Cuộc Đời Của Pi

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Tên Khác: The Life Of Pi
Dịch giả: Trịnh Lữ Cuộc đời của Pi (tiếng Anh : Life of Pi) là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada, Yann Martel được xuất bản năm 2001 bởi nhà xuất bản Knopf Canada. Năm 2002, cuốn sách giúp tác  …
Xem Thêm

Chương 17
Tối hôm đó, tôi nghe lỏm được cha mẹ nói chuyện với nhau.

“Em đồng ý rồi à?” Cha hỏi.

“Em biết nó đã hỏi anh. Anh đã đùn nó sang cho em,” mẹ trả lời.

“Anh ấy à?”

“Đúng rồi.”

“Anh bận suốt cả ngày.”

“Bây giờ anh hết bận rồi, nhìn anh em biết là anh hoàn toàn đang rỗi và thoải mái. Nếu anh muốn xung phòng vào buồng nó, rút cái thảm cầu nguyện dưới chân nó và thảo luận về vấn đề thụ lễ phong tên thánh với nó, thì anh cứ đi đi. Em không phản đối.”

“Không, không.” Qua giọng cha tôi có thể hình dung ông đang ngồi sâu hơn vào chiếc ghế của ông. Một lúc im lặng.

“Nó có vẻ thu hút các tôn giáo như kiểu chó thu hút rận,” cha nói. “Anh không hiểu được. Mình là một gia đình Ấn Độ hiện đại; mình sống theo lối sống mới; Ấn Độ đang ở đỉnh điểm của quá trình trở thành một dân tộc thực sự tiên tiến và hiện đại - thế mà đúng lúc này mình lại sinh ra một thằng con trai đinh ninh nó là hậu thân của thần Ramasrishna.”

“Nếu bà Grandhi là đại diện của cái hiện đại và tiên tiến mà anh vừa nói đến, em cũng chẳng biết mình có ưa được những cái đó không đây,” mẹ nói.

“Bà Grandhi rồi sẽ qua đi chứ! Nhưng sự tiến bộ thì không thể dừng lại được. Nó là hồi trống mà tất cả chúng ta đều phải bước theo. Khoa học kỹ thuật là có ích và các ý tưởng hay sẽ truyền bá – đó là hai quy luật của tự nhiên. Nếu ta không để cho khoa học kỹ thuật giúp ích cho cuộc sống, nếu ta cưỡng lại các ý tưởng hay, ta sẽ tự kết án mình vào vòng mông muội với các loài khủng long mà thôi! Anh tuyệt đối tin tưởng vào điều này. Bà Grandhi và những cái ngớ ngẩn của bà sẽ qua đi. Một nước Ấn Độ mới sẽ đến.”

(Quả thực bà ấy sẽ qua đi. Và nước Ấn Độ Mới ấy, hoặc một gia đình của nó, sẽ quyết định di cư sang Canada.)

Cha nói tiếp: “Em có nghe lúc nó nói ‘Bác Gandhi từng dạy rằng hết thẩy các tôn giáo đều là chân lý’ không?”

“Có.”

“Bác Gandhi? Thằng bé này đang ngày một thân thích với Gandhi đến thế kia à? Sau bác với cha Gandhi sẽ còn là cái gì đây? Bác Jesus chắc? Mà lại còn cái rất phi lý nữa – có đúng là nó đã thành một tín đồ Hồi giáo không?”

“Có vẻ thế.”

“Một kẻ Hồi giáo! Nói thực, là một tín đồ Hinđu mê muội thì anh cũng còn hiểu được. Kể cả là một người Cơ đốc nữa, mặc dù có hơi lạ nhưng cũng vẫn còn có thể hiểu được. Người Cơ đốc đã ở đây từ lâu – Thánh Thomas, Thánh Francis Xavier, những nhà truyền giáo và vân vân. Nhờ họ mà ta có các trường tử tế.”

“Vâng.”

“Cho nên tất cả những cái đại loại thế anh có thể chấp nhận được. Nhưng mà Hồi giáo! Cái đó hoàn toàn ngoại lai với truyền thống của chúng ta. Tín đồ Hồi giáo là những kẻ xa lạ bên ngoài.”

“Họ cũng đã ở đây từ rất lâu rồi đấy chứ. Họ còn đông hơn dân Cơ đốc hàng trăm lần.”

“Cũng thế thôi. Họ là người ngoài.”

“Có thể thằng Piscine nhà mình đang bước đều theo một nhịp trống tiến bộ khác.”

“Em bênh nó hả, em cứ mặc cho nó tự huyễn mình thành một thằng Hồi giáo đấy hả?”

“Thì làm gì được bây giờ, hả anh Santosh? Nó đã ghi lòng rồi, mà rồi thì có hại gì đến ai đâu. Có thể cũng chỉ là một giai đoạn thôi. Cả cái đó nữa rồi cũng qua đi – như bà Gandhi vậy.”

“Sao nó không thể có những vui thú bình thường như bọn trẻ cùng lứa được nhỉ? Như thằng Ravi đấy. Nó chỉ biết nghĩ đến bóng chày, xinê và âm nhạc.”

“Anh nghĩ như vậy tốt hơn à?”

“Không, không. Ôi chao, anh cũng chẳng biết nên nghĩ thế nào nữa. Suốt cả ngày rồi.” Cha thở dài. “Chẳng biết rồi nó sẽ đi đến đâu với những cái đam mê ấy.”

Mẹ tặc lưỡi. “Tuần trước nó vừa đọc xong một cuốn nhan đề bắt chước Đấng Christ.”

“Bắt chước Đấng Christ! Còn nói gì được nữa! Chẳng biết rồi nó sẽ đi đến đâu với những đam mê ấy!” Cha kêu to.

Và cả hai đều cười.

Tôi yêu tấm thảm cầu nguyện của mình. Cho dù chất lượng nó vào loại thường, nhưng nó thật ngời ngời đẹp đẽ trong mắt tôi. Rất tiếc là nó không còn nữa. Bất cứ tôi trải nó xuống đâu, mảnh đất bên dưới và ngay xung quanh nó cũng trờ thành đặc biệt thân thiết với tôi. Điều đó chúng tỏ nó là một thấm thảm cầu nguyện tốt vì nó biết nhắc nhở tôi rằng đất này chính là sáng tạo của Thượng đế và nơi nào cũng thiêng liêng như nhau. Hoa văn thảm, những đường nét như vàng ròng trên nền đỏ, có kiểu cách giản dị; một hình chữ nhật dài với một tam giác ở một đầu để chỉ hướng cầu nguyện, có những nét phẩy nho nhỏ rải rác xung quanh, như những vệt khói hoặc nét nhấn nhá của một ngôn ngữ xa lạ. Mặt thảm êm. Khi cầu nguyện, hàng rua ngắn không thắt nút ở hai bên mép đầu và cuối của nó chỉ cách đỉnh trán và các ngón chân tôi dăm bảy phân, vừa vặn ấm cúng khiến tôi cảm thấy an toàn như ở nhà mình bất kì nơi nào tôi cầu nguyện.

Tôi cầu nguyện ngoài trời bởi vì tôi thích thế. Tôi thường trải tấm thảm của tôi ở một góc sân đằng sau nhà. Đó là một chỗ kín đáo dưới bóng mát một cây bạch phụ tử, sát cạnh bức tường có giàn hoa giấy leo kín. Dọc chân tường có hàng chậu trồng cây trạng nguyên. Những dây hoa giấy cũng cả cây bạch phụ tử. Những dây leo nho tim tím của có tương phản với những đóa hoa đỏ của cái cây trông thật vui mắt. Khi cây ấy vào mùa ra hoa, nó là nơi lui tới thường xuyên của quạ, sáo sậu, chích choè, chào mào và vẹt. Bức tường thì ở phía tay trái tôi, theo một góc rộng. Trước mặt và về phía bên trái, qua khỏi dải bóng râm lung linh của cái cây, là khoảng sân lộ thiên đầy nắng. Cảnh vật không phải lúc nào cũng vậy, tất nhiên rồi, mà có thay đổi tuỳ thời tiết, tuỳ ngày và tuỳ giờ. Nhưng tất cả những gì tôi vừa tả ghi dấu thật rõ ràng trong ký ức tôi, như thể chúng chẳng bao giờ thay đổi. Để hướng về phía Mecca cho đúng, tôi vạch một đường đánh dấu xuống mặt đất vàng nhạt và cẩn thận duy trì nó.

Có nhiều lần, khi cầu nguyện xong, hễ quay lại là tôi thấy cha hoặc mẹ hoặc Ravi đang quan sát mình. Rồi thì mọi người cũng quen đi.

Lễ đặt tên thánh cho tôi thì hơi lúng túng một chút. Mẹ chịu làm theo các nghi thức một cách êm thấm, cha chỉ đứng nhìn nghiêm nghị lạnh lùng, còn Ravi thì thường tình vắng mặt nhờ có trận bóng chày, nhưng không phải vì thế mà không lải nhải bình phẩm suốt về sau này. Dòng nước chảy xuống mặt xuống cổ tôi; chỉ một bình nước nhỏ thôi, nhưng tác dụng của nó tươi mới như một trận mưa mùa

Tại sao người ta di cư? Cái gì khiến họ nhổ rễ và rời bỏ tất cả những gì quen thuộc để đến một nơi xa tận bên kia chân trời? Tại sao phải trèo qua dãy thái sơn của các thủ tục giấy tờ khiến ta cảm thấy mình như một kẻ ăn mày? Tại sao phải dấn bước vào khu rừng ngoại lai nơi tất cả mọi thứ đều lạ lẫm, khó khăn và chưa từng thấy?

Chỉ có một câu trả lời: người ta di cư vì hy vọng có một cuộc đời tốt đẹp hơn.

Giữa thập kỷ 1970 là một thời kỳ khó khăn của Ấn Độ. Tôi đoán biết điều đó từ những nếp nhăn trên trán cha mỗi khi cha đọc báo. Hoặc từ những mẩu đối thoại tôi nghe được giữa cha, mẹ, Mamaji và những người khác. Không phải là tôi không hiểu nổi những chuyển biến trong những vấn đề họ nói với nhau. Nhưng tôi không mấy quan tâm đến chúng. Bầy khỉ độc vẫn hau háu chờ món chapattis của chúng hằng ngày; lũ khỉ chẳng bao giờ hỏi tin tức New Dehli; tê giác và dê vẫn tiếp tục chung sống yên ổn; chim chóc vẫn hót líu lo; mây vẫn mang mưa, mặt trời vẫn nóng; trái đất vẫn thở đều; Thượng đế vẫn… chẳng có gì cấp cứu trong thế giới của tôi.

Cuối cùng thì bà Gandhi đã làm cho cha hết chịu đựng nổi. Tháng Hai 1976, Dehli giải tán chính quyền vùng Tamil Nadu. Chính quyền từng to mồm chỉ trích bà nhiều nhất. Việc chuyển giao chính quyền diễn ra êm thấm – chính phủ địa phương của thủ tướng Karunanidhi im lặng biến mất qua các vụ “từ chức” và quản thúc tại gia. Thực ra, việc một chính quyền địa phương bị giải tán thì có là cái gì so với việc bản Hiến pháp của cả quốc dân đã bị phế từ cả tám tháng trước đó? Nhưng với cha, đó là dấu hiệu cuối cùng của việc bà Gandhi đã lên ngôi độc tài và tiếm đoạt quốc gia. Con lạc đà trong vườn thú chẳng hề hấn gì, nhưng cái sợi rơm ấy đã bẻ gãy lưng cha.

Cha kêu lên, “Chẳng mấy chốc mụ sẽ đến vườn thú của chúng ta và bảo rằng các nhà tù của mụ đều đã chật ních cả, rằng mụ cần thêm chỗ, rằng liệu chúng ta có giam được ông Desai vào cùng một chuồng với sư tử được chăng?”

Morarji Desai là một chính khách đối lập. Không phải bạn với bà Ganhdi. Tôi thấy buồn vì nỗi lo không dứt của cha. Bà Gandhi có thể tự tay bỏ bom vườn thú, chuyện đó cũng chẳng có sao đối với tôi nếu cha cũng vui vẻ coi đó là việc bình thường. Giá mà cha đừng khổ sở dằn vặt đến thế. Thật khổ cho một đứa con trai phải thấy cha nó phát ốm vì lo lắng.

Cha lo lắm. Việc làm ăn nào cũng có rủi ro cả, nhưng không có rủi ro nào bằng một công việc làm ăn nhỏ, khi đã mất là mất cả chì lẫn chài. Vườn thú là một thiết chế văn hóa. Cũng như một thư viện công cộng, một nhà bảo tàng, nó phục vụ công chúng trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Trong quan điểm đó, nó không phải là một việc làm ăn vì mục đích kiếm tiền, vì Điều Thiện Lớn và Lời Lãi Lớn là những mục tiêu không tương thích nhau. Cha đã rất cáu vì thế. Sự thật là, chúng tôi không phải là một gia đình giàu có, nhất là theo tiêu chuẩn Canada. Chúng tôi là một gia đình nghèo tình cờ sở hữu một lũ thú vật, mặc dù không sở hữu được cái mái nhà trên đầu chúng, và cả trên đầu chúng tôi nữa, nhân tiện phải nói luôn thế. Cuộc sống của một vườn thú, cũng như cuộc sống của các cư dân trong hoang dã, là bấp bênh khôn lường. Nó không phải một doanh nghiệp đủ lớn để có thể đứng trên luật pháp, mà cũng không đủ nhỏ để sống sót được sau những mất mát. Để phồn thịnh, vườn thú cần đến quốc vụ viện, các cuộc bầu cử dân chủ, tự do ngôn luận, tư do báo chí, tự do hội họp, luật lệ pháp chế rõ ràng và đủ mọi thứ khác nữa mà người ta đã cam kết thiêng liêng là phải có trong bản Hiến Pháp Ấn Độ. Không thế thì không tài gì mà lo cho vườn thú được. Lâu dài mà nói, chính trị tồi là có hại cho doanh nghiệp.

Người ta di cư vì mệt mỏi quá rồi trong tình trạng lo âu. Vì cái cảm giác cắn rứt rằng dù mình có cố mấy đi nữa thì cũng chẳng ăn thua gì, rằng công sức cả năm rồi cũng bị người khác cướp mất chỉ trong một ngày. Vì cái ấn tượng rằng, tương lai thế là hết, rằng mình thì thế nào cũng xong nhưng con cháu mình thế là hết đường rồi. Vì cái cảm giác rằng chẳng có gì thay đổi nữa, rằng hạnh phúc và phồn vinh chỉ có thể có được ở một nơi nào khác mà thôi.

Nước Ấn Độ Mới đã bị đập vỡ tan tành và sụp đổ trong ý nghĩa của cha. Mẹ nhượng bộ. Chúng tôi sẽ bùng đi nơi khác thôi.

Quyết định ấy được tuyên cáo trong một bữa ăn tối. Ravi và tôi ngồi chết lặng! Canada! Nếu như Andhra Pradesh, ngay phía bắc chúng tôi, đã là một viễn xứ; nếu Sri Lanka, chỉ cách chúng tôi một eo biển hẹp khỉ có thể nhảy qua, đã là cái phía tối của mặt trăng, thử tưởng tượng xem Canada sẽ là cái gì? Canada không là gì đối với chúng tôi cả. Nó giống như Timkubu(1), theo định nghĩa là một nơi mãi mãi xa vời.

Ghi chú:

(1) Timkubu, một thị trấn ở trung bộ Mali, Tây Phi, một nơi nổi tiếng hẻo lánh, nên cái tên Timkubu đã đồng nghĩa với một nơi rất xa vời.

Thêm Bình Luận