Cuộc Đời Của Pi

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Tên Khác: The Life Of Pi
Dịch giả: Trịnh Lữ Cuộc đời của Pi (tiếng Anh : Life of Pi) là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada, Yann Martel được xuất bản năm 2001 bởi nhà xuất bản Knopf Canada. Năm 2002, cuốn sách giúp tác  …
Xem Thêm

Chương 33
Tôi phải có vài lời về sự sợ hãi. Sợ hãi là đối thủ thực sự duy nhất của cuộc sống. Chỉ có sợ hãi mới đánh bại được cuộc sống. Nó là một đối thủ khôn ngoan và xảo quyệt, tôi biết điều này quá rõ. Nó không có liêm sỉ, không tuân thủ bất cứ một luật lệ gì, không biết thương xót. Nó tấn công chỗ yếu nhất của ta, và bao giờ cũng tìm thấy chỗ đó một cách dễ dàng. Nó luôn tấn công trước hết vào tinh thần của ta. Ta đang bình tĩnh, chủ động, hạnh phúc. Đùng một cái, sợ hãi, ngụy trang dưới dạng một nghi ngờ nhẹ nhàng, lẻn vào tinh thần ta như một tên gián điệp. Nghi ngờ gặp phải Không tin và Không tin cố đánh bật nó ra. Nhưng Không tin là một anh lính quèn kém võ trang. Nghi ngờ loại anh này ra khỏi vòng chiến một cách dễ dàng. Ta bắt đầu lo lắng, bồn chồn. Lý lẽ liền xung trận bảo vệ ta. Ta thấy yên lòng lại. Lý lẽ được trang bị bằng một thứ vũ khí và công nghệ hiện đại nhất. Nhưng, trước sự kinh ngạc của ta, mặc dù đã có những chiến thuật siêu đẳng và một số chiến thắng không thể phủ nhận, Lý lẽ vẫn bị yếu thế. Ta lại thấy yếu lòng, hoang mang. Nỗi lo lắng và bồn chồn của ta trở thành kinh hoàng.

Lúc ấy, Sợ hãi dồn toàn lực sang cơ thể ta, vốn đã lờ mờ cảm thấy có chuyện chẳng lành đang xảy ra. Lập tức, hai lá phổi ta vỗ cánh bay mất như một con chim, còn ruột gan ta thì như bầy rắn hốt hoảng trườn đi. Rồi đến lưỡi ta cứng đơ lại, còn hàm thì bắt đầu phi nước kiệu tại chỗ. Tai ta điếc đặc, còn cơ bắp bắt đầu run rẩy như sốt rét còn hai đầu gối thì bắt đầu run rẩy. Tất cả những bộ phận khác cũng vậy. Bộ phận nào cũng hỏng theo kiểu riêng của chúng. Chỉ có hai con mắt là chạy tốt. Chúng luôn chú ý tới sợ hãi.

Và thế là ta nhanh chóng có những quyết định tai hại. Ta bỏ rơi những đồng minh cuối cùng của mình là Hy vọng và Tin tưởng. Đó là lúc ta tự đánh bại chính mình. Và sợ hãi, thực chất, chỉ là ấn tượng đã đánh bại ta.

Chuyện đó rất khó nói ra bằng lời, bởi vì sợ hãi, nỗi Sợ hãi thực sự hằn sâu vào tận cốt tủy như khi ta phải đối mặt với cái chết, sẽ làm tổ trong ký ức ta như một tổ thịt thối: nó tìm cách làm thối mọi thứ, kể cả những lời sẽ phải dùng để nói về chính nó. Cho nên ta phải đấu tranh kịch liệt để diễn đạt nó ra. Ta phải chiến đấu đến cùng để làm rõ rang ánh sáng của những lời dùng để nói về nó. Bởi lẽ nếu không thế, nếu nỗi sợ hãi của ta trở thành một cõi đen tối không lời mà ta lẩn tránh, thậm chí còn có thể lãng quên, ta sẽ bỏ ngỏ chính ta cho những cuộc tấn công khác nữa của Sợ hãi, vì ta đã chưa bao giờ thực sự kháng cự kẻ đã từng đánh bại ta.

Chính Richard Parker làm tôi bình tĩnh trở lại. Điều trớ trêu trong chuyện này là lúc đầu nó đã làm tôi sợ mất mật nhưng lại cũng chính nó đem lại cho tôi sự bình yên, mục đích, và tôi dám nói rằng cả lành mạnh nữa.

Nó đang nhìn tôi rất chăm chú. Một lúc sau thì tôi hiểu ra cái nhìn của nó. Tôi đã lớn lên với nó. Đó là cái nhìn của một con thú đang bằng lòng với cuộc đời của mình, kiểu như ta đang nhìn ra ngoài sau một bữa ăn ngon trong tiệm và đã đến lúc nhìn ngó mọi người và chuyện gẫu với nhau. Rõ rang. Richard Parker đã ăn con linh cẩu đến căng bụng và uống đã nước mưa. Nó không hề nhe răng lợi, không gầm gừ lầu bầu gì hết. Nó chỉ giản dị nhìn tôi, quan sát tôi với dáng vẻ tỉnh táo nhưng không đe dọa. Nó vẫy tai, quay đầu sang hai bên với các góc độ khác nhau, hệt như loài mèo vẫn có thói như thế. Nó trông giống một con mèo to béo nuôi trong nhà, một con mèo cảnh nặng hơn hai tạ.

Nó khụt khịt, một tiếng khụt khịt từ trong mũi. Tôi dủng tai. Nó khụt khịt lần nữa. Tôi kinh ngạc. Chẳng lẽ thế?

Hổ phát ra nhiều âm thanh khác nhau. Chúng bao gồm một số tiếng gầm và tiếng gừ, to nhất trong số này có lẽ là tiếng aaoonh, rung hết các thanh đới, mà cả các đực và cái thường phát ra trong mùa giao phối. Đó là tiếng kêu vang rất xa và rộng, nếu nghe gần thì cực kì khủng khϊếp. Khi bị bất ngờ, hổ hộc lên một tiếng nghe như tiếng nổ gọn và sắc của một khối giận dữ, và ngay lúc ấy khiến chân ta bật lên tháo chạy nếu không phải bị rúm lại một chỗ. Khi chúng xông vào con mồi, hổ phát ra những tiếng gầm ngắn như tiếng ho tận cổ họng, còn để dọa thì tiếng gầm của nó lại mang âm sắc khác. Hổ còn có lối phì và gừ qua kẽ răng. Nghe có lúc như tiếng lá thu xào xạc trên đất, nhưng âm vang hơn một chút, hoặc nếu là một tiếng gừ giận dữ thì nghe như một cánh cửa khổng lồ đang từ từ mở ra trên những chiếc bàn lề gỉ bét, và cả hai loại âm thanh này đều làm ta buốt hết cả các đốt sống lưng. Hổ còn có nhiều âm thanh khác nữa. Khi chúng càu nhàu và rền rĩ. Chúng ư ử nhè nhẹ, mặc dù không có âm điệu và không thường xuyên như mèo, và chỉ ư ử khi thở ra. ( Chỉ có mèo là ư ử cả khi thở ra và hít vào. Đặc tính này phân biệt rõ rệt mèo với hổ. Đặc tính phân biệt nữa là chỉ có hổ mới có thể gầm. Thế cũng là tốt. Giả dụ mèo nhà mà cũng biết gầm như hổ thì chắc là chẳng ai muốn nuôi chúng như hiện nay. ) Hổ thậm chí có lúc kêu meo meo như mèo nhà, nhưng tiếng to hơn và âm vực thấp hơn, không khuyến khích người nghe cúi xuống bế chúng lên. Và hổ có thể hoàn toàn im lặng một cách oai vệ, đúng thế.

Tôi đã từng nghe tất cả những âm thanh đó từ hồi còn nhỏ. Trừ cái tiếng khụt khịt này mà người ta gọi là prusten. Sở dĩ tôi biết prusten là vì cha đã kể cho tôi biết. Trong sách cũng đã có những miêu tả về tiếng khụt khịt này của hổ. Nhưng cha đã một lần nghe thấy nó khi đến thăm và làm việc ở vườn thú Mysore, trong bệnh viện của bầy thú ở đó, từ một con hổ đực còn non đang được điều trị bệnh viêm phổi. Prusten là âm thanh im ắng nhất của loài hổ, một âm thanh phát ra qua lỗ mũi để biểu thị lòng nhân thiện và những ý định vô hại.

Richard Parker lại khụt khịt nữa, lần này thì với một động tác quay đầu. Trông nó đúng là đang cất tiếng hỏi tôi điều gì.

Tôi nhìn nó, lòng tràn đầy một sự kì diệu đáng sợ. Không thấy bị đe dọa ngay lập tức nữa, hơi thở của tôi lại dịu lại, tim không còn đập loạn xạ, và tôi bắt đầu tỉnh táo trở lại.

Phải thuần phục nó. Tôi chợt nhận ra điều đó. Không còn là vấn đề nó hoặc tôi, mà là nó và tôi. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chúng tôi đang cùng hội cùng thuyền. Chúng tôi sẽ sống – hoặc sẽ chết – cùng với nhau. Nó có thể bị chết vì một tai biến nào đó, hoặc có thể chết nhanh chóng hơn vì các nguyên nhân tự nhiên, nhưng hy vọng một kết cục như vậy là một điều xuẩn ngốc. Điều ngược lại còn dễ xảy ra hơn, vì với thời gian, sức người yếu ớt nơi tôi sẽ không thể bền bỉ như sức vóc thú vật của nó. Chỉ khi tôi thuần phục được nó, may ra tôi mới có thể lừa nó vào cái chết trước, nếu chúng tôi bị dồn vào tính trạng đáng buồn ấy.

Còn nhiều chuyện nữa. Tôi sẽ nói hết. Tôi sẽ thú nhận một bí mật; một phần con người tôi thấy vui vì có Richard Parker. Một phần con người tôi không muốn Richard Parker chết một tí nào. Vì nếu nó chết, tôi chỉ có một mình với nỗi tuyệt vọng, một đối thủ còn ghê gớm hơn cả một con hổ. Nếu như tôi vẫn còn muốn sống, thì đó là vì Richard Parker. Nó khiến tôi không phải nghĩ quá nhiều đến gia đình tôi và hoàn cảnh bi thảm của tôi. Nó thúc tôi tiếp tục sống. Tôi căm ghét nó là vì thế, mà cũng biết ơn nó là vì thế. Đúng là tôi biết ơn nó. Sự thật hiển nhiên là: không có Richard Parker, tôi đã không còn sống để kể câu chuyện này.

Tôi nhìn ra chân trời khắp xung quanh. Chẳng phải tôi đang có một sân khấu xiếc hoàn hảo, tròn trịa, không thể đào tẩu đi đâu và cũng không có một ngóc ngách nào để lần trốn được hay sao? Tôi nhìn xuống biển. Chẳng phải đó là nguồn các món ăn có thể dùng để thưởng và dạy nó nghe lời hay sao? Tôi để ý thấy có một cái còi lủng lẳng ở một chiết áo phao. Đó chẳng phải là chiếc roi tốt để cho nó đi đúng hàng đúng lối hay sao? Còn thiếu gì nữa để thuần phục Richard Parker? Thời gian ư? Phải hàng nhiều tuần lễ trước khi có chiếc tàu nào tình cờ phát hiện ra tôi. Quyết tâm ư? Không có gì khiến ta quyết tâm bằng nhu cầu sống còn. Kiến thức ư? Chẳng phải tôi là con trai của một người chủ vườn thú đấy sao? Phần thưởng ư? Có phần thưởng nào lớn hơn chính cuộc sống? Có hình phạt nào khủng khϊếp hơn cái chết? Tôi nhìn Richard Parker. Tôi không còn hoảng loạn nữa. Tôi đã chế ngự được nỗi sợ hãi. Sống còn đã nằm trong tầm tay.

Hãy nổi kèn hiệu lên. Gióng trống lên. Hãy bắt đầu màn trình diễn. Tôi đứng hẳn lên. Richard Parker để ý ngay. Đứng cho vững trên bè không phải dễ. Tôi hít một hơi dài và gào lên, “Thưa quý bà và quý ông, quý cô và quý cậu, hãy mau về chỗ của mình! Mau lên, mau lên. Quý vị không muốn bị muộn trò đâu. Hãy ngồi xuống, hãy mở mắt ra, mở lòng và chuẩn bị để được kinh hoàng. Nó đây rồi, để mang lại cho quý vị những vui vẻ mới lạ và niềm hoang lạc tràn đầy, buổi diễn mà quý vị đã chờ đợi bấy lâu nay, buổi diễn vĩ đại nhất trên trái đất này đã đến đây rồi! Quý vị đã sẵn sang thưởng thức những điều kỳ diệu của nó chưa? Rồi phải không ạ? Vậy thì, những kì diệu này biến ảo vô cùng. Quý vị đã thấy chúng trong những khu rừng ôn đới phủ đầy tuyết trắng. Quý vị đã thấy chúng trong những khu rừng rậm nhiệt đới gió mùa. Quý vị đã thấy chúng trong những xứ sở hoang vu cây cối thưa thớt. Quý vị đã thấy chúng trên những đầm lầy nước lợ mọc đầy xoài và mãng cầu. Sự thực là buổi diễn này có thể làm ở bất cứ đâu. Nhưng chưa bao giờ quý vị được thấy buổi biểu diễn ấy tại một nơi như nơi này! Quý bà và quý ông, quý cô và quý cậu, không dám nhiều lời thêm nữa, tôi xin vinh hạnh giới thiệu: “ĐOÀN XIẾC NỔI XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG, ẤN – CANAĐA, PI PATEL! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt!”

Tôi có tác động đến Richard Parker. Ngay tiếng còi đầu tiên, nó rùng mình và nhe nanh. Ha! Cứ việc nhảy xuống biển nếu máy muốn! Cứ thử đi xem nào!

“TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt!”

Nó gầm lên và cào hai chân trước vào không khí. Nhưng nó không nhẩy. Nó có khả năng không sợ hãi biển nữa khi bị đói khát giầy vò, nhưng bây giờ thì tôi phải tận dụng nỗi sợ hãi ấy của nó.

“TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt!”

Nó lùi lại và chúi xuống sàn. Buổi huấn luyện đầu tiên thế là xong. Một thành công vang dội. Tôi ngừng thổi còi, ngồi phịch xuống bè, hết hơi và mệt rũ người.

Và thế là ra đời:

Kế hoạch số bảy: Giữ cho nó sống.

Thêm Bình Luận