rãi ăn từ từ. Cầm cái thìa gỗ đưa vào miệng, nhai kỹ rồi nuốt xuống mới thêm thìa mới. Cậu ăn cơm không thô lỗ như mấy đứa con trai khác, nhìn rất là ngoan.

Mẹ Ngu sờ sờ đầu con, Ngu Tô lại nghiêng đầu đi, có vẻ không bằng lòng lắm. Cậu cảm thấy mình đã lớn không còn là đứa trẻ con. Bởi là con út trong nhà nên rất được cưng chiều.

– Mẹ ơi, con móc đất sét đầy giỏ làm được hai chậu gốm đó.

Ngu Tô nhớ rõ hôm qua bà vô ý làm vỡ chậu khi rửa trai.

– Nung gốm vất vả lắm, chờ con lớn hơn chút thì đi làm lính hầu cận với cha con cho đức vua đi.

Mẹ Ngu kéo sợi đay không ngừng tay.

– Chờ con lớn rồi bàn sau, mẹ cũng ăn đi.

Cậu cầm lấy bánh xe rồi đưa một bát đồ ăn nóng hầm hập cho bà.

Cha anh Ngu Tô đều làm thủ hạ cho đức vua, bọn họ ra vào cung ở trung tâm ngôi làng. Cậu không thấy tò mò về nơi đó như các bạn cùng lứa tuổi, vì có người thân nhậm chức ở đó chăng.

Bức tường thành cao vυ"t ngăn cách khu bình dân sinh sống, đi thẳng vào cung chỉ có một cánh cửa duy nhất, nó được rất nhiều hộ vệ trông coi. Cha anh cậu đảm nhiệm chức vụ hộ vệ nơi đó.

Ăn cơm xong, Ngu Tô ra sân, vào “phòng làm việc” của cậu. Đó là một gian nhà nhỏ, lúc trước dùng để bỏ mấy món đồ lặt vặt, bên trong rất lộn xộn. Nhưng cậu đã dọn dẹp sạch sẽ để cất công cụ nung gốm.

Ngu Tô mang các công cụ ra bên ngoài: Một cái bàn gỗ nhỏ, bàn xoay gốm và một ít thứ linh tinh. Đặt đất sét trên phiến đá xanh trơn nhẵn, cậu cẩn thận nhặt bỏ lá bèo thối trong đất sét rồi nhào nặn.

Rất nhiều nhà ở đây biết làm gốm. Làng có một phường gốm lớn chuyên nung đồ gốm cho đức vua. Sư phụ Ngu Tô là thợ gốm, cậu gọi người đó là chú Nhân.

Đất sét trên tảng đá nhẵn mịn như lụa, cậu vò nó thành que đất rồi đắp nặn theo cách làm chậu gốm.

Bàn xoay vang tiếng xèo xèo, xoay tròn có trật tự, phôi gốm hình thành từng chút trên đó.

Không biết trải qua bao lâu, khi nghe thấy tiếng chim bạc má đuôi dài hót líu lo trên cây lê chua, Ngu Tô dừng bàn xoay lại, ngẩng đầu lên. Mu bàn tay chà chà sợi tóc bên tai, có mấy sợi tủa ra từ bím tóc cọ vào cổ gây ngứa ngáy.