Chương 16

ĐOẠN 16

Tôi đi khỏi nhà được một ngày thì bố mẹ Đăng cũng biết chuyện, vì không liên lạc được cho tôi nên hai người đã đến tận nhà Duy. Tôi không muốn gặp bố mẹ Đăng nên đã nhờ anh ấy từ chối giúp mình và bảo họ về trước, đợi đến khi tinh thần tôi ổn định trở lại sẽ liên lạc với họ sau. Nhưng mẹ Tuyết nhất quyết không về, tôi đứng trên lầu nghe bên dưới giọng mẹ thành khẩn xin ông ngoại Duy và anh ấy cho mẹ được lên trên nói chuyện với tôi một lúc. Cuối cùng, chính tôi cũng không muốn thấy mẹ vì chuyện của tôi và Đăng mà lo lắng và cũng muốn nói rõ ràng quan điểm nên đã đồng ý gặp bà.

Mẹ vừa bước vào trong, thấy tôi ngồi trên giường chơi với An liền nhanh chân chạy đến ôm tôi vào lòng, giọng mẹ buồn thiu nói:

-Mẹ xin lỗi, xin lỗi con…

-Mẹ không có lỗi, mẹ đừng xin lỗi con.

-Con và An theo mẹ về đi, được không?

-Con không về đâu ạ.

Có lẽ mẹ nghĩ tôi không chịu về là vì không muốn đυ.ng mặt với Đăng nên vội giải thích để thuyết phục tôi:

-Mẹ con con về ở với bố mẹ, mẹ hứa sẽ không cho thằng Đăng bước chân sang nhà chúng ta làm con khó chịu đâu. Con theo mẹ về nhé.

Tôi rời khỏi vòng tay mẹ Tuyết, nắm lấy bàn tay mẹ nói:

-Mẹ, con thật sự không thể về. Mấy năm qua bố mẹ cho con cuộc sống đủ đầy con rất biết ơn và sẽ không quên ơn của bố mẹ. Tuy con không có duyên làm con dâu của bố mẹ nhưng con vẫn luôn xem bố mẹ là người thân của con, bé An vẫn mãi là cháu gái của bố mẹ.

-Di à… mẹ cũng xem con như con gái ruột vậy đó. Nhìn thằng Đăng gây tổn thương cho con khiến con phải đau lòng bỏ đi, mẹ thấy có lỗi nhiều lắm.

-Con không sao. Thời gian dần trôi nỗi buồn cũng sẽ qua đi thôi ạ. Con cũng xin phép mẹ sắp tới cho con yên tĩnh để bình tâm lại được không ạ? Bố mẹ đừng đến tìm con và bé An nhé, đợi khi con buông bỏ được mọi chuyện con sẽ đưa bé An về chơi với bố mẹ.

Tôi luôn quan niệm thế này, chia tay một người không chỉ là chấm dứt mối quan hệ với người đó, mà còn với tất cả mọi thứ thuộc về họ, ví như gia đình, những người thân thuộc, những người bạn chung. Vậy nên dù có tiếc nuối một số mối quan hệ thì bản thân vẫn phải miễn cưỡng từ bỏ, có như thế những kỉ niệm liên quan đến người cũ mới nhanh chóng phai mờ.

Mẹ Tuyết nghe tôi nói thì buồn nhiều lắm, khóe mắt bà rưng rưng bảo tôi:

-Con đừng làm vậy, mẹ sẽ nhớ con và bé An lắm.

-Chỉ một thời gian thôi ạ. Mẹ đồng ý với con nhé.

Mẹ biết không thể khuyên được tôi và cũng biết tôi cần thời gian để nguôi ngoai đi mọi chuyện, bây giờ có về sống cùng họ chỉ tổn làm tôi thêm đau buồn. Thế nên ngẫm nghĩ một hồi, dù không muốn nhưng bà vẫn phải đồng ý với tôi:

-Nếu con đã quyết định không về, mẹ không ép con nữa. Mẹ đợi mọi chuyện lắng xuống, con và bé An về chơi với bố mẹ nhé.

-Vâng.

Mẹ Tuyết lấy trong túi ra chiếc thẻ ngân hàng dúi vào tay tôi, tôi không nhận mà đẩy lại thì mẹ bảo:

-Con đừng từ chối, con và An cần tiền sinh hoạt, coi như là con nhận thay cho An, có như vậy mẹ mới yên tâm khi con sống bên ngoài.

Tôi nhìn xuống thẻ ngân hàng trong tay mình, nghĩ không thể cứ ở đây ăn bám gia đình anh Duy, với lại bé An cũng là cháu nội của ông bà, họ chu cấp tiền cho cháu mình là điều đương nhiên. Tôi sống thiếu thốn tí không sao nhưng bé An còn nhỏ, cần một cuộc sống đủ đầy thì mới khỏe mạnh phát triển được. Vì vậy tôi không từ chối nữa, tôi nói với bà:

-Con thay An cảm ơn bố mẹ.

-Là điều bố mẹ nên làm cho con.

-Dạ.

Chúng tôi nói chuyện thêm ít phút nữa thì cũng đến giờ mẹ Tuyết về. Trước khi rời đi, bà cúi người hôn lên trán con gái tôi một nụ hôn rất sâu, bịn rịn không muốn xa. Tôi biết bà yêu cháu, thương tôi, nhưng có những chuyện đã không thể làm khác thì buộc chúng ta phải chấp nhận. Chấp nhận mẹ con tôi không có duyên với gia đình họ, chấp nhận cuộc sống sau này của tôi và bé An không liên quan đến gia đình họ. Sớm muộn gì Đăng cũng lấy người anh yêu, sinh cho ông bà những đứa cháu nội khác, đến lúc đó mọi người sẽ dần quên đi sự xuất hiện của mẹ con tôi mà thôi.

Những ngày sau đó, sống chung với gia đình anh Duy cũng không có quá nhiều điều bất tiện, mọi người ở đây rất thân thiện, từ người làm đến ông ngoại anh Duy đều yêu thương bé An. Hàng ngày ngoài việc chăm con, tôi cũng phụ giúp bác Tâm việc nhà, mặc dù anh Duy không mượn tôi động chân động tay đến những chuyện vặt vãnh nhưng tôi nghĩ mình đã đi ở nhờ thì nên làm gì đó phụ giúp họ, vậy nên dù anh Duy có khuyên bảo bao nhiêu tôi vẫn làm theo ý mình.

Ở nhà Duy được hai tuần, tôi quyết định dọn ra ngoài sống, tôi không muốn cả đời này mình cứ sống mãi như cây tầm gửi, hết dựa dẫm vào gia đình Đăng bây giờ còn làm phiền đến anh Duy thì cũng không phải phép. Có điều khi tôi thông báo dọn đi, anh Duy một mực từ chối, thái độ anh ấy gay gắt đến khó hiểu. Nhưng ý tôi đã quyết dù anh Duy có muốn hay không cũng không thay đổi được quyết định của tôi. Sau một hồi tranh biện, cuối cùng anh ấy đành thỏa hiệp với điều kiện tôi phải đến sống trong căn chung cư của anh ấy cách biệt thự không xa. Trước lời đề nghị của Duy, tôi không từ chối vì đằng nào cũng phải đi tìm nhà, giờ được anh ấy giới thiệu thì việc gì tôi phải mất công đi tìm nơi ở mới. Nhưng tôi không ở không mà mỗi tháng vẫn trả tiền thuê nhà cho anh ấy, không bằng tiền mặt thì cũng bằng những bức tranh và bản thiết kế anh Duy đặt trước đó.

Cuộc sống mới của mẹ con tôi không quá khó khăn như tôi nghĩ, tiền trong tài khoản ngân hàng mẹ Tuyết đưa hầu như tuần nào cũng cộng vào 8 con số. Gia đình họ giàu có, họ cho tôi tiền nuôi con thì tội gì tôi không nhận, nhưng số tiền đó tôi chỉ chi tiêu cho bé An, mua bỉm sữa và những đồ dùng cần thiết cho con, còn những thứ liên quan đến mình thì dùng tiền tôi tự kiếm từ vẽ tranh.

Nhớ lúc trước sống bên Đăng, anh từng nói nếu một ngày tôi bán tác phẩm của mình anh sẽ là người đầu tiên mua ủng hộ, nhưng tôi đã bán rất nhiều tác phẩm mà không cái nào cho anh cả, toàn bộ đều là anh Duy mua lại và các đơn đặt hàng trên mạng. Ban đầu tôi chưa biết cách kiếm tiền, có lần lướt tiktok thấy một chị quay clip vẽ tranh đăng lên được nhiều người yêu thích, thấy thế tôi cũng học đòi làm video giống chị ấy, có chút sáng tạo hơn là vừa vẽ vừa nói vu vơ những câu tản văn buồn nên nhanh chóng được lên xu hướng có nhiều người biết đến.

Sau đó, tôi lập một fanpage bán những bức vẽ nhỏ, cứ một bức tranh tôi sẽ in thành nhiều bản bán cho nhiều người. Vì khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, giá bán không cao nhưng số lượng người mua rất nhiều, một ngày ít nhất cũng có khoảng trên dưới 20 người hỏi mua, tích tiểu thành đại cũng thu được khoản tiền kha khá.

Thời gian của tôi toàn bộ là cho con gái, đam mê và kiếm tiền, cả ngày tôi chỉ dành ra 6 tiếng để ngủ nghỉ. Không phải tôi không mệt, mà là không muốn rảnh rỗi rồi lại nhớ đến một người. Thế nhưng lắm hôm nằm ôm bé An trong lòng, tôi không kìm lòng được mà nhớ đến người ấy. Tôi nhớ giọng nói của Đăng, nhớ sự quan tâm là thói quen, nhớ mùi hương trên cơ thể anh và cả những cái ôm không quá mặn nồng. Tôi nhớ anh nhiều lắm, dặn lòng không được rơi nước mắt vì anh nhưng khi cảm xúc trào dâng, nhìn đến gương mặt con gái giống anh như đúc tôi lại không cầm được nước mắt. Mỗi lần nhớ là một lần tự hỏi: anh đang làm gì, có nhớ mẹ con tôi không, phải chăng anh đang rất hạnh phúc bên cô ta?..

Rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi mỗi khi màn đêm buông xuống, gặm nhấm trái tim đã chi chít những vết thương.

Vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, thấy tôi đã lâu không chịu ra ngoài chơi, Duy đến nhà đưa mẹ con tôi đi dạo quanh thành phố. Lượn lờ một lúc, tôi bảo anh ấy đưa mình về ngôi chùa ngoài ngoại thành từng gắn bó với tôi suốt 15 năm. Cũng đã hơn một năm, từ ngày tôi mang thai bé An hôm nay mới quay trở lại đây.

Sư cô đang quét lá trước sân chùa, vừa thấy tôi liền nhoẻn miệng cười tươi bước tới:

-Di, con về đấy à? Lâu rồi mới gặp con.

Thấy trong tay tôi ôm một đứa bé, bên cạnh là anh Duy, sư cô thoáng nhìn qua họ ngập ngừng:

-Đây là…

-Dạ, anh ấy tên Duy, là bạn của con. Còn em bé là con gái con, tên Thiên An ạ.

-Ồ, con lấy chồng rồi hả? Mấy đứa vào trong trước đi.

-Vâng.

Chúng tôi vào trong nhà gỗ, sư cô rót nước đẩy cốc đến trước mặt chúng tôi, cô nói:

-Hai đứa uống đi.

-Vâng.

-Một năm không gặp, con dường như trưởng thành hơn nhiều rồi.

-Con vẫn nhỏ tuổi nên nhiều lúc suy nghĩ còn nông cạn, nhưng giờ đã làm mẹ cũng buộc mình phải trưởng thành hơn ạ.

-Sao chồng con không đi cùng, cậu ta bận gì à?

-Chúng con chưa kết hôn thì đã chia tay rồi ạ.

-Sao vậy?

Tôi im lặng cúi đầu nhìn đến bé con trong lòng, vừa ngẩng đầu định nói thì anh Duy lên tiếng trước:

-Con xin phép ra ngoài đi dạo một lúc, sư cô và Di cứ nói chuyện đi ạ.

Sư cô nhìn anh Duy gật đầu, anh ấy cũng đáp lại, quay sang chìa tay trước tôi:

-Đưa anh bế An cho.

-Vâng.

Sau khi anh Duy bế An ra ngoài, tôi lén thở dài một tiếng rồi từ từ kể lại chuyện giữa mình và Đăng với sư cô. Nghe xong, sự cô hỏi tôi:

-Con rất yêu cậu ấy?

-Vâng. Dù anh ấy không yêu con nhưng con vẫn không muốn buông bỏ tình cảm này.

-Con không nên cố chấp. Cuộc đời sẽ có lúc con gặp một người con yêu thương say đắm, một người mà suốt đời con không thể quên nhưng lại chẳng đến được với nhau. Đó là những người không duyên không phận. Gặp được nhau là do ý trời nhưng có đến được với nhau hay không lại là ở mỗi người.

-Nếu chúng con cố gắng cho nhau một cơ hội, vậy có thay đổi được cuộc hôn nhân này không ạ?

Sư cô khẽ cười, lắc đầu nói:

-Phận dạy rằng, kiếp trước ngoái đầu nhìn lại 500 lần mới đổi được một lần gặp nhau ở kiếp này. Thế nhưng, gặp nhau là nghiệp duyên hay thiện duyên còn phụ thuộc vào nhân quả đã tu ở kiếp trước. Ở được bên nhau, phận ngắn hay dài cũng là điều không ai có thể nói trước. Hôm nay có duyên phận không có nghĩa là vĩnh viễn sẽ có duyên phận. Không cố ý theo đuổi thì có, bỏ tâm cố gắng lại chẳng thành. Như câu nói: “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”.

-…

-Vạn vật trên đời vốn dĩ đến và đi bởi một chữ duyên, người gặp người bởi vì duyên đủ, nợ đầy và xa nhau cũng là lúc nợ kia đã trả, duyên này đã phai. Vậy nên, hà tất phải cưỡng cầu.

Sư cô đã nói vậy, nghĩa là muốn tôi bằng lòng chấp nhận sự an bài giữa tôi và Đăng. Chúng tôi đã hết duyên, hết nợ nên dù có chung một đứa con cũng không thể thay đổi được mối duyên này. Hoàn toàn chẳng còn chút hy vọng nào chăng?

Đến đây, tôi không thể nói gì được nữa chỉ đành im lặng, trầm mặc hướng tầm mắt nhìn đến bức tượng Bồ tát phía ngoài kia. Còn nhớ ngày trước, mỗi khi nản lòng về một chuyện gì, tôi sẽ ngẩng đầu ngắm nhìn nụ cười nở trên môi Bồ tát rồi lại tự nhủ, chỉ cần bản thân nỗ lực hết sức thì sẽ có được những điều mình mong muốn. Nhưng hóa ra sau những chuyện xảy ra, sau khi nghe những lời sư cô nói tôi mới biết, nỗ lực thôi chưa đủ, có những thứ thuộc về duyên số thì cần phải học cách chấp nhận. Chấp nhận ai đến ai đi trong đời là tùy duyên, chấp nhận bản thân cần phải trải qua đau thương để trưởng thành, chấp nhận cũng là một bài học đáng giá cho tôi có thêm lòng dũng cảm trước cuộc đời này.

Ừ thì vô duyên nên đành vô phận…

Tôi đứng dậy xin phép sư cô đi tìm anh Duy.

Đứng từ phía xa, thấy anh ấy đang ôm con gái tôi ngồi dưới Đại điện, bên cạnh còn có Trụ trì, lòng tôi chợt nôn nao một cảm giác khó tả. Không biết từ bao giờ mối quan hệ giữa chúng tôi lại gần nhau đến thế, tôi cảm nhận được rất rõ sự quan tâm vượt mức tình bạn mà anh ấy dành cho tôi. Biết nói thế nào nhỉ, sự bao bọc, che chở lớn đến mức nhiều khi tôi còn lầm tưởng rằng anh ấy có tình cảm với mình, nhưng sau tất cả, từng cử chỉ và lời nói của anh Duy lại giống như một người anh trai. Có lẽ vì nỗi đau mất em gái, vì tôi và em gái anh ấy xêm xêm tuổi nhau nên Duy đã coi tôi là bạn ấy, dành cho tôi một thứ tình cảm đặc biệt đến vậy.

Khi Duy cúi đầu trước tượng phật, lúc anh ấy quay sang nhìn Trụ trì, tôi chợt thấy Duy đưa tay lên dụi mắt, đến lúc ra ngoài viền mắt đã đỏ hoe như sắp khóc. Tôi tò mò hỏi:

-Anh khóc đấy à?

Anh Duy mỉm cười đáp:

-Không. Ai con trai lại khóc. Anh ngồi trong đó lâu mùi hương làm cay mắt anh thôi.

Tôi nhìn đến bé con, thấy hai mắt An vẫn sáng như sao, có cay mắt gì đâu, chẳng lẽ anh ấy yếu đuối trước mùi hương vậy cơ à? Thấy tôi nghi ngờ, anh Duy liền đưa đến trước tôi một chuỗi vòng hạt, nói lảng sang chuyện khác:

-Của em này, Trụ trì cho ba chúng ta đấy.

-À… vâng…

-Chúng ta về thôi.

-Vâng.